Trên con đường trở thành người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân, ta cần ý thức được rằng mình đang sống trong một giấc mộng, vừa là giấc mộng của cá nhân vừa là giấc mộng của tập thể. Một khi nhận ra tất cả chỉ là giấc mộng, chúng ta mới có thể chú ý đến những điều tạo nên cơn ác mộng cho chúng ta, đặc biệt là các bám chấp và hệ tư tưởng được nuôi dưỡng bởi tình yêu có điều kiện. Chúng ta cũng học được rằng phép màu phá tan cơn ác mộng này chính là tình yêu vô điều kiện, và mấu chốt để mở ra tình yêu vô điều kiện trong ta nằm ở sự tha thứ của ta dành cho người khác và cho chính bản thân mình.
Khi lựa chọn sống giữa đời thường và tương tác với người khác thay vì sống ẩn dật trong một tu viện tách biệt, chắc chắn ta sẽ gặp phải nhiều tình huống có khả năng lôi kéo sự chú ý của ta và khiến ta rơi vào trạng thái mất cân bằng. Thế giới này chứa rất nhiều các loại cạm bẫy như thế, và khi rơi vào bẫy, ta sẽ mất dần nhận thức rồi lạc lối vào làn khói cũng như những thị phi rắc rối của cuộc đời.
Một trong những điều quan trọng nhất để trở thành người biết làm chủ bản thân là học cách xác định các tác nhân khiến ta rơi vào bẫy và biết cách lèo lái bản thân thoát khỏi những cạm bẫy trong cuộc sống đang chực chờ lôi kéo ta. Vì vậy, thấu hiểu cảm xúc của bản thân là điều rất quan trọng.
Thấu hiểu cảm xúc của bản thân
Cảm xúc của chúng ta là người bạn đồng hành tuyệt vời. Việc kết nối với cảm xúc cho phép ta trải nghiệm cuộc đời một cách trọn vẹn nhất. Khi ta có thể nhận diện được các cảm xúc của chính mình, chúng sẽ là các vị thầy dạy cho ta nhiều bài học khác nhau trong cuộc sống. Chúng chỉ ra cho ta thấy ta thích gì và không thích gì, điều gì thực sự quan trọng với ta và điều gì không. Chúng còn có thể là các hướng dẫn viên tuyệt vời giúp ta khám phá việc ta cần làm trong cuộc đời này là gì.
Chẳng hạn, khi phải đối mặt với một quyết định quan trọng và ta không chắc mình nên làm gì tiếp theo, có một cách có thể giúp ích cho ta là tập trung vào cảm xúc của mình đối với từng lựa chọn, thay vì bị cuốn vào câu chuyện rối rắm đang diễn ra trong tâm trí. Khi ta dần hiểu bản thân hơn, việc xem xét đánh giá các lựa chọn theo cách này sẽ trở thành một công cụ hiệu quả giúp ta nhận ra điều bản thân thật lòng mong muốn. Theo cách nói thông thường, đây là hành động “lắng nghe con tim thay vì lý trí”, nhưng thực sự đây chính là hành động thấu hiểu và làm chủ bản thân.
Cảm xúc của ta còn có thể cho ta thấy những vấn đề nảy sinh từ quá trình bị áp đặt tư tưởng trong quá khứ mà ta vẫn chưa thoát ra được như: sự tự nghi ngờ bản thân, các bám chấp và nỗi sợ. Đôi khi, ta sẽ không thể nhận ra sự bám chấp của bản thân cho tới khi một sự kiện nào đó châm ngòi khiến cảm xúc của ta bùng nổ. Bất cứ khi nào ta cảm thấy tức giận, bức bối, tội lỗi, xấu hổ, hay bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào, đây là dấu hiệu để ta nhìn sâu vào nội tâm của mình và xem xét điều gì đang thực sự diễn ra. Hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau: Cảm xúc này đến từ đâu? Ta đã từng trải qua cảm xúc này khi nào? Nguồn cơn của cảm xúc này là gì? Một khi ta ý thức được điều gì đang diễn ra bên trong thì ta mới có thể bình tĩnh và kịp thời dừng lại trước khi hoàn toàn mất kiểm soát và khiến tình huống trở nên tồi tệ hơn.
Mặc dù tức giận là một phản ứng phổ biến nhưng nó không phải là phản ứng duy nhất của con người. Ngoài ra, thái độ xa cách, tâm lý phòng vệ, hành vi gây hấn thụ động, cảm giác tội lỗi, hối hận, hoặc các phản ứng không mang lại lợi ích cho ta,... đều là cách ta phản ứng theo cảm xúc và mất đi khả năng nhận thức về con người thật của mình.
Cho dù xu hướng của ta là bị cuốn theo cơn giận, cảm thấy phẫn nộ hay hờn dỗi ngồi im một góc, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tất cả các phản ứng này luôn bắt nguồn từ nỗi sợ – một công cụ kiểm soát của tình yêu có điều kiện. Khi nỗi sợ chiếm lấy ta và gợi lên trong ta một cảm xúc nào đó, điều này có nghĩa là các bám chấp và hệ tư tưởng đang nắm quyền làm chủ và tình yêu vô điều kiện đang bị lãng quên. Biết cách làm chủ bản thân chính là nhận ra thời điểm xuất hiện của cảm xúc và ngay lập tức đặt câu hỏi cho bản thân: “Mình đang sợ hãi điều gì?”. Càng nhanh chóng xác định và loại bỏ được nỗi sợ, ta càng nhanh chóng quay về với bản thể chân thật của mình.
Bất kỳ cảm xúc nào ta trải qua đều là của ta, không phải của bất kỳ ai khác, cho nên cảm xúc xuất hiện để dạy cho ta biết một điều gì đó về chính mình. Người biết thấu hiểu và làm chủ bản thân có thể nhìn thấy đây là một cơ hội đáng để học hỏi và phát triển bản thân, và trong quá trình này ta có thể xử lý những cảm xúc của mình trước khi chúng bộc phát theo cách tiêu cực và gây hại cho cuộc đời của ta hay của nhiều người khác.
Xung đột trong cuộc sống
Thế giới này có hơn bảy tỉ người, mỗi người lại có những mong muốn khác nhau về cuộc sống. Vì vậy, việc xảy ra bất đồng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những bất đồng này vẫn có thể phục vụ cho một mục đích rất lành mạnh – đó là thách thức mỗi người trong chúng ta phải liên tục phát triển và cải thiện cuộc sống của bản thân. Khi một cá nhân vì một điều bất đồng nào đó mà nảy sinh cảm xúc tiêu cực, thì khả năng để cá nhân đó có thể nhìn nhận sự việc dưới góc độ của người còn lại là hầu như không, và thế là xung đột nổ ra. Cảm xúc tiêu cực nảy sinh khiến ta bị bế tắc và không thể làm gì tiếp theo cho tới khi ta tìm hiểu thật kỹ cảm xúc này đang nhắn nhủ với ta điều gì.
Dù ta thấu hiểu và biết làm chủ bản thân đến mức độ nào, thậm chí siêng năng thực hành các phương pháp này trong nhiều năm, ta vẫn sẽ gặp thử thách từ những tình huống và con người khác nhau xuất hiện trong cuộc đời ta. Đó là những người thực sự có khả năng chọc ta điên tiết lên, và việc tương tác với họ có thể khiến ta dễ bộc phát cảm xúc của mình. Mặc dù trong nhiều trường hợp, ta có thể chủ động tránh xa họ, nhưng vẫn sẽ luôn xuất hiện những tình huống ta không thể nào nhắm mắt làm ngơ mà phải tìm cách xử lý ngay tại thời điểm đó.
Khi gặp những tình huống như vậy, ta cần đặt ra cho bản thân những câu hỏi sau: Ta có thể kết nối với người khác mà không để bản thân bị lôi kéo vào các thị phi rắc rối hay không? Ta có thể vừa kiên định là chính mình vừa thể hiện sự tôn trọng với đối phương hay không? Nếu ta tìm ra được lý do vì sao đối phương lại có thể châm ngòi cảm xúc của ta, việc này sẽ giúp ta đạt được trạng thái cân bằng dễ dàng hơn – trạng thái của một người vừa làm chủ bản thân, vừa giữ vững được ý chí của mình, vừa yêu thương tất cả mọi người vô điều kiện. Cứ nghĩ mà xem, trong hơn bảy tỉ người trên thế giới này, ta gặp được một người có khả năng làm ta bộc phát cảm xúc dữ dội hơn những người khác. Đây là một món quà vô cùng đặc biệt mà người đó mang lại cho ta, và khi ta phát hiện ra được nguyên nhân đằng sau chuyện này, ta sẽ không còn phản ứng như vậy nữa. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, nguyên nhân ẩn đằng sau sẽ là một trong ba nguyên nhân bên dưới (trong vài trường hợp có thể có nhiều hơn một nguyên nhân). Hãy cùng nhau tìm hiểu từng nguyên nhân cụ thể:
1. Hệ tư tưởng cũ: Có khả năng là đối phương hay tình huống đang diễn ra đã gợi nhắc ta về một ai đó trong quá khứ từng tìm cách áp đặt tư tưởng của họ lên ta. Cho dù ta không hoàn toàn nhớ chính xác đó là sự kiện nào, nhưng tiềm thức hay ký ức của ta đang liên tưởng đến sự áp đặt đó. Kết quả là, nhận thức của ta về tình huống hiện tại bị bóp méo bởi hệ tư tưởng hình thành trong quá khứ. Từ đó, dù có ý thức hay vô thức thì tâm trí ta đã xem đối phương là một mối đe dọa tiềm ẩn.
Nếu ta có thể xâu chuỗi các sự việc và nhận ra rằng nguyên nhân ta cảm thấy khó chịu với đối phương xuất phát từ trải nghiệm đã diễn ra trong quá khứ chứ không phải từ tình huống đang diễn ra trong hiện tại, ta sẽ giành lại năng lực tự chủ của mình và không cho phép đối phương làm mình tức giận.
Khi hiểu rằng phản ứng của ta bị kích thích bởi một ký ức hay tình huống trong quá khứ có sự tương đồng với những gì đang diễn ra trong hiện tại, ta có thể tìm cách tha thứ và giải thoát bản thân ra khỏi những tổn thương tâm lý do người khác gây ra trong quá khứ, đồng thời có thể nhìn nhận tình huống hiện tại qua lăng kính mới tốt đẹp hơn. Và ta sẽ không còn bị ám ảnh bởi bóng ma quá khứ nữa.
2. Sự phản chiếu: Người khác chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của chúng ta. Những phần mà ta không thích ở bản thân sẽ được phản ánh rõ nét nhất thông qua người khác – người sở hữu chính xác những phần đó. Nói cách khác, ta có thể nhìn thấy một phần con người mình từ người khác mặc dù ta không ý thức được điều này. Đây là sự thật có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người, và một số người có thể không đồng ý với sự thật này. Nhưng khi quan sát sâu hơn ta sẽ thấy rằng, bất kỳ tính cách nào mà ta không thích ở người khác thì tính cách đó thường tồn tại với một mức độ nhất định ở trong ta. Chẳng hạn, nếu ta bắt gặp ai đó nói dối và điều đó khiến ta khó chịu khủng khiếp, thì có phải trong quá khứ có thời điểm ta cũng từng nói dối hay không? Nếu ta thấy mình đang than phiền về những khuyết điểm của bạn bè, thì có thể ta cũng có bấy nhiêu khuyết điểm tương tự. Đây là một sự thật khó có thể chấp nhận được ngay lập tức, nhưng sự thật này có thể giúp ta hóa giải bất kỳ phản ứng tiêu cực nào xuất hiện trong lúc ta tương tác với người khác, bởi vì nó cho phép ta nhìn nhận người khác như chính bản thân mình.
3. Lòng bám chấp: Khi một người có khả năng kích động cảm xúc trong ta, nguyên nhân có thể là do ta quá bám chấp, mong muốn bảo vệ một niềm tin nào đó và ta cảm thấy đối phương là mối đe dọa đối với niềm tin đó. Vì vậy, khi ta cứ chấp nhất với niềm tin của mình, xung đột chắc chắn sẽ xảy ra.
Mặc dù có một vài niềm tin thực sự cần được bảo vệ, đặc biệt là khi các niềm tin ấy liên quan đến hạnh phúc của ta và người khác, nhưng thường thì xung đột không xảy ra đối với các niềm tin kiểu này. Có sự khác biệt giữa việc bảo vệ niềm tin liên quan đến hạnh phúc của bản thân và việc cố chấp bảo vệ niềm tin nuôi dưỡng cái tôi. Nhận biết được sự khác biệt giữa hai loại niềm tin này, đồng thời tôn trọng những niềm tin khác biệt của mọi người xung quanh là cách thức giúp ta thoát khỏi sự bám chấp với các niềm tin bắt nguồn từ cái tôi, cũng như giúp ta có thể tôn trọng góc nhìn của người khác.
Biến hiểu biết thành hành động
Lần tới khi rơi vào một tình huống mà ta cảm thấy nỗi tức giận, lo lắng, tội lỗi, buồn bã,... đang bắt đầu dâng lên trong ta, bước đầu tiên ta cần làm chính là nhận diện cảm xúc của bản thân. Hãy thừa nhận sự tồn tại của các cảm xúc đó và chấp nhận rằng chúng đang diễn ra bên trong mình. Việc xác định và thừa nhận các cảm xúc của bản thân thường giúp ta trở nên bình tĩnh hơn, để có thể bắt đầu quá trình vượt qua các cảm xúc đó. Tiếp theo, ta cần tự hỏi chính mình:
• Cảm xúc này ở đây để cho ta thấy điều gì?
• Lời nói và hành động của người khác đã gợi lên nỗi sợ nào trong ta?
• Ta đang cố gắng kiểm soát điều gì và tại sao?
Trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời thường rơi vào ba nhóm nguyên nhân là hệ tư tưởng, sự phản chiếu và lòng bám chấp.
Người biết làm chủ bản thân sẽ biết rằng bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào xuất hiện cũng đều là một món quà ý nghĩa, một cơ hội để khám phá bản thân, bởi chẳng có ai chịu trách nhiệm cho cảm xúc của ta ngoài chính ta. Xin nhắc lại lần nữa, chẳng có ai chịu trách nhiệm cho cảm xúc của ta ngoài chính ta. Người khác có thể nói hay làm bất kỳ điều gì họ thích, và chỉ những gì diễn ra bên trong ta mới là kết quả của những gì ta suy nghĩ và cảm nhận.
Đôi khi, ta có thể gặp phải một tình huống mà cảm xúc tiêu cực trỗi dậy nhưng ta không thể xác định ngay lập tức cảm xúc tiêu cực đó đến từ đâu, và thậm chí cho dù ta có thể xác định được đi chăng nữa thì ta vẫn không thể vượt qua cảm xúc tiêu cực đó vì nó đang dần phát triển mạnh lên trong ta. Trong trường hợp này, hãy kiềm chế bản thân ngay khoảnh khắc ấy, không nói hay làm bất kỳ hành động nào (nếu hoàn cảnh cho phép). Hãy tạm rời khỏi tình huống đó cho đến khi ta trở nên sáng suốt hơn. Đừng nghe theo bất kỳ ai nói rằng việc làm chủ bản thân không cần đến sức mạnh ý chí, bởi vì trong một vài tình huống nhất định, việc kiềm chế bản thân có thể đòi hỏi ta phải tập trung toàn bộ sức mạnh ý chí.
Trong trường hợp ta không thể rời khỏi tình huống đang diễn ra, mà bắt buộc phải đối mặt trực tiếp với người hay sự việc đang châm ngòi cảm xúc trong ta để xử lý tình huống đó ngay lập tức, đây là lúc ta cần đến sức mạnh của sự tôn trọng và tình yêu vô điều kiện. Hãy dùng ý chí để nhắc bản thân nhớ rằng đối phương xứng đáng có được sự tôn trọng từ ta, ta không có quyền quyết định thay cho họ và áp đặt mong muốn của ta lên họ cho dù ta không có cùng lập trường với họ. Hãy nhớ rằng đối phương đang nhìn nhận cuộc đời qua lăng kính riêng, dù bản thân họ có bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng nào đó hay không. Bằng cách duy trì sự tôn trọng và tình yêu vô điều kiện, ta có thể giữ bình tĩnh và nói lên sự thật một cách đầy yêu thương.
Xin nhắc lại, trước khi nói bất kỳ lời nào với đối phương, ta cần tự vấn chính mình: Điều ta sắp nói có thực sự xuất phát từ bản thân ta không, hay nó xuất phát từ niềm tin và hệ tư tưởng mà ta tiếp nhận từ người khác? Nếu lời nói của ta thể hiện sự áp đặt và đưa ra điều kiện thì ta cần phải nhìn sâu vào bên trong mình để tìm cách nói khác. Còn nếu ta hoàn toàn nhận thức rõ ràng về chính mình thì bất kỳ lời nào ta nói ra cũng đều đúng đắn. Hãy nhớ rằng, tình yêu vô điều kiện không có nghĩa là nói ra những điều khiến đối phương đồng tình hay thích thú, mà tình yêu vô điều kiện có nghĩa là trong những giây phút ta không thể kiểm soát được quan điểm hay phản ứng của đối phương, ta vẫn nhớ rằng ta có thể kiểm soát được chính mình.
Đôi khi việc rời đi và không quay lại tình huống trước đó là sự lựa chọn tốt nhất để tránh xảy ra thêm xung đột. Khi đối phương không còn tôn trọng ta nữa thì họ sẽ tìm cách áp đặt ý muốn của họ lên ta. Để duy trì sự tôn trọng với bản thân, hành động khôn ngoan nhất chính là rời đi trước khi ta bị cảm xúc chi phối hoàn toàn, tránh được những lời nói hay hành động khiến ta hối hận về sau. Rời đi theo cách này không đồng nghĩa với việc chạy trốn khỏi vấn đề hay cảm xúc của mình, mà đó là quyết định thận trọng xuất phát từ nhu cầu chăm lo cho bản thân, bởi vì cho dù ta có tiếp tục tham gia vào cuộc xung đột thì cũng không giúp ích được gì cho cả đôi bên. Theo lời của một bậc thầy võ thuật, tâm trí của ta chính là tuyến phòng thủ đầu tiên và là vũ khí lợi hại nhất. Việc dùng nắm đấm để tự vệ mà không sa đà vào sự hiếu chiến đòi hỏi ta phải có tính kỷ luật. Hãy luôn luôn ý thức về sự khác biệt rõ rệt giữa tôn trọng bản thân và hung hăng thô bạo.
Nếu không áp dụng cách thức trên thì ta sẽ rơi vào trường hợp cho phép cảm xúc điều khiển mình, bộc phát cơn giận dữ, hay phòng vệ thái quá,... Lúc này, ta đã bị cuốn theo các thị phi rắc rối của cuộc đời và lạc lối trong làn khói che mờ nhận thức. Những hành vi kiểu này luôn mang đến một kết quả duy nhất, đó là ta tự gây ra đau khổ cho bản thân và cho người khác.
Tác nhân châm ngòi cảm xúc
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có một số cách thức mới mẻ có thể châm ngòi cảm xúc của chúng ta. Giả sử hầu hết độc giả đang đọc cuốn sách này đều quen thuộc với các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter,... và cả việc nhắn tin qua mạng. Các phương tiện truyền thông mạng xã hội và tin nhắn điện tử đã kết nối chúng ta theo những cách chưa bao giờ thấy trước đây. Mặc dù mạng xã hội có thể giúp ta giữ liên lạc với những người thân thiết, nhưng nó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho việc bộc lộ cảm xúc thông qua các cuộc đối thoại trên mạng. Do đó, các mạng xã hội đôi khi giống như một bãi mìn cảm xúc hơn là một sân chơi trực tuyến.
Tin tốt là công nghệ mang lại cho ta các công cụ giá trị để ta có thể tự khám phá thêm nhiều điều về bản thân, bởi vì ta có thể nhận thấy các giả định của ta về người khác. Nói cách khác, bởi vì ta không thể nhìn thấy biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của người khác khi họ đăng bài trên mạng xã hội hay khi họ gửi tin nhắn, cho nên phản xạ đầu tiên trong tâm trí ta là đưa ra một giả định nào đó về họ dựa trên sự phóng chiếu của ta. Bằng cách này, ta đã phóng chiếu một loại cảm xúc nào đó lên một bình luận, một bài đăng, hay một tin nhắn mà đó có thể không phải là chủ ý thực sự của người viết. Sử dụng mạng xã hội và tin nhắn trực tuyến cho phép ta nhìn ra được liệu cảm xúc được ta phóng chiếu hoặc giả định có đúng là cảm xúc mà người khác thực sự bộc lộ ra một cách có chủ ý hay không, và kiểm tra được các giả định đó xuất phát từ các bám chấp và hệ tư tưởng nào đang tồn tại trong ta.
Hãy nhớ rằng biết làm chủ bản thân không có nghĩa là làm một con rô-bốt không có cảm xúc, hay trở thành người không bao giờ đón nhận và thể hiện cảm xúc ra ngoài. Nhưng một khi ta để cho cảm xúc bộc phát một cách thiếu kiểm soát thay vì biểu đạt một cách có ý thức, việc luyện tập những phương pháp trên sẽ giúp ta nhanh chóng kiểm soát được tình huống. Nhận diện được các cảm xúc của bản thân như giận dữ, ghen tuông, oán giận, buồn bã,... cho phép ta có thể nhìn thấy sự thật đằng sau cảm xúc của mình ngay tại thời điểm đó. Có thể phải sau vài đêm trằn trọc mất ngủ ta mới nhận ra sự thật này, nhưng một khi đã nhận ra thì tâm trạng trượt dốc không phanh sẽ chấm dứt ngay lập tức. Khi ta tìm ra nguồn gốc làm nảy sinh các cảm xúc của mình (thường đến từ hệ tư tưởng cũ trong quá khứ hay sự bám chấp trong hiện tại), ta có thể sử dụng sự hiểu biết đó để chuyển hóa bản thân.
Mỗi khi ta rơi vào cạm bẫy của cuộc sống và phản ứng một cách tiêu cực thay vì bình tĩnh, hãy tự hỏi bản thân rằng ta đang sợ hãi điều gì. Từ đó, ta có thể nhìn sâu hơn vào nội tâm của mình để xác định xem nỗi sợ đó đến từ đâu. Cảm xúc sẽ luôn bộc phát một cách tiêu cực và nắm quyền chi phối con người ta cho tới khi nào ta giải quyết được nỗi sợ ẩn sâu bên trong. Tin tốt là một khi ta nhận ra mình sợ hãi điều gì và vượt qua được nỗi sợ đó, ta có thể kiểm soát tình huống đang diễn ra.
Giải quyết xung đột
Trong cuộc sống, thường thì người khác sẽ không hành động theo ý ta hay theo cách mà ta nghĩ họ cần phải làm. Không phải lúc nào họ cũng sẽ đồng tình với ý tưởng hay niềm tin của ta. Vậy ta sẽ phản ứng như thế nào khi người khác không hành xử theo cách ta mong muốn? Ta có tìm cách áp đặt ý muốn của ta lên họ và bắt họ phải đồng tình với quan điểm của ta hay không? Hay liệu ta sẽ chịu nhường một bước và tôn trọng góc nhìn của họ?
Bài tập thực hành sau đây sẽ giúp ta tìm ra hướng giải quyết. Đầu tiên, hãy nghĩ về bất kỳ xung đột nào xảy ra gần đây, giữa ta và một người nào đó trong gia đình, nơi làm việc, trường học,... bất kỳ tình huống nào mà ta và đối phương nảy sinh quan điểm trái ngược nhau. Hãy kể lại một cách ngắn gọn ra giấy và trả lời các câu hỏi sau đây:
• Trong cuộc xung đột, ta đang bắt đối phương phải nghe theo niềm tin nào của mình? (Mục tiêu ở đây không phải là đánh giá niềm tin ấy đúng hay sai mà ý thức được rằng niềm tin mà ta đang áp đặt lên người khác là gì?).
• Ta biết niềm tin này đến từ đâu không?
• Ta có muốn tiếp tục giữ lấy niềm tin này hay không? Không có câu trả lời đúng hay sai ở đây. Dù niềm tin này có đúng với ta hay không thì đều không thành vấn đề, bởi điều quan trọng là ta biết được câu trả lời của bản thân để từ đó ta không cần tiếp tục đấu tranh cho niềm tin không còn đúng với ta nữa – niềm tin mà trước đây ta đã tiếp nhận từ người khác.
• Ta đối xử với đối phương như thế nào khi họ không đồng tình với ta?
• Ta có tôn trọng góc nhìn của họ hay không, hay ta cố ép họ nhìn nhận mọi thứ theo cách của ta?
• Niềm tin của đối phương trong chuyện này là gì? Vẫn là tình huống đó nhưng ta có thể nhìn nhận mọi chuyện dưới góc độ khác hay không? Ta có thể hiểu được vì sao họ thấy niềm tin của họ là đúng hay không?
• Ta muốn hành xử như thế nào vào lần tới khi xung đột tương tự xảy ra? Có cách nào để ta có thể trao đổi với đối phương mà vẫn là chính mình và không tìm cách thay đổi hay áp đặt họ?
Khi có thể thấu hiểu và làm chủ bản thân, ta biết rằng mình không thể nào né tránh tất cả mọi xung đột trên đời. Cho nên, khi xung đột xảy ra, việc của ta là nhìn sâu vào nội tâm để xác định điều gì đúng với mình ngay lúc đó và tìm ra cách giải quyết hợp lý, vừa có thể tôn trọng niềm tin của mình vừa có thể tôn trọng sự lựa chọn và niềm tin của người khác. Hãy thực hành bài tập này mỗi khi có xung đột xảy ra.
*
Sức mạnh chuyển hóa của việc lắng nghe
Bài thực hành sau đây sẽ giúp ta giữ vững kết nối với cảm xúc của mình. Trọng điểm của bài thực hành là lắng nghe những người có niềm tin và giá trị khác biệt với ta.
Hãy chọn ra một người thân thiết và đặt một câu hỏi về chủ đề mà ta biết rằng cả hai đều bất đồng quan điểm. Sau đó hãy lắng nghe đối phương. Đây không phải lúc để chia sẻ quan điểm cá nhân của ta, mà ta chỉ cần tập trung vào việc lắng nghe họ nói. Sau đó, nhờ họ mở rộng thêm quan điểm của họ mà không tỏ ra thách thức hay coi thường họ. Trong lúc họ đang nói, ta hãy làm những điều sau đây:
Quan sát ngôn ngữ cơ thể của đối phương: Để ý xem nét mặt và cách cư xử của họ thay đổi như thế nào khi họ chỉ đơn thuần chia sẻ quan điểm thay vì tìm cách thuyết phục hoặc thay đổi ta. Ta cảm thấy như thế nào khi thái độ của họ có sự khác biệt giữa việc chia sẻ kiến thức với ta và cố gắng thuyết phục ta? Ta có thể cảm nhận được sự khác biệt trong mình hay không? Ta sẽ dần thấy rằng phản ứng của ta đối với chủ đề đang được đề cập không bắt nguồn từ quan điểm của đối phương mà là từ nội tâm của chính ta.
Tìm cách thấu hiểu góc nhìn của đối phương: Trong lúc lắng nghe, hãy nhớ rằng họ có hệ tư tưởng và những trải nghiệm riêng tạo nên thế giới quan của họ hiện tại. Thay vì đánh giá quan điểm của họ là sai lầm, hãy thử tìm hiểu xem quan điểm đó đến từ đâu, và thấu hiểu sự chấp nhất của họ đối với quan điểm đó. Ta không cần quan tâm đến chuyện ai đúng ai sai.
Lắng nghe mà không tìm cách đáp trả: Hãy chỉ lắng nghe thôi chứ đừng nghĩ đến việc phản hồi. Nếu trong lúc họ đang nói mà ta lại để tâm vào việc trả lời họ như thế nào thì ta đang không thực sự lắng nghe. Khi không nghĩ về câu trả lời nữa, ta có thể lắng nghe người khác tốt hơn và không bị ảnh hưởng bởi sự phóng chiếu của bản thân.
Thể hiện quan điểm của mình chỉ sau khi đối phương đã nói xong và chỉ khi họ hỏi tới: Đầu tiên, hãy cho đối phương biết rằng ta thực sự trân trọng quan điểm của họ. Tiếp theo, xác định và tóm tắt lại các điểm chính mà ta đồng ý. Việc làm này thể hiện sự tôn trọng của ta dành cho đối phương và cho họ thấy là ta thực sự lắng nghe họ, đồng thời tạo tiền đề cho họ thể hiện sự tôn trọng ngược lại với ta. Bước cuối cùng mới là biểu đạt quan điểm của mình với một thái độ tôn trọng.
Chú ý đến các bám chấp của bản thân: Hãy sử dụng bài tập này như một cách để ta có thể mở lòng chào đón và cảm nhận thế giới từ một góc nhìn khác, dù ta có đồng tình với góc nhìn đó hay không, và chú ý xem nhận thức của ta có đang bị che khuất bởi các bám chấp hay không. Nói cách khác, phải chăng có một vài điều đối phương nói là thực sự đúng?
Quan tâm đến cảm xúc của bản thân: Hãy chú ý xem có bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào dần nảy sinh trong lúc ta đang lắng nghe người khác hay không? Ví dụ như ta có cảm thấy sợ hãi, tức giận, hay buồn bã không? Nguồn gốc của các cảm xúc này là gì? Nếu chúng xuất hiện vì ta, thì việc tìm ra nguyên nhân khởi sinh các cảm xúc đó sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp cho ta.
Nếu ta thực hành bài tập này với gia đình và bạn bè thì bài tập này sẽ giúp ta tương tác với người khác bằng thái độ tôn trọng và nhận thức rõ ràng về cảm xúc của bản thân. Nếu chưa thể thực hành với gia đình thì hãy bắt đầu với bạn bè trước rồi từ từ đến người thân trong gia đình sau. Điều này không chỉ giúp ta xây dựng sự tôn trọng đối với người khác, mà còn khiến ta nhận thức tốt hơn về các niềm tin và bám chấp đang tác động đến cuộc đời ta. Bên cạnh đó, ta cũng có thể trở nên cởi mở hơn đối với những người không giống ta hay có thế giới quan khác với ta, rồi dần dần ta có thể chấp nhận tất cả mọi người một cách vô điều kiện và không có bất kỳ thành kiến nào.
*
Rèn luyện ý chí
Khi cảm xúc bắt đầu trỗi dậy trong ta, có thể ta sẽ phải tập trung và sử dụng toàn bộ sức mạnh ý chí để không bị cuốn theo cảm xúc và rơi vào cạm bẫy của nó. Bài tập sau đây của người Toltec được thiết kế không chỉ để rèn luyện ý chí mà còn giúp ta bình tâm.
Hãy tìm một chiếc ghế dựa có lưng ghế vuông góc với mặt ghế nhằm đảm bảo ta có thể ngồi thẳng lưng. Chọn một chỗ ngồi an toàn để không bị ai quấy rầy và đặt đồng hồ hẹn giờ 5 phút.
Nhắm mắt lại. Tập trung vào hơi thở. Ngồi yên trong vòng 5 phút, không cử động dù là gãi mũi hay điều chỉnh tư thế cho thoải mái hơn. Nếu nhúc nhích thì ta phải hẹn giờ lại từ đầu. Đừng dễ dàng xuôi theo cảm giác thôi thúc muốn cử động của cơ thể.
Trọng điểm của bài tập này là kiểm tra xem ý chí của ta mạnh đến mức nào bằng cách kiểm soát cơ thể, không cho cơ thể cử động. Khi đã kiểm soát được cơ thể, hãy thêm hoạt động dưới đây vào bài tập này.
Lặp lại tất cả các bước trên, nhưng hãy tưởng tượng bản thân đang ngồi một mình bên bờ biển, không có gì ngoài cát, nước biển và ánh mặt trời. Một lúc sau, ta đứng lên và bắt đầu chạy. Hãy hình dung bản thân đang chạy trên bờ biển và cảm nhận dưới lòng bàn chân nào là cát mịn, nào là làn nước mát và cơn gió biển tươi mới. Khi những hình ảnh này lấp đầy tâm trí, ta sẽ muốn di chuyển cơ thể theo từng bước chạy. Tuy nhiên, ta vẫn phải ngồi im trong suốt quá trình tưởng tượng. Nếu ta bị cuốn theo chuỗi suy nghĩ khác khiến tâm trí ta rời khỏi bờ biển hoặc nếu ta di chuyển bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, ta phải hẹn giờ lại và bắt đầu lại từ đầu. Làm đi làm lại cho tới khi ta có thể hoàn thành hoạt động này trong vòng 5 phút. Rồi ta sẽ thấy, việc kiểm soát tâm trí khó hơn nhiều so với kiểm soát cơ thể.
Sau đó, ta có thể tăng thêm thời gian cho lần thực hành tiếp theo, có thể lên tới 15 hay 30 phút, tùy theo mong muốn của ta.
Những bài tập vừa rồi có thể giúp ta tăng cường sức mạnh ý chí để đưa ra lựa chọn một cách tỉnh táo, thay vì phản ứng theo cảm xúc nhất thời trước một tình huống. Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về mọi lựa chọn mà ta có thể đưa ra, để xác định xem liệu những lựa chọn đó xuất phát từ chủ ý cá nhân hay từ các bám chấp và hệ tư tưởng cũ.