Xuyên suốt cuốn sách này, ta đã tìm hiểu nhiều cách khác nhau để nhận diện và giải phóng các bám chấp và hệ tư tưởng cũ trói buộc bản thân. Ta biết rằng những phương thức này có thể giúp ta tắt đi tiếng nói tiêu cực trong tâm trí đang khiến ta đau khổ, và thay thế tiếng nói đó bằng tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện với bản thân. Khi ta tương tác với người khác bằng năng lượng yêu thương vô điều kiện, ta có thể nhìn nhận họ bằng sự cảm thông và thấu hiểu, đồng thời tôn trọng sự lựa chọn của họ cho dù những lựa chọn đó hoàn toàn khác với ta. Nhờ sức mạnh của lòng tha thứ mà ta có thể vượt qua sự tổn thương do người khác gây ra và biết rằng họ chỉ đang làm hết khả năng của bản thân dựa trên nhận thức của họ vào khoảnh khắc đó. Khi làm được những điều này, ta đang góp phần xây dựng nên sự hòa hợp giữa mọi người với nhau trong cuộc sống.
Ngoài ra, ta cũng hiểu về sức mạnh của những chiếc mặt nạ, nghệ thuật biến hóa linh hoạt, và cách thức thay đổi hình ảnh của ta trong mắt người khác vì muốn tốt cho họ mà không đi ngược lại sự thật bên trong mình. Ta có thể đặt ra các mục tiêu phù hợp với những gì mình thực sự muốn và biết yêu thương bản thân vô điều kiện trong suốt quá trình nỗ lực đạt được các mục tiêu đó. Cuối cùng, ta biết rằng bản thân ta đã hoàn hảo và trọn vẹn, và ta sẽ luôn nhận được chính xác những gì cần thiết cho ta trong cuộc sống. Bên cạnh việc cảm thấy biết ơn và trân trọng các bài học từ người khác, giờ đây ta đã có đủ tự tin để vững bước trên con đường của riêng mình, bởi vì ta biết rằng mọi điều ta cần đều đã nằm sẵn bên trong ta.
Chính vì nhận thức được rằng các bám chấp và hệ tư tưởng cũ đã gây ra đau khổ cho bản thân và người khác, cho nên ta không còn cố gắng kiểm soát những người xung quanh bằng các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, tội lỗi hay buồn bã, và cũng không bắt buộc họ phải tin hay làm theo suy nghĩ của ta. Ta biết tôn trọng khả năng đưa ra quyết định của người khác, điều này có nghĩa là ta không còn phóng chiếu lên họ hình ảnh chiếc mặt nạ mà ta nghĩ là họ cần phải đeo. Bởi vì ta đã chấp nhận mọi khía cạnh của con người ta ngay lúc này, giờ đây ta cũng có thể hoàn toàn chấp nhận mọi khía cạnh của người khác. Cuộc đời này là một giấc mộng do chúng ta cùng nhau thêu dệt nên. Chúng ta đang học hỏi mọi thứ từ nhau và tôn trọng góc nhìn riêng của nhau. Chẳng có ai quan trọng hơn ai cả. Sự tương tác và kết nối dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau sẽ tạo nên một thế giới tuyệt vời nhất có thể cho chúng ta.
Trong một vài khoảnh khắc hiếm hoi mà ta có bị trượt chân và rơi vào cạm bẫy, với tư cách là người thấu hiểu và làm chủ bản thân mình, ta có thể nhanh chóng kiểm soát nhận thức của mình và quay về trạng thái cân bằng. Thay vì làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng hành động hung hăng, tâm lý phòng vệ hay tham gia vào các rắc rối thị phi của cuộc đời, giờ đây ta đã có các công cụ hỗ trợ ta giành lại quyền làm chủ của mình. Nhờ có sức mạnh của sự nhận thức được nuôi dưỡng bằng tình yêu vô điều kiện với bản thân mà ta biết rằng ta đang làm hết sức có thể trong từng khoảnh khắc hiện tại. Ta không còn phải cố tìm cách thay đổi thế giới xung quanh ta sao cho phù hợp với quan điểm riêng của ta. Ta biết ta là ai, do đó ta có thể tự tin đưa ra bất kỳ lời nói hay hành động nào mà không phải cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi vì bất kỳ điều gì. Chính vì ta biết cách tương tác và kết nối với người khác dựa trên nhận thức rõ ràng và năng lượng yêu thương vô điều kiện, cho nên ta tự tin rằng mỗi lời nói và hành động ta đưa ra đều hoàn hảo và trọn vẹn trong từng khoảnh khắc hiện tại. Khi làm được tất cả những điều này, ta sẽ trở thành người thấu hiểu và biết làm chủ bản thân.
Sự tha thứ trong cuộc sống
Khi chúng ta nghĩ về một hành động tha thứ nào đó, hầu hết nó luôn liên quan đến những người ta quen biết hoặc những người có tác động trực tiếp đến chúng ta. Tuy nhiên, có một loại tha thứ khác mà chúng ta thường bỏ qua, đó là tha thứ cho sự đau khổ đang diễn ra trong cuộc sống.
Để hiểu rõ hơn về loại đau khổ này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về hai thành phần cấu tạo nên thế giới mà chúng ta đang sống. Một là thế giới vật chất, gồm có đại dương, lục địa, gió và khí hậu luân chuyển quanh năm, nơi sự thay đổi liên tục diễn ra theo quy luật vận hành của năng lượng tự nhiên. Chúng ta gọi đây là các hiện tượng tự nhiên, là thế giới mà chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận được bằng các giác quan của mình. Hai là thế giới tinh thần được tạo ra từ năng lượng đồng thuận giữa con người với nhau, sự đồng thuận này hay còn gọi là các thỏa ước mà chúng ta đặt ra để mang lại ý nghĩa cho thế giới vật chất. Đây là thế giới được tạo ra bởi tâm trí chúng ta dựa trên quan điểm và nhận thức của mình. Thế giới tinh thần này không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà ta chỉ có thể quan sát được các biểu hiện khác nhau của các thỏa ước đang diễn ra trong thế giới vật chất. Trong khi thế giới vật chất dường như tự vận hành theo quy luật của riêng nó thì thế giới tinh thần cần đến sự tham gia và tương tác của con người. Hãy nhìn vào hai sự kiện quan trọng sau đây để có thể thấy rõ sự khác biệt giữa hai thế giới này.
Sự kiện thứ nhất xảy ra vào 26/12/2004, khi một trận sóng thần ở Ấn Độ Dương đã làm hàng ngàn người thiệt mạng trong tích tắc. Đó là một bi kịch khủng khiếp cho loài người, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng điều này xảy ra là do sự chuyển động tự nhiên của Trái đất mà không hề có sự tác động của con người. Mặc dù kết cục thật đau lòng nhưng chúng ta không thể “đổ lỗi” cho ai và bắt ai phải chịu trách nhiệm cho một sự kiện như thế này.
Hãy so sánh sự kiện đầu tiên với sự kiện 11/9/2001 tại Mỹ. Đây cũng là một bi kịch thảm khốc khiến nhiều người thiệt mạng nhưng nguyên nhân của sự kiện này lại hoàn toàn khác. Sự kiện này xảy ra là do sự đồng thuận của một nhóm người. Nhiều người đã thiệt mạng bởi vì một nhóm người nào đó cho rằng họ cần phải sử dụng bạo lực để cải tạo thế giới theo giá trị quan của họ. Trong trường hợp này, những kẻ gây ra tội ác sẽ bị “đổ lỗi” và chịu trách nhiệm cho bi kịch đã xảy ra.
Việc cảm thấy buồn bã và tức giận trước những sự kiện như thế này là điều có thể hiểu được, thậm chí tâm trạng cá nhân của vài độc giả ở đây có thể bị ảnh hưởng khi vừa đọc qua hai ví dụ này. Nhưng nếu ta để mặc bản thân đắm chìm trong nỗi buồn đó thì nó sẽ che mất nhận thức của ta và từ đó cảm giác đau khổ chán nản, suy nhược tinh thần, và khao khát muốn trả thù (ở ví dụ thứ hai) có thể xuất hiện. Việc chìm đắm trong nỗi buồn có thể khiến chúng ta nảy sinh ra thái độ tiêu cực đối với thế giới và có lời nói hay suy nghĩ như “cải thiện thế giới thì có ích gì”, hay “thế giới này thật tồi tệ”.
Nếu ta lạc vào con đường này thì tức là làn khói đang len lỏi trở lại xung quanh ta, bởi vì ta đang sống trong sự tưởng tượng của mình cùng với cảm giác sợ hãi và tuyệt vọng. Lúc này, cuộc đời ta đã trở thành một cơn ác mộng. Ta đang quy hết mọi điều tồi tệ trên thế giới về mình và để chúng định hình suy nghĩ và con người ta. Ta đã quên mất rằng trong các thảm kịch đó có rất nhiều người đã đứng lên bảo vệ các nạn nhân và người sống sót. Các cộng đồng đã kết nối với nhau để hỗ trợ nhau trong quá trình chữa lành.
Hoàn toàn bình thường khi cả hai sự kiện đều khiến chúng ta cảm thấy đau buồn. Nhưng đến một thời điểm nào đó, chúng ta cần phải vượt qua nỗi đau mất mát và lựa chọn tha thứ cho những điều đau khổ đã xảy ra trên thế giới. Ta làm như thế bởi vì việc giữ mãi các cảm xúc tiêu cực sẽ ngăn cản ta tiếp tục tiến về phía trước. Vượt qua nỗi đau và lựa chọn tha thứ không có nghĩa là ta quên đi các sự kiện đã xảy ra, mà là ta không muốn bị che mờ nhận thức và mắc kẹt trong làn khói, từ đó ta không thể nhìn thấy được vẻ đẹp xung quanh và không thể đồng sáng tạo nên thế giới mà ta muốn sống.
Hơn nữa, người thấu hiểu và làm chủ bản thân hiểu rằng những kẻ đã thực hiện các hành vi bạo lực (bao gồm các thành viên băng đảng, kẻ khủng bố, kẻ bạo hành, kẻ thao túng,...) thực ra là những người bị các bám chấp và hệ tư tưởng trói buộc một cách mạnh mẽ nhất. Họ đã không còn khả năng nhìn thấy sự thấu hiểu và lòng tử tế ở người khác. Họ đang say mèm trong bữa tiệc cũng như vô cùng mù quáng với hệ thống niềm tin của riêng họ. Tâm trí của họ hoàn toàn bị kiểm soát bởi suy nghĩ rằng những người xung quanh họ đều là những con người vô nhân tính.
Có một điều ta cần phải xác định rõ ràng là tha thứ không đồng nghĩa với thờ ơ. Tha thứ ở đây có nghĩa là để tạo nên một thế giới hài hòa thì ta chỉ chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình. Ta lựa chọn buông bỏ sự giận dữ và tổn thương bên trong để có được bình yên trong cuộc sống, và từ đó ta thực sự trở nên có ích cho thế giới này. Khi mỗi người đều làm như vậy thì một ngày nào đó, các thảm kịch bắt nguồn từ thói bạo lực của con người chỉ có thể được biết đến trong các cuốn sách về lịch sử mà thôi.
Đối với một người thấu hiểu và làm chủ bản thân thì sự bình yên đi liền với tha thứ, thông qua việc buông bỏ mọi cảm xúc tiêu cực bên trong mình. Các cảm xúc tiêu cực không khác gì chất độc, nếu ta để chất độc ngấm vào bên trong thì ta sẽ trở thành một phần của vòng lặp mang đến nỗi đau cho thế giới. Tha thứ cho phần bóng tối của thế giới chính là tha thứ cho bất kỳ phần bóng tối nào đang tồn tại trong ta.
Thậm chí khi người khác lựa chọn biến thế giới này thành một cơn ác mộng, thì ta cũng biết cách chấm dứt cơn ác mộng đó ngay trong bản thân mình như thế nào. Mỗi khi ta lựa chọn tha thứ là ta đang chữa lành vết thương bị nhiễm trùng – vết thương đã khiến ta thu mình lại trong nỗi sợ hãi và che giấu bản thân đằng sau vỏ bọc của cơn tức giận. Khi ta lựa chọn hành động dựa trên tình yêu thay vì nỗi sợ, ta sẽ luôn tạo ra năng lượng hài hòa trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, bất kể xung quanh đang xảy ra điều gì đi chăng nữa. Tha thứ là hành động xuất phát từ tình yêu, vì thế trong những thời điểm toàn thế giới đang cùng trải qua những khó khăn chung, tôi sẽ tự nhủ với chính mình rằng:
Mình lựa chọn tha thứ, lựa chọn kết nối, lựa chọn hành động, lựa chọn sử dụng tiếng nói bên trong mình để mang đến sự chữa lành và lựa chọn bày tỏ ý định của mình dựa trên tình yêu vô điều kiện.
Mình là người đồng sáng tạo nên thế giới này, và mình lựa chọn chấm dứt vòng lặp của tình yêu có điều kiện.
Khi nói ra những lời này, ta đang khởi phát năng lượng bình yên ngay từ bên trong. Đây chính là hành động của người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân, và cũng là lời chúc tôi dành cho các bạn độc giả.