BẠN CÓ MUỐN HẠNH PHÚC?
Để có được cuộc sống như mình mong muốn, bạn cần có nhiều cơ hội để lựa chọn, càng nhiều càng tốt. Để được tự do lựa chọn, bạn phải có nhiều “tài sản” như sức khỏe tốt, học hành đến nơi đến chốn, tài năng, kinh nghiệm, gia đình hạnh phúc, bạn bè tốt... Ngay cả khi bạn không biết chính xác mình muốn gì, bạn cũng nên tập trung tích lũy những “tài sản” ấy cho mình. Chúng sẽ đưa đến nhiều cơ hội, gợi mở nhiều hướng đi tươi sáng cho tương lai của bạn.
Bạn có thể tự đánh giá “tài sản” của mình theo cách mà các công ty hay ngân hàng thường làm, đó là cộng dồn những điểm mạnh và trừ dần những điểm yếu. Chỉ khác ở chỗ nếu như các tổ chức thương mại nhìn vào tiền tệ, tích lũy tài chính, thì bạn nhìn vào những giá trị của bản thân. Điều này sẽ được bàn cụ thể ở những trang tiếp theo. Hãy chiêm nghiệm những giá trị ấy ở trường hợp cụ thể của bản thân: tài sản nào bạn đã có, và nó thực sự được phát huy hết giá trị hay chưa? Cái nào bạn không thể kiểm soát và cần được lên kế hoạch?
Những “tài sản” có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự lựa chọn của bạn trong tương lai là:
1. Tài năng và kỹ năng
2. Thông minh lý tính (IQ)
3. Thông minh cảm xúc (EQ)
4. Bạn bè
5. Học hành
6. Gia đình
7. Kinh nghiệm
8. Dáng vẻ bên ngoài
9. Sức khỏe
Càng có nhiều những “tài sản” trên, cơ hội lựa chọn cho tương lai của bạn sẽ càng phong phú.
RÈN LUYỆN TÀI NĂNG VÀ KỸ NĂNG
Tài năng và kỹ năng là hai yếu tố quan trọng nhất để mở ra những con đường mới. Tài năng là những năng khiếu bẩm sinh, còn kỹ năng là cái bạn phải trau dồi, tích lũy mới có được. Tốt nhất, bạn nên tìm hiểu để phát hiện ra tài năng của mình, từ đó phát triển các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ cho tài năng phát huy đến mức cao nhất. Tài năng chỉ thực sự phát huy tác dụng khi được hòa nhập và thể hiện thông qua các kỹ năng.
Ví dụ, nếu có tài kết giao với nhiều loại người khác nhau, bạn nên tập trung vào phát triển kỹ năng làm việc nhóm như lập kế hoạch và triển khai các cuộc họp, làm trung gian giao tế, truyền đạt thông tin và khuyến khích mọi người trong nhóm làm việc hiệu quả hơn.
Nếu có tài trong lĩnh vực nghệ thuật, bạn nên tập trung vào phát triển những kỹ năng như đồ họa vi tính, phác họa hình ảnh, điêu khắc, thiết kế thời trang…
Tài năng làm nền tảng cho kỹ năng, và kỹ năng là nền tảng cho việc mở ra các cơ hội. Nếu bạn có thể chơi guitar, lập trình một phần mềm truyền thanh, trồng lan, bán hàng hay viết truyện ngắn, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn so với những người không có gì nổi trội.
Một giáo viên ngoại ngữ của tôi từng nói: “Nếu bạn có thể nói tiếng Pháp thông thạo, chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ nhìn thấy Paris”. Bạn thấy đấy, kỹ năng ngoại ngữ có thể mở ra những cánh cửa mới, những chân trời mới; và các kỹ năng khác cũng vậy.
Có một số kỹ năng đáng để chúng ta đầu tư thời gian phát triển hơn những kỹ năng khác. Vậy, làm thế nào để xác định được những kỹ năng này? Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn.
1. Kỹ năng có phải là một phần của sự nghiệp? Ví dụ, viết văn rõ ràng là một kỹ năng quan trọng ở hầu hết mọi lĩnh vực – viết báo, quan hệ công chúng, nghiên cứu khoa học, nhân viên kinh doanh... Khả năng này cần thiết ở bất kỳ công việc nào liên quan đến giao tiếp. Vì vậy nó là một kỹ năng hữu ích cần phát triển. Và như bất kỳ một kỹ năng nào khác, bạn cần phải kiên trì luyện tập.
Sự kết hợp các kỹ năng khác nhau sẽ càng mang lại nhiều lợi ích. Nếu bạn biết hàn, sử dụng cưa điện, khởi động động cơ diezen hay lắp đặt hệ thống ống nước, chẳng những bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp mà bạn còn trở nên tháo vát hơn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có một kỹ năng nào đó không có nghĩa là bạn phải theo đuổi đúng nghề nghiệp ấy. Chẳng hạn, bạn hoàn toàn có thể là một đạo diễn sân khấu chứ không là một anh thợ mộc, dù bạn rất thành thạo về nghề mộc. Nhưng có thể nhờ có kỹ năng đó mà trong một lần tình cờ, bạn được nhờ sửa lại cái sân khấu, và cơ hội bất ngờ đã đến với bạn – bạn nhận được lời đề nghị dàn dựng toàn bộ sân khấu.
2. Bạn có thể kiếm tiền qua việc truyền dạy cho người khác một kỹ năng nào đó. Để biết được kỹ năng nào có thể phục vụ cho mục tiêu này, bạn cần nhìn bao quát xung quanh. Hãy xác định xem đâu là kỹ năng mà muốn có được, người ta phải trả tiền cho nó? Nếu ai đó trả tiền để bạn truyền lại cho họ một kỹ năng nào đấy, thì rõ ràng đó là điều thuận lợi – chẳng những bạn có thể kiếm thêm thu nhập mà còn có nhiều thuận lợi khác. Chẳng hạn, trở thành một giáo viên, bạn sẽ được nhiều người chú ý và nhờ đó, những cơ hội mới sẽ xuất hiện. Giả dụ, bạn dạy đồ họa ở một cơ sở địa phương, và một học trò của bạn là nhân viên kinh doanh ở một công ty quảng cáo nào đó thích tài năng của bạn, họ có thể sẽ tiến cử bạn cho vị trí đồ họa viên với mức thu nhập khá cao. Có thể bạn nghĩ viễn cảnh này hơi xa vời. Đúng, nhưng cuộc sống vẫn thường có nhiều điều tốt đẹp bất ngờ.
Một ưu điểm quan trọng khác của công việc dạy học là nó xây dựng cho bạn sự tự tin. Để dạy người khác, bạn phải có đủ trình độ để được thừa nhận như một chuyên gia. Càng có nhiều cơ hội như thế, bạn càng phát triển được lòng tự tin; càng tự tin, bạn càng có nhiều cơ hội trên đường đời.
Ưu điểm thứ ba của việc dạy học là phát triển bản thân. Để chuẩn bị cho một buổi lên lớp, bạn phải tự tìm tòi học hỏi. Càng dạy nhiều, bạn sẽ càng học được nhiều điều mới mẻ.
3. Có phải kỹ năng luôn hữu dụng suốt đời? Cùng với thời gian và quá trình trưởng thành, các kỹ năng mà bạn có được sẽ hòa nhập và thích ứng với cuộc sống của bạn, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Chẳng hạn, những kỹ năng rèn luyện từ nhỏ như: chơi bi, ném dĩa, hay xây nhà trên cát chỉ đơn thuần phục vụ cho nhu cầu giải trí của trẻ thơ, nhưng chúng cũng góp phần hình thành các phẩm chất như sự khéo léo, bền bỉ, quyết đoán của bạn.
4. Biết đùa vui. Hãy tham gia vào những trò chơi của trẻ nhỏ như thổi bong bóng xà phòng, đuổi bắt, nằm dài trên bãi cỏ ngắm mây trời, hoặc các trò đùa vui đơn giản, tự nhiên khác. Khi hòa mình vào những trò chơi ấy, bạn sẽ cảm nhận được sự hồn nhiên và tươi trẻ. Biết thư giãn cũng là một kỹ năng rất quan trọng và hữu ích trong cả cuộc đời bạn. Nó cho bạn niềm vui để yêu quý và thưởng thức cuộc sống, để từ đó dấn thân vào mọi hoạt động với tất cả nhiệt huyết và niềm đam mê.
5. Kỹ năng đó có thuộc lĩnh vực bạn yêu thích? Khi chọn lựa cho mình một kỹ năng để phát triển, hãy lựa chọn kỹ năng thuộc lĩnh vực bạn yêu thích. Nếu không, bạn khó có thể đạt được thành tích nổi bật. Lòng quyết tâm sẽ củng cố tinh thần, giúp bạn vững bước trên con đường chông gai.
Nếu bạn thật sự muốn trải nghiệm những hoạt động mới, học hỏi những kỹ năng mới, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, thì đây là những gợi ý:
• Đọc các tạp chí về nghệ thuật, khoa học, du lịch… đây là những cuốn tạp chí bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các nhà sách hoặc thư viện.
• Học hỏi những người mà bạn ngưỡng mộ. Hãy quan sát, hoặc tốt hơn là trò chuyện với họ. Họ sẽ nói cho bạn nghe về những công việc họ đang làm, và chắc chắn họ sẽ vui vẻ đón nhận những câu hỏi của bạn.
• Tình nguyện làm một việc gì đó ở những nơi như bệnh viện, trường học, trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão.
• Thăm viện bảo tàng và tiệm bán đồ cổ, sưu tầm những vật dụng bạn thấy thích thú.
• Hỏi thăm những người xung quanh về sở thích và công việc của họ. Thường thì người ta đều thích nói về những đam mê của mình, nhất là khi bạn hỏi một cách chân thành và khéo léo. Hãy phát hiện ra điều gì làm họ đam mê, và tại sao họ luôn giữ được niềm say mê như thế.
• Lướt web để có thêm kiến thức, cập nhật thông tin. Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy điều gì đó thú vị.
PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH LÝ TÍNH (IQ)
Trong nhiều năm qua, các nhà tâm lý đã dùng những bài kiểm tra về trí tuệ để mô tả cái mà loài người gọi là “trí thông minh”, tức khả năng phân tích để tìm ra giải pháp cho các vấn đề rắc rối. Thường thì nó được mô tả bằng một chỉ số – IQ (chỉ số thông minh), chỉ số phản ánh khả năng giải quyết khó khăn, đặc biệt là khả năng làm việc bằng trí não thông qua sự tính toán và những khái niệm khoa học.
Trong một số lĩnh vực, chỉ số thông minh được xem là thông tin quan trọng, nhưng đôi khi nó có thể bị lạm dụng. Không nên quá cường điệu mức độ quan trọng của chỉ số thông minh, bởi thực tế những người có chỉ số IQ cao chưa chắc đã thành công trong cuộc sống, và ngược lại.
1. Chỉ số IQ (Intelligence Quotient) là gì?
Hầu hết các phần trong những bài kiểm tra chỉ số thông mình đều nghiêng về đo khả năng của bạn trong việc nhìn nhận và phân tích mối quan hệ giữa những mặt khác biệt của sự việc. Một số bài kiểm tra này có nội dung nặng về toán học, một số thì nặng về từ ngữ, số khác là những bài kiểm tra về khả năng kỹ thuật, âm nhạc, hoặc hiểu từ vựng. Những khả năng phân tích cơ bản này đóng vai trò quan trọng giúp bạn thành công trong các môn học ở trình độ đại học (đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên). Tuy nhiên, việc đạt số điểm cao hay thấp không quyết định khả năng thành công hay thất bại của bạn trong đời sống. Những yếu tố khác như sức tưởng tượng, sự kiên trì, khả năng đồng cảm với cảm xúc của người khác cũng quan trọng không kém trí thông minh.
Mối quan hệ giữa khả năng phân tích và sự thành công trong cuộc sống cũng giống như mối quan hệ giữa chiều cao và khả năng thành công của cầu thủ trong môn bóng rổ. Chiều cao là ưu thế đầu tiên đối với một cầu thủ bóng rổ, càng cao càng tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ cao không thôi sẽ không đủ điều kiện để trở thành ngôi sao. Muốn thành công, người đó cần được huấn luyện tốt trong điều kiện thuận lợi, đồng thời phải nỗ lực luyện tập. Điều này tương tự như mối tương quan giữa trí thông minh và sự thành công trong cuộc sống nói chung. Để tỏa sáng, đặc biệt là trong học thuật, bạn phải có “trí thông minh”, nhưng sự thành công chỉ đến khi bạn :
• Luôn có ý thức rèn luyện khả năng tư duy.
• Tìm kiếm cơ hội để được học tập tốt.
• Có động lực mạnh mẽ để luyện tập, luyện tập và luyện tập.
2. Chỉ số IQ có phát triển được không?
Cũng giống như chiều cao của con người là có hạn, khả năng tư duy của chúng ta cũng chỉ phát triển đến một mức độ nào đó. Cho đến nay, việc có thể tăng cường khả năng tư duy ở trẻ em được hay không vẫn còn là một câu hỏi mở. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ dưới tám tuổi được chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, được học tập, tiếp cận những chương trình truyền hình có tính khơi gợi óc sáng tạo, tham gia các chuyến dã ngoại (tham quan bảo tàng, nhà máy, thư viện), sẽ có tốc độ phát triển tư duy tốt hơn những đứa trẻ không có những thuận lợi này.
Tuy nhiên, sau tuổi mười lăm, mười sáu, khi sự phát triển về mặt thể chất giảm, thì sự phát triển khả năng tư duy ở trẻ em cũng giảm theo. Nhưng cho dù khả năng tư duy của chúng ta cơ bản không có nhiều thay đổi sau tuổi mười sáu, thì chúng vẫn có thể được sắp xếp một cách tốt hơn tùy theo sự rèn luyện của chúng ta. Cũng giống như với những người biết chăm sóc cơ thể, tập thể dục thường xuyên, ăn thức ăn bổ dưỡng, không hút thuốc, không rượu chè, nếu so sánh với những người không biết chăm sóc cho cơ thể thì chắc chắn họ sẽ hơn hẳn.
Nhiều cầu thủ bóng rổ dù không có chiều cao lý tưởng, nhưng họ vẫn chơi bóng tốt nhờ vào sự nhanh nhẹn, khéo léo, chăm chỉ luyện tập hoặc khả năng phán đoán tuyệt vời. Tương tự, nhiều người – theo kết quả đánh giá của bài kiểm tra – có khả năng tư duy chỉ đạt mức độ trung bình, nhưng vẫn thành công trong cuộc sống. Điều này cho thấy, ngoài chỉ số IQ còn có nhiều yếu tố quan trọng khác quyết định đến việc thành công hay thất bại của bạn. Một người lười biếng, không chịu trau dồi tài năng thiên bẩm, sẽ chẳng khác nào một cầu thủ bóng rổ có chiều cao lý tưởng nhưng không biết phát huy lợi thế của bản thân.
Trong suốt những năm trẻ tuổi, sự thông minh tiềm tàng ở mỗi người – như khả năng suy luận và lý giải các ký hiệu, con số hay những vấn đề trừu tượng – sẽ đạt đến một mức độ nào đó rồi dừng lại cho đến cuối đời. Nhưng, cũng giống như cơ thể, chúng ta có thể làm cho nó trở nên sắc sảo hơn thông qua việc rèn luyện và tích lũy thường xuyên. Ngược lại, nếu không được sử dụng, nó sẽ dần bị lu mờ và một ngày nào đó khả năng tư duy, phân tích của ta sẽ giống như một lưỡi dao cùn.
3. Làm cách nào để trí thông minh mãi tỏa sáng?
Cách tốt nhất để giữ khả năng tư duy của bạn luôn minh mẫn, nhạy bén là năng tư duy. Đọc sách báo, tự tìm tòi, tham gia những khóa học, học hỏi từ những người giỏi hơn, dũng cảm đương đầu với thử thách... Những hoạt động này sẽ giúp bộ não của bạn khỏi ù lì mụ mẫm.
Khi thực sự hiểu được khả năng của mình, bạn mới có thể chọn lựa công việc phù hợp với bản thân. Một thống kê cho thấy chỉ có khoảng 15 phần trăm dân số thế giới có chỉ số IQ xếp loại cao. Họ thường làm những ngành nghề phức tạp như nhà nghiên cứu vật lý – hóa học, thẩm phán, giáo sư đại học… Tuy nhiên, một số người có chỉ số thông minh thấp hơn cũng thành công trong những công việc này là vì họ có những lợi thế khác bù lại, như chăm chỉ, có óc tưởng tượng phi thường, có mối quan hệ tốt, hoặc may mắn khi các đóng góp của họ xuất hiện trong những tình huống thuận lợi.
Có ba mươi phần trăm dân số được xem là những người có trí tuệ khá cao. Đó là những bác sĩ, luật sư, kế toán, nhà tâm lý, chuyên viên kinh doanh, bộ trưởng, nhân viên xã hội, kỹ sư, nhà sinh vật học. Nói chung, họ thuộc nhóm các nhà chuyên môn.
Nhóm người tiếp theo chiếm phần lớn dân số, họ có trí tuệ ở mức bình thường. Những người này thường làm việc trong văn phòng, bệnh viện, nông trại, lái xe, cảnh sát, người bán hàng, chủ doanh nghiệp nhỏ. Cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Một số người có chỉ số IQ cao, nhưng vẫn đảm nhận những công việc này, lý do là vì họ không có cơ hội chuyển sang lĩnh vực khác phức tạp hơn, hoặc họ thích công việc đang làm hơn, hoặc họ đang cố chịu đựng. Mặt khác, một số người có chỉ số IQ thấp hơn, nhưng do biết tận dụng cơ hội nên đã chiếm được thành công, vươn cao hơn người có cùng trình độ trên nấc thang sự nghiệp.
Những người có chỉ số thông minh thấp hơn nhóm người trên hầu như chỉ dừng lại ở những công việc đơn giản như công nhân xí nghiệp, người giúp việc, văn thư, hay những công việc không yêu cầu kỹ năng. Họ đã đóng góp một cách hữu ích cho xã hội và họ hài lòng với công việc của mình, nhưng do không phải giải quyết những vấn đề phức tạp nên đương nhiên thu nhập họ nhận được cũng thấp hơn.
4. Như vậy, chúng ta thấy có ba điều cần lưu ý về sức mạnh của bộ não:
• Nếu không thường xuyên sử dụng, ta sẽ dần đánh mất nó.
• Cần xác định mục tiêu một cách thực tế, phù hợp với khả năng của bản thân.
• Ngay cả khi có chỉ số thông minh không cao, bạn cũng có thể thành công.
TĂNG CƯỜNG TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC (EQ)
Năm 1995, Daniel Golman – nhà tâm lý học của trường Đại học Harvard, người phụ trách chuyên đề khoa học của báo New York Times đã cho ra đời cuốn Trí thông minh cảm xúc. Ngay lập tức quyển sách trở thành sách bán chạy nhất, tạo nên một cơn lốc tư tưởng mới về khả năng trí óc và cảm xúc ở con người.
Golman đồng ý rằng trí thông minh là quan trọng, đặc biệt là trong giáo dục, nhưng không hẳn là nhân tố duy nhất tạo nên thành công trong công việc và cuộc sống. Ông nhấn mạnh, có nhiều người rất thông minh, lớn lên trong điều kiện tốt nhất nhưng lại làm những công việc rất bình thường, thậm chí có những người còn tự làm rối tung cuộc sống của bản thân. Ngược lại, có những người đạt được thành công một cách ngoạn mục mặc dù chỉ số thông minh của họ chỉ ở mức trung bình.
Đặc biệt, những quan điểm mà ông đề cập liên quan nhiều đến hiệu quả công việc và sự hài lòng trong cuộc sống hơn là chỉ số IQ. Trong đó, hai yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất, theo ông, đó là “sự đồng cảm” và “khả năng kiềm chế cảm xúc”.
“Đồng cảm” là khả năng thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với cảm xúc của người khác – cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Đây là khả năng quan trọng, cần có đối với những người nắm giữ vị trí lãnh đạo.
“Khả năng kiềm chế cảm xúc” là khả năng từ bỏ hạnh phúc trước mắt để tập trung cho những hoạt động khác. Ví dụ: học ngoại ngữ thay vì đi dự tiệc, đổi lại niềm vui là khả năng thành công trong tương lai, cũng nhờ đó ta sẽ có được sự hài lòng và cuộc sống tươi sáng hơn về sau.
Hướng suy nghĩ này của Golman ngay lập tức trở nên phổ biến, thu hút sự quan tâm của những nhà tâm lý, nhà tư vấn, những chuyên viên, và những chuyên gia quản lý nguồn nhân lực. Nhiều nhà nghiên cứu tập trung vào tìm hiểu và mở rộng quan điểm của ông.
Vài năm sau đó, cuốn sách thứ hai của Golman mang tên Làm quen với trí thông minh cảm xúc ra đời. Ông tập trung vào phân tích năm yếu tố của trí thông minh cảm xúc. Theo ông, cả năm yếu tố này đều quan trọng và đều có thể phát huy bằng việc học hỏi, luyện tập:
1. Tự nhận thức: Là hiểu rõ bản thân, biết rõ khả năng của mình, hiểu được cảm xúc và hành vi của bản thân quyết định cuộc sống của mình ra sao và đặc biệt là những yếu tố nào bên ngoài đã chi phối đến những tính cách của chúng ta. Ví dụ, ta tự nhận thức được rằng nếu tiếp tục trêu chọc và bắt nạt người khác, chắc chắn có ngày sẽ dẫn đến xung đột, xô xát.
Có ít nhất hai cách để tăng cường khả năng tự nhận thức. Thứ nhất, nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, phân tích điều gì ảnh hưởng đến tính cách của bạn và cách bạn đối xử với người khác ra sao. Thứ hai, hỏi trực tiếp người khác:“Bạn nghĩ gì về cách tôi đang đối xử với bạn?”. Tuy nhiên, cũng không nên quan trọng hóa điều này, vấn đề là bạn cần nhận thức rõ tác động của những việc mình làm đối với thế giới xung quanh.
2. Làm chủ bản thân: Là khả năng kiểm soát hành vi của chính mình và đưa ra quyết định, thể hiện óc xét đoán về những điều mình đang và sẽ làm. Điều này cũng có nghĩa là, trước bất cứ hành động nào, ta cũng cần phải suy nghĩ, tránh làm những điều ngu xuẩn, liều lĩnh như lái xe ẩu, leo núi mà không có những dụng cụ cần thiết, bơi lội một mình trong những dòng nước xoáy… Bên cạnh đó, phải có một tư tưởng tốt, quyết tâm rèn luyện bản thân vượt qua những lợi ích nhỏ nhen trước mắt để hướng tới tương lai tươi sáng.
3. Đồng cảm: Là khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác, biết đối nhân xử thế một cách thông minh, tinh tế. Đồng cảm đóng vai trò quan trọng trong làm việc nhóm vì chỉ khi nào các thành viên trong nhóm hiểu và tôn trọng nhau thì mới có thể làm việc với nhau hiệu quả. Đồng cảm cũng rất quan trọng để hòa nhập vào môi trường văn hóa mới lạ. Để có thể làm việc tốt trong một tập thể mới – như trường hợp sinh viên du học, các nhà quản lý phải công du nước ngoài – đòi hỏi chúng ta phải có sự đồng cảm mới có thể hòa nhập vào môi trường mới, với những con người mới, không cùng trình độ và khác cả về văn hóa.
4. Kỹ năng ứng xử là khả năng thuyết phục và nhận thấy những yếu tố có thể ảnh hưởng hoặc làm thay đổi một người hay một tổ chức nào đó. Tương tự như đồng cảm, nhưng kỹ năng ứng xử mở rộng hơn ở chỗ – không chỉ hiểu, mà nó còn giúp người khác vượt qua khó khăn để đi tiếp con đường mới một cách tích cực, theo tư tưởng của một người lãnh đạo. Để có được kỹ năng này, chúng ta cần có sự mài giũa, thực hành thường xuyên. Bởi vậy, những ai sớm giữ vai trò như những thủ lĩnh, hoặc chịu khó tham gia các hoạt động đoàn hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ có một bước khởi đầu sớm hơn những người khác. Đây là kỹ năng giúp ích cho bạn rất nhiều trong tương lai.
5. Động lực là những động cơ thúc đẩy con người vươn tới những điều tốt đẹp và theo đuổi mục tiêu của mình. Để đạt được mục tiêu, đòi hỏi tính kiên trì bền bỉ, dám đối mặt với thất bại. Không có động lực là một thiếu sót rất lớn đối với bất kỳ người nào muốn xây dựng một tương lai tươi sáng. Nếu bạn không muốn thành công, thì chẳng cần đến động lực vì chắc chắn thành công sẽ không bao giờ đến với bạn.
Trong các yếu tố kể trên, động lực có vị trí quan trọng nhất. Do đó, có nhiều vấn đề ta cần phân tích về yếu tố này.
ĐỘNG LỰC CỦA MỖI NGƯỜI
Tại sao bạn sẵn sàng làm công việc ấy, bất chấp gian khổ? Tại sao bạn vẫn một lòng kiên trì với công việc ấy? Tại sao bạn luôn muốn đạt đến mức tốt nhất nếu có thể? Đây chính là những câu hỏi liên quan đến động lực.
Cho dù bạn có thông minh và tài năng cỡ nào, cho dù bạn có bao nhiêu cơ hội đi nữa, nhưng nếu không có động lực, chắc chắn thành công bạn đạt được sẽ chẳng có bao nhiêu. Điều này cũng có nghĩa rằng, bạn sẽ không có nhiều lựa chọn cho cuộc sống. Không thành tựu, không lựa chọn.
Vậy thì, đâu là động lực cho mỗi chúng ta? Đâu là điều chúng ta luôn khao khát có được? Và làm thế nào để tăng cường động lực của bản thân? Để trả lời cho những câu hỏi này, nhiều nhà tâm lý đã nghiên cứu và đưa ra một vài giải đáp như sau:
1. Mỗi người đều có những động lực riêng. Có người muốn kiếm thật nhiều tiền, có người lại muốn có những phát minh khoa học vĩ đại, hoặc những tác phẩm nghệ thuật để đời. Một số người khác lại muốn giúp đỡ những người xung quanh, hoặc góp sức vào một tổ chức nào đó… Có những việc vô cùng thú vị đối với người này nhưng lại nhàm chán, vô nghĩa lý đối với người khác. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy tìm kiếm điều gì làm mình thật sự say mê, vì chỉ khi cảm nhận được nó quan trọng với bản thân thì bạn mới có động lực mạnh mẽ để phấn đấu.
2. Người ta sẽ tìm được động lực khi thấy việc mình làm có ý nghĩa. Chẳng ai muốn thấy việc mình làm là thừa thãi, vô bổ. Bởi vậy, hãy làm điều gì đó mà bạn cho là xứng đáng, nâng cao giá trị của người khác, góp phần vào sự tiến bộ xã hội và được mọi người đánh giá cao. Ví dụ: những hoạt động tình nguyện như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, trẻ em khuyết tật, hoặc gây dựng các quỹ từ thiện…
3. Càng hiểu được giá trị của việc mình làm, người ta càng có động lực để hoàn thành tốt hơn. Ngược lại, khi không biết mình đang cố gắng vì điều gì, người ta sẽ dễ chán nản, bỏ cuộc.
Chẳng hạn, rất nhiều sinh viên không cố gắng học tập vì không nhận thức được việc học hành, nghiên cứu một cách nghiêm túc sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp họ thành công trong sự nghiệp sau này. Họ biện minh rằng: “Được điểm cao để làm gì?”, “Điểm cao liệu có quan trọng đến thế không?”. Đúng là điểm số không phải là tài sản có thể làm giàu cho bạn, nhưng thông qua nỗ lực học hành (được công nhận qua điểm số) chúng ta sẽ tích lũy được những kiến thức và kỹ năng quý giá, hữu ích cho ta suốt cả cuộc đời.
4. Động lực thúc đẩy con người mang tính nhất quán. Thực tế cho thấy, những học sinh học tốt ở cấp phổ thông thường có xu hướng học tốt ở đại học, rồi tới những khóa học mở rộng như luật sư, bác sĩ, hay sau đại học. Khi hoàn thành tốt một nhiệm vu, người ta sẽ có khuynh hướng hoàn thành tốt những nhiệm vụ khác. Đây là một biểu hiện của tính nhất quán trong mỗi người. Vì thế ta nên cố gắng hết mình để đạt được thành công trong bất cứ lĩnh vực nào mình đảm nhiệm. Thành công cũng có xu hướng trở thành thói quen.
5. Con người thường có xu hướng thể hiện sự tương đồng với những người gần gũi với mình. Chẳng hạn, những người làm việc chung trong cùng một nhóm sẽ hình thành nên một “tuýp” tính cách hoặc suy nghĩ nào đó. Điều này một mặt cho thấy họ có chung một nhu cầu nào đó, như có sự “bình đẳng” trong lao động và hưởng hiệu quả công việc. Mặt khác, đây cũng là một đặc điểm chung thường thấy trong bản tính của con người. Ví dụ: những công nhân trong cùng một khâu sản xuất, thường có cùng một suy nghĩ là làm bao nhiêu thì được xem là công bằng. Nhóm này sẽ tẩy chay bất cứ công nhân nào cố gắng và hăm hở vượt ra khỏi mức đó. Họ cho rằng bằng cách phô trương ấy, đối phương tất sẽ gây rắc rối cho những người còn lại trong nhóm.
Trong cuộc sống ta sẽ gặp rất nhiều trường hợp tương tự. Do đó, bạn nên tìm kiếm những môi trường khiến bạn cảm thấy được khích lệ, tránh ám ảnh bởi những tình huống khiến bạn nản lòng. Thông thường, điều này có nghĩa là bạn nên tìm đến những người giỏi hơn mình và cố gắng phát triển bản thân đạt đến trình độ của họ.
Tóm lại, những người xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến động lực phấn đấu của chúng ta. Muốn có động lực để thành công, mỗi chúng ta cần biết chọn lựa bạn bè và đối tác sao cho xứng đáng. Bên cạnh đó, cần tránh xa những kẻ xấu chỉ biết làm lợi cho bản thân dựa trên mồ hôi, nước mắt của người khác, tệ hại hơn nữa khi đó là những kẻ chuyên làm việc bất chính.
ẢNH HƯỞNG CỦA BẠN BÈ
Bên cạnh đồng nghiệp, bạn bè đóng một vai trò quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất, ta dễ lấy họ ra làm mẫu mực cho hành vi, suy nghĩ của mình, đặc biệt khi đó là những người bạn thân.
1. Bạn thích giao du với kiểu bạn bè nào? Tại sao?
Hãy nhìn xung quanh, bạn sẽ nhận ra rằng, cuộc sống của mình và những người bạn xung quanh chắc chắn có một số nét tương đồng. Có thể bạn bắt chước cách họ làm, như là chơi loại nhạc cụ giống họ, muốn có chiếc xe giống họ, thích kiểu tóc giống họ... Thực tế cho thấy, dù chọn kết giao với nhóm bạn nào đi nữa, bạn cũng rất dễ bị ảnh hưởng và trở nên giống những thành viên khác trong nhóm ở cách suy nghĩ, ứng xử hay hành động. Nếu họ sáng tạo và theo đuổi những mục tiêu đúng đắn, bạn sẽ có động lực để làm những điều tương tự. Ngược lại, nếu họ có những hành vi không lành mạnh, có khả năng bạn sẽ bắt chước theo những thói xấu đó. Và họ cũng sẽ bắt chước bạn. Sự ảnh hưởng ở đây có tính chất tương tác, hai chiều.
Ví dụ: một sinh viên chuyên ngành mỹ thuật, nếu chuyển sang ở chung ký túc xá với những sinh viên chuyên ngành khoa học trong một thời gian dài, anh ta sẽ có khả năng phát triển về tư duy khoa học hơn so với những sinh viên mỹ thuật chỉ chơi chung với nhau. Biết đâu, một ngày nào đó, anh ta sẽ bị lôi cuốn bởi những phát minh thú vị của khoa học và chuyển hướng rẽ sang lĩnh vực này, hoặc cũng có khả năng anh sẽ chọn một ngành nào đó có sự kết hợp cả hai chuyên ngành, như đồ họa vi tính. Nếu được trau dồi theo thời gian, tài lẻ có khả năng sẽ trở thành sở trường. Những thay đổi không nhất thiết phải lớn, nhưng sau nhiều năm, nhờ tích lũy từng chút một, bạn sẽ thay đổi giống với bạn của mình hơn, và họ cũng sẽ thay đổi để giống bạn.
Khi muốn tiếp cận hoặc kết thân với người bạn nào đó, bạn dễ thay đổi theo những gì khiến đối phương hài lòng. Do vậy, nên cẩn thận khi chọn bạn, vì đây là cách giúp bạn kiểm soát sự phát triển của bản thân.
2. Cẩn thận khi kết giao với bạn bè
Khi kết giao với những người thường xuyên gặp vấn đề rắc rối, có thể bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Nếu bạn của bạn là một kẻ thường xuyên thua cuộc; nếu họ luôn gặp khó khăn vì những hành động lỡ lầm; nếu họ có một thân hình quá khổ nhưng chẳng bao giờ chú ý đến chế độ ăn và tập luyện thể thao; nếu họ không bao giờ có tiền vì thường xuyên tiêu xài phung phí; nếu họ lúc nào cũng say xỉn và liên tục gặp rắc rối trong việc học; nếu họ phí cả ngày xem ti–vi mà chẳng chịu bắt tay vào làm bất cứ việc gì… thì có khả năng bạn sẽ đi theo lối mòn ấy. Với những người bạn kiểu này, bạn sẽ mất nhiều hơn là được. Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” cũng là vậy.
Ngược lại, nếu bạn của bạn là những người tài năng, tính cách tốt, biết quan tâm đến mọi người, năng động và tích cực tham gia vào những hoạt động hữu ích như ca hát, khiêu vũ, thể thao, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, hoặc có được những công việc tốt, thì bạn cũng sẽ sớm có động lực để tham gia vào các hoạt động tương tự.
Dù là thiếu niên hay người đã trưởng thành, dù bạn mười bảy tuổi, ba mươi bảy tuổi, hay sáu mươi bảy tuổi chăng nữa, bạn của bạn đều có thể ảnh hưởng đến bạn, nhất là trong việc phát triển thái độ và cách suy nghĩ. Nếu thân thiết với những người luôn coi trọng sức khỏe và dành nhiều thời gian cho việc tập thể dục, bạn sẽ biết giữ gìn sức khỏe tốt hơn. Nếu thân thiết với những người thích du lịch, bạn sẽ dần thích ngao du như họ. Nếu thường xuyên nói chuyện với những người hay chỉ trích, luôn than vãn về cuộc sống, bạn sẽ trở nên bi quan, chán nản. Nếu bạn dành thời gian tiếp xúc với những người biết cống hiến cho xã hội bằng cách này hay cách khác, bạn cũng sẽ mong muốn được đóng góp như vậy.
Những người bạn tốt chính là tài sản tuyệt vời hỗ trợ ta trong cuộc sống; ngược lại những người bạn xấu luôn là một lực cản trên con đường hoàn thiện bản thân của mỗi chúng ta.
3. Trước hết hãy là người bạn tốt nhất của chính mình.
Trong cuộc sống, tình cảm bạn bè là điều rất quan trọng, nhưng không vì thế mà ta sống dựa dẫm hay lệ thuộc vào họ. Bạn bè là nơi ta có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, có thể học hỏi những trải nghiệm trong cuộc sống. Nếu trong tình bạn, ta luôn đòi hỏi được nhận mà không biết cho đi, thì chính ta sẽ trở thành người ích kỷ và tự đánh mất đi tình bạn. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, những người không biết tự đứng lên bằng đôi chân của mình mà luôn trông đợi ở người khác sẽ chỉ là những người kém cỏi và chẳng bao giờ có thể thành công.
Tóm lại, để có được những người bạn đúng nghĩa, ta hãy là một người bạn tốt của chính ta.
VAI TRÒ CỦA VIỆC HỌC TẬP
Một lý do khiến học tập đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi người là vì nó tạo ra những tài sản quý báu, ngay từ khi chúng ta còn rất nhỏ. Nếu học tập tốt, bạn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích, có thêm nhiều kinh nghiệm và bạn bè. Do đó, khi lên kế hoạch cho sự nghiệp, cần đặc biệt quan tâm đến học hành, vì đây là cách tốt nhất để bạn làm phong phú cuộc sống của bản thân. Đối với nhiều người, học hành là một niềm vui, và không có gì ngạc nhiên khi một người nào đó nói với bạn rằng những năm ngồi trên ghế nhà trường là những năm đẹp nhất trong cuộc đời họ.
Có ba điều bạn cần chú ý khi lên kế hoạch cho việc học tập của mình.
Thứ nhất: Nên học những gì mình thích. Nếu vẫn còn lúng túng trong việc xác định sở thích của bản thân, tốt nhất bạn nên dành thời gian để thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hãy học những môn cơ bản – lịch sử, văn chương, ngôn ngữ học, ngoại ngữ, toán học, kinh tế – chúng sẽ cung cấp cho bạn tri thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt hãy theo học những khóa học mang lại cho bạn cảm giác hứng thú và nhiều kiến thức mới mẻ. Một khóa học càng khó, trình độ càng cao, bạn càng học hỏi được nhiều điều bổ ích và làm giàu thêm vốn tri thức cho bản thân.
Đừng lo lắng nếu bạn vẫn chưa tìm thấy lĩnh vực nào thực sự hấp dẫn mình, đồng thời cũng đừng ngại tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực mới, khác biệt. Chỉ cần một ý chí kiên trì, một tinh thần ham học hỏi, chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ vững bước trên con đường dẫn đến thành công.
Thứ hai: Nên chọn nơi tốt nhất và phù hợp nhất với bạn để học. Học tập ở một môi trường tốt, bạn sẽ có được nhiều lợi thế, chẳng hạn:
- Bạn sẽ được đào tạo bài bản, có hệ thống và chất lượng tốt.
- Bạn sẽ được kết giao với những người có năng lực và nhiệt huyết. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn sẽ trở thành loại người nào.
- Tên tuổi của trường sẽ ảnh hưởng đến con đường bạn đi trong tương lai. Chẳng hạn, nhà tuyển dụng có thể sẽ ấn tượng hơn đối với những ứng viên được đào tạo từ một trường chính quy, vốn có tiếng tăm.
Tuy nhiên, đó chỉ là những thuận lợi ban đầu, còn việc bạn có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực của chính bạn.
Thứ ba: Dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì, hãy luôn cố gắng hết mình. Làm được điều này, bạn sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn nữa trong tương lai, đơn giản vì kiến thức bạn tích lũy được nhiều hơn so với những sinh viên bình thường khác. Xa hơn và quan trọng hơn, nếu không tự rèn luyện bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn sẽ đánh mất thói quen và khả năng ấy khi bước ra cuộc sống.
Tinh thần tự rèn luyện này còn quan trọng hơn cả việc chọn nơi tốt nhất để học. Sau khi khảo sát, người ta thấy rằng, những sinh viên học ở trường bình thường nhưng có kết quả học tập xuất sắc có thể làm tốt hoặc tốt hơn hẳn những sinh viên trung bình đến từ những trường danh tiếng.
Kết quả này cho thấy, thành công có thể đến từ thói quen. Những sinh viên giỏi thường là những người có tinh thần học tập nghiêm túc, hết mình, đồng thời họ yêu cầu bản thân phải luôn biểu hiện tốt. Khi chuyển sang môi trường khác, họ sẽ tiếp tục đòi hỏi ở bản thân những điều ấy – đó chính là bí quyết giúp họ thành công.
ẢNH HƯỞNG CỦA GIA ĐÌNH
Gia đình là nhân tố đầu tiên và cũng là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc đời mỗi chúng ta. Không chỉ thời thơ ấu mà ngay cả lúc trưởng thành, sự ảnh hưởng ấy vẫn rất sâu sắc. Thường thì chúng ta hay đề cao hoặc ủng hộ những gì giống với nếp nghĩ, nếp sinh hoạt từ lâu trong gia đình mình. Bởi vậy, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đang và sẽ đi theo khuôn mẫu của cha mẹ.
Gia đình là tài sản vô cùng quý giá. Ở đó, chúng ta được sống trong tình thương yêu, bảo bọc của cha mẹ, của các anh chị em và những người họ hàng. Mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình, dòng tộc có thể mở ra cho ta những cánh cửa mới, cho ta nhiều kinh nghiệm sống, nhiều kỹ năng làm việc được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Có thể sẽ có những người sống gắn bó và không muốn rời xa cha mẹ mình; nhưng cũng có người do mâu thuẫn nào đó mà cho rằng gia đình chẳng hỗ trợ được gì cho bản thân. Cũng có thể họ đúng, hoặc cũng có thể sau này họ sẽ cảm thấy hối tiếc. Nhà văn Mark Twain từng kể: “Khi còn là một đứa trẻ mười bốn tuổi, tôi rất coi thường những lời giáo huấn của cha tôi. Nhưng đến khi hai mươi mốt, tôi không khỏi thán phục khi nhận ra trong đó là những chân lý”. Một lúc nào đó, khi gặp phải những chuyện không vừa ý, hoặc cảm thấy mình không được trân trọng trong gia đình, có thể bạn sẽ than thở rằng tại sao mình không sinh ra ở một gia đình khác tốt hơn. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, và bất cứ gia đình nào cũng có thể gặp phải những điều tương tự.
Với những phân tích trên đây, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn chính xác hơn để tự làm giàu hơn nữa tài sản và sự lựa chọn của bản thân trong tương lai. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể tận dụng mối quan hệ gia đình để tăng cường những kỹ năng, động lực cho việc học tập, phấn đấu của mình?
Trước tiên, hãy hỏi ý kiến của những người thân trong gia đình. Bạn cần lắng nghe xem người thân nghĩ gì về những lựa chọn quan trọng sắp tới của bạn. Biết đâu bạn sẽ phải ngạc nhiên trước những ý kiến đóng góp thú vị và hữu ích của họ.
Thứ hai, hãy học tất cả những kỹ năng mà người thân có thể dạy cho bạn. Nếu họ có thể nấu nướng, kết hạt nút thành đồ trang sức, lập trình máy tính, hay hiểu biết về thị trường chứng khoán… thì bạn đang có một nguồn “tư liệu sống” tuyệt vời ngay tại nhà. Hãy tranh thủ thu nhận nó.
Một người bạn từng kể với tôi rằng: “Ông tôi là chủ một nhà ga. Với tôi, những con tàu luôn có một sức lôi cuốn kỳ lạ, vì vậy hàng ngày tôi vẫn theo ông ra ga chỉ để ngắm những chuyến tàu và xe điện hàng giờ liền. Trái lại, ông tôi luôn bận bịu sử dụng máy điện báo, giải mã moóc về sự vận hành khác nhau của xe lửa và xe điện trên đường ray, cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến nó. Ông chưa bao giờ giải thích cho tôi, và tôi cũng chẳng bao giờ đề nghị ông dạy cho mình cách gửi những mã moóc đó. Sau này, nhớ lại tôi thấy thật hối hận về điều đó”.
Thứ ba, hãy tận dụng bất cứ “tài sản” nào bạn có được từ gia đình. Nhiều gia đình, nhờ khá giả nên đã tạo được những cơ hội tốt cho con cái của mình. Chẳng hạn họ để lại cho con những nông trại, đồn điền, hoặc công ty thương mại lớn. Nhờ đó mà con họ có được một sự khởi đầu thuận lợi. Tuy nhiên, để phát huy hết thế mạnh ban đầu này, đòi hỏi người ấy phải biết nhìn nhận và lên kế hoạch cho mình. Ví dụ, nếu gia đình bạn làm kinh doanh, bạn cần nắm được luật kinh doanh và những nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh trước khi quyết định có nên tiếp tục sự nghiệp ấy hay không. Đặc biệt, đừng vội vàng từ bỏ khi bạn chưa hiểu rõ tất cả những điều liên quan đến nó. Biết đâu bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội nhờ vào mối quan hệ của gia đình mình hơn là bạn nghĩ.
Thứ tư, bạn nên thành thạo một lĩnh vực nào đó trước khi sử dụng tài sản từ gia đình. Có thể tài sản bạn được thừa hưởng từ gia đình là tiền bạc, đất đai, xí nghiệp, hay tiếng tăm trên lĩnh vực nào đó… Nhưng dù là gì đi nữa, bạn cũng cần xác định nguồn lực ấy một cách chính xác. Có khi những tài sản đó giúp bạn mở rộng sự lựa chọn cho bản thân, nhưng cũng có khi nó chính là gánh nặng đè lên vai bạn.
Là một nhà tâm lý, sau nhiều năm tư vấn, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp do được thừa hưởng của cải hoặc danh tiếng từ gia đình mà gặp rắc rối trong cuộc sống. Thậm chí không ít người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cái bóng quá lớn từ người cha hay người mẹ tài giỏi của mình. Với những người này, tôi khuyên họ nên tách khỏi gia đình vài năm để khẳng định bản thân. Chỉ khi nào có được sự tự tin cần thiết, thì tài sản gia đình mới không trở thành áp lực tâm lý. Thực tế cho thấy, những người thành công nhất thường là những người luôn tự thân vận động, biết dùng tài sản gia đình như một tấm ván nhảy để bật cao hơn, xa hơn chứ không tự phụ hoặc ỷ lại vào đó.
Warren Buffett – một trong những người giàu nhất thế giới, khi được hỏi về dự định phân chia tài sản cho các con, đã trả lời rằng: “Tôi sẽ để lại của cải cho con cái đủ để chúng có thể làm bất cứ điều gì, nhưng không đủ để chúng không làm gì cả”.
Hãy để tâm tìm hiểu công việc của các thành viên trong gia đình. Điều này ít nhất có thể giúp bạn hiểu được lĩnh vực mà ba và mẹ mình tham gia. Nó sẽ giúp bạn hiểu thêm về người thân, cũng như có những hình dung ban đầu về nghề nghiệp tương lai của mình.
Để khuyến khích ba mẹ (hay cô, chú, anh, chị) nói về công việc của họ, bạn có thể sử dụng những câu hỏi sau đây. Hầu hết mọi người đều thích kể về công việc của mình nếu người nghe thật sự quan tâm và tha thiết được biết.
1. Công việc này đã đến với ba/mẹ như thế nào?
2. Điều gì ở công việc khiến ba/mẹ thích nhất? Vì sao?
3. Điều gì ở công việc khiến ba/mẹ không hài lòng? Vì sao?
4. Những kiểu người nào phù hợp với công việc này? Ba/mẹ có thể chỉ ra đôi nét về họ được không? (Nên chú ý đến những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.)
5. Công việc của ba/mẹ hằng ngày giống nhau hay có nhiều khác biệt?
6. Mức lương trung bình của công việc này là bao nhiêu?
7. Đồng nghiệp của ba/mẹ là người như thế nào? Ba/mẹ có thích họ không?
8. Điều gì xảy ra gần đây trong công việc khiến ba/mẹ thấy phấn khởi? Ba/mẹ có thể nói đôi chút về điều đó không? (đưa ra những câu hỏi gợi ý để tìm hiểu một cách chi tiết hơn).
9. Ba/mẹ có thể kể vài điều khiến ba/mẹ khó chịu không? Chuyện gì đã xảy ra khiến ba/mẹ có cảm giác đó?
10. Tương lai sự nghiệp của ba/mẹ như thế nào? Có cơ hội tốt nào cho những người như con không?
11. Nếu muốn làm công việc của ba/mẹ, con cần chuẩn bị những gì từ bây giờ?
Tương tự, bạn hãy thử hỏi những câu hỏi trên với những người gần gũi với bạn. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình có khả năng phỏng vấn tốt hơn mình tưởng. Và quan trọng là bạn biết thêm được nhiều điều thú vị từ công việc của những người xung quanh, nhận ra rằng mọi người đều thích nói chuyện về bản thân với những ai thật sự quan tâm.
Sau khi có được sự tự tin từ việc nói chuyện với ba mẹ, anh chị, hoặc những người họ hàng, bạn hãy thử phỏng vấn những người lớn khác, nhất là những người đang làm công việc mà bạn yêu thích. Càng có nhiều thông tin, bạn càng có nhiều sự lựa chọn tốt hơn về sau.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH NGHIỆM
Kinh nghiệm là một trong những tài sản quan trọng nhất để bạn vươn đến thành công. Nếu biết lên kế hoạch cho những kinh nghiệm của mình, bạn sẽ sớm có được những tài sản và kiến thức mà không cần chi phí quá nhiều. Một người bạn của tôi từng nói: “Kinh nghiệm có thể không xứng đáng với cái giá phải trả cho nó, nhưng để có nó tôi không thể mất ít hơn”. Cho dù cái giá của nó thế nào đi nữa, kinh nghiệm cũng sẽ không bao giờ mất đi.
Kinh nghiệm thường đến một cách không có hệ thống thứ tự. Bạn gặp gỡ nhiều người, đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều con đường khác nhau, tất cả giúp bạn tiến bộ hơn. Nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể lên kế hoạch cho kinh nghiệm của mình, và sắp xếp chúng theo cách mà bạn sẽ học hỏi được nhiều nhất. Đừng để các sự việc hàng ngày xảy ra dưới cái nhìn hờ hững của bạn, hãy nhìn nó như một kinh nghiệm mà từ đó bạn có thể hiểu hơn về cuộc sống.
Chẳng hạn, khi lên kế hoạch cho sự nghiệp của bản thân, bạn nên tích lũy càng nhiều kinh nghiệm làm việc càng tốt, đặc biệt là khi bạn còn trẻ và không khó khăn lắm trong việc khám phá thế giới. Hãy thử sức ở nhiều lĩnh vực, làm việc cho nhiều tổ chức khác nhau, làm tình nguyện viên cho các tổ chức phi lợi nhuận. Càng chịu khó đi vào thực tế, bạn sẽ càng có nhiều thông tin tốt hơn cho việc đưa ra quyết định sau này.
Kinh nghiệm không chỉ giúp bạn có được chọn lựa tốt hơn trong tương lai, mà quan trọng hơn, chúng có thể dạy bạn những kỹ năng để mở rộng cơ hội của mình trong tương lai. Dưới đây là những nét sơ lược về bảy loại ngành nghề cơ bản. Điều này sẽ được mô tả cụ thể hơn ở chương sau.
Lãnh đạo. Những người nắm giữ cương vị này có sức ảnh hưởng rất lớn đến người khác, thuyết phục người khác theo quan điểm của mình. Ví dụ: quản lý bán hàng, chuyên viên quảng cáo, hay các chính trị gia.
Tổ chức. Đây là công việc có mặt ở hầu hết mọi tổ chức; những người nắm giữ vị trí này có trách nhiệm quản lý các hoạt động hằng ngày như: phân công lao động, thiết lập và duy trì nguồn ngân sách, cung cấp dữ liệu, cho phép kiểm định hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Giúp đỡ. Đây là những công việc mà ở đó người thực hiện phải có sự gần gũi, thân thiết với đối tượng và tất cả vì lợi ích của đối tượng. Ví dụ: hòa giải, hàn gắn đổ vỡ hạnh phúc gia đình, dạy học tình nguyện, hoặc dẫn dắt người khác tin vào đức tin của mình.
Sáng tạo. Đây là những nghề đòi hỏi phải có trí tưởng tượng phong phú và sản phẩm làm ra phải đạt một giá trị thẩm mỹ nào đó. Ví dụ: sáng tạo trong lĩnh vực văn chương, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, hoặc những công việc có liên quan đến thiết kế mỹ thuật, như thiết kế thời trang, thiết kế nội thất và thiết kế đồ gỗ.
Phân tích. Đây là lĩnh vực mang đậm tính khoa học, thường liên quan chặt chẽ đến toán học.
Sản xuất. Đây là những công việc chân tay, như là thủ công mỹ nghệ hay kỹ thuật, thường liên quan đến máy móc thiết bị.
Công việc mạo hiểm. Những công việc này đòi hỏi cơ thể có sự vận động rất nhiều, mang tính ganh đua và rủi ro cao. Ví dụ: vận động viên, quân đội, lính cứu hỏa, cảnh sát.
DÁNG VẺ BÊN NGOÀI
Dù muốn hay không thì diện mạo vẫn có phần nào đó ảnh hưởng đến sự nghiệp của chúng ta và chi phối cách cư xử giữa mọi người với nhau. Chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ tích cực và thiện cảm với những người có vẻ ngoài đẹp, quyến rũ. Do đó, những người này bao giờ cũng có nhiều cơ hội hơn những người không có được sự hấp dẫn bề ngoài.
Phải chăng diện mạo giữ vai trò quyết định đối với những thành – bại trong cuộc sống?
1. Sắc đẹp và lợi thế
Trước hết, có thể thấy rằng, những người có vẻ ngoài quyến rũ bao giờ cũng lợi thế hơn những người khác. Chẳng hạn, ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên họ đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng đối phương. Từ ấn tượng ban đầu, nhiều cơ hội sẽ mở ra như có thêm những mối quan hệ mới, hoặc được thử sức trong lĩnh vực mới – đặc biệt là lĩnh vực người mẫu thời trang.
Tuy nhiên, nếu không có được sự ưu đãi của tạo hóa, bạn vẫn có thể cải thiện diện mạo của mình. Quan trọng nhất là bạn phải biết tự chăm chút và phát huy tối đa thế mạnh của bản thân. Ví dụ, bạn có thể tự kiểm soát trọng lượng, giữ cho mình một cơ thể cân đối, khỏe mạnh. Điều này giúp bạn có cảm giác vui vẻ, năng động hơn. Hãy chú ý cách ăn mặc, tránh luộm thuộm nhếch nhác, nhưng cũng đừng bao giờ biến mình thành “tâm điểm chú ý” với đủ mọi màu sắc sặc sỡ.
Một lý do khác khiến bạn cần làm đẹp cho mình là vì vẻ đẹp đưa lại sự tự tin. Hãy chịu khó tìm tòi những cách làm đẹp khác nhau trên sách, báo, tạp chí và xem đâu là cách thích hợp nhất với mình. Đừng quên rằng, càng thể hiện bản thân tốt bao nhiêu, sẽ càng có nhiều điều tốt đẹp đến với bạn bấy nhiêu.
2. Khi sắc đẹp tàn phai
Trong cuộc sống, nhiều người nhờ vẻ đẹp thiên phú mà gây dựng được danh tiếng mang tầm cỡ quốc gia, thậm chí là quốc tế. Họ chỉ cần đứng tạo dáng, sau một vài kiểu hình cũng đủ có được nguồn thu nhập khá lớn. Mặc dù được tôn vinh và niềm tự hào của họ ngay lập tức được nâng lên khi hình ảnh mình xuất hiện trên bìa của hàng triệu tạp chí, nhưng kinh nghiệm mà họ nhận được không đáng bao nhiêu. Khi sắc đẹp phai tàn, như một lẽ hiển nhiên, nhiều người trong số đó không khỏi “chới với”. Nếu nhờ nhan sắc, họ từng có được những cơ hội tốt trong sự nghiệp và chút hãnh diện về bản thân, thì khi sắc đẹp ra đi, mọi thứ dường như cũng biến mất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít phụ nữ đẹp biết lên kế hoạch cho tương lai của mình. Họ dành thời gian phát triển những kỹ năng như là điện ảnh, thiết kế thời trang, kinh doanh, quản lý, hoặc trau dồi vốn ngoại ngữ nhằm tìm kiếm những cơ hội mới. Sự kết hợp giữa sắc đẹp và các kỹ năng trên khiến họ trở nên hoàn hảo hơn.
Tương tự, những người đàn ông đẹp mà lại có thêm tài năng thì chắc chắn tương lai phía trước sẽ rộng mở chào đón họ.
3. Vượt lên tất cả vẫn là vẻ đẹp tâm hồn
Nếu vẻ đẹp hình thể tạo nên ấn tượng ban đầu, thì về lâu dài vẻ đẹp nội tâm vẫn là yếu tố quan trọng nhất, nó quyết định cách mọi người đối xử với bạn. Cho dù trông bạn như thế nào hoặc ăn mặc ra sao, chỉ cần luôn tươi tắn, lạc quan và hết lòng với công việc thì bạn vẫn có thể trở nên đáng yêu và thu hút hơn dưới mắt mọi người. Ngược lại, nếu lúc nào cũng tỏ ra bất cần, cau có, thụ động, hay chỉ trích phê bình người khác, bạn sẽ làm mọi người dần xa lánh mình.
Thực tế chứng minh cho ta thấy điều đó. Không ít người đã nói về người yêu của mình như sau: “Anh ấy không to cao đẹp trai, nhưng rất vui tính và luôn sôi nổi. Bởi vậy, với tôi anh ấy thật cuốn hút”, hoặc “Cô ấy tuy không đẹp nhưng rất có duyên. Mỗi lời nói, cách ứng xử của cô ấy đều toát lên vẻ đằm thắm, dịu dàng và đầy bao dung”.
Thật vậy, vẻ đẹp tâm hồn sẽ làm cho vẻ bên ngoài của bạn thêm phần cuốn hút. Không những thế, nó còn là yếu tố chủ đạo tạo nên giá trị con người bạn, bù đắp cho vẻ bề ngoài nếu diện mạo của bạn không được ấn tượng lắm. Điều đặc biệt nữa là, không như vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp tâm hồn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của mỗi chúng ta, và ta có thể nâng cao không giới hạn vẻ đẹp này.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỨC KHỎE
Sức khỏe là tài sản quan trọng nhất; không có sức khỏe, những tài sản khác sẽ trở nên vô nghĩa. Cùng với sự phát triển của xã hội, các dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe cho con người ngày càng đạt được những tiến bộ vượt bậc. Thông tin về cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cũng được phổ cập sâu rộng đến người dân. Nếu biết quan tâm đến những thông tin này, chúng sẽ rất hữu ích cho bạn.
Những vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đang được đặt ra trong xã hội hiện đại đó là: bệnh béo phì, thiếu vận động, nghiện ngập và căng thẳng. Hy vọng với việc lập cho mình những kế hoạch hợp lý, bạn sẽ tránh được những căn bệnh mà khá nhiều người đã mắc phải này.
1. Béo phì
Đây là căn bệnh phổ biến ở các nước phát triển. Người quá trọng lượng sẽ gặp rất nhiều bất lợi. Không những tuổi thọ giảm, mà kết quả khảo sát thực tế còn cho thấy những người nặng cân khó tiến xa hơn về mọi mặt như những người bình thường khác. Hiệp hội nghiên cứu về lượng mỡ thừa của Mỹ kết luận rằng, những người nặng cân thu nhập kém hơn từ 10 đến 20 phần trăm so với những đồng nghiệp có thân hình thon thả. Ngoài ra, bỏ qua yếu tố hiệu quả công việc, họ còn ít có khả năng được đề bạt thăng tiến.
Làm thế nào để không bị béo phì? Hai cách quen thuộc, có vẻ rất đơn giản nhưng thực hiện thì không dễ tí nào, đó là ăn uống điều độ và năng tập thể dục.
Khi ăn một mình, chúng ta có xu hướng ăn ít hơn so với khi ăn cùng với nhiều người. Điều này một phần là vì số lượng calo ta tiêu thụ khi ăn uống, nói cười với người xung quanh sẽ nhiều hơn, thêm vào đó là ở những nơi nhộn nhịp như vậy ta sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.
Thói quen ăn uống sẽ theo bạn đến hết quãng đời còn lại, vì vậy hãy tập cho mình thói quen ăn uống điều độ. Dù ở lứa tuổi nào đi nữa thì chế độ ăn uống cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của bạn.
2. Thiếu vận động
Ngay cả khi ăn uống đều đặn và luôn giữ cân nặng của mình ở mức giới hạn, bạn vẫn có thể ngày một yếu đi nếu không vận động. Trừ khi bạn sớm có thói quen vận động tiêu hao năng lượng và duy trì những thói quen tốt này cho đến lúc trưởng thành, nếu không bạn sẽ có khả năng sa vào tình trạng ù lì, thụ động như xem ti–vi quá nhiều và ít tiết ra mồ hôi.
Hãy học cách vận động mỗi ngày, như đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp, chơi cầu lông, bóng bàn… Ngoài ra, những môn thể dục mềm dẻo, nhịp nhàng cũng rất tốt cho sức khỏe. Nên chọn môn thể thao nào bạn có thể gắn bó với nó lâu dài, ví dụ như đi bộ.
Có rất nhiều bài tập thể dục khác nhau, bạn có thể tham khảo trên các phương tiện truyền thông, hoặc tham gia vào các câu lạc bộ thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ… Dù bằng cách nào đi nữa thì tựu trung vẫn là: bạn cần di chuyển nhiều hơn. Vận động thường xuyên sẽ giúp bạn có một cơ thể năng động, khỏe khoắn.
Nếu bữa tối và những ngày nghỉ cuối tuần của bạn trôi qua êm đềm bên chiếc ghế sofa cùng với cái ti-vi, hay bên bàn làm việc với một đống giấy tờ, sách vở thì chẳng bao lâu cơ thể bạn sẽ yếu đi. Nếu lúc nào bạn cũng sử dụng thang máy dù chỉ cần lên lầu một, trong khi cầu thang bộ ngay bên cạnh; nếu chưa bao giờ bạn tham gia vào những môn thể thao như aerobic, khiêu vũ, làm vườn, hay đi bộ mỗi tuần… thì trước sau gì bạn cũng sẽ nhận ra rằng mình đang tự đánh mất thứ tài sản quý giá mà lẽ ra mình được nắm giữ – đó là sức khỏe. Cơ thể bạn sẽ sớm bị lão hóa, không còn dẻo dai, hơi thở ngắn đi, tim yếu dần, và chất lượng cuộc sống sẽ bị giảm đáng kể. Thói quen vận động cũng là thói quen theo bạn đến suốt cuộc đời. Một đứa trẻ bụ bẫm, lười nhác, không quan tâm đến vận động, có khả năng sẽ trở thành một người trưởng thành to béo trong tương lai, và sau đó là một công dân ục ịch, chậm chạp và yếu đuối.
Mỗi ngày bạn đều có cơ hội để vận động, vì vậy hãy tận dụng những cơ hội ấy trước khi mọi thứ trở nên quá trễ. Chẳng hạn, thay vì đi thang máy bạn nên dành thời gian để đi thang bộ, thay vì ngồi nguyên một chỗ làm việc, bạn có thể đứng lên đi lại, thư giãn vài phút sau đó quay lại tiếp tục công việc của mình. Cùng với thời gian, bạn sẽ thấy dáng vẻ và sức khỏe của mình được cải thiện rõ rệt.
Trong việc này, bạn bè đóng một vai trò hết sức quan trọng. Hãy chọn cho mình những người bạn năng động. Nếu bạn của bạn quan tâm đến sức khỏe và sự nhanh nhẹn, bạn cũng sẽ như vậy. Nếu họ năng động, bạn cũng dần trở nên năng động. Nếu họ chơi bóng rổ, bóng chuyền, hay đạp xe đạp, có nhiều khả năng bạn cũng sẽ làm như họ. Tương tự, nếu kết giao với những người lười vận động, bạn cũng có thể trở nên lười nhác như họ. Nếu thân thiết với những người mập mạp, ham ăn uống, nhậu nhẹt, có thể bạn cũng phát phì giống họ. Những người thừa cân thường ăn và uống nhiều, và bạn cũng sẽ như thế. Nếu muốn xem vòng eo của mình, bạn hãy nhìn vòng eo của bạn bè.
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến thói quen không tốt trong ăn uống là chúng ta thường tự đánh lừa bản thân “chỉ một chút sẽ không sao, chẳng hề gì”. Nhưng chính cái “một chút” ấy sẽ dần trở thành một gánh nặng cho cuộc đời bạn.
3. Nghiện ngập
Bất chấp nguy cơ dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, hay bệnh khí thũng, nhiều người vẫn không từ bỏ được thuốc lá. Hầu hết những người này đều bắt đầu hút thuốc từ lúc còn trẻ và tin rằng cơ thể họ rất cường tráng. Sau này, khi biết rằng thuốc lá đang phá hủy cơ thể mình một cách trầm trọng, thì đã quá muộn. Phá bỏ một thói quen không phải chuyện đơn giản.
Không chỉ có hại cho sức khỏe, hút thuốc còn là phung phí tiền bạc. Khi thuế suất trên mỗi gói thuốc ngày một tăng thì hút thuốc trở thành một thói quen xa xỉ. Hãy thử tính xem bạn sẽ tiết kiệm được thêm bao nhiêu nếu không hút thuốc. Ngoài ra, thuốc lá còn có rất nhiều tác hại khác, như làm da bạn nhăn nheo do lão hóa sớm. Nhìn bạn sẽ già hơn nhiều so với những người cùng trang lứa biết chăm lo cho sức khỏe.
Bên cạnh thuốc lá, rượu bia cũng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của bạn. Lúc còn trẻ, bạn dễ tự nhủ rằng uống một ly rồi thôi chẳng hề hấn gì, nhưng hàng triệu người đã bắt đầu từ “một ly” ấy và trở thành bợm rượu. Rượu chè quá nhiều không chỉ làm hại cơ thể, mà còn dẫn đến những hành vi nguy hiểm, phạm pháp như lái xe với nồng độ cồn vượt quá mức cho phép dẫn đến tai nạn, hoặc gây gổ với những người xung quanh. Hiểu được tác hại của rượu bia và thận trọng với nó, bạn sẽ tránh được những rắc rối. Nếu bạn bè của bạn cũng nhận thức được điều này, họ sẽ biết kiềm chế bản thân hơn. Do đó bạn cũng cần chú ý đến những mối quan hệ xã giao của mình.
Ngoài ra còn nhiều loại nghiện ngập khác hủy hoại cơ thể con người kinh khủng hơn như: cần sa, cocaine, heroin, thuốc an thần, thuốc ngủ gây tê. Sau những khoảnh khắc khoái lạc, chúng sẽ khiến người ta đánh mất dần nhân tính và giá trị của bản thân.
Sức khỏe và quá trình lão hóa
Một chuyên viên nghiên cứu về nội tiết tố khi bàn về ảnh hưởng của tuổi tác lên hiệu quả hoạt động của cơ thể đã chỉ ra một điều rất thú vị, ông cho rằng:
Theo thuyết tiến hóa, mục tiêu cuối cùng của con người là sinh sản - duy trì nòi giống. Người ta cần đủ lớn (khoảng mười bảy, mười tám tuổi) mới có thể thực hiện tốt chức năng này. Tiếp đó, chúng ta phải sống thêm mười bảy hay mười tám năm nữa để chăm lo, bảo vệ con cái của mình để chúng tiếp tục sinh sản. Do đó, sau bốn mươi tuổi, chức năng sinh sản, duy trì nòi giống của con người giảm sút nghiêm trọng và quá trình lão hóa sẽ diễn ra nhanh hơn trước. Người ta bắt đầu cần đến cặp kính lão, hơi thở yếu hơn, khả năng chịu đựng giảm, những vết thương nhỏ như vết đứt, vết bầm lâu lành và nỗi phiền muộn dường như cũng nhiều hơn. Các chức năng khác trong cơ thể hoạt động kém dần.
Điều này có nghĩa là nếu bạn răn đe những đứa trẻ rằng “hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều, không vận động, ngủ không đủ giấc sẽ hủy hoại cơ thể” thì có thể chúng sẽ không tin. Chúng nghĩ là bạn đang lừa chúng vì dù chúng có làm tất cả những điều ấy đi nữa thì tại thời điểm này cơ thể của chúng vẫn không cảm thấy có gì là bất ổn. Vấn đề chỉ bộc lộ rõ ràng khi đến tuổi bốn mươi. Và khi đó, có thể là đã quá muộn. Điều này giải thích tại sao việc sớm có những thói quen tốt cho sức khỏe là rất quan trọng.
Bạn mong muốn cuộc sống sắp tới của mình sẽ như thế nào? Một cơ thể cân đối hay mập phệ?
Mối quan hệ giữa sức khỏe và chất lượng cuộc sống được thể hiện ở sơ đồ dưới đây. Qua sơ đồ này, bạn có thể thấy được phần nào tương lai của chính mình.
Trục hoành là tuổi của bạn, trục tung cho thấy những biểu hiện của cơ thể. Có ba mức độ biểu hiện: sống lạc quan, sống bình thường, sống yếu đuối. Đường bên trên cho thấy biểu hiện của một người năng động, chịu khó vận động (ít nhất ba lần một tuần); đường bên dưới minh họa cho biểu hiện của những người quá cân, có xu hướng không chịu vận động.
Bạn hãy chú ý hai vòng tròn trên biểu đồ đánh dấu giao điểm của “độ tuổi” và đường “biểu hiện”. Bạn có thể thấy rõ ý nghĩa của nó: những người vận động thường xuyên sẽ giữ được cuộc sống lạc quan đến độ tuổi trung bình là bảy mười lăm, còn những người mập phệ, lười vận động chỉ có thể giữ được sự lạc quan cho đến độ tuổi từ ba mươi lăm đến bốn mươi. Bạn muốn trở thành người thế nào: trẻ tuổi nhưng ù lỳ chậm chạp hay cao tuổi mà vẫn giữ được phong độ, khỏe khoắn, minh mẫn? Lựa chọn nằm trong tay bạn! Hay nói cách khác, lựa chọn nằm trong tay những ai biết rèn luyện và có khả năng “kiềm chế ham muốn”.
“TÀI SẢN” CỦA BẠN: BÀI TOÁN CỘNG DỒN
Trên đây là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự lựa chọn trong tương lai của bạn. Hiếm ai có được tất cả những “tài sản” này, và cũng chẳng có ai lại bất hạnh đến nỗi không có một chút gì trong số đó. Hầu như chúng ta đều ở vào khoảng giữa. Nếu biết lên kế hoạch và nỗ lực hơn nữa, chúng ta có thể phát huy những “tài sản” mình có được, từ đó mở rộng lựa chọn trong tương lai.
Càng có nhiều “tài sản” bổ trợ – các kỹ năng, trí thông minh lý tính, thông minh cảm xúc, động lực, học tập, sự động viên khuyến khích từ gia đình, bạn bè, rồi kinh nghiệm, trên một nền tảng sức khỏe vững chắc – bạn càng có nhiều cơ hội hơn trên bước đường mình đi. Khi hiểu biết về bản thân và thế giới xung quanh một cách sâu sắc, bạn sẽ có được những quyết định đúng đắn hơn.
Ngược lại: càng ít tài sản, càng ít lựa chọn cho tương lai. Khám phá những nguồn lực mà mình có được và biết cách phát huy chúng, bạn sẽ thấy những con đường tốt đẹp luôn mở ra trước mắt.