Shantanu Prakash (tốt nghiệp năm 1988)
Educomp
Dù lớn lên trong một gia đình trung lưu bình thường, anh Shantanu đã bắt đầu theo nghiệp kinh doanh từ lúc còn đang học bằng Cử nhân Kinh doanh (Bcom). Vận may trong kinh doanh tiếp tục đến với anh sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Học viện Quản lý Ấn Độ Ahmedabad (IIMA). Ngày nay, công ty Educomp do anh sở hữu là nhà cung cấp công nghệ kỹ thuật số hàng đầu cho các trường học trên khắp Ấn Độ.
Các doanh nhân tài giỏi là nhờ bẩm sinh hay được tôi luyện? Có phải họ luôn biết chắc mình muốn gì trong cuộc đời, hay chỉ là nhờ có một cơ hội chợt xuất hiện và soi sáng con đường kinh doanh?
Anh Shantanu Prakash lớn lên trong môi trường trung lưu điển hình. Nhưng sự khao khát kinh doanh đã có trong anh từ lúc còn rất trẻ. Anh thành lập công ty khi đang học đại học và mở một công ty khác ngay sau khi tốt nghiệp trường IIMA.
Và đó là thời điểm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, trước khi kinh doanh trở thành trào lưu trong xã hội Ấn Độ.
Một điều ở anh Shantanu sẽ làm bạn ấn tượng, đó là sự bình thản khi kể lại câu chuyện. Thành công của anh không tới chỉ sau một đêm mà đòi hỏi sự nỗ lực trong gần hai thập kỷ. Nhưng dù cho phải trải qua những thời điểm cực kỳ khó khăn, khi doanh số bán hàng rất thấp, khi không có nhiều tiền, anh ấy vẫn nói rằng việc kinh doanh “không bao giờ khó”. “Khi tôi nhìn lại từng ngày trong cuộc đời mình, tôi nghĩ đó chính là năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời của tôi”.
Ngồi với anh ở quán cà phê trong khách sạn Trident tuyệt vời ở Gurgaon, một phần trong tôi nói rằng: “Anh chàng này chắc chắn đang nói dối. Làm sao có thể như thế được…”. Nhưng từ sâu thẳm bên trong, tôi biết những điều anh nói đều đúng sự thật.
Sự thật là thứ do chính bạn tạo nên. Nếu bạn nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu hồng, thì đó chính là sự thật về cuộc đời của bạn.
Điều này đi ngược lại với quan niệm thông thường của giới trung lưu về sự cẩn trọng cũng như thực tế về thế giới rộng lớn và xấu xí xung quanh. Nhưng tôi phải công nhận rằng công thức này có vẻ đúng với anh Shantanu. Công ty Educomp của anh làm việc với 9.000 trường học, tương tác với sáu triệu học sinh trên khắp Ấn Độ, Mỹ và Singapore, tạo nên nguồn doanh thu 276 crore rupee trong năm tài chính 2007 - 2008. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty đạt mức 70 tỷ rupee vào thời điểm tháng 5/2008.
Nhưng thái độ của người xây dựng nên công ty còn thú vị hơn cả chính câu chuyện về công ty đó.
---
Anh Shantanu Prakash sinh ra tại Rourkela, một thị trấn nhỏ với duy nhất một điểm đáng chú ý – nhà máy thép. Cha làm việc tại Steel Authority of India(*) (SAIL), mẹ là giáo viên, anh được nuôi dạy trong môi trường không khác biệt là bao so với hàng ngàn đứa trẻ lớn lên tại thị trấn thép vào thập niên 70 của thế kỷ trước.
(*) Nhà sản xuất thép lớn nhất Ấn Độ.
Khi học xong lớp 10, gia đình anh chuyển tới Delhi và anh ghi danh vào Trường Công lập Delhi(**) (DPS), “ngôi trường lớn và hào nhoáng nơi thành phố”. Với học lực giỏi, anh Shantanu được nhận vào Trường Thương mại Shri Ram (tức Sri Ram College of Commerce - SRCC). Và đó chính là lúc những bằng chứng về sự khác biệt của anh bắt đầu xuất hiện. “Mỗi khi cha tôi đi công tác, ông thường mua cho tôi những cuốn sách. Thực tế, tôi chẳng hề nhớ là mình đã có món quà nào mà không phải là sách. Tôi thường đọc chúng ngấu nghiến. Và có lẽ chính điều đó giúp mở khóa sự nhận thức của tôi. Những suy nghĩ lớn lao, những chân trời mở rộng… Rồi khi cha tôi về hưu và muốn chuyển đến Delhi định cư, ông đã phát hiện ra mình không có đủ tiền để mua căn hộ chung cư của Cơ quan Phát triển Ấn Độ(***) . Đúng vậy! Thế nên trong đầu tôi thầm nghĩ rằng, nếu tôi cần làm ra tiền, thì việc làm công ăn lương có lẽ là không đủ”.
(**) Đây là một hệ thống trường học tốt và danh tiếng bậc nhất tại Ấn Độ, bao gồm 333 trường tư ở khắp Ấn Độ và một số nước khác.
(***) Sau khi Ấn Độ giành được độc lập năm 1947, dân số tại Delhi bùng nổ do luồng di dân từ khắp đất nước đổ về đây. Cơ quan Phát triển Delhi được thành lập vào năm 1955 theo quy định của Đạo luật Phát triển Delhi, với nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng nhà ở cho thành phố. Ở đây, khi nhắc đến nhà ở của Cơ quan Phát triển Ấn Độ, tác giả muốn nói đến nhà ở giá rẻ.
Khi học tại SRCC, anh Shantanu đã mở công ty cùng một người bạn – công ty tổ chức sự kiện nhạc rock. Không phải vì anh có đam mê đặc biệt với nhạc rock, mà vì đó là một cơ hội tốt. “Chúng tôi thường tìm kiếm nguồn tài trợ từ các công ty lớn, tổ chức sự kiện, chương trình tại khách sạn để bán vé. Chúng tôi đã kiếm được rất nhiều tiền”. Đó là khoảng 4 - 5 lakh rupee – một khoản tiền lớn ở thời điểm 20 năm về trước.
“Tôi nghĩ rằng mình đã thực sự giàu có. Và rồi những sai lầm điên rồ trên thị trường chứng khoán đã ‘cắn’ tôi một cú nhớ đời. Tôi thường có mặt tại Sàn Giao dịch Chứng khoán Delhi mỗi ngày, trong suốt gần hai năm. Cho tới khi tôi mất tất cả số tiền mình có. Hồi đó, tôi chỉ nghĩ rằng chuyện chơi chứng khoán thật là tuyệt. Kiểu như làm một việc có vẻ ‘người lớn’ hơn việc đến trường. Nhưng đó chỉ là sự bốc đồng của tuổi trẻ mà thôi”.
Anh Shantanu được nhận vào trường IIMA mặc dù anh thích Trường Nghiên cứu Quản lý Deli (FMS) hơn. Nhớ lại việc này, anh cười lớn rồi nói: “Thực ra khi đó tôi không hề hiểu MBA là gì… Một người trong công ty quản lý sự kiện của chúng tôi bay tới Ahmedabad để nộp đơn xin học vì đã quá muộn để gửi qua đường bưu điện. Tất cả mọi thứ được thực hiện vào phút cuối”.
Anh Shantanu đến IIMA học, ngay cả khi việc kinh doanh tổ chức sự kiện ở Delhi tiếp tục khởi sắc: một hợp đồng đã được ký kết với Thumbs Up(****) cho một loạt sự kiện âm nhạc trên khắp Ấn Độ, và một sự kiện âm nhạc ở Bombay còn đang trong thời gian chuẩn bị. Điều này có nghĩa là anh phải phân chia thời gian giữa việc học và việc kinh doanh.
(****) Nhãn hiệu nước uống có ga nổi tiếng tại Ấn Độ, thuộc sở hữu của tập đoàn Coca-cola.
“Trong năm đầu tiên tại IIMA, tôi thường đi tới Bombay mỗi dịp cuối tuần để cùng bạn tôi chuẩn bị cho sự kiện này. Và nó đã thành công tuyệt vời. Chương trình được tổ chức tại một khách sạn ở Bombay và chúng tôi mời được cả Remo(*****) đến biểu diễn. Tôi đi nhiều đến nỗi mà một lần, khi tôi trở về ký túc xá, có một tấm bảng được đặt ở trước cửa phòng của tôi ở khu D-14 đề ‘Sinh viên tham quan’”.
(*****) Remo D”Souza: vũ công, biên đạo múa, diễn viên và đạo diễn phim nổi tiếng tại Ấn Độ.
“Vậy là tôi chỉ toàn đi dự tiệc trong suốt hai năm tại IIMA. Thành thật mà nói, tôi đã không học hành nghiêm túc trong năm đầu tiên. Và rồi đến năm thứ hai, tôi nhủ rằng hãy thử đọc qua chương trình giảng dạy xem nội dung thế nào. Tôi luôn nhìn nhận cuộc sống theo cách khá thoải mái. Tôi tự hỏi sao những người kia lại phải học hành chăm chỉ đến thế, có điều gì ở đây khiến họ coi trọng việc học đến vậy”.
Vào thời điểm đó, mức lương của những sinh viên mới tốt nghiệp không hề cao. Anh Shantanu nhớ rằng vào năm 1988 (năm anh tốt nghiệp IIMA), 17 người bạn cùng khóa gia nhập Citibank với mức lương vỏn vẹn 7.000 - 8.000 rupee/tháng. Vậy nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi anh Shantanu không kiếm việc làm. Anh đã mở một công ty tập trung vào mảng giáo dục cùng với một người bạn và một đối tác cũ trong ngành tổ chức sự kiện. Ý tưởng kinh doanh là cài đặt phòng máy tính cho các trường học. Đây là một mô hình kinh doanh sáng tạo. Các trường không cần phải đầu tư vào trang thiết bị. Họ ký một hợp đồng có cam kết sử dụng sản phẩm của công ty trong nhiều năm, mỗi tháng họ trả một khoản phí để học sinh sử dụng phòng lab.
“Đó là lúc công nghệ thông tin mới xâm nhập vào các trường học. Vì vậy với họ, đây vẫn còn là một điều bí ẩn. Khi chúng tôi đến và nói chuyện với hiệu trưởng của các trường, họ chào đón chúng tôi rất nhiệt tình và nói rằng chúng tôi hẳn biết cách cải tiến trang thiết bị cho phòng máy tính hơn bản thân họ. Vì vậy chúng tôi đã có một sự khởi đầu hết sức thuận lợi. Chúng tôi ký được hợp đồng với rất nhiều trường”.
Trong vòng hai năm, công ty đã làm việc với 50 - 60 trường và có tới vài trăm nhân viên. Doanh thu đạt mức 40 - 50 triệu rupee. Và đó là một con số lớn vào thời kỳ năm 1990.
Nhưng bất đồng quan điểm đã xuất hiện giữa các đối tác, trong nội bộ công ty. “Tôi muốn công ty đi theo một hướng, anh ấy lại muốn công ty đi theo một hướng khác. Nhưng chúng tôi đã là những người bạn tốt của nhau và chúng tôi vẫn rất gắn bó cho tới tận bây giờ”.
Anh Shantanu đã quyết định làm việc một mình. Đối tác của anh giữ lại công ty và phần lớn số tiền trong khi anh chọn một sự khởi đầu mới. Đó là thời điểm năm 1992.
Educomp khi mới mở là một công ty rất nhỏ, hoạt động ở nhiều mảng khác nhau, có số vốn bằng không và có được hai nhân viên (ngoài ông Shantanu). Thay vì phần cứng, Educomp tập trung vào phát triển phần mềm. Sản phẩm đầu tiên của công ty là Hệ thống Quản lý Trường học , một loại hệ thống Quản trị Tài nguyên Doanh nghiệp (ERP) dành cho các trường học. Nó đòi hỏi hai năm để xây dựng.
Trên giấy tờ, hệ thống hóa trường học có vẻ là một thị trường đầy tiềm năng vì nó giúp giải quyết những vấn đề khó khăn tồn tại trong việc quản lý một ngôi trường. Tuy nhiên, sản phẩm này lại không thành công cho lắm. Sau khi cung cấp phần mềm cho 10 trường học, anh Shantanu nhận ra rằng mỗi trường đều có những yêu cầu riêng, mà không nơi nào muốn trả thêm cho việc thiết kế theo yêu cầu.
Trong quá trình gầy dựng Educomp, anh Shantanu nghiệm ra giá trị của những bài học tại IIMA: “Tất cả những kiến thức bạn được học trong các nghiên cứu tình huống tại IIMA, tất cả những kiến thức ấy đều có thể được áp dụng. Tuy nhiên khi ở trường bạn không hề đánh giá cao những điều đó vì bạn chưa phải va chạm với thực tế. Bạn không thực sự hiểu ý nghĩa của việc điều hành một doanh nghiệp và bạn sẽ phải trả giá đắt để học lại tất cả những bài học đó sau này”.
Vậy chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian hai năm khi công ty đi vào phát triển sản phẩm?
“Một số ít hợp đồng cài đặt phòng máy tính tại trường học cung cấp nguồn quỹ cho hoạt động của công ty”, anh nói. Ban đầu, “hoạt động chính của công ty là xây dựng một sản phẩm trí tuệ. Ngay cả khi nó chưa hoàn thiện, chúng tôi đã bắt đầu rao bán trên thị trường. Tôi nghĩ rằng mình là một người có khả năng bán hàng tốt. Tôi đã thuyết phục một số trường mua phần mềm của mình và công việc kinh doanh bắt đầu phát triển”.
Cuối cùng, Educomp từ bỏ sản phẩm này và “lấn sân” sang mảng phát triển nội dung số cho các trường học, rồi sau đó khai thác lĩnh vực học tập trực tuyến (e-learning). Ngày nay, khi nhìn vào danh mục sản phẩm của họ, bạn có thể thấy rằng sản phẩm của công ty bao trùm hầu hết các bậc học từ mẫu giáo đến lớp 12.
“Nhưng những điều ông nói nghe có vẻ thật là dễ dàng”, tôi phản đối. “Từ năm 1992 đến năm 2006 (thời điểm mà Educomp niêm yết trên thị trường chứng khoán), ông đã trải qua những gì để đạt được thành công?”.
“Thành thực mà nói thì với tôi, quá trình phát triển công ty không hề khó khăn. Tôi nghĩ rằng vấn đề chủ yếu nằm ở tư duy… Tôi nhớ văn phòng đầu tiên của tôi thậm chí còn không có quạt. Nhưng tôi không hề bận tâm về điều đó. Tôi đã đặt hết tâm trí vào công việc và sản phẩm tôi đang phát triển. Vì vậy, khi tôi nhìn lại mỗi năm của cuộc đời mình, đó đều là những năm tuyệt vời nhất. Đó là khi tôi làm những việc có ý nghĩa nhất mà tôi từng mong muốn được làm… Điều đó đã tạo nên cảm giác hạnh phúc cho tôi. Vì vậy, một cụm từ tôi dùng để miêu tả bản thân mình là người không ngừng lạc quan . Khi bạn thực sự lạc quan thì những tác động bên ngoài không thể ảnh hưởng đến bạn. Và chúng chưa bao giờ ảnh hưởng đến tôi”.
Đó là thái độ đối với công việc của anh Shantanu. Còn đi vào chi tiết quá trình phát triển thì Educomp phát triển rất chậm. Thậm chí là cực kỳ chậm trong khoảng thời gian đầu tiên.
Năm 1998 đánh dấu sáu năm kể từ ngày bắt đầu hoạt động, thế nhưng doanh thu của Educomp đứng yên ở mức 3,5 crore rupee. Và sau đó công ty mới bắt đầu phát triển. Vào năm 2000, doanh thu của công ty đạt khoảng 12 crore rupee. Sau đó nó tăng vọt và trong năm tài chính 2007 - 2008, Educomp đạt mức doanh thu 276 crore rupee với lãi ròng đạt 70 crore rupee.
Có phải có điều gì đó đã xảy ra ở mức doanh thu 4 crore rupee, và nhờ nó mà công ty bắt đầu đạt mức tăng trưởng 50 - 60% mỗi năm? (Bởi vì có rất nhiều người khởi nghiệp và phần lớn họ không bao giờ đạt được mức tăng trưởng kỳ diệu đó).
Để giải quyết bài toán tăng trưởng cho công ty, anh Shantanu tin rằng có hai vấn đề cần được đặt ra:
(1) Về bản chất, doanh nghiệp có khả năng phát triển hay không?
(2) Cơ hội thị trường có đủ lớn hay không?
Với hai vấn đề trên, anh Shantanu đã phân tích như sau: “Trong trường hợp của chúng tôi, những giải pháp mà chúng tôi cung cấp đều dựa trên công nghệ, vì vậy chúng tôi có thể dễ dàng phát triển. Hơn nữa, cơ hội ở thị trường Ấn Độ vô cùng lớn. Có tới 220 triệu trẻ em tới trường, 1 triệu trường học, 5 triệu giáo viên và nhiều yếu tố khác nữa… Vì vậy, cho đến tận ngày hôm nay, mức độ thâm nhập thị trường của công ty mới chỉ ở mức dưới 2%. Và Educomp có thể tiếp tục tăng trưởng 100% trong vòng 10 năm tới mà vẫn chưa đạt tới điểm bão hòa”.
Thêm vào đó, thị trường bắt đầu có phản ứng tích cực với nội dung số. “Điều đó có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn 3 - 4 năm. Chúng tôi biết rằng mình thực sự đam mê công việc này và tin tưởng rằng đây chính là giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo dục”. 75% doanh thu của Educomp hiện tại là từ việc cho phép các trường học sử dụng sản phẩm số, vốn giúp giáo viên thực hiện công việc của họ tốt hơn.
Để phát triển, bạn cần có con người. Những người giỏi. Và đương nhiên, tất cả các công ty đều bắt đầu với số nhân viên rất nhỏ, còn người sáng lập thì quản lý tất cả các chiến lược cấp hoạt động. Câu hỏi mà mỗi nhà kinh doanh đều trăn trở trong giai đoạn đó chính là làm thế nào để có thể kiếm được những người giỏi bằng mình thậm chí là hơn họ.
“Tôi muốn làm việc với những người thông minh và làm việc hiệu quả. Nhưng vấn đề là những người đó không muốn làm việc cho tôi… Có nhiều khó khăn ở giai đoạn này”.
Một trong rất nhiều lý do giúp cho Educomp thu hút được nhân tài là vì người ta dễ có được niềm đam mê trong lĩnh vực giáo dục. “Bí quyết nằm ở việc xác định DNA (bản chất) trong mỗi con người, khơi dậy mong muốn được làm những điều khác biệt và tìm kiếm nguồn động lực mới. Điều đó không chỉ nằm ở mức lương hậu hĩnh mà còn ở cả những lợi ích như chia cổ phần, cảm nhận về việc cộng tác, được làm một phần của công ty mới, tăng trưởng nhanh, v.v… Đó chính là cách mà tôi có được những người thực sự giỏi cộng tác với mình”.
Hầu hết những người đó đều gắn bó với công ty cho đến tận bây giờ. Educomp có khoảng 4.000 nhân viên nhưng tỷ lệ bỏ việc ở mức thấp đáng kinh ngạc: ít hơn 3%. Vì sao?
“Vì mọi người vui vẻ khi làm việc ở đây, tôi nghĩ như vậy. Và công ty đang tăng trưởng 100% mỗi năm. Hiện tại, chúng tôi lớn hơn đối thủ mạnh nhất của mình tại Ấn Độ đến 5 lần… Vậy họ còn muốn chuyển đi đâu nữa đây?”.
Cùng với việc cổ phần hóa công ty, Educomp ngày nay có ít nhất 25 nhân viên đã trở thành triệu phú đô-la. Giống như tất cả những doanh nhân thế hệ mới, bí mật của sự gắn bó lâu dài nằm ở việc chia sẻ tài sản. Và sức nóng của sự tăng trưởng được tiếp nhiệt kịp thời nhờ đầu tư mạo hiểm. Educomp nhận được 2,5 triệu đô-la từ nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm vào tháng 6/2000. Việc kêu gọi nguồn quỹ không quá khó khăn vì đó là thời điểm công nghệ thông tin và thị trường dotcom bùng nổ. Số tiền được giải ngân chỉ trong hai tháng.
Số tiền đó có mang đến sự thay đổi lớn?
“Thực tế là: không. Tấm vải bạt(******) rộng lắm. Số tiền lớn hơn chỉ giúp bạn mua thêm màu vẽ và vẽ bức tranh đẹp hơn mà thôi”.
(******) Vải được dùng làm bề mặt để vẽ tranh.
Sáu năm sau, khi công ty cần thêm nguồn quỹ để mở rộng, Educomp đã quyết định gây quỹ bằng cách IPO – phát hành cổ phiếu ra công chúng. Bởi vì “công ty đã đạt được tới mốc phát triển quan trọng và chúng tôi nghĩ rằng thị trường vốn cũng đã sẵn sàng. Nhiều người hỏi chúng tôi rằng: ‘Tại sao anh thực hiện IPO khi công ty còn nhỏ như vậy?’. Ở mức doanh thu 50 crore rupee, chúng tôi muốn cổ phần hóa công ty thay vì tìm kiếm nguồn quỹ từ các nhà đầu tư cá nhân”.
Điều quan trọng là Educomp đã phát hành cổ phiếu ra công chúng vào đúng thời điểm mà công ty đang trên đà phát triển. Nhờ vậy mà từ đó, công ty đã tăng trưởng 100% mỗi năm.
Nhưng trong suốt 20 năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, chẳng lẽ không có khi nào anh Shantanu cảm thấy mệt mỏi?
Câu trả lời là: “Không, vai trò của tôi thay đổi, công ty thay đổi, chúng tôi có cơ hội tăng trưởng vượt trội đặt ngay trước mắt. Educomp có giá trị khoảng 1,5 tỷ đô-la (tính đến thời điểm tháng 5/2008). Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể trở thành công ty giá trị 10 tỷ đô-la trong vòng 3 năm tới. Vì vậy tôi chắc chắn sẽ luôn ở đó, gánh vác công việc và thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty”.
Có những lĩnh vực mới có thể phát triển mạnh mẽ. Ví dụ như việc Educomp đang xây dựng trường học. Công ty sẽ đầu tư 30 tỷ rupee vào việc xây dựng 150 trường tại Ấn Độ trong vòng 2 - 3 năm tới. Công ty đang lên kế hoạch phát triển vào lĩnh vực giáo dục đại học cũng như mua lại các công ty bên ngoài Ấn Độ. Vậy nên, 2008 “là năm thú vị nhất mà chúng tôi từng trải qua. Tôi một lần nữa có cảm giác giống hệt như hồi năm 1995”.
Có những khía cạnh vô cùng lãng mạn của việc đưa công ty và sự sáng tạo của bạn lên một tầm cao mới. Đó là sự khao khát được nhìn thấy công ty của mình hoạt động tốt hơn và tốt hơn nữa. Và luôn có những cột mốc quan trọng chờ đợi ở phía trước. Anh Shantanu cho biết: “Những cột mốc quan trọng chắc chắn sẽ giúp cho bạn tiếp tục hoạt động tích cực và tiến lên phía trước. Nhưng tôi nghĩ với bản thân mình, việc hiểu được quá trình tạo nên giá trị thú vị vô cùng. Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, ra mắt sản phẩm mới, làm việc với những người thực sự tài giỏi, đó là một sự thôi thúc đối với tôi… Mỗi ngày trong cuộc đời, tôi đã trải nghiệm điều đó và đi xa khỏi quỹ đạo của mình để tạo dựng nên những trải nghiệm. Chúng mang đến cho tôi những thử thách để được sống, kiểm soát một thứ gì đó, làm một việc gì đó có ý nghĩa. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh tôi đang hoạt động: giáo dục – thật dễ dàng để cảm thấy rằng bạn đang đóng góp cho xã hội”.
Thật tuyệt vời! Tuy nhiên, anh đã bao giờ phải hy sinh gia đình cho sự nghiệp của mình chưa?
“Có lẽ gia đình tưởng tôi bị khùng. Vậy nên họ để tôi làm những gì mình muốn… Khi kết hôn, tôi đã là một doanh nhân và vợ tôi rất thông cảm với tôi. Nhưng công việc kinh doanh ngày càng đòi hỏi nhiều thời gian cá nhân của tôi hơn… Và đó là sự hy sinh còn đắt giá hơn cả tiền bạc”.
Anh Shantanu thừa nhận rằng mình làm việc suốt 24/7. Ngay cả cuộc phỏng vấn này cũng được sắp xếp vào một buổi chiều Chủ nhật, sau bữa trưa.
“Cuộc sống của tôi chỉ có một chiều duy nhất. Đúng thế, nếu tôi chỉ làm thuê, tôi sẽ rất rạch ròi giữa thời gian nghỉ ngơi và thời gian làm việc. Nhưng tôi đang làm việc cho chính mình. Tôi đã quyết định từ rất nhiều năm về trước rằng 10 năm tới của cuộc đời tôi sẽ hoàn toàn cống hiến cho việc xây dựng công ty này. Và gia đình của tôi đã học cách chấp nhận điều đó”.
“Thế nhưng ông không hề coi đó là một sự hy sinh?”, tôi tiếp tục hỏi.
“Nó chính là một sự hy sinh, không có gì phải nghi ngờ về điều đó cả. Có thể tôi không đủ thông minh để cân bằng hay làm việc đó cho đúng, thực tế tôi không hề tự hào về điều này. Tôi nghĩ rằng một cuộc sống lý tưởng là thành công trong sự nghiệp mà vẫn có đủ thời gian dành cho gia đình, những công việc và những sở thích khác… Tôi đã có hình dung đó trong đầu nhưng chưa bao giờ có thể thực hiện được. Có lẽ đó là một trong những điều tôi sẽ phải học”.
Thực ra, đó là điều tất cả chúng ta đều cần phải học.
Lời khuyên cho những doanh nhân trẻ
Nếu một nhà kinh doanh 24 tuổi tới gặp tôi, tôi sẽ nói với người đó rằng hãy chọn bất cứ loại hình kinh doanh nào mà bạn muốn tham gia, khiến cho bạn cảm thấy thích thú. Hãy bắt nguồn từ niềm đam mê sẵn có của chính bạn.
Làm sao để bạn có thể chọn được mình sẽ làm gì? Nền tảng của tôi là một tấm bằng cử nhân thương mại từ SRCC và một bằng MBA – chẳng hề có chút “kỹ năng” nào, đúng không? Vì vậy tôi đã có thể thoải mái chọn bất cứ lĩnh vực nào mình muốn. Nhưng có một số nguyên tắc then chốt mà bạn cần phải nhớ - đó là hãy tự đặt ra câu hỏi: “Liệu rằng cơ hội có đủ lớn, liệu bạn có thể đóng góp và tạo nên sự thay đổi lớn cho những điều giúp tạo nên giá trị hay không?”. Lời giải cho các vấn đề này sẽ giúp bạn định hướng cho việc kinh doanh của mình.