Vào một buổi hoàng hôn nọ, Thiền sư Vân Môn tới thăm viếng đạo tràng của Thiền sư Phần Dương Vô Nghiệp. Thiền sư Vân Môn ra sức gõ hai cánh cửa lớn đã được khóa chặt. Đợi hồi lâu, thầy tri khách ra mở cửa và nghe Thiền sư Vân Môn nói rõ lý do đến đây. Lúc vừa nhấc chân lên định bước vào, thì thầy tri khách bất ngờ đóng cửa lại làm cửa chèn lên chân của Thiền sư Vân Môn. Đau điếng tận tim gan, ngài la lên: “Ôi chao! Đau quá!”
Thầy tri khách giả vờ không biết hỏi lại: “Ai đang kêu đau vậy?”
“Sư phụ! Là tôi”.
“Thầy ở đâu đấy?”
“Tôi ở ngoài cửa”.
“Thầy ở ngoài cửa, thì sao mà đau được?”
“Bởi vì thầy làm chân tôi kẹt vào trong rồi”.
Thầy tri khách liền hét lớn rồi bảo: “Rốt cuộc thầy đang ở trong hay ở ngoài?”
Thiền sư Vân Môn tuy bị chèn gãy một chân, nhưng chính cánh cửa ấy lại chặt đứt thế giới đầy hư vọng của ngài, chứng ngộ được đạo lý trong ngoài “nhất như”, bình đẳng không khác.
Mỗi nhà đều có cửa, trong cửa ngoài cửa rất khác nhau. Cửa là để ngăn gió che mưa, đảm bảo an toàn nơi ăn chốn ở. Nhà là tổ ấm an ổn, đồ vật trong nhà đều là của ta. Còn bên ngoài cánh cửa kia, mưa gió đầy trời, những thứ ở ngoài cửa cũng đều là sở hữu của người khác.
Trong Quy khứ lai từ, Đào Uyên Minh có nói: “Ngày ngày ra vườn dần trở thành thú vui, cửa tuy có nhưng thường đóng”. Cửa có thể đóng, cũng có thể mở. Mở cửa để đón khách, để dạy học, mở cửa mới có thể bước ra xã hội loài người, mới có thể đi vào lòng người, và có thể tiếp cận thế giới bao la rộng lớn ngoài kia và chạm đến tương lai.
“Môn” (cửa) của Phật giáo rất nhiều như: “Hoa tạng huyền môn, Bất nhị pháp môn, Vô biên pháp môn, Phật môn quảng đại, Phổ môn đại khai”. Trong nhà Phật hay nhắc đến tám vạn bốn nghìn pháp môn, dùng để tiếp dẫn chúng sinh với đủ mọi tầng bậc căn cơ. Cửa Phật luôn luôn rộng mở chào đón tất cả, nhưng có người vừa hối hả bước vào cửa chùa chưa được bao lâu lại đã vội vã rời đi. Cho nên cửa chùa có treo bức hoành phi “Hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ), và câu đối hai bên cổng viết rằng:
Vấn nhất thanh nhữ kim hà xứ khứ,
Vọng tam tư hà nhật quân tái lai?
Nghĩa là:
Hỏi người hôm nay đi đâu thế,
Trông ngóng ngày nào trở lại đây?
Nếu như “cửa tâm” không mở, thì “pháp bảo” không vào được. Cửa Bất Nhị ở Phật Quang Sơn có một câu đối rằng:
Môn xưng “Bất Nhị”, nhị bất nhị, câu thị ngã nhân chân diện mục.
Sơn xưng “Linh Sơn”, sơn phi sơn, vô phi ngã nhân thanh tịnh thân.
Nghĩa là:
Cửa tên “Bất Nhị”, hai không là hai, đều là bộ mặt vốn có của chúng ta.
Núi gọi “Linh Sơn”, núi chẳng phải núi, không đâu không là Pháp thân thanh tịnh.
Cửa đó cần mở thì mở, cần đóng thì đóng. Đặc biệt là cửa sáu căn của chúng ta, luôn luôn phải giữ gìn đề phòng, đó gọi là:
Ngoài cửa sáu căn giặc họa tai,
Đêm ngày sáu thời cứ vãng lai,
Rảnh vừa lên phố chơi một chuyến,
Gây chuyện thị phi lỗi tại ai?
Vậy nên, nếu như không đóng chặt cửa tâm, để mặc cho ăn trộm lẻn vào cướp mất pháp tài công đức là chuyện nhỏ, đôi khi còn gây họa đẩy chúng ta rơi xuống đường dữ, để đến nỗi, muôn kiếp không có lại được thân người, há lại có thể không thận trọng hay sao?