T
rên tầng cao của tòa khách sạn hạng sang, Shinji ngồi trên chiếc ghế bành giữa căn phòng khách mờ tối, nhìn về con hào cùng khu vườn rộng mênh mông của hoàng cung Tokyo. Mặt trời xế bóng, giờ là cuối tháng Mười một, và tôi đang ngồi bên cạnh người bạn lâu năm.
Người phục vụ mang mấy cốc bia lớn đến cho chúng tôi, bước đi nhanh nhẹn như lướt trên mặt nước. Từ quầy bar văng vẳng tiếng nhạc của Oscar Peterson. Nếu lắng tai nghe thật kỹ, ta có thể nhận ra giai điệu quen thuộc của “I Was Doing Alright”.
Sau khi cụng ly, hai chúng tôi cùng ngả người ra ghế, hướng mắt về bức tường kính khổng lồ với tầm nhìn rộng mở. Không gian vắng vẻ, mặc dù một năm chỉ gặp nhau có vài lần, nhưng chúng tôi không nói gì nhiều.
Shinji là một hướng dẫn viên ẩm thực nổi tiếng ở Tokyo. Chúng tôi dành cả ngày để ăn uống, chẳng nói gì nhiều ngoại trừ bình luận thức ăn: món này ai nấu, nguồn gốc từ đâu, cách ăn thế nào, vân vân. Tối hôm trước tôi suýt thì gặp rắc rối với anh ta vì bữa ăn tại một nhà hàng mới mở tên Den. Tôi không thể ăn hết phần cơm của mình.
“Làm ơn ăn hết cơm đi! Bếp trưởng sẽ thấy bị xúc phạm nếu anh bỏ lại dù chỉ một hạt đó,” anh ta thì thầm. “Tôi biết anh no rồi, nhưng xin anh hãy cố vì tôi đi. Tôi là khách quen ở đây, tôi muốn được trở lại đây lần nữa. Thật lòng thì nếu là người nước ngoài nào khác, chắc tôi sẽ không nói chuyện này đâu. Nhưng tôi biết anh hiểu được lý do tại sao chuyện này lại quan trọng vậy mà. Cứ ăn đi!”
Có rất nhiều điều tôi muốn nói, muốn hỏi anh ta. Nhưng bầu không gian im lặng này không cho phép.
Tôi nhìn sang Shinji. Vẫn nụ cười tươi tắn, tóc nhuộm cam, gương mặt tròn trịa, anh ta cứ như chú mèo Cheshire.
Hồi hai mươi năm trước lúc tới Nhật lần đầu, tôi dễ thấy bối rối trước sự im lặng như bầu không khí lúc này giữa tôi với Shinji. Tôi sẽ bồn chồn, tự hỏi phải nói gì, nghĩ rằng mình đã làm gì sai, bỏ sót dấu hiệu văn hóa nào đó, cư xử không đúng theo tập tục của người Nhật.
Giờ tôi hiểu biết hơn rồi.
Im lặng chính là tập tục nơi đây. Chúng tôi đang cảm nhận không gian xung quanh, lắng nghe tiếng dương cầm khe khẽ, ngắm nhìn bầu trời đang dần chuyển tối. Một điều quan trọng không kém nữa là tình bạn lâu dài cho phép chúng tôi làm thế, tạo ra một nhịp điệu, một bầu không khí phù hợp để chúng tôi có thể hòa nhập vào thế giới xung quanh.
Vậy nên tôi không ngạc nhiên khi Shinji lên tiếng, hai mươi phút sau: “Được ở đây lúc này mới hay làm sao.” Chỉ có thế, cộng với cái gật đầu từ tôi.
Tôi nhớ lại những ký ức sâu đậm nhất trên đất Nhật. Luôn luôn là những lần ngồi cùng bạn bè, đôi lúc còn thoải mái hơn khi hai bên không cần trò chuyện. Những lần như thế, tôi lại có cảm tưởng hai bên mới lần đầu gặp gỡ bởi sự chú tâm dành cho nhau, nhưng đồng thời, những năm tháng quen thân lại càng làm chúng tôi quan sát thêm phần sâu sắc.
Giữa mùa đông lạnh, tôi và Jiro ngồi uống cà phê trong lữ quán của anh. Tôi đã ăn sáng, tắm suối nước nóng, và giờ chuẩn bị đi cùng Jiro để phỏng vấn các nông dân và nghệ nhân cung cấp sản phẩm cho ryokan: từ gạo, nước tương, trứng, đồ mỹ nghệ, giấy làm bằng vỏ cây đến chén bát và đũa gỗ. Các bài phỏng vấn sẽ được tập hợp thành một quyển sách nhỏ để Jiro quảng bá với du khách đến lữ quán của mình. Tôi chờ anh ta nói ra lịch trình và kế hoạch, bởi suy cho cùng chúng tôi chỉ có năm ngày để phỏng vấn hai mươi người.
Nhưng không ai nói gì cả.
Tôi và Jiro, mỗi người được phục vụ một bình cà phê nhỏ, bên trong đổ đầy nước sôi và hạt cà phê mới xay nhập từ Cuba. Tôi biết đó là hàng Cuba vì trước khi Jiro đến, anh chàng pha chế Hiroshi đã giảng giải chi tiết những gì anh ta biết về loại hạt này tới mức tôi có cảm giác cà phê với anh ta mang ý nghĩa vô cùng lớn lao.
Hiroshi đọc được suy nghĩ của tôi mà chẳng cần tôi nói ra.
Anh ta bật cười ngượng ngùng rồi nói: “Tôi biết, tôi biết. Tôi có hơi otaku một tí.”
Otaku là thuật ngữ người Nhật dùng để chỉ những người đam mê một điều gì đó đến mức hình thành cái nhìn và lối sống phi thực tế, như người chủ quán Zoetrope, quán bar bé tí giữa lòng Tokyo với hàng trăm chai rượu whisky Nhật quý hiếm. Hoặc mấy cậu trai trẻ kỳ quặc nhan nhản khắp khu Akihabara, ăn mặc như nhân vật anime.
“Không đâu Hiroshi,” tôi nói, “anh không phải là otaku. Anh chỉ thích nói về cà phê thôi.”
Anh ta cúi đầu và nói với ít nhiều châm biếm: “Cảm ơn vì đã hiểu cho tôi.”
Jiro gỡ cặp kính gọng vàng thời trang ra, gấp nhẹ lại, tạo nên một tiếng canh. Nhắm mắt hồi lâu, rồi khi mở mắt ra, anh ta cất tiếng nhẹ nhàng, khe khẽ như một lời thì thầm: “Trước khi bắt đầu, tôi chỉ muốn nói với anh là tôi vô cùng trân trọng lần hợp tác này giữa chúng ta.”
Tôi biết những lời mào đầu khách sáo này, một kịch bản có sẵn, vậy nên tôi hít sâu, chờ mười lăm giây rồi nói: “Tôi muốn cảm ơn anh vì đã tin tưởng hợp tác với tôi. Tôi sẽ cố hết sức.”
“Cảm ơn,” anh ta gật đầu.
Thêm một hồi im lặng, cho tới khi Jiro mở cái cặp da cũ mòn có khắc chữ cái đầu tên của anh trên khóa. Anh ta lấy ra một cái bìa sơ mi, đặt bản sao lịch trình trong ngày lên cái bàn thấp trước mặt cả hai. Anh ta chỉ vào từng cuộc hẹn, bên cạnh có ghi tên, địa điểm, thời gian cụ thể.
Anh ta hỏi: “Đi chứ?”
Và như thế chúng tôi lên đường.
Chúng tôi không bàn bạc nội dung cụ thể: những gì cần hỏi các nghệ nhân, anh ta mong muốn kết quả thế nào, quyển sách trình bày ra sao… Thậm chí các email trao đổi giữa hai bên trước ngày hôm nay cũng rất chung chung. Nhưng tin tôi đi, tôi hiểu cả, từ cử chỉ, từ sự tín nhiệm của Jiro, tôi biết chúng tôi đang có cùng mục đích.
Cái điều diễn ra giữa chúng tôi có thể xem là “Kuuki wo yomu”, đọc không khí. Tức là cảm nhận và chấp nhận suy nghĩ, cảm xúc của người đối diện.
Ở Nhật, sự im lặng không chỉ diễn ra giữa bạn bè.
Không có nhiều vụ tố tụng dân sự, thẩm phán thậm chí còn hay chỉ trích nguyên đơn lẫn bị đơn vì không tự dàn xếp tranh chấp mà phải kéo nhau ra tòa. Hai bên đều bị xem là có lỗi vì không thể chấp nhận và giải quyết vấn đề với nhau.
Nếu nước Mỹ có thể học hỏi được điều này thì tốt biết mấy, bởi chúng ta là quốc gia xếp thứ năm trong số các nước có nhiều vụ kiện tụng nhất thế giới, chỉ sau Đức, Thụy Điển, Israel và Áo.61
61. Mặc dù Nhật Bản lẽ ra phải có một vụ kiện đích đáng cho những công ty như Tepco hay Chisso vì đã gây ô nhiễm môi trường.
Các nước phương Tây rất kém trong khoản giải quyết mâu thuẫn, và phương pháp tránh né xung đột của người Nhật là điều đáng noi gương: Nếu ta có thể xem xét quan điểm của đối phương, nhìn nhận vấn đề theo cách của họ, nghĩ thêm một chút cho suy nghĩ của đối phương bên cạnh suy nghĩ của mình, cảm nhận tâm tư họ, thế thì chí ít ta cũng dằn xuống được phần nào cơn giận, bực tức và đòi hỏi của bản thân. Mà một khi không còn xù lông lên nữa, rất có thể ta sẽ tìm được một giải pháp thỏa đáng cho tất cả.
Người Nhật áp dụng triệt để chiến thuật tránh gây xung đột trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều doanh nghiệp cũng được khai sinh từ truyền thống văn hóa này.62
62. Exit, một công ty vừa được thành lập ở Tokyo của Yuichiro Okazaki và Toshi- yuki Niino, cung cấp dịch vụ thay nhân viên đưa đơn nghỉ việc đến cấp trên.
“Với tiền phí 50.000 yên (457 đô la), Exit sẽ gọi đến cho cấp trên của khách hàng và đưa đơn nghỉ việc đã qua ủy quyền.” Okazaki ước tính rằng có khoảng 30 công ty khác cung cấp dịch vụ tương tự ở Nhật Bản.
Hãy tưởng tượng Mỹ cũng có dịch vụ như thế: không phiền hà, không đối mặt, chỉ có: “Xin chào, tôi là Bob của công ty Exit. Tôi xin thay mặt Mary Wilson thông báo rằng: Cô ấy muốn nghỉ việc!”
Việc này lấy đi một phần quyền lực của người chủ, đồng thời giữ lại tâm trạng thoải mái cho người làm công. Rất nhiều người phải bám lấy công việc kinh khủng đang làm chỉ vì sợ cái áp lực khi nói: Tôi muốn nghỉ việc. Nhưng ở Nhật, cũng như ở Mỹ, “trong vài năm trở lại đây, người lao động nhảy việc càng lúc càng nhiều. Lực lượng lao động thu hẹp đồng nghĩa với việc mở ra thị trường cho những người tìm việc.”
Rồi Exit đến: “Mọi người thay đổi, nhưng văn hóa không đổi, doanh nghiệp cũng không đổi…, do đó mọi người cần chúng tôi,” Okazaki nói.
Tránh gây xung đột không phải lúc nào cũng là lựa chọn lý tưởng, nhưng vẫn hay lắm chứ khi biết rằng mình có thể chọn:
TRONG TRƯỜNG HỢP NGUY CẤP, ĐỪNG ĐẬP VỠ KÍNH.
Một trong những quyển sách bỏ nhiều tâm huyết nhất để bàn về “đức tính” thông cảm tốt đẹp của người Nhật và cách nó giải quyết xung đột trong các mối quan hệ là cuốnJapaneseness (Nét Nhật – ND) của Yoji Yamakuse (bút danh của Hiroshi Kagawa).
Yamakuse viết rằng: “Người Nhật có thể thể hiện quan điểm chỉ bằng vài lời ít ỏi. Tránh gây xung đột, nghĩ cho người khác, tạo ra nền tảng cho việc hợp tác chung là cơ sở trong phương pháp tiếp cận của người Nhật.”
Kết quả then chốt cho lối sống khác biệt này chính là mở ra khả năng xây dựng một tập thể có thể bảo vệ và chấp nhận mọi người bên trong. Khoảng lặng dùng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho tập thể có thể xoa dịu rất nhiều căng thẳng.
Yamakuse đề cập đến sukoshi ma o oite, được ông định nghĩa là “tạm nghỉ”, thường được nói trước khi mọi việc trở nên nghiêm trọng.
“Cho dù trong một cuộc trò chuyện đơn giản,” Yamakuse viết, “người Nhật vẫn thích tạm nghỉ, cho phép hai bên tạo ra khoảng lặng.”
Trong “khoảng lặng” này, rất nhiều điều được truyền tải dù ta không nghe hay thấy được. Yamakuse viết về nội lực: Ki, tức là khí, được ông giải thích là “một loại năng lượng vô hình” và mối quan hệ của ki với sakki, “sát khí”. Khoảng thời gian im lặng ấy chính là lúc loại năng lượng này trao đổi qua lại giữa hai bên.
“Để đối phương có thể gửi thông điệp cho ta mà không cần dùng đến lời nói.” Ông viết. “…Việc này nghe như chỉ diễn ra trong truyện tranh hay phim ảnh, nhưng… người Nhật được dạy phải biết thể hiện cảm xúc của mình với người khác mà không cần nói thành lời.”
Lúc gặp Yamakuse trong văn phòng của ông ở Tokyo, tôi có cảm giác ông là một người nhút nhát nhưng lại quyết đoán. Một bậc thầy lắng nghe, người dường như có thể đọc thấu được tôi dù cả hai chỉ ngồi nhấm nháp tách trà nóng được người trợ lý mang đến trên chiếc khay nhỏ.
Đó là một ngày đầu tháng Mười hai lạnh lẽo.
Chúng tôi thảo luận về sự phức tạp trong cách tương tác của con người, ở phương Đông và phương Tây. Yamakuse chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật lẫn phương Tây cách để đạt được thỏa thuận. Cư xử sao cho phù hợp với phong tục tập quán. Người Nhật phải làm gì để thể hiện quan điểm trong bối cảnh phương Tây; và người phương Tây phải hành động ra sao ở Nhật để người khác hiểu được ý mình.
Nhưng chính sự im lặng giữa hai bên đã tạo cơ hội để cả hai có thể trao đổi về chuyện gia đình, dẫu chỉ mới quen nhau. Tôi nghĩ chúng tôi đã chấp nhận nhau một chút rồi đấy.