6Dung hòa lý tính và cảm tính
Bản tính của con người có rất nhiều loại. Có người bản tính lương thiện, có người thì độc ác, có người xem trọng lý trí, cũng có người xem trọng tình cảm.
Phần lớn những người sống bằng lý trí đều tự coi mình là học giả, là chuyên gia, họ sống vô cùng cẩn trọng và nguyên tắc. Khi đối nhân xử thế, họ “không làm điều sai, không nhìn điều trái, không nói điều giả dối”, là một người vô cùng lý trí. Cũng có những người sống nghiêng về mặt tình cảm, họ nhìn thấy trăng liền nhớ quê nhà, tâm ý họ vô cùng đa sầu đa cảm.
Nói chung, các nhà triết học hầu hết đều là biểu tượng cho lý trí, chẳng hạn như Lão Tử, Trang Tử, và thậm chí các học giả của mọi học phái trong lịch sử, có thể nói họ đều là những người rất lý trí. Còn như hầu hết các nhà văn, họ đều là những người sống theo cảm tính. Chúng ta đọc tác phẩm Tế Thập Nhị lang văn của Hàn Dũ, có thể nhìn thấy được tình cảm giữa hai chú cháu ông ấy rất nồng hậu. Hay khi đọc Diệm khẩu triệu thỉnh văn của Tô Đông Pha, nó chứa đầy tâm tư xót thương sâu đậm đối với chúng sinh.
Vậy suy cho cùng, thì đời sống thiên về lý trí tốt, hay một đời sống thiên về tình cảm tốt hơn? Cuộc sống quá lý trí, thì sẽ lạnh lùng vô cảm, sống như vậy không hề có một chút nhiệt huyết nào. Đời sống quá thiên về cảm xúc, thì lại thường bị tình cảm hóa, dễ mất đi tính khách quan công bằng.
Trong lịch sử, Quan Vân Trường là một vị tướng với ý chí vô cùng mạnh mẽ, ông ta vượt qua năm ải chém sáu tướng, lên ngựa nhận vàng xuống ngựa nhận bạc. Mặc dù ông có thể dễ dàng bắt được Tào Mạnh Đức ở nơi hẻm núi Hoa Dung, nhưng Quan Công nghĩ đến ơn Tào Tháo đã từng đối xử tốt với mình nên thả cho đi. Tuy nhiên, khi ông ta bị đánh bại ở Hạ Bì và dẫn vợ con của Lưu Bị chạy trốn, đêm đọc sách Xuân Thu, nghĩa lớn bàng bạc, giữ lễ em chồng đối với chị dâu vô cùng nghiêm cẩn. Cho nên, Quan Vân Trường mặc dù là người trọng tình nghĩa, nhưng vẫn có thể xem là một vị anh hùng đầy lý trí.
Cuộc đời của Lý Dục thời Nam Đường, được xem là tiêu biểu cho một người sống bằng cảm tính. Ông ta say mê phong cảnh thiên nhiên, ngâm thơ, viết từ, cuối cùng nước mất nhà tan, chỉ để lại một số bài thơ buồn như Tương kiến hoan (Mừng gặp gỡ) rằng:
Rừng hoa thôi đã tàn bông
Cớ sao gấp gáp xuân hồng trôi qua
Sớm mai mưa lạnh hiên nhà
Gió chiều hây hẩy nhạt nhòa phấn son
Bao lâu gặp lại cho tròn
Cạn ly tiễn biệt mình còn nhớ nhau
Nhân sinh nỗi hận về sau
Như dòng nước chảy mang sầu về Đông.
Bài Mừng gặp gỡ kỳ 2:
Lặng thinh cất bước lên lầu
Trăng như câu
Lặng lẽ ngô đồng trong viện
Khóa thu sầu.
Cắt chẳng đứt
Gỡ càng rối
Ấy ly sầu
Biết chăng đây là tâm trạng
Của tim đau.
Mặc dù tên tựa đề là Mừng gặp gỡ, nhưng xét cho cùng thì nó lại hàm chứa đầy những nỗi sầu ly biệt, khiến cho người đọc không khỏi xót xa.
Võ Tắc Thiên thời nhà Đường, là người vừa lý trí lại tình cảm. Như Lạc Tân Vương đã nói về bà: “Giết hại anh chị, giết vua, giết mẹ, nhưng Võ Tắc Thiên lại tận tâm tận lực để phục vụ đất nước và nhân dân. Nói rằng bà ta rất lý trí ư? Nói bà ta cảm tính ư? Không, bà là một con người với nhân cách phức tạp”.
Chúng ta khi ứng xử ở đời, quá mức lý trí sẽ thành ra lạnh lùng, quá mức cảm tính sẽ trở nên nóng nảy và sẽ khiến bản thân mê mờ. Chung quy lại, giữa đôi bờ lý trí và cảm tính, ta nên chọn con đường nào mới đúng? Khi xử sự theo lý trí, chúng ta cần có chút cảm tính. Và khi chúng ta xử sự theo cảm tính, thì ở bên trong cũng phải giữ một chút lý trí để cân bằng lại tâm thái. Tốt nhất vẫn luôn là có thể dung hòa giữa lý trí và cảm xúc, lý trí và cảm xúc hòa quyện trong nhau tạo nên tâm thái “trung đạo”. Lý trí và cảm tính nên đồng thời có mặt, lúc có cảm tính cũng là lúc lý trí xuất hiện. Tương tự như vậy: dũng cảm và trí tuệ, từ bi và hỷ xả, tất cả cùng nhau làm thành khung xương của cuộc sống. Vậy thì mười tám môn võ nghệ, mỗi loại đều có thể mưu cầu hạnh phúc cho đất nước, cho nhân dân, chẳng nên chấp chặt vào sự ích kỷ của riêng mình. Khi mà lý trí và cảm xúc dung hòa, điều đó thật sự đem đến lợi ích rộng lớn cho muôn dân vậy.