Nước mất còn sông núi,
Thành xuân cỏ chất chồng,
Hoa thương rơi lệ tiễn,
Chim biệt oán tầng không.
Trước giờ, người Trung Quốc đọc sách đa phần đều giống như Đào Uyên Minh đã từng nói: “Đọc sách không mong thấu hiểu”. Lúc đầu đọc sách không phân tích diễn dịch, đọc xong không tổng hợp quy nạp, đó chính là không biết đọc sách.
Rất nhiều người sau khi đọc xong một quyển sách, nếu hỏi anh ta trong sách viết những gì, anh ta không nói ra được, bởi vì chưa từng phân tích, quy nạp, ví như một bức tranh, không nhìn thấy các tầng bậc cao thấp xa gần, ấn tượng mơ hồ. Đọc sách mà không có thứ tự rõ ràng, chưa nắm bắt được những điểm cốt lõi thì dẫu có đọc cũng không dễ gì nhớ được nội dung.
Người xưa phân đoạn, phân mục cho văn chương thực sự là rất giỏi. Đối với Lăng nghiêm chú, người thường thực khó có thể đọc thuộc, nhưng chỉ cần chia nó ra từng đoạn từng câu thì lại dễ dàng nhớ được. Hiện nay, rất nhiều người đọc xong một cuốn sách nhưng không nói lên được những điều tâm đắc, đó là do chưa tìm hiểu rõ ràng đến nơi đến chốn. Do người Trung Quốc được giáo dục theo kiểu nhồi nhét, học sinh học theo sách vở một cách thụ động, không tư duy theo lối đột phá và đặt ra nghi vấn “tại sao”. Cho nên, khoa học của Trung Quốc khi xưa không phát triển là do từ con số cho đến thứ tự không rõ ràng, mọi việc khác dường như cũng đều rất mơ hồ.
Đi vào phân tích liền có câu hỏi tại sao, sau quá trình tổng hợp liền xác định trọng điểm. Có người đọc sách mà không viết nổi cảm nghĩ sau khi đọc. Nếu là người thông minh thì sẽ đọc cảm tưởng sau khi đọc trước, sau đó mới đọc nguyên văn, như vậy sẽ dễ dàng nhận biết được điểm cốt tủy nằm ở đâu. Người có thể đọc hiểu những bài cảm tưởng sau khi đọc, chắc chắn là người có tư duy logic rõ ràng, cũng là người biết tổng hợp trọng điểm và phân tích nội dung.
“Học mà không tư duy thì mờ tối, tư duy mà không học thì nguy hại”. Ngay như trâu bò ăn cỏ cũng cần phải nhai lại, mới có thể tiêu hóa được. Trước đây, nhà trường có yêu cầu học sinh viết bài hàng tuần, ví dụ như báo cáo tổng kết sau một tuần học, nhưng đa số đều làm đại khái cho xong mà không hề coi trọng việc này.
Viết cảm tưởng tâm đắc sau khi đọc sách, sau khi làm việc, hay việc kết bạn giao tiếp với người cũng cần phải có cảm nhận, có cảm nhận mới có cảm giác, có cảm giác mới có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ. Có người ăn cơm, hỏi họ có ngon không? Tạm được! Mức độ như thế nào thì họ chẳng nói ra được. Ngắm một bức tranh, hỏi họ có thích không? Thích! Vì sao thích, thì họ lại chẳng nêu ra được lý do.
Văn chương là sáng tác của nhà văn, mà cảm tưởng sau khi đọc là sáng tác của người đọc. Đọc sách để chắt lọc trong đó được những tri thức lý luận là một việc đầy hứng thú, nhưng bảo viết cảm tưởng sau khi đọc tác phẩm lại khiến họ cảm thấy rất vất vả khổ sở. Người thời nay, sau khi đọc xong Luận ngữ không thể hiểu rõ cũng như không viết nên được cảm nghĩ; đọc xong Mạnh Tử không thể lĩnh hội hay viết ra được cảm nhận của bản thân.
“Cảm” là cảm giác, có cảm nhận, có cảm ứng, có cảm xúc, có cảm động. Nếu thiếu đi cái gọi là “cảm” này, thì con người sẽ giống như cây cỏ. Nhưng xét đến cùng thì thật ra cỏ cây cũng có cảm, lẽ nào người đọc sách lại không có “cảm” hay sao?
Đọc một quyển sách, nên có cảm xúc. Ngắm một bức tranh, xem một bộ phim, thưởng thức một bài thơ, đọc về một người, thậm chí là tìm hiểu về núi sông đất đai, cũng đều có cảm nhận. Không có cảm nhận và hồi đáp, thì không có tác dụng gì cả. Đỗ Phủ có bài thơ rằng:
Nước mất còn sông núi,
Thành xuân cỏ chất chồng,
Hoa thương rơi lệ tiễn,
Chim biệt oán tầng không.
“Cảm” là cảm nhận khi tâm tiếp xúc cảnh, là cảm tưởng sau khi đọc. Một bài văn trình bày chỗ tâm đắc sau khi đọc xong không vượt qua được nguyên tác, như vậy là đời sau không bằng đời trước rồi. Bởi lẽ, cần yếu tố “con hơn cha” thì văn minh nhân loại mới có cơ hội nâng cấp lên từng ngày.
Gần đây, khi in xong Phổ môn học báo quyển thứ nhất, hơn hai mươi vị học giả, giáo sư đã viết cảm tưởng. Sau khi ấn hành, độc giả đua nhau đọc, cho nên tôi viết bài “cảm nghĩ sau khi đọc” cũng là để ghi lại dấu ấn về sự kiện đáng nhớ này.