“Nếu không thể giúp một trăm người đỡ đói thì hãy giúp một người.”
- Mẹ Teresa
Đảo ngỗng” là cái tên mà các con của tôi dùng để gọi nơi tôi sắp kể sau đây. Thật ra, gọi là “đảo” thì cũng hơi quá lời bởi đó chỉ là một mỏm đá nhỏ với vài bụi cây mọc lởm chởm. Khi thủy triều lên đến mức cao nhất, diện tích của mỏm đá ấy chỉ còn khoảng hơn chục mét vuông.
Nhưng phần “ngỗng” thì chính xác. Trong suốt mười lăm năm qua, cứ mỗi độ xuân về là một đôi ngỗng lại bay từ Canada đến mỏm đá này làm tổ. Nhưng không phải nơi nào trên “đảo” cũng được chúng chọn để xây tổ. Đôi ngỗng ấy chỉ chọn đúng nơi mà năm trước chúng đã ở - cái hốc đá nằm ở vị trí cao nhất so với mực nước biển.
Năm nào cũng vậy, ngỗng mẹ nhặt nhạnh, thu gom các nhánh cây con và cỏ khô để làm tổ. Sau đó nó sẽ tự rứt những chiếc lông tơ mềm mại từ ngực ra để tạo lớp nệm êm ái trong tổ. Hai bụi cây mọc cạnh đó phần nào ngụy trang cho chiếc tổ, giúp nó trở nên kín đáo hơn, và việc ngỗng mẹ nằm bất động trong đó cũng góp phần làm cho chiếc tổ tránh khỏi sự dòm ngó từ bên ngoài. Những ngư dân thường xuyên đi qua đây không hề hay biết về chiếc tổ của gia đình nhà ngỗng.
Mùa xuân năm ấy, tôi quyết định ghé thăm ngỗng mẹ thường xuyên hơn trong thời kỳ nó ấp trứng. Thật tuyệt vời khi có thể khởi đầu ngày mới bằng việc dành ra năm phút để chèo thuyền ra đảo. Tôi luôn mang theo một ít vỏ bánh mì trong các chuyến viếng thăm của mình. Đó là món khoái khẩu của ngỗng mẹ và lần nào nó cũng ăn một cách ngon lành. Trong khi cô nàng mải mê thưởng thức bánh mì thì tôi có cơ hội ngắm nghía kho báu quý giá nhất trong tổ - sáu quả trứng to tròn trắng tinh.
Tuần thứ hai của tháng Năm, tính đến thứ Bảy thì ngỗng mẹ đã ấp trứng được hai mươi bốn ngày. Khi tôi ghé thăm, cô nàng không còn niềm nở đón tiếp tôi như trước mà luôn cảnh giác và để mắt đến chiếc tổ của mình. Chỉ đến lúc ngỗng mẹ vươn cổ ngoạm miếng bánh mì trong giỏ, tôi mới có cơ hội hiểu được vì sao cô nàng lại cáu kỉnh đến vậy. Dưới ngực ngỗng mẹ là những đám lông tròn mềm mại màu vàng nâu đang lấp ló nhìn ra.
Lúc này, năm chú ngỗng con cực kỳ đáng yêu đang chen chúc cạnh mẹ, nhưng điều khiến tôi chú ý hơn cả chính là quả trứng duy nhất chưa nở nằm trong tổ. Thông thường, các quả trứng được ấp cùng nhau sẽ nở cùng lúc. Dù ngỗng mẹ luôn gườm gườm đề phòng nhưng tôi vẫn tìm được dịp nhẹ nhàng nhấc quả trứng chưa nở ra khỏi tổ và áp nó lên tai mình. Tôi không nghe thấy động tĩnh gì bên trong nên lắc nhẹ quả trứng, nghĩ rằng nó trống rỗng. Bỗng tôi giật mình khi cảm nhận có gì đó đang cựa quậy bên trong. Tôi nhận ra chú ngỗng con trong ấy không đủ sức đạp vỡ vỏ trứng để chui ra ngoài và rất có thể nó đang kiệt sức.
Thế là tôi cẩn thận đập nhẹ quả trứng vào hòn đá bên cạnh, lòng hồi hộp không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Vỏ trứng vỡ ra, để lộ một nhúm lông tơ ướt nhẹp, cái mỏ bé xíu và đôi chân xám ngoét yếu ớt. Chú ngỗng con nằm im thin thít, cái đầu ngoẹo sang một bên. Tôi không thấy có dấu hiệu nào của sự sống ở sinh vật bé nhỏ đang nằm lọt thỏm trong bàn tay mình.
Tôi nhẹ nhàng lấy áo lau khô cho chú ngỗng tội nghiệp, nhưng việc sưởi ấm của tôi có vẻ không mang lại kết quả. Cuối cùng, tôi đành đặt chú ngỗng đáng thương nằm giữa anh em của nó rồi ra về và để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm. Hôm đó là Ngày của Mẹ.
Trong lúc cùng các con chuẩn bị bữa điểm tâm đặc biệt dành tặng vợ, tâm trí tôi vẫn mãi nghĩ đến hình ảnh chú ngỗng con không đủ sức chui ra khỏi vỏ trứng ngày hôm trước. Sau bữa sáng, tôi quyết định chèo xuồng ra đảo, mang theo một khẩu phần đặc biệt dành cho ngỗng mẹ. Tôi muốn chúc mừng nó đã cho ra đời năm chú ngỗng con xinh xắn nhân Ngày của Mẹ.
Khi vừa chèo thuyền ra đến đảo, tôi được chứng kiến một cảnh tượng tuyệt đẹp: ngỗng mẹ cùng sáu chú ngỗng con đang dạo quanh bên ngoài chiếc tổ. Có vẻ như cô nàng ngỗng muốn khoe với tôi về đàn con đáng yêu và cho tôi biết nỗ lực của mình ngày hôm trước không hề vô nghĩa.