Đ
ể chuẩn bị đối phó với họa ngoại xâm, nhà vua cho xuất ngân khố và sai người tìm mua những giống ngựa chiến tốt nhất để tăng cường sức mạnh của kỵ binh. Sau một thời gian, quan quân mua về được năm trăm con ngựa tốt.
Tuy nhiên, sau một thời gian mải miết huấn luyện ngựa chiến, chiến tranh vẫn chưa nổ ra. Nhà vua nghĩ, “Hao tốn không ít lương thực để nuôi năm trăm con ngựa nhưng lại không sử dụng vào việc gì thì thật lãng phí”. Thế là vua ra lệnh cho người đưa đàn ngựa chiến đến các kho lương thực để kéo cối xay bột.
Không lâu sau, giặc ngoại xâm ùn ùn kéo tới, nhà vua vội ra lệnh đưa ngựa ra khỏi các kho lương thực để chuẩn bị chiến đấu.
Binh lính thắng yên cương cho đàn ngựa rồi hùng hổ xông ra chiến trận. Thế nhưng lúc này cả đàn ngựa chỉ biết đi vòng quanh một chỗ. Quân lính càng hô hò, đàn ngựa càng quay vòng vòng mà không chịu tiến về phía trước. Tướng địch thấy vậy liền ra lệnh cho quân ào ạt tấn công, chẳng mấy chốc đã chiếm được kinh thành.
Nhà vua trong câu chuyện trên đã đoán trước tình huống xấu và lên kế hoạch đối phó, thế mà chỉ vì tiếc của để rồi phải chịu cảnh mất nước. Tất cả cũng chỉ vì thói nửa vời và tư tưởng “tranh thủ” mà ra. Một khi đã đặt ra mục tiêu thì chúng ta phải nỗ lực đi hết con đường đó, không thể cứ vì hôm nay thích thế này, ngày mai thích thế khác mà liên tục thay đổi kế hoạch ban đầu của mình. Chúng ta cứ tưởng như thế là “tranh thủ” được lợi ích nhưng thật ra lại đang tự hại mình. Nên nhớ rằng người suy nghĩ nông cạn và làm việc nửa vời sẽ không bao giờ đạt được lợi ích lớn lao.