Có một giống bồ câu sau khi được thả đi thì không biết phương hướng để trở về tổ của mình, chúng thường trở thành món ăn trên bàn của những người thợ săn. Loài bồ câu này người ta gọi là bồ câu thịt. Lại có một giống bồ câu khác, dẫu bay xa đến đâu, dù là ngàn núi vạn sông, chúng vẫn biết phương hướng bay trở lại chốn cũ, người ta gọi chúng là chim bồ câu chiến, một giống chim ưu tú.
Không chỉ bồ câu mới có tính tốt và xấu rõ ràng mà các loài động vật khác cũng vậy. Ví dụ như lòng trung thành của loài chó, cho dù chịu đói khổ đến mấy, chúng cũng không bao giờ rời xa chủ. Nếu như chúng “tham lợi bỏ nghĩa”, chạy theo người có điều kiện nuôi dưỡng đầy đủ, thì sao đáng để chúng ta nói rằng chó là người bạn trung thành nhất của con người.
Thời xưa, những người phụ nữ đức hạnh trinh tiết được người đời ca tụng là “tam trinh cửu liệt”. Cũng vậy, những người đối với chủ hết lòng trung thành, đối với bạn sống trọn tình trọn nghĩa thì được gọi là “trung thần nghĩa sĩ”. Cho nên muốn biết ai tốt ai xấu, đúng như câu nói: Đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới thấy người ngay kẻ hèn.
Một người lính có thể chiến đấu hay không phải xem cách bạn huấn luyện họ chỉ để đủ quân số hay để trở thành một binh sĩ tinh nhuệ? Trên thương trường cũng vậy, trong đội ngũ nhân viên của bạn, không phải nhất thời là bạn đã có thể nhìn ra được ai là người trung thành hay phản bội, có năng lực hay không, mà phải trải qua thời gian dài để thử thách kiểm nghiệm, mới biết được trong số họ, ai là người ưu tú xuất sắc, có thể tiên phong đương đầu gánh vác công việc, ai là kẻ tầm thường chỉ biết ăn không ngồi rồi.
Là người đứng ở vị trí lãnh đạo, gặp phải người cấp dưới có tâm không kiên định trung thành, đứng núi này trông núi nọ, thì bạn cũng không nên khó chịu, bởi tính cách của kẻ tiểu nhân sẽ nhanh chóng bộc lộ và bạn nên sớm sa thải anh ta để tránh những tổn thất lớn sau này, đó không phải là việc làm xấu. Còn nếu như họ là người thực sự có năng lực, bạn lại không nhận ra phẩm chất tốt đẹp và tài năng của họ thì thật là điều đáng tiếc.
Thời Tam Quốc, Từ Thứ đã kiến nghị với Lưu Bị rằng: “Khổng Minh và Bàng Thống, Ngài chỉ cần có một trong hai người thì sẽ có được thiên hạ”, bởi đây là những nhân tài kiệt xuất. Nhưng trong lịch sử, những hoàng triều cuối đời sở dĩ bị vong quốc diệt tộc đều là do không biết sử dụng nhân tài, mà chỉ chuyên nuôi dưỡng một đám quần thần vô dụng.
Trong các cơ quan đoàn thể, có rất nhiều nhân viên vô dụng bị sa thải, chúng ta không nên thương cảm hay khó chịu những người ấy mà nên tán đồng với chủ kiến của các vị lãnh đạo, vì họ là người có tầm nhìn trí tuệ nhận biết được nhân tài. Người lãnh đạo nếu không gặp được những người tài giỏi ưu tú thì họ sẽ không thể nào thành công trong sự nghiệp. Thế nên để tiền đồ sự nghiệp có hy vọng, thành công phải có những người cấp dưới ưu tú.
Người xưa dạy rằng: Ngàn quân dễ có, một tướng khó cầu. Như Hàn Tín được mời lên đàn để phong tướng, chính là nhờ Lưu Bang đã nhận ra được giá trị kiệt xuất của ông. Hãy nhìn xem, đất nước chúng ta nếu không biết trọng dụng nhân tài, không biết sẽ có bao nhiêu người rời bỏ quê hương sang nước ngoài làm việc? Còn bao kẻ kém cỏi vô dụng lại dương oai diễu võ? Có lẽ chúng ta không thể nào để cho những người này mãi che giấu bản chất, hành động xấu xa như vậy được, nếu có một ngày họ bị đào thải, thì đó chẳng phải là phúc của đất nước chúng ta hay sao?
Hy vọng đoàn thể đất nước chúng ta đào tạo thêm nhiều nhân tài, bớt đi việc bồi dưỡng kẻ yếu kém, nếu cứ theo trào lưu “tiền xấu đuổi tiền tốt” 1, để cái xấu lấn át cái tốt, thì thật đáng tiếc thay!
1 Định luật Gresham: Là một nguyên tắc tiền tệ, theo định luật này thì “tiền xấu đuổi tiền tốt”. Ví dụ, nếu có hai hình thức trong lưu thông mà được luật pháp công nhận là có giá trị danh nghĩa tương tự thì loại hóa tệ có giá trị hơn sẽ biến mất khỏi lưu thông.