C
húng ta sống trong một đất nước mà hạnh phúc cá nhân được xem là quyền lợi. Nó được viết trong Tuyên ngôn Độc Lập!
“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.”
Chả trách có bao người muốn đến Hoa Kỳ.
Người viết ra những dòng này vào năm 1776 nhất định đang nghĩ đến quyền mưu cầu hạnh phúc bất khả xâm phạm của mình, cũng như tin tưởng mình đang trên con đường đạt được điều đó. Mặc kệ những người nô lệ và người da màu bất hạnh. Mấy kẻ đó không đáng để bận tâm.
Nhưng liệu có quá đáng không khi giả định rằng những tiêu chuẩn cho một quốc gia mới thành lập có lẽ sẽ làm hài lòng nhiều người hơn nếu đặt vào một xã hội không giới hạn quyền lợi cho riêng một nhóm người nào? Thử nghĩ xem khi ấy đất nước ta sẽ có diện mạo ra sao?
Ngày nay, nhờ có các chuyên gia tâm lý, các loại thuốc chuyên điều trị bệnh tâm lý, rồi huấn luyện viên cuộc sống, huấn luyện viên thể hình cá nhân, các loại sách self-help, những buổi hội thảo về chánh niệm, vân vân, người dân các nước phương Tây đang một lần nữa tiến bước trên con đường truy tìm hạnh phúc. Nhiều phương pháp đã mang lại giá trị to lớn: Sao không sống hạnh phúc?
Nhưng sao không vượt qua cả hạnh phúc?
Năng lượng tích cực tìm thấy trong lớp học yoga mà bạn cứ mong sẽ duy trì được cả ngày bỗng biến mất ngay khi bạn dừng đèn đỏ. Bạn không rõ vì sao mình lại trỗi lên một nỗi ưu tư phiền muộn như vậy. Một cảm giác trống rỗng, lạc lõng, thấy mình thật vô dụng. Liệu nó có liên quan đến người đang đứng ngoài cửa xe kia không?
Người phụ nữ kia đang cầm một tấm bìa có nội dung: ĐÓI và VÔ GIA CƯ. Tôi KHÔNG BỊ NGHIỆN. Xin hãy GIÚP ĐỠ!
Đèn xanh bật lên, bạn lại lái xe đi về trước.
Hạnh phúc không phải chuyện cá nhân. Ta sống vui hay không ẩn ý rằng ta có nhận thức được cuộc sống của những người xung quanh hay không. Chẳng phải cộng đồng của bạn được sống sung túc thì tinh thần và thể chất bạn cũng sảng khoái dài lâu hơn sao? Chẳng phải giờ đây những gì bạn cảm nhận về bản thân phụ thuộc nhiều hơn vào cảm xúc của người xung quanh sao?
UKEIRERU là nhận thức về người khác, là chấp nhận sự yếu đuối ở họ. Nó làm giảm đi áp lực rằng chỉ có đạt được hạnh phúc thì ta mới có thể sống tốt. Nó nói lên điều ngược lại: khi ta chấp nhận mọi người, đồng cảm với họ, thì ta mới có khả năng sống tốt.
Bản sắc của ta, dẫu thuộc về cá nhân, nhưng lại được hình thành và duy trì bởi những người xung quanh và điều kiện sống của họ. Có lẽ những nguyên tắc trong bản Tuyên ngôn sẽ không chỉ dừng ở mức mưu cầu hạnh phúc nếu người viết chịu nhận trách nhiệm cho tất cả những bất công do chính họ tạo ra và ngày càng khoét sâu, cái điều khiến họ không thể sống vui và cản trở con đường mưu cầu hạnh phúc.
Bất kể ta có ý thức được hay không, một khi con người vẫn còn đau khổ thì bản thân ta khó mà hạnh phúc được.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính tỷ lệ người trầm cảm ở Nhật chiếm khoảng 7 đến 10% dân số.
Cho dù tính cả những ca bệnh tâm lý không được báo cáo thì con số này vẫn thấp hơn một nửa so với tỷ lệ trầm cảm ở Mỹ: 19,2%.
Điều tạo nên sự khác biệt này chính là quan điểm nhìn đời của người Nhật.
Trước khi cuộc Cách mạng Minh Trị đem chữ “tôi” của phương Tây vào “chúng ta” của Nhật, đất nước hoa anh đào đã sống bằng một quan niệm thấu hiểu và chấp nhận cá nhân rất khác. Quan điểm đó có thể miêu tả bằng nhiều cách, bao gồm cả UKEIRERU, nói lên lối sống hòa nhập với tập thể, cộng đồng. Nhiều thế kỷ trước khi tư tưởng phương Tây du nhập rồi định nghĩa lại đời sống nơi đây, mỗi cá nhân người Nhật luôn được đặt trong cái nhìn của tập thể.
Điều này có nghĩa là ta phải chấp nhận vị trí của mình giữa thiên nhiên và xã hội. Ta không còn phải mang gánh nặng tìm kiếm mục đích ở đời. Mục đích đó được tập thể giao cho. Có thể là ông bà, cha mẹ, vợ con, làng xóm, cấp trên. Làm một người Nhật có nghĩa là bản chất của ta hình thành phần lớn dựa trên những người xung quanh. Lợi ích đạt được ở đây là UKEIRERU: được chấp nhận, có được một vị trí giữa cuộc đời mà con người lẫn thiên nhiên đều trân trọng.
Thách thức lớn của Nhật là làm sao để định nghĩa một tập thể. So với các dân tộc khác trong lịch sử, Nhật Bản vẫn là quốc gia trọng nam khinh nữ.
Vô số bài báo trên thế giới đã đưa tin về việc ở Nhật, tỷ lệ phụ nữ nắm quyền lãnh đạo cực kỳ thấp; nam giới không sẵn lòng chia sẻ trách nhiệm gia đình; các trường y từ chối nhận sinh viên nữ; các công ty không nhận phụ nữ hay phụ nữ có con.
Còn rất nhiều điều cần phải làm nếu Nhật Bản muốn tiến bộ hơn.
Người ta đã phải cần đến tư tưởng phương Tây để giới thiệu khái niệm quyền cá nhân cho Nhật Bản.
“Tham vọng lên nào, các chàng trai!”
Đó là khẩu hiệu của Đại học Hokkaido do William Clark thành lập năm 1876 (Bạn có để ý giới tính trong khẩu hiệu đó không?). Cho đến ngày nay, câu nói này vẫn là một phương châm nổi tiếng mà hầu hết người Nhật đều biết.
“Tham vọng lên nào, các chàng trai!” cũng là tên một bài hát và một bộ manga.
Nuôi tham vọng, thể hiện cái tôi cá nhân là một khái niệm ngoại lai đúng nghĩa.
Hiến pháp Nhật hậu chiến tranh cũng là sản phẩm của nước ngoài, nhiều điều mục trong đó giới thiệu luật pháp Tây phương. Beate Sirota Gordon và Eleanor Hadley, hai người Mỹ đã viết các điều mục đó vào bản hiến pháp trên cơ sở quyền công dân.
Nhờ ơn hai người phụ nữ ấy mà hiến pháp Nhật đã có điều 14 và 24 nói về Quyền bình đẳng và Quyền công dân của phụ nữ:
Điều 14: “Tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hay lai lịch bản thân trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế.”
Điều 24: “1) Hôn nhân được dựa trên sự đồng ý của cả hai giới và phải được duy trì dựa trên sự hợp tác qua lại mang tính bình đẳng về quyền lợi của vợ và chồng; 2) Pháp luật liên quan đến sự lựa chọn vợ chồng, quyền tư hữu, thừa kế, lựa chọn nơi cư trú, li hôn và mọi vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình phải được xây dựng dựa trên sự bình đẳng giữa hai giới và tôn trọng phẩm giá cá nhân.”
Do đó, thẳng thắn mà nói, nếu viết cuốn sách này chỉ cho người Nhật đọc thì có lẽ tôi đã tập trung nói về tầm quan trọng của trị liệu tâm lý cá nhân, hiện thực hóa lý tưởng bản thân, và thách thức tiêu chuẩn chung.
Tôi từng trò chuyện với những người bạn Nhật, nghe họ giãi bày nỗi bức bối vì phải tuân theo tiêu chuẩn, lý tưởng mà tập thể yêu cầu ở họ. Những khao khát sâu thẳm trong lòng họ bị những yêu cầu này chà đạp. Nhưng nếu phá vỡ tiêu chuẩn chung của tập thể, họ sẽ phải chịu đựng sự miệt thị, đau buồn, lo lắng, và cô lập.
Nhưng ở Mỹ, khi ta chú tâm vào hạnh phúc của riêng mình thì bất cứ phương pháp nào cũng đáng để xem xét. Tốt cả thôi. Tập yoga, tập thiền, chánh niệm đều là những cách tuyệt vời để giảm căng thẳng.
Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở đó, nếu ta không nhìn đến nhu cầu của người xung quanh, thì ngọn nguồn của bất hạnh vẫn chưa được đề cập thỏa đáng. Và như thế, bất hạnh cứ kéo dài mãi, chẳng thể tiêu tan.
Tôi không nói rằng trong quá trình chấp nhận bản thân, bạn phải đề cập đến kinh tế đã tác động tiêu cực tới tâm lý con người thế nào.
Điều tôi muốn nói là bạn hãy sử dụng sự bình tâm – không phải hạnh phúc – có được từ việc chấp nhận bản thân và vị trí của mình giữa thiên nhiên để phân tích xem điều gì đã khiến mình khổ sở, rồi nếu được, làm ra hành động để khắc phục việc đó.
Hãy xem qua báo cáo mới đây của Hiệp hội tâm lý học Massachusetts trong một buổi hội thảo:
Liệu pháp cam kết và chấp nhận (ACT) là một phương pháp điều trị hành vi theo ngữ cảnh, dựa trên bằng chứng, có thể được sử dụng trong các vấn đề sức khỏe tâm thần. Mục tiêu điều trị bao gồm tình trạng tránh né kinh nghiệm và hợp nhất nhận thức, được xem là tác nhân chính gây rối loạn tâm trạng và lo lắng. ACT sử dụng biện pháp chấp nhận/chánh niệm và các quy trình hành động/cam kết có giá trị để tăng cường khả năng của bệnh nhân nhằm tăng sự linh hoạt tâm lý. ACT phát triển từ cơ sở thực nghiệm vững chắc khám phá quá trình phát ngôn cơ bản (ví dụ: Lý thuyết khung quan hệ), đã được đánh giá trong gần 250 thử nghiệm lâm sàng, cho thấy hiệu quả trong điều trị các chứng rối loạn tâm lý, bao gồm lo lắng, đau mãn tính, OCD, trầm cảm, rối loạn tâm thần, cai thuốc lá, căng thẳng, kiệt sức và nuôi dạy con cái.
Nhưng nguyên nhân của kiệt sức và căng thẳng là gì?
Cũng như hạnh phúc, căng thẳng không phải là vấn đề cá nhân.
Như cách Nhật Bản đã từ bỏ chế độ phong kiến để trở thành một quốc gia hiện đại, chúng ta có lẽ cũng sẽ thu được lợi ích bằng cách sửa đổi những chính sách và mối quan hệ đẩy mình vào thế đối đầu. Cuối thế kỷ 19, Nhật Bản buộc phải phát triển các thể chế đề cao chủ nghĩa cá nhân để có thể sáng tạo và cạnh tranh với thế giới, có nghĩa là mọi người đều được tham gia vào việc ra quyết định chứ không chỉ có lãnh chúa hay giới tăng lữ. Đến thế kỷ 21, phương Tây buộc phải tăng cường phát triển các phương pháp đề cao sự chấp nhận, để từ đó thay đổi các thể chế chính sách gây ra căng thẳng.
Hãy hướng đến một cuộc sống tốt đẹp mang tới sự tỉnh táo cần thiết, để ta có thể đưa ra quyết định cho bản thân, cũng như những người cần ta giúp đỡ.
Ta đưa ra quyết định sai lầm những khi căng thẳng, đó là chuyện dễ thấy. Ta hành động xốc nổi, không lường trước tính sau, không màng hậu quả, không cần biết việc mình làm có gây ảnh hưởng gì cho tập thể không. Chuyện bé bị xé ra to, rồi rất nhanh trở thành khủng hoảng, thảm họa. Thái độ hung hăng ấy có lẽ sẽ giúp ta “thắng” được cuộc tranh luận hay đạt được điều mình muốn, nhưng ta cũng đã khiến bản thân và những người khác mệt mỏi, căng thẳng.
Mà sự căng thẳng và mệt mỏi đó không hề tan biến; nó trở thành mầm mống cho xung đột tiếp theo, rồi một cuộc cãi vã nữa sẽ lại nổ ra.
Khi giữ được bình tĩnh, ta có thể chọn giữa hành động hay không hành động.
Vì phương Tây là tập hợp những quốc gia đa dạng, áp dụng triết lý UKEIRERU có khả năng sẽ mang đến nhiều ý nghĩa mới cho cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể cân bằng giữa việc đề cao chủ nghĩa cá nhân và áp lực của nó bằng cách chấp nhận các tập thể đa dạng mà mình là thành viên trong đó. Tương tự như cách Nhật Bản thay đổi và phát triển bằng cách học hỏi phương Tây, chúng ta cũng hưởng lợi từ việc áp dụng một số phương pháp của họ. Đây không phải là cuộc so kè ai hơn ai kém. Không hình thức nào là lý tưởng tuyệt đối. Đây là vấn đề thay đổi lối sống bằng cách bổ sung những gì bản thân thiếu sót và loại bỏ hành động khoét sâu mâu thuẫn.
Tỷ lệ trầm cảm 19,2% kia không hề nhỏ. Chúng ta cho rằng con đường mưu cầu hạnh phúc lẽ ra phải đem đến kết quả tốt đẹp hơn cho nước Mỹ. Có gì đó không đúng ở đây.
Không đơn giản chỉ vì sự mệt mỏi trong quá trình mưu cầu hạnh phúc, cũng không phải vì sự cô đơn.
Những nỗi đau khổ xung quanh đang ăn mòn hạnh phúc trong ta.
Không cách nào tránh được điều này, kể cả những cộng đồng kín cổng cao tường, kể cả khi bạn tự nhủ mình xứng đáng được hạnh phúc, kể cả khi bạn cho rằng mình có quyền được hưởng những gì đang có. Chúng ta là một loài có thấu cảm, bản năng thôi thúc ta phải quan tâm, chấp nhận người khác. Và khi chứng kiến những nỗi khổ đau xung quanh, chúng ta cũng cảm thấy đau khổ theo.