Có bao giờ bạn nhận ra rằng, trong quá trình tương tác và kết nối với người khác, ta thường xây dựng một hình ảnh hoặc một hình mẫu mà ta muốn người khác nhìn thấy ở ta hay không? Đây là điều vẫn thường diễn ra trong cuộc sống. Việc giữ một vai trò cụ thể có thể thực sự giúp ta hòa nhập với cuộc đời bởi vì ta sẽ dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với người khác hơn và ngược lại, người khác cũng sẽ cảm thấy như vậy đối với ta. Ngoài ra, từng hình mẫu hoặc vai trò mà ta tạo ra có thể được điều chỉnh linh hoạt sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh hoặc đối tượng giao tiếp cụ thể. Chẳng hạn như khi gặp ông bà của mình thì ta sẽ có một hình ảnh hoặc vai trò rất khác so với khi đi chơi với bạn bè thân thiết.
Theo cách nói của người Toltec, trong lúc chúng ta tương tác với nhau, chúng ta mượn tạm một chiếc mặt nạ để đeo vào trong giây lát hoặc xây dựng một hình mẫu tạm thời, nhằm kết nối với người khác theo một cách nhất định. Đeo mặt nạ là cách để con người định nghĩa và xác định bản thân trước người khác dựa trên nền tảng chung về kiến thức, kinh nghiệm hoặc vai trò. Mặt nạ là một hình ảnh biểu tượng giúp chúng ta thấu hiểu lẫn nhau, và ý nghĩa của biểu tượng đó về bản chất là do chính chúng ta tạo nên.
Chẳng hạn như, tôi có những chiếc mặt nạ khác nhau như người chồng, người cha, giáo viên, pháp sư, vận động viên chạy bộ và người hâm mộ bóng đá. Ngoài ra, một ví dụ khác về chiếc mặt nạ là cách mọi người gắn bó với nhau khi họ có cùng chung sở thích: Khi chúng ta thảo luận về nghệ thuật, yoga, lịch sử, hay bất kỳ chủ đề nào khác mà chúng ta có điểm chung, chúng ta sẽ bắt đầu có xu hướng thấu hiểu lẫn nhau và nhìn nhận nhau dựa trên các mối quan tâm và sở thích chung đó. Việc nuôi dưỡng mối quan hệ với những người có cùng đam mê sẽ tạo cơ hội cho chúng ta dễ dàng diễn đạt suy nghĩ của mình thành lời và truyền đạt được ý nghĩa đằng sau những lời nói đó. Khi chúng ta tương tác với nhau, chúng ta có thể kích thích suy nghĩ và cảm xúc của nhau, đồng thời quá trình tương tác qua lại sẽ tạo cơ hội cho chúng ta cùng nhau kiến tạo nên một thế giới mà chúng ta muốn sống.
Là một người thấu hiểu và làm chủ bản thân, tôi rất yêu thích việc được trải nghiệm cuộc sống và sử dụng nhiều chiếc mặt nạ khác nhau để thấu hiểu và đồng cảm với người khác cũng như hợp tác với họ một cách hiệu quả. Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong tôi biết rằng không có chiếc mặt nạ nào thật sự là tôi. Mặt nạ chỉ là một dạng thông tin được tạo nên từ sự đồng thuận giữa ta và đối phương để chúng ta có thể tương tác với nhau dễ dàng hơn trong cuộc sống. Một chiếc mặt nạ tương ứng với một hình mẫu. Ta lựa chọn đeo mặt nạ vì nó giúp ích cho ta trong việc hòa nhập vào cuộc đời, nhưng không có chiếc mặt nạ nào có thể quyết định bản thể chân thật của ta. Khi bị người khác áp đặt tư tưởng, tức là ta đang bị chiếc mặt nạ che khuất đi con người thật của ta và khiến ta tin rằng chiếc mặt nạ ấy chính là ta. Nhưng sau khi giải thoát bản thân ra khỏi hệ tư tưởng đã trói buộc ta, thì chiếc mặt nạ đó – thậm chí là chính ta – không còn che giấu được con người thật của ta. Có thể nói, những chiếc mặt nạ được tạo ra từ sự đồng thuận giữa con người với nhau và cũng chính những chiếc mặt nạ là thứ định hình cách chúng ta nhìn nhận nhau trong cuộc sống.
Nhận thức được rằng ta không phải là bất kỳ chiếc mặt nạ nào mà ta đang đeo là điều vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu ta tin rằng một vai trò, danh tính, sự nghiệp, địa vị xã hội, hay sở thích và mối quan tâm nào đó là con người thật của ta, ta sẽ rơi vào cạm bẫy cuộc đời và chắc chắn sẽ đau khổ. Cuộc đời này là một giấc mộng. Những hình mẫu hay vai trò đó chỉ tồn tại trong giấc mộng, và cũng như tất cả những thứ khác, chúng sẽ dần suy tàn và biến mất. Chính vì thế, là một người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân, khi mang bất kỳ chiếc mặt nạ nào, ta cũng cần có đủ nhận thức để biết rằng đó chỉ là một chiếc mặt nạ phục vụ nhu cầu của ta – ta chỉ tạm thời sử dụng một hình mẫu nào đó – và ta sẵn sàng gỡ mặt nạ xuống khi không còn cần đến nó nữa.
Ví dụ như, khi vợ tôi cần tôi làm một người chồng biết an ủi và động viên cô ấy vào những ngày mệt mỏi hay vất vả, tôi sẵn sàng là một người chồng mang đến cho cô ấy cảm giác được bảo vệ và yêu thương. Còn trong các thời điểm khác, những đứa con tôi có thể cần tôi trở thành một thầy giáo, một người bạn, một đồng đội chơi thể thao cùng, và thậm chí đôi lúc là một người giữ kỷ luật trong gia đình. Tôi ý thức được rằng đây là những chiếc mặt nạ do tôi lựa chọn, tôi có thể gỡ bỏ chúng bất kỳ lúc nào khi tôi không cần chúng nữa. Chúng sẽ không trở thành danh tính cả đời của tôi, và tôi cũng không cố ép bản thân phải sống với một hình ảnh nào đó mà những người thân yêu của tôi mong muốn. Tôi chỉ đơn giản là hiểu họ cần gì ngay tại thời điểm đó, và vì thế tôi lựa chọn hành động theo cách tốt nhất để giúp đỡ họ.
Trong khi tạo ra một hình ảnh nhất định cho bản thân như một nhân viên, sinh viên, người chồng, nhạc sĩ, người tu hành,... và sử dụng chiếc mặt nạ đó để tương tác với những người xung quanh, vào khoảnh khắc ta quên mất rằng nó chỉ là một chiếc mặt nạ, ta sẽ đánh đồng sự chấp nhận đến từ chính bản thân với sự chấp nhận của người khác và lệ thuộc vào lời khen ngợi của họ đối với vai trò của mình. Nếu ta không đáp ứng được tiêu chuẩn do người khác đặt ra hay tiêu chuẩn do chính ta tự tạo nên cho bản thân, ta sẽ rơi vào tình trạng phủ nhận bản thân mình. Đây là một ví dụ khác minh họa cho cách mà sự bám chấp và hệ tư tưởng cũ đã trói buộc ta như thế nào. Chuyện này xảy ra khi ta nhầm lẫn mặt nạ ta đang đeo với con người thật của ta. Bám chấp một cách mù quáng với bất kỳ chiếc mặt nạ đều dẫn đến đau khổ.
Một vấn đề khác thường xảy ra khi ta đánh đồng con người mình với chiếc mặt nạ ta đang đeo là ta vẫn cố giữ lấy chiếc mặt nạ ấy dù nó không còn cần thiết nữa. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này qua các biểu hiện khác nhau trong cuộc sống như: cha mẹ cố gắng kiểm soát cuộc đời của con cái ngay cả khi chúng đã trưởng thành; ai đó cứ mãi bám víu vào “quá khứ huy hoàng” và cho rằng mình vẫn còn là người quan trọng như trước đây. Đây là những ví dụ phổ biến về những người cứ níu giữ một vai trò nào đó trong khi rõ ràng là thời gian dành cho vai trò ấy đã kết thúc từ lâu. Tuy nhiên, những người cứ bám víu vào các ảo ảnh của họ theo cách này thường không ý thức được tình trạng của họ. Cho nên, bất kỳ lúc nào ta tin vào một điều gì đó không còn đúng với ta nữa thì kết quả luôn là: Ta lạc lối trong làn khói che mờ nhận thức của mình.
Điều này mang đến cho ta một thông điệp quan trọng: Một trong những khả năng của việc làm chủ bản thân là ta có thể tách mình ra khỏi bất kỳ danh tính hay hình mẫu nào do ta tạo ra trong cuộc sống. Cả ta và tất cả mọi người ta quen biết, đều bị trói buộc bởi những thông tin như là tên của ta là thế này, ta đến từ nơi nọ, ta được sinh ra ở đây và lớn lên ở kia, ta thích những thứ này và không thích những thứ kia. Những thông tin này chính là những chiếc mặt nạ đầu tiên của ta. Mặc dù chúng thể hiện sự thật ở một cấp độ nhất định và đáp ứng nhu cầu chia sẻ danh tính ta trong cuộc sống, nhưng chúng không thể nào đại diện cho tổng thể năng lượng ý thức của ta và toàn bộ con người thật của ta.
Những thông tin đó được xem là những chiếc mặt nạ đầu tiên bởi vì ta tiếp nhận chúng từ thời thơ ấu, và chúng đã được phóng chiếu lên ta xuyên suốt một thời gian dài và trở thành một tư tưởng ăn sâu vào tâm trí ta. Những chiếc mặt nạ đầu tiên này đã hình thành từ trước khi ta được sinh ra, ngay khi cha mẹ ta biết tin ta sắp xuất hiện trên cõi đời này. Những chiếc mặt nạ này được trao cho ta khi ta còn nhỏ, và ta đã sớm chấp nhận chúng và đồng hóa với chúng mà không hề ý thức gì về quá trình này. Ta làm như thế bởi vì ta thấy rằng mọi người ai cũng làm như vậy, và việc đeo mặt nạ là điều bình thường trong xã hội cũng như trong văn hóa của chúng ta. Một vài người có thể đã đeo một chiếc mặt nạ mà họ biết là không đúng với con người thật của họ, nhưng họ vẫn ép bản thân phải đeo nó để được gia đình chấp nhận. Rồi thời gian trôi qua, ta mất kết nối với con người thật bên trong, ta quên mất rằng những chiếc mặt nạ mình đang đeo chỉ là mặt nạ mà thôi, và ta bắt đầu tin rằng những chiếc mặt nạ đó thực sự thể hiện con người ta.
Đó chính là quá trình ta trở nên say xỉn trong bữa tiệc và lạc lối trong làn khói. Khi cho rằng chiếc mặt nạ đại diện cho con người ta, ta sẽ nhầm lẫn các thông tin thuộc về chiếc mặt nạ với bản thể chân thật của mình, thay vì thực sự cho phép con người thật của ta được trải nghiệm cuộc sống với nhiều chiếc mặt nạ khác nhau. Khi nhận thức rõ ràng về bản thể chân thật của mình, ta sẽ có những trải nghiệm thực sự về việc bản thân mình là năng lượng tạo ra sự sống cho tâm trí và cơ thể, là năng lượng ngay từ đầu đã cho phép ta tạo ra những chiếc mặt nạ mà ta đang đeo. Thế nên, một người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân là người đã thức tỉnh và thấy rõ bản thể chân thật của mình. Ta không còn đánh đồng bản thân với một danh tính hay một câu chuyện nào đó được khắc họa bởi chiếc mặt nạ, và do đó ta có thể đeo nó lên hay gỡ nó xuống khi cần.
Khả năng biến hóa linh hoạt
Hầu hết những người mà ta gặp gỡ trong cuộc sống đều “say xỉn” ở một mức độ nào đó, và kết quả là họ không thể nhìn thấu được mọi việc đằng sau làn khói. Do đó, họ phóng chiếu hình ảnh hoặc hình mẫu mà họ muốn nhìn thấy lên ta thay vì nhìn nhận đúng hình ảnh hoặc hình mẫu thực sự của ta. Hình ảnh mà họ gán cho ta thường dựa trên các bám chấp, hệ tư tưởng và thỏa ước. Nhận thức được điều này sẽ giúp ta biết cách tôn trọng sự phóng chiếu của người khác và quá trình này mang lại giá trị hữu ích cho cả đôi bên. Ta gọi đây là khả năng biến hóa linh hoạt.
Khi biết rằng người khác đang phóng chiếu một hình ảnh nhất định lên ta và muốn ta phải mang chiếc mặt nạ đó, thậm chí khi ta đã quyết định không mang nó nữa, ta có thể chủ động biến hóa linh hoạt trong từng tình huống với năng lượng đồng cảm và yêu thương. Bảy tỉ người trên Trái đất này sẽ nhìn nhận ta theo bảy tỉ cách khác nhau, và mỗi một chiếc mặt nạ là mỗi một cách hiểu của họ về con người ta. Với nhận thức rõ ràng về chính mình, ta sẽ không tin vào bất kỳ sự phóng chiếu nào của người khác, bởi vì ta không cần phải đeo mặt nạ để biết mình thực sự là ai. Tuy nhiên, ta vẫn cần tôn trọng cách nhìn nhận của họ về ta. Đối với ta, từng chiếc mặt nạ được xem là từng chiếc gương phản ánh các khía cạnh khác nhau trong con người ta, để từ đó ta có thể hiểu hơn về bản thân mình. Người biết biến hóa linh hoạt là người không ở mãi trong một hình ảnh cụ thể, bởi vì người đó biết rằng về bản chất thì cuộc đời này chỉ là ảo ảnh. Hãy nhớ rằng, thông tin và kiến thức tạo ra và trao cho ta một hình ảnh cụ thể, do đó khi ta đeo mặt nạ lên thì ta sẽ có một hình ảnh cụ thể trong mắt người khác.
Hãy lấy lại ví dụ của các chương trước về người bà và đứa cháu. Hãy hình dung rằng cậu bé đã trưởng thành và nhận ra mình đã bị bà áp đặt tư tưởng phải luôn luôn ăn hết đồ ăn dù đã thấy no. Giờ đây khi đã thức tỉnh, cậu biết rằng sẽ tốt hơn cho cậu và cả cơ thể nếu như cậu ngừng ăn ngay khi đã cảm thấy no. Cậu cũng xóa bỏ suy nghĩ “không ăn hết thức ăn là mang tội”, bởi vì lời nói này chỉ là phương tiện phục vụ cho quá trình áp đặt tư tưởng của người bà lên cậu.
Mọi chuyện đều tốt đẹp cho tới khi cậu đến thăm bà vào ngày lễ Tạ ơn. Ta có thể đoán được rằng người bà vẫn tiếp tục phóng chiếu hình ảnh đứa cháu bé nhỏ ngày xưa với tư tưởng rằng cậu bé cần phải ăn hết thức ăn trên đĩa. Cậu tôn trọng suy nghĩ của bà nên lựa chọn không nói lên quan điểm cá nhân rằng “cháu đã giải thoát bản thân ra khỏi hệ tư tưởng cũ của bà và cháu sẽ không gắng sức ăn khi đã no”. Cậu quyết định đeo chiếc mặt nạ mà bà muốn nhìn thấy khi đến thăm bà trong ngày lễ Tạ ơn, bởi vì cậu thực sự cảm nhận được đằng sau tư tưởng đó là tình yêu của bà dành cho cậu. Cậu chủ động làm điều này vì bà của cậu và lựa chọn ăn hết tất cả thức ăn bà đưa. Tuy nhiên, cậu cũng quyết định đút thức ăn thừa cho chú chó dưới gầm bàn, hoặc đổ đi đâu đó mà không để bà nhìn thấy, hoặc nhẹ nhàng nói với bà rằng: “Cháu đã no rồi bà ơi. Đồ ăn ngon tuyệt. Cháu cảm ơn bà rất nhiều”.
Cậu lựa chọn đưa ra những hành động và phản hồi đó với mục đích là không can thiệp vào cuộc đời và sự lựa chọn của bà. Bởi vì cậu thấy không có gì quá quan trọng giữa việc ăn hết hay không ăn hết thức ăn, việc chiều theo ý bà là lựa chọn của cậu – cậu muốn làm bà vui vào lúc đó. Chính vì đã buông bỏ được quá khứ và tìm được sự bình yên bên trong, cậu không cần phải chống đối hay bắt buộc bà phải có cùng suy nghĩ với cậu hay phải công nhận rằng cậu đúng. Hành động của cậu khi gặp bà đã chứng minh được rằng cậu đã biết cách tôn trọng bản thân. Mặc dù cậu không thể ngăn bà phóng chiếu hình ảnh của chiếc mặt nạ mà bà muốn thấy lên cậu, nhưng cậu đã ý thức được rằng cậu là người chủ động lựa chọn việc đeo chiếc mặt nạ ấy. Kết quả là giờ đây khi đưa ra bất kỳ hành động nào, cậu đều ý thức về hệ tư tưởng cũ trói buộc cậu trước đây và nhận ra cậu vẫn còn các lựa chọn khác. Và cậu không quên mất con người thật của mình.
Tất nhiên, vẫn có những trường hợp nghiêm trọng mà ta cần phải từ chối việc đeo mặt nạ theo mong muốn của người khác. Ví dụ, chồng của một người bạn tôi ngay ngày đầu chung sống đã tuyên bố rất rõ là anh ấy có hẳn một danh sách các tiêu chí về việc làm thế nào để trở thành một “người vợ tốt”. Nói ngắn gọn là anh ấy muốn cô bạn tôi phải mặc đồ theo phong cách nhất định, không được giao lưu với những người bạn trước đây của cô, và phải nghe theo quyết định của anh trong mọi vấn đề quan trọng có liên quan đến cả hai. Cô bạn của tôi đã từ chối tất cả những điều đó. Nếu cô đáp ứng những yêu cầu do anh ta đặt ra thì đây không phải là khả năng biến hóa linh hoạt, mà là hành động chối bỏ toàn bộ con người thật của mình để làm hài lòng người khác. Trong trường hợp này, bạn tôi đã từ chối đeo chiếc mặt nạ mà chồng cô ép buộc cô phải đeo. Cô ấy không tìm cách thay đổi bản thân vì chồng, bởi vì làm như thế sẽ đi ngược lại con người thật của cô. Cô có thể thấy được rằng chồng mình đang tìm cách áp đặt tư tưởng của anh lên cô, và niềm tin của anh đã được hình thành từ hệ tư tưởng mà anh bị áp đặt khi còn nhỏ. Cuối cùng, cô ấy lựa chọn nói lên sự thật một cách chân thành và đầy yêu thương, và may mắn là chồng cô đã lắng nghe và thay đổi.
Nhìn nhận người khác qua lăng kính của tình yêu vô điều kiện cho phép ta đưa ra quyết định tốt nhất rằng ta cần đeo hay không đeo mặt nạ, khi nào thì ta cần biến hóa linh hoạt để phù hợp với cách nhìn nhận của đối phương. Điều quan trọng nhất ở đây là ta cần nhận thức được rằng khi nào ai đó đang phóng chiếu hình ảnh của họ lên ta và muốn ta đeo chiếc mặt nạ mà họ muốn. Bởi vì chỉ khi ta nhận thức được điều này, ta mới có thể chủ động quyết định rằng mình nên hành động như thế nào trong từng tình huống cụ thể.
Phóng chiếu hình ảnh lên người khác
Mặc dù việc nhận thức được người khác đang phóng chiếu hình ảnh lên ta và muốn ta phải đeo mặt nạ theo ý họ là điều quan trọng, nhưng việc tự nhận thức về những lúc ta đang phóng chiếu hình ảnh lên người khác cũng quan trọng không kém. Khi ta áp đặt các hình mẫu hoặc vai trò lên người khác, điều này đồng nghĩa với việc ta đang đặt ra quy định về cách ứng xử cho họ và kỳ vọng họ phải làm theo, và ngay lập tức làn khói của tình yêu có điều kiện đang dần len lỏi vào che mất nhận thức của ta. Thông qua hình ảnh phóng chiếu, ta đã tự tạo ra một hình mẫu nhất định cho người khác, rồi sau đó ta phán xét họ vì đã không thực hiện vai trò của họ theo đúng ý ta. Nếu ta không ý thức được điều này, ta có thể đối xử như thế đối với cha mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp của mình, thậm chí là với bất kỳ ai.
Đôi khi sự phóng chiếu có thể không quá rõ ràng. Khi đối phương có cách cảm nhận và hành xử riêng ở một khía cạnh nào đó trong cuộc sống, ta mặc định rằng họ cũng có cách cảm nhận và hành xử tương tự ở một khía cạnh khác, thường là trong một tình huống hoàn toàn không liên quan gì với tình huống trước đây. Việc phát hiện ra và thoát khỏi những suy nghĩ như thế này là cách thức giúp ta trở thành người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân.
Ví dụ như, tôi có biết một người phụ nữ (tôi tạm gọi cô ấy là Lisa). Gần đây Lisa mới kết thúc đợt hóa trị ung thư vú. Trong suốt 18 tháng chiến đấu với căn bệnh này, cô ấy không chỉ hoàn thành tốt vai trò làm mẹ, mà còn tham gia tổng cộng 6 cuộc thi chạy marathon. Lisa là một người mẹ, một vận động viên marathon, và là một người sống sót sau trận chiến với căn bệnh ung thư. Khi tôi quan sát quá trình Lisa tương tác với người khác, tôi để ý rằng nhiều người trong số họ phóng chiếu hình ảnh mà họ muốn nhìn thấy ở cô ấy. Họ đặt ra kỳ vọng về cách hành xử của cô ấy dựa trên suy nghĩ của riêng họ.
Nhiều người chỉ quan tâm đến việc Lisa là người chiến thắng bệnh ung thư và họ kỳ vọng cô ấy phải cảm thấy tự hào vì điều đó. Khi cô ấy không tuân theo các tiêu chuẩn của họ về cách mà một người sống sót sau căn bệnh ung thư vú nên hành xử, thì họ cảm thấy bị xúc phạm. Tại sao cô ấy không đeo dải ruy băng hồng1 hồi tháng 10 vừa qua? Tại sao cô ấy không gây quỹ cho tổ chức từ thiện ung thư vú trong tất cả các cuộc chạy đua? Khi họ phát hiện ra Lisa còn là một thợ săn thì họ không tài nào hiểu được sự kết hợp của vai trò làm mẹ, vận động viên marathon và người sống sót sau ung thư với hình ảnh một người thợ săn. Làm sao mà một người đầy lòng trắc ẩn như cô ấy có thể giết chết và ăn thịt động vật được cơ chứ?
1. Biểu tượng dải ruy băng hồng mang thông điệp cổ vũ tinh thần bệnh nhân ung thư vú và nâng cao nhận thức của cộng đồng với căn bệnh này. (BTV)
Đồng thời một số người trong cộng đồng săn bắn không thể hiểu nổi vì sao Lisa có thể tham gia chạy đua marathon, thực hành thiền và đọc sách tâm linh. Còn nhóm người vừa mới tập chạy marathon thì không biết bất kỳ điều gì về Lisa. Họ chỉ đơn giản tìm đến cô ấy để được truyền cảm hứng và được hỗ trợ khi luyện tập cho lần chạy marathon đầu tiên của họ. Mỗi nhóm người phóng chiếu một hình ảnh khác nhau, áp đặt một hình mẫu khác nhau và gói gọn toàn bộ trải nghiệm phức tạp của cuộc đời Lisa thành một câu chuyện do họ tự tạo ra. Khi hành động của Lisa không phù hợp với hình mẫu mà họ xây dựng, điều này có thể châm ngòi cảm xúc của họ, thậm chí có vài người đã tìm cách hạ thấp uy tín của Lisa hoặc khiến cô cảm thấy xấu hổ. Bởi vì họ quy chụp mọi hành động của Lisa thành của bản thân họ, cho nên họ cảm thấy tức giận và bị tổn thương nếu hành động của cô trái ý họ. Vì Lisa không đáp ứng mong muốn của họ, họ cho rằng cô ấy không xứng đáng với tình yêu của họ nữa. Điều đáng khen ngợi ở Lisa là cô không cho phép bất kỳ chiếc mặt nạ nào, của cô ấy hoặc của người khác áp đặt, định nghĩa con người cô.
Lisa rất khiêm tốn khi mọi người tìm đến cô để được truyền cảm hứng và năng lượng để họ có thể chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư hay để luyện tập cho cuộc thi marathon. Lisa còn thể hiện lòng trắc ẩn của mình khi tương tác với những người không đồng ý với lựa chọn của cô ở các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Lisa đang sống đúng với bản thể chân thật của mình theo cách mà cô có thể mang đến giá trị cho cuộc sống của cô và cuộc sống của những người xung quanh. Có người từng hỏi Lisa rằng: Làm thế nào mà cô có thể vừa làm hóa trị vừa tham gia chạy marathon? Câu trả lời của cô chỉ đơn giản là: “Tôi làm hết sức có thể trong từng khoảnh khắc hiện tại, và tôi không bao giờ cho phép căn bệnh ung thư định nghĩa con người tôi là ai”.
Nhờ vào nhận thức rõ ràng về sự phóng chiếu của người khác, cô bạn của tôi mới có thể sử dụng linh hoạt những chiếc mặt nạ để tương tác và kết nối với mọi người theo một cách có ý nghĩa mà không lãng quên bản thể chân thật của mình. Cô ấy không định nghĩa chính mình bằng các trải nghiệm cá nhân về căn bệnh ung thư vú, mà cô chia sẻ các trải nghiệm đó chỉ vì cô muốn giúp đỡ người khác. Bởi vì cô ấy chỉ tạm thời đeo chiếc mặt nạ “người sống sót sau ung thư” và không để nó định nghĩa con người mình, cho nên cô có thể dễ dàng gỡ nó xuống khi cuộc gặp gỡ của cô với nhóm người cần nhìn thấy nó đã kết thúc. Hành động này đã chứng minh được rằng cô là người làm chủ mọi hành động của mình, là dấu hiệu rõ ràng của một người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân.
Tóm lại, một trong những cám dỗ lớn nhất mà ta phải đối mặt trong cuộc sống là ta tin rằng bất kỳ chiếc mặt nạ nào ta đeo cũng là thật. Cho dù đó là chiếc mặt nạ mà người khác áp đặt lên ta hay tự ta tạo ra, không có chiếc mặt nạ nào trong số đó là thật cả. Chẳng hạn, nếu mọi việc trong cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp và ta đang thành công trong công việc hoặc đạt được những mục tiêu mong muốn, cái tôi của ta có thể sẽ xây dựng hình mẫu “người thành đạt” và muốn duy trì hình mẫu đó (chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về những cạm bẫy có liên quan đến điều này ở chương tiếp theo). Ngược lại, khi mọi việc không diễn ra đúng ý ta, tiếng nói ký sinh có thể vang vọng trong ta lớn đến mức khiến ta bị thôi thúc muốn đeo chiếc mặt nạ khắc họa hình ảnh “người thất bại” hay “người vô dụng”.
Trong tất cả các trường hợp này, nếu trước đó ta đã thực hành nâng cao nhận thức của bản thân thì ta có thể nhớ lại được bản thể chân thật của ta là năng lượng thiêng liêng to lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ chiếc mặt nạ nào. Bất cứ khi nào ta quên mất sự thật này và tin rằng chiếc mặt nạ là con người thật của ta thì đau khổ và ảo tưởng chắc chắn sẽ xuất hiện. Người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân chỉ xem các mặt nạ như phương tiện cần thiết cho cuộc sống và sử dụng chúng một cách hiệu quả để giúp ích cho đời sống của mình. Chính vì ta không đánh đồng bản thân với bất kỳ chiếc mặt nào, cho nên ta có thể dễ dàng tháo chúng ra và quay về với con người thật của mình khi thời gian đeo mặt nạ kết thúc.
Xác định những chiếc mặt nạ ta đang đeo
Những chiếc mặt nạ tạo cơ hội cho chúng ta thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và tâm hồn của nhau. Trong tất cả các mặt nạ mà chúng ta đang đeo, những chiếc mặt nạ đại diện cho vai trò cụ thể của chúng ta trong xã hội là loại mặt nạ mà chúng ta cảm thấy khó khăn nhất khi tách bản thân ra khỏi chúng. Những vai trò này gồm có làm cha mẹ, con cái, nhân viên, học sinh, sinh viên,... Hãy nghĩ về các vai trò của mình trong cuộc sống và viết chúng ra giấy.
Việc viết ra giấy có thể giúp ta nhìn nhận những chiếc mặt nạ này đúng nghĩa là các vai trò của ta hơn là đánh đồng chúng với con người thật của mình. Tiếp theo, hãy kiểm tra danh sách vừa viết và trả lời các câu hỏi sau đây:
• Có vai trò nào trong danh sách này mà ta muốn thay đổi hay loại bỏ hay không?
• Để làm như thế thì ta cần thực hiện các bước nào?
*
Tôi là ai?
Hầu hết tất cả các trường phái tâm linh đều đặt ra một câu hỏi quan trọng nhất cho mỗi người, đó là “Tôi là ai?”. Theo người Toltec, câu trả lời là “Bản thể chân thật” (hay “Bản thể thiêng liêng”), bởi vì đây là cách gọi sát nghĩa nhất có thể để nói lên chân lý về con người. Nhưng thực ra câu trả lời này cũng chưa đầy đủ, bởi vì sự thật về bản chất con người không thể chỉ gói gọn trong vài từ.
Giờ đây khi ta biết rằng không có chiếc mặt nạ nào hay vai trò nào là ta thật sự, hãy dành ra một vài phút để nhìn sâu vào nội tâm của mình. Hãy tự hỏi mình là ai và lắng nghe xem liệu ta có thể tự tìm thấy câu trả lời từ bên trong ta hay không? Câu trả lời đó khó có thể diễn tả được thành lời.
Trước khi kết thúc chương này, chúng ta hãy nhớ lại lời dạy cốt lõi ở những trang đầu tiên: Cuộc đời này là một giấc mộng và tất cả chỉ là ảo ảnh. Vì thế, theo lời dạy của người Toltec, chúng ta hãy tập trung tạo ra những trải nghiệm vui vẻ trong giấc mộng này. Hãy xem cuộc đời là một cuộc dạo chơi! Để làm được điều này, ta phải lập ra các mục tiêu cho mình để có thể sáng tạo ra điều gì đó đẹp đẽ hoặc hoàn thành một việc gì đó đặc biệt trong cuộc sống. Tuy nhiên, ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ nhận ra là ta cần phải có nhận thức rõ ràng về bản thân trước khi đặt ra các mục tiêu cho mình trong cuộc sống. Nếu không nhận thức được điều đó, ta sẽ nhanh chóng biến cuộc đời mình thành một cơn ác mộng. Việc đặt ra các mục tiêu tích cực cho bản thân sẽ giúp ta kết nối với người khác một cách có ý nghĩa và đầy yêu thương, đồng thời kiến tạo được cuộc đời mà ta muốn sống.