T
hời buổi làm ăn khó khăn, sức khỏe ngày càng yếu nên ông lão làm nghề thợ rèn quyết định chuyển sang kinh doanh đồ gia dụng với hy vọng có thể trang trải cuộc sống hàng ngày và an hưởng tuổi già.
Ngày nọ, một thương nhân buôn đồ cổ đi ngang qua và bất chợt nhìn thấy cái ấm trà của ông lão. Nhận thấy cái ấm có vẻ đẹp cổ xưa, mang phong cách của nghệ nhân gốm nổi tiếng thời nhà Thanh, nên ông ta liền ghé vào và xin xem qua ấm trà. Quả nhiên, trên miệng ấm có con dấu của nghệ nhân nọ. Ông ta liền hỏi mua chiếc ấm với giá đặc biệt cao nhưng nào ngờ ông lão lại từ chối. Đó là ấm trà của tổ tiên ông để lại, con cháu ba đời nhà ông đều pha trà bằng cái ấm này. Vị thương gia kia đành thất vọng ra về.
Nhưng cũng từ hôm ấy, đêm nào ông lão cũng trằn trọc không yên. Cái ấm trà gắn bó với ông suốt sáu mươi năm giờ lại trở thành nỗi lo thường trực trong ông. Lúc nào ông cũng phải để mắt canh chừng cái ấm đến nỗi mất ăn mất ngủ. Khó chịu hơn cả là thái độ của chính những người hàng xóm thân quen. Khi biết chuyện ông có ấm trà quý, họ ùn ùn kéo đến nhà ông. Người lân la dò hỏi để tìm hiểu xem liệu ông có sở hữu báu vật nào khác trong nhà không, người hỏi mượn tiền ông, thậm chí có người còn đến gõ cửa nhà ông giữa đêm hôm khuya khoắt chỉ vì tò mò về cái ấm. Không lâu sau, vị thương nhân kia quay trở lại và nâng giá mua ấm trà lên gấp đôi khiến ông lão càng thêm hoang mang.
Cuối cùng, cảm thấy đã quá sức chịu đựng, ông lão tập hợp tất cả hàng xóm đến nhà mình. Trước sự chứng kiến của tất cả mọi người, ông cầm búa đập nát ấm trà quý.
Kể từ hôm đó, cuộc sống của ông trở lại bình thường. Ông tiếp tục làm nghề bán đồ gia dụng và sống hạnh phúc, bình yên.
Tiền bạc không mua được sự bình yên trong tâm hồn. Để sống hạnh phúc, chúng ta phải giữ lòng mình thanh thản và kiên định trước mọi thay đổi của thế gian.