T
ôi có thể chỉ ra được chính xác thời khắc nhận ra Nhật Bản là con đường giải thoát tôi khỏi căng thẳng. Ngày đó tôi mới bước vào tuổi dậy thì, xem bộ phim Rashomon. Thế giới trong mắt tôi trước lúc đó chỉ có đen và trắng.
Cha mẹ hoặc sai hoàn toàn, hoặc đúng trăm phần trăm. Mỗi vấn đề chỉ có một cách giải quyết, còn nếu như có nhiều hơn thì chỉ có một cách là đúng nhất, những cách còn lại chẳng có giá trị gì.
Thế rồi Rashomon đến.
Đó là một đêm thứ Bảy, mùa hè, đài truyền hình PBS, kênh 13 đang phát sóng loạt phim kinh điển: Jules and Jim, The 400 Blows, The Rules of the Game, The Virgin Spring, Potemkin…, đều là phim châu Âu, trừ Rashomon.
Toshiro Mifune đóng vai Tajōmaru, một tên cướp. Gã bị trói chặt bằng dây thừng, trên người chỉ đóng một chiếc khố. Không những vùng vẫy, giãy giụa giữa vòng dây trói, gã còn cười vào mặt những kẻ buộc tội mình, gã rên rỉ, gã nổi giận, một thứ sức mạnh nguyên sơ không gì khống chế được, gã là một thế lực của thiên nhiên.
Ôi chao!
Bị buộc tội, bị bắt trói, nhưng gã vẫn ngoan cố thách thức tất cả, bất chấp tính mạng. Gã chẳng bận tâm.
Còn ai nữa?
Một người samurai đã chết (chuyện của ông ta được kể qua nhân vật trung gian), người vợ, nhà sư, người nông dân, viên quan, và người tiều phu. Người vợ bị tên cướp cưỡng bức. Nhưng có thật không? Chuyện gì đã xảy ra? Người samurai có thật đã tự sát? Hay ông ta bị Tajōmaru sát hại?
Mỗi nhân vật kể lại vụ án theo một cách khác nhau, mâu thuẫn không nhất quán. Nếu đặt tất cả câu chuyện vào chung một chỗ, ta sẽ có được một loạt những tình tiết chẳng ăn nhập gì với nhau cả.
Điều tôi nghiệm ra là mỗi góc nhìn đều mang một phần sự thật, không phải sự thật để kết án, không phải sự thật để những người còn lại chấp nhận, mà chỉ là một sự thật. Và rằng sự thật ấy là một phần của tập thể, đó là cách nhìn nhận vụ việc qua mắt của mỗi người, dẫu rằng nó có thể hoàn toàn đối nghịch với người khác. Nhưng vì một lẽ nào đó, mọi người đều chấp nhận ghép các câu chuyện thành một bức tranh tổng thể.
Một tư tưởng mới mẻ đến bất ngờ. Hồi tuổi teen, tôi làm sao biết được tư tưởng này đã thấm sâu và phát triển trong bộ não bé xíu của mình đến mức nào, nhưng tôi biết rõ nó đã để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn. Lúc đó, cho dù không biết cách diễn tả, cũng chưa hình thành ý thức hệ, tôi vẫn nhận thức được bộ phim đó đã mang đến cho mình một cảm giác chưa từng có trước đây.
Bộ phim cho tôi thấy rằng mọi suy nghĩ, cảm nhận trong tôi, dẫu thường xuyên đối nghịch với cha mẹ, vẫn hoàn toàn có giá trị.
Tôi là một con người thật sự với những tiêu chuẩn riêng của mình.
Cha mẹ tôi thường hay đặt ra quy tắc. Họ chỉ ra cảm xúc đang có trong tôi là gì. Họ sắp đặt cuộc sống cho tôi. Không có họ, tôi chẳng biết mình là ai hay cảm thấy thế nào.
Nhưng sau khi xem bộ phim đó, tôi nhận ra mình có quan điểm riêng. Vì còn trẻ, trải nghiệm đó đến với tôi như một sự khai sáng.
Quan điểm của tên cướp không có gì đáng ngưỡng mộ, nhưng cho dù có là một tên cướp xấu xa thì gã vẫn có cái nhìn riêng mà những nhân vật còn lại phải thừa nhận. Họ phải xử lý gã. Họ không thể ngó lơ gã.
Khi Tajōmaru kể lại vụ việc qua góc nhìn của mình, đạo diễn Kurosawa cho ta thấy câu chuyện của gã. Thuyết phục như vậy đấy.
Giờ đây nhìn lại, trải nghiệm của tôi với bộ phim Rashomon ngày ấy phải nói là khá điên rồ. Rashomon mà là một bộ phim nói về việc chấp nhận con người thật của ai đó sao? Tôi đang đùa sao?
Nhưng tôi vẫn học được một điều: nếu tôi phải kể cho ai đó về chuyện gia đình mình, sẽ có một số tình tiết trong đó khác với phiên bản của cha mẹ tôi. Bắt đầu như thế trên con đường chấp nhận bản thân kể ra cũng không quá tệ đâu.
Mà thôi, dù có tệ hay không thì tôi cũng đã bắt đầu như thế đó.
Trẻ em sống trong cảnh bạo hành gia đình thường thu mình, rất sáng tạo và có thể kể ra rất nhiều lý do chính đáng cho việc bạo hành. Như thế mới có trật tự. Giống loài chúng ta rất thích trật tự.
Một điều nữa về tình trạng bạo hành gia đình là nạn nhân thường bị bạo hành đến quen, nó trở thành một lối sống, một giáo phái riêng mà người ngoài cuộc bị xem là kẻ ngoại đạo.
Những ông bố bà mẹ bạo hành con cái viện ra đủ mọi lý lẽ. Nghi vấn, thắc mắc từ những người bên ngoài gia đình bị xem là xâm phạm đời tư hoặc thậm chí là đe dọa.
Cả gia đình cùng hình thành nên một câu chuyện – một phiên bản những sự kiện kết nối, trói buộc họ vào nhau. Sự thân mật ấy gói gọn trong phạm vi gia đình và là chìa khóa xác định danh tính cá nhân họ.
Rời khỏi gia đình, họ sẽ mất đi danh tính. Một điều quá đáng sợ.
Mối liên kết chặt chẽ ấy giải thích cho việc tại sao những người sau khi thoát khỏi cảnh bạo hành vẫn thường bị ám ảnh bởi nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi và cảm giác phản bội. Họ đánh mất bản thân, trở nên cô độc, không những thế, họ cho rằng mình đã phản bội lại gia đình.
Đó là một trong rất nhiều lý do tại sao những người bị bạo hành lúc nhỏ lớn lên có thể sẽ rơi vào cảnh bạo hành hôn nhân.
Còn những người có may mắn tránh được cảnh bạo hành, quen biết những người từng trải qua cảnh bạo hành, làm việc với họ, nghe những bản nhạc, xem những bộ phim, đọc những quyển sách của những người có hoàn cảnh đó, yêu đương, kết hôn với những người đó? Sự tương tác ấy, qua nghệ thuật lẫn qua tình cảm, giúp cho những người may mắn biết tới thế giới của người bị bạo hành.
Sự thấu cảm và mối quan hệ có vai trò như thế đó: chỉ rõ ra rằng con người bạn phụ thuộc rất nhiều vào những người xung quanh.
Có những câu tôi cứ phải nghe trong suốt quá trình trưởng thành. Nếu không đồng tình và muốn góp ý, cứ việc nói ra, và bạn sẽ nhận được câu: “Cãi không được thì đừng có cố cãi.”
Đây là một số câu tôi thường nghe:
“Nhà người ta không hay cãi nhau như nhà mình vì họ không quan tâm tới nhau.”
“Anh mà không nói ra cảm giác của mình thì làm sao em biết được?”
“Mẹ đã tưởng tượng cuối tuần này sẽ vui vẻ thế nào. Con làm mẹ thất vọng quá.”
“Tao cứ cầu nguyện rằng một ngày nào đó thằng con tao sẽ quay về nhà, nhưng tới lúc đó thì chắc tao đã chết nhăn răng rồi.”
Vài tuần sau khi xem Rashomon, tôi đi tới nhà sách Paperback Booksmith trên đường Front, đối diện nhà hát Tự Do, gần trụ sở YWCA (Hiệp hội Phụ nữ trẻ Cơ Đốc giáo), để tìm mua sách của các nhà văn Nhật.
Tôi không biết phải đọc sách của ai nên chọn đại các tác giả có tên Nhật. Mấy cuốn được chọn cũng phải ngắn dưới 200 trang, bởi hồi đó khả năng tập trung, đọc hiểu cũng như ghi nhớ của tôi còn rất hạn chế.
Những ngày đó tôi không thể tập trung lâu vào bất cứ việc gì, dễ kích động và quy chụp, sợ hãi thành thói quen, cho rằng ai cũng sợ hãi giống mình. Tôi sợ hãi đến độ không biết rằng mình đang sợ hãi.
Tôi nào biết cơn thịnh nộ thường xuyên diễn ra trong gia đình mình không phải là điều bình thường. Loại tình thân duy nhất mà tôi biết chỉ có với cha mẹ và chị gái.
Xứ Tuyết của Yasunari Kawabata là cuốn tiểu thuyết Nhật đầu tiên tôi đọc. Tác phẩm mở đầu bằng câu văn bất hủ:
“Ra khỏi đường hầm dài ở khu vực giáp ranh thì sang xứ tuyết.”63
63. Bản dịch của Lam Anh, NXB Hồng Đức, 2017 - ND.
Rồi tôi đọc đến cuốn Ngàn cánh hạc, cũng của Kawabata.
Quyển sách đó tôi vẫn còn giữ, với những dòng được tôi gạch chân:
“Vầng mặt trời dường như sắp rơi xuống trên những cành cây. Lùm cây trở thành đen sạm.
Vầng mặt trời đang trôi nổi trên các cành cây, rơi rớt vào đôi mắt mệt mỏi của chàng và chàng khép chúng lại.
Bầy hạc trắng in trên chiếc khăn choàng của cô gái nhà Inamura bay ngang qua vầng mặt trời chiều và chúng vẫn còn ngự trị trong mắt chàng.”64
64. Bản dịch của Trùng Dương, NXB Trình Bày, 1969 - ND.
Một số tác phẩm khác cùng thời:
Người thủy thủ bị biển khước từ và Chết giữa mùa hè của Yukio Mishima.
Tôi đọc truyện của Tanizaki. Những cây tầm ma hoàn hảo là cuốn tiểu thuyết ngắn về một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ở tuổi mười bốn, tôi đã gạch dưới dòng sau:
“Ta phải cẩn thận với bọn trẻ. Một ngày nào đó chúng sẽ trưởng thành.”
Lớn lên, tôi vẫn giữ trong lòng niềm yêu thích với Nhật Bản, nhưng không còn đọc hay xem nhiều sách, truyện, phim ảnh Nhật nữa.
Đây là giai đoạn rất lâu trước khi Nhật Bản trở thành hình mẫu cho lối sống đương thời mà Mỹ muốn học tập. Hồi đó “hàng Nhật” vẫn bị xem là thứ đồ rẻ tiền, những gì người ta biết về Nhật chỉ quanh quẩn có Trân Châu cảng, geisha, Hiroshima, sumo, và samurai. Sushi không tồn tại ở Mỹ, ramen là thứ không ai biết đến. Nhưng chúng ta đã có nhà hàng Benihana!
Năm 2003, bếp trưởng Daniel Boulud được mời tham gia một chuyến đi tới Nhật, thông qua một hệ thống những nhà tài trợ, có quỹ James Beard, có khách sạn Park Hyatt, có hãng bay JAL (Japan Airlines). Thời gian đó tôi đang cộng tác với đài phát thanh, Daniel rủ tôi đi cùng. Tôi có hai tuần để chuẩn bị hành lý.
Hai cây bút nữa tham gia cùng chúng tôi là Adam Sachs và Adam Rappaport. Nguyên một phái đoàn, bao gồm một số đầu bếp làm việc cho Daniel giờ đã thành danh, cùng nhau khám phá mọi ngóc ngách của Tokyo.
Nhóm đầu bếp phải làm việc hầu hết thời gian, nhưng mấy nhà văn và nhà sản xuất chương trình phát thanh của tôi lại thoải mái, muốn làm gì tùy ý.
Trước khi đi, tôi gọi điện cho tất cả những ai có người quen ở Nhật, hoặc từng tới Nhật, chính nhờ cái mạng lưới nho nhỏ này mà tôi gặp được Yuko và Shinji.
Khi đó là tháng Mười một, trời âm u lạnh lẽo, mưa lất phất trên con đường dẫn đến công viên Yoyogi. Chúng tôi đứng cạnh bờ kênh. Tôi lấy được một chai shochu từ một phòng tranh mới sửa chữa nằm ở một khu phố hẻo lánh nào đó, đi taxi tới đó, chẳng biết đường để tìm lại. Chúng tôi ghé thăm những hiệu sách cũ.
Chúng tôi chủ yếu dành thời gian với nhau, đôi khi còn có bạn bè của họ nhập hội. Đó là một cảm giác thân mật vô cùng mới lạ, và có rất nhiều quan sát diễn ra.
Quan sát cách cô ấy cầm chiếc tách sứ. Quan sát cách anh ấy uống trà lúa mạch rang.
Các bạn tôi đều nói rành tiếng Anh, nhưng có rất nhiều điều không cần đến lời nói. Đó là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm những điều như thế!
Thật kỳ quặc và ngượng ngùng khi phải ra dấu để hỏi chỗ ngồi hay lấy một thứ gì đó, nhưng chẳng mấy chốc tôi đã thích sự im lặng thay cho lời nói này. Cảm giác như mình được thấu hiểu.
Tôi không muốn dùng lời.
Họ không cần phải nói ra cảm giác của họ vì tôi tự hiểu được. Đó là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm UKEIRERU.
Hai mươi tám năm kể từ chuyến đi Nhật đầu tiên ấy, tôi đã trở lại đất nước này nhiều lần, đi tới nhiều gia đình, trường học, đền chùa, câu lạc bộ jazz, quán cà phê, suối nước nóng, rừng núi, ao hồ, bãi biển, văn phòng, chung cư, nhà máy, đồng ruộng, và hội thảo.
Tôi được thuê làm việc với người Nhật, viết bài về đất nước này cho các công ty Nhật lẫn phương Tây.
Người chủ quán trọ trên đảo Awaji đưa tôi đến một ngôi đền Thần đạo, cho tôi tham gia một buổi lễ tẩy trần. Sau đó tôi cảm thấy mình thật thanh sạch.
Một người bạn cho phép tôi dẫn Chocolate, con chó tha mồi Labrador màu nâu xinh xắn của anh ta, dạo quanh con suối gần nhà, nơi thiền sư Basho nhiều thế kỷ trước đã sáng tác ra những vần thơ.
Ở Niigata, tôi phát biểu tại hội thảo: “Sushi: Phải chăng là pizza của thế kỉ 21?”
Ở Shizuoka, vùng đất của những ruộng chè, tôi ngồi uống trà cùng một người nông dân, nghe ông tâm sự rằng muốn tìm thế hệ tiếp theo để thừa kế vườn chè thật khó biết bao.
Ở đảo Yakushima thuộc phía Nam Kyushu, tâm hồn tôi được lấp đầy khi cùng vợ đi dạo qua cánh rừng tuyết tùng cổ thụ, nơi đã truyền cảm hứng cho Hayao Miyazaki, đạo diễn bộ phim hoạt hình Công chúa Mononoke.
Mọi nơi tôi đi, mọi điều tôi được trải nghiệm đều trở thành ký ức khó phai: cách người dân nơi đây cố gắng hòa mình vào thiên nhiên, tìm kiếm vị trí dành cho mình, chấp nhận mọi người thông qua những xúc cảm không lời.
Nước Nhật mà tôi thấy khác xa với những gì có trong phim Rashomon. Sao có thể giống được chứ? Nếu mang tư tưởng đó thì chẳng khác gì một người Nhật sau khi xem bộ phim The Treasure of Sierra Madre sẽ đến Mexico với tâm thế rằng phim như thế nào thì ngoài đời sẽ như thế ấy.
So sánh này không quá kệch cỡm đâu. Cả hai bộ phim đều ra đời sau Thế chiến thứ hai, The Treasure of Sierra Madre sản xuất năm 1948, còn Rashomon là năm 1950.
Cả hai đều nêu lên câu hỏi:
Làm một con người có nghĩa là gì?
Làm sao để bảo vệ lương tri trước nghịch cảnh?
Tại sao ta lại bị lòng tham và sự ích kỷ chi phối?
Vâng, bên cạnh những áng văn trữ tình, triết lý chấp nhận, tôn thờ thiên nhiên của người Nhật, tôi còn thấy cả sự tha hóa, tàn bạo, và tù đày cảm xúc. Tính tập thể có thể bào mòn, phá hủy tính cá nhân cũng như khả năng sáng tạo. Những người không có tiếng nói có thể bị tập thể chôn vùi. Sự chấp nhận có thể bị biến tướng thành công cụ để gò ép người ta vào khuôn phép.
Giống như một gia đình vậy. Nếu là một gia đình tốt đẹp, người mẹ và đứa con có thể chuyện trò và chấp nhận trong im lặng. Nếu là một gia đình tệ hại, cha mẹ sẽ bảo con cái rằng ước mơ của chúng chỉ là viễn vông.
Tại sao cùng một nguồn lại sản sinh ra những trải nghiệm khác biệt một trời một vực như vậy?
Cha tôi đã trải qua thời niên thiếu trong trại mồ côi. Mãi về sau ông mới biết được cha mẹ, anh chị mình đã gặp chuyện gì.
Tôi có thể hình dung ông đã phải sống trong sự im lặng nặng nề thế nào trong lúc chờ tin.
Chẳng có tin gì cả. Bạn có tưởng tượng được tình cảnh của một đứa trẻ như thế không?
Từ năm 14 đến 19 tuổi, ông không hề biết cha mẹ và chị mình đã bị sát hại. Riêng anh trai vẫn còn sống sót trong tù.
Ông nuôi hy vọng. Ông còn nhỏ như vậy mà.
Ông cũng hoài nghi.
Hy vọng lẫn hoài nghi tràn ngập trong lòng, ông bối rối, mất phương hướng.
Tôi tự hỏi ông đã dùng thứ ngôn ngữ nào khi nghĩ về gia đình. Họ ở đâu, họ đang làm gì, họ còn sống hay đã chết? Họ chết như thế nào?
Ông tự tưởng tượng, ông kể với tôi là nhận được thư của họ rất lâu sau khi đường dây liên lạc bị cắt đứt. Chỉ có im lặng, chỉ có hình bóng trong tim, hay Kuuki wo yomu.
Chờ đợi.
Gia đình tôi là người Đức gốc Do Thái, đã sống ở Bavaria suốt mấy trăm năm: buôn gia súc, kinh doanh quán trọ, bán vải. Ông nội tôi là một cựu binh, từng bị thương năm 1917 ở Pháp vì chiến đấu cho nước Đức.
Đó là một trong số những câu chuyện hiếm hoi nhà tôi nhắc đến.
Có phải truyền thống chấp nhận của người Nhật là cách họ phản ứng trước bóng ma của lịch sử và chiến tranh?
Có phải tôi cảm thấy thân thuộc với Nhật là vì như thế? Tôi chẳng biết.
Tôi chỉ biết thế này:
Vấn đề ở đây không phải là sống hạnh phúc. Mà là học cách sống với thất vọng, biết bảo vệ người khác, phát triển cho mình một cái nhìn sâu sắc để hiểu được rằng mất mát sẽ khiến hạnh phúc tiêu tan.
Phải biết chấp nhận những gì đã mất.
Suy cho cùng, hạnh phúc để làm gì khi còn quá nhiều việc cần làm cơ chứ?