Trước khi đến với bài học cuối cùng, chúng ta hãy quay lại ví dụ liên quan tới môn thể thao bóng đá được đề cập đến ở chương trước. Nhưng lần này, thay vì hình dung bản thân là một người hâm mộ bóng đá với nhiều mức độ bám chấp khác nhau về kết quả của trận đấu, hãy tưởng tượng rằng ta là một trong những cầu thủ trên sân cỏ.
Khi làm cầu thủ bóng đá, mục tiêu của ta là giành chiến thắng trong trận đấu, và lựa chọn ta cần đưa ra là điều gì sẽ trở thành động lực thúc đẩy ta đạt được mục tiêu đó. Nếu ta bị thôi thúc bởi tiếng nói ký sinh bên trong, ta sẽ rơi vào tình trạng tự hạ thấp và phê phán bản thân. Ở trạng thái tinh thần này, ta chỉ yêu thương và chấp nhận bản thân khi ta giành được chiến thắng. Còn nếu ta áp dụng các bước được đề cập đến ở chương vừa rồi, ta sẽ biết yêu thương bản thân vô điều kiện và tận hưởng niềm vui thuần túy của việc chơi bóng, bất kể kết quả thắng hay thua.
Nhưng có một sự khác biệt giữa việc thiết lập mục tiêu chỉ liên quan đến bản thân (như chạy bộ 8km) với mục tiêu có liên quan đến nhiều người khác (như chiến thắng một trận bóng đá). Ở trường hợp sau, ta sẽ gặp phải đối thủ ngăn cản ta đạt được mục tiêu của mình. Vì đây là một cuộc thi đấu cạnh tranh nên câu hỏi đặt ra cho ta lúc này là: Ta sẽ nhìn nhận đối thủ của mình như thế nào trong suốt trận đấu? Ta sẽ yêu thương đối thủ của mình vô điều kiện hay sao? Ta có thể xem đối thủ là sự hiện thân khác của Thượng Đế giống như ta hay không? Hay ta sẽ biến họ thành kẻ xấu và xem họ như kẻ thù mà ta phải đánh bại bằng bất kỳ giá nào? Ta sẽ đối xử với họ như thế nào nếu ta thua cuộc trong trận đấu?
Đây là những câu hỏi thật sự quan trọng bởi vì trong xã hội của chúng ta, cuộc sống thường được ví như một cuộc chạy đua. Xung quanh chúng ta, phim ảnh, tivi, sách báo và đặc biệt là tất cả các hình thức quảng cáo đều truyền tải rất nhiều lần thông điệp rằng mọi điều mà ta mong muốn trong cuộc sống – từ tình yêu, tình bạn, hạnh phúc, công việc hay sự nghiệp, sắc đẹp, cho đến tiền tài và của cải vật chất – đều được tạo ra từ “nguồn lực có giới hạn”, và bởi vì sự giới hạn đó nên tốt hơn hết là ta phải làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình để giành được điều mình muốn trước khi bị ai đó giành lấy. Suy nghĩ này, thuật ngữ kinh tế gọi là “tư duy khan hiếm” (scarcity), đã tạo nên một bầu không khí đầy tính cạnh tranh và so sánh giữa ta và người khác.
Tư duy khan hiếm và tâm lý cạnh tranh hình thành ngay sau đó đã trở nên quá phổ biến, đến mức ta khó có thể phát hiện ra chúng. Chẳng hạn, khi lần đầu tiên gặp một ai đó, hãy để ý xem liệu ta có bắt đầu so sánh bản thân với người đó dựa trên những điều mà cá nhân ta tự xem trọng hay không. Ta có đánh giá và so sánh ngoại hình của người khác với ta hay không? Ta có ước tính và so sánh mức độ giàu có, trình độ học vấn hay địa vị xã hội của họ với ta hay không? Hoặc có lẽ ta tự hỏi liệu họ có thức tỉnh tâm linh nhiều hơn ta hay không? Các phương thức so sánh có thể khác nhau, tùy thuộc vào điều gì quan trọng đối với ta, nhưng hành động so sánh hầu như luôn dẫn đến sự cạnh tranh, cho dù sự cạnh tranh đó chỉ diễn ra trong đầu ta. “Cho bằng bạn bằng bè” chính là câu nói quen thuộc minh họa cho tâm lý hay so sánh và cạnh tranh với người khác. Đây là một thói quen cần sự tự nhận thức và nỗ lực của bản thân để có thể phá vỡ.
Có một điều đáng chú ý là trong tiếng Anh, bốn chữ cái đầu của từ “khan hiếm” (scarcity) cũng là bốn chữ cái đầu của từ “sợ hãi” (scare), bởi vì chính tư duy khan hiếm đã châm ngòi nỗi sợ hãi bên trong mỗi người. Con người sợ rằng không có đủ tài nguyên cho tất cả mọi người, cho nên họ xem nhau là đối thủ cạnh tranh để giành lấy tài nguyên hữu hạn cho mình. Như ta đã biết từ các chương trước, bất kỳ hành động nào nảy sinh từ nỗi sợ thay vì xuất phát từ tình yêu vô điều kiện thì cuối cùng đều dẫn tới đau khổ, bằng cách này hay cách khác. Khi ta chấp nhận sự tồn tại của khái niệm khan hiếm mà không đặt nghi vấn về nó, kết quả là ta hoàn toàn tin rằng người khác có thể sẽ đoạt lấy điều mà ta đang cần đến. Đây là một tâm thế khiến ta rất khó kết nối với người khác, bởi vì ta đã biến họ thành đối thủ thay vì bạn bè.
Người Toltec biết rằng tư tưởng về sự khan hiếm được truyền bá rộng rãi trên thế giới không phải là sự thật. Từ khi còn nhỏ, ta đã vô thức tiếp nhận niềm tin sai lầm về sự khan hiếm này. Nhưng sự thật là khi ta cần bất kỳ điều gì thì sẽ luôn có đủ điều đó dành cho ta. Nếu ta tin rằng sự khan hiếm tồn tại thì ta sẽ cảm thấy sợ hãi và xem những người xung quanh mình là đối thủ cạnh tranh, từ đó ta bị lạc lối vào làn khói một lần nữa.
Có một điều cần lưu ý ở đây là tôi không nói rằng khi ta muốn điều gì thì sẽ luôn có đủ điều đó dành cho ta ngay lập tức, mà ở đây tôi sử dụng chữ cần. Đây là một sự khác biệt lớn. Ta có thể yêu thích và mong muốn rất nhiều thứ nhưng chúng lại không xuất hiện vào đúng lúc ta muốn. Tuy nhiên, người làm chủ bản thân luôn biết rằng cuộc đời sẽ luôn luôn mang đến cho ta chính xác những gì ta cần ngay thời điểm đó. Đây không phải là một giả thuyết mà là một sự thật có thể chứng minh được.
Hãy dành một chút thời gian suy nghĩ về quá khứ và xác định một vài trường hợp quan trọng mà ta đã không đạt được điều mình muốn. Ví dụ như, ta muốn được thăng chức hoặc tìm được một công việc mới tốt hơn nhưng không đạt được. Ta muốn bắt đầu mối quan hệ yêu đương với người ta thầm cảm mến nhưng họ lại từ chối. Trong các tình huống đó, chuyện gì đã thực sự xảy ra với ta?
Chẳng hạn như, tôi có một người bạn đã tự mình chứng thực sự thật này thông qua một trải nghiệm cá nhân sâu sắc cách đây vài năm. Anh bạn tôi và vợ của anh ở bên nhau được gần mười năm thì cô ấy đột nhiên nói rằng cô không còn yêu anh nữa, cho nên cô quyết định ly hôn. Anh bạn tôi vô cùng đau khổ. Anh ấy đã van xin, nài nỉ và làm mọi thứ có thể để thuyết phục cô ấy ở lại, nhưng đều thất bại. Khi cô ấy rời đi, anh liền rơi vào trầm cảm và tin rằng cuộc ly hôn này là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc đời anh.
Nhưng sau đó anh bạn tôi bắt đầu nhìn nhận lại bản thân. Anh ấy nhìn sâu vào nội tâm của mình và giải phóng bản thân khỏi tư tưởng rằng anh luôn biết chắc chắn mọi thứ về cuộc đời này. Dần dần, anh ấy đã mở lòng chấp nhận suy nghĩ rằng cuộc ly hôn này mặc dù không phải là điều anh muốn nhưng lại là điều anh thực sự cần. Sau khoảng một năm quay vào bên trong để nhìn nhận lại chính mình, anh đã có thể buông bỏ quá khứ, chữa lành những tổn thương, thậm chí cả những tổn thương đã tồn tại từ trước khi xảy ra vụ ly hôn, và bắt đầu hẹn hò lần nữa. Không lâu sau đó, anh gặp được tình yêu của đời mình. Họ sớm kết hôn và giờ đây đã có ba đứa con xinh xắn. Điều đặc biệt đáng chú ý trong câu chuyện này đó là người vợ đầu tiên của anh bạn tôi không muốn có con, trái ngược hoàn toàn với mong muốn của anh nhưng anh đã sẵn sàng từ bỏ mong muốn của mình để có thể ở bên vợ. Mãi về sau anh bạn của tôi mới nhận thức được điều này và cảm thấy vô cùng biết ơn người vợ đầu tiên vì đã rời bỏ anh, nếu không anh ấy sẽ không thể có được những đứa con tuyệt vời và cuộc sống viên mãn với người vợ hiện tại.
Từ trải nghiệm của anh bạn tôi, chúng ta có thể thấy rằng đôi khi ta cần có một khoảng thời gian nhất định tách mình ra khỏi sự kiện đã diễn ra trong quá khứ để có thể nhìn thấu được chân lý đằng sau những gì ta đã trải qua. Nếu xem xét lại thật kỹ các tình huống trong quá khứ khi ta không có được điều mình muốn, ta sẽ phát hiện rằng ta đã nhận được chính xác điều mình cần. Thậm chí nếu kết quả cuối cùng không quá rõ ràng giống như ví dụ về anh bạn tôi, thì một người thấu hiểu và làm chủ bản thân sẽ có tâm trí cởi mở để đón nhận nguyên lý này.
Khi ta sống với tâm thế tin tưởng vào cuộc đời thay vì sống dựa trên nỗi sợ, kết quả là ta ngừng cưỡng ép hay kiểm soát người khác và tình huống đang diễn ra xung quanh ta, thay vào đó ta biết cách đón nhận mọi thứ xảy đến với mình trong cuộc sống. Điều này không có nghĩa là ta không tìm cách thay đổi những điều nằm trong khả năng của mình, mà ta trở nên thành thạo hơn trong việc xác định tình huống nào nằm ngoài tầm kiểm soát. Và trong những tình huống như thế, ta cần giữ vững niềm tin vào cuộc sống và sẵn sàng đón nhận mọi điều xảy đến với mình trong hiện tại, bởi vì ta biết rằng ta sẽ nhận được chính xác những gì mình cần. Chính vì ta không còn tin vào sự khan hiếm nữa, cho nên ta biết rằng sự cạnh tranh và các đối thủ chỉ tồn tại trong các trò chơi mà thôi, chứ không tồn tại trong cuộc sống hằng ngày. Ta không còn so sánh bản thân với người khác cũng như không xem họ là đối thủ cạnh tranh. Ta chỉ đơn giản là làm hết sức có thể và người khác sẽ nhìn thấy được niềm đam mê của ta trong suốt quá trình ta nỗ lực hết mình. Thành công sẽ đến một cách tự nhiên khi ta thực sự theo đuổi điều mình yêu thích.
Bên cạnh tư duy khan hiếm còn có một tư tưởng khác có mối liên hệ mật thiết với tư duy này mà ta đã thảo luận ở các chương trước. Đó là niềm tin: bằng cách nào đó con người ta sinh ra đã đầy thiếu sót, khiếm khuyết, không xứng đáng hoặc nhẹ nhất là “chưa đủ” tốt đẹp. Tôi nhắc lại chủ đề này bởi vì tư duy khan hiếm và niềm tin rằng mình “chưa đủ” tốt đẹp thường bắt tay với nhau để đẩy ta lạc vào làn khói che mờ nhận thức của mình: Nếu ta là một người đầy thiếu sót, khiếm khuyết hoặc không hoàn hảo thì chắc chắn những điều ta cần sẽ không bao giờ đến tay ta bởi vì chẳng bao giờ có đủ những điều đó dành cho ta. Sự kết hợp của hai niềm tin sai lầm này tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tình yêu có điều kiện dựa trên sự cạnh tranh và so sánh, dẫn đến kết quả là ta sợ rằng mình sẽ chẳng bao giờ trở nên đủ tốt đẹp cũng như chẳng bao giờ có đủ thứ mình cần.
Niềm tin rằng ta không đủ tốt đẹp bắt nguồn từ những tư tưởng cổ xưa, nó đã được mặc nhiên công nhận trong các truyền thuyết và thần thoại đầu tiên trong lịch sử loài người (chẳng hạn như câu chuyện về Vườn Địa Đàng và tội lỗi đầu tiên của con người). Thật đáng ngạc nhiên khi có biết bao nhiêu người đã tiếp nhận tư tưởng này và tin rằng bản thân đã có sẵn sự thiếu hụt nào đó ở bên trong, tạo điều kiện cho tiếng nói ký sinh lợi dụng niềm tin này để kiểm soát tâm trí ta.
Trong tất cả những tư tưởng sai lầm mà ta đã tiếp nhận từ người khác, tư tưởng bản thân ta không đủ tốt đẹp có lẽ là tư tưởng tai hại nhất. Hãy để tôi nhấn mạnh, làm rõ vấn đề này thêm lần nữa: Chúng ta còn trên cả tuyệt vời. Con người ta đã hoàn hảo và trọn vẹn ngay tại khoảnh khắc này. Ta không hề có thiếu sót, khiếm khuyết hay tệ hại đến mức vô phương cứu chữa. Hầu hết những nỗi đau ta đang trải qua đều do ta tự tạo ra và chúng bắt nguồn từ niềm tin sai lệch này. Cảm giác bản thân vô dụng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến ta không biết cách yêu thương bản thân vô điều kiện. Hành động hiệu quả nhất mà ta có thể làm để thay đổi cuộc sống của mình trong hiện tại là xóa bỏ niềm tin về sự khiếm khuyết của bản thân. Một khi niềm tin sai lầm này được thay thế bằng tình yêu vô điều kiện và sự chấp nhận chính mình, tư duy khan hiếm sẽ sụp đổ đồng thời tâm lý cạnh tranh và so sánh sẽ chấm dứt.
So sánh bản thân với người khác và hình mẫu lý tưởng để noi theo
Khi còn nhỏ, chúng ta đều có những hình mẫu hoặc những người chúng ta ngưỡng mộ và muốn trở thành. Trong nhiều trường hợp, hình mẫu đầu tiên mà chúng ta thường noi theo là cha mẹ hoặc người chăm sóc ta, tiếp đó là anh chị em, giáo viên, vận động viên thể thao, siêu anh hùng, hoặc thậm chí là bạn bè xung quanh. Khi chúng ta trưởng thành, hình mẫu mà ta hướng đến thường được mở rộng hơn, bao gồm nghệ sĩ, học giả, nhà hoạt động xã hội, chính trị gia hoặc bậc thầy tâm linh. Trong mọi trường hợp, chúng ta đều nhìn thấy ở những người đó các phẩm chất mà ta muốn có, và kết quả là chúng ta thường tìm cách bắt chước họ. Đây là một cách tuyệt vời giúp cho các phẩm chất tốt đẹp được truyền lại từ người này sang người khác.
Tuy nhiên, tương tự như những điều mà chúng ta đã thảo luận trong cuốn sách này, mọi thứ trên đời đều có hai mặt: tích cực hoặc tiêu cực. Trong trường hợp này, tiêu cực là khi ta bắt đầu so sánh bản thân với hình mẫu mà ta hướng đến, và biến tấm gương tích cực của họ thành công cụ để ta chỉ trích và chê bai chính mình vì đã không được như họ. Lúc này, ta đặt ra điều kiện cho tình yêu với bản thân dựa trên khao khát được giống một ai đó.
Giả sử hình mẫu ta muốn trở thành là Đức Mẹ Teresa, nữ tu dòng Công Giáo Rô-ma nổi tiếng từ thế kỷ 20, người đã di chuyển từ châu Âu đến Ấn Độ vào năm 18 tuổi để sáng lập dòng tu Thừa Sai Bác Ái, và cống hiến suốt phần đời còn lại của mình cho việc giúp đỡ người bệnh tật và nghèo khổ. Có rất nhiều lý do để ngưỡng mộ và học hỏi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ đặc biệt này: hành động xuất phát từ tình yêu vô điều kiện, lòng khoan dung, tinh thần thiện nguyện và lòng bác ái vị tha. Tuy nhiên, nếu không nhận thức rõ ràng, ta có thể sẽ bắt đầu sử dụng tấm gương này để phán xét bản thân rằng mình là một người thiếu năng lực hay đại loại như “mình đã không giúp đỡ đủ nhiều người”, hay “mình không đủ tốt đẹp như Đức Mẹ Teresa”. Vào khoảnh khắc suy nghĩ như vậy thay vì nhìn vào những phẩm chất tốt đẹp ở bà để được truyền cảm hứng, ta bắt đầu so sánh giữa ta và bà, từ đó sử dụng sự so sánh này để tự chống lại bản thân. Đây chính là cách tiếng nói ký sinh đã len lỏi trở lại và giành lấy quyền kiểm soát tâm trí của ta.
Hãy dành thời gian suy ngẫm về sự phi lý này. Chắc chắn đây không phải là điều mà Đức Mẹ Teresa hay bất kỳ tấm gương tích cực nào trên đời muốn ta thực hiện. Khi ta phát hiện ra ta đang so sánh cuộc đời mình với cuộc đời của tấm gương mà ta noi theo và trách móc bản thân vì không thể giống họ, đây là dấu hiệu cho thấy làn khói đang dần xuất hiện và sắp che mờ nhận thức của ta. Thay vì so sánh bản thân mình với người khác và cho rằng mình không đủ tốt đẹp, hãy biến họ thành động lực để ta học hỏi các phẩm chất mà ta ngưỡng mộ ở họ và nuôi dưỡng các phẩm chất đó ở bản thân mình mỗi ngày.
Tôi có một anh bạn sắp chinh phục giải Boston Marathon, anh ấy có thể chạy được 42km trong 3 giờ 30 phút. Tôi ngưỡng mộ anh ấy vì anh vừa là một người chạy marathon giỏi vừa là một con người tuyệt vời, nhưng vào khoảnh khắc tôi bắt đầu so sánh bản thân với anh ấy thì tôi đã tự áp đặt thành tích của anh lên bản thân và chối bỏ bản thân một lần nữa. Thay vì áp đặt, tôi chúc mừng thành công của anh giống như khi tôi tự chúc mừng thành công của chính mình. Thành tích của tôi là 5 giờ 57 phút và tôi chúc mừng bản thân vì đã hoàn thành cuộc đua. Thay vì so sánh thành tích bản thân với anh bạn, tôi nhìn vào những gì mình đã đạt được và cảm nhận xem mình đã vui như thế nào trong suốt quá trình chạy bộ. Điều này giúp tôi tận hưởng niềm vui từ sở thích của mình và biết trân trọng từng cơ hội để tôi có thể làm điều tôi yêu thích, đồng thời có thể tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và phát triển các kỹ năng cần thiết cho bản thân. Tôi cũng sẽ học hỏi được nhiều điều mới từ bạn bè và những bạn chạy khác, cũng như cảm nhận được tình bạn thân thiết giữa chúng tôi với nhau.
Một chiếc bẫy khác liên quan đến hình mẫu mà ta muốn hướng tới đó là: Ta nhầm tưởng một vị thầy hoặc một hình mẫu ta đang noi theo luôn có thể trả lời tất cả các câu hỏi của ta. Trường hợp này thường xảy ra trong lĩnh vực tâm linh, đặc biệt là khi ta mới bắt đầu thức tỉnh và thoát khỏi làn khói che mờ tâm trí. Tùy thuộc vào từng mức độ ràng buộc của các bám chấp và hệ tư tưởng cũ, ta sẽ có cảm giác rằng người thầy hay hình mẫu đó có sẵn mọi câu trả lời cho ta khi ta mới bắt đầu hành trình của riêng mình. Nhưng khi nhận thức của ta đi từ giai đoạn đâm chồi cho đến giai đoạn nở rộ, ta sẽ phát hiện ra một sự thật là ta đã có mọi câu trả lời bên trong mình, và bất kỳ vị thầy hay hình mẫu nào xuất hiện trong đời ta chỉ để chỉ cho ta con đường trở về với chính mình.
Điều này không có nghĩa là ta không tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác khi gặp khó khăn trên hành trình của mình. Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ vào lúc này hay lúc khác. Nhưng điểm khác biệt ở đây là ta biết rằng mọi thứ ta cần đều nằm sẵn sâu thẳm bên trong ta. Với tư duy về sự đủ đầy thay vì khan hiếm, ta sẽ được truyền cảm hứng bởi tài năng và thành công của người khác.
Là một người thấu hiểu và làm chủ bản thân có nghĩa là ta đang tự tạo ra con đường cho riêng ta và bước trên cuộc hành trình của riêng ta để đạt tới sự chuyển hóa thực sự từ bên trong. Ta cảm thấy biết ơn những bài học từ các vị thầy và hình mẫu ta hướng đến, đồng thời cảm thấy được họ truyền cảm hứng. Tuy nhiên, ta không so sánh bản thân với bất kỳ ai, hay muốn trở thành bất kỳ ai trong số đó, bởi vì ta đã cảm thấy đủ đầy trọn vẹn với con người ta bây giờ.
Cuối cùng, ta hiểu rằng ta trải nghiệm cuộc sống này theo cách độc đáo của riêng ta, chẳng có ai nhìn nhận và tiếp cận cuộc sống này giống như ta cả. Tự do của ta nằm ở nhận thức rằng ta là người nắm quyền quyết định cuộc đời mình, và với nhận thức này ta có thể tận hưởng niềm vui trong mọi hành động và mọi trải nghiệm của ta trong cuộc sống. Cảm giác bình yên và hòa hợp sẽ xuất hiện ngay khi ta phát hiện ra rằng ta không cần phải nỗ lực quá nhiều để trở thành con người mà ta nghĩ mình nên trở thành, bởi vì ta đã là phiên bản hoàn hảo của chính mình ngay lúc này. Bản thân ta chính là sự hiện hữu của sự sống, không phải là một biểu tượng hay một hình mẫu mà ta cần phải trở thành. Với nhận thức này, cuộc chiến nội tâm sẽ đến hồi kết thúc. Và giờ đây, khi trở thành một người thấu hiểu và làm chủ bản thân, ta có thể sống với tâm thái bình thản trước mọi sự trên đời.
Các bài tập thực hành sau đây sẽ giúp ta vận dụng các bài học của chương này vào thực tế.
Mudita
Trong đạo Phật có một khái niệm được gọi là mudita, hay còn gọi là tâm hỉ (trong “từ - bi - hỉ - xả”), tức là cùng vui với người khác, cảm thấy vui vì người khác đạt được thành công và may mắn trong cuộc sống. Đức tính này có thể dễ dàng được nuôi dưỡng khi người khác là gia đình, bạn bè thân thiết với ta, nhưng nó sẽ trở nên khó khăn hơn một khi ta mở rộng vòng tròn giao thiệp của mình.
Ở bài tập này, ta hãy nghĩ về tình huống có một người đạt được một điều gì đó mà ta vô cùng khao khát. Có thể là sự thăng tiến trong công việc, đạt được một giải thưởng hay sở hữu một tài sản,... Khi đã hình dung về tình huống và người đó trong đầu, hãy nói thành tiếng lời tuyên bố sau đây 3 lần:
“Tôi cảm thấy biết ơn khi [tên người đó] đã nhận được điều tốt đẹp mà tôi muốn có cho bản thân”.
Ta cảm thấy như thế nào khi nói ra lời này? Hầu hết mọi người đều cảm thấy khó có thể chân thành khi thực hiện bài tập này, đặc biệt là trong thời gian đầu. Nhưng việc chủ động thực hành mudita có thể làm tiêu tan lòng ghen tị và đố kỵ trong ta, và thay vào đó là tinh thần thiện chí và tình yêu vô điều kiện. Việc nuôi dưỡng tâm hỉ còn có thể giúp ta thoát khỏi tư duy khan hiếm và không còn xem người khác là đối thủ cạnh tranh, vì ta biết rằng mỗi người đều luôn nhận được chính xác những gì mình cần trong cuộc sống.
Từ nay về sau, khi tương tác và kết nối với người khác, hãy quan sát phản ứng bên trong ta khi một người nào đó có được điều ta mong muốn. Chú ý xem liệu ta có đang cảm thấy ghen tị, đố kỵ, hay sợ hãi hay không, và tận dụng cơ hội này để thực hành mudita.
*
Hình mẫu lý tưởng
BƯỚC 1
Hãy nghĩ về những hình mẫu lý tưởng mà ta đang hướng đến trong cuộc sống và viết ra danh sách những phẩm chất tốt đẹp mà ta nhìn thấy và ngưỡng mộ ở họ.
Không viết tên của họ ra giấy mà chỉ liệt kê phẩm chất tốt đẹp của họ mà thôi. Ví dụ như trung thực, hào phóng, khoan dung, khéo léo, ôn hòa, sáng suốt,... Sau khi lập xong danh sách thì chuyển sang bước thứ hai.
BƯỚC 2
Nhớ lại những gì chúng ta đã thảo luận ở Chương 5 về tấm gương phản chiếu, khi ta khó chịu với ai đó thì người đó thường sở hữu một tính cách mà ta không thích ở bản thân. Điều này cũng áp dụng với những tính cách tốt đẹp đấy! Bây giờ hãy nhìn lại danh sách những phẩm chất của các hình mẫu lý tưởng mà ta noi theo và viết tên của mình lên đầu danh sách này. Chính vì ta sở hữu tất cả những phẩm chất tốt đẹp này nên ta mới có thể nhìn thấy chúng ở người khác. Có thể ta chưa có các kỹ năng giống họ trong một vài lĩnh vực nhất định, nhưng ta có khả năng và tiềm năng để tạo ra con đường của riêng mình nếu ta lựa chọn nỗ lực hướng về phía đó.
BƯỚC 3
Sau khi biết rằng bản thân sở hữu những phẩm chất mà ta ngưỡng mộ ở người khác, vậy thì ta nghĩ người khác sẽ ngưỡng mộ phẩm chất gì ở ta? Ta nghĩ họ nhìn nhận ta như thế nào? Những gì họ nhìn nhận về ta có khớp với danh sách ta lập ra hay không, hay khác ở điểm nào? Hãy để nguồn cảm hứng dẫn lối cho ta trong cuộc sống.