Khi người châu Âu lần đầu tiên gặp các bộ lạc thổ dân châu Mỹ thuộc vùng đồng bằng Bắc Mỹ, họ không thể nào hiểu nổi tại sao có một số ít thổ dân có những hành động trái ngược với các thành viên còn lại trong bộ lạc. Những thổ dân này nói “tạm biệt” khi người khác nói “xin chào”, và liên tục đưa ra những lời nói hay hành động trái ngược với thói quen sinh hoạt hằng ngày của bộ lạc. Không thể nhìn thấu ý nghĩa đằng sau hành động của họ, nhóm người châu Âu cảm thấy họ thật buồn cười và gọi họ là “những tên lính hề”.
Nhưng người châu Âu không hiểu được rằng các thổ dân này không hành động như thế để mua vui cho bất kỳ ai. Mà thực ra họ đang đóng một vai trò vô cùng đặc biệt, thậm chí họ còn là các pháp sư trong bộ lạc. Các học giả ngày nay đặt cho họ một cái tên thích hợp hơn là “chiến binh ngược lối” (contrary warrior). Khi nhìn lại vai trò của các chiến binh này, tôi thấy rõ là họ hiểu rằng khi sống trong vô thức thì các hành động lặp đi lặp lại thường ngày sẽ hạn chế khả năng đưa ra các lựa chọn khác nhau của tâm trí. Chính vì họ luôn thể hiện cách phản ứng ngược lại với mọi tình huống trong cuộc sống, cho nên họ liên tục thách thức và kích thích tư duy của những thành viên khác trong bộ lạc, khiến cho những người khác phải thường xuyên nhìn nhận lại những thỏa thuận được đặt ra và xem xét tất cả các lựa chọn cũng như khả năng có thể xảy ra. Đây là điều tôi muốn chia sẻ ở chương này.
Nếu quan sát bản thân và nhiều người khác, ta sẽ nhận ra rằng cả ta và hầu hết mọi người đều đưa ra rất nhiều quyết định trong ngày mà không hề cân nhắc về tất cả các lựa chọn có sẵn. Và chuyện này dường như là bình thường đối với hầu hết mọi người. Ví dụ, ta đi làm trên con đường nào mỗi ngày hay bàn tay nào cầm bàn chải đánh răng đều là những quyết định tự nhiên mà không cần suy nghĩ. Đó là những thói quen hằng ngày đi kèm với kết quả được biết rõ từ trước, cho nên ta cũng giống như hầu hết mọi người đều không suy nghĩ nhiều mỗi khi đưa ra quyết định hay hành động. Kết quả là, ta có thể dễ dàng trải qua một ngày mà không cần cân nhắc hay thậm chí ý thức về các khả năng khác có thể xảy ra trong cuộc sống, cho tới một ngày nọ ta phải đi đường vòng vì con đường đi làm quen thuộc bỗng xuất hiện một công trường xây dựng hay ta bị trật cổ tay nên phải đánh răng bằng tay còn lại.
Mặc dù việc đưa ra các quyết định một cách vô thức dường như có thể chấp nhận được đối với những việc nhỏ nhặt thường ngày trong cuộc sống, nhưng nếu không cẩn thận thì ta có thể sẽ dần bắt đầu sống vô thức như một cái máy trong nhiều lĩnh vực khác quan trọng hơn. Nói cách khác, khi ta hình thành thói quen quyết định một cách vô thức dựa trên các lựa chọn nhỏ, có thể ta sẽ càng gặp khó khăn hơn trong việc dừng lại và suy ngẫm về các lựa chọn lớn hơn đang bày ra trước mắt, đặc biệt là khi các bám chấp và hệ tư tưởng đang tìm cách kiểm soát ta. Người Toltec gọi đây là trạng thái “sống trong vô thức”.
Chúng ta có cơ chế phản xạ tự động nhằm đưa ra một số quyết định vô thức trong những tình huống nguy hại đến sự an toàn của cơ thể. Ví dụ như khi bị sẩy chân lúc leo núi, ngay lập tức cả tâm trí và cơ thể sẽ phối hợp với nhau theo bản năng để giúp ta kịp thời bám vào mỏm đá trước khi rơi xuống. Tất cả chúng ta đều phải công nhận rằng đây là một cơ chế tự động rất hữu ích, là phản xạ tự nhiên của cơ thể. Nhưng hãy so sánh ví dụ vừa rồi với những ví dụ tiếp theo sau đây: Một người hấp dẫn bước vào phòng và ta ngay lập tức nghĩ rằng: “Họ sẽ không bao giờ hứng thú với một người như tôi, không cần trò chuyện với họ thì tôi cũng biết”; hoặc khi thấy một thông tin tuyển dụng, ta tự nói với chính mình: “Tôi sẽ không ứng tuyển công việc này, họ sẽ không thuê một người như tôi”. Thông qua những ví dụ này, ta có thể thấy rằng các bám chấp và hệ tư tưởng đã hạn chế hành động của ta, khiến ta không làm theo mong muốn thực sự của bản thân.
Khác với phản ứng bản năng của cơ thể, việc không dám làm quen người mình thích hay không dám nộp đơn cho vị trí mình ao ước là các hành vi mà ta học được qua quá trình tiếp nhận tư tưởng từ người khác – tư tưởng “mình không đủ tốt”. Nếu ta không nhận ra tư tưởng này, nó sẽ chi phối cuộc sống của ta đến mức ta tự cho rằng bản thân không có quyền đưa ra bất kỳ lựa chọn nào cả. Người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân là người biết nâng cao nhận thức của mình, để từ đó có thể ý thức về những lựa chọn do mình đưa ra và đảm bảo rằng lựa chọn đó phản ánh đúng bản thể chân thật của mình.
Chỉ sau khi nâng cao nhận thức của bản thân thì ta mới có thể biết được ta đưa ra lựa chọn là dựa trên điều ta thực sự muốn hay dựa trên các bám chấp và hệ tư tưởng cũ ràng buộc ta. Nếu nhận thức của ta còn đang mờ mịt, ta sẽ tự đánh lừa bản thân rằng ta không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Trừ khi nhận ra và phá vỡ xiềng xích của quá khứ, ta sẽ không thể chủ động đưa ra bất kỳ hành động nào khác mà chỉ thụ động làm theo những lựa chọn có sẵn. Khả năng tự nhận thức chính là mấu chốt giúp ta hiểu rằng các bám chấp và hệ tư tưởng cũ đã khiến ta tin rằng bản thân không có sự lựa chọn.
“Nhận thức” (awareness) là từ được sử dụng rất nhiều lần trong cuốn sách này. Nhận thức là quá trình hướng sự chú ý của ta vào việc quan sát cơ thể, tâm trí và môi trường xung quanh trong khoảnh khắc hiện tại. Nhận thức là một khả năng độc đáo, bởi vì bên cạnh việc chú tâm vào những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài, thì đồng thời ta cũng quan sát được những gì đang diễn ra bên trong tâm trí mình, cũng như phát hiện ra những suy nghĩ nào đang hiện diện trong ta và nguồn gốc hình thành những suy nghĩ đó. Nhận thức tốt sẽ tạo nền tảng cho khả năng thấu hiểu và làm chủ bản thân, bởi vì đây là cách thức chủ yếu để ta tìm hiểu chính mình: yêu ghét điều gì, các bám chấp và hệ tư tưởng ra sao. Nhận thức chính là sự giao thoa trong suy nghĩ và cảm xúc của ta với môi trường xung quanh.
Quá trình nhận thức suy nghĩ của bản thân và quan sát các suy nghĩ đó đến rồi đi còn mang lại cho ta một giá trị quan trọng khác, đó là cho phép ta nhận ra một sự thật đã được đề cập đến ở chương trước: Suy nghĩ không phải là ta. Suy nghĩ chỉ đơn thuần là tiếng nói của tâm trí. Còn bản chất thực sự của ta là năng lượng có ý thức khiến cho suy nghĩ thành hình. Trong một bài kinh Kena Upanishad (Áo nghĩa thư) cổ xưa của Ấn Độ có những dòng thơ tuyệt đẹp miêu tả bản chất của nhận thức và bản thể chân thật của con người như sau:
Cái mà không thể trông thấy bằng mắt, nhưng nhờ Nó mắt có thể trông thấy được...
Cái mà không thể nghe được bằng tai, nhưng nhờ Nó mà tai có thể nghe được...
Cái mà không thể diễn tả bằng ngôn từ, nhưng nhờ Nó mà ngôn từ có thể diễn tả được...
Cái mà không thể hiểu rõ bằng tư tưởng, nhưng nhờ Nó mà tư tưởng có thể hiểu rõ được...
Cái đó, cái mà không thể trông thấy, không thể lĩnh hội bằng mắt, nhưng nhờ Nó mắt có thể trông thấy và lĩnh hội được...
Sau khi nhận thức rõ hơn về bản thân, ta có thể đưa ra lựa chọn dựa trên mong muốn và ý thích thật sự của mình, thay vì lựa chọn xuất phát từ các bám chấp và hệ tư tưởng cũ. Điều này cho phép ta tự do sử dụng ý chí của mình theo cách tốt nhất để xây dựng cuộc sống cá nhân và thế giới mà ta mong muốn.
Khi thiếu khả năng tự nhận thức bản thân, ta sẽ hành động dựa trên hệ thống niềm tin được hình thành từ các bám chấp và hệ tư tưởng cũ. Điều này có nghĩa là ta không làm chủ được các quyết định của mình, chấp nhận từ bỏ tự do để giữ lấy các niềm tin được gieo vào tâm trí ta. Bị mắc kẹt trong trạng thái vô thức có nghĩa là ta hành động mà không có nhận thức rõ ràng về cuộc sống của chính mình. Lúc này, ta đã từ bỏ con người thật để đổi lấy một phiên bản mà ta nghĩ rằng ta nên trở thành. Khi ta chấp nhận một cuộc sống như thế và không ý thức về các khả năng khác có thể nảy sinh trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, ta sẽ liên tục gặp phải những tình huống giống nhau, đưa ra những lựa chọn như nhau, và rồi thắc mắc vì sao cuộc đời mình lại chẳng có gì mới mẻ.
Những biểu hiện khác của tình trạng sống trong vô thức
Hãy nghĩ đến những người ta gặp mặt thường xuyên. Mỗi lần gặp họ, ta có thực sự nhìn nhận họ đúng với con người họ ngay trong khoảnh khắc hiện tại hay không? Hay ta mặc nhiên cho rằng ta đã biết con người này nên chỉ nhìn nhận họ thông qua hình ảnh phản chiếu trong tâm trí ta? Một cách vô thức thì tâm trí ta đã đưa ra những đánh giá nhất định dựa trên trải nghiệm trước đây của ta với người đó. Do đó, ta đang không nhìn nhận con người thực sự của họ trong hiện tại, mà thay vào đó, tâm trí ta vẫn lưu giữ hình ảnh con người cũ của họ trước đây. Khi nhìn nhận người khác theo cách này, dù người thân thiết với ta có đang thay đổi hay cố gắng để thay đổi đi chăng nữa, thì ta cũng không thể nhìn thấy được sự thay đổi đó.
Điều này không có nghĩa là ta cứ đưa ra quyết định trong hiện tại mà không suy xét đến những trải nghiệm ta có với họ trong quá khứ. Với nhận thức rõ ràng, ta có thể thấy rằng tất cả chúng ta đều đang thay đổi và luôn luôn thay đổi không ngừng. Người đứng trước mặt ta bây giờ không còn là người ta đã gặp gỡ ngày trước. Sự thay đổi của đối phương có thể nhiều hoặc ít, rõ ràng hoặc khó thấy, nhưng chắc chắn là có.
Một hiểu lầm phổ biến khác hay xảy ra với ta là, thay vì vô thức làm theo quán tính cũ thì ta cố tình làm ngược lại và cho rằng mình đang hành động có ý thức. Chuyện này thường xảy ra ở những người đang cố gắng loại bỏ niềm tin hình thành từ thời thơ ấu. Khi ta phản ứng một cách gay gắt – không đồng ý với một tư tưởng nào đó được áp đặt lên ta lúc nhỏ, ta có thể trở nên nổi loạn và làm điều ngược lại. Cho dù ý định của ta có tốt đẹp đến mấy, hành động ngược lại chỉ vì muốn làm khác đi không phải là hành động xuất phát từ sự chủ động của ta đối với cuộc đời mình, mà đó vẫn là một biểu hiện khác của tình trạng sống trong vô thức. Lẽ ra ta phải dành thời gian để xử lý các vướng mắc cũ và buông bỏ quá khứ, rồi từ đó quan sát tất cả các lựa chọn để chọn ra hướng đi mình thực sự mong muốn. Nhưng thay vào đó, ta chỉ đơn giản bác bỏ ý tưởng của người khác và tìm mọi cách để chống đối ý tưởng đó đến cùng. Hành động này có nghĩa là ta vẫn đang cho phép hệ tư tưởng cũ kiểm soát cuộc đời ta, nhưng lần này ở một biểu hiện khác, đó là để cho hành vi chống đối định hình một tính cách khác trong ta.
Cố tình làm điều ngược lại chỉ để phủ nhận ý tưởng của người khác là hành động xuất phát từ nỗi sợ, cho nên bất kỳ lựa chọn nào bị nỗi sợ chi phối đều không phải là lựa chọn có ý thức, được quyết định bởi một người hoàn toàn tự do, cho dù ý định ban đầu có tốt đẹp đến mấy. Tuy nhiên, một khi ta đã xem xét hết tất cả các lựa chọn có sẵn và ta vẫn lựa chọn hướng đi ngược lại, thì lựa chọn mà ta đưa ra là lựa chọn có ý thức chứ không phải là phản ứng chống đối trong vô thức, và lựa chọn này được quyết định khi ta có nhận thức rõ ràng, xuất phát từ tình yêu đối với bản thân thay vì từ nỗi sợ.
Với khả năng tự nhận thức, ta có thể ý thức về tất cả các lựa chọn có sẵn thay vì vô thức làm theo quán tính hoặc cố tình làm ngược lại. Ta không chỉ ý thức về hệ tư tưởng cũ đang kiểm soát các lựa chọn của ta, mà còn ý thức rõ ràng về phản ứng của bản thân với hệ tư tưởng đó. Khi ý thức được cả hai điều này, ta có thể tự do lựa chọn bất kỳ điều gì mang lại hạnh phúc cho ta trong hiện tại.
Chỉ cần một hành động đơn giản là dừng lại một chút trước khi đưa ra bất kỳ hành động hay lựa chọn nào – để ta có thời gian suy ngẫm về điều ta thực sự muốn và điều ta sẽ nhận được từ hành động vô thức – là bước đầu tiên giúp ta thoát khỏi trạng thái vô thức. Nếu ta chịu dành ra một chút thời gian để tập trung vào hiện tại và tự hỏi bản thân rằng “Mình thực sự muốn điều gì ngay lúc này?” thì trong vài trường hợp, câu trả lời có thể mang lại cho ta nhiều bất ngờ.
Khi nhận thức được nâng cao, ta sẽ hiểu rõ hơn về mong muốn và ý thích thực sự của bản thân, đồng thời trở nên chủ động và tự tin hơn trong việc đưa ra các quyết định cho cuộc đời mình. Bên cạnh đó, khi ta ý thức hơn về các bám chấp và hệ tư tưởng của mình, ta sẽ nhận ra các hành động vô thức và những phán xét của ta trong đời sống hằng ngày đều bắt nguồn từ các bám chấp và hệ tư tưởng đó. Đây chính là bước đầu tiên trong quá trình giành lại quyền tự chủ cho cuộc đời và quyền tự do đưa ra các lựa chọn, bởi vì nhận thức càng được nâng cao thì hành động vô thức của ta càng giảm bớt.
Rèn luyện để trở thành người biết làm chủ bản thân
Việc nhận thức rõ ràng được các lựa chọn của mình và đưa ra một lựa chọn khác với trước kia có thể khiến ta cảm thấy sợ hãi, bởi vì ta đang rời khỏi vùng an toàn mà ta đã biết trước kết quả để bước vào một vùng xa lạ. Nhưng biết làm chủ bản thân không có nghĩa là ta không cảm thấy sợ hãi khi đưa ra một quyết định mới (ta hoàn toàn có quyền sợ hãi), đặc biệt là khi quyết định này khiến ta phải vượt qua giới hạn mà ta tự đặt ra cho bản thân để tiến vào một vùng hoàn toàn mới mẻ, xa lạ. Nhưng chỉ ở những nơi mà ta chưa hề biết tới thì sự chuyển hóa bản thân mới thực sự diễn ra. Ngoài ra, còn có sự khác biệt rất lớn giữa việc bất chấp mọi nỗi sợ để đưa ra quyết định cần thiết cho sự phát triển của bản thân với việc cho phép nỗi sợ chi phối quyết định của mình. Đây là sự thật hiển nhiên nhưng mọi người thường không nhận ra.
Khi bắt đầu thực hành những bài tập sau đây, khả năng cao là đôi khi ta sẽ quay về các thói quen cũ và đưa ra các quyết định trong trạng thái vô thức hoặc lựa chọn điều gì đó không xuất phát từ mong muốn thực sự của mình. Vào những lúc như vậy, đừng khắt khe với bản thân. Khi mới bắt đầu kiến tạo cuộc sống mà ta mong muốn, việc quay lại phản ứng cũ là bình thường, bởi luôn có sự dao động qua lại giữa phản ứng vô thức và hành động có ý thức, giữa tình yêu có điều kiện và tình yêu vô điều kiện, giữa hệ tư tưởng cũ và sự tự do. Khi ta học được cách nhận diện các bám chấp và hệ tư tưởng đang ràng buộc mình để giải phóng bản thân khỏi chúng, ta sẽ dễ dàng đưa ra các quyết định dựa trên nhận thức của bản thân. Khả năng tự nhận thức chính là công cụ giúp ta làm chủ được các mối quan tâm của mình và thoát khỏi tình trạng sống trong vô thức, do đó ta cần phải rèn luyện để nâng cao nhận thức và trở thành người có khả năng làm chủ bản thân.
Bài tập “chiến binh ngược lối”
Trong vài ngày tới, bắt đầu từ những việc nhỏ trong cuộc sống, hãy làm những việc đó theo một cách khác so với ngày thường. Chẳng hạn, nếu trước đây ta thường đánh răng bằng tay trái thì bây giờ hãy thử đánh răng bằng tay phải, hoặc xỏ chân vào chiếc giày bên trái trước nếu trước đây ta thường xỏ vào bên phải, hoặc chọn một tuyến đường khác đi đến chỗ làm,...
Mặc dù bài tập này vô cùng đơn giản, nhưng việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp ta đạt được ba điều sau. Thứ nhất, thông qua việc ý thức về tất cả các lựa chọn nhỏ trong ngày và chủ ý đưa ra lựa chọn khác so với trước đây, ta có thể rèn luyện cho tâm trí khả năng tập trung quan sát điều gì đang diễn ra trong hiện tại thay vì để cho tâm trí đi lang thang như trước kia, bởi vì tâm trí thường cho rằng các lựa chọn nhỏ nhặt trong cuộc sống là không quan trọng. Thứ hai, thông qua việc lựa chọn khác đi, bắt đầu từ những việc nho nhỏ trong cuộc sống (có thể ta sẽ cảm thấy thích thú với một vài lựa chọn mới so với các lựa chọn quen thuộc), ta từng bước làm quen với việc tìm hiểu rõ hơn về điều mình thực sự muốn trước khi phải đối mặt với các quyết định lớn hơn trong đời. Thứ ba, thông qua việc đưa ra các lựa chọn khác từ những việc nhỏ nhặt và khám phá thêm nhiều khả năng khác nhau trong cuộc sống, ta sẽ bước vào một vùng mới mẻ mà ta chưa hề biết tới, đó là nơi mà sự chuyển hóa thực sự sẽ diễn ra.
*
Phát triển kỹ năng tự nhận thức
Có rất nhiều điều diễn ra xung quanh ta nhưng phần lớn thời gian ta lại không ý thức được nhiều về chúng, bởi vì giống như những người khác, ta bị cuốn vào các câu chuyện do tâm trí ta tạo ra thay vì hoàn toàn hiện diện trong hiện tại. Đừng tự phê phán bản thân, vì đây là tình trạng chung của mọi người.
Ở bài tập này, ta sẽ bắt đầu phát triển kỹ năng tự nhận thức bằng cách luyện tập kỹ năng quan sát. Ta sẽ cần đến đồng hồ bấm giờ, bởi vì ta sẽ thực hành bài tập này khoảng 2 đến 3 phút trước, rồi từ từ tăng thời gian lên 15 đến 20 phút sau.
Hãy đọc các bước hướng dẫn dưới đây một hoặc hai lần để ghi nhớ, tiếp theo cài đặt thời gian mình mong muốn, rồi sau đó thực hành từng bước một theo trí nhớ của mình. Đừng lo lắng nếu ta không thể nhớ hết tất cả các bước, mỗi lần thực hành sẽ giúp ta ghi nhớ tốt hơn.
1. Ngồi thả lỏng trong một căn phòng yên tĩnh. Tắt hết các thiết bị điện tử xung quanh có khả năng làm ta xao nhãng như tivi hay radio. Đặt hẹn giờ và nhắm mắt lại.
2. Chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại. Để làm được điều này, đầu tiên hãy ý thức rằng trong vài phút tới ta không cần phải nghĩ về tương lai hay quá khứ. Ban đầu tâm trí ta thường sẽ phản kháng lại ý tưởng này, bởi vì nó thích chạy về quá khứ và nhảy tới tương lai hơn là thực sự tập trung vào hiện tại.
3. Khi ngồi im lặng tập trung vào hiện tại, hãy chú tâm đến đôi tai của mình và lắng nghe những âm thanh xung quanh mà ta nghe được, chẳng hạn như tiếng kêu ro ro phát ra từ tủ lạnh, tiếng đồng hồ kêu tích tắc, tiếng chim ríu rít từ xa, và cả tiếng thở của mình. Đây là những âm thanh mà tâm trí ta thường bỏ qua vì nó cho là chúng “không quan trọng”. Nếu ta lắng nghe thật kỹ, ta có thể nghe được cả sự tĩnh lặng đằng sau những âm thanh này.
4. Sau khi ngồi im và lắng nghe mọi tiếng động đang diễn ra xung quanh trong khoảnh khắc hiện tại, giờ đây ta hãy chú tâm vào bên trong. Hãy cảm nhận tất cả các vùng trên cơ thể, hướng sự chú ý thoát khỏi sự kiểm soát của trí não, sau đó rà soát toàn bộ cơ thể từ trên xuống dưới. Lúc này, ta không phải là tâm trí của mình mà còn hơn thế nữa. Cảm nhận xem có vùng nào đang căng cứng, nặng nề hay không thoải mái hay không. Tiếp theo, chú tâm đến hơi thở. Mỗi ngày một người hít thở trung bình khoảng 20.000 lần, và có rất nhiều ngày chúng ta không hề chú ý đến hơi thở của mình dù là một lần. Khi hít vào, hãy dẫn hơi thở của mình đi đến các vùng ta cảm thấy căng cứng, nặng nề hoặc không thoải mái, và hãy hình dung rằng khi ta thở ra thì tất cả những cảm giác khó chịu đó sẽ cùng với hơi thở đi ra khỏi cơ thể. Cứ thế tiếp tục ngồi yên tập trung vào hiện tại, mắt vẫn nhắm, không quan tâm đến quá khứ và tương lai, lắng nghe thế giới bên ngoài và cảm nhận toàn bộ cơ thể.
5. Trong suốt quá trình này, hãy chú ý đến những suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí ta. Đừng cố chống lại hay kiểm soát bất kỳ suy nghĩ nào, nhưng nếu ta ý thức rằng mình đang bị cuốn theo dòng suy nghĩ đó thì chỉ cần kéo sự chú ý của mình quay về hiện tại, tiếp tục lắng nghe thế giới bên ngoài đồng thời cảm nhận hơi thở và toàn bộ cơ thể của mình. Khi chuông hẹn giờ vang lên, hãy mở mắt ra và mang theo trải nghiệm vừa rồi vào cuộc sống – trải nghiệm về việc sống tỉnh thức trong hiện tại.
Sau khi kết thúc bài tập này, hãy lập ra một danh sách về các suy nghĩ vừa xuất hiện. Loại suy nghĩ nào chiếm đa số? Các suy nghĩ phổ biến nhất chính là dấu hiệu cho ta thấy điều gì quan trọng đối với ta, cũng như giúp ta nhận ra các mặt nạ khác nhau mà ta đang đeo khi tương tác với người khác. Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm “đeo mặt nạ” là gì và cách thức đúng đắn khi sử dụng các loại mặt nạ.