Trong thân tâm mỗi con người có rất nhiều vấn đề cần phải xử lý. Những thứ vô minh, phiền não, vọng tưởng nơi tâm, cả một đời ta cũng không thể giải quyết hết được. Các vấn đề về bệnh tật hay những khuyết điểm như gầy, béo, vết nhăn trên da nhiều vô số, không thể nào kể hết.
Kỳ thực, chỉ khuôn mặt thôi, hàng ngày chúng ta phải tốn khá nhiều thời gian để chăm chút cho nó. Không chỉ nữ giới mới phải trang điểm cho khuôn mặt, như kẻ lông mày, hay tô son đánh phấn, mà ngay cả nam giới cũng thường xuyên phải cạo râu.
Có một câu chuyện cười kể rằng: Một đôi vợ chồng mới cưới đang hưởng tuần trăng mật, hai người muốn chứng minh rằng họ tuy hai mà một, nên cùng giao ước với nhau bất kể có chuyện gì đều không được nói “của anh”, “của em” mà phải nói là “của chúng mình”. Một ngày, anh chồng vào phòng tắm rất lâu không thấy ra, người vợ đứng ngoài cửa, dịu dàng hỏi: “Anh ơi, anh làm gì trong đó vậy?” Lập tức người chồng trả lời: “Em à, anh đang cạo râu của chúng mình”.
Cạo râu cũng chính là tự nhìn lại chính mình, là loại bỏ đi những khuyết điểm của bản thân. Râu cũng giống như cỏ dại hay gai nhọn, chẳng thể giúp ích gì cả, ngược lại càng khó nhìn nếu cứ giữ lại. Vì vậy, trong việc sinh hoạt cá nhân của nam giới, cạo râu mỗi ngày cũng phải mất khá nhiều thời gian, ngay cả dao cạo cũng phải luôn thay đổi, thường xuyên mua dao cạo cũng là một khoản chi phí không nhỏ.
Con người ta muốn loại bỏ khuyết điểm nên đặc biệt chăm chút dáng vẻ của mình để đẹp đẽ và dễ nhìn hơn trong mắt mọi người. Để bản thân không phải thua thiệt hơn so với người khác, thì phải bỏ ra chút thời gian và tiền bạc. Thực ra, một thứ dù có không tốt đi chăng nữa nhưng nếu bạn thật sự biết quan tâm, chăm chút đến nó thì cũng có thể chuyển xấu thành đẹp, chuyển sai trái trở nên đúng đắn. Giống như ông Trương Đại Thiên 1 và Vu Hữu Nhiệm 2, đều không cạo râu mà để cho râu mọc thật dài, nên người đời gọi họ là “Ông râu đẹp”. Người Trung Đông cho rằng đàn ông có râu là điều vinh hạnh, để giữ cho râu tóc được đẹp, cũng phải tiêu tốn không ít thời gian và công sức.
1 Một trong những nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng và tài ba nhất thế kỷ XX.
2 Một trong những người sáng lập Quốc dân đảng và Trung Hoa Dân Quốc. Ngoài ra, ông cũng là nhà thư pháp nổi tiếng, được xưng tụng là một trong “Tứ đại thư pháp gia của Quốc dân đảng”.
“Cạo râu” vốn là việc nhỏ hàng ngày của một người đàn ông trưởng thành nhằm trau chuốt cho vẻ ngoài của mình, nhưng về sau được dẫn dụng cho việc bị cấp trên quở trách, nên “cạo râu” còn để chỉ cho việc bị chỉnh sửa, nhắc nhở vậy.
Thực ra việc cạo râu cũng là một triết lý sống sâu sắc về cách đối nhân xử thế. Trước khi cạo râu, bạn cần dùng vừa đủ xà phòng và nước ấm để rửa sạch, một mặt để loại bỏ bụi nhờn trên mặt, đồng thời làm mềm râu. Tương tự như vậy, khi bạn muốn chỉ ra sai lầm của người khác, nếu như trước tiên dành cho họ một lời khen chân thật, sau đó khéo léo chỉ ra những khuyết điểm cần sửa đổi, thì đối phương sẽ dễ dàng chấp nhận, và như vậy bạn mới đạt được mục đích của việc “cạo râu”.
Cũng có một câu nói rằng: “Trước khi cạo râu cho người khác, hãy cạo sạch râu của chính mình”. Điều này có nghĩa, làm việc gì cũng nên xem xét bản thân mình trước. Bởi vì hầu hết mọi người chỉ thấy được khuyết điểm của người khác mà không nhìn thấy khuyết điểm của chính mình. Nếu trong mọi công việc, bạn chỉ biết yêu cầu hay chỉ trích người khác mà không biết tự nhìn lại, rồi đến một ngày bạn cũng sẽ bị người khác trách mắng cho một phen.
Thực ra, nếu bạn không có khuyết điểm, tại sao phải sợ người khác chỉ trích? Còn khi bản thân bạn có khuyết điểm, nếu như người khác chỉ trích hay chỉnh sửa cho bạn, thì đó cũng là điều hiển nhiên.