Con người ta thường vì những sự khác biệt giữa mình với người, mà sinh ra bài xích lẫn nhau. Ví dụ như: sự bài xích về quốc gia, về dân tộc, chủng tộc, quê quán, thế hệ, bên trong và bên ngoài v.v. Trong đó, sự bài xích vùng miền là sâu sắc nhất.
Nói về sự bài xích vùng miền, giữa người miền Nam và người miền Bắc, người Sơn Đông và người Sơn Tây, người ngoại tỉnh và người bản địa, người thổ dân và người đồng bằng, cho đến người nước ngoài và người bản địa cũng đều có sự bài xích lẫn nhau. Các khu vực khác nhau sẽ tạo ra nhiều rào cản, gây ra nhiều tranh chấp và bài xích lẫn nhau.
Địa phương như thế nào, thì sẽ nuôi dưỡng nên một dân tộc có đặc trưng như thế ấy, đây là hiện tượng hết sức tự nhiên. Người ở xứ lạnh, phải ăn đồ sống mới có thể sinh tồn. Người ở vùng nhiệt đới, có thể thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Người du mục, nương theo nguồn nước và đồng cỏ mà cư trú. Đây là cuộc sống tự nhiên.
Thực ra, với chính sách di dân, giao thông thuận tiện, và việc giao lưu văn hóa như ngày nay, đáng lẽ ra không còn sự bài xích vùng miền nữa. Ví dụ như, cha mẹ chồng ngoại tỉnh có con dâu bản xứ, đàn ông bản xứ lấy vợ tỉnh khác, phụ nữ tỉnh ngoài làm con dâu người bản xứ, vậy thì quan niệm về khoảng cách vùng miền cần được loại bỏ hoàn toàn mới đúng.
Bất cứ vùng miền nào thì đất đai cũng như vậy, sông núi như vậy, cây cối như vậy, thậm chí như dân tộc Trung Hoa cùng một màu da, cùng một ngôn ngữ, cùng một nền văn hóa. Lấy ví dụ điển hình như nước Mỹ, đây là đất nước tập hợp người từ các quốc gia trên thế giới. Ở đó, chúng ta bắt gặp từ người da trắng, da vàng, da đen, thậm chí cả da đỏ và da nâu, họ đều có thể chung sống hòa bình. Ngay đến cả những người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, họ cũng đều kết hôn với nhau một cách bình đẳng. Đó là lý do vì sao Hoa Kỳ lại có thể trở thành một quốc gia lớn như thế. Vậy thử hỏi, tại sao ở nhiều đất nước nhỏ hơn lại tồn tại sự phân biệt vùng miền, để rồi khiến cho người dân không có nơi sinh sống và làm việc an ổn.
Cho nên một số người nói rằng, đây là thời đại của “ngôi làng toàn cầu”, mọi người đều là “người trái đất”. Nếu mọi người đều có tư tưởng là người trái đất, đều có quan niệm làng toàn cầu, thì làm gì còn có sự bài xích lẫn nhau giữa các khu vực.
Trong số những người tin theo Phật giáo ở Trung Quốc, thì tín chúng của Tịnh độ tông là nhiều nhất. A Di Đà kinh, là một trong ba bộ kinh của Tịnh độ tông (Tịnh độ tam kinh), nói rằng thế giới phương Đông tán thán thế giới phương Tây, và thế giới phương Nam tán dương thế giới phương Bắc. Hơn thế nữa, nhân dân cõi đó sáng sớm thức dậy, mỗi người lấy vạt áo đựng các loại hoa trời, chu du đến các cõi nước khác để cúng dường chư Phật khắp nơi. Đã tự nhận mình là người học Phật mà lại chưa loại bỏ được sự bài xích vùng miền, thì làm sao có thể nói mình là một Phật tử chân chính được.
Thời đại văn minh tiến bộ hơn xưa, giúp cho tình trạng phân biệt chủng tộc hiện nay ở Hoa Kỳ giảm đi rõ rệt. Người miền Đông, miền Tây, miền Nam, cho đến người miền Bắc ở Hoa Kỳ, họ đều không phân biệt mình là người đến từ đâu, họ đều xem mình là người Mỹ chứ không nói mình là người New York, người California, hay người Massachusetts. Vậy thì tại sao, những người cùng nói một ngôn ngữ, cùng chủng tộc, và cùng văn hóa, lại cứ phải tự mình vạch định ranh giới rõ ràng, rồi chia cắt thành bao nhiêu khu vực? Thật sự chưa xứng đáng để tự xưng mình là con người văn minh hiện đại.
Vì vậy, tôi hy vọng dân tộc chúng ta, những người ở Trung Quốc thì đều gọi là người Trung Quốc, người ở nước ngoài thì là Hoa kiều. Khi mà không còn cái gọi là ở đây hay ở kia, hòa chung trong nền văn hóa bản địa, tất cả đều kết nối bởi tình dân tộc, như vậy chẳng phải cuộc đời sẽ tươi đẹp lắm sao!