Khao khát là khởi đầu của mọi thành công. Ước mơ là khởi đầu của hành trình vượt ra những khuôn khổ.
- Napoleon Hill
S
ự nghiệp kinh doanh của tôi đã bắt đầu khi tôi tám tuổi. Một lần, khi xem ti-vi, tôi nhìn thấy một món đồ chơi của công ty G. I. Joe và rất thích món đồ này. Tôi hỏi xin mẹ nhưng mẹ tôi lại nói:
- Con sẽ có nó nếu con mua bằng tiền của mình.
Tôi quyết định không hỏi xin mẹ nữa mà sẽ chuyển sang hỏi cha. Ban đầu cha đã đồng ý nhưng sau khi nói chuyện với mẹ, ông lại tán thành cách xử lý của mẹ. Tôi hết sức thất vọng nhưng quyết tâm phải có cho bằng được món đồ chơi yêu thích đó. Tôi tự nhủ : “Mình sẽ kiếm tiền để mua món đồ chơi đó”. Sau đó, tôi đã nảy ra một ý tưởng – tôi sẽ kiếm tiền bằng cách bán trà chanh! Tôi thật sự phấn khích trước ý định này và quyết định đập con heo đất để lấy ra số tiền mình đã tiết kiệm bấy lâu nay. Một số tiền đáng kể với tôi khi đó – 5,30 đô-la. Tôi đến siêu thị, dùng toàn bộ số tiền có được mua chanh, đường và các nguyên vật liệu cần thiết khác. Tôi dự định vào cuối tuần đó, tôi sẽ trở thành một nhân viên bán trà chanh chuyên nghiệp.
Thậm chí tôi còn lên kế hoạch quảng cáo cho sản phẩm của mình. Tôi vẽ sơ đồ dẫn đến địa điểm mình sẽ “kinh doanh”. Sáng thứ Bảy, tôi thức dậy rất sớm để đi dán tờ rơi. Tôi trở về nhà lúc 7 giờ và bắt đầu hình dung cảnh tượng mọi người sẽ xếp hàng chờ uống trà chanh của mình. Tôi tin chắc sẽ có kẹt xe ở khu vực mình bán hàng và suy nghĩ cách phục vụ khách hàng của mình sao cho nhanh nhất. Tôi xếp những ly trà lên chiếc bàn được đặt ở cuối đường và sẵn sàng phục vụ.
8 giờ 30, chiếc xe đầu tiên tiến về phía tôi. Tôi tin chuyến xe này sẽ mang đến cho mình khách hàng đầu tiên. Tôi đứng trên chiếc ghế nhỏ, tay vẫy vẫy tờ quảng cáo để thu hút sự chú ý của họ. Chiếc xe từ từ chậm dần, tôi nhìn người phụ nữ vừa bước xuống xe với thái độ chào mời. Bà ấy chỉ mỉm cười, khoát tay và đi tiếp. “Không sao!” - Tôi tự nhủ. - “Đây chỉ là chiếc xe đầu tiên. Không sao cả! Mọi thứ sẽ ổn thôi mà!”.
Một tiếng sau, chiếc xe thứ hai xuất hiện. Tôi thầm nghĩ: “Lần này chắc chắn họ sẽ dừng lại uống trà cho mà xem!”. Nhưng người đàn ông vừa bước xuống cũng đi luôn. Những người sau cũng vậy! Tôi cố trấn an, tự nói với mình rằng vẫn còn nhiều thời gian để tôi bán hết số trà chanh này. Mười một chiếc xe dừng lại rồi đi qua. Tất cả họ đều vẫy tay như khích lệ tôi nhưng không ai dừng lại để uống trà. Đến 4 giờ chiều, tôi vẫn không bán được ly trà chanh nào.
Ba mươi phút sau, cha mẹ tôi đến mua hai ly trà. Họ trả cho tôi 1 đô-la. Uống một ngụm trà, mẹ tôi hỏi:
- Hôm nay con bán có được nhiều không?
Tôi đáp:
- Con không kiếm đủ tiền để mua món đồ chơi đó, mẹ ạ!
- Thế con đã có được bao nhiêu tiền rồi?
Tôi nói:
- Không nhiều lắm! Nhưng con cần đến 20 đô-la. Có lẽ con phải bán thêm một ngày thứ Bảy nữa!
Mẹ tôi hỏi lại:
- Thế con đã kiếm được bao nhiêu tiền rồi?
- Con chỉ bán được 1 đô-la thôi!
Mẹ trố mắt nhìn tôi, rồi hỏi:
- Đó có phải là 1 đô-la mà cha mẹ vừa đưa cho con không?
- Vâng ạ! Nhưng dù sao con cũng cảm thấy rất vui ạ!
Mẹ trầm ngâm một hồi rồi hỏi tôi với vẻ nghi ngại:
- Vui à? Sao con lại vui khi không những không kiếm được đồng nào mà còn phí đi khoảng tiền tiết kiệm của mình chứ?
- Vì con thấy thích điều mình đang làm. Con đã có một ý tưởng kinh doanh và con sẽ trở thành giám đốc kinh doanh trà chanh!
Mẹ nhìn tôi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên; có lẽ bà đã nhận ra quyết tâm của một cậu bé 8 tuổi vừa tiêu hết số tiền dành dụm của mình. Tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất trong việc bán trà chanh không phải là chất lượng trà ngon hay không mà chính là thời điểm bán hàng. Tháng Ba ở Michigan không phải là thời điểm tốt nhất cho việc bán loại trà chanh mát lạnh như thế này!
Lần mạo hiểm thứ hai của tôi là nhận giao báo tận nhà. Công việc này mang lại nhiều lợi nhuận hơn việc bán trà chanh. Tuy nhiên, bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được chính là cách sử dụng số tiền của mình thật hữu ích. Tôi dùng số tiền đó để đầu tư vào một việc kinh doanh khác. Cứ như thế, niềm đam mê kinh doanh đã thấm vào máu thịt và theo tôi suốt những năm tháng sau này.
Kinh nghiệm từ việc bán trà chanh đã tạo động lực để tôi thành công trong việc kinh doanh quy mô lớn về sau. Sau hai mươi năm hoạt động trên thương trường với nhiều dự án kinh doanh thành công, tôi quyết định về hưu ở tuổi 30 để tiếp tục hành trình khám phá những điều mới mẻ của cuộc sống. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn còn giữ thói quen uống trà chanh.
- Daryl Bernstein
Khi tám tuổi, Daryl Bernstein đã bắt đầu kinh doanh từ việc bán trà chanh. Năm 12 tuổi, ông đã thành lập nhóm giao – nhận thư tận nhà. Bernstein đã viết cuốn sách “Từ việc bán trà chanh - những ý tưởng kinh doanh nhỏ cho trẻ em”, xuất bản năm 1992 và trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản năm đó. Sau tác phẩm này, ông đã được tạp chí Wall Street bình chọn là “Thần đồng kinh doanh”. Ông đã giúp cho hàng ngàn trẻ em trên thế giới khởi đầu việc kinh doanh nhỏ của họ khi không có hoặc có rất ít vốn đầu tư ban đầu.
Không dừng lại ở đó, năm 16 tuổi, Bernstein đã được Hiệp hội Kinh tế Thế giới bình chọn là “Người thống trị thế giới trong tương lai”. Bernstein là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cuộc phiêu lưu mạo hiểm: những chiến lược nhằm chinh phục khu rừng thương mại” được xuất bản năm 1996. Đến năm 23 tuổi, ông thành lập hệ thống kinh doanh băng đĩa toàn cầu và nhanh chóng trở thành nhà cung ứng băng đĩa giáo dục lớn nhất nước Mỹ với hơn 100 nhân viên và 30 triệu catalog mỗi năm. Ở tuổi 30, Bernstein đã bán công ty cho NASDAQ để tìm kiếm cho mình những thử thách mới của cuộc sống.
Bernstein luôn là tiêu điểm trên các phương tiện truyền thông như kênh truyền hình CNN, đài BBC, tạp chí New York Times và hàng trăm phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới. Gần đây, ông cũng xuất hiện trong các cuộc nói chuyện trên đài phát thanh với tư cách là cố vấn cho chương trình phát triển và hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh. Công việc chính của ông hiện nay là quản lý vốn đầu tư của mình và tận hưởng cuộc sống ở bãi biển Santa Barbara, California.