“Trong khi niềm tin khiến mọi việc trở thành có thể, tình yêu khiến mọi việc trở nên dễ dàng.”
- Evan H. Hopkins
Khi nằm trên giường bệnh với thân hình vàng vọt và gầy gò, cha tôi như lọt thỏm giữa những máy móc y tế và dây truyền tĩnh mạch ngổn ngang. Căn bệnh quái ác đã ăn mòn sức khỏe của cha, khiến ông sụt hơn hai mươi ký và gầy rộc hẳn đi. Nhìn ông lúc này, không ai có thể hình dung nổi cha tôi từng là người đàn ông cao to lực lưỡng.
Cha tôi mắc bệnh ung thư tuyến tụy, và tất cả các phương pháp điều trị đều vô tác dụng trước tế bào ung thư đang lan nhanh trong cơ thể cha. Bác sĩ nói cha chỉ còn sống được từ ba đến sáu tháng nữa.
Là con trai duy nhất, tôi không khỏi đau lòng khi nhìn cha mình vật vã chiến đấu với bệnh tật. Một ngày nọ, tôi đến gần bên cha rồi cúi người về phía trước vòng tay ghì chặt lấy thân hình gầy gò của cha, thế nhưng cả tay và vai cha bỗng trở nên cứng đờ. Trong thoáng chốc, vẻ ngạc nhiên thoáng hiện lên trong mắt cha tôi. Cũng đúng thôi, từ trước đến giờ, thói quen thể hiện tình cảm, suy nghĩ và cảm xúc không tồn tại trong mối quan hệ giữa cha con tôi.
Tôi đỡ cha ngồi thẳng hơn chút nữa để có thể vòng tay quanh người ông, và tôi khẽ thử ghì nhẹ ông lần nữa. Thế nhưng mặc cho cố gắng của tôi, cha thậm chí còn gồng cứng người hơn trước. Niềm oán hận chôn sâu bấy lâu nay bất giác trào dâng trong tôi. Bao nhiêu năm qua tôi luôn oán trách sự nghiêm khắc, lạnh nhạt của cha và không ít lần giận dỗi tự nhủ, “Cha có quan tâm hay yêu thương gì mình đâu”. Song lần này thì khác, tôi quyết tâm hàn gắn lại mối quan hệ cha con trong những ngày tháng cuối đời của cha.
Con người cha tôi mang đậm tính cách Đức, nghiêm khắc, khó gần nhưng tràn đầy tinh thần trách nhiệm. Hẳn là hồi bé, ông đã được dạy phải biết đóng kín tâm hồn và giấu đi cảm xúc để trở thành người đàn ông mạnh mẽ. Nhưng giờ đây tôi muốn phá vỡ bức tường đó, muốn xâm nhập vào tâm hồn cha và dù thật khó khăn để mở lời, tôi thật sự muốn bày tỏ cho cha biết tôi lo lắng, quan tâm và yêu thương cha đến nhường nào.
Sau khi xua đi thói quen hờn trách cha vốn ăn sâu vào lối nghĩ, tôi nghĩ mình đã sẵn sàng đương đầu với thử thách hết sức đời thường – thể hiện tình cảm đối với cha mình. Tôi chỉ cho cha biết thế nào là cái ôm, và trong khoảnh khắc khi tôi nép mình vào lòng cha, khi đôi tay ấy vụng về ghì nhẹ lấy tôi, tôi cảm nhận được cảm giác yêu thương như sóng gợn lăn tăn trong tâm hồn.
Suốt bao năm qua, cha con tôi chỉ chào nhau một cách lạnh nhạt và khách sáo qua cái bắt tay và câu “Chào cha, cha khỏe không ạ?” hay “Con thế nào rồi?”. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác, hai chúng tôi đều mong đợi phút giây gần gũi. Có lẽ, chính giây phút cảm nhận cảm giác “được yêu thương”, cha bắt đầu đáp lại những cử chỉ yêu thương của tôi với chút lúng túng, rụt rè và ngượng ngập.
Phải mất vài tuần trước khi sự cứng nhắc cố hữu của cha phai nhạt, để ông có thể cho phép cảm xúc của bản thân được bộc lộ và lan theo đôi cánh tay đang ôm tôi vào lòng. Trong thời gian đó, tôi luôn động viên cha vì dù gì cha cũng đang cố gắng từ bỏ thói quen đã theo ông suốt cuộc đời.
Cứ thế, mối quan hệ giữa chúng tôi dần cải thiện thấy rõ. Những cảm xúc quan tâm, lo lắng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đến cái ôm thứ hai trăm, lần đầu tiên trong đời, cha tự thốt ra câu nói mà suốt đời tôi không bao giờ quên. Cha nhìn tôi trìu mến và nói “Cha yêu con”.