Tôi chưa bao giờ muốn trở thành một doanh nhân. Tôi chỉ muốn có một tờ báo của riêng mình mà thôi.
Đó là năm 1974, thời gian mà tin tức về vụ Watergate(*) bắt đầu bị rò rỉ. Những người nhập cư ở khu phố Trung Hoa ở Seattle xếp thành hàng dài trước các sạp báo để mua bằng được những tờ báo xuất bản bằng tiếng Hoa được in ấn ở San Francisco. Thời ấy, cộng đồng người Hoa nhập cư chủ yếu lấy thông tin từ nguồn… tin đồn và các cuộc tán gẫu giữa họ. Tôi muốn giúp cộng đồng ấy bằng cách cung cấp cho họ thông tin và sự kiện thực tế. Vì thế, lập ra một tờ báo mới có vẻ như là một điều đúng đắn.
(*) Theo Wikipedia tiếng Việt: Vụ Watergate là một vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, từ năm 1972 đến năm 1974, xảy ra vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam, khi chính quyền Nixon lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ.
Mặc dù vấp phải sự phản đối từ cha mẹ và bạn bè, cũng như sự hoài nghi từ chồng tôi, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện chiến dịch tiếp thị của mình. Tôi đã phân phát trong các khu phố người Hoa (China Town) những tờ bướm để loan báo về một tờ báo Hoa ngữ mới sắp ra đời. Tôi nói với tất cả những người tôi gặp trên đường rằng tôi sắp lập ra một tờ báo. Mọi người nghĩ rằng chắc tôi bị điên. Một người đàn ông còn kéo tôi sang một bên và bảo rằng: "Cô cứ liên tục bảo với mọi người rằng cô sắp ra một tờ báo. Nếu cuối cùng cô chẳng có tờ báo nào thì sao?".
Thất bại không phải là một sự lựa chọn, cũng không phải là một điều đáng quan tâm. Tôi hoàn toàn lờ đi những con số thống kê rằng bốn trong năm tờ báo ở Mỹ thất bại bởi vì thiếu doanh thu và không quảng cáo đủ mạnh. Mặc dù kinh nghiệm bán hàng duy nhất trước đó của tôi chỉ là làm những công việc vặt hàng ngày trong một cửa hàng thời trang, nhưng tôi không nhụt chí. Tại sao tôi phải để người khác quyết định số phận của mình? Tôi đã tự hỏi mình câu này. Bất cứ lúc nào cảm thấy nản lòng, tôi nghĩ đến hình ảnh những người đang phải xếp hàng chỉ để mua cho được một tờ báo. Tôi không thể quay lưng lại với họ được. Nếu tôi bị từ chối, tôi sẽ xem điều đó như là cả một nhóm người bị từ chối, chứ không phải chỉ riêng tôi. Lúc nào cũng vậy, tôi thấy nỗ lực của mình mang ý nghĩ "chúng tôi", chứ không phải chỉ là "tôi".
Chúng tôi - những người như cách tôi hình dung - bị buộc phải giải quyết sự từ chối sớm hơn dự kiến một chút. Sau khi hình thành chiến lược bán hàng, tôi quyết định nhắm đến nhà hàng cổ nhất, thành công nhất ở khu phố Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội tốt nhất để bán quảng cáo cho họ bởi vì người chủ nhà hàng dĩ nhiên có đủ tiền để chi cho việc quảng cáo này. Ông Quân là một doanh nhân nổi tiếng, được mọi người kính trọng bởi cách làm ăn trung thực của mình. Tôi hết sức tự tin và đi thẳng vào nhà hàng Tai Tung, yêu cầu được nói chuyện với ông ấy. Cô tiếp tân nhìn tôi từ đầu đến chân, tỏ vẻ ngạc nhiên vì một người phụ nữ trẻ mặc đồ jeans và mang giày thể thao lại có yêu cầu lạ như vậy. Cảm thấy bối rối nhưng cô ấy vẫn đi vào một căn phòng ở phía sau rồi trở ra cùng ông Quân. Lúc ấy, tôi không những mặc quần áo không phù hợp để giao dịch kinh doanh, mà nghi thức xã giao trong kinh doanh cũng không hợp nốt. Nhớ lại lúc đó, lẽ ra tôi nên nói một vài câu về cách trang hoàng tuyệt đẹp của nhà hàng hoặc về sự thành công của ông ấy, nhưng lúc đó tôi chỉ có một ý định duy nhất: bán quảng cáo cho tờ báo của mình.
"Thưa ông Quân, tôi là Assunta Ng. Tôi sắp ra tờ báo Seattle Chinese Post, một tờ báo xuất bản bằng tiếng Hoa. Tôi muốn ông tham gia quảng cáo trên tờ báo của chúng tôi."
Ông Quân cảm thấy cuốn hút bởi sự bạo dạn của tôi và mời tôi đến ngồi ở quầy để nói chuyện. Ông giải thích một cách nghiêm túc: "Assunta này, trong 30 năm qua tôi chưa bao giờ quảng cáo một mẩu nào cả, mà công việc kinh doanh của tôi vẫn rất tốt. Tại sao bây giờ tôi phải đi quảng cáo? Và tại sao lại quảng cáo với cô?".
Tôi đã giải thích cho ông ấy nghe những lợi ích của việc quảng cáo trên tờ báo của tôi, nhưng chẳng có kết quả gì. Mười phút trôi qua, ông Quân vẫn chẳng có thay đổi gì trong quyết định của mình. Công việc có vẻ khó khăn hơn tôi nghĩ. Ông Quân hoàn toàn không muốn quảng cáo! Ông giải thích rằng cộng đồng người Hoa ở đó đã không có tờ báo nào trong hơn 50 năm qua. Nếu ông quyết định quảng cáo vào lúc này, mọi người sẽ nghĩ rằng công việc kinh doanh của ông đang kém đi. Tôi biết rằng mình đã gặp vấn đề quá khó khăn. Cộng đồng người Hoa ở Seattle đã quên mất mục đích của quảng cáo.
Ông Quân nói một cách cứng rắn: "Không. Tôi sẽ không quảng cáo chi cả!".
Thất vọng, tôi bắt đầu thu dọn để ra về, nhưng có điều gì đó ngăn tôi lại. Tôi nhớ lại thời niên thiếu của mình: "Không" là một từ quá sức quen thuộc. Trưởng thành trong một gia đình người Hoa truyền thống ở Hong Kong, tôi đã nghe từ này rất thường xuyên.
Từ nhỏ, tôi đã không được phép mơ ước. Cuộc đời của tôi đã được định sẵn theo kế hoạch và không có khả năng đi sai lệch con đường ấy. Tôi phải làm tất cả những việc nhà, từ nấu ăn, giặt giũ, vệ sinh… cho đến khi tôi lớn lên, đủ tuổi để đi lấy chồng. Tất cả chỉ gói gọn trong chừng đó - chẳng có gì hơn nữa cả. Còn hai em trai của tôi thì được "cung phụng" đầy đủ tất cả mọi thứ và chẳng bao giờ phải làm việc gì trong nhà. Hai em tôi là những công dân hạng nhất, còn tôi thì không.
Con gái không thể sáng tạo ra bất cứ thứ gì cho bản thân mình; thậm chí chúng tôi còn không được tưởng tượng mình sẽ trở thành bác sĩ, luật sư, doanh nhân hay bất cứ nghề gì khác. Xã hội khuôn mẫu Trung Hoa muốn chúng tôi là những người chỉ biết tuân thủ và phục vụ. Tôi là một đứa trẻ nhút nhát, chưa bao giờ dám nghi ngờ quyền của người khác, và luôn tuân theo các quy tắc do người lớn đặt ra. Những hình mẫu duy nhất mà tôi biết là những người nội trợ, thư ký và giáo viên. Mặc dù rất yêu quý mẹ mình, nhưng tôi biết chắc một điều rằng: tôi không bao giờ muốn trở thành một người như bà. Là người nội trợ, cuộc sống của bà đều đều trôi qua một cách nhàm chán như mặt trời mọc và lặn hàng ngày mà không có sự thay đổi nào. Cha tôi là một nhà xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng ông chưa bao giờ trở thành hình mẫu của tôi. Tôi không được phép hỏi ông bất cứ câu gì về công việc làm ăn của ông, và chắc chắn tôi sẽ bị chế giễu nếu cố hỏi về điều đó.
Là chị cả trong nhà, tôi luôn có một nhu cầu thôi thúc: trở nên độc lập. Tôi biết văn hóa cộng đồng người Hoa chúng tôi không bao giờ cho phép điều này xuất hiện ở những cô gái trẻ. Tôi bị trói buộc bởi những xiềng xích ràng buộc của tập quán mà tôi đang sống trong đó, và tôi bắt đầu tìm cách thoát ra. Tôi dành thời gian rảnh rỗi để đọc những tác phẩm văn học mượn từ Thư viện Trao đổi Văn hóa Mỹ ở Hong Kong. Tôi ngưỡng mộ tinh thần tự do của những tác giả Mỹ như Pearl S. Buck và quyết định rằng Mỹ chính là nơi dành cho những người như tôi.
Mặc dù cha mẹ tôi không có kỳ vọng nhiều ở tôi, nhưng họ tin vào những giá trị mà một nền giáo dục tốt mang lại. Họ gởi tôi và các em đến học ở một trường dòng tốt nhất ở Hong Kong. Nhưng sự gò bó ở đó làm tôi không thể đạt kết quả xuất sắc nhất. Nhưng khi tôi vượt qua kỳ thi quốc gia một cách dễ dàng, tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Sự thông minh của tôi làm cho nhiều người bất ngờ, bao gồm cả cha mẹ tôi. Tôi thuộc nhóm 10% học sinh có điểm cao nhất, và tôi được nhận thẳng vào đại học. Ngay lập tức, cha mẹ và bạn bè tôi bắt đầu có cảm nhận về tôi khác đi. Và chính tôi cũng vậy. Cảm thấy nước Mỹ mới là con đường dẫn đến cuộc sống mới tốt đẹp hơn đối với mình, tôi đã dồn hết can đảm nói với cha mẹ rằng tôi muốn sang Mỹ. Họ trả lời ngay mà không cần bàn luận: "Không. Con hãy bỏ những ý nghĩ kỳ quặc ấy trong đầu con đi".
Trong sáu tháng tiếp theo, lần đầu tiên trong đời mình tôi đã cư xử như một kẻ nổi loạn. Tôi im lặng không nói một lời, cũng chẳng bộc lộ một cảm xúc nào cả. Cha mẹ tôi đang ngăn cản ước mơ của tôi, và tôi quyết tâm cho họ biết sự phản kháng của mình. Cuối cùng thì cha mẹ tôi cũng nhận ra rằng trái tim của tôi đã dành cho chuyến du học tại Mỹ và cho tôi tiền đóng học phí năm thứ nhất đại học. Sau đó, tôi sẽ phải tự xoay xở. Ở tuổi 18, tôi đã lên máy bay đi từ Hong Kong sang Portland, bang Oregon.
Khoảnh khắc nhớ lại tuổi thơ của mình đã nhắc nhở tôi rằng tôi đang ở Mỹ, đất nước của ước mơ và hy vọng. Tôi không thể chấp nhận một câu trả lời "không" dễ dàng như vậy. Tôi nhớ đến khuôn mặt của những người sẽ xếp những hàng dài để mua báo.
"Ông Quân này, vậy chúng ta hãy quên việc quảng cáo đi nhé. Tôi sẽ không van nài ông mua quảng cáo nữa." Tôi nói và thay đổi chiến lược tiếp cận.
Khuôn mặt ông Quân lộ vẻ thoải mái: "Cô không cần à?".
"Ông muốn nhìn thấy một tờ báo Hoa ngữ ở cộng đồng này, phải không?"
Ông Quân đáp: "Đúng vậy!".
Tôi nói: "Vậy tôi muốn ông đăng một thông điệp chúc mừng từ nhà hàng Tai Tung dành cho tờ Seattle Chinese Post vào ngày khai trương của tờ báo. Được không ạ?".
Ông Quân hỏi thêm: "Đó có phải là một mẫu quảng cáo phải không?".
Tôi trấn an: "Chắc chắn là không rồi".
Ông Quân hỏi tiếp: "Vậy, nửa trang giá bao nhiêu?". "Một trăm bảy mươi lăm đô-la."
Ông Quân rút ví từ túi quần phía sau, đếm lấy 175 USD rồi đặt lên bàn. Ôi, giao dịch quảng cáo đầu tiên của tôi!
Kể từ đó, tôi đến thăm tất cả những cơ sở làm ăn ở khu phố Trung Hoa và nói rằng: "Ông Quân đã quảng cáo ở tờ báo của chúng tôi, ông/bà có muốn quảng cáo không? À, nhân thể, ông Quân trả bằng tiền mặt ấy!". Chắc hẳn tôi đã phải mài mòn năm đôi giày để đi bán quảng cáo từ cơ sở này sang cơ sở khác, nhưng phần thưởng thật là kỳ diệu: tôi đã kiếm đủ 4.000 USD từ tiền quảng cáo để cho ra số báo đầu tiên và nhận được hàng trăm yêu cầu đặt báo dài hạn.
Nếu bạn tin vào ước mơ của mình thì đừng bao giờ từ bỏ nó. Từ "không" chỉ có nghĩa là "không phải bây giờ" hoặc "có lẽ sau này". Trong thế giới kinh doanh, "không" có nghĩa là đừng bao giờ dừng lại - và nó chính là nơi thành công thực sự bắt đầu.
- Assunta Ng
Lời bình:
Assunta Ng là sáng lập viên và tổng biên tập của tờ Seattle Chinese Post, xuất bản bằng tiếng Hoa, và tờ Northwest Asian Weekly, xuất bản bằng tiếng Anh. Cả hai tờ báo này đều phục vụ cho cộng đồng người châu Á ở Seattle và các thành phố phụ cận.
Theo Ng, Seattle Chinese Post là tờ báo tham gia khá sớm vào một thị trường giờ đây đã trở thành sân chơi quan trọng của ngành xuất bản. Theo Ng, sự phát triển của hai tờ báo được thúc đẩy bởi các yếu tố nhân khẩu học, vì các nhóm dân tộc ở vùng châu Á - Thái Bình Dương đã tạo thành bộ phận phát triển nhanh nhất trong dân số Mỹ.
Để biết thêm về Ng và những tờ báo của cô, bạn có thể truy cập trang web: www.nwasianweekly.com
- Dahlynn McKowen
Nguyên tác Pride and Prejudice