Khi không ý thức được đâu là điều mình mong muốn và điều gì là cần thiết cho cuộc sống của mình, người ta rất dễ vấp ngã trên đường đời. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biết được mình muốn gì? Nhất là khi ta đang bi quan, chán nản và mất định hướng. Làm thế nào để xác định điều gì thật sự quan trọng đối với tương lai của mình?
Sau khi phỏng vấn hàng trăm người về mục tiêu và mơ ước của họ, đồng thời khảo sát hàng ngàn người về định hướng nghề nghiệp, tôi khám phá ra rằng bên cạnh sự sống, có một thứ mà hầu hết mọi người đều mong muốn sở hữu, đó là cơ hội được chọn lựa.
Điều bi kịch nhất trong cuộc sống là không được lựa chọn.
Cuộc sống không được lựa chọn là cuộc sống nghèo nàn và áp đặt. Cuộc sống thiếu vắng ước mơ, chỉ toàn ngõ cụt là cuộc sống đánh mất niềm tin và hy vọng. Ngược lại, cuộc sống thú vị là một cuộc sống với nhiều cơ hội. Vậy, nếu cho bạn lựa chọn một trong những tặng phẩm sau, bạn sẽ chọn lựa điều gì?
• Có một công việc thú vị.
• Có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
• Điều hành công ty (hoặc xí nghiệp, nông trại, tòa soạn) riêng.
• Sống tách biệt trong một ngôi làng bình yên, tuyệt đẹp ở ven biển.
• Vui chơi cùng đám bạn chí cốt.
• Có một căn nhà đầy đủ tiện nghi ở ngoại ô.
• Sống trong một căn hộ hiện đại ở trung tâm thành phố sầm uất.
• Có thời gian và tiền bạc đi tham quan các kỳ quan trên thế giới.
• Có một gia đình hạnh phúc.
• Có sức khỏe tốt.
• Là một chuyên gia được nhiều người ngưỡng mộ.
• Có nhiều tiền để chăm lo cho con ăn học, mua những tác phẩm nghệ thuật và làm từ thiện.
• Có địa vị trong bộ máy chính quyền và có sức ảnh hưởng đối với những vấn đề mang tầm cỡ quốc gia.
• Có những tác phẩm nghệ thuật để đời, hoặc những phát minh khoa học vĩ đại, đề ra một sáng kiến nào đó giúp ích cho thành phố.
Chắc chắn những tặng phẩm kể trên rất hấp dẫn đối với bạn. Thậm chí bạn có thể trả lời: “Tôi muốn có được tất cả những món quà tuyệt vời đó, ngay lập tức, hoặc tuần tự – đều tốt!”. Khi thốt lên câu nói ấy, cũng có nghĩa là bạn đang muốn có thật nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn cho cuộc sống của mình.
Đây cũng chính là thông điệp cuốn sách muốn gửi tới bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống không được lựa chọn là cuộc sống đầy bi kịch. Bởi vậy, cần lên kế hoạch cho tương sao cho những cơ hội mới không ngừng mở ra. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi bạn không biết chắc mình đang muốn gì. Với một số người, khi mất phương hướng, họ dễ rơi vào tình trạng buông xuôi, không làm gì cả, và vô tình họ đang tự giới hạn những cơ hội thay đổi cuộc sống. Do đó, ngay cả khi chưa xác định được điều gì phù hợp với mình, bạn vẫn nên có những hành động giúp bản thân có thêm nhiều lựa chọn cho mai sau.
MỤC TIÊU LÀM PHONG PHÚ THÊM SỰ CHỌN LỰA
Làm thế nào để biết được mình có nhiều cơ hội lựa chọn trong tương lai?
Trước hết bạn cần xây dựng cho mình những mục tiêu để không bị mất phương hướng. Tất nhiên, đó phải là những mục tiêu chính đáng. Bình thường, một người nào đó khi được hỏi rằng họ muốn gì cho cuộc sống của mình, họ sẽ đưa ra những mục tiêu khá cụ thể, chẳng hạn: được học hành đến nơi đến chốn, có công việc thú vị, một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một gia đình hòa thuận, được đi du lịch khắp nơi, có nhiều tiền, có địa vị cao trong xã hội, v.v.
Tuy nhiên, có hai lý do cho thấy những mục tiêu trên không thật sự hữu dụng trong việc lên kế hoạch cho một cuộc sống hoàn hảo.
Thứ nhất, những mục tiêu này quá cứng nhắc, không thể thay đổi, trong khi cuộc sống thì ngược lại – luôn luôn vận động. Chẳng hạn, bạn muốn có một công việc thú vị, tức một công việc nào đó khiến bạn thật sự hài lòng; hay bạn khao khát có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, nghĩa là một khi tìm được người thích hợp để lập gia đình, bạn sẽ sống hạnh phúc mãi mãi. Nhưng trên thực tế, cuộc sống của chúng ta không vận hành như thế. Tất cả các mục tiêu sẽ bị lu mờ dần theo thời gian nếu không được làm mới bằng một cách nào đó. Một công việc dù năm đầu tiên có thú vị đến mấy đi nữa cũng sẽ giảm dần ở năm năm sau nếu không được làm mới. Sau mười năm nó sẽ trở nên nhàm chán, và biến thành địa ngục sau hai mươi năm. Tương tự, trong hôn nhân cũng vậy, tỷ lệ ly hôn phản ánh rõ nét những cuộc hôn nhân thất bại. Điều này minh chứng một thực tế là có không ít cặp vợ chồng bắt đầu cuộc sống gia đình với một tình yêu say đắm tưởng không gì có thể chia cắt được, nhưng rồi tình cảm đó vẫn có thể mai một theo thời gian nếu không được làm mới, hâm nóng.
Lý do thứ hai khiến những mục tiêu cụ thể không nên là mối quan tâm hàng đầu bởi vì sau khi ta đạt được chúng rồi, những mục tiêu ấy sẽ không còn quan trọng nữa. Chẳng hạn, bạn ước mơ có bằng cấp, chức vụ, kiếm được nhiều tiền, kết hôn với một người đầy quyền lực, hoặc giành huy chương vàng trong thể thao… Tất cả khiến bạn phấn đấu hết mình. Kết quả đạt được ban đầu khiến bạn rất vui sướng, hãnh diện, nhưng cảm giác đó không tăng lên mà dần phai nhạt theo thời gian. Nhà thơ Emily Dickinson từng viết: “Thành công là điều tuyệt vời nhất đối với những ai chưa một lần thành công”. Adam Smith cũng phát biểu điều tương tự trong The Money Game – một quyển sách nổi tiếng khuyến khích mọi người tham gia thị trường chứng khoán: “Không có một mục tiêu cụ thể nào có thể duy trì mãi sau khi ta giành được nó”.
Mục tiêu là cần thiết, tất nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa mục tiêu là cái đích cuối cùng. Các mục tiêu chỉ hữu dụng khi chúng có thể giúp bạn tiến bộ.
Cũng như Alice trong Alice lạc vào xứ sở thần tiên, hầu hết chúng ta đều có cảm giác mình muốn đi đến “một nơi nào đó”. Tuy nhiên, để biết được đó là nơi nào thì đòi hỏi ta phải trải nghiệm, nói cách khác là phải dấn thân trên hành trình đến nơi cất giấu những bí ẩn mà ta mong muốn kiếm tìm.
Các phương tiện truyền thông như truyền hình, sách vở, phim ảnh… có thể dạy ta nhiều điều bổ ích, nhưng đừng nhầm lẫn thế giới vốn được thêu dệt ấy với cuộc đời thực mà ta đang sống.
Không như một bộ phim, một chương trình truyền hình hay một cuốn tiểu thuyết, cuộc đời chẳng bao giờ có đoạn kết. Cho dù ngày cuối tuần có thảm hại mấy đi chăng nữa thì thứ hai cũng sẽ đến và mọi thứ vẫn phải tiếp tục diễn ra. Trong phim, mặt trời có thể mọc, mặt trăng có thể lên, đoạn phim có thể kết thúc bằng hình ảnh những đôi tình nhân tay trong tay bước xa dần trên con đường thẳng tắp… Nhưng trong đời thực, đôi tình nhân ấy có thể sẽ phải bắt đầu một ngày mới của mình trong một khu nghỉ mát đắt đỏ nhưng lại chẳng có kem đánh răng và họ không biết làm cách nào để tẩy đi cái mùi thức ăn với đủ thứ gia vị của tối qua ra khỏi hơi thở của mình!
Không câu nệ vào “đoạn kết” của vấn đề là một trong những bước quan trọng nhất để bạn lên kế hoạch một cách thực tế hơn. Nhiều người rất khó chấp nhận điều này, hy vọng ví dụ dưới đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn.
Một người phụ nữ trẻ đặt ra mục tiêu hạnh phúc cho mình là có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, công việc ổn định, gia đình hòa thuận thương yêu nhau trong một mái nhà xinh xắn. Nhưng khi đã có những điều đó rồi, cô lại cảm thấy thật bất hạnh, bởi tuy gia đình cô hòa thuận yêu thương nhau nhưng chồng cô thường bù đầu với công việc, còn các con thì luôn bỏ cô ở nhà một mình; cô nhận ra rằng mình chán ngấy công việc quen thuộc trong nhiều năm của mình, và căn nhà cần được quét dọn hàng tuần chỉ là một trách nhiệm đè nặng lên vai cô.
Cuộc sống rất phức tạp - nhờ vậy mà nó luôn bất ngờ, thú vị. Do đó, mỗi chúng ta cần phải giữ cho mình lối suy nghĩ làm chủ được sự phức tạp đó và lên kế hoạch linh hoạt để đạt được mục tiêu trong sự biến thiên của cuộc sống. Với lối suy nghĩ này, thay vì trông chờ vào một kết thúc có hậu như ta ước ao, hãy tin rằng cuộc sống là một hành trình không có điểm dừng, đồng thời có rất nhiều ngả rẽ khác nhau. Con đường mà bạn đang đi thể hiện cuộc sống mà bạn mong muốn, những nhánh rẽ là những hướng đi mới bạn có thể lựa chọn – công việc mới, sở thích mới, nơi ở mới… Quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến tất cả những lựa chọn khác trong tương lai, vì hai con đường mở ra từ hai nhánh khác nhau sẽ chẳng bao giờ giống nhau.
Mỗi nhánh đường có một cánh cửa, và cánh cửa sẽ chỉ mở ra cho bạn khi bạn hội đủ những điều kiện thích hợp. Do đó, trên mỗi hành trình, bạn hãy tự xác định xem đó là con đường mình nên đi tiếp, hay nên chấm dứt để bắt đầu một hướng đi mới. Để xác định, bạn có thể dựa vào hai yếu tố sau: hướng đi ấy có rộng mở cho bạn hay không, (điều này phụ thuộc vào khả năng của chính bạn); và liệu bạn có muốn bước qua cánh cửa đó hay không, ngay cả khi nó đã được mở.
Bí quyết để lên kế hoạch cho cuộc sống nhằm tối đa hóa cơ hội là trau dồi những “tài sản” nổi trội nhất của bản thân – đó là những thế mạnh riêng có ở mỗi người, đặc biệt là về năng lực. Khi đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều cánh cửa rộng mở chào đón bạn. Tất cả chúng ta đều muốn quyền chọn lựa nằm trong tay mình, chứ không phải trong tay những kẻ gác cổng.
Tất nhiên, con đường và cánh cổng ở đây chỉ là những hình ảnh mang tính tượng trưng. Chúng tượng trưng cho những lựa chọn bạn sẽ gặp trong cuộc sống. Có thể chúng mang tên các ngành nghề như: bác sĩ, luật sư, nông dân, đầu bếp; hay những nơi sống như: thành phố, tỉnh lẻ, đồng quê, ngoại quốc; hoặc hoàn cảnh sống như: kết hôn với một người thuộc dòng dõi hoàng tộc, được nổi tiếng với thật nhiều tiền, là một chính trị gia có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, có một cuộc sống yên tĩnh, tiện nghi trong ngôi nhà xinh xắn, v.v.
Những con đường ấy có rộng mở chào đón bạn hay không còn tùy thuộc vào các “tài sản” của bạn, như trình độ học vấn, kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ của gia đình, thậm chí có thể là ngoại hình, và trên tất cả, đó chính là sức khỏe. Ví dụ, nếu muốn đi theo con đường “y khoa”, bạn cần theo học những khóa đào tạo phù hợp với ngành nghề. Nếu muốn làm “nông nghiệp”, bạn cần được thừa hưởng một nông trại nào đó, hoặc phải biết đầu tư mở rộng diện tích đất đai trồng cấy, chọn giống và những loại cây trồng phù hợp. Nếu muốn sống ở nước ngoài, bạn cần tìm một công việc có nhiều cơ hội xuất ngoại, như ngoại giao, giám đốc của một công ty đa quốc gia, thông dịch viên, hoặc nhà khoa học, và chắc chắn bạn phải sử dụng ngoại ngữ lưu loát, có một khoản tiền để có thể định cư, tạo lập cuộc sống ở môi trường mới và thêm một yếu tố nữa – đó là vận may. Có thể nói, hầu hết các con đường chỉ rộng mở cho những ai hội đủ những “tài sản” thích hợp, và luôn có động cơ phấn đấu.
Để đạt được mục tiêu và để có thật nhiều cơ hội, bạn phải có nhiều “tài sản”, càng nhiều càng tốt.
- David Campbel
Với những người cảm thấy con đường phía trước thật mập mờ thì cũng đừng vội chán nản, bởi chẳng ai có thể chắc chắn được rằng con đường mình chọn sẽ đi về đâu, cũng không ai có thể thấy hết những nhánh rẽ cuộc đời trong tương lai. Tuy nhiên, đừng quên rằng chính những “tài sản” của bạn sẽ quyết định cánh cửa phía trước có mở ra hay không. Do đó, nếu hiện tại bạn đang bị mất phương hướng, hãy bắt đầu tạo ra những cơ hội lựa chọn trong tương lai bằng cách bổ sung “tài sản” cho bản thân. Càng có nhiều “tài sản”, sẽ ngày càng nhiều cánh cửa mở ra chào đón bạn, và nhờ đó bạn sẽ có thêm rất nhiều cơ hội lựa chọn.
Làm cách nào để mở cánh cửa dẫn ra những con đường mới? Ở Chương kế tiếp, chúng ta sẽ đi tìm lời đáp cho vấn đề này. Sơ lược thì chúng ta có thể nói, trình độ học vấn mở ra những con đường mới, kinh nghiệm mở ra những con đường mới, tài năng mở ra những con đường mới, mối quan hệ rộng rãi mở ra những con đường mới, sức khỏe tốt mở ra những con đường mới, bản tính thông minh, sáng tạo, kiên trì, khả năng lãnh đạo hoặc những thói quen tốt – mở ra những con đường mới.
Vậy, vấn đề tuổi tác có ảnh hưởng đến cơ hội và những lựa chọn cho tương lai của bạn hay không?
Có thể nói, cùng với quá trình trưởng thành, mỗi chúng ta bước qua rất nhiều cánh cổng dẫn đến những con đường khác nhau. Nhưng đôi khi do không nhận thấy hết được khả năng của bản thân nên ta bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống. Ví dụ, ngay từ lúc sáu tuổi bạn đã được bố mẹ định hướng rằng phải trở thành một nghệ sĩ dương cầm. Từ đó, bạn cắm cúi tập luyện mà không nhận thấy con đường ấy chẳng bao giờ mở ra với mình. Hay nói cách khác, bạn không hội đủ năng khiếu bẩm sinh để trở thành một nghệ sĩ dương cầm thực thụ. Nên nhớ rằng, không có quyết định nào là chắc chắn cả. Ngay cả quyết định đầu tư luyện tập để trở thành nghệ sĩ piano cũng chỉ là một quyết định để bạn bắt đầu đi trên con đường đó. Những con đường khác vẫn tiếp tục hiện ra, một vài cánh cửa trong số đó mở rộng, số khác thì khóa kín. Một lần nữa nó phụ thuộc vào khả năng của bạn.
Buồn phiền về tuổi tác chẳng có ích lợi gì. Bạn không thể quay ngược thời gian, cũng không thể ngăn chặn quá trình lão hóa.
- David Campbell
Mặt khác, có những con đường chỉ dành cho những người từng trải; chẳng hạn, điều kiện đầu tiên cho những người tham gia ứng cử tổng thống ở Mỹ là họ phải trên ba mươi tuổi. Trong cuộc sống có rất nhiều giới hạn, nhưng nhìn chung, giới hạn về tuổi tác sẽ không tương ứng với những kinh nghiệm mà bạn tích lũy được. Chẳng hạn, hầu hết những chính trị gia nổi tiếng đều ở độ tuổi ngũ tuần và lục tuần, không phải vì bất kỳ giới hạn thông thường nào mà vì muốn có được một nền tảng chính trị vững chắc để thắng lợi trong các cuộc tuyển cử, đòi hỏi họ phải bỏ ra nhiều năm trau dồi.
Buồn phiền về tuổi tác chẳng có ích lợi gì; bạn không thể thay đổi được nó, càng không thể ngăn cản quá trình lão hóa. Điều bạn có thể làm là xác định khi nào mình đủ chín chắn để quyết định lối đi mới cho bản thân – thời điểm mà bạn nhận thấy mình có đủ những phẩm chất và khả năng cần thiết để mở cánh cổng dẫn vào con đường mà bạn muốn dấn bước.
Và để có được ngày đó, bạn cần phải lên kế hoạch.
LÊN KẾ HOẠCH
Trong lần phỏng vấn một người đàn ông thành đạt, tôi hỏi ông rằng:
- Điều gì đưa ông đến thành công? Làm thế nào mà ông có thể đạt đến đỉnh vinh quang như vậy?
Người đàn ông mỉm cười, trả lời:
- Vận may cũng có, nhưng điều quan trọng là phải lên kế hoạch cho mình. Tôi luôn là người hoạch định kế hoạch cho bản thân.
- Thế ông bắt đầu làm điều đó từ khi nào?
- Thời tôi còn đi học – nhưng tôi có cảm giác như nó vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Thời đó, tôi sống trong ký túc xá với một cậu bạn quê ở Iowa. Một hôm, khi tôi cùng đám bạn đang ngồi tán gẫu về thế sự thì cậu ta bước vào, gương mặt lộ rõ niềm hân hoan. Nhưng cậu chẳng nói lời nào mãi cho đến khi mọi người đã lần lượt ra về, cậu mới buột miệng: “Gia đình tớ vừa mới trở nên giàu có! Mẹ tớ gọi điện báo rằng, sáng này khi kiểm tra hộp thư, bà phát hiện một tờ ngân phiếu trị giá nửa triệu đô-la!”.
Lúc ấy, sau một thoáng sửng sốt, trong tôi chợt dâng lên cảm giác đố kỵ. Tôi hỏi cậu ấy làm thế nào mà chuyện này xảy ra được. Bạn tôi lắc đầu: “Tớ cũng không hiểu nổi, nhưng tớ đoán là ba tớ đã mua cổ phần của một công ty nhỏ nhiều năm trước đây rồi quên bẵng nó đi. Công ty đó vừa mới được một công ty lớn hơn mua lại, và đó là phần ông được chia”.
Tối đó tôi đã trằn trọc với biết bao thắc mắc hiện lên trong đầu: “Tại sao điều đó đến với gia đình cậu ấy mà không phải là gia đình mình? Tại sao người may mắn không phải là mình chứ?”. Cuối cùng, tôi cố gắng phân tích những điều ấy một cách có hệ thống. Tôi nghĩ: “Liệu có một tình huống tương tự xảy ra và mang đến cho mình vận may bất ngờ như thế không?”. Nhưng rồi tôi thất vọng nhận ra rằng đó chỉ là một ảo tưởng. Gia đình và bản thân tôi không có cổ phần nào để mong một ngày nó tăng giá cao như thế. Tôi cũng không có đất để hy vọng trong một dịp tình cờ nào đó có người phát hiện ra nó là một quặng dầu mỏ hay kim cương. Tôi không có những bức tranh để hy vọng sau này chúng sẽ trở thành những họa phẩm quý giá. Tôi không có tài năng gì nổi trội để một ai đó, bằng cách nào đó có thể đẩy tôi lên thành người nổi tiếng. Tóm lại, tôi chẳng có gì đặc biệt. Nhưng cũng ngay tại thời điểm đó, trên chiếc giường ở ký túc xá, tôi đã tự chấn chỉnh bản thân: “Charlie, nếu muốn có một điều gì đó tươi sáng đến với cuộc đời mày, hãy tự gieo hạt, và tốt nhất là gieo thật nhiều hạt vì mày không thể biết trước hạt nào sẽ nảy mầm”. Đó chính là cột mốc đánh dấu sự thay đổi lối sống, suy nghĩ và cả cuộc đời tôi sau này. Tôi cố gắng gieo thật nhiều hạt – những niềm tin và cơ hội. Một số hạt đó đã đâm chồi, và tạo ra tôi của ngày hôm nay.
Kinh nghiệm của người đàn ông thành đạt trên về sau được một sinh viên giúp tôi biến thành những lý lẽ súc tích hơn. Cô gái trẻ này, dễ thương, lanh lợi và đầy nhiệt huyết, đã nói với tôi rằng: “Thưa giáo sư, nếu thầy muốn một điều gì đó xảy ra, hãy cho nó một không gian”. Cô đưa hai tay ra trước, nắm chặt chúng lại và từ từ mở ra: “Thầy có thấy khối bông gòn đang bung ra trên tay em không? Chúng đang lớn dần lên đấy!… Em nghĩ, cho dù điều chúng ta muốn là gì đi nữa thì ta phải tạo cho nó một không gian”. Trí tưởng tượng thú vị và đầy thuyết phục của cô học trò khiến tôi cũng phải bất ngờ.
Cả cô gái trẻ này và vị doanh nhân thành đạt nọ đều là những người biết lên kế hoạch để tạo nên kỳ tích cho cuộc đời mình. Không dửng dưng đứng bên lề cuộc đời chờ đợi mọi việc xảy đến với mình, họ biết tìm kiếm, lên kế hoạch, và dấn thân hành động.
Nếu bạn muốn một điều gì đó xảy ra,hãy tạo cho nó tất cả các điều kiện cần thiết.
- (Lời một Sinh viên thông minh)
Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý để xây dựng được những kế hoạch toàn diện và thực tế cho cuộc sống của mình.
1. Kế hoạch phải là một việc gì đó nằm trong khả năng. Bạn không thể lên kế hoạch thực hiện một việc nào đó mà trong thực tế, bạn không có cách gì hoàn thành được. Điều này đã được người xưa nhắc nhở bằng câu thành ngữ“Đừng mơ việc hái sao trên trời”. Với những việc không tưởng như “hái sao trên trời”, dù bạn có nỗ lực thế nào, chuẩn bị tỉ mỉ ra sao thì nó cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Những kế hoạch như vậy chỉ khiến bạn cảm thấy vỡ mộng, bế tắc hơn mà thôi.
Tuy nhiên, đôi khi vì một trở ngại nào đó, bạn vẫn không thể thực hiện được một kế hoạch vốn nằm trong khả năng. Nhận thức được điều này sẽ giúp bạn tránh khỏi cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng kéo dài khi kế hoạch mà mình dày công xây dựng chẳng may bị đổ vỡ.
Hãy nhớ rằng: Trong cuộc sống, không có gì là chắc chắn cả. Do đó, bạn nên quan tâm thực hiện ba điều sau: Thứ nhất, hãy cố gắng vận dụng càng nhiều càng tốt những cách thức có thể giúp bạn tăng cường khả năng đạt đến thành công. Thứ hai, tốt nhất bạn nên có vài kế hoạch dự phòng để thay thế trong trường hợp kế hoạch đầu tiên không khả thi. Thứ ba, bất kỳ một kế hoạch nào cũng có thể thất bại, và bạn cần chuẩn bị tốt tinh thần nếu khả năng đó xảy ra.
2. Kế hoạch phải bao quát và thống nhất trong những khoảng thời gian khác nhau, chẳng hạn như một tiếng, một tuần, một năm hay mười năm. Rõ ràng, kế hoạch một năm phải khác so với kế hoạch mười năm. Bạn có thể lên kế hoạch cho mười năm tới nhưng bạn sẽ không thể thực hiện nó một cách chính xác như mong đợi vì có rất nhiều điều bạn không thể lường trước được. Khi bàn về kế hoạch hoạt động của đế chế Anh, Winston Churchill từng nói: “Chúng ta phải luôn nhìn về phía trước, nhưng thật khó để nhìn xa hơn những gì chúng ta có thể thấy”. Bạn cũng cần lên kế hoạch cho một tiếng đồng hồ tới; đó là điều bạn biết chắc nó sẽ xảy ra. Tất nhiên một giờ đồng hồ ngắn ngủi chẳng nghĩa lý gì so với cả cuộc đời bạn, nhưng nếu lên kế hoạch tốt và tiến hành tốt, nó có thể đóng góp tuyệt vời cho tương lai của bạn.
Mặc dù có nhiều điều không thể biết trước được trong suốt mười năm tới, nhưng chắc chắn rằng mười năm nữa bạn sẽ già đi mười tuổi. Nếu lúc này bạn đang ở độ tuổi mười bảy, mười năm nữa có thể bạn sẽ hoàn tất một chương trình đào tạo nào đó, rời gia đình, kết hôn, khởi nghiệp, và thay đổi nơi làm việc ít nhất một lần (tính theo thống kê trung bình). Có rất nhiều sự kiện đã và đang xảy ra; đồng thời có biết bao sự kiện khác đang chờ đợi ở phía trước; vậy bạn đã lên kế hoạch cho chúng như thế nào?
Nếu bạn đang ở độ tuổi ba mươi bảy, mười năm nữa, bạn có thể đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, cuộc sống sung túc, con bạn có thể bước sang tuổi trưởng thành (và có khả năng chúng đang lên kế hoạch thi vào một trường đại học nào đó). Tuổi tác làm cho cơ thể bạn nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối, nhất là đối với những người có thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe. Bạn sẽ giảm nhiệt huyết và khả năng chịu đựng so với hiện tại, hoặc sẽ trở nên kiệt sức. Bởi vậy, bạn cần chuẩn bị tinh thần cho những trường hợp xấu này.
Thiết lập mục tiêu
Bạn có thể phân loại những mục tiêu của mình theo cách như sau:
• Mục tiêu dài hạn - mục đích của cuộc sống.
• Mục tiêu trung hạn - những giai đoạn trong đời.
• Mục tiêu ngắn hạn trong vài tháng đến một năm tới.
• Những kế hoạch ngắn hạn trong vòng ba mươi ngày tới.
• Những kế hoạch nhỏ từ mười lăm phút cho đến một giờ sắp tới.
Mục tiêu dài hạn là những mục tiêu liên quan đến mọi khía cạnh của cuộc sống mà bạn mong muốn – tính chất công việc, mẫu gia đình bạn mơ ước, bạn sẽ sống ở đâu, trong hoàn cảnh như thế nào... Đối với loại mục tiêu này, bạn chỉ nên vạch ra những nét khái quát nhất, không nên đi vào những điều quá cụ thể, chi tiết vì có rất nhiều thay đổi sẽ xảy ra. Cần giữ cho kế hoạch tổng thể có một sự uyển chuyển, linh hoạt.
Mục tiêu trung hạn là những mục tiêu cho khoảng thời gian bốn hoặc năm năm; nó bao gồm những kế hoạch học tập, huấn luyện, hay bước kế tiếp trong sự nghiệp của bạn. Bạn cần phải kiểm soát chúng, và phải thường xuyên tự hỏi liệu mình có đạt được mục tiêu hay không, từ đó xác định những nỗ lực cần thiết.
Mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu cho khoảng thời gian từ vài tháng đến một năm. Không nên đặt ra những mục tiêu quá sức phấn đấu của mình, bởi chúng sẽ làm bạn trở nên căng thẳng và dễ nản lòng. Hãy đề ra những mục tiêu thực tế và lạc quan, sau đó cố gắng hết sức để đạt được chúng. Nếu không thành công, thì bắt đầu lại. Nếu vẫn thất bại, hãy làm cho thất bại đó trở nên xứng đáng. Giữ vững lập trường trước sau như một là điều cần thiết để thành công trong việc giành lấy những mục tiêu quan trọng.
Kế hoạch ngắn hạn là những mục tiêu cần hoàn thành trong thời gian từ một ngày đến một tháng. Đối với những mục tiêu này, bạn có nhiều khả năng kiểm soát chúng hơn. Bạn có thể lên hẳn một chương trình cho tuần kế tiếp, hay một tháng kế tiếp, và vạch ra những cách thức thực hiện. Nếu nhận thấy kế hoạch đó vượt quá khả năng, bạn có thể chỉnh sửa lại khoảng thời gian cho phù hợp. Bằng cách đặt mục tiêu theo từng khoảng thời gian ngắn như vậy, bạn sẽ kiểm soát chúng tốt hơn.
Kế hoạch nhỏ là những mục tiêu đặt ra cho khoảng thời gian từ mười lăm phút đến một giờ sắp tới. Đây là những mục tiêu mà bạn có thể kiểm soát một cách trọn vẹn, dễ dàng. Do được kiểm soát trực tiếp nên những kế hoạch này dù có ảnh hưởng không lớn nhưng lại đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn. Chúng góp phần quyết định bạn có thể đạt được những mục tiêu lớn hơn hay không. Ngạn ngữ có câu “Cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu từ những bước đơn lẻ”. Nếu không tiến hành mục tiêu dài hạn của mình ở mười lăm phút tới, thì khi nào bạn mới bắt đầu? Mười lăm phút tới hay mười lăm phút sau đó nữa? Sớm hay muộn gì bạn cũng sẽ phải chọn mười lăm phút nào đó để đặt bước chân đầu tiên của mình trên cuộc hành trình.
Nếu bạn làm tốt những kế hoạch nhỏ, và từ đó tiến đến những kế hoạch lớn hơn – “Tôi sẽ bắt đầu bản báo cáo đó ngay bây giờ”, “Tôi sẽ học mười từ mới của ngôn ngữ đó ngay bây giờ”, “Tôi sẽ tiến hành cuộc gọi thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình ngay bây giờ” – chắc chắn những mục tiêu dài hạn của bạn sẽ khả thi hơn.
Nhìn chung, mục tiêu càng lớn càng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn nhưng đồng thời cũng khó kiểm soát hơn. Chẳng hạn, nếu mục tiêu dài hạn của bạn là trở thành một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, thì ngay bây giờ, bạn không thể ra ngoài phố và tự thổi phồng tên tuổi của mình. Ngược lại, bạn có thể kiểm soát tốt hơn những kế hoạch nhỏ để phục vụ cho ước mơ ấp ủ của mình, như đặt ra mục tiêu: “Trong vòng một tiếng đồng hồ tới, mình sẽ chơi thuần thục khúc dạo đầu trong bản giao hưởng của Beethoven”. Bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Một khúc biến tấu điêu luyện không đủ làm bạn nổi tiếng, nhưng nó là bước chuẩn bị cần thiết cho sự thành công sắp tới của bạn.
Qua đây, có thể thấy bí quyết lên kế hoạch thành công chính là liên kết những mục tiêu ngắn hạn lại với nhau, nhờ đó sẽ làm tăng cơ hội tiến đến mục tiêu dài hạn mà cả đời bạn theo đuổi.
3. Lên kế hoạch cho những khát vọng. Mỗi chúng ta ít nhất cũng đều nuôi dưỡng một khát khao nào đó trong cuộc sống. Để đạt được khát khao ấy, đòi hỏi bạn phải đầu tư, cống hiến, vững tin và bền chí. Hãy chọn đúng lĩnh vực mà bạn có thể bộc lộ tốt nhất thế mạnh của mình. Chắc chắn, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Nếu ngay lúc này, bạn vẫn chưa xác định được đâu là lĩnh vực thích hợp nhất với mình, đừng lo lắng, hãy tiếp tục trải nghiệm cho đến khi niềm đam mê của bạn xuất hiện. Ngoài ra, bạn cũng nên phát triển thêm trí tưởng tượng của bản thân, bởi chúng có khả năng gợi ra cho bạn nhiều hướng đi để tìm thấy hạnh phúc.
4. Lên kế hoạch cho một điều gì đó khác biệt với cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống luôn biến động không ngừng, cách tốt nhất để đối phó với những biến động tiêu cực là tạo ra sự khác biệt cho tài năng của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn đã là một chuyên gia về tin học, bạn cũng nên học hỏi thêm nhiều kỹ năng trong các lĩnh vực khác, như chơi một loại nhạc cụ nào đó, biết thêm về nghệ thuật chăm sóc cây cảnh, hay kỹ năng giao tiếp với khách hàng... Trải nghiệm trong những lĩnh vực mới sẽ giúp phát triển tài năng của bạn. Đừng để bản thân trở nên ù lì, mụ mẫm.
5. Lên kế hoạch để từng bước tiến bộ. Đừng đặt mọi trông đợi của mình vào những bước nhảy ngoạn mục. Nhìn nhận một cách thực tế, bạn sẽ thấy mọi thành công trong cuộc sống đều được dệt nên từ những điều nhỏ nhất. Học thức cần được tích lũy theo thời gian, những đứa trẻ sơ sinh lớn lên từng chút một, một khu vườn đẹp phải được chăm sóc mỗi ngày, tài năng cần được tôi luyện, mối quan hệ cần được vun đắp, tình cảm cần thời gian để ngày càng sâu đậm,… tất cả đều cần một quá trình bền bỉ và liên tục.
Bởi vậy, bạn cần nhận biết sự chuyển đổi từng bước của cuộc sống và phát huy sức mạnh bản thân vào đúng thời điểm.
6. Cuối cùng, để lên kế hoạch, bạn phải có thông tin, phải nắm rõ chi tiết những vấn đề quan trọng trong kế hoạch của mình. Nếu bạn đang lên kế hoạch cho việc học, thì dù ở độ tuổi nào, bạn cũng cần tìm hiểu xem phương pháp hoặc ngành học đó có phù hợp với bạn hay không. Nếu bạn lên kế hoạch cho con đường sự nghiệp trong tương lai, một lần nữa không cần biết bạn bao nhiêu tuổi và bạn đang ở vị trí nào, bạn vẫn luôn cần có kiến thức về nghề nghiệp mà mình muốn theo đuổi. Nếu bạn lên kế hoạch xây dựng một ngôi nhà, bạn cần có kiến thức về bất động sản, kiến trúc và trang trí nội thất.
Để có kiến thức trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn cần phải tìm tòi, học hỏi. Hãy tập thói quen đọc sách, báo, tạp chí, hay bất cứ thứ gì bạn có trong tay. Lướt web và chia sẻ kiến thức với mọi người, bạn sẽ ngạc nhiên trước những kinh nghiệm mà họ có được. Không những thế, bất cứ ai khi đối thoại với bạn cũng sẽ rất hứng thú trước một người đang háo hức lắng nghe như bạn.
Chẳng hạn, nếu bạn hỏi thăm một du khách nước ngoài những câu hỏi như: Đất nước của họ trông như thế nào? Con người ra sao? Người dân ở đó sống chủ yếu bằng nghề gì? Khác biệt nào giữa hai quốc gia khiến họ thực sự ấn tượng?... thì chắc chắn, những tò mò của bạn không chỉ được giải đáp, mà sự cách biệt về văn hóa giữa bạn với người đó cũng sẽ được thu hẹp và cả hai sẽ cảm thấy thân thiện với nhau hơn.
Tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống là điều luôn cần được khuyến khích. Bất cứ điều gì có thể giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới xung quanh cũng đều đáng để học hỏi. Đặc biệt, bạn nên quan tâm nhiều hơn đến những kinh nghiệm gần gũi với kế hoạch mà mình đang chuẩn bị. Điểm mấu chốt là bạn sẽ không thể có những kế hoạch tốt nếu không có những yếu tố cơ bản nhất để lên kế hoạch, đó là kiến thức và kinh nghiệm. Và thật tuyệt vời nếu bạn tích lũy được cả hai điều đó.