N
hư rất nhiều người khác, tôi thường gặp khó khăn khi ra quyết định.
Ngồi đờ ra trước màn hình trống trơn, mất cả mấy tuần mới quyết định được phải viết gì. Tôi thường tự an ủi rằng mình cũng đến chỗ làm, chí ít mình cũng có nghĩ về công việc, còn việc quằn quại, khủng hoảng, xấu hổ vì thiếu quyết đoán vốn là một phần tất yếu của quá trình ra quyết định mà.
Suy nghĩ đó an ủi tôi được một thời gian.
Hoặc không.
Kể cả khi không thấy khá hơn, tôi vẫn có thể nói với bản thân rằng không ai bắt tôi làm việc này cả, là tôi tự chọn cuộc sống này.
Tôi cũng hay dựa vào mấy câu danh ngôn, trích dẫn để thấy mình không lẻ loi.
Những câu nói đó cho tôi cảm giác mình thuộc về một nhóm, được họ chấp nhận, biết rằng có nhiều người nữa cũng cùng chung cảnh ngộ, hoặc thậm chí là vấp phải thách thức khó khăn, vất vả gấp chục lần. Rắc rối của tôi không phải là độc nhất. Tôi không có đặc biệt gì đâu. Rồi cả những câu châm ngôn chú trọng vào công việc thay vì người làm việc đó. Chúng giúp tôi chấp nhận hoàn cảnh.
Các học sinh và gia đình người Nhật thường hay treo các câu châm ngôn, cầu nguyện, khẩu hiệu mang tính động viên, tạo nên cảm giác đoàn kết tập thể.
Yuki Kojima, một người bạn Nhật hiện đang sống ở Boston, dạy tôi rất nhiều điều về các châm ngôn này. Điều hành các tour tham quan sake kura (nhà máy bia) tới nhiều tỉnh thành, Yuki đồng thời cũng mang văn hóa Nhật đến với đất Mỹ.
“Ở Nhật, người ta thường treo thư pháp trong nhà,” cô cho biết. “Nội dung không phải để cổ động mà để suy ngẫm. Tôi từng thấy có những nhà treo mấy câu thư pháp như ‘Ichigo Ichie’ hay ‘Shikisoku Zekuu.’”
Thử tưởng tượng một gia đình người Mỹ cũng treo mấy câu Bây giờ hoặc không bao giờ, hay Sống nay chết mai trong nhà xem. Bạn thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa hai nền văn hóa rồi đấy.
Ichigo ichie có nghĩa là những gì đang diễn ra sẽ không lặp lại nữa, nếu có lần sau cũng sẽ không giống lần này, do đó ta phải biết trân trọng và nắm bắt những gì đang có.
Còn câu Shikisoku Zekuu “ý nói mọi điều trên thế gian, từ vật chất, tâm trí đến sự việc đều có chung một nền tảng. Mặc dù trong mắt mỗi người những điều này có thể khác nhau, nhưng tất cả thực chất đều ngang bằng. Khi xét đến tận cùng, vạn vật đều bình đẳng vì tất cả đều là một dạng năng lượng mà thôi… Nói tóm lại, mọi hiện tượng trên đời đều là sản phẩm tạo nên từ một dạng năng lượng như nhau.”58
58. Theo trang web Shikisokuze (https://shikisokuzekw.tumblr.com/ post/51365649857/shiki-soku-zeku-ku-soku-ze-shiki).
Quan niệm “mọi điều trên thế gian, từ vật chất, tâm trí đến sự việc đều có chung một nền tảng” nói lên rằng chính chúng ta đã gây ra khác biệt để chia tách con người với con người và con người với thiên nhiên. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta đều sinh ra và chết đi như nhau. Triết lý công bằng này là một liều thuốc xoa dịu, một cách để ta chấp nhận rằng thời gian chúng ta tách rời khỏi thiên nhiên ngắn hơn thời gian chúng ta thuộc về thiên nhiên, do đó chúng ta đều có mối liên kết với nhau.
Yuki cho biết sinh viên Nhật cũng thường treo các câu khẩu hiệu trong ký túc xá:
Ganbare 頑張れ!(Cố lên)
Hisho 必勝!(Quyết thắng)
Như những câu châm ngôn treo trong nhà, các khẩu hiệu của sinh viên này cũng không nhằm mục đích thỏa mãn ích kỷ cá nhân. Cố lên và quyết thắng dành cho tất cả những ai đọc được. Nó khác với: “Bạn có thể làm mọi điều mình muốn”, “Bạn hãy phấn đấu đến cùng”, “Dám ước mơ, rồi bạn sẽ thành công” hay “Phải, bạn có thể”.
Yuki cũng nhắc tới một bài thơ của Kenji Miyazawa sáng tác năm 1931. Cô nói “Tất cả học sinh trung học ở Nhật đều phải học bài này.”
雨ニモマケズ
風ニモマケズ
雪ニモ夏ノ暑サニモマケヌ
丈夫ナカラダヲモチ
慾ハナク
決シテ瞋ラズ
イツモシヅカニワラッテヰル
一日ニ玄米四合ト
味噌ト少シノ野菜ヲタベ
アラユルコトヲ
ジブンヲカンジョウニ入レズニ
ヨクミキキシワカリ
ソシテワスレズ
野原ノ松ノ林ノ蔭ノ
小サナ萓ブキノ小屋ニヰテ
東ニ病氣ノコドモアレバ
行ッテ看病シテヤリ
西ニツカレタ母アレバ
行ッテソノ稻ノ朿ヲ負ヒ
南ニ死ニサウナ人アレバ
行ッテコハガラナクテモイヽトイヒ
北ニケンクヮヤソショウガアレバ
ツマラナイカラヤメロトイヒ
ヒデリノトキハナミダヲナガシ
サムサノナツハオロオロアルキ
ミンナニデクノボートヨバレ
ホメラレモセズ
クニモサレズ
サウイフモノニ
ワタシハナリタイ
Mưa không ngại
Gió chẳng sợ chi
Dẫu hè nóng hay tuyết đông
Thân ta vẫn mạnh mẽ
Không sân si Không hờn oán
Luôn nở nụ cười
Ngày bốn chén cơm một chén canh
Đừng quên ăn rau nữa
Ưu tiên người khác
Thấu hiểu và lắng nghe
Đừng cho vào quên lãng
Một túp lều tranh yên ổn
Núp bóng rặng thông xanh
Nơi nhà Đông có trẻ bệnh
Đến chăm sóc ngay thôi
Nơi đằng Tây có người mẹ mệt nhoài
Đến vác hộ bà bao lúa nặng
Phía Nam kia có người hấp hối
Đến dịu dàng bảo chớ sợ chi
Phía Bắc nọ cãi cọ liên miên
Đến bảo họ chớ phí hoài hơi sức
Hạn hán khô cằn
Rơi nước mắt
Hè mát hây hây
Dạo bước ngất ngây
Cứ để đời gọi ta vô dụng
Công lao không nhận
Than phiền chẳng để tâm
Làm một người như thế
Ôi thật sướng lắm thay
(Dịch từ bản dịch tiếng Anh của Yuki Kojima)
Những câu như “Ưu tiên người khác, Thấu hiểu và lắng nghe,” cho ta con đường thoát khỏi cô đơn. Đặt nhu cầu của người khác lên trước bản thân, biết lắng nghe, biết thấu hiểu, biết quan tâm tới người khác hơn lợi ích cá nhân. Hạnh phúc không cần phải nhắc đến.
Đoạn “Nơi đằng Tây có người mẹ mệt nhoài, Đến vác hộ bà bao lúa nặng… Phía Bắc nọ cãi cọ liên miên, Đến bảo họ chớ phí hoài hơi sức,” cho thấy những hành động cụ thể ta có thể làm để trở thành một người tốt đẹp. Lời khuyên cũng chứng tỏ cộng đồng được tạo nên từ mục đích chung và mạng lưới những mối quan hệ.
Nhất là câu “Đến bảo họ chớ phí hoài hơi sức,” tác giả ngụ ý rằng một cách để hóa giải xung đột là giúp đỡ người khác, và rằng những người xung quanh có lẽ sẽ nghe theo lời khuyên của ông.
Biết chấp nhận vai trò của sự cảm thông, biết nhận ra giá trị của cộng đồng, đặt lợi ích của người khác lên trước bản thân, ta sẽ trở thành một con người tốt đẹp hơn, quyết đoán hơn. Ta đưa ra quyết định dựa trên lợi ích mang đến cho người khác. Ta không ích kỷ chỉ quyết định đem lại hạnh phúc cho cá nhân mình.
Trẻ em Nhật ở độ tuổi 12 đến 14 phải học thuộc lòng bài thơ đó, có nghĩa là trong đầu những đứa trẻ ấy đã khắc ghi những lời lẽ rồi sẽ dẫn dắt chúng vào tuổi trưởng thành. Đây không phải là câu thần chú vạn năng, nhưng vẫn là lời nhắc nhở rằng con người không nên sống theo bản năng ích kỷ.
Lối sống nên đặt ra chính là: “Công lao không nhận, Than phiền chẳng để tâm, Làm một người như thế, Ôi thật sướng lắm thay.” Nỗi băn khoăn “Tôi là ai?” chắn ngang tuổi dậy thì đã phần nào được giải tỏa: Tôi là người biết quan tâm chăm sóc người khác, tôi là một phần của cộng đồng, tôi có thể yên tâm vì biết rằng cộng đồng cũng sẽ quan tâm chăm sóc tôi khi tôi cần. Tôi là một người có khả năng đem đến điều tốt đẹp.
Chấp nhận rằng giá trị cộng đồng quan trọng hơn lợi ích cá nhân đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Nhật, bằng chứng là các khía cạnh như cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế công, phân phối tài sản bình đẳng, khả năng tiếp cận dịch vụ y khoa đều được chú trọng. Các hệ thống này phát triển và duy trì nhằm mục đích nhấn mạnh tính tập thể. Đây là quan niệm đã được gieo mầm từ khi còn thơ ấu và tiếp tục đâm chồi nảy lộc đến lúc trưởng thành. Nó được hình thành dựa trên việc chấp nhận sự yếu đuối, và rằng các cá nhân phải hành động để thay đổi điều đó.
Quyết định của bạn ảnh hưởng đến người khác như thế nào?
Trên tấm bảng kế hoạch làm việc cách bàn chừng một thước rưỡi, tôi dán tám đoạn trích dẫn và câu nói. Tôi để chúng ở đó cũng mấy chục năm rồi, cứ ngẩng đầu lên là thấy.
Đây là một đoạn thường giúp tôi đưa ra quyết định.
“Một ngày nọ, một người trong đám đông nhận ra tôi. Người phụ nữ ấy đứng ngay sau tôi, môi tím tái vì lạnh, bà ta tất nhiên chưa từng nghe ai gọi thẳng tên tôi. Giờ đây bà ta sực tỉnh khỏi cơn mơ màng phủ trùm xuống đám đông, hỏi tôi bằng một giọng khẽ khàng (mọi người ở đây đều nói chuyện khẽ khàng): ‘Cô tả lại việc này được không?’
Tôi đáp: Được.
Thế rồi một điều gì đó tựa như nụ cười thoáng lướt qua gương mặt bà ta.”
Anna Akhmatova
Ahkmatova là một nhà thơ nổi tiếng người Nga. Đoạn văn trên tả lại khoảng thời gian Lev, con trai bà bị giam giữ trong nhà tù Kresty ở Saint Petersburg (hồi ấy gọi là Leningrad) theo lệnh của Stalin trong gần một năm rưỡi. Suốt thời gian con mình ngồi tù, ngày nào bà cũng tới xếp hàng chờ tin cùng với hàng trăm người khác cũng có cha, chồng, hay con trai bị bắt giữ vì lý do chính trị.
Lev còn sống hay đã chết?
Chẳng có bất cứ tin tức nào. Bạn có tưởng tượng được nếu Lev là con mình thì sẽ thế nào không?
Vì rất nổi tiếng nên nhiều người nhận ra bà, rồi tiếp cận với hy vọng điên rồ rằng quyền lực văn chương của bà có thể đem tới chút ảnh hưởng nào đó.
Nếu Akhmatova quyết định viết về cảm xúc của mình, nỗi đau của mình thì có lẽ bà ấy không làm nổi đâu.59
59. Đoạn trích tác giả đưa ra là phần văn xuôi thay lời mở đầu cho thi phẩm Re- quiem của nhà thơ Akhmatova. Đó là tập hợp 15 bài thơ ngắn được viết qua nhiều góc nhìn và sử dụng nhiều ngôi như ngôi thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Akhmatova đã hóa thân vào nhiều vai để diễn tả tận cùng các cung bậc đau thương, ai oán, bi kịch (ND).
Làm sao người ta chỉ có thể nghĩ cho đau khổ của bản thân trong khi những người xung quanh cũng đang đau khổ?
Cách Akhmatova tả lại tình cảnh bi kịch cùng lòng can đảm phi thường của bà giúp tôi hiểu được rằng quyết định của mình, dẫu có nhỏ bé hay vô nghĩa đến thế nào, vẫn là một phần của cuộc đấu tranh to lớn, quan trọng hơn để trở thành một con người tử tế.
Những người được tôi chẩn đoán thường không tìm được từ ngữ để miêu tả cuộc sống của mình. Họ phải chịu quá nhiều đau đớn. Nhưng có lẽ tôi giúp được họ. Đã rất nhiều lần tôi được họ tin tưởng để chia sẻ nỗi lòng. Tôi biết mình vẫn còn hạn chế bởi không hiểu hết, hoặc không hiểu gì cả, nhưng chí ít thì không như đa phần những người khác, tôi không sợ hãi khi phải lắng nghe những tấn bi kịch liên hoàn kia. Rồi tôi cố gắng thay mặt cả hai chúng tôi để nói lại thành lời, cùng im lặng để chấp nhận, dẫu chỉ trong thoáng giây ngắn ngủi.
Khi sáng tác, tôi cố gắng viết ra những điều có ý nghĩa với độc giả, những người cũng đang băn khoăn, lo lắng giống tôi nhưng vẫn chưa tìm được từ ngữ để bộc lộ.
Nói tóm lại, tôi có cảm giác đang mang trên mình một mục đích, một sứ mệnh không hề liên quan đến bản thân. Tôi chỉ là sứ giả.
Lối suy nghĩ thấu cảm, đặt bản thân vào trong cuộc này giúp tôi rất nhiều khi đưa ra quyết định.
Tôi cố gắng tránh xa những tư tưởng như bọn-họ-và- chúng-ta, đúng-sai, cách-làm-tốt-nhất, tranh-luận, không- nghe-tôi-thì-biến.
Khi nhận ra được rằng phải ưu tiên chấp nhận nhu cầu của tập thể trước, ta sẽ tìm được rất nhiều cách để đưa ra quyết định cùng với mọi người. Nếu bỏ được bản thân ra khỏi vấn đề thì ta đã đi được nửa đường rồi đấy.
Trong mọi tình huống bất kể lớn nhỏ ra sao, tôi luôn bắt đầu bằng câu hỏi:
“Chúng ta tính giải quyết thách thức này như thế nào?”
Cái hay ở đây là ta không xem tình huống đó là vấn đề nữa mà coi nó như thách thức. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt nó. Chúng ta ở chung chiến tuyến.
Ý tưởng ở đây là khi hai người cùng nhau đối mặt thách thức, bạn sẽ dễ dàng đón nhận quan điểm của người kia hơn, xem người kia nghĩ gì, không chừng họ cũng có mục đích giống mình.
Khi cách này không hiệu quả, và mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, một cách khác để thể hiện rằng bạn và người sắp- thành-đối-thủ kia vẫn ở cùng một nhóm chính là nói:
“Nếu bạn là tôi thì bạn sẽ làm gì?”
Sau câu hỏi này, nếu có một cuộc trao đổi thật chi tiết, điềm đạm, với sự quan sát và thấu hiểu lẫn nhau, thì người đang có mâu thuẫn với bạn rất có khả năng sẽ hiểu được góc nhìn của bạn. Có lẽ họ sẽ không đề ra một giải pháp mà bạn hài lòng, nhưng chí ít thì họ cũng hiểu và thậm chí chấp nhận quan điểm của bạn.
Rồi khi người đó đặt mình vào vị trí của bạn để nêu ra cách giải quyết, sẽ đến lượt bạn hiểu rõ hơn góc nhìn của người đó.
Câu hỏi thứ ba mang tính then chốt trong quá trình đưa ra quyết định: “Bạn đã vượt qua những thử thách tương tự bằng cách nào?”
Cách nào thành công? Cách nào thất bại?
Rất có khả năng vấn đề trước mắt không phải lần đầu mới có, nếu những người khác từng gặp qua, vậy thì họ có những phương pháp thành công khác để giải quyết.
Ở Nhật Bản, tôi đã chứng kiến người ta sử dụng ba chiến thuật để đưa ra quyết định tốt nhất:
Xem xét ảnh hưởng của quyết định lên người khác.
Xem xét quyết định đưa ra ngay lúc này có phải tốt nhất không.
Nắm bắt thật rõ nguyên nhân đưa đến suy nghĩ và cảm xúc dẫn đến quyết định.
Hình thành dựa trên tinh thần tập thể, chấp nhận người khác, cùng với lòng vị tha, những chiến thuật giúp ta đưa ra quyết định cho việc công lẫn việc tư này có thể giảm bớt căng thẳng và sự cô đơn.
David Creswell và Emily Lindsay, hai nhà tâm lý học thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của sự cô độc kết luận rằng: “Những đối tượng được huấn luyện cách chấp nhận và tĩnh tâm trở nên hòa đồng hơn đáng kể…”60
60. Theo bài báo của Gretchen Reynolds đăng trên tờ New York Times (20/2/2019), dẫn ra nghiên cứu về sự cô độc thực hiện tại Đại học Carnegie Mellon.
Nghe qua thì rất ngược đời, nhưng việc chấp nhận người khác và nhận thức được nỗi đau của họ chính là chìa khóa để đưa ra quyết định.