Lần đầu tiên, tôi gặp bà Rose là một buổi sáng thứ Hai, khi đang đứng chờ ở trạm xe buýt. Trời mùa đông rất lạnh, khiến tay chân tôi tê cứng, đến nỗi tôi phải giậm chân thình thịch. Chiếc xe của tôi bị trục trặc đang nằm ở tiệm sửa chữa, nên tôi đành phải đi xe buýt trong vài hôm. Bỗng nhiên, một người phụ nữ đã luống tuổi tiến đến gần tôi và khẽ chào:
- Anh đang đi làm phải không?
Tôi gật đầu chào lại, tỏ vẻ không muốn chuyện trò vào lúc này nên không sốt sắng mở lời.
- Tôi cũng đón xe buýt. Thời tiết thật kinh khủng! - Bà ấy tiếp tục nói.
- Vâng!
Tôi nói và kín đáo nhìn bà. Trước mặt tôi là một phụ nữ tiều tụy, mang hai chiếc khăn choàng cổ, đội mũ len dày che phủ tai và quấn quanh mình một chiếc áo khoác đen có nhiều mảnh vá. Đôi giày bà mang đã cũ sờn, thậm chí đôi tất len có nhiều lỗ thủng to khiến da của bà tái nhợt đi. Tôi nghĩ, với cách ăn mặc như vậy chắc bà ấy rất lạnh.
- Anh này! - Bà gọi tôi sau một khoảng im lặng kéo dài giữa hai người.
Tôi nhìn bà và thấy bà đang cầm một đôi găng tay:
- Anh hãy mang đôi găng này vào đi. Trông anh lạnh cóng rồi đấy! - Giọng nói của bà trầm ấm và thể hiện sự quan tâm đến tôi.
- Không! Cảm ơn bà, tôi không cần đâu! - Tôi từ chối và bối rối trước cử chỉ của bà.
- Tôi thật sự biết ơn nếu anh chịu mang chúng vào tay. Đôi găng này của con trai tôi, nhưng giờ đây nó không cần đến chúng nữa.
Tôi lại từ chối một lần nữa và cảm thấy bực bội. Dù sao, bà ấy cũng là một người lạ và tôi không thích đôi co vì chuyện nhỏ nhặt này.
- Không! Anh nên mang vào thì hơn, tay anh đang chảy máu kìa! - Bà vẫn khăng khăng giữ ý định của mình.
Đúng! Tay tôi đang chảy máu, nhưng chỉ là một vết xước nhỏ không đáng kể. Tôi khó chịu nói:
- Không cần đâu! Xe buýt gần tới rồi. Bà nên mang nó vào thì tốt hơn.
Tôi quay về hướng xe buýt chạy đến như muốn kết thúc câu chuyện, nhưng người phụ nữ vẫn nài nỉ:
- Tôi xin anh hãy mang chúng vào vì… tôi! - Giọng bà nghẹn lại như sắp khóc.
Thật không thể tin nổi, làm sao có người xử sự một cách vô lý như thế. Tôi định mở miệng từ chối thẳng thừng. Nhưng may mắn làm sao, chiếc xe buýt từ đâu đã trườn tới.
- Xe đến rồi! - Tôi nói nhanh.
- Mừng là nó đã đến kịp lúc trước khi chúng ta bị chết cóng! - Bà nói nhỏ. - Nhưng anh hãy nhớ, khi về nhà nên ngâm bàn tay vào nước ấm để sát trùng vết thương và dùng bông y tế lau khô đi nhé… - Nói rồi, bà mở chiếc túi xách của mình, lấy ra một lọ kem nhỏ và ấn vào tay tôi trước khi tôi kịp phản ứng và nói tiếp - Sau đó, hãy bôi thứ này lên!
- Cảm ơn bà! - Tôi lúng búng trong miệng, rồi bước vội lên xe buýt và cố ý chọn một chỗ để người phụ nữ ấy không thể ngồi gần tôi được.
Sáng hôm sau, thời tiết ấm lên một chút, tôi lại tiếp tục đứng đợi xe buýt. Bất chợt, tôi nhìn thấy bà ấy đi tới, đầu hơi cúi, dáng đi chậm chạp và trông mỏi mệt. Thế nhưng, khi nhìn thấy tôi, khuôn mặt của bà bừng sáng:
- Chào anh!
- Chào bà! - Tôi đáp và lòng thầm mong đừng vướng vào cuộc chuyện trò như ngày hôm qua.
- Xin lỗi anh nhé! Hôm qua, tôi vô ý không giới thiệu về mình. Tôi là Rose! - Bà tháo chiếc găng tay đã sờn rách ra và chìa bàn tay xương xẩu của mình trước mặt tôi.
- Còn tôi là Pete! - Tôi nói nhanh và hờ hững bắt tay.
- Pete sao? - Đôi mắt của bà lộ vẻ vui mừng. - Đó cũng là tên của con trai tôi đấy!
- Trùng hợp nhỉ! - Tôi vừa nói vừa giậm chân và không chú ý đến câu nói đang bỏ dở của mình.
Bà Rose dường như không bận tâm đến thái độ của tôi mà vẫn vui vẻ chuyển qua đề tài khác:
- Hôm nay trời đẹp quá! - Bà nói và hít một hơi thật thoải mái.
- Vâng! Thật may mắn là trời đã bớt lạnh. - Tôi gượng gạo nói.
- Anh biết không! Điều này làm tôi nhớ đến tuổi thơ của tôi. - Bà tiếp tục nói, mặc cho tôi đang than thầm trong bụng.
- Khi đó, sáng nào trời cũng đẹp cả, tôi giúp mẹ tôi giặt đồ. Đó là công việc đầu tiên mà tôi và mẹ tôi cùng làm sau khi ăn sáng xong. Mẹ tôi bảo phải tận dụng ánh nắng của mặt trời để phơi quần áo.
Tôi lịch sự lắng nghe bà kể về những kỷ niệm của mình:
- Lúc ấy, nhà tôi có một khu vườn rộng, chim đến làm tổ nhiều lắm. Tai tôi hình như vẫn còn nghe tiếng chim hót.
“Ôi! Không! Bà ấy làm sao vậy? Liệu bà này có bình thường không nhỉ?” - Tôi nghĩ thầm. Tôi chỉ muốn được yên lặng một chút trong khi bà lại tiếp tục.
- Sau khi giúp mẹ xong, tôi chạy đến bên bố. Sáng nào ông cũng dành một chút thời gian rảnh rỗi của mình để sửa chữa các vật dụng trong nhà. Ông thường ôm tôi và cười thích thú mỗi khi sửa xong một đồ vật nào đó. Những vòng tay của bố tôi bao giờ cũng thật tuyệt!
May mắn cho tôi, câu chuyện có thể dừng lại vì chiếc xe buýt - vị cứu tinh của tôi - đã đến. Tôi nhường cho bà Rose chậm rãi lên xe trước, còn mình chọn một chỗ ngồi giống như ngày hôm qua. Tôi không muốn nghe những chuyện không đầu không cuối của bà Rose.
Vào ngày hôm sau - lại thêm một ngày nữa - tôi không thoát khỏi cuộc chạm trán với bà Rose. Câu chuyện tiếp tục ngay khi bà trông thấy tôi:
- Tôi là con một, nên bố mẹ cưng tôi lắm. Cả nhà tôi thường đi picnic vào những ngày cuối tuần. Tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm ấy.
Không để tôi nói một lời nào, bà kể tiếp:
- Vào một buổi sáng, bầu trời cũng trong xanh như thế này và là ngày sinh nhật lên sáu của tôi. Tôi nhảy chân sáo xuống nhà bếp chuẩn bị đồ ăn uống, hôm đó cả nhà tôi dự định đi câu cá và tổ chức tiệc sinh nhật cho tôi ở ngoài trời. Tôi xếp những hộp mứt dâu, bơ đậu phộng và cả bánh mì vào chiếc giỏ mây. - Bà Rose ngừng nói trong một lát. - Tôi còn cẩn thận lau ba quả táo cho đến khi vỏ của nó bóng lên. Bố tôi vốn rất thích ăn táo vừa chín tới, và những quả táo đó có màu ửng hồng rất đẹp. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi chạy về phòng mình thay chiếc đầm mới, rồi đến đánh thức bố mẹ dậy. Cả hai người vẫn còn ngủ, tôi bước đến phía bố tôi và lay lay cánh tay ông, nhưng ông không chịu dậy.
Bà Rose hít một hơi thật dài như cố ngăn dòng nước mắt:
- Tôi hôn vào má ông, nói thì thầm vào tai ông nhưng bố tôi vẫn không dậy. Tôi cứ ngỡ rằng, ông đang trêu đùa cô con gái cưng của mình, nhưng lần này ông có vẻ đùa dai thật. Khi đó, mẹ tôi đã thức dậy và cả bà cũng không thể đánh thức bố tôi dậy được. Thế rồi, mẹ tôi khóc và tôi cũng khóc…
Chiếc xe buýt dừng ngay trước mặt khiến tôi ngạc nhiên. Lần này, tôi không hề nghe tiếng động cơ của xe buýt chạy đến. Bà Rose chầm chậm bước lên xe, nhưng bất chợt quay lại nhìn tôi rồi nói:
- Kể từ đó, tôi không bao giờ ăn mứt dâu, bơ đậu phộng với bánh mì và cả những trái táo nữa!
Ngày thứ Năm trong tuần đã đến và tôi vẫn đứng chờ ở bến xe buýt. Lần này, tôi lại mong gặp bà Rose. Vừa xuất hiện, tôi nhận ra ngay nụ cười của bà, điều này làm tôi cảm thấy ấm lòng:
- Chào bà Rose! - Tôi vui vẻ cất lời chào trước.
- Chào anh! Tôi xin lỗi vì chuyện hôm qua, tôi đã nói quá nhiều.
- Có gì đâu, bà đừng nghĩ như thế! - Lần này tôi nói một cách thật lòng.
Chợt bà vội vàng mở chiếc túi xách ra lấy đôi găng tay hôm trước và cái ví. Bà mở ví và đưa ra trước mặt tôi:
- Đây là bố tôi!
Bức ảnh chụp một người đàn ông cao lớn đang bế một cô bé, còn cô bé vòng tay qua cổ ông cười rạng rỡ. Trông hai người rất hạnh phúc.
- Còn đây là con trai tôi! - Bà Rose chỉ bức ảnh thứ hai.
Tôi nhận thấy người con trai trong ảnh gầy guộc, yếu ớt như đang mắc một chứng bệnh nào đó.
- Trước khi bị ung thư, trông nó rất giống anh! - Bà nói nghẹn ngào.
Tôi nhìn tấm hình chàng trai trẻ một lần nữa và vụng về không biết nói gì để chia sẻ nỗi bất hạnh của bà Rose.
- Con trai tôi mới qua đời cách đây hai tuần. Tôi đã trải qua những ngày đau đớn nhất trong cuộc đời như khi bố tôi mất. Nhưng anh biết không, khi gặp anh, tôi cứ ngỡ là gặp lại con trai mình bằng xương bằng thịt, và tôi cảm thấy an ủi được phần nào. Những tấm hình và cả đôi găng tay này là tất cả những gì mà con trai tôi để lại, mong anh hãy nhận lấy. Một ngày nào đó nếu tôi mất đi, tôi không muốn đem những đồ vật này theo, tôi gửi lại anh và nhờ anh, nó có thể tồn tại được.
Lúc này, cổ họng của tôi nghẹn đắng. Sự ân hận đè nặng trong lòng khiến tôi không dám nhìn vào đôi mắt đau buồn của bà Rose. Tôi vừa cầm đôi găng thì chiếc xe buýt ghé đến. Hôm nay, tôi nhận thấy chiếc xe buýt tới sớm hơn mọi ngày.
Vào ngày thứ Sáu, tôi trông ngóng bà Rose khi đứng chờ xe buýt, nhưng bà không đến…
Sang ngày thứ Bảy, tôi lại đứng chờ xe buýt và nôn nóng muốn gặp bà Rose nhưng bà vẫn không đến. Tôi ân hận vô cùng và tự sỉ vả mình: “Mày đúng là kẻ vô tâm, thậm chí bây giờ mày cũng không biết bà ấy sống ở đâu nữa?”. Tôi mong ngóng hình dáng, nụ cười quen thuộc của bà, vì ít nhất điều đó cũng làm cho tâm hồn tôi thanh thản đi đôi chút.
Đến ngày thứ Hai tuần sau, xe đã sửa chữa xong, tôi lái xe đến bến xe buýt nhưng bà Rose vẫn biệt tăm…
… Sang ngày thứ Ba vẫn vậy, như thể bà đã biến mất không để lại dấu vết gì cả…
Kể từ đó tôi không bao giờ thấy bà xuất hiện nữa, nhưng đôi găng tay, tấm ảnh và cả câu chuyện của bà thì tôi không thể nào quên được.