C
ó một đại sư nọ đang ở ẩn trên núi cao. Một nhóm người muốn bái ông làm sư phụ nên đã không ngại núi non hiểm trở mà tìm đến.
Khi đến nơi, nhóm người này thấy vị đại sư đang gánh nước. Ông gánh không nhiều vì cả hai thùng nước đều không đầy. So với sức khỏe của một đại võ sư thì đó chỉ là trò trẻ con.
Một người trong nhóm thắc mắc, “Thưa đại sư, vì sao đã tốn công gánh nước mà người lại không lấy nước đầy thùng. Xin hỏi đây là đạo lý gì?”.
Vị đại sư từ tốn trả lời, “Gánh nước không quan trọng ở chỗ gánh được nhiều bao nhiêu, mà là có gánh đủ nước hay không”.
Ai nấy đều tỏ vẻ bối rối, còn vị đại sư chỉ mỉm cười và nói, “Hãy nhìn vào bên trong cái thùng này”.
Mọi người đồng loạt làm theo và thấy một vạch mức.
Đại sư tiếp lời, “Vạch mức này chỉ lượng nước vừa đủ cho nhu cầu của ta. Ban đầu ta phải nhìn vào mức này mỗi khi gánh nước. Nhưng lâu ngày thành quen, ta không cần nhìn nữa mà chỉ cần dựa vào cảm giác là biết được lượng nước trong thùng nhiều hay ít, đủ hay chưa. Gánh nước mỗi ngày là cách ta luyện tập cả thân lẫn tâm. Đó chính là lời nhắc nhở ta dành cho bản thân rằng mỗi khi làm việc gì hay lấy thứ gì từ bên ngoài thì chỉ nên lấy một lượng vừa đủ với nhu cầu của mình mà thôi”.
Trái đất ngày càng trở nên cạn kiệt nguồn sống vì lòng tham của con người. Ai cũng muốn lấy thật nhiều cho bản thân mà không nghĩ đến chuyện người khác đang thiếu thốn. Hãy sống như vị đại sư kia, giữ thân và tâm khỏe khoắn bằng triết lý “vừa đủ”.