Bạn có thường nói lời xin lỗi hay không? Tôi không nói. Nói xin lỗi là một việc làm mất mặt chẳng hay ho gì, tôi lại chẳng sai, tại sao bảo tôi xin lỗi người ta chứ?
Thật ra, lời xin lỗi có rất nhiều những ưu điểm. Bất luận dù đúng hay sai, nhưng nếu bạn có được đức tính tốt đẹp này, nhất định nó sẽ tác động rất lớn đối với việc tu dưỡng thân tâm, và giúp ích rất nhiều cho những thành tựu trong tương lai của bạn.
Đúng sai trên đời này đều bắt nguồn từ quan niệm của mỗi người, khó có một tiêu chuẩn nhất định. Thường thì, ai cũng muốn giành phần thắng và tự cho mình đúng. Đây là lối ứng xử hết sức nông cạn, bởi người có trí tuệ thực sự là người luôn tôn trọng và biết nhường nhịn người khác. Thường nói lời hay và nhường cho người một bước, chính là thể hiện phẩm cách đạo đức cao thượng, chứ không đặt nặng vấn đề ai đúng ai sai.
Binh pháp có câu: “Không chiến đấu mà hàng phục được người, đó chính là binh pháp cao nhất”. Nếu bạn hiểu rõ giá trị của lời nói, thì bạn sẽ nhận ra rằng lời xin lỗi là một cách dàn xếp ổn thỏa nhất, cũng như có thể rút ngắn con đường đi đến chiến thắng. Những người thường xuyên xin lỗi, sẽ dễ được chấp nhận, tha thứ, và kết nối mối quan hệ hài hòa giữa mọi người. Trong bài diễn thuyết của mình, Mark Twain đã phát biểu: “Hơn một nửa nghị sĩ quốc hội Hoa Kỳ là đồ ngốc”. Vừa nghe, các nghị sĩ quốc hội cho rằng đây thật sự là những lời lăng nhục rất nghiêm trọng, họ yêu cầu ông ấy phải công khai xin lỗi. Mark Twain vui vẻ đồng ý, và ngay ngày hôm sau, một bài xin lỗi được đăng trên tờ báo: “Bản thân tôi vô cùng xin lỗi về lời nhận xét lần này, bởi vì một nửa số nghị sĩ của quốc hội Hoa Kỳ không phải là kẻ ngốc”.
Trong thời Chiến Quốc, Liêm Pha “tự nhận tội” đã trở thành tấm gương được nghìn đời ca tụng. Hay như các vị minh quân của các triều đại trước đây đã “hạ chiếu tự hạch tội mình”, nhưng lại được nhân dân ngợi ca. Điều này cho thấy, lời xin lỗi thật sự là một đức tính quý của nhân loại.
Do đó trong xã hội ngày nay, người ta hy vọng rằng, các quan chức trên chính trường nên thường xuyên xin lỗi nhân dân; các lãnh đạo tập đoàn trong xã hội nên thường xuyên xin lỗi nhân viên; cha mẹ và giáo viên nên thường xuyên xin lỗi con cái và học sinh của họ; các tướng lĩnh trong quân đội nên thường xuyên xin lỗi cấp dưới. Chỉ khi những người ở vị trí cao có thể hạ mình nhận lỗi với dân, thì quốc gia mới có thành tựu, đất nước mới có hy vọng.