“Món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể trao tặng người khác là sự chấp nhận và tình yêu thương vô điều kiện.”
- Brian Tracy
“Chắc mình bị hoa mắt. Không thể như vậy được”, tâm trí tôi quay cuồng suy nghĩ này nhưng tôi cố che giấu nỗi lo của mình. Tôi đang ngồi bên giường Diane – vợ tôi – sau khi cô ấy vừa sinh Sandra – đứa con thứ hai của chúng tôi. Khuôn mặt Diane rạng rỡ khi cô ấy nằm trên giường nói chuyện điện thoại với họ hàng. Vợ tôi vẫn chưa trông thấy mặt con gái mới chào đời, và hẳn là cô ấy cũng không để ý ánh mắt thoáng hiện lo lắng của cô y tá khi ẵm đứa bé ra khỏi phòng.
Hy vọng trong tôi vỡ vụn khi bác sĩ bước vào phòng và kéo ghế ngồi. Ông kiên nhẫn đợi Diane nói chuyện điện thoại xong rồi lên tiếng, “Tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo tin này. Con anh chị mắc hội chứng Down”.
Diane đón nhận tin dữ ấy một cách bình tĩnh khiến tôi ngạc nhiên. Cô ấy đã cưu mang con suốt chín tháng mười ngày. Thậm chí trước khi được gặp và ôm con vào lòng, vợ tôi đã yêu thương con bé bằng cả trái tim. Nhưng tôi thì không như vậy. Tôi viện lý do để rời khỏi phòng.
Tôi đi loanh quanh hành lang bệnh viện nhiều giờ liền, đấm tay vào tường và tuôn trào những giọt nước mắt đau xót. “Tại sao Ngài lại đối xử với con của con như vậy?”, tôi oán trách Thượng Đế. “Tại sao lại là con gái con? Tại sao lại là con?”
Tại sao Sandra không hoàn hảo như anh trai Aaron của nó. Aaron đã lên ba và là viên ngọc quý của tôi. Tôi thích cùng con đi dạo và chỉ con xem các loài sâu đêm hay những con ốc sên đang uốn mình trên các lối đi. Cha con tôi luôn có những buổi tối thứ Sáu vui vẻ bên nhau khi Diane tan làm trễ và phải ngủ lại nhà ông bà ngoại để sáng hôm sau tiện đi làm. Khi đó, chúng tôi thường bày trò chơi với mấy con khủng long và xe đồ chơi, sau đó tôi đọc truyện cho con nghe trước khi lên giường đi ngủ.
Những đêm Aaron không muốn ngủ một mình, tôi trải mền ra sàn nằm ngủ cạnh giường con. Sáng hôm sau, thế nào tôi cũng thấy Aaron cũng đang cuộn mình nằm cạnh tôi dưới sàn nhà. Thằng bé sẽ mở đôi mắt còn ngái ngủ và hỏi, “Bây giờ mình xem phim hoạt hình được không cha?”. Và tôi sẽ mỉm cười trả lời, “Tất nhiên là được rồi con trai”.
Nhưng với Sandra thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Sau khi đưa con bé về nhà từ bệnh viện, tôi tức tốc chạy đến thư viện và đọc mọi thứ liên quan đến hội chứng Down, cố tìm kiếm tia hy vọng nhỏ nhoi. Nhưng càng đọc, tôi lại càng tuyệt vọng. Không có phương pháp chữa trị nhiệm màu nào cho căn bệnh mà tôi gọi là “tình trạng của Sandra”. Trong khoảng thời gian đó, tôi thậm chí không đủ can đảm để thốt ra ba chữ “hội chứng Down”.
Diane và tôi tham gia nhóm hỗ trợ dành cho người có con mắc hội chứng Down, nhưng sau vài tuần thì tôi không muốn đến đó nữa. Việc nghe các phụ huynh ở đó kể về vấn đề sức khỏe của con họ càng làm tôi đau khổ. “Đó là tương lai của vợ chồng tôi sao?” Câu hỏi đó cứ ám ảnh tâm trí tôi.
Và đúng là như thế. Sandra phải phẫu thuật tim khi chỉ mới sáu tháng tuổi. “Thưa Thượng Đế, con cầu xin Ngài đừng mang Sandra bé bỏng của con đi”, Diane luôn miệng cầu nguyện. Nhưng tôi không có chung lời cầu nguyện với cô ấy.
“Biết đâu kết thúc như vậy lại là tốt nhất”, tôi thầm nghĩ nhưng không cho phép mình suy nghĩ tiếp câu hỏi “Tốt cho ai?”.
Ngày qua ngày, tôi đưa Sandra đi gặp bác sĩ và chuyên gia trị liệu theo đúng bổn phận của người làm cha. Tôi xoa bóp chân cho con để giúp cơ bắp con phát triển, tập cho con đi và nói. Nhưng càng cố gắng, tôi càng thất vọng và buồn bã bởi những cột mốc phát triển mà Sandra đã không đạt được.
Tôi dành trọn thời gian của mình để cải thiện sức khỏe của con. Tôi quyết tâm “sửa chữa” Sandra cho bằng được, nhưng đó là tất cả những gì tôi làm – đơn thuần là “sửa chữa”. Tôi không hề yêu thương con. Tôi chỉ bế con từ nôi ra để thay tã hoặc tập vài động tác trị liệu cho con. Tôi chưa bao giờ bế con đi chơi hay ôm con vào lòng. Tôi cũng không bao giờ cười với con hoặc chọc con cười.
“Anh không thương Sandra như cách anh thương Aaron”, Diane nhẹ nhàng nhận xét vào một buổi chiều nọ, và tôi phải thừa nhận vợ mình nói đúng.
“Anh cần thêm thời gian”, tôi chống chế một cách yếu ớt.
Tôi hổ thẹn vì cảm xúc của mình và vì Sandra. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi có người bắt gặp tôi bế con bé. Lúc ấy, mọi người thường nựng nịu Sandra những câu đại loại như “Con bé dễ thương quá” và tôi chỉ muốn túm lấy cổ áo họ và hét lên, “Đồ giả dối! Các người đang nghĩ thầm con tôi xấu xí chứ gì. Các người cho rằng con bé nên nằm trong bệnh viện thay vì ở ngoài đây phải không?”.
Cơn giận chuyển hóa thành nỗi buồn, rồi nỗi buồn phôi phai thành thái độ hững hờ. Ngay cả việc đi dạo hay chơi đùa cùng Aaron cũng không còn vui như trước vì nó nhắc tôi nhớ đến những việc Sandra không thể làm.
Tôi vẫn chăm sóc Sandra theo đúng trách nhiệm nhưng càng ngày tôi càng chán nản và xa cách con. “Ngày nào cũng như ngày nấy, con bé chẳng phát triển gì cả”, tôi thở dài khi đặt cô con gái hai tuổi vào ghế ăn trưa. Tôi vừa múc thức ăn vào đĩa cho con vừa quệt những giọt nước mắt tuyệt vọng của mình. Tôi chẳng cảm nhận được gì ngoài cảm giác trống rỗng.
Nhưng khi tôi đến gần chiếc ghế Sandra đang ngồi, con bé nghiêng đầu và mở to đôi mắt màu xanh nhìn tôi chăm chú. Rồi con giơ hai cánh tay nhỏ xíu ra ôm ghì tôi bằng tất cả sức mình như muốn nói “Cha đừng buồn nữa. Con sẽ xua đi nỗi buồn cho cha”.
Tôi vòng tay ôm con thật chặt và để mặc nước mắt tuôn rơi. Lúc đó, tôi không còn khóc vì đau buồn nữa, mà vì đứa con bé bỏng vừa giúp tôi hiểu được tình yêu thương vô điều kiện. Trong giây phút ngắn ngủi đó, vai trò của chúng tôi bị đảo ngược. Sandra trao cho tôi tình yêu thương mà bấy lâu nay tôi đã không thể dành cho con.
Tôi từng đau khổ vì Sandra không hoàn hảo. Nhưng làm sao tôi có thể đòi hỏi con mình hoàn hảo trong khi tôi cũng mang đầy khiếm khuyết? Tại sao tôi cứ phải mong con khác đi thay vì chấp nhận và thương yêu con người đặc biệt của con?
Sandra dạy tôi cách mở rộng trái tim mình và sẵn sàng cho đi tình yêu mà không kỳ vọng được đáp lại. Trước đây tôi dành nhiều thời gian và công sức chăm sóc nhu cầu của Sandra, nhưng lại quên tận hưởng thời gian bên con. Tôi sẽ không lặp lại lỗi lầm đó.
Giờ đây, mỗi tối tôi đều đọc truyện cho cả hai con trước khi đi ngủ. Mỗi sáng thứ Bảy, ba cha con tôi cùng nhau cuộn mình trên giường xem phim hoạt hình. Và mỗi khi tôi làm mặt xấu để chọc cười Sandra hoặc cùng chơi với con, tôi chợt nhận ra một điều: cuối cùng tôi cũng có thể mở rộng trái tim mình với Sandra, và mỗi ngày con lại đong đầy vào đó niềm vui và tình yêu thương vô điều kiện.