Bạn có biết đá bóng không? Bạn đá qua, tôi sẽ đá lại cho bạn, làm cho trái bóng lăn qua lăn lại giữa chúng ta, nó không là của bạn cũng chẳng phải của tôi. Cũng như thế, cứ đem một sự việc đẩy tới đẩy lui như vậy được gọi là “đá bóng”.
Có người muốn xây dựng một ngôi trường, đến xin giấy phép ở Sở Xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: “Trường học là việc của Sở Giáo dục, nên anh phải nộp đơn lên đó trước”. Đến Sở Giáo dục, Sở Giáo dục nói rằng: “Bạn muốn xây trường học, muốn mở rộng diện tích đất, thì phải đến Sở Quy hoạch để xin phép”. Khi đến xin Sở Quy hoạch, họ lại nói: “Đây là việc của cơ quan công tác ở chính quyền địa phương”. Sự việc cứ bị đùn đẩy từ nơi này đến nơi kia, đi hết một vòng, cuối cùng vẫn không biết nên làm như thế nào!
Khi trẻ con phạm lỗi trộm cắp, cha mẹ đổ lỗi cho giáo viên không giáo dục tốt cho đứa trẻ, giáo viên lại trách do cha mẹ sinh ra những đứa con hư hỏng như vậy. Bình hoa trong nhà rơi vỡ, chị cả nói: “Là do em trai không đặt bình hoa cẩn thận”. Chị hai nói: “Chính chị cả đã mở cửa để gió thổi vào làm đổ bình hoa”. Người em trai thứ ba lại nói: “Là do chị cả đổ hết nước trong bình hoa, khiến bình hoa không đứng vững nên rơi xuống đất”. Mấy anh chị em này đổ lỗi cho nhau không chịu thừa nhận trách nhiệm, đây chính là hành động “đá bóng”, đùn đẩy trách nhiệm giữa mọi người.
Ở ngã tư đường, có người bày một gian hàng trái quy định, người đi đường đến tố giác với cảnh sát ở giao lộ phía Đông, cảnh sát phía Đông nói rằng, đó thuộc về phần quản lý của khu vực phía Tây. Người này liền đến phía Tây để khiếu nại, cảnh sát phía Tây nói nơi đó nằm dưới sự quản lý của phía Nam. Người này lại đến phía Nam để đề xuất, cảnh sát phía Nam nói, bây giờ đã quy hoạch lại, nơi đó là do phía Bắc quản lý rồi.
Người này rất không hài lòng, vội đến Cục Cảnh sát, nhân viên cảnh sát nói rằng: “Việc này chúng tôi cần phải mời cục trưởng bàn bạc, mọi người nghiên cứu phương án rồi sẽ trả lời”. Chỉ với một khoảng đất công cộng nhỏ bị chiếm dụng mà đã khiến cho mọi người trong xã hội, trong cả nước “đá bóng”, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau như vậy rồi.
Lại có một câu chuyện như sau, huyện Thái Hưng ở tỉnh Giang Tô xảy ra nạn châu chấu, quan huyện vì trốn tránh trách nhiệm, đã vội trình báo lên cấp trên rằng: “Từ trước đến nay huyện này chưa từng có nạn châu chấu, châu chấu là từ huyện Như Cao bay đến”. Và ông ta cũng đã viết một công văn gửi đến quan huyện Như Cao, đề nghị ông ấy ra lệnh cho dân phải đi bắt châu chấu. Quan huyện Như Cao cũng đã trả lời bằng một công văn, trong đó viết rằng: “Châu chấu vốn là tai họa thiên nhiên, chứ không phải lỗi của huyện chúng tôi, nếu đã bay từ huyện tôi đến, xin huyện ngài hãy bắt giam lại”.
Cùng nhau đá tới đá lui là thái độ không có trách nhiệm, cũng là sự chối bỏ hành động sai trái mà mình gây nên. Trong một quốc gia, nếu như mọi người khi gặp việc lại cứ luôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không có can đảm đối mặt với sự việc thì làm sao thành một đất nước?
“Đá bóng” không thể giải quyết được việc gì, vậy sao không thay bằng tư thế “đoạt bóng ghi bàn”, ai cũng tranh giành cướp bóng, mong muốn có thể ghi bàn bằng chính đôi chân của mình. Mọi người hãy nỗ lực quyết tâm gặt hái vinh quang, thay vì có tâm lý tranh giành công lao rồi khi gặp chuyện lại đùn đẩy cho người khác. Có như vậy giá trị nhân sinh sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều.