Câu hỏi quan trọng nhất trong mọi câu hỏi là: Hạnh phúc thực sự là gì? Người ta có thể đạt được nó không? Hạnh phúc là vĩnh cửu, hay chỉ là khoảnh khắc? Cuộc sống chỉ là một giấc mơ phù du hay cũng là một sự thật trường tồn? Cuộc sống chỉ có sống và chết hay còn có sự luân hồi giữa hai cõi tử sinh? Bởi vì không có gì mãi mãi nên cũng chẳng có hạnh phúc thực sự. Nếu hạnh phúc là một khoảnh khắc, nó chỉ thoáng qua đời bạn: nó bên bạn lúc này, rồi sẽ rời xa bạn vào một ngày nào đó. Và khi không còn hạnh phúc, bạn lại rơi vào trạng thái thất vọng tối tăm.
Cuộc sống thật là mờ mịt. Giây phút này bạn tràn trề niềm vui nhưng thời khắc sau lại chứa đầy đau khổ; cuộc đời bạn là một trạng thái hỗn độn những cảm xúc. Bạn không thể giữ hạnh phúc ở lại mãi mãi. Một cách bí ẩn, hạnh phúc cứ đến rồi đi mà bạn không cách nào làm chủ được nó. Bạn không thể tránh khỏi sự đau khổ; vì nó cũng đến và đi theo cách riêng của nó. Bạn chỉ đơn giản là một nạn nhân. Bạn bị xẻ đôi ra giữa hạnh phúc và bất hạnh. Không bao giờ bình an được.
Cuộc sống này luôn bị phân tách thành hai mặt. Bản chất hai mặt của hạnh phúc và bất hạnh là nền tảng nhất và rõ ràng nhất. Chúng ta còn vô số thứ có tính chất hai mặt kiểu như vậy: tính hai mặt của yêu và ghét, sống và chết, ngày và đêm, mùa hè và mùa đông, trẻ và già, v.v. và v.v. Về cơ bản, con người luôn bị giằng xé giữa hạnh phúc và khổ đau, bị đẩy vào hai thái cực khác nhau của cảm xúc, không thể tìm được trạng thái cân bằng.
Theo Phật giáo, con người mắc chứng tâm bệnh. Tâm bệnh này là cố tật, hay có thể vượt qua?
Câu hỏi nền tảng và quan trọng nhất được đặt ra: Hạnh phúc thực sự là gì? Chắc chắn hạnh phúc mà chúng ta biết không phải là đích thực, nó chỉ là một giấc mơ và luôn luôn có thể ra đi. Có cái gì đó rất giống hạnh phúc ở thời điểm này thì bỗng dưng hóa thành bất hạnh ở thời điểm khác.
Hạnh phúc hóa thành bất hạnh: đó là hai mặt của một vấn đề, như hai mặt của một đồng xu. Nếu bạn đang ở phía bên này, hẳn là mặt bên kia đang ẩn náu và chờ cơ hội để xuất hiện. Khi bạn hạnh phúc, thâm tâm bạn đang che giấu một nỗi lo sợ mất mát, sớm hay muộn gì hạnh phúc cũng tuột khỏi tay bạn, rằng đêm tối thất vọng lại đến, rằng ánh sáng tốt đẹp chỉ là ảo giác; nó không thể giúp bạn lấy lại được hy vọng bình an.
Hạnh phúc hóa thành bất hạnh: đó là hai mặt của một vấn đề, như hai mặt của một đồng xu. Nếu bạn đang ở phía bên này, hẳn là mặt bên kia đang ẩn náu và chờ cơ hội để xuất hiện.
Hạnh phúc của chúng ta không phải đích thực đơn giản vì luôn có nỗi đau khổ chìm khuất phía sau. Tình yêu mà chúng ta tưởng mình đang có vẫn không phải đích thực vì chiếc mặt nạ của hận thù luôn ẩn chìm đâu đó. Lòng thương của chúng ta chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta vẫn còn nổi giận – cho dù được nuôi dưỡng, được giáo dục một cách cẩn trọng… thì tình thương của bạn vẫn không hơn gì cơn giận. Tâm hồn nhạy cảm của bạn không thực sự nhạy cảm mà nó chỉ là một thứ bài tập của lý trí.
Hãy nhớ rằng: toàn bộ loài người được khuyến dụ rằng đức hạnh là thứ có thể luyện tập, cái tốt đẹp cũng do luyện tập, rằng con người có thể học cách hạnh phúc, có thể làm chủ được hạnh phúc, rằng nhờ quyền lực mà con người sẽ tạo nên một kiểu tính cách mang lại hạnh phúc. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Bạn hãy hiểu rằng hạnh phúc là thứ không bao giờ do luyện tập mà có. Nó không phải do bạn tạo ra. Những gì bạn tạo ra bao giờ cũng nhỏ hơn, ít hơn bạn, nó không thể lớn hơn chính bạn. Một bức tranh không thể lớn hơn họa sĩ và một bài thơ không thể lớn hơn chính nhà thơ. Bài hát của bạn sẽ nhỏ hơn chính bạn.
Nếu thực hành tìm kiếm hạnh phúc, bạn sẽ luôn quay lại điểm xuất phát một cách ngây ngô bởi đó vẫn là chuyến phiêu lưu của lòng tự kỷ với một tâm trí hỗn loạn. Với một tâm trí như vậy, bạn không thể tạo ra sự hài hòa, không thể tạo ra lòng biết ơn. Lòng biết ơn luôn nằm ở phía bên kia, nó là một món quà dành cho người có đức tin lớn lao vào sự buông bỏ hoàn toàn. Chỉ ở nấc thang cao vời đó, hạnh phúc mới thực sự xuất hiện.
Chúng ta được giáo dục là phải cố gắng chiến thắng, cố đạt được ước mơ. Tâm trí chúng ta được nuôi dưỡng bằng ý tưởng nhất định phải là người thành đạt. Nền giáo dục, văn hóa, tôn giáo của chúng ta, tất cả đều dựa vào ý tưởng cơ bản rằng con người cần phải có tham vọng, và chỉ những người tham vọng mới có thể thành công. Nhưng đó là điều không bao giờ xảy ra, nó sẽ không bao giờ xảy ra, và thật ngớ ngẩn nếu chúng ta cứ tin như vậy.
Một người luôn tham vọng không bao giờ có thể hạnh phúc; và trên thực tế, người tham vọng mới là kẻ đau khổ nhất thế giới. Thế mà chúng ta dạy dỗ trẻ em rằng: “Phải xếp thứ nhất, phải đứng đầu, chỉ như thế con mới hạnh phúc”. Bạn đã từng thấy ai đó đứng đầu và hạnh phúc chưa? Alexander Đại đế(5) có hạnh phúc khi ông ta thống lĩnh toàn thế giới không? Ông ta là một trong những người bất hạnh nhất sống trên trái đất này. Nhìn niềm vui của Diogenes, ngài Đại đế bỗng ganh tị - ngài ganh tị với một kẻ ăn xin?
(5) Alexander Đại đế (356 – 323 TCN): Vị vua thứ 14 của vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN). Ông được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới lúc bấy giờ.
Người tham vọng là kẻ đau khổ nhất thế giới. Thế mà chúng ta dạy dỗ trẻ em rằng: “Phải xếp thứ nhất, phải đứng đầu, chỉ như thế con mới hạnh phúc”.
Diogenes là người ăn xin; ông ta chẳng có gì, kể cả cái bình bát. Đức Phật ít ra còn có được chiếc bình và ba cái áo choàng. Diogenes hoàn toàn không có gì. Trước kia thì ông cũng có một cái bình và một ngày ông đến bờ sông với chiếc bình ăn xin ấy. Khát nước giữa lúc trời nóng bức, ông muốn uống nước. Trên đường, ông nhìn thấy dòng sông nhỏ và một con chó chạy qua trước mắt ông. Nó vừa chạy, vừa thở và nhảy ùm xuống nước, tắm mát và vùng vẫy thỏa thích. Một ý nghĩ nảy lên trong đầu Diogenes: “Con chó này tự do hơn ta – nó còn không có cả cái bình bát ăn xin. Nó sống được như vậy, sao ta không làm được? Cái bình này là vật sở hữu duy nhất của ta, lúc nào ta cũng lo nó bị đánh cắp. Thậm chí, đêm đêm ta cũng phải thức dậy đến vài lần để xem cái bình còn ở đó không”. Nghĩ vậy, ông ném chiếc bình bát xuống sông, cúi chào con chó và cảm ơn nó đã mang đến cho ông một thông điệp lớn lao: thoát khổ.
Con người hoàn toàn trắng tay đó lại khiến cho Alexander ganh tị. Ngài Đại đế thật đáng thương làm sao. Ông ta thú nhận: “Nếu Thượng Đế cho ta được sống lại một lần nữa, ta sẽ bảo Người: “Xin đừng cho con làm Alexander – mà hãy biến con thành Diogenes”.
Diogenes cười nhạo và gọi con chó – lúc này họ đã là một đôi bạn thân và sống quấn quít bên nhau – ông nói: “Nhìn kìa, và nghe thử xem, Ngài Đại đế đang nói ngớ ngẩn cái gì vậy chứ? Kiếp sau ngài muốn làm Diogenes! Tại sao lại là kiếp sau? Tại sao phải trì hoãn? Ai có thể biết được kiếp sau? Thậm chí ngày mai còn không chắc chắn, phút sau còn không chắc chắn, nói chi đến kiếp sau. Nếu ngài thực sự muốn làm Diogenes, hãy trở thành Diogenes ngay tại đây, lúc này. Hãy vứt bỏ quần áo xuống dòng sông và quên mọi chuyện thống lĩnh thế giới đi. Đó là một sự ngớ ngẩn khủng khiếp và ngài biết rõ điều đó.
Và ngài phải thú nhận rằng ngài đã đau khổ, ngài phải thú nhận rằng Diogenes đang thực sự an lạc hơn. Vậy tại sao không trở thành Diogenes ngay đi? Hãy nằm xuống dòng sông nơi ta đang tắm mát. Dòng sông này đủ lớn cho tất cả chúng ta”.
Dĩ nhiên Alexander không thể nhận lời Diogenes. Ông nói: “Cảm ơn ngươi đã có lời mời ta. Bây giờ ta không thể làm điều đó, nhưng kiếp sau thì có thể…”.
Diogenes hỏi Alexander: “Ngài đang đi đâu vậy? Ngài sẽ làm gì sau khi thống trị toàn thế giới?”.
Alexander trả lời: Sau đó ta sẽ nghỉ ngơi.
Diogenes nói: “Nghe có vẻ vô lý nhỉ. Còn ta lại được nghỉ ngơi ngay lúc này”.
Alexander có hạnh phúc không, Adolf Hitler hạnh phúc không, Rockefeller và Carnegie – những người quyền lực nhất, giàu có nhất thế giới ấy – có hạnh phúc không? Chỉ cần nhìn những người thành công trên thế giới, bạn sẽ quên đi ý tưởng thế nào là thành công. Không có gì khiến người ta thất bại như thành công. Cho dù bạn có nói rằng không có gì thành tựu bằng những thành công, tôi vẫn nói với bạn rằng không có gì giống với thất bại như sự thành công.
Hạnh phúc chẳng có gì gắn với sự thành công. Hạnh phúc không đi đôi với mong muốn, tiền bạc, quyền lực, danh vọng.
Hạnh phúc chẳng có gì gắn với sự thành công. Hạnh phúc không đi đôi với mong muốn, tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Hạnh phúc nằm ở một chiều kích hoàn toàn khác. Hạnh phúc thuộc về ý thức của bạn, chứ không phải là tính cách. Hãy nhớ: tính cách không phải là bản chất của bạn, nó là cái bạn học hỏi được. Bạn có thể trở thành thánh nhưng vẫn không thể hạnh phúc nếu cái phần thánh hóa ấy chỉ do luyện tập mà có. Đó là cách mà con người trở thành thánh nhân ở cuộc đời này. Những tín đồ Công giáo, Jain giáo, Ấn Độ giáo – làm thế nào họ trở thành thánh được? Họ luyện tập từng chút một, từng chi tiết một, thức khuya dậy sớm, ăn kiêng và đi ngủ theo giờ…