"Mẹ ơi, con có thể làm gì để giúp mọi người?”
Đó là câu hỏi mà Joel, cậu con trai mới mười tuổi của tôi băn khoăn đặt ra. Tôi thở dài, lòng dâng lên một cảm giác đau thương, nặng nề. Sự kiện kinh hoàng ngày 11 tháng 9 làm chấn động cả nước Mỹ chúng tôi chẳng khác gì tin tức của một cuộc chiến tàn bạo.
Đến cả những đứa trẻ mười tuổi chưa hiểu chuyện như Joel cũng phải lo lắng, phập phồng. Con tôi hiểu rằng đất nước của chúng tôi đang phải gánh chịu một vết thương hết sức nặng nề, mà những nỗi đau từ vết thương ấy sẽ chẳng thể nào bù đắp lại được, bởi có biết bao cuộc đời đã mãi mãi vì nó mà thay đổi.
Trái tim non nớt, thơ ngây của con tôi cũng hiểu được rằng mọi người phải chung tay lại để hàn gắn nỗi đau ấy, và nó cũng muốn giúp một tay.
Thấy tôi chưa trả lời, thằng bé lại lắc lắc tay tôi mà lặp lại lần nữa:
- Mẹ, mẹ nói cho con biết đi, con có thể làm gì bây giờ?
- Joel, con có thể cầu nguyện. Cầu nguyện là điều có sức tác động mạnh mẽ nhất mà con có thể làm.
- Nhưng mẹ ơi, con đã và vẫn đang cầu nguyện đấy thôi, ít nhất là mỗi ngày một lần.
Bây giờ con muốn biết liệu con có thể dùng đôi tay của mình để làm thêm điều gì giúp mọi người không.
Tôi đành phải vắt óc suy nghĩ. Quả thật là tôi không biết trong tình cảnh thế này thì một đứa trẻ mười tuổi có thể giúp được những gì. Đôi tay bé nhỏ kia có thể làm được gì nhỉ?
Đến chiều hôm đó, tôi chợt nảy ra một ý:
- Joel, con có còn nhớ những vòng tay và dây đeo trang trí mà con đã làm tại trại hè mấy năm trước không?
- Dạ nhớ!
- Con thử dùng cách đó làm thành hình lá quốc kỳ nước Mỹ xem sao. Con xỏ dây những hột màu đỏ, trắng và xanh rồi gắn chúng lên một cái que gỗ. Biết đâu, chúng ta lại có thể thu được một khoản tiền quyên góp nhằm giúp đỡ các gia đình gặp nạn.
Mắt Joel sáng lên trước ý tưởng đó. Và ngay ngày hôm sau, hai mẹ con tôi đã háo hức lùng sục khắp các cửa hàng bán đồ thủ công để mua những hộp hạt nhựa có màu xanh, đỏ và trắng. Joel đặt tên cho kế hoạch của mình là “những bàn tay giúp đỡ”, vì ngoài bản thân mình, nó còn tìm được mấy đứa bạn để giúp xâu hạt.
Vào mỗi cuối tuần, con tôi lại mang thành phẩm của mình đi bán. Việc làm vì mục đích cao đẹp của Joel đã khiến rất nhiều người xúc động. Chưa lần đi bán nào mà nó mang hàng thừa trở về. Vượt quá cả sự mong đợi của tôi, chỉ sau vài tuần, Joel đã thu được năm ngàn đô la - một số tiền quả thật không nhỏ chút nào và nó đã tự hào đóng góp tất cả số tiền ấy vào quỹ quyên góp của hội Chữ thập đỏ một cách hết sức tự nhiên, không một chút nuối tiếc hay ngại ngần. Với đôi tay nhỏ nhắn và non nớt ấy, con trai tôi đã làm được một điều thật to lớn, chỉ vì cháu biết quan tâm và muốn giúp đỡ người khác.
Nhưng điều bất hạnh dường như vẫn chưa chịu buông tha đất nước chúng tôi. Mối lo về bệnh than lại dấy lên khắp nơi kể từ sau cái chết của một nhân viên bưu điện.
Một lần nữa, Joel lại hỏi tôi dồn dập:
- Bệnh than là gì vậy mẹ? Làm sao nó đến được đây vậy mẹ? Vậy những người đưa thư họ có sợ không mẹ?
Tôi cố gắng dùng tất cả vốn hiểu biết của mình để trả lời từng câu hỏi của thằng bé.
Nhưng rồi tôi thấy rằng, điều khiến con trai tôi thật sự quan tâm không phải là kiến thức về bệnh than. Nó hỏi tôi:
- Chú đưa thư cho nhà mình tên gì vậy mẹ?
Câu hỏi của Joel khiến tôi bối rối. Tôi có cảm giác cuống họng mình như nghẹn lại khi nhận ra rằng chúng tôi đã sống ở đây mười năm, vậy mà tôi lại hoàn toàn không biết tên của người vẫn hàng ngày mang thư đến.
Joel lại bắt đầu bận lòng vì một vấn đề mới:
- Chắc chú đưa thư ấy phải sợ lắm mẹ nhỉ?
Chiều hôm sau, tôi thấy Joel ra đứng cạnh thùng thư trước nhà. Nó hát khe khẽ để giết thời gian trong lúc chờ chú đưa thư đến và rồi toét miệng cười ngay khi nhìn thấy chiếc xe chở thư quen thuộc đang chầm chậm đỗ trước sân. Giữ nụ cười trên môi, Joel chạy đến chào người đưa thư.
- Chào chú, cháu tên là Joel. Cháu sống ở đây đó chú.
- Rất vui được gặp cháu, Joel. Chú tên là Jimmy. - Người đưa thư cũng nồng nhiệt đáp lại.
- Chú có sợ không? Chú có sợ bệnh than không?
- Chú rất vui vì cháu đã quan tâm, nhưng dù có sợ đến thế nào đi nữa, thì những người đưa thư như chú vẫn tiếp tục công việc của mình.
Sau khi người đưa thư đi, tôi nghe tiếng chân Joel chạy như cơn lốc vào nhà. Thằng bé hào hứng reo lên:
- Mẹ ơi, tên chú ấy là Jimmy. Chú đưa thư cho nhà mình tên là Jimmy. Và chú ấy không hề sợ bệnh than đâu nhé!
Sau hôm đó, hai mẹ con tôi lại cùng đi lùng sục các cửa hàng để mua về các hạt màu trắng, xanh, đỏ và các cuộn dây cước. Một lần nữa, Joel lại bắt tay vào việc kết những chiếc lá quốc kỳ. Kế hoạch “những bàn tay giúp đỡ” được xúc tiến trở lại.
Lần này, Joel sẽ không bán các lá quốc kỳ thành phẩm của mình để quyên tiền như lần trước nữa. Nó sẽ gửi tặng đến từng nhân viên bưu điện trên khắp quận Cam, bang California như một món quà động viên. Sau khi làm xong một lá cờ, Joe lại đính kèm một tấm thiếp ghi rằng:
“Cháu làm lá cờ này để tặng chú, như một món quà cảm ơn của tất cả mọi người về công việc chú làm hàng ngày. Cầu mong các chú luôn được mạnh khỏe và không phải sợ bệnh than nữa. Thương mến, Joel.”
Lúc Joel đang ngồi đính những tấm thiếp lên từng lá cờ thì cô bé Allison - người bạn hàng xóm của Joel ghé chơi.
- Tớ giúp cậu được không? - Allison hỏi.
- Được chứ, cậu tới thật đúng lúc. Tụi mình phải làm xong chỗ này, bỏ nó vào thùng thư trước khi chú đưa thư đến.
Hai đứa trẻ chúi đầu vào nhau, cắm cúi ghi ghi, dán dán và đính lên đó những chiếc nơ con bướm xinh xắn. Chúng đã hoàn thành công việc trước cả hạn định và sau đó dắt tay nhau chạy đi chơi.
Có tất cả 205 món quà đã được gửi đến cho tất cả 205 nhân viên bưu điện của quận Cam.
Những món quà nhỏ đó khi đến tay người nhận đã khiến họ phải rơi nước mắt vì xúc động, cảm kích và hạnh phúc. Những ngày sau đó, gia đình tôi nhận được không biết bao nhiêu cuộc điện thoại cảm ơn từ những nhân viên đưa thư. Họ gửi đến Joel và Allison lời cảm ơn chân thành nhất vì sự quan tâm và tình cảm của chúng.
Tôi đã học được rất nhiều điều từ những gì con trai tôi đã làm. Nếu muốn giúp đỡ người khác, tất cả những gì ta cần chỉ là một đôi tay sẵn sàng và một trái tim thiện chí. Không ai là không thể dùng đôi tay của mình để đóng góp vào công việc của xã hội, của cộng đồng - chỉ cần ta muốn giúp. Tôi đã nghĩ Joel còn quá nhỏ để có thể đóng góp được gì. Nhưng rồi tôi biết mình đã sai, khi nhìn vào tất cả những gì nó đã làm.
Tôi tự hào về đứa con trai nhỏ của mình, vì thằng bé đã làm những điều mà thậm chí tôi còn chưa từng nghĩ đến - dành thời gian để quan tâm đến những người mình chưa từng gặp mặt.
- Janet Lynn Mitchell