“Phép màu xảy ra mỗi ngày. Hãy thay đổi quan điểm của bạn về phép màu và bạn sẽ thấy cuộc sống mình ngập tràn phép màu.”
- Jon Bon Jovi
Hôm ấy là sáng thứ Năm, ngày 15 tháng Một năm 2009, và tôi đang đi công tác ở New York. Lúc đó là khoảng mười giờ rưỡi sáng, tuyết vẫn rơi khá dày. Tôi đã xem dự báo thời tiết vì phải đáp chuyến bay lúc bảy giờ tối để về nhà ở Charlotte, North Carolina. Tôi không muốn bị mắc kẹt lại thành phố này chút nào. Dự báo thời tiết cho biết tuyết sẽ ngừng rơi, và hôm nay là một ngày đẹp trời.
Lúc tôi đến dự cuộc họp với sếp vào khoảng mười một giờ trưa, tuyết vẫn rơi.
“Anh đang làm gì ở đây vậy?”, ông hỏi. “Anh sẽ kẹt lại ở đây mất, về nhà ngay đi chứ.”
Thế là tôi đặt lại vé sớm hơn, chuyến bay lúc hai giờ bốn mươi lăm phút chiều, ghế 16E.
Khi đã ngồi trên máy bay, tôi vẫn nhắn tin và gọi điện cho một số người cho đến khi cửa máy bay đóng lại. Máy bay chạy đà rồi cất cánh, mọi chuyện diễn ra hết sức bình thường.
Tôi ngồi dựa vào ghế, độ nghiêng dốc đứng ấn chặt cả người tôi ra phía sau. Tôi mở tờ Thời báo phố Wall và đọc nốt phần tin đang đọc dở hồi sáng. Đột nhiên tôi cảm nhận rõ một sự chấn động, rồi cả chiếc máy bay lắc lư.
“Chuyện gì thế nhỉ?”, tôi tự hỏi.
Chiếc máy bay nghiêng hẳn về bên trái. Mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Tôi nghĩ máy bay đã bị mất kiểm soát và thế là hết. Nhưng phi công của chuyến bay, người tự giới thiệu mình là Cơ trưởng Chesley Sullenberger, dường như đã kiểm soát được tình hình. Ông ấy ổn định lại máy bay.
Tuy nhiên, hành khách trên chuyến bay không hề hoảng loạn. Sau cú thót tim ban đầu, ai nấy đều im phăng phắc.
Tôi nhìn quanh để nghe ngóng tình hình, bỗng một hành khách ở phía bên trái lên tiếng, “Chắc máy bay va phải cái gì đó. Tôi vừa thấy cái bóng của nó mà”.
Một lúc sau, lại có người kêu lên, “Động cơ bên trái bị cháy!”.
Ngay cả lúc đó, tôi vẫn chưa rối lên vì lo lắng. Tôi biết máy bay có hai động cơ và vẫn có thể bay khi chỉ còn một động cơ.
Nhưng rồi tôi nhận ra cả máy bay im ắng đến đáng sợ. Chẳng có tiếng động nào ngoại trừ tiếng gió thổi. Một suy nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí tôi, “Vậy là cả hai động cơ đều đã ngừng hoạt động”. Máy bay chỉ đang lượn đi và chúng tôi cũng không còn ở quá cao nữa. Đó là lúc tôi ngồi thẳng dậy và đưa tay ôm lấy đầu. Tôi cảm nhận được nỗi sợ chạy dọc cơ thể và khiến toàn thân tôi đông cứng lại - cảm giác mà tôi chưa từng trải qua trong đời.
Và tôi thành tâm cầu nguyện, không ngừng lặp đi lặp lại, “Lạy Chúa, xin cứu chúng con. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con”. Tâm trí tôi lúc đó xoay vần với đủ thứ suy nghĩ.
Nhưng tôi vẫn còn hy vọng. Chỉ cần làm cho một động cơ khởi động lại thì chúng tôi có thể quay lại LaGuardia rồi. Máy bay chỉ mới cất cánh ba phút, nên chắc chắn chúng tôi có thể bay vòng lại và hạ cánh an toàn.
Hy vọng đó tắt ngúm khi tôi nhìn ra cửa sổ và thấy máy bay đang thấp dần, thấp dần và bên dưới là một dòng sông. Nỗi kinh hoàng ùa đến. Tôi nhận ra mình có thể sẽ phải bỏ mạng trên máy bay này. Chẳng có nơi nào, chẳng có ai để nương tựa ngoại trừ Chúa.
Tôi tiếp tục cầu nguyện và cảm thấy như Chúa đang ở bên cạnh mình thật. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình ở gần Ngài đến vậy. Tôi không cầu nguyện kiểu mặc cả như “Nếu Ngài cứu chúng con, thì con sẽ…”. Thay vào đó, tôi cầu nguyện cho gia đình, các con và vợ mình.
Chỉ một lát sau, cơ trưởng Sully nói qua điện đàm, “Đây là cơ trưởng. Chuẩn bị có va chạm”.
Đối với tôi, những từ này không mang ý nghĩa nào khác ngoài cái chết và nỗi đau. Một thực tế lạnh lùng tàn khốc sắp ập đến và tôi không thể làm được gì. Tôi bế tắc và hoàn toàn bất lực trên ghế máy bay.
Giữa nỗi tuyệt vọng, tôi chỉ biết chờ đợi điều sẽ xảy đến. Cảm giác rời khỏi thế giới này như thế nào? Phải chăng đó là màn đêm tăm tối? Hay một luồng ánh sáng chói lòa? Là cảm giác thanh thản tuyệt vời hay niềm vui sướng ngập tràn? Sẽ thế nào khi tôi được gặp Chúa? Nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng phải giữ vững niềm hy vọng ngay cả trong thời khắc kinh hoàng nhất.
Tôi lấy điện thoại di động ra để nhắn tin lần cuối cho các con. Lúc đó tôi nhìn ra cửa sổ và thấy mình đang lao dần xuống nước, càng lúc càng nhanh. Tôi sợ hãi đặt điện thoại xuống, nhắm mắt lại và cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin cho con được gặp các con của mình lần nữa”. Rồi tôi nhủ thầm, “Chắc sẽ đau lắm đây”. Tôi khiếp hãi, không hẳn vì cái chết và điều xảy đến sau đó, mà vì nỗi đau đớn mình sắp trải qua.
Máy bay lao xuống nước. Chiếc điện thoại nảy lên và đập trúng sống mũi tôi đau điếng.
Rồi chúng tôi dừng lại.
Tôi lập tức hiểu ra chúng tôi đều ổn.
Cú va chạm không gây hậu quả nào nghiêm trọng. Tôi biết máy bay còn nguyên vẹn và cũng không có hành khách nào bị thương nặng.
Tôi bước ra lối đi giữa hai hàng ghế và thấy các cánh cửa thoát hiểm đều đã được mở. Bên ngoài là bầu trời trong xanh, nhiệt độ vào khoảng hai mươi độ và nắng chiếu rọi vào trong khoang máy bay. Cảm giác lúc ấy thật tuyệt vời, như thể một ngày mới, một cuộc sống mới, một khởi đầu mới đang chờ đợi tôi phía trước.
Tôi theo hàng người bước ra cửa để bước lên cánh máy bay nhưng rồi quay lại để lấy áo phao. Không ai thông báo chúng tôi sẽ đáp xuống nước và cũng chẳng ai nhắc áo phao nằm bên dưới đệm ghế. Tất nhiên mọi nệm ghế cạnh lối thoát đều đã được tháo ra nên tôi không tìm thấy cái áo phao nào.
Tôi chẳng làm đúng bất kỳ điều gì trong hôm đó. Mọi chuyện rối tung lên, nhưng tôi vẫn thoát khỏi thảm họa ấy một cách kỳ diệu. Nếu tôi bước ra cánh máy bay mà cánh đang chìm, và không có những chiếc phà ở đó thì hẳn tôi đã chết cóng dưới làn nước lạnh buốt.
Nhưng như thể mọi chuyện đã được định sẵn, tôi bước ra phía cánh mà không có áo phao cứu hộ. Rồi tôi trông thấy một chiếc phà đi tới, giống như trong mơ vậy. Sau ngày hôm đó, tôi nhận được cả chục email kèm theo hình vẽ chiếc máy bay được một bàn tay thần kỳ đỡ và nhờ đó hạ cánh an toàn.
Điều đó đã xảy ra trên sông Hudson. Và tôi thật sự tin đó là phép lạ.