Thiết lập mục tiêu sống và nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đó là một trong những cách tuyệt vời để trải nghiệm cuộc sống. Quá trình này tạo cơ hội cho ta học hỏi và khám phá nhiều điều mới mẻ trong cuộc đời mình, vượt qua khỏi giới hạn thông thường của bản thân, và mang đến cho ta cảm giác thành tựu khi mục tiêu của ta trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, việc đặt ra các mục tiêu và tìm cách đạt được các mục tiêu đó có thể là một cạm bẫy khiến ta lạc vào làn khói mờ mịt. Cuộc sống ngày nay tồn tại một niềm tin phổ biến rằng cách tốt nhất để đạt được mục tiêu là sử dụng “đòn roi” – khiển trách bản thân vì những lỗi lầm hay dùng các hình thức tự phê phán khác để thúc ép bản thân tiến về đích. Kết quả là, mọi người cảm thấy rằng cách tốt nhất để thành công là phải có một giọng nói khác trong mình đóng vai trò như một sĩ quan huấn luyện khắc nghiệt, sử dụng những lời nói đầy tiêu cực để thúc ép bản thân trở thành “tất cả những gì mình muốn”. Nhiều người trong chúng ta đã tiếp nhận tư tưởng này và tin rằng tự trách phạt bản thân là phương pháp tạo động lực duy nhất và đáng làm nhất để đạt được điều mà mình muốn. Loại động lực này khiến ta ám ảnh với việc phải đạt được kết quả cuối cùng mà lờ đi cảm giác tổn thương hay khó chịu gây ra bởi những lời nói chỉ trích và chối bỏ bản thân mà ta tự nói với chính mình.
Cách làm này thường được sử dụng cho các vấn đề liên quan tới ngoại hình cơ thể. Ví dụ, nếu ta nhìn vào gương và không thích vẻ ngoài của mình – ta có thể nghĩ rằng mình thừa cân, vóc dáng không hoàn hảo,... – ngay lập tức tiếng nói ký sinh sẽ lợi dụng cơ hội này để nói với ta rằng cơ thể hiện tại của ta vẫn chưa đủ đẹp. Lúc này, nếu ta đặt mục tiêu là giảm một số ký nhất định hoặc thay đổi vẻ ngoài theo một cách nào đó dựa trên lời phán xét của tiếng nói ký sinh, thông điệp ngầm hiểu ở sẽ là ta chỉ yêu thương và chấp nhận bản thân khi và chỉ khi ta đạt được mục tiêu đó. Quá trình này xảy ra nhanh đến mức ta thậm chí không hề nhận ra mình đã rơi vào cạm bẫy. Tất nhiên, việc đặt mục tiêu cho bản thân xuất phát từ tình yêu có điều kiện không chỉ giới hạn ở ngoại hình cơ thể. Ngay khi ta trở nên cố chấp với việc phải đạt được kết quả nhất định bằng nỗ lực của mình, ta đã tự đặt ra điều kiện cho tình yêu của ta đối với chính mình. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ khía cạnh nào khác trong cuộc sống.
Có rất nhiều vấn đề không ổn ở phương pháp này. Vấn đề thứ nhất là, bất cứ khi nào ta sử dụng giọng nói tiêu cực trong đầu giống như một phương tiện để đạt được mục tiêu, ta đang ngầm truyền đạt một thông điệp rằng hiện tại ta không đủ tốt đẹp. Điều này tạo cơ hội cho tiếng nói ký sinh xuất hiện, kiểm soát tâm trí ta và tồn tại dưới vỏ bọc “giúp đỡ” ta. Đây là một ví dụ khác cho ta thấy tiếng nói ký sinh có thể tinh vi như thế nào khi vừa chế nhạo con người ta vừa treo lên một phần thưởng mà để đạt được phần thưởng đó, ta phải thỏa mãn các điều kiện nhất định. Nhưng như ta đã nhận ra ở các chương trước, cách làm của tiếng nói ký sinh luôn dẫn đến kết quả tiêu cực và bất lợi cho ta.
Vấn đề thứ hai là, việc thúc ép bản thân phải hoàn thành mục tiêu bằng cách tự trách phạt và phê phán bản thân sẽ khiến ta càng ít yêu thương và chấp nhận bản thân hơn nếu như ta không đạt được mục tiêu đó. Điều này càng khiến tiếng nói ký sinh đưa ra nhiều lời chỉ trích gay gắt hơn. Đây là nguyên nhân vì sao việc không hoàn thành mục tiêu đề ra còn khiến ta cảm thấy tồi tệ về bản thân hơn trước. Bất kỳ lúc nào ta sử dụng tiếng nói ký sinh để làm động lực thì mỗi thất bại sẽ là một dữ kiện giúp tiếng nói ký sinh chỉ trích và chế nhạo ta. Nếu chuyện này xảy ra thường xuyên thì nó sẽ khiến ta cảm thấy khó khăn trong việc đặt mục tiêu hoặc thậm chí khiến ta ngừng hẳn việc đặt mục tiêu, bởi vì trong tiềm thức ta thực sự sợ hãi khi phải nghe những lời tiêu cực mà tiếng nói ký sinh sẽ nói với ta mỗi khi mục tiêu không được hoàn thành. Bất kỳ lúc nào ta ngừng đặt mục tiêu cho bản thân bởi vì ta sợ gặp thất bại, nguyên nhân đều là do trong quá khứ tiếng nói ký sinh đã chỉ trích ta vô cùng gay gắt và nặng nề đến mức ta không muốn trải qua trải nghiệm tương tự thêm lần nào nữa. Ta thà không làm gì hết còn hơn là phải đối mặt với nỗi sợ thất bại và nghe thấy lời phán xét của tiếng nói ký sinh.
Ngoài ra, bất cứ lúc nào ta phán xét bản thân vì đã không hoàn thành mục tiêu, ta cũng đang tạo cơ hội cho người khác phán xét ta, bởi vì ta đã ngầm đồng tình với lời phán xét đó. Đây cũng là cách thức mà phần lớn mọi người tương tác với nhau và với chính bản thân họ, tức là áp đặt mục tiêu và kỳ vọng lên nhau và tự hạ thấp bản thân trước những lời phán xét khi mục tiêu không được hoàn thành. Phương pháp đặt mục tiêu là một trong những cách chủ yếu khiến tình yêu có điều kiện xuất hiện khắp mọi khía cạnh trong cuộc sống. Từ đó, ta lại bị cuốn vào các rắc rối của cuộc đời, cuốn vào vòng lặp của sự áp đặt và tự mình khuất phục trước sự áp đặt đó.
Phải công nhận một điều rằng phương thức đặt mục tiêu dễ khiến ta rơi vào bẫy là bởi vì thi thoảng phương thức này vẫn mang lại kết quả. Giọng nói tiêu cực bên trong ta có thể trở thành một nguồn động lực mạnh mẽ vì nó lợi dụng cảm giác xấu hổ, tội lỗi, ghen tị và một loạt các cảm xúc tiêu cực khác để thúc ép ta phải đưa ra hành động. Tuy nhiên, cho dù giọng nói tiêu cực có vẻ đem lại hiệu quả thì thành công do nó mang lại chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khi một mục tiêu được hoàn thành bằng cách sử dụng tiếng nói ký sinh làm động lực, bất kể là ta đạt được điều gì, tiếng nói ký sinh sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng đủ lâu và sẽ luôn nâng cao tiêu chuẩn, khiến cho ta chỉ chấp nhận bản thân mình trong một thời gian ngắn mà thôi. Đây là lý do vì sao người Toltec nói rằng: Nếu ta đang chờ đợi được yêu thương và chấp nhận trong tương lai, tức là ta đang không yêu thương và chấp nhận bản thân mình trong hiện tại.
Khi tình yêu và sự chấp nhận bản thân gắn liền với một mục tiêu, hạnh phúc của ta cũng gắn liền với kết quả của mục tiêu đó. Khi ta đạt được mục tiêu, cảm giác tự tin vào bản thân tạm thời tăng lên, nhưng khi không đạt được mục tiêu thì ta liền nghĩ rằng mình thật yếu kém. Nếu ta đặt ra điều kiện cho bản thân là phải hoàn thành mục tiêu thì ta mới xứng đáng được yêu thương, điều này có nghĩa là việc đặt mục tiêu chỉ nhằm phục vụ quá trình ta tự áp đặt một tư tưởng nào đó lên chính mình. Lúc này, ta đang kỳ vọng bản thân phải trở thành một hình mẫu nhất định và bắt mình phải sống đúng với sự kỳ vọng đó. Quá trình này diễn ra như sau:
1. Ta cho rằng ta không đủ tốt đẹp ở một khía cạnh nào đó, cho nên ta lập ra một mục tiêu để đạt được một điều gì đó.
2. Ta ngầm chấp nhận rằng ta chỉ xứng đáng được yêu thương chỉ khi mục tiêu được hoàn thành.
3. Nếu không đạt được mục tiêu thì ta sẽ phán xét và chỉ trích bản thân. Còn nếu ta đạt được mục tiêu thì giọng nói tiêu cực sẽ tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn.
Đây chính là cạm bẫy mà người biết làm chủ bản thân cần phải tránh. Để tránh rơi vào chiếc bẫy này thì ta cần yêu thương bản thân vô điều kiện cũng như nhận ra rằng ta đã hoàn hảo ngay trong khoảnh khắc hiện tại, và không có mục tiêu nào ta cần phải đạt được để có thể cảm thấy xứng đáng với tình yêu của chính mình.
Thiết lập mục tiêu dựa trên tình yêu có điều kiện
Khi còn nhỏ, chúng ta thường đặt ra mục tiêu cho bản thân là phải trở nên giỏi hơn ở một hoặc một vài bộ môn, chẳng hạn như một môn học, một trò chơi, một nhạc cụ,... Từ đó, ta sớm phát hiện ra rằng khi ta quyết tâm, tập trung hướng về mục tiêu và luyện tập thường xuyên thì ta sẽ trở nên giỏi hơn. Đây là một quá trình tuyệt vời vì nó mang đến cho ta cảm giác thỏa mãn của việc sáng tạo ra một điều gì đó trong cuộc sống.
Nhưng cũng có thời điểm, ta đã học theo tư tưởng của người khác như sử dụng phương thức tự trách phạt và tự hạ thấp bản thân để thúc ép mình hoàn thành mục tiêu và đạt được kết quả tốt hơn. Đối với hầu hết mọi người thì điều này thường xảy ra ở độ tuổi quá nhỏ, cho nên không thể nào xác định được thời gian chính xác. Nhưng nếu thực sự nhìn lại thì thời điểm đó có thể là lúc ta bắt đầu không còn cảm thấy thỏa mãn khi làm một điều gì đó chỉ đơn thuần là vì niềm đam mê và yêu thích. Giá trị con người ta và sự chấp nhận của ta dành cho chính mình đã bị lệ thuộc vào kết quả, thành tựu. Ta sợ rằng nếu ta không đạt được mục tiêu thì ta sẽ không xứng đáng nhận được tình yêu từ bản thân và người khác. Khoảnh khắc nỗi sợ xuất hiện cũng chính là khoảnh khắc ta thiết lập mục tiêu chỉ nhằm mục đích phục vụ cho quá trình áp đặt tư tưởng của người khác lên ta, và không lâu sau đó ta bị nỗi sợ đó chi phối và tự khuất phục chính mình trước sự áp đặt của người khác. Hãy xem ví dụ đơn giản sau đây mà nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua.
Khi lần đầu tiên tập chạy xe đạp, có thể lý do mà ta muốn tập chạy là bởi vì việc chạy xe đạp rất vui, nó mang đến cho ta cảm giác thành tựu và khiến ta giống với những đứa trẻ khác. Rồi sau đó ta chuyển sang học những thứ khác, và có lẽ không còn để ý nhiều đến việc đạp xe nữa. Nhưng vì muốn chứng tỏ bản thân, hãy thử hình dung rằng ta đã trở nên cố chấp với tư tưởng “mình phải là người đạp xe giỏi nhất”, và “mình chỉ xứng đáng có được tình yêu và sự công nhận dành cho bản thân khi mình trở thành người đạp xe giỏi nhất”. Trừ khi ta là một tay đua xe chuyên nghiệp, nếu không thì tư tưởng này nghe có vẻ thật ngốc nghếch, phải không? Ta có thể thấy rằng thật vô lý khi tình yêu và sự chấp nhận bản thân lại phụ thuộc vào khả năng đạp xe. Thế nhưng có rất nhiều người đã sử dụng cách thức này để đạt được mục tiêu ở những khía cạnh khác trong cuộc sống như công việc, ngoại hình, vị thế trong gia đình, hay thậm chí là sự phát triển trên con đường tâm linh. Đây chính là quá trình một niềm vui, một nguồn vui thuở ban đầu dần trở thành một công cụ để ta tự áp đặt tư tưởng nào đó lên bản thân mình.
Việc đặt mục tiêu chỉ nhằm phục vụ cho quá trình tự áp đặt tư tưởng lên bản thân có thể diễn ra vô cùng tinh vi, cho nên việc phát hiện điều này dưới mọi biểu hiện trong cuộc sống sẽ giúp ta trở thành một người biết làm chủ bản thân. Có thể ta nghĩ rằng ta chỉ đặt mục tiêu cho những công việc cụ thể hằng ngày, nhưng thực ra tác động của kiểu suy nghĩ này còn vượt xa hơn thế. Chẳng hạn, ta thường tự vấn bản thân bằng hàng loạt câu hỏi như: Ta phải đạt mục tiêu gì để có thể cảm thấy hạnh phúc hoặc trọn vẹn trong cuộc sống? Ta có cần một ai đó để yêu thương mình hay không? Ta có cần kiếm được một số tiền nhất định hay không? Ta có cần phải có được sự khen ngợi và công nhận từ người khác hay có địa vị xã hội nhất định hay không? Ta có nhất thiết phải đạt được sự thức tỉnh tâm linh lớn lao nào đó? Ta có cần phải sở hữu một ngoại hình theo tiêu chuẩn nhất định? Tất cả những điều này đều là các thước đo mang tính chủ quan, và chính ta là người tạo ra ý nghĩa cho chúng. Nhưng điểm chung ở đây là nếu điều kiện để ta có được hạnh phúc là đạt được bất kỳ điều gì ở trên, có nghĩa là ta đã biến những thước đo đó trở thành công cụ phục vụ cho quá trình ta tự áp đặt tư tưởng của người khác lên bản thân mình.
Là một người thấu hiểu và làm chủ bản thân, lối thoát duy nhất cho ta trong trường hợp này là nhắc nhở bản thân rằng ta đã hoàn hảo trong từng khoảnh khắc hiện tại và ta không cần phải làm gì hay đạt được bất kỳ điều gì để trở nên hoàn hảo hơn. Mong muốn đạt được điều gì đó trong cuộc sống là một điều hoàn toàn bình thường. Hãy xem xét thế mạnh của bản thân và tự hỏi xem ta có thể làm gì để đạt được điều đó. Nhưng là một người thấu hiểu và làm chủ bản thân, ưu tiên của ta luôn là yêu thương bản thân vô điều kiện trong suốt quá trình hướng về mục tiêu mà ta đã đặt ra.
Thiết lập mục tiêu dựa trên tình yêu vô điều kiện
Đây có thể là một trong những thói quen khó xây dựng nhất, bởi vì tâm trí của hầu hết chúng ta đều bị trói buộc bởi tư tưởng rằng ta cần đến giọng nói tiêu cực trong đầu thì mới đạt được mục tiêu. Điều này diễn ra một cách nghiêm trọng và tinh vi đến mức ta chưa bao giờ thật sự nghĩ đến cách thức nào khác như thiết lập mục tiêu dựa trên tình yêu vô điều kiện với bản thân. Nhưng một khi làm được điều này, cuộc sống của ta sẽ hoàn toàn thay đổi và cả cách ta tương tác với người khác cũng vậy.
Khi nghĩ về một mục tiêu nào đó mà ta muốn hoàn thành, bước đầu tiên là ta cần nhắc nhở bản thân rằng ta thực sự muốn làm điều đó. Ta biết rõ một sự thật rằng chẳng có nơi nào ta cần phải đến và chẳng có điều gì ta cần phải làm hay đạt được, bởi vì nếu ta tìm kiếm bất kỳ sự hoàn hảo nào từ bên ngoài bản thân thì ta sẽ càng xa rời sự hoàn hảo. Hơn nữa, ta cần nhớ rằng cuộc đời này là một giấc mộng, và ta vừa là người sáng tạo vừa là người được sáng tạo trong giấc mộng này.
Dựa trên nhận thức này cùng tình yêu vô điều kiện dành cho bản thân, ta xác định những điều ta muốn tạo ra, muốn thay đổi hoặc đạt được trong cuộc sống của mình. Và đây là cách ta dạo chơi trong đời với mục đích vui là chính. Ta không cố gắng tìm cách sửa chữa bản thân, hay chỉ yêu thương bản thân với những điều kiện nhất định. Với tâm thế này, việc đặt mục tiêu sẽ trở thành một quá trình tự nhiên và tuyệt vời, đồng thời phương thức đặt mục tiêu sẽ hoàn toàn dựa trên nhận thức của ta về sự hoàn hảo của chính mình. Giờ đây quá trình thiết lập mục tiêu sẽ xuất phát từ tình yêu vô điều kiện chứ không còn dựa trên nỗi sợ hãi, xấu hổ hay nghi ngờ nữa. Bất kỳ sự thay đổi hay mục tiêu nào mà ta muốn thực hiện đều bắt nguồn từ mong muốn thực sự của ta, chứ không xuất phát từ cảm giác thiếu hụt, yếu kém hay cảm thấy ta không đủ tốt đẹp. Ta quyết định thay đổi bản thân không phải bởi vì sự tác động của các bám chấp và hệ tư tưởng cũ, mà bởi vì ta muốn cải thiện và phát triển bản thân trong quá trình thực hiện những điều mà ta yêu thích.
Một lợi ích tuyệt vời đến từ việc thiết lập mục tiêu theo cách này là: Khi ta biết yêu thương bản thân vô điều kiện trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu của mình, ta sẽ nhận thấy rằng sự tự tin ở bản thân sẽ phát triển một cách tự nhiên khi ta dần tiến gần đến thành quả. Điều này đem lại một cảm giác hoàn toàn khác so với khi ta sợ hãi thất bại rồi từ đó thúc ép bản thân bằng mọi cách phải trở nên tốt đẹp hơn. Sự nỗ lực bắt nguồn từ cảm giác sợ hãi hay thiếu thốn chỉ tạo ra một cuộc sống đầy năng lượng tiêu cực.
Khi sự tự tin của ta được nuôi dưỡng bằng tình yêu đối với bản thân, ta sẽ dần cảm nhận được sức mạnh đến từ việc ta luôn làm mọi thứ bằng tất cả khả năng của mình và tận hưởng niềm vui trong từng khoảnh khắc hiện tại bất kể kết quả ra sao. Bởi vì tình yêu của ta đối với bản thân không lệ thuộc vào bất kỳ kết quả cụ thể nào, mà chính tình yêu thực sự của ta đối với cuộc sống mới là nguồn động lực chân chính để ta cố gắng hết mình. Kết quả là, giờ đây ta hoàn toàn làm chủ bất kỳ lựa chọn nào mà ta đưa ra trong cuộc sống. Ta sẵn sàng chấp nhận thay đổi mục tiêu nếu sự thay đổi đó là cần thiết. Và bởi vì ta không phán xét bản thân, cho nên khi người khác đưa ra bất kỳ lời phán xét nào về tiến trình hay khả năng của ta thì ta biết rằng đó chỉ là sự phóng chiếu của họ mà thôi.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ta sẽ dễ dàng hoàn thành tất cả các mục tiêu, vì thực tế là đối với một số mục tiêu thì ta phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được chúng! Sự khác biệt ở đây là nếu ta thiết lập mục tiêu dựa trên tình yêu vô điều kiện với bản thân thay vì nỗi sợ và tự chỉ trích chính mình, ta có nhiều khả năng tạo ra sự thay đổi thực sự và lâu dài, đồng thời có thể tận hưởng quá trình nỗ lực hướng tới những mục tiêu đó. Để giải thích rõ hơn, tôi sẽ chia sẻ một chút về cuộc đời tôi.
Cách đây vài năm, tôi đã từng nhìn vào gương và tự nói với chính mình rằng: “Miguel, mày đã hoàn hảo trong từng giây phút hiện tại. Mày xứng đáng được yêu thương vì chính con người mày ngay lúc này. Mày xứng đáng có một cơ thể khỏe mạnh để tha hồ tận hưởng niềm vui trong cuộc sống. Vì thế hãy bắt đầu chạy bộ trở lại để rèn luyện sức khỏe thôi nào!”.
Vài năm trước đó, tôi từng chạy bộ khá đều đặn nhưng về sau tôi không chạy nữa trong một khoảng thời gian. Tôi từng yêu thích chạy bộ và chưa bao giờ cảm thấy khó khăn khi chạy, cho nên tôi mặc định rằng bản thân có thể ngay lập tức quay lại phong độ cũ một cách dễ dàng. Tôi đặt ra mục tiêu là phải chạy được 8km, nhưng thực tế là tôi chạy được chưa tới 2km. Tôi đã hết sức bất ngờ khi không thể hoàn thành 8km và phải dừng lại giữa chừng vì tim đập nhanh và hơi thở thì vô cùng nặng nề.
Đúng như những gì các bạn đã đọc được, tôi vừa kể cho các bạn chính xác khoảnh khắc mà tôi bắt đầu rơi vào cái bẫy nguy hiểm. Tôi đã mặc định cho rằng tôi có thể dễ dàng hoàn thành 8km sau một thời gian dài không tập chạy, và tất nhiên chẳng có cách nào mà tôi có thể xỏ chân vào đôi giày cũ của mình rồi cứ thế mà đạt được mục tiêu đó cả. Vì suy nghĩ mặc định đó mà tôi đã đặt ra một sự kỳ vọng cho bản thân. Tôi đã lập ra một mục tiêu không thực tế và không thể nào đạt được. Vào lúc tôi ngừng chạy khi còn chưa đạt nổi 2km, ngay lập tức sự tự phán xét lấp đầy tâm trí tôi và tiếng nói ký sinh vang vọng thật lớn bên tai tôi: “Miguel, mày đúng là một kẻ lười biếng tệ hại”. Khi nghe thấy điều này, nhận thức của tôi liền quay trở lại và khiến tôi nhận ra rằng hệ tư tưởng cũ đang tìm cách nắm quyền kiểm soát con người tôi.
Vào lúc đó, tôi cần đưa ra lựa chọn. Hoặc là tôi tiếp tục chỉ trích và chế nhạo bản thân, hoặc là tôi nhắc nhở bản thân nhớ rằng tôi chỉ mới bắt đầu chạy lại và tôi cần yêu thương bản thân mình vô điều kiện trong suốt quá trình tập chạy sắp tới. “Hãy nhẹ nhàng với bản thân nào, Miguel. Hôm nay mày đã chạy được tới đây và cứ chấp nhận sự thật này thôi”.
Sau đó, tôi đặt mục tiêu là có thể chạy liền một mạch 8km mà không dừng lại giữa chừng vào cuối tháng 5. Thời điểm tôi đặt mục tiêu này là vào tháng 1. Vì thế, tôi quyết định duy trì thói quen chạy bộ mỗi ngày. Nhưng giống như các ông bố và các ông chồng bận rộn khác, có nhiều ngày tôi không thể tập chạy hoặc không chạy xa được như tôi mong muốn. Vào những lúc đó, tôi không hề chỉ trích bản thân mà vẫn tiếp tục yêu thương cũng như động viên chính mình trong suốt quá trình tập luyện. Có vài ngày dù kiệt sức rã rời nhưng tôi vẫn tiếp tục tập chạy với chút ý chí còn sót lại của mình. Và cuối cùng tôi có thể vui mừng thông báo rằng tôi đã đạt được mục tiêu đề ra vào cuối tháng 4. Mặc dù cảm thấy hạnh phúc vì điều này nhưng tôi không cho phép tình yêu và sự chấp nhận của tôi đối với bản thân bị phụ thuộc vào nó. Vì tôi thực sự cảm thấy vui nên tôi vẫn tiếp tục chạy bộ. Hai năm sau đó, tôi đã hoàn thành giải chạy marathon lần thứ hai của mình, và giờ đây tôi đang tập luyện cho giải chạy thứ ba. Tôi đã nuôi dưỡng niềm đam mê của bản thân và tiến bộ rõ rệt, đồng thời vẫn duy trì được trạng thái cân bằng của mình dù cuộc đời có ném vào tôi bất kỳ điều gì mà tôi không ngờ tới.
Tóm lại, khi thiết lập mục tiêu cho bản thân và lựa chọn tình yêu vô điều kiện làm điểm khởi đầu, ta sẽ luôn ý thức được rằng sự hoàn hảo của mình không bao giờ phụ thuộc vào kết quả cuối cùng, mà điều quan trọng là ta nhìn thấy được sự thật về bản thân mình trong từng phút giây hiện tại. Ta biết rằng mình đã hoàn hảo ngay từ lúc bắt đầu và luôn hoàn hảo trong suốt quá trình. Ta luôn nhận thức rõ ràng là kết quả cuối cùng không quyết định con người ta là ai. Với sự tự nhận thức rõ ràng về bản thân, ta có thể nhìn thấy được sự hoàn hảo ở mình và đồng thời nhìn thấy được sự hoàn hảo trong vạn vật trên thế gian này.
Thực hành chạm đất (grounding) và đọc chân ngôn (mantra)
Ở lần đầu tiên phá bỏ những thói quen và lối suy nghĩ cũ, ta có thể thấy rằng hệ tư tưởng cũ và tình yêu với bản thân luôn tồn tại song song. Nói cách khác, dù ta chủ động thiết lập mục tiêu dựa trên tình yêu vô điều kiện với bản thân, ta vẫn có thể nghe thấy tiếng nói ký sinh vang lên trong mình thông qua các cuộc độc thoại nội tâm tiêu cực. Nhiều lúc ta chỉ cần nhận thức được sự tồn tại của tiếng nói ký sinh là ta đã có thể khiến nó trở nên im lặng, nhưng khi tiếng nói ký sinh trong ta quá lì lợm thì ta có thể áp dụng bài tập thực hành sau đây để tìm lại trạng thái cân bằng.
Khi ta hành động hướng về mục tiêu và nghe thấy tiếng nói ký sinh đang chế nhạo hay cố tình tạo ra sự nghi ngờ trong tâm trí ta, bước đầu tiên là hãy dừng lại những điều ta đang làm và đi sâu vào nội tâm của mình. Chú tâm vào hơi thở và tập trung quan sát quá trình mang lại sự sống cho ta, chính là quá trình hít vào thở ra. Tiếp theo, hãy cảm nhận lòng bàn chân đang tiếp xúc với mặt đất. Hình dung trong tâm trí rằng ta đang kết nối với vạn vật trong cuộc sống thông qua hơi thở và mặt đất bên dưới lòng bàn chân ta. Cảm nhận tất cả các vùng trên cơ thể và rà soát toàn bộ cơ thể từ đầu đến chân, bởi vì việc làm này sẽ giúp ta không chú tâm vào những suy nghĩ nữa mà hoàn toàn cảm nhận sự hiện diện của mình trong cơ thể này. Hãy nhớ rằng ta không phải là tâm trí của mình mà còn hơn thế nữa.
Sau đó, hãy nhắc nhở bản thân rằng điều mà ta đang hướng tới xuất phát từ mong muốn thực sự của ta. Ta biết rằng con người ta đã hoàn hảo trong từng khoảnh khắc hiện tại, và ta sẵn sàng đón nhận mọi kết quả có thể diễn ra trong tương lai. Hãy lặp đi lặp lại lời tuyên bố sau đây cho đến khi tiếng nói đồng minh trong ta hoàn toàn nắm quyền kiểm soát tâm trí:
Tôi, [tên của bạn], đã hoàn hảo và trọn vẹn ngay giây phút này. Tôi yêu thương bản thân mình cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra.
*
Hình dung và tưởng tượng
Theo lời dạy của người Toltec, tâm trí chính là công cụ mạnh mẽ giúp ta đạt được mục tiêu của mình. Sau đây là bài tập giúp ta vận dụng sức mạnh của tâm trí để có thể chủ động tạo ra những điều mình muốn trong cuộc sống. Hãy thực hành bài tập này mỗi ngày, tốt nhất là vào buổi sáng.
Tìm một nơi tĩnh lặng để ngồi yên trong vài phút. Nhắm mắt lại và gửi tình yêu vô điều kiện đến bản thân. Cảm thấy biết ơn vì mình đang có mặt tại đây, trên cõi đời này. Cảm thấy biết ơn cơ thể và tâm trí của mình vì nhờ chúng mà ta được trải nghiệm cuộc sống hiện tại. Tiếp theo, hướng suy nghĩ về mục tiêu mà ta đang nỗ lực để đạt được. Hãy tưởng tượng rằng ta đã hoàn thành mục tiêu đó, và sau đó tập trung cảm nhận sự biết ơn vì mục tiêu đã được hoàn thành. Mấu chốt ở đây là cảm thấy biết ơn như thể là ta thực sự đã đạt được mục tiêu đó, bởi vì làm như vậy sẽ tạo ra một hình ảnh chân thực về trải nghiệm đó trong tâm trí ta. Sau một vài phút trải nghiệm cảm giác biết ơn vì mục tiêu đã được hoàn thành, ta hãy quay về thực tại của mình. Mở mắt ra và tiếp tục tận hưởng niềm vui của quá trình nỗ lực hướng về mục tiêu đó.
Thiết lập mục tiêu với nhận thức rõ ràng về bản thân là một phương thức hữu ích giúp ta sáng tạo và cùng người khác đồng sáng tạo nên thế giới mà ta muốn sống. Ngoài ra, mấu chốt để ta luôn cảm thấy vui vẻ trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu chính là không quên yêu thương bản thân cho dù kết quả cuối cùng là ta có đạt được mục tiêu đó hay không. Tất nhiên trong cuộc sống sẽ luôn có những giai đoạn ta bị người khác cản trở trên con đường hướng về mục tiêu. Lúc này, câu hỏi đặt ra là ta sẽ phản ứng như thế nào? Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về chủ đề này.