Sống là khổ. Con người đã chìm dưới nỗi đau khổ hàng bao nhiêu thế kỷ. Rất hiếm khi bạn gặp một người không hề đau khổ. Đó là lý do tại sao người ta không thể tin có một người như Đức Phật tồn tại trên đời này. Họ không thể tin vì họ vẫn mãi sống trong nỗi khổ riêng. Họ vướng sâu vào nỗi khổ và không có cách nào thoát ra được.
Người ta vẫn cho rằng Đức Phật là một nhân vật tưởng tượng, một người như Phật Thích Ca chỉ là một giấc mơ đẹp của nhân loại. Đó chính là điều mà Sigmund Freud nói, con người giống Đức Phật ở giấc mơ hoàn thiện. Chúng ta muốn thoát ra khỏi đau khổ, chúng ta muốn yên lặng, hòa bình, muốn tạ ơn… nhưng không làm sao thực hiện được. Freud nói: thật sự con người không nên hy vọng điều gì tốt đẹp hoàn hảo; nó không bao giờ xảy ra vì đó là bản chất tự nhiên của mọi sự vật. Con người không thể tìm thấy hạnh phúc.
Chúng ta cần phải lắng nghe Freud một cách cẩn trọng và thấm thía, không nên phủ nhận hoàn toàn. Thông điệp của ông là một trong những tư tưởng được quan tâm nhiều nhất. Khi quả quyết rằng hạnh phúc là điều không thể có, Freud cũng đồng thời khẳng định niềm hy vọng về hạnh phúc cũng hão huyền không kém. Kết luận đó không phải của một nhà triết học mà của một người quan sát, chiêm nghiệm về nỗi đau khổ của con người. Freud không thuộc kiểu người bi quan. Nhưng sau khi tìm hiểu hàng ngàn số phận, phân tích sâu sắc tâm lý của họ, ông nhận ra rằng con người dù sống thế nào cũng đều chịu đựng đau khổ. Cùng lắm là chúng ta có cảm giác hài lòng chứ không bao giờ đạt tới niềm vui tối thượng. Cùng lắm là chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn một chút – nhờ vào những phương tiện khoa học kỹ thuật, tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế, v.v. – nhưng lúc nào con người cũng sống trong nỗi đau khổ. Làm sao Freud tin vào sự hiện hữu của một người như Thích Ca ngoài đời thật? Sự thanh thản bình yên ấy của Đức Phật dường như chỉ là một giấc mơ; dường như nhân loại đang mơ về một cuộc sống Phật tính.
Đối với Freud, sự tồn tại của một nhân vật như Phật Thích Ca là một ngoại lệ khác thường. Cuộc đời Ngài là một huyền thoại, nó nằm ngoài quy luật thế gian.
Tại sao con người mãi đau khổ trong khi cái mà tất cả mọi người khát khao kiếm tìm là hạnh phúc. Không ai muốn mình khổ, nhưng ai cũng khổ. Ai ai cũng muốn được hạnh phúc, toại nguyện, bình an và yên tĩnh. Ai cũng muốn vui vẻ, hòa đồng. Nhưng hình như những điều ấy rất khó xảy ra. Giờ đây chúng ta biết rõ một nguyên nhân sâu xa mà những phân tích lô-gic của Freud không thể chạm tới.
Chúng ta phải chú ý rằng: con người muốn hạnh phúc, vì thế mà họ luôn giày vò mình trong đau khổ. Càng khát khao hạnh phúc bao nhiêu, chúng ta càng đau đớn bấy nhiêu. Điều này có vẻ vô lý nhưng nó lại là nguyên nhân sâu xa. Nếu nắm được vai trò của lý trí trong quá trình tư duy của con người, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn vấn đề này.
Mong muốn hạnh phúc bao giờ cũng tạo ra đau khổ. Nếu muốn thoát ra khỏi đau khổ, tốt nhất chúng ta hãy thoát ra khỏi ước mong hạnh phúc, khi đó không gì có thể làm cho bạn đau khổ được. Đây là điểm mà Freud đã bỏ qua. Freud không thể hiểu rằng khát khao hạnh phúc là cội nguồn đau khổ.
Thời khắc mà bạn mơ ước hạnh phúc chính là lúc bạn đang rời xa hiện tại, rời xa cuộc đời trước mắt để sống trong tương lai – nhưng tương lai là cái chưa có, chưa hiển hiện; nghĩa là bạn đang sống trong một giấc mơ không thật, và càng ngày càng dấn sâu thêm vào vòng xoáy sai lầm.
Mong ước hạnh phúc chứng tỏ bạn không bình an trong hiện tại, chứng tỏ bạn đang có một nỗi khổ nào đó. Bạn muốn gửi nỗi khổ ấy vào nơi khác để không phải lo âu buồn bã. Đôi khi bạn cảm thấy đỡ ưu phiền nhưng hạt giống đau khổ vẫn còn nguyên trong bạn. Nó chỉ tạm thời rời khỏi bạn, nhưng mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Cũng như một đứa bé đang lớn lên, nó đang biến chuyển từng giây phút nhưng vẫn gương mặt ấy, dòng máu ấy.
Giờ đây bạn đang bất hạnh. Mong muốn thiết tha của bạn là ngày mai sẽ được hạnh phúc, nhưng cái ngày mai ấy chỉ là những ước đoán của tất cả những gì bạn làm trong ngày hôm nay. Bạn đang bất hạnh, bạn mong ngày mai sẽ sung sướng hơn, và kết quả là bạn càng thêm bất hạnh. Thất bại này khiến bạn càng đói khát hạnh phúc, và dĩ nhiên là càng khổ sở hơn. Bạn rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn không sao thoát ra được, như con chó cứ muốn đuổi theo cái đuôi của mình.
Các thiền sư đã dẫn ra câu chuyện về người đánh xe và con ngựa. Nếu con ngựa không chịu di chuyển, người đánh xe càng điên lên và quật con ngựa tới tấp, nhưng càng bị quật nó càng đứng im. Bất kỳ điều gì bạn mơ ước, khao khát đều khiến bạn trở nên đau khổ hơn mà thôi. Vì thế, điều đầu tiên bạn cần làm là đừng mơ ước nữa. Chỉ có hiện tại là quan trọng nhất, cho dù hiện tại có như thế nào. Và theo đó, một thông điệp lớn lao đang chờ đợi bạn.
Thông điệp ấy như sau: tại đây, lúc này, không có ai đau khổ cả.
Bạn đã có bao giờ khổ sở ngay tại đây, ngay lúc này không? Ngay tại khoảnh khắc này, tôi nhấn mạnh, có ai trong chúng ta thực sự đau khổ ngay lúc này không? Ngày hôm qua có thể là bất hạnh. Ngày mai có thể bất hạnh. Nhưng ngay lúc này – ngay khoảnh khắc phập phồng sống động của thực tại, không âu lo quá khứ, tương lai, bạn có đau khổ không?
Ký ức có thể mang lại cho bạn nỗi đau khổ. Ai đó đã sỉ nhục bạn hôm qua, đến bây giờ bạn vẫn bị tổn thương, đau đớn. Tại sao, tại sao điều đó lại xảy ra với bạn? Tại sao người ta lại sỉ nhục bạn? Bạn đã làm nhiều điều tốt đẹp, đã sống rất tử tế, nhưng bị lăng mạ không thương tiếc. Bạn đang suy nghĩ về những điều không còn nữa. Nó là câu chuyện của ngày hôm qua.
Bạn có thể đau khổ khi nghĩ tới tương lai. Ngày mai, bạn sẽ hết tiền, bạn sẽ ở đâu? Bạn sẽ ăn gì? Không còn tiền trong túi, bạn sẽ trở nên bất hạnh biết bao nhiêu. Bất hạnh là cái đến từ quá khứ hoặc tương lai, nó không thuộc về hiện tại. Hiện tại là cái không chứa đựng đau khổ.
Nếu thấm nhuần suy nghĩ này, bạn sẽ trở thành một vị Phật. Không ai có thể cản trở con đường của bạn. Bạn sẽ quên hết mọi lời nói của Freud; hạnh phúc không chỉ là cái có thể xảy ra mà nó vẫn đang hiển hiện. Nó ở ngay trước mặt bạn nhưng bạn đã bỏ qua, đơn giản chỉ vì bạn đang đi tìm một con đường nào đó xa xôi.
Hạnh phúc nằm ở chính nơi mà chúng ta đang sống. Chúng ta ở đâu, hạnh phúc xuất hiện ở đó. Hạnh phúc bao xung quanh ta một cách tự nhiên như không khí, như bầu trời. Hạnh phúc không phải là thứ phải đi tìm; nó là chất liệu của vũ trụ bao la. Hãy thưởng thức nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Bạn phải nhìn thẳng vào nó, đối diện trực tiếp với nó. Chỉ cần lơ đãng mong cầu hão huyền, bạn sẽ lập tức đánh mất nó.
Hạnh phúc bao xung quanh ta một cách tự nhiên như không khí, như bầu trời. Hạnh phúc không phải là thứ phải đi tìm; nó là chất liệu của vũ trụ bao la. Hãy thưởng thức nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Bạn phải nhìn thẳng vào nó, đối diện trực tiếp với nó. Chỉ cần lơ đãng mong cầu hão huyền, bạn sẽ lập tức đánh mất nó.
Chúng ta tự mình đánh mất hạnh phúc. Chúng ta bất hạnh vì đã tiếp cận sai hướng.
Nếu khư khư nhìn vào quá khứ hoặc nghĩ về tương lai và cố gắng vượt qua đau khổ thì bạn chỉ chuốc lấy thất bại. Bạn không thể làm chủ được nó – cho dù bạn đã cố gắng nhiều đến đâu. Điều quan trọng nhất là bạn không thể tạo ra nỗi đau khổ ngay lúc này.
Mong cầu hạnh phúc khiến bạn cứ mải mê nhìn ra chỗ khác và bỏ lỡ niềm hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc đâu phải là cái được tạo ra, hạnh phúc chỉ đơn giản là cái sẵn có. Nó luôn hiện diện trong hiện tại. Ngay lúc này, bạn hạnh phúc, thật sự rất hạnh phúc.
Đức Phật cũng trải qua kinh nghiệm ấy. Ngài là con của một vị vua, Ngài có đủ mọi thứ mà vẫn không hạnh phúc. Ngài chỉ cảm thấy chồng chất khổ tâm, vì càng sở hữu nhiều thứ thì càng khó có được hạnh phúc thực sự. Đó là nỗi khổ của người giàu: càng tích lũy nhiều của cải thì càng sợ mất. Những người nghèo luôn biết rõ việc họ làm: họ phải kiếm tiền để sống, phải xây nhà, phải mua xe, phải có tiền cho con đi học đại học. Lúc nào họ cũng lo nghĩ công việc sắp tới. Họ bận rộn với tương lai và hy vọng: “Một ngày nào đó, … nhất định một ngày nào đó…”. Họ khổ sở nhưng họ sống trong hy vọng.
Những người giàu cũng khổ sở nhưng họ lại chẳng có gì để hy vọng. Họ đau khổ gấp đôi, tội nghiệp gấp đôi. Họ mong ngóng một tương lai nào đó mà cái tương lai ấy dường như cũng không mang lại cho họ điều gì, vì họ đã quá đầy đủ. Họ luôn sống trong lo lắng, nghi ngờ. Rồi họ trở nên đau đớn vô cùng. Phật Thích Ca đã từng sống một cuộc đời như thế. Từ giã mọi cao sang quyền quý, từ giã người vợ hiền xinh đẹp và đứa con trai vừa mới sinh, Ngài trốn khỏi cung điện. Ngài trở thành người ăn xin. Ngài bắt đầu đi tìm hạnh phúc, hỏi khắp các vị đại sư, hiền triết để xin lời khuyên. Rồi Ngài cũng thực hành theo những gì được chỉ dạy. Nhưng càng nghe theo những lời khuyên, Ngài càng bị rối bời, mờ mịt.
Dường như Ngài đã thử làm tất cả những gì được mách bảo. Nghe theo lời khuyên: “Hãy luyện Hatha Yoga(7) đi”, Ngài trở thành một người thực hành Hatha Yoga mẫu mực. Nhưng cũng chẳng có niềm hạnh phúc nào xuất hiện cả. Có chăng là một cơ thể mạnh khỏe hơn mà thôi. Người ta có thể mạnh khỏe hơn đôi chút, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hạnh phúc. Năng lượng nhiều mà làm gì nếu cứ dồn hết năng lượng ấy vào nỗi mong chờ bất hạnh. Nghèo túng khiến ta khổ sở, nhưng giàu có cũng làm ta khổ sở hơn vì bao nhiêu mới đủ cho nhu cầu của chúng ta.
(7) Hatha Yoga: Một nhánh tu học Yoga, nhằm tu luyện Yoga thân thể; khác với nhánh còn lại của Yoga là Raja Yoga nhằm tu luyện Yoga tâm thức.
Đức Phật chấm dứt mọi sự luyện tập Yoga. Ngài lên đường tìm kiếm các vị thầy khác, những học giả, nhà thông thái, nhà thiền định…Ngài cũng vâng theo lời các vị ấy, và tất nhiên cũng không có niềm hạnh phúc nào xuất hiện. Ngài thực sự mong cầu hạnh phúc. Khi chúng ta thực sự tìm kiếm một điều gì đó tức là chúng ta không còn phương cách nào để giải quyết cả.
Một người tầm thường sẽ dừng lại bất kỳ một nơi nào đó trên đường vì họ không thực sự muốn tìm kiếm. Người tận cùng khát khao là người có thể đi đến cuối con đường, để nhận ra một điều là mọi sự tìm kiếm đều vô nghĩa lý. Chính sự tìm kiếm là con đường của khát khao – Đức Phật đã nhận biết điều trọng yếu ấy trong một ngày giác ngộ. Ngài đã từ bỏ cung điện, từ bỏ mọi kho tàng vật chất, và sau sáu năm, Ngài từ bỏ cả việc đi tìm kiếm hạnh phúc. Nghĩa là Ngài đã chấm dứt việc tìm kiếm vật chất trước, và sau đó là chấm dứt những khao khát về tinh thần. Thế giới đã dừng lại từ lâu, giờ đây, Ngài cũng đã dừng lại. Ngài từ bỏ hoàn toàn mọi dục vọng, mong cầu…, và ngay lúc ấy, hạnh phúc có mặt. Giây phút đó tràn trề ân phúc. Chấm dứt mọi mong muốn, mọi hy vọng, thái tử Tất Đạt Đa lập tức trở thành Đức Phật. Ngài đã tìm kiếm quá lâu trong khi hạnh phúc ở trước mặt Ngài. Hạnh phúc ở đó, tràn ngập khắp nơi trong vũ trụ. Đó là an lạc, là sự thật, là thần thánh.