“Chỉ có hai thứ ta nên để lại cho con trẻ: đó là cội rễ và đôi cánh.”
- Hodding Carter
Thuở bé, tôi học cấp một cùng trường với các anh chị của mình. Mỗi năm, trường chúng tôi đều tổ chức hội chợ cây trái vào đầu tháng năm để gây quỹ cho “Ngày của Mẹ” được tổ chức cùng tháng. Tất cả học sinh từ lớp ba trở lên đều được khuyến khích tham dự lễ hội.
Năm tôi học lớp ba cũng là năm đầu tiên tôi được tham gia hội chợ truyền thống này. Bao nhiêu là cây trái, hoa quả, đặc sản của vùng đều tụ hội về như để tôn vinh thêm cho lễ hội của các bà mẹ sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật thứ hai trong tháng Năm. Như bao đứa con khác, tôi cũng muốn dành cho mẹ một bất ngờ thú vị. Sau khi đếm đi đếm lại số tiền ít ỏi dành dụm được, tôi chạy vào phòng chị Hai và kể về dự định của mình. Chị lắng nghe với vẻ chăm chú rồi gật đầu đồng ý giữ bí mật và còn cho tôi thêm một ít tiền.
Suốt mấy ngày liền thơ thẩn khắp hội chợ, tôi mê mẩn ngắm nghía từng chậu cây, từng giỏ hoa, hết cầm lên săm soi rồi lại đặt xuống. Chậu nào cũng đẹp nhưng sao tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Món quà tặng mẹ của tôi phải thật đặc biệt mới được. Cuối cùng, sau khi đã lượn tới lượn lui không biết bao nhiêu lần mọi ngóc ngách của hội chợ, tôi mới phát hiện ra một chậu phong lữ tuyệt đẹp. Phải khó khăn lắm tôi mới mang được chậu cây về nhà mà không ai biết. Như đã hứa, chị Hai giúp tôi giấu tạm chậu cây ở góc vườn nhà hàng xóm, nơi có một bụi cúc dại mọc sum suê. Suốt từ hôm đó cho đến “Ngày của Mẹ”, tôi cứ thấp thỏm, lo lắng, nhỡ mẹ nhìn thấy chậu cây trước ngày lễ thì kế hoạch của tôi sẽ không còn gì là thú vị nữa.
Rồi ngày lễ thiêng liêng tôn vinh các bà mẹ cũng đến. Lòng tràn ngập vui sướng xen lẫn chút hồi hộp, tôi mang tặng mẹ chậu cây phong lữ vừa nở được hai bông hoa màu đỏ thắm. Nhận chậu cây từ tay tôi, mẹ nâng niu từng cánh hoa, vuốt ve từng chiếc lá với ánh mắt ngời sáng niềm hạnh phúc. Lòng tôi rộn rã niềm vui – một cảm giác sung sướng kéo dài suốt cả mấy tuần sau đó.
Thời gian trôi qua, năm tôi bước vào tuổi mười lăm cũng là lúc đứa em gái út của tôi vào học lớp ba. Không khác gì tôi ngày trước, ngay khi trường vừa tổ chức hội chợ cây trái truyền thống, con bé đã ấp ủ dự định dành tặng mẹ một món quà bất ngờ nhân ngày lễ các bà mẹ. Nó tìm gặp tôi và thì thào về kế hoạch của mình. Tôi cũng cho nó một ít tiền và hứa sẽ giữ bí mật đến phút cuối, hệt như chị Hai đã làm với tôi ngày trước. Buổi chiều hôm đó, sau khi trở về từ lễ hội, con bé cho tôi xem cây phong lữ đang lú nhú những búp hoa xinh xắn và hớn hở nói: “Em đi xem khắp hội chợ rồi, chắc chắn cây này là đẹp nhất!”.
Nghe con bé tíu tít kể chuyện về hội chợ truyền thống ở trường với bao sắc màu của hoa trái, một cảm giác ngọt ngào sống dậy trong tôi. Tôi hiểu tâm trạng của nó trong lúc này, vì ngày trước tôi cũng từng trải qua những giờ phút như vậy. Cảm giác mong chờ được nhìn thấy nụ cười và ánh mắt hạnh phúc của mẹ cũng đã khiến tôi thấp thỏm, hồi hộp biết nhường nào. Giúp con bé giấu tạm chậu cây ở góc vườn nhà hàng xóm, dưới bụi cúc rậm rạp, tôi trấn an con bé rằng mẹ sẽ không thể biết chuyện.
Cuối cùng, ngày lễ mong chờ cũng đến. Mẹ tôi rất xúc động khi đón nhận món quà của đứa con gái út. Tôi lại thấy niềm vui sướng, hạnh phúc tỏa sáng trên gương mặt mẹ và em gái bên chậu cây phong lữ với sắc hoa đỏ thắm. Mẹ tươi cười rạng rỡ, nhìn ngắm những cánh hoa vừa hé nở với vẻ trìu mến đặc biệt rồi tìm nơi sạch đẹp nhất trong vườn nhà để đặt chậu cây.
Ban đầu, tôi cũng hơi thắc mắc và tự hỏi, có lẽ mẹ chỉ làm bộ ngạc nhiên và vui sướng như vậy thôi, chứ thực ra, không có năm nào mà mẹ lại không nhận được một chậu cây phong lữ từ chị em tôi. Nhưng qua ánh mắt long lanh và nụ cười rạng rỡ của mẹ, tôi hiểu ra rằng: mẹ đã thật sự hạnh phúc trước những gì mà chúng tôi dành cho mẹ.
Những cây phong lữ – món quà giống nhau của chị em tôi ngày xưa – giờ đây đã tươi tốt, cành lá sum suê, tỏa bóng mát phủ kín cả một góc vườn. Dẫu mẹ thân yêu của chúng tôi giờ đã đi xa mãi mãi, nhưng hàng cây phong lữ luôn nhắc nhớ chị em tôi những kỷ niệm về mẹ, về tình mẫu tử thiêng liêng người đã dành cho chúng tôi suốt những năm tháng ấu thơ.