S
au khi xuất bản tác phẩm đầu tay của mình, cuốn Bàn tay ánh sáng, tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu mối quan hệ giữa các năng lượng sống của chúng ta với sức khỏe, bệnh tật và sự chữa lành. Tôi ngày càng thiết tha muốn biết những nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh bệnh tật. Liệu “đau ốm” có phải là một phần của điều kiện con người1, và phải chăng nó hàm chứa một ý nghĩa hoặc bài học sâu xa nào đó? Việc sống một cuộc sống “bình thường” trong nền văn hóa của chúng ta đã dẫn đến tình trạng bệnh tật như thế nào? Đâu là những nhịp điệu sống lành mạnh nhất mà chúng ta có thể có? Những lựa chọn và hành động mỗi ngày của chúng ta tác động tới sức khỏe như thế nào? Sự chuyển dịch ý thức trong từng khoảnh khắc ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta ra sao? Bệnh tật có liên quan gì đến tính sáng tạo và quá trình tiến hóa của ta không và liên quan như thế nào?
1 Điều kiện con người (Human Condition): Dùng để nói đến những điều kiện hay tình trạng tạo nên con người, bao gồm cả sự tồn tại và diệt vong. (Chú thích của biên tập viên - BT)
Tôi đã dừng công việc chữa lành để có nhiều thời gian hơn cho việc thành lập Trường Chữa lành Barbara Brennan và vẫn tiếp tục quan sát các hiện tượng năng lượng diễn ra trong lớp học, trong các nhóm cũng như trong cá nhân các học viên. Trong nhịp giảng dạy đều đặn ấy, tôi bắt đầu nhận ra một mô hình vô cùng thú vị. Đầu năm nọ, người hướng dẫn của tôi cho biết tôi sẽ thuyết giảng về quá trình sáng tạo. Sau khi nhờ được người chép lại, biên tập và tập hợp phần nhiều các bài giảng này, tôi đã khám phá ra một mối liên hệ hoàn toàn mới giữa lộ trình tiến hóa của Trái đất, sứ mệnh, tính sáng tạo và sức khỏe của ta với việc sống trong cái mà người hướng dẫn của tôi, Heyoan, gọi là “khoảnh khắc đang trải ra”.
Muốn hiểu thông tin mới mẻ này, trước hết cần thâm nhập vào một mô hình (paradigm) mới. Trong từ điển Webster, từ paradigm được định nghĩa là “một kiểu mẫu, ví dụ hoặc một mô hình.” Đó chính là cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Một mô hình là một tập hợp các giả định chung giúp ta cắt nghĩa thế giới và dự đoán hành vi của nó. Ta thường xem nhẹ các giả định này. Ta xem chúng như thực tại căn bản và không đi sâu tìm hiểu thêm. Liệu một con cá có để ý đến làn nước bao quanh nó?
Theo quan sát của Werner Erhard, nhà sáng lập est1, thì “Hầu hết những nhận định của ta về thế giới xuất phát từ một tập hợp các giả định vốn không được ta chú ý và hầu như không mảy may nghi ngờ hoặc suy ngẫm về chúng. Ta đem những giả định này ra để thảo luận như những điều hiển nhiên đúng. Chúng trở thành một phần gắn chặt lấy ta, đến nỗi ta khó lòng tự tách khỏi chúng đến một mức độ đủ để có thể thảo luận về chúng. Ta không suy ngẫm về những giả định này mà suy nghĩ dựa trên chúng.”
1 Viết tắt của “Erhard Seminars Training”, một khóa học được thành lập vào năm 1971, là một dạng huấn luyện nhận thức nhóm lớn và là một phần của Phong trào tiềm năng con người. (BT)
Các mô hình y khoa quyết định cách chúng ta nghĩ về cơ thể mình. Trong nhiều năm qua, y học phương Tây đã xác định rằng tà ma, tính khí, vi khuẩn và virus là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, và trên cơ sở đó đã vạch ra các biện pháp điều trị tương ứng. Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong y học và sự tiến bộ trong hiểu biết của con người về mối liên hệ thân – tâm, các mô hình y học của chúng ta cũng đang thay đổi. Những mô hình mới làm nảy sinh những khả năng mới.
Trước đây, người ta đã biết rằng trường hào quang1 có mối liên hệ với sức khỏe và sự chữa lành nhưng theo một cách khá “bí truyền”. Kiến thức trong lĩnh vực này khi đó chỉ là một mớ hỗn độn của những quan sát thực tế, những giả định và cả những tưởng tượng.
1 Trường hào quang: Là nơi giao tiếp năng lượng và thông tin của cơ thể sống với môi trường xung quanh. (Chú thích của người dịch - ND)
Giờ đây, khi kiến thức về năng lượng sinh học ngày càng được mở rộng nhờ các phòng thí nghiệm và phòng khám lâm sàng thì ý tưởng về một trường năng lượng con người có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta đang dần được chấp nhận trong mô hình y khoa phương Tây.
Trong cuốn sách này, tôi trình bày một quan điểm mới về sức khỏe, bệnh tật và sự chữa lành. Phần I cung cấp một số kiến thức khoa học nền tảng trên cơ sở các lý thuyết toàn ảnh và lý thuyết trường năng lượng về cách thức hoạt động của cơ chế chữa lành bằng đặt tay.
Trong Phần II, tôi mô tả những gì một nhà chữa lành có thể và không thể làm cho bệnh nhân, thể thức cơ bản của một phiên chữa trị và cách phối hợp giữa bác sĩ và nhà chữa lành. Cũng trong phần này, tôi sẽ giới thiệu khái niệm về hệ thống cân bằng nội tại, một hệ thống tự động – và thường vô thức – giúp ta duy trì trạng thái sức khỏe tối ưu nếu chịu lắng nghe và tuân theo nó, đồng thời chỉ ra cách chúng ta có thể tạo ra bệnh tật trong cuộc sống và cơ thể mình nếu không tuân theo hệ thống cân bằng nội tại.
Ở Phần III, thông qua một loạt những cuộc phỏng vấn với bệnh nhân, tôi sẽ trình bày các giai đoạn trải nghiệm cá nhân diễn ra trong quá trình chữa lành từ góc nhìn của người bệnh. Tôi cũng sẽ thảo luận về những việc người bệnh có thể làm để khai thác tối đa lợi ích của quá trình này, trong đó có cách thức làm việc với nhà chữa lành và bác sĩ để thiết lập một lộ trình chữa lành. Và tôi sẽ thuật lại một số tình huống cụ thể nhằm giúp bạn dễ dàng nắm bắt quá trình chữa lành hơn.
Phần IV cung cấp những kế hoạch chi tiết cho việc chữa lành cùng các bài tập thiền và hình dung đắc dụng nhằm hỗ trợ quá trình chữa lành của cá nhân bạn.
Phần V cho thấy cách các mối quan hệ tác động, cả tiêu cực lẫn tích cực tới sức khỏe của bạn; cung cấp một số giải pháp thiết thực nhằm thiết lập các mối quan hệ lành mạnh đồng thời mô tả những tương tác trường hào quang xuất hiện trong các mối quan hệ. Cũng trong phần này, tôi sẽ giới thiệu một số phương thức tái lập các kết nối và trao đổi năng lượng trường hào quang lành mạnh.
Phần VI mô tả các thực tại tâm linh cao hơn và các chiều kích sâu hơn của năng lượng sáng tạo đồng thời phân tích mối quan hệ giữa sức khỏe, bệnh tật và sự chữa lành với quá trình sáng tạo.
Phụ lục A giới thiệu bản ghi của một phiên chữa lành; Phụ lục B là một danh sách các kiểu chuyên gia chăm sóc sức khỏe, những việc họ làm và nơi bạn có thể tìm thấy họ; Phụ lục C phác họa sơ lược về Trường Chữa lành Barbara Brennan – cái nôi đào tạo các chuyên gia chữa lành đồng thời là địa chỉ cung cấp danh sách các chuyên gia chữa lành đã tốt nghiệp.
Lời cảm ơn
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đến Eli Wilner, chồng tôi, vì sự hỗ trợ và khích lệ đầy yêu thương của anh đã giúp lộ trình phát triển của cá nhân tôi được mở ra một cách tự nhiên.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn nhiệt thành tới các giáo viên của Trường Chữa lành Barbara Brennan vì đã đồng hành cùng tôi trong suốt quá trình tập hợp và kết nối các sự việc, thông tin và ý tưởng để viết nên cuốn sách này; xin cảm ơn Roseanne Farano, người bạn tận tụy luôn cởi mở lắng nghe và cho tôi những lời khuyên thấu đáo; và cảm ơn đội ngũ văn thư của Trường Chữa lành Barbara Brennan đã giúp tôi sửa soạn bản thảo.