Bạn từng nghĩ rằng, cuộc sống của mình chỉ là một chuỗi hy vọng, nó không phải là một cái gì có thật. Nhưng nó hoàn toàn có thể là thật.
Những hình thái mà chúng ta gọi dưới những cái tên như xã hội, văn minh, văn hóa, giáo dục đều là cấu trúc tinh tế của một thế giới bị “nhiễm độc”. Cấu trúc đó như sau: người ta tạo ra cho bạn một ý tưởng mơ hồ rằng thế giới chỉ là một bóng đen u ám, rằng không thể nhìn thấy sự thật cuối cùng, rằng con người đang gắn bó sinh tồn trong một thế giới ảo ảnh. Người ta khuyến khích bạn ước mơ, kỳ vọng; nghĩa là khuyên bạn hãy sống trong hy vọng, hướng tới ngày mai; hãy hy sinh hôm nay cho ngày mai.
Nhưng ngày hôm nay vẫn còn ở đó; ngày hôm nay là thời gian duy nhất mà bạn đang thực sống, là thời gian duy nhất mà bạn có thể nắm giữ. Nếu muốn sống, hãy sống trong hiện tại.
Xã hội thúc đẩy chúng ta không ngừng theo đuổi các tham vọng. Từ thuở ấu thơ, bạn được giáo dục phải trở nên giàu có, quyền lực, phải trở thành một ai đó khác chứ không phải chính bạn. Không ai giúp bạn hiểu rằng con người đang sống trong một niềm hạnh phúc dồi dào trước mắt. Người ta nói với bạn rằng con người chỉ có thể hạnh phúc khi được đủ đầy về tiền của.
Hạnh phúc chẳng liên quan gì đến của cải vật chất. Hạnh phúc không phải là một thành tựu. Hạnh phúc là bản chất vốn có của mỗi sinh thể. Hãy nhìn xem, muông thú vẫn nhởn nhơ trong thế giới mà chẳng cần bạc tiền. Một con nai hay con chó không có nhu cầu trở thành Rockefeller (8). Chúng cũng chẳng cần quyền lực. Những cái cây vẫn hồn nhiên sống trong niềm vui xanh tươi ngay cả khi nó không còn có thể dâng tặng cuộc đời những đóa hoa xinh đẹp. Mùa xuân trở về thì hoa lại nở. Mọi thứ vận động một cách tự nhiên theo nhịp điệu thần thánh của vũ trụ bao la. Lời cầu nguyện của vạn vật là vĩnh cửu, đó là những buổi thánh lễ không bao giờ bị gián đoạn. Chúng có cần đến nhà thờ đâu. Thượng Đế đến với chúng, trong gió, trong mưa, trong ánh mặt trời rực rỡ.
(8) Rockefeller (1839 – 1937): Nhà công nghiệp người Mỹ. Theo tính toán của tạp chí tài chính Forbes, ông được xem là người giàu nhất trong lịch sử.
Chỉ có con người mới đánh mất đi niềm an nhiên hạnh phúc buổi ban đầu ấy, bởi con người cứ sống trong hy vọng, đợi chờ và không chịu chấp nhận sự thật. Thực ra, sống trong mơ tưởng là một sự giả dối. Sự giả dối ấy làm tâm trí bạn rối bời. Cuộc sống ảo tưởng đã thay thế cho cuộc sống chân thật.
Bạn hãy quan sát quan sát cuộc sống mà xem. Đứa bé muốn mẹ yêu nó nhiều hơn, nhưng điều đó không diễn ra; người mẹ luôn trì hoãn niềm yêu thương của mình vì công việc hoặc vì những mong muốn khác. Tình yêu cuộc sống trong cô đã hóa thành một hoang mạc khô cằn. Mục đích sống của cô là lấp đầy hố sâu của những tham vọng. Cô đang bận nghĩ cách nào đó có thể kiểm soát và sở hữu chồng mình. Nếu cô không phải là người phụ nữ của yêu thương thì làm sao cô có thể yêu thương đứa con một cách chân thành được?
Tôi đang đọc cuốn sách “Sự thật cuộc sống” của R. D. Laing. Cuốn sách cho biết kinh nghiệm tâm lý qua khảo sát nhiều trường hợp phụ nữ giữ thiên chức làm mẹ bằng những dạng câu hỏi như: “Khi nào con của bạn có thể ra đời? Bé có thực sự được chào đón không? Bạn đã sẵn sàng để có bé chưa?”. Ở câu hỏi thứ nhất: “Bạn sinh con vì vỡ kế hoạch hay thực sự ao ước muốn có con?”, 90% phụ nữ lập tức trả lời: “Tôi không hề mong có con, đó chỉ là tai nạn”. Câu hỏi tiếp theo: “Khi biết mình có mang, bạn có quyết tâm giữ đứa bé không? Hay bạn muốn bỏ nó đi? Bạn có thực sự muốn có con không?”. Nhiều người trong số họ trả lời rằng trong mấy tuần lễ đầu họ rất lưỡng lự, không biết có nên giữ đứa bé lại hay không. Nhiều đứa bé ra đời chỉ vì người mẹ không có cách nào giải quyết được cái thai trong bụng. Có khi họ là những tín đồ Thiên Chúa giáo, và ý nghĩ về việc nạo phá thai khiến họ sợ hãi bởi đó là một tội lỗi khiến con người có thể bị đày xuống địa ngục. Để tránh mặc cảm tội lỗi, tránh nỗi ám ảnh của những hình phạt nơi địa ngục, nhiều phụ nữ theo đạo Thiên Chúa đã sinh con ngoài ý muốn. Hoặc có thể do chịu ảnh hưởng từ quan niệm chung của xã hội, chẳng hạn như người chồng muốn có đứa bé để duy trì dòng dõi. Song dù ở trường hợp nào, thì điều cốt lõi là đứa bé không nhận được tình yêu thương thật sự từ các đấng sinh thành. Trong số những phụ nữ đã được phỏng vấn, chỉ một số ít các bà mẹ có câu trả lời rằng: “Vâng, con cần phải ra đời. Mẹ yêu con và mẹ hạnh phúc thật sự”.
Vậy nên có nhiều em bé ra đời mà không được thương yêu trân trọng. Việc này gây ra những hậu quả không lường. Đứa bé khi được sinh ra đã cảm nhận rằng nó không được chào đón. Khi một người mẹ đã từng nghĩ đến chuyện phá bỏ thai nhi, thì trong sâu xa, đứa bé đã bị tổn thương. Bé là một phần cơ thể người mẹ, nó rất nhạy cảm. Còn nếu người mẹ do dự, không rõ mình muốn có con hay không thì cái tâm trạng lấp lửng kỳ quặc đó cũng ảnh hưởng đến bé, khiến bé trở nên lo sợ, không yên ổn. Nó bị treo lơ lửng giữa hai đầu dây sự sống và cái chết. Bằng cách nào đó, một em bé ra đời và mẹ của bé nghĩ rằng đó chỉ là một sự cố tình dục – rõ ràng những người mẹ như vậy đang cố điều khiển sự sinh nở, cố tránh việc có con nhưng thất bại. Đứa bé vẫn có mặt trong cuộc sống của họ. Vì thế, người mẹ phải chịu đựng.
Chịu đựng, tức là không yêu. Đứa bé bị mất tình yêu ngay từ khi chào đời. Người mẹ thì cảm thấy có lỗi vì không thể yêu con một cách bản năng. Chị bắt đầu tìm cách bù đắp cho cái tình yêu ít ỏi đó. Chị bắt đứa bé ăn thật nhiều. Vì không thể lấp đầy tình yêu của mình vào tâm hồn con, chị nhồi thức ăn vào dạ dày của nó. Đó chỉ là một sự thay thế. Trong những trường hợp này, người mẹ thường bị mặc cảm tội lỗi ám ảnh. Khi đứa bé nói: “Con không đói”, chị cũng bắt nó phải ăn. Họ không lắng nghe con, vì không đủ yêu thương dành cho con, họ không biết phải làm gì với đứa trẻ. Họ nhồi nhét thức ăn cho con như một cách lấp đầy khoảng trống rộng hoác của trái tim. Rồi khi đứa bé lớn lên, thức ăn được thay bằng tiền. Lúc này, đến lượt đồng tiền sẽ thay thế cho tình yêu.
Như vậy, người ta đã dạy đứa trẻ rằng tiền quan trọng hơn tình yêu. Nếu bạn không có tình yêu, điều đó chẳng có gì đáng lo, nhưng nếu bạn không có tiền thì mọi chuyện bắt đầu khó khăn rồi. Cách giáo dục đó biến người ta trở nên tham lam. Đứa trẻ sẽ chạy theo đồng tiền một cách điên cuồng. Nó sẽ không chút bận tâm về sự thiếu vắng tình yêu. Nó chỉ quan tâm đến số tiền có trong ngân hàng. Nó cho rằng: “Tôi cần phải có rất nhiều tiền, sau đó mới tính đến tình yêu”.
Giờ đây, chúng ta biết rằng tình yêu không cần đến tiền. Bạn có thể yêu một cách vô tư như bản chất của mình. Nếu quan niệm tình yêu gắn với đồng tiền, một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy trống rỗng vô vị sau cuộc chạy đua hoang phí tâm sức vật lộn với đồng tiền để mong có tình yêu. Quãng thời gian rong ruổi đó đâu chỉ bị phí hoài mà còn là những năm tháng không có tình yêu, không được giáo dục về lòng yêu thương. Tiền bạc đã rủng rỉnh rồi nhưng bạn không biết cách nào để yêu thương. Bạn đã quên hết ngôn ngữ của cảm giác, của tình yêu và hạnh phúc.
Vâng, đến lúc này, bạn có thể “tậu” một cô gái đẹp, nhưng đó không phải là tình yêu, cho dù đó là cô gái đẹp nhất thế giới. Cô gái ấy có thể đến với bạn vì cái tài khoản trong ngân hàng chứ không phải vì tình yêu chân thành.
Tiền bạc chỉ là ảo ảnh. Quyền lực cũng vậy. Chúng không phải là sự thật. Sự ngưỡng mộ cũng chỉ là phù du. Tất cả chúng chỉ là những ước vọng hão huyền, những giấc mơ của loài người vốn nhiều đau khổ.
Nếu muốn vui sống một cách bình thường, hãy sớm từ bỏ ảo ảnh xa vời mà xã hội đã khuyến khích bạn đuổi theo. Hãy trở thành chính bản thân mình chứ không phải vì ý muốn của người khác. Chỉ khi nào can đảm thoát khỏi ảo ảnh, bạn mới có khả năng bước vào sự thật. Đơn giản vì duy nhất Sự Thật là cái có thật, còn ảo ảnh thì không bao giờ trở thành sự thật.