V
iệc hiểu bản chất, hoạt động và cách vận hành của năng lượng sáng tạo giúp bạn giải phóng năng lượng sáng tạo bên trong để kiện toàn sức khỏe, chữa lành hoặc sáng tạo ra những điều mới mẻ trong cuộc sống. Bạn cũng cần thấu hiểu mối quan hệ giữa năng lượng sáng tạo và những thăng – giáng tự nhiên của quá trình sáng tạo phổ quát trong bạn. Các trường năng lượng sống là phương tiện cho quá trình sáng tạo. Chính thông qua các trường năng lượng này mà những tình huống, sự kiện, trải nghiệm cũng như thế giới vật chất được tạo ra trong cuộc sống của bạn.
Các lực sáng tạo có nhiều chiều kích. Ngôn ngữ hạn hẹp của chúng ta không thể mô tả thỏa đáng sự khác biệt giữa các chiều kích này, sự khác biệt mà bạn sẽ đích thân trải nghiệm khi đi qua quá trình sáng tạo. Vì không còn lựa chọn nào khác, tôi đành dùng hai thuật ngữ năng lượng (energy) và chiều kích(dimension) một cách phi khoa học cho toàn bộ phần lý giải của mình. Khi con người ngày càng ý thức về những trải nghiệm sáng tạo này, chắc chắn chúng ta sẽ bổ sung từ vựng để có thể truyền đạt rõ nghĩa hơn về chúng.
Theo quan điểm của tôi, có ít nhất bốn chiều kích trong sự tồn tại của mỗi con người. Mỗi trong số các cấp độ này có thể được nhận biết bằng Tri giác Cao cấp, và một nhà chữa lành được đào tạo bài bản có thể trực tiếp làm việc trên đó. Hình 2-1 thể hiện bốn chiều kích của nhân tính; vầng vật lý (physical level), vầng hào quang (auric level), vầng chủ định thể (naric level) và vầng ngôi sao bản thể (core star level).
Chiều kích thứ nhất là thế giới vật lý quen thuộc của chúng ta. Thế giới vật lý được giữ nguyên vẹn nhờ các thế giới cơ bản của năng lượng và ý thức.
Ngay dưới thế giới vật lý là chiều kích các trường năng lượng phổ quát hay trường năng lượng sống, nơi hào quang hay trường năng lượng con ngườihiện diện. Đây là bộ khung năng lượng hay kết cấu mạng lưới chân đế cho thế giới vật lý. Mọi thứ sinh ra trong thế giới vật lý trước hết phải tồn tại hoặc được sáng tạo trong thế giới năng lượng sống. Mọi hình thái trong thế giới vật lý trước hết phải được hình thành trong các vầng có cấu trúc của các trường năng lượng. Chiều kích này còn mang trong nó các năng lượng của nhân cách. Mọi cảm giác trong ta đều tồn tại trong chiều kích các trường năng lượng sống. Cơ thể vật lý biểu lộ các vầng lỏng của trường năng lượng sống dưới nhiều hình thức như mỉm cười âu yếm, chau mày phật ý, dáng đi, dáng ngồi, dáng đứng.
Dưới trường năng lượng con người là vầng chủ định thể, trong đó ta nắm giữ các chủ định của mình. Chủ định của ta đóng một vai trò to lớn trong quá trình sáng tạo. Khi ta mang chủ định vô thức, hỗn độn hoặc mâu thuẫn, ta tự đối kháng với chính mình và phá vỡ quá trình sáng tạo. Khi ta học cách nhất quán các chủ định không chỉ trong chính ta mà còn với một nhóm người hợp tác thân cận, rồi nhất quán các chủ định của nhóm thân cận này với một nhóm lớn hơn phục vụ lợi ích của nhóm thứ nhất, cứ như thế, ta sẽ khai phá các năng lực sáng tạo khổng lồ.
Hình 2-1: Bốn chiều kích của loài người
Dưới vầng chủ định thể là chiều kích cốt lõi trung tâm của bản thể, nơi mà tôi gọi là vầng ngôi sao bản thể. Đây là vầng lưu giữ cội nguồn bên trong, hay đấng thiêng liêng đã được định vị trong chúng ta. Tính sáng tạo sẽ được bộc lộ chính từ cội nguồn bên trong này.
Để có quá trình sáng tạo tự nhiên hoàn chỉnh, các năng lượng và ý thức phải trỗi lên từ ngôi sao bản thể và xuyên qua cả bốn chiều kích này. Sự thay đổi vĩnh viễn trong một chiều kích bất kỳ đòi hỏi sự thay đổi trong nền tảng của nó, tức chiều kích bên dưới nó. Vì thế, từ quan điểm chữa lành, nếu muốn thay đổi cơ thể hoặc một bộ phận cơ thể bất kỳ, chẳng hạn một cơ quan nào đó, từ trạng thái suy yếu sang trạng thái khỏe mạnh, ta phải làm việc với các năng lượng bên dưới, vốn là nền tảng của cơ thể. Ta phải làm việc lần lượt với từng chiều kích kể trên. Muốn thực hiện điều này, trước hết cần khám phá từng chiều kích. Bắt đầu từ vầng hào quang hay trường năng lượng con người.
Trong suốt các thời kỳ của lịch sử, con người đã khám phá, tìm hiểu và sử dụng trường năng lượng sống này cho nhiều mục đích khác nhau. Quá trình này bắt đầu từ rất lâu trước khi có phương pháp tìm hiểu khoa học và đến nay vẫn không ngừng diễn tiến.
Bảng 2-2 liệt kê những thông tin tham khảo liên quan đến trường năng lượng phổ quát trong suốt các thời kỳ lịch sử, kể từ năm 5.000 trước Công nguyên (TCN). Bảng 2-3 là danh sách các nhà quan sát trường năng lượng con người ở thế kỷ 20, những cái tên họ đã đặt cho trường năng lượng sống, những phẩm chất họ đã gán cho nó và cách họ sử dụng nó.
Giới khoa học ngày nay gọi các trường năng lượng có thể đo được liên quan đến các hệ thống sinh học là “các trường năng lượng sinh học (bioenergy field).” Còn các chuyên gia chữa lành thì dùng từ hào quang (aura) và trường năng lượng con người (human energy field) để mô tả những trường năng lượng sống này. Có một điểm quan trọng cần phân biệt: trường năng lượng sinh học đã được đo đạc trong phòng thí nghiệm, còn hào quang hay trường năng lượng con người được biết đến thông qua các quan sát cá nhân và quan sát lâm sàng bằng Tri giác Cao cấp của con người. Trong trường hợp thứ nhất, thông tin đo được bị giới hạn bởi trạng thái của dụng cụ đo, còn ở trường hợp thứ hai, thông tin bị giới hạn bởi độ thông suốt và nhất quán của Tri giác Cao cấp của người quan sát. Tôi cho rằng các chỉ số đo của trường năng lượng sinh học tương quan mật thiết với những quan sát bằng Tri giác Cao cấp. Chỉ có một vài thí nghiệm thể hiện rõ được sự tương quan này, tôi sẽ phân tích chúng, nhưng trước hết chúng ta hãy xem xét vấn đề từ quan điểm khoa học.
Thế giới vật lý và trường năng lượng sinh học của nó
Người ta đã đo các trường năng lượng liên quan đến cơ thể con người bằng các thiết bị như máy điện não đồ, máy điện tim và thiết bị giao thoa lượng tử siêu dẫn, một loại từ kế có độ nhạy cực cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một rối loạn hoặc bất thường trong trường năng lượng sinh học sẽ dọn đường cho sự viêm nhiễm trong cơ thể. Ví dụ, tiến sĩ Harold Burr tại Đại học Yale đã phát hiện ra rằng bằng cách đo trường năng lượng (mà ông gọi là trường sống) của một hạt giống, ông có thể đánh giá sức dẻo dai của cái cây sau này. Ông nhận thấy trước khi một sinh vật sống có biểu hiện bệnh, trong trường sống của nó sẽ xuất hiện hiện tượng suy yếu.
Các nhà nghiên cứu khác như tiến sĩ kiêm bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Robert Becker ở New York đã đo được các kiểu dòng điện trực tiếp chảy xuyên suốt và bao trùm cơ thể. Trường năng lượng sinh học được liên hệ trực tiếp với sự vận hành của cơ thể vật lý. Tiến sĩ Becker đã chỉ ra rằng các kiểu hình dạng và cường độ của trường điện phức tạp trong cơ thể biến đổi cùng với những thay đổi về sinh lý và tâm lý.
Tiến sĩ Hiroshi Motoyama ở Tokyo, nhà sáng lập Hiệp hội Quốc tế về Tôn giáo và Siêu tâm lý học (International Association for Religion and Parapsychology), đã dùng điện để đo trạng thái của các kinh lạc và áp dụng kết quả đo vào việc chẩn đoán và điều trị bằng châm cứu. Tiến sĩ Victor Inyushin cùng nhiều nhà khoa học khác thuộc Đại học Kazakhstan đã đo trường năng lượng bằng các thiết bị nhạy sáng trong nhiều năm. Ông có thể chỉ ra trạng thái của các điểm huyệt nhờ kỹ thuật ảnh đồ phóng điện vầng quang. Kỹ thuật này truyền một dòng điện mang điện áp thấp nhưng điện thế và tần số cực cao qua đối tượng. Vì có điện áp thấp nên tần số cao không gây hại, và hơn nữa, các tần số cao chỉ dịch chuyển trên bề mặt da.
Người ta đã thực hiện vài thí nghiệm để chứng minh mối tương quan giữa “trường sinh học” xác định bằng đo đạc với “trường năng lượng con người” xác định bằng nhận thức. Theo tôi được biết, loạt thí nghiệm tốt nhất là do tiến sĩ Valerie Hunt thực hiện tại Đại học California ở Los Angeles và tiến sĩ Andria Puharich thực hiện trong phòng thí nghiệm tư nhân của ông. Các kết quả thí nghiệm của tiến sĩ Hunt chỉ ra mối tương quan trực tiếp giữa mẫu tần số và sóng của các dòng điện xoay chiều đo được trên bề mặt cơ thể với những màu sắc cụ thể được nhận biết nhờ một nhà đọc “hào quang”. Vị tiến sĩ này đã thực hiện cùng một phép đo với 12 nhà đọc “hào quang” bằng Tri giác Cao cấp khác nhau. Và trong mỗi trường hợp, bà đều phát hiện thấy một hình thái sóng và dạng tần số cụ thể ứng với mỗi màu sắc được đọc ra. Tiến sĩ Puharich thì đo được cùng một xung từ có tần số 8Hz (tám chu trình một giây) phát ra từ bàn tay của nhiều nhà chữa lành. Ông nhận thấy nhà chữa lành nào phát ra tín hiệu mạnh hơn thì việc chữa trị sẽ hiệu quả hơn.
Nhà vật lý hạt nhân, tiến sĩ Robert Beck đã đi khắp thế giới để đo sóng não của các nhà chữa lành. Ông nhận thấy tất cả họ, trong suốt phiên chữa lành, dù làm việc với nhiều kiểu khách hàng khác nhau nhưng đều cho cùng một mẫu sóng não như nhau, trong khoảng 7,8-8Hz. Beck đã tiến hành thử nghiệm trên các “nhà chữa lành niềm tin” Ân Tứ Cơ Đốc, những kahuna1 người Hawaii, các hành giả đạo wicca2, santeria3, các nhà cảm xạ, nhà chữa bệnh bằng radionics4 cũng như các nhà tiên tri và ngoại cảm. Tất cả đều cho cùng một kết quả.
1 Kahuna là một từ trong tiếng Hawaii, được định nghĩa là một người được tôn trọng, có thẩm quyền đạo đức trong xã hội; một “linh mục, thầy phù thủy, pháp sư, mục sư, chuyên gia trong bất kỳ ngành nghề nào”. (ND – Nguồn: Wikipedia)
2 Wicca hay Pagan Witchcraft là một đức tin đa thần dựa vào thiên nhiên với nguồn gốc từ nhiều nền văn hóa thuộc các bộ lạc tiền Kito giáo ở châu Âu. Nó được hình thành ở Anh trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 và được Gerald Gardner giới thiệu vào năm 1954. (ND – Nguồn: Wikipedia)
3 Santeria là tín ngưỡng của các nước ở vùng Caribe kết hợp các yếu tố của phương Tây Phi, có nguồn gốc Caribbean và Kito giáo (đặc biệt là Công giáo La Mã). (ND – Nguồn: Wikipedia)
4 Radionics - còn được gọi là liệu pháp điện từ hay Phương pháp Abrams – là một liệu pháp trị liệu thay thế. Phương pháp này tuyên bố rằng có thể chẩn đoán và điều trị bệnh bằng cách áp dụng bức xạ điện từ, như sóng vô tuyến, vào cơ thể từ một thiết bị chạy bằng điện. (ND – Nguồn: Wikipedia)
Kế đó, ông hỏi họ thực hiện những việc này dựa trên cơ sở nào và vì sao họ tin vào điều đó. Và ông đã khám phá ra câu trả lời trong các dao động của từ trường Trái đất. Từ trường Trái đất dao động trong khoảng từ 7,8-8Hz. Các dao động này được gọi là sóng Schumann. Tìm hiểu sâu hơn thì ông thấy, trong suốt phiên chữa lành, sóng não của nhà chữa lành được đồng bộ với sóng Schumann cả về pha lẫn tần số, tức xung nhịp sóng não của nhà chữa lành không chỉ trùng tần số mà còn diễn ra đồng thời với sóng Schumann của Trái đất. Giả thuyết được đặt ra là các nhà chữa lành có khả năng lấy năng lượng từ từ trường Trái đất để chữa cho người bệnh. Quá trình này được gọi là “nối trường (field coupling)”.
Tiến sĩ John Zimmerman, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Viện Sinh – Điện từ Reno (Bio – Electro – Magnetic Institude of Reno) tại bang Nevada, sau khi nghiền ngẫm rất nhiều công trình nghiên cứu về nối trường đã chỉ ra mối tương quan giữa quá trình này với trải nghiệm của các nhà chữa lành. Rõ ràng, hành động mà các nhà chữa lành vẫn gọi là tiếp địa thực chất là hòa nhập vào từ trường Trái đất cả về pha lẫn tần số. Zimmerman nhận thấy một khi các nhà chữa lành đã nhập vào sóng Schumann, bán cầu não trái và phải của họ tự quân bình với nhau và kết quả đo cho thấy chúng xung động ở nhịp alpha với giá trị từ 7,8-8Hz. Sau khi nhà chữa lành đã kết nối với bệnh nhân thông qua việc đặt tay, kết quả đo cho thấy sóng não của người bệnh cũng đi vào nhịp alpha và được đồng bộ về pha với sóng não của nhà chữa lành, đồng thời hai bán cầu não trái và phải của họ cũng tự quân bình. Kỳ thực, nhà chữa lành đã kết nối bệnh nhân của họ với các xung nhịp từ trường Trái đất, qua đó khai thác một nguồn năng lượng khổng lồ cho việc chữa lành.
Bảng 2-2: Các thông tin tham khảo liên quan đến trường năng lượng phổ quát trong lịch sử
Bảng 2-3: Các nhà quan sát trường năng lượng con người ở thế kỷ 20
1 Plasma: Một trạng thái vật chất trong đó một chất khí bị ion hóa trở nên dẫn điện cao đến mức điện trường và từ trường tầm xa chi phối hoạt động của vật chất. Trạng thái plasma có thể tương phản với các trạng thái khác: rắn, lỏng và khí. (BT – Nguồn: Wikepedia)
Trường năng lượng con người: cỗ xe vận chuyển năng lượng
Là một nhà chữa lành, một nhà ngoại cảm bằng Tri giác Cao cấp, tôi đã quan sát trường năng lượng xung quanh con người trong nhiều năm. Sau quá trình nghiên cứu trường năng lượng của nhiều loại thực vật, động vật và con người, tôi rút ra một kết luận là trường năng lượng cung cấp một cấu trúc ma trận năng lượng làm nền tảng cho các tế bào phát triển. Tức là trường năng lượng tồn tại trước khi có cơ thể vật lý.
Một hiện tượng củng cố quan điểm này là hiệu ứng chi ma, xuất hiện ở những người tuy đã bị cắt bỏ chân (tay) song vẫn có cảm nhận về chúng. Để lý giải cảm giác này, người ta thường cho rằng nguyên nhân là do sự kích ứng ở các đầu dây thần kinh bị cắt. Tuy nhiên, Tri giác Cao cấp vẫn nhìn thấy chi ma trong trường hào quang của người bệnh. Người quan sát bằng Tri giác Cao cấp thì cho điều này là hợp lý vì mọi cảm xúc của con người đều được lưu giữ trong trường hào quang.
Một người bạn của tôi là tiến sĩ John Pierrakos, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Viện Năng lượng cốt lõi (Core Energetics Institute) ở thành phố New York đồng thời là tác giả cuốn Core Energetics (tạm dịch: Năng lượng cốt lõi), từng có lần làm việc với một bệnh nhân mắc hiệu ứng chi ma. Người phụ nữ này thường xuyên cảm thấy chiếc chân đã mất bị gập ngược ở vị trí trước đây của nó, và mỗi lần ngồi xuống, cô đều cảm thấy mình đang ngồi lên nó. Tiến sĩ Pierrakos có thể nhìn thấy trường hào quang của chân cô ấy bị gập lên vào đúng vị trí mà cô ấy cảm nhận. Ông thao tác với trường năng lượng của cô để vuốt thẳng cái “chân năng lượng” đó và đưa nó về tư thế bình thường, nhờ đó mà các triệu chứng của cô dịu bớt. Kế đến, ông trao đổi với vị bác sĩ đã phẫu thuật cắt chân cho cô. Hóa ra ông ta đã buộc chân cô ở đúng tư thế đó trong lúc phẫu thuật. Tôi tin là bệnh nhân này cảm nhận được trường năng lượng của cô ấy.
Như vậy nghĩa là cấu trúc năng lượng cơ bản của phần chân bị mất vẫn còn ở đó. Vậy thì trường năng lượng quả nhiên đã tồn tại trước khi có cơ thể vật lý. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu khoa học. Họ giả định là trường năng lượng phát ra từ thân xác chứ không phải thân xác do trường năng lượng tạo ra. Nếu quả thực có thể chứng minh trường năng lượng tồn tại trước cơ thể vật lý thì rất có thể sẽ có ngày tứ chi của chúng ta sẽ mọc lại như loài kỳ nhông.
Những hình ảnh thu được bằng ảnh đồ phóng điện vầng quang của một hiện tượng gọi là hiệu ứng chiếc lá ma càng củng cố cho giả thuyết trường năng lượng có trước cơ thể vật lý của tôi. Nếu bạn cắt lìa một phần của chiếc lá rồi lập tức chụp ảnh nó thì toàn bộ cái lá (gồm cả phần bị cắt bỏ) vẫn hiện trên kính ảnh với màu sắc và ánh sáng rực rỡ. Từ đây có thể kết luận rằng sở dĩ hình ảnh của phần lá bị cắt lìa xuất hiện là do trường năng lượng của nó vẫn nguyên vẹn dù phần vật lý đã mất. Như vậy, trường năng lượng không thể sinh ra từ cơ thể vật lý mà, thay vào đó, cơ thể vật lý nảy sinh từ trường năng lượng.
Kết luận này cho thấy vai trò của trường năng lượng đối với sức khỏe và quá trình sinh trưởng quan trọng hơn nhiều so với những nhận định trước đây. Vì cơ thể vật lý sinh ra từ trường năng lượng nên một sự mất cân bằng hoặc biến dạng trong trường năng lượng rốt cục sẽ dẫn đến bệnh tật trong cơ thể vật lý mà nó chi phối. Và do đó, việc chữa lành các biến dạng trong trường năng lượng sẽ giúp cơ thể vật lý bình phục. Chữa lành tức là học cách hàn gắn trường năng lượng bằng cách tái cấu trúc, cân bằng và nạp năng lượng cho nó.
Hơn nữa, như tôi đã chỉ ra trong cuốn Bàn tay ánh sáng, các sự kiện năng lượng trong trường hào quang mang tính sơ khởi và luôn xảy ra trước một sự kiện vật lý. Cái trước hối thúc cái sau xuất hiện. Tức là một sự đau ốm bất kỳ sẽ biểu hiện trong trường năng lượng trước khi hiện diện trong cơ thể vật lý và do đó có thể được chữa lành trong trường năng lượng trước khi bị xô vào cơ thể vật lý.
Từ cơ thể vật lý, tiến một bước nhảy lượng tử hướng vào nhân cách của mình, ta sẽ gặp trường hào quang. Các quá trình tâm lý của ta diễn ra chính tại cấp độ này. Trường hào quang là phương tiện truyền tải tất cả các phản ứng căng thẳng thần kinh. Theo quan điểm của các nhà chữa lành, mọi bệnh tật đều là sự căng thẳng thần kinh. Muốn duy trì sức khỏe, trường hào quang phải luôn vận hành ở thế cân bằng.
Tuy nhiên, trường hào quang không phải là khởi nguồn của vấn đề. Nó chỉ là phương tiện đưa ý thức sáng tạo từ cốt lõi đến với cơ thể vật lý.
Tất cả các phương pháp chữa lành mà tôi thực hiện và giảng dạy đều dựa trên cơ sở kiến thức về cấu trúc và chức năng của trường năng lượng con người cùng các cấu hình bên dưới nó trong các chiều kích sâu hơn. Trong cuốn Bàn tay ánh sáng, tôi đã mô tả cặn kẽ trường năng lượng con người: các đặc điểm giải phẫu và sinh lý học cùng vai trò của nó trong quá trình bệnh tật và chữa lành. Trên cơ sở đó, tôi cũng đã phân tích các biện pháp chữa trị. Ở đây, một lần nữa tôi sẽ mô tả sơ lược trường năng lượng con người, đồng thời mở rộng thêm những vấn đề mới được đề cập vắn tắt trong Bàn tay ánh sáng.
Bảy cấp độ của trường năng lượng con người
Trường năng lượng con người được cấu thành từ bảy cấp độ, hay bảy vầng (xem Hình 2-4). Nhiều người cho rằng trường năng lượng này có cấu trúc lớp như củ hành, nhưng không phải vậy. Mỗi vầng thâm nhập xuyên suốt cơ thể vật lý, xuyên qua bề mặt da và mở rộng ra phía ngoài, vầng sau mang “tần số cao hơn” hoặc “bát độ cao hơn” so với vầng liền trước nó. Vầng ngoài vươn khỏi bề mặt da xa hơn vầng trong (mang tần số thấp hơn) khoảng vài inch1. Những vầng được đánh số lẻ là các vầng có cấu trúc, được cấu thành từ các chùm sáng sắc nét, dựng đứng. Các vầng thứ nhất, thứ ba, thứ năm và thứ bảy được cấu trúc trong một hình thái nhất định. Những vầng được đánh số chẵn – vầng thứ hai, thứ tư và thứ sáu – đầy ắp chất/năng lượng phi hình thái. Vầng thứ hai giống chất khí, vầng thứ tư giống chất lỏng và vầng thứ sáu giống vầng sáng khuếch tán quanh ngọn lửa nến. Các vầng phi cấu trúc của trường năng lượng từng được liên hệ với plasma và một thứ gọi là plasma sinh học. Cần nhớ rằng ở đây chúng ta không dùng các thuật ngữ khoa học bởi vì chúng chưa được chứng minh bằng thực nghiệm. Tuy nhiên, vì chưa tìm được thuật ngữ hợp lý hơn nên ta tạm chấp nhận từ plasma sinh học. Plasma sinh học trong cả ba vầng phi cấu trúc đều được cấu thành từ nhiều màu sắc đa dạng với mật độ và cường độ rõ rệt. Nó chảy dọc các đường của các vầng có cấu trúc và tương quan trực tiếp với những cảm xúc của chúng ta.
1 1 inch = 2,54cm. (BT)
Sự kết hợp giữa một lưới ánh sáng thẳng đứng với dòng plasma sinh học chảy qua nó giúp giữ nguyên hình dạng của cơ thể vật lý, cung cấp năng lượng sống cho nó và đóng vai trò như một hệ thống truyền thông và tích hợp giúp cơ thể duy trì hoạt động như một cơ quan đơn nhất. Tất cả các vầng này của trường năng lượng con người hoạt động trên tất cả các chiều để tác động qua lại lẫn nhau.
Cần phải ghi nhận rằng các vầng, hay các cơ thể năng lượng này, như cách mọi người vẫn gọi chúng, cũng có thực hệt như cơ thể vật lý của chúng ta. Nếu tất cả các cơ thể năng lượng của bạn đều khỏe, được nạp đầy và lành mạnh, bạn sẽ có một đời sống trọn vẹn trong mọi khía cạnh của trải nghiệm con người. Nếu trường năng lượng của bạn suy yếu ở một vầng bất kỳ, bạn sẽ khó có được những trải nghiệm gắn liền với vầng đó, và trải nghiệm sống của bạn sẽ bị hạn chế. Càng phát triển được nhiều vầng hoặc nhiều cơ thể năng lượng, trải nghiệm sống của bạn càng trọn vẹn và rộng mở.
Chúng ta thường cho rằng mọi trải nghiệm sống đều giống như trải nghiệm sống trong chiều kích vật lý. Sự thật không phải thế. Sự sống tồn tại trên nhiều cấp độ rung động. Mỗi cấp độ đều có sự khác biệt do cấu tạo của ý thức – năng lượng trong cấp độ đó. Điều nay giúp trải nghiệm sống của ta trở nên đa dạng và phong phú, đem lại cho ta nhiều bài học. Bảy vầng của trường hào quang tương ứng với bảy cấp độ trải nghiệm sống khác nhau. Mỗi vầng khác biệt về dải tần rung động, cường độ và cấu tạo của plasma sinh học, vì thế mỗi vầng hồi đáp với các tác nhân kích thích theo cấu trúc của nó.
Điều này làm tôi nhớ lại cảm giác phấn khích của mình hồi học môn toán học ứng dụng, khi tôi xây dựng các phương trình của chuyển động lỏng trong nhiều điều kiện khác nhau. Hồi đó, tôi đã ngạc nhiên khi thấy chuyển động lỏng của cả khí lẫn nước cũng có thể áp dụng chính những phương trình đó. Chỉ có một điểm khác biệt là khi môi trường thay đổi, vài hệ số trong phương trình sẽ tác động tới kết quả nhiều hơn so với các hệ số khác. Bạn cũng sẽ nhận ra điều này khi xây dựng các phương trình mô tả chuyển động của khí ở gần bề mặt Trái đất và khí ở các độ cao cao hơn. Chuyển động của khối khí sát mặt đất bị chi phối bởi lực ma sát với cây thân gỗ và cây bụi nhiều hơn so với khối khí phía trên nó. Khi lên cao khỏi mặt đất, bạn cần giảm hệ số ma sát trong phương trình mô tả chuyển động khí. Kết quả của các phương trình này cho ta biết sự chuyển hướng của luồng khí. Sự chuyển hướng như vậy được gọi là hiện tượng gió đứt1. Hẳn bạn từng để ý thấy những tầng mây thấp thường di chuyển khác hướng so với những tầng mây cao hơn. Theo mô tả của ngành vi khí tượng học, chuyển động của không khí ở khoảng cách ngắn trong các điều kiện cục bộ khác hẳn so với chuyển động vĩ mô của chúng khi băng qua các đại dương; loại chuyển động sau còn chịu ảnh hưởng từ chuyển động của Trái đất thông qua lực Coriolis1. Vậy mà cùng một tập hợp phương trình lại có thể áp dụng cho tất cả các loại chuyển động này. Khi các điều kiện thay đổi, mức độ ảnh hưởng của từng phần trong phương trình cũng thay đổi theo.
1 Gió đứt: Một sự khác biệt về tốc độ và hướng gió trong một khoảng cách tương đối ngắn trong bầu khí quyển của Trái đất. (BT - Nguồn: Wikipedia)
1 Lực Coriolis: Xuất hiện khi một vật thể đi theo đường thẳng được nhìn từ hệ quy chiếu chuyển động. Hệ quy chiếu chuyển động làm cho vật thể xuất hiện như thể nó đang đi dọc theo một đường cong. (BT)
Tôi đã áp dụng chính quan điểm và nguyên lý tổng quát này khi cố gắng cắt nghĩa các tương tác trong trường hào quang. Trên mỗi vầng của trường hào quang, ý thức – năng lượng luân chuyển theo các cách khác nhau và bị tác động bởi những yếu tố khác nhau. Điều này có nghĩa là cấu tạo của ý thức – năng lượng ở mỗi vầng là duy nhất và khác biệt so với tất cả các vầng khác. Mỗi vầng phản ứng với các yếu tố khác nhau theo một cách khác nhau. Hoặc, nói cách khác: Có lẽ plasma sinh học của mỗi vầng trong trường hào quang mang một dải tần riêng, có cường độ nạp năng lượng và thành phần cấu tạo riêng. Vì thế, rất tự nhiên, nó sẽ hồi đáp với các tác nhân kích thích theo các đặc điểm đó.
Ngoài ra, có một dạng nghiên cứu khác được ứng dụng trong các quan sát về Trái đất và chiêm tinh học cũng ảnh hưởng tới cách nhìn của tôi về trường hào quang. Giới khoa học thường xây dựng các công cụ để lọc bỏ những bước sóng ngoại lai nhằm giới hạn quan sát của họ trong một dải bước sóng hẹp. Bằng cách quan sát mặt trời theo phương pháp này, họ đã phác họa bức tranh khí quyển mặt trời ở những độ cao khác nhau. Phương pháp này cũng cho chúng ta những hình dung về các vệt đen mặt trời, vết lóa mặt trời, vốn khác hẳn năng lượng ở sâu bên trong mặt trời hoặc ở lớp ngoài của nó, quầng mặt trời. Những nguyên lý này cũng có thể hỗ trợ đắc lực cho việc quan sát trường hào quang. Bằng cách bắt Tri giác Cao cấp vào các cấp độ rung động khác nhau của trường hào quang, ta có thể quan sát rõ hơn các vầng khác nhau của nó. Khi đã có định nghĩa rõ ràng về các vầng, ta có thể dễ dàng làm việc trực tiếp với chúng.
Các mô tả dưới đây về cấu hình của các vầng hào quang, cùng với trải nghiệm sống gắn liền với từng vầng, được đúc kết từ quá trình quan sát, nghiên cứu, cũng như từ kinh nghiệm 20 năm chữa trị và 13 năm giảng dạy của tôi. Hình 2-4 mô tả bảy vầng hào quang hay bảy cấp độ của trường năng lượng con người.
Cấp độ thứ nhất của trường năng lượng con người
Ở cấp độ này, bạn cảm nhận được hết thảy mọi cảm giác thể xác, cả đau đớn lẫn dễ chịu. Có một mối tương quan trực tiếp giữa dòng năng lượng, xung động trường và cấu hình trong vầng hào quang thứ nhất với những cảm nhận của bạn trong cơ thể vật lý. Có một mối tương quan trực tiếp giữa nỗi đau trên cơ thể với sự rối loạn trong vầng thứ nhất.
Bác sĩ Robert Becker từng thực hiện nhiều thí nghiệm để chứng minh rằng một điểm gây tê cục bộ trên cơ thể, chẳng hạn làm mất cảm giác ở ngón tay, sẽ chặn đứng dòng hạt hạ nguyên tử đang chạy dọc các dây thần kinh cảm giác trên ngón tay đó. Khi dòng năng lượng luân chuyển trở lại, cảm giác của bạn cũng phục hồi. Tôi đã từng quan sát thấy hiện tượng tương tự trong trường hào quang. Sự mất cảm giác ứng với việc năng lượng ngừng chảy dọc các đường của vầng thứ nhất. Khi một nhà chữa lành thao tác để khơi lại dòng năng lượng tại vị trí đó thì cảm giác của người bệnh mới hồi phục.
Ở những người trầm tính, nhạy cảm, vầng hào quang thứ nhất thường mịn, mỏng, mang sắc lam sáng, nhạt. Ở người mạnh mẽ, bộc trực, vầng thứ nhất dày, thô, mang sắc lam xám, thẫm hơn. Bạn càng kết nối, chăm sóc và rèn luyện cơ thể thì vầng hào quang thứ nhất của bạn càng mạnh và phát triển. Ở các vận động viên và vũ công, vầng thứ nhất thường phát triển rất cao, có nhiều đường năng lượng hơn, các đường này cũng dày hơn, dẻo dai hơn, được nạp nhiều năng lượng hơn và mang màu lam sáng.
Nếu vầng thứ nhất của bạn mạnh, bạn sẽ có một cơ thể khỏe khoắn, tráng kiện và sẽ được tận hưởng tất cả những cảm giác vật lý dễ chịu từ cơ thể ấy, như cảm giác khoan khoái về một thân thể tràn đầy sức sống, khi hoạt động thể chất, tiếp xúc thể chất, hoạt động tình dục, ngủ và cả niềm hứng khởi khi nếm, ngửi, nghe và nhìn. Điều này đồng nghĩa với khả năng lớn là bạn sẽ thường xuyên tận dụng tất cả các chức năng của vầng thứ nhất, nhờ đó giữ cho nó luôn được nạp đầy năng lượng và lành mạnh. Việc sử dụng các chức năng của vầng thứ nhất thường đồng nghĩa với việc tái nạp năng lượng cho nó.
Ngược lại, nếu bạn không chăm sóc cơ thể, vầng thứ nhất của bạn sẽ suy yếu, các đường của nó sẽ bị gãy, rối hoặc không được nạp năng lượng, do đó sẽ trở nên mỏng và thưa ở những bộ phận ít được chăm sóc nhất trong cơ thể bạn.
Nếu vầng thứ nhất của bạn không đủ năng lượng, bạn sẽ thấy thân thể mình yếu ớt và không thích kết nối với tất cả những khoái cảm gắn liền với nó. Từ đó, bạn có xu hướng khiến cho nó bị suy yếu do ít được sử dụng. Khả năng lớn là bạn chỉ kết nối với vài đường năng lượng chứ không phải toàn bộ. Thật ra, một số đường sẽ khiến bạn thấy như mình đang buộc phải chịu đựng chúng thay vì cho bạn trải nghiệm dễ chịu. Chẳng hạn, bạn sẽ ghét mọi hình thức hoạt động thể chất. Bạn thích ăn nhưng không thích ai chạm vào mình. Hoặc bạn thích nghe nhạc nhưng không thích ăn để duy trì sức lực cho cơ thể.
Hình 2-4: Bảy vầng của trường hào quang
Cấp độ thứ hai của trường năng lượng con người
Cấp độ thứ hai gắn liền với các cảm giác hoặc cảm xúc của bạn về bản thân. Mỗi chuyển dịch năng lượng tại đây đều tương quan với một cảm giác nhất định trong hiện tại của bạn về chính mình. Màu sắc tươi sáng của năng lượng mang hình thù giống đám mây gắn liền với những cảm xúc tích cực; còn các sắc thái sẫm, tối hơn gắn liền với những cảm xúc tiêu cực về bản thân. Trong vầng này có tất cả các màu sắc. Các đám mây năng lượng ở đây chảy dọc những đường có cấu trúc của vầng hào quang thứ nhất.
Chừng nào bạn còn để cho những cảm xúc về bản thân chảy tự do, dù chúng tiêu cực hay tích cực thì chừng đó, trường hào quang của bạn còn tiếp tục tự cân bằng, các cảm xúc và năng lượng tiêu cực gắn liền với cảm xúc của bạn sẽ được giải phóng và chuyển hóa. Nếu bạn chặn đứng dòng cảm xúc này, bạn sẽ ngắt dòng năng lượng tương ứng với chúng trong vầng thứ hai. Vầng thứ hai của bạn sẽ ứ trệ, rốt cuộc sinh ra những đám mây đa sắc sẫm, tối, thiếu năng lượng liên quan tới những cảm xúc về bản thân mà bạn chưa trải nghiệm.
Bác sĩ Wilhelm Reich từng gọi năng lượng sinh học là năng lượng orgone. Ông đặt tên cho năng lượng chưa được nạp đủ trên các vầng phi cấu trúc trong trường hào quang là DOR, hay “dead orgone energy – năng lượng orgone chết.”
Những đám mây tối và trì trệ này hoạt động như những vùng ứ trệ trong nhiều bộ phận cơ thể, làm tắc nghẽn và xáo trộn các hoạt động thông thường và cuối cùng sinh ứ trệ trong vầng thứ nhất và thứ ba, là hai vầng liền kề với vầng thứ hai trong trường hào quang. Đa phần mọi người không cho phép dòng cảm xúc về bản thân tự do tuôn chảy nên năng lượng trong vầng thứ hai của họ bị đình trệ, sức khỏe của họ bị xáo trộn ở nhiều mức độ khác nhau.
Nếu vầng thứ hai mạnh và được nạp đủ năng lượng, bạn sẽ yêu thích những cảm xúc mà bạn dành cho con người mình. Tức là bạn sẽ có rất nhiều cảm xúc về bản thân nhưng đó không phải là những cảm xúc tồi tệ. Bạn sẽ thích thú và yêu thương bản thân mình. Bạn thích bầu bạn với chính mình và hòa hợp với con người của mình. Nếu cả vầng thứ nhất và thứ hai của bạn đều được nạp đủ năng lượng, bạn sẽ yêu thương và cảm nhận tốt về bản thân, đồng thời luôn vui vẻ hưởng thụ mọi khoái cảm vật lý mà cơ thể mang lại.
Nếu vầng thứ hai yếu và thiếu năng lượng, bạn sẽ không có nhiều cảm xúc về bản thân hoặc không nhận biết được chúng. Nếu vầng này được nạp đủ năng lượng nhưng sẫm tối và đình trệ, bạn sẽ không yêu quý con người mình, thậm chí còn ghét bỏ chính mình. Bạn ghìm giữ những cảm xúc tiêu cực về bản thân và vì thế có thể bị trầm cảm vì không hòa hợp với con người bạn.
Cấp độ thứ ba của trường năng lượng con người
Cấp độ thứ ba gắn liền với thế giới tinh thần hay thế giới lý trí của chúng ta. Các đường cấu trúc trong vầng thứ ba rất mong manh, như một tấm voan mịn và mảnh. Tại đây, các đường năng lượng màu vàng chanh nhạt xung động ở tốc độ cực lớn. (Độ sáng, độ đầy và năng lượng của vầng thứ ba chảy dọc các đường ánh sáng dựng đứng ứng với các quá trình và trạng thái tinh thần trong tâm trí chúng ta). Khi vầng thứ ba cân bằng và khỏe mạnh, phần lý trí và trực giác trong ta phối hợp hài hòa với nhau như một thể thống nhất, ta sẽ cảm thấy sáng suốt, thăng bằng và phù hợp. Khi ba vầng hào quang đầu tiên đồng bộ với nhau, ta sẽ cảm thấy an toàn, thỏa đáng, ta chấp nhận con người mình và cảm nhận được sức mạnh cá nhân.
Nếu vầng thứ ba của bạn mạnh và được nạp đủ năng lượng, tâm trí bạn sẽ sắc bén, sáng suốt và có thể hỗ trợ đắc lực cho bạn. Bạn sẽ có đời sống tinh thần năng động, lành mạnh và sẽ hứng thú với việc học hỏi.
Nếu vầng thứ ba của bạn yếu và thiếu năng lượng, tâm trí bạn sẽ thiếu nhanh nhẹn, minh mẫn. Bạn sẽ không mấy hứng thú với giáo dục hàn lâm hoặc các con đường mưu cầu tri thức khác. Khi những điều ta suy nghĩ tiêu cực, các xung động trong trường hào quang chậm lại, các đường năng lượng tối đi và méo mó. Những “hình thái ý nghĩ tiêu cực” này là kiểu hình thái ứng với các quá trình tư duy tiêu cực cố hữu của ta. Chúng khó có thể thay đổi vì người đang trải nghiệm chúng thường cảm thấy đó là hợp lý.
Nếu vầng thứ nhất và thứ hai của bạn yếu còn vầng thứ ba mạnh và được tiếp đủ năng lượng, bạn sẽ có khuynh hướng sống bằng nội tâm hơn là sống bằng những cảm giác hoặc thân thể thực của mình. Khi phải giải quyết các vấn đề, bạn ưa dùng lập luận và lý lẽ chứ không thích suy xét đến cảm xúc. Khuynh hướng này sẽ tự động hạn chế trải nghiệm sống của bạn.
Các hình thái ý nghĩ tiêu cực còn bị những cảm xúc ứ trệ từ vầng thứ hai và vầng thứ tư liền sát với chúng dồn ép thành hành động. Nói cách khác, khi ta cố xua đuổi những cảm xúc tiêu cực về bản thân (vầng thứ hai) và/hoặc về người khác (vầng thứ tư), ta sẽ chặn đứng dòng năng lượng trong vầng thứ hai và thứ tư. Sự “dồn ép” này làm cho dòng năng lượng trong vầng thứ ba bị biến dạng.
Hoặc một cách lý giải khác: Hãy nhớ rằng trạng thái tự nhiên của năng lượng là luân chuyển liên tục. Khi sự chuyển dịch của năng lượng bị chặn lại trong vầng thứ hai và thứ tư để ngăn cảm xúc tiêu cực, một phần của khối động lực này sẽ được chuyển vào vầng thứ ba, từ đó sinh ra hoạt động tinh thần. Hoạt động này bị méo mó vì không được thoải mái luân chuyển tự nhiên mà bị dồn ép vào vầng thứ ba bởi các năng lượng ở ngay sát phía trên và phía dưới nó.
Tôi cho rằng nền văn hóa của chúng ta cổ xúy cho thói quen duy trì các hình thái ý nghĩ tiêu cực. Xã hội chúng ta chấp nhận việc suy nghĩ tiêu cực về người khác rồi nói xấu nhau sau lưng chứ không chấp nhận việc bày tỏ trực diện cảm xúc tiêu cực trước mặt nhau. Chúng ta không có hình mẫu phù hợp để thực hiện hành vi này. Thay vào đó, ta xem việc soi xét nội tâm và phát hiện cảm xúc tiêu cực hướng đến bản thân mới là phù hợp. Thông thường, sở dĩ ta có cảm xúc tiêu cực về ai đó là vì việc tương tác với họ làm dấy lên trong ta cảm xúc tiêu cực về chính mình.
Cấp độ thứ tư của trường năng lượng con người
Vầng hào quang thứ tư mang trong nó toàn bộ thế giới của những mối quan hệ mà chúng ta. Từ cấp độ này, chúng ta tương tác với con người, động vật, cây cối, vật vô sinh, Trái đất, mặt trời, các vì sao và tương tác với vũ trụ như một tổng thể toàn vẹn. Đây là vầng của sự kết nối giữa bạn với một đối tượng khác. Tại đây hiện diện tất cả những cảm xúc mà chúng ta dành cho nhau. Năng lượng của vầng thứ tư dường như dày hơn năng lượng của vầng thứ hai, mặc dù nó có cấp độ rung động cao hơn. Tương phản với năng lượng của vầng thứ hai vốn giống những đám mây đa sắc, năng lượng của vầng thứ tư giống chất lỏng đa màu. Nó cũng chứa đựng mọi màu sắc.
Nếu năng lượng của vầng thứ tư không được nạp đủ hoặc ở tình trạng mà các nhà chữa lành gọi là năng lượng rung động thấp, nó sẽ được trải nghiệm ở dạng chất lỏng sẫm, đặc và nặng. Tôi gọi nó là dịch nhầy hào quang. Nó cũng hoạt động y như dịch nhầy tích tụ trong cơ thể khi ta bị cảm lạnh. Dịch nhầy hào quang này tác động tiêu cực mạnh mẽ đến cơ thể bạn, từ đó sinh ra cảm giác đau đớn, khó chịu, nặng nề, kiệt quệ và cuối cùng là bệnh tật.
Năng lượng của vầng thứ tư có thể được mở rộng ra ngoài cơ thể và nhập vào một người ở đầu kia căn phòng. Bất kể khi nào có hai người tương tác với nhau, dù ngấm ngầm hoặc công khai, các luồng plasma sinh học (giống chất lỏng) đa màu lớn sẽ vươn ra khỏi người này để chạm vào trường hào quang của người kia. Bản chất của tương tác ấy sẽ tương ứng với bản chất của ý thức – năng lượng của các luồng năng lượng này. Chẳng hạn, nếu tương tác này tràn đầy yêu thương, sẽ có muôn vàn năng lượng phớt hồng ngọt ngào tuôn chảy thành các đợt sóng mềm mại. Nếu tương tác hàm chứa lòng đố kỵ, năng lượng chuyển giao sẽ mang màu lục xám sẫm, nhớt và dính. Nếu tương tác mang theo đam mê, năng lượng hồng sẽ thắm thêm sắc cam và gây kích thích; những đợt sóng chảy dồn dập hơn, dâng lên cao hơn. Nếu tương tác hàm chứa cơn giận, luồng năng lượng sẽ thô ráp, sắc, nhọn, đâm xuyên, xâm lấn và mang màu đỏ sậm.
Vầng thứ tư chứa đựng tất cả những cảm xúc yêu thương và hân hoan, đau đớn và giày vò của mối quan hệ. Càng tương tác với ai đó nhiều bao nhiêu, ta càng kết nối năng lượng với họ nhiều bấy nhiêu.
Nếu vầng thứ tư của bạn lành mạnh, khỏe khoắn và được nạp đủ năng lượng, bạn thường có nhiều mối quan hệ bền chặt và tốt đẹp với những người xung quanh. Bạn bè và gia đình sẽ chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. Bạn thích tiếp xúc thường xuyên với mọi người và theo đuổi ngành nghề liên quan đến dịch vụ con người. Tình yêu và những cảm xúc của trái tim chiếm vị trí tối thượng trong cuộc sống của bạn.
Nếu vầng thứ tư của bạn yếu và thiếu năng lượng, bạn sẽ không quá xem trọng mối quan hệ với người khác. Bạn ưa sống đơn độc và không có nhiều mối thân tình hoặc nếu có thì chúng cũng trắc trở và bạn thấy chúng đem lại nhiều phiền toái hơn là lợi ích. Bạn cảm thấy bị người khác áp đảo vì nhiều người có vầng thứ tư mạnh hơn vầng thứ tư của bạn, và do vậy, trường năng lượng của bạn đúng nghĩa là bị áp đảo bởi năng lượng trong vầng thứ tư của họ.
Ta được sinh ra cùng với nhiều sợi dây trong trường hào quang. Gần giống dây rốn, chúng kết nối ta với bản thân ta và với cha mẹ ta. Cùng với trường hào quang, những sợi dây này cũng phát triển qua các giai đoạn phát triển của tuổi thơ (xem Chương 8, Bàn tay ánh sáng). Chúng đại diện cho mối quan hệ giữa ta với cha và mẹ đẻ. Mỗi sợi dây là một hình mẫu về cách ta sẽ tiếp tục thiết lập mối quan hệ với nam giới hoặc nữ giới trong cuộc đời sau này. Mỗi một mối quan hệ mới sẽ phát triển thêm nhiều sợi dây. (Muốn hiểu kỹ hơn về sợi dây, mời bạn xem Chương 14: “Ba dạng tương tác trường hào quang trong các mối quan hệ”).
Ba vầng hào quang đầu tiên đại diện cho trải nghiệm của ta về thế giới ở các phương diện thể xác, cảm xúc và tinh thần trong cơ thể vật lý. Vầng thứ tư – vầng của các mối quan hệ – đại diện cho nhịp cầu giữa thế giới vật lý và thế giới tâm linh. Ba vầng trên cùng đại diện cho trải nghiệm về thế giới tâm linh ở các phương diện thể xác, cảm xúc và tinh thần. Chúng là khuôn mẫu cho ba vầng dưới cùng: vầng thứ bảy là khuôn mẫu cho vầng thứ ba, vầng thứ sáu là khuôn mẫu cho vầng thứ hai và vầng thứ năm là khuôn mẫu cho vầng thứ nhất. Từng vầng bên trên đóng vai trò là hình mẫu cho vầng bên dưới tương ứng.
Cấp độ thứ năm của trường năng lượng con người
Cấp độ thứ năm là cấp độ của ý chí thiêng liêng. Thoạt tiên, khi mới học cách nhận biết vầng thứ năm, bạn sẽ thấy hơi khó hiểu vì ở đây mọi thứ dường như đều đảo ngược, giống hình ảnh trên phim âm bản. Không gian rỗng trong trải nghiệm thông thường của bạn trở thành ánh sáng xanh coban trong trải nghiệm trên vầng thứ năm, còn các vật thể rắn giờ đây được cấu thành từ những đường năng lượng rỗng hoặc trong suốt. Vầng thứ năm là khuôn mẫu cho vầng thứ nhất của trường hào quang. Tại đây có những khe hoặc rãnh rỗng cho từng đường sáng lam trên vầng thứ nhất lọt vừa khít. Vầng thứ năm giữ yên vầng thứ nhất. Như thể không gian đầy ắp sự sống đồng nhất, phi hình thái. Muốn cho sự sống khoác một hình thái cụ thể nào đó, trước hết cần tháo rỗng không gian để tạo chỗ cho nó. Vầng thứ năm không chỉ chứa hình thái cho thân thể bạn mà còn chứa hình thái cho tất cả các sự sống khác. Vầng thứ năm của trường hào quang chứa đựng mẫu hình tiến hóa đang mở ra của sự sống, thứ sẽ biểu hiện thành hình thái. Ý chí thiêng liêng là chủ định thiêng liêng được biểu hiện thành mẫu hình và hình thái.
Trải nghiệm cá nhân ở cấp độ này là thứ khó cắt nghĩa nhất, vì vốn từ vựng của chúng ta quá hạn hẹp để có thể mô tả nó một cách trọn vẹn. Ý chí thiêng liêng này tồn tại ở trong và xung quanh bạn. Ý chí của bạn được tự do lựa chọn: hoặc tự nhất quán với ý chí thiêng liêng này hoặc khước từ nó. Ý chí thiêng liêng là một khuôn mẫu hoặc mẫu hình cho lộ trình tiến hóa vĩ đại của nhân loại và vũ trụ. Khuôn mẫu này mang sự sống, mang xung động và trải ra không ngừng. Nó mang một cảm giác mạnh mẽ, hầu như không thể lay chuyển, về ý chí và mục đích. Trải nghiệm nó tức là trải nghiệm một trật tự hoàn hảo. Nó là thế giới của sự chính xác và là vầng của những sắc thái chính xác. Đây là vầng của các biểu tượng.
Nếu bạn nhất quán với ý chí thiêng liêng, vầng thứ năm của bạn sẽ mạnh và đầy ắp năng lượng. Mẫu hình của nó sẽ ăn khớp với mẫu hình phổ quát của ý chí thiêng liêng và có thể được nhìn ra bằng Tri giác Cao cấp. Bạn sẽ cảm thấy một sức mạnh lớn lao, thấy được kết nối với vạn vật xung quanh, vì bạn sẽ ở đúng vị trí dành cho bạn cùng với mục đích của bạn và sẽ được đồng bộ với tất cả các nơi chốn và mục đích. Nếu mở rộng hình dung đến cấp độ này, bạn sẽ thấy kỳ thực bạn đang đồng sáng tạo nên khuôn mẫu mang sự sống và xung động này – khuôn mẫu xác lập nên trật tự thế giới. Vị trí của bạn trong bản đồ vạn vật phổ quát là do chính bạn xác lập và sáng tạo trên một cấp độ sâu hơn ở trong bạn, vầng chủ định thể. Vấn đề này sẽ được phân tích kỹ hơn ở đoạn sau.
Nếu vầng thứ năm của bạn mạnh, bạn sẽ thuộc típ người có khả năng thấu hiểu và duy trì trật tự cuộc sống. “Vật nào vào chỗ ấy.” Ngôi nhà của bạn ngăn nắp, gọn gàng, bạn luôn đúng giờ và hoàn thành xuất sắc công việc dù tỉ mỉ đến đâu. Ý chí của bạn hoạt động rất trơn tru. Nó được nhất quán với ý chí thiêng liêng bất kể bạn có ý niệm về một thứ như vậy hay không. Bạn biết về trật tự dưới dạng một nguyên lý phổ quát. Bạn có thể được kết nối với mục đích hoặc mẫu hình lớn hơn trong cuộc sống.
Ngược lại, nếu bạn không nhất quán với ý chí thiêng liêng, mẫu hình của trường hào quang trên vầng thứ năm sẽ méo mó. Nó sẽ không khớp với mẫu hình phổ quát vĩ đại và bạn sẽ không cảm thấy được kết nối với những thứ xung quanh. Bạn sẽ không biết vị trí của mình trong bản đồ vạn vật phổ quát, cũng không nắm được mục đích của bạn. Kỳ thực, bạn không tin trên đời tồn tại một thứ như vậy. Bạn cảm thấy như sắp bị ai đó đặt một gánh nặng lên vai và thay bạn ấn định vị trí của bạn.
Tất nhiên, nhìn từ góc độ này, bạn khó lòng yêu thích hoặc cảm thấy thoải mái với vị trí ấy của mình. Bạn có thể sẽ bị ý chí rõ ràng và sự chính xác làm cho khiếp sợ. Bạn hoặc sẽ phủ nhận tầm quan trọng của sự rõ ràng, của trật tự và vị trí, hoặc sẽ chống đối tất cả những thứ đó. Nếu bạn hoài nghi về giá trị tự thân của mình, những trải nghiệm ở cấp độ thứ năm sẽ cho bạn cảm giác phi cá nhân và phi nhân ái, vì ở cấp độ này, điều quan trọng nhất không phải là cảm giác mà là mục đích của bạn. Nếu bạn có những cảm xúc tiêu cực về bản thân trong lúc hướng ý thức đến cấp độ thứ năm, bạn sẽ thấy mình chỉ là một bánh răng trong guồng quay vĩ đại của cuộc sống. Trên đây là toàn bộ trải nghiệm của một con người khi vầng hào quang thứ năm của họ thiếu nhất quán và méo mó.
Nếu vầng thứ năm của bạn không mạnh lắm, bạn sẽ sống thiếu ngăn nắp, quy củ. Bạn thấy thật khó để giữ mọi thứ gọn gàng và sạch sẽ và cũng không thích làm việc này. Trật tự dường như là một chướng ngại khủng khiếp đối với tự do của bạn. Trên thực tế, thậm chí bạn còn xét nét những người sống quy củ và cho rằng điều đó chặn đứng tính sáng tạo. Bạn có mối quan hệ lỏng lẻo với ý chí thiêng liêng hoặc mục đích vĩ đại của đời mình. Bạn không thể nắm bắt các hệ thống phức tạp hoặc các mẫu hình tổng quát của sự vật.
Khi vầng thứ hai và thứ tư của bạn yếu còn các vầng thứ nhất, thứ ba và thứ năm mạnh, nhiều khả năng bạn sẽ áp đảo khả năng sáng tạo tự do của mình bằng một hình thái trật tự độc tài. Đã đến lúc bạn cần dành thêm thời gian để củng cố đời sống cảm xúc.
Tuy nhiên, nếu bạn buông bỏ được cảm xúc tiêu cực và vượt qua được những kháng cự bên trong để vươn đến một thế giới hoàn hảo bằng cách xét đến khả năng bạn là người đồng sáng tạo nên thế giới đó thì khi ấy bạn đã thực hiện xong bước đi đầu tiên trên hành trình tìm kiếm mục đích và vị trí của mình, và mọi sự có thể thay đổi. Bạn sẽ cảm thấy an yên vì giờ đây bạn là một phần của một lộ trình thiêng liêng vĩ đại. Có thể bạn sẽ thấy mình là một tia sáng trong tấm lưới ánh sáng vĩ đại mang sự sống và xung động này. Trên thực tế, cũng như bao người khác, chính bạn dệt nên tấm lưới ấy bằng ánh sáng của mình. Nếu khai mở Tri giác Cao cấp trên cấp độ thứ năm, bạn có thể cảm nhận và nhìn thấy lộ trình đó. Bạn sẽ thấy bạn và thế giới là ánh sáng trong suốt, gần giống không gian rỗng trên một nền xanh coban.
Việc thưởng ngoạn vầng thứ năm và thiền định về lộ trình tiến hóa vĩ đại sẽ hỗ trợ bạn không ít trong việc nhất quán đời sống với mục đích sống và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của bạn. Tức là bạn quy thuận trước con người đích thực của mình thay vì để các chuẩn mực xã hội chi phối. Như vậy, trên thực tế, bạn không còn là một bánh răng trong guồng máy mà đã trở thành một suối nguồn sáng tạo độc nhất vô nhị trong vũ trụ.
Cấp độ thứ sáu của trường năng lượng con người
Vầng hào quang thứ sáu trông như những dải sáng tuyệt đẹp. Chúng tỏa ra vạn hướng và vươn khỏi cơ thể khoảng 0,7m. Tại đây có hết thảy mọi màu sắc óng ánh kỳ ảo của cầu vồng. Vầng thứ sáu phi cấu trúc và mang tần số cực cao.
Ở trạng thái khỏe mạnh, nó sáng rạng rỡ và được nạp đủ năng lượng. Các chùm năng lượng tuôn khỏi cơ thể thành những chùm sáng thẳng chan hòa tuyệt đẹp. Vầng thứ sáu càng rạng rỡ và được nạp nhiều năng lượng, chúng ta càng ý thức về nó rõ rệt hơn trong trải nghiệm sống của mình. Đây là vầng mang các cảm xúc trong thế giới tâm linh của chúng ta; là cấp độ của yêu thương thiêng liêng. Việc ngồi thư giãn trong cấp độ nhận thức có ý thức này giúp cơ thể lắng dịu và an yên, từ đó mà lành lại. Vầng thứ sáu chứa những thăng hoa trong linh hồn ta. Ta trải nghiệm nó dưới dạng lòng nhân ái thiêng liêng, niềm hoan hỷ, hạnh phúc. Muốn đạt tới cấp độ trải nghiệm này, ta cần lắng lòng lại rồi lắng nghe, hoặc dùng thiền định, âm nhạc tinh tế hoặc nhạc tôn giáo, tụng niệm hoặc mộng tưởng. Đây là những cảm xúc mở rộng tuyệt vời khi ta đồng cảm với mọi sinh thể thuộc thế giới tâm linh của mọi chốn thiên đàng cũng như với toàn thể loài người, cây cỏ và động vật trên Trái đất trong tình bằng hữu. Ở vầng thứ sáu này, mỗi chúng ta giống như vầng sáng của một ngọn nến. Ta là những chùm sáng xà cừ óng ánh vươn ra từ một nguồn sáng trung tâm.
Nếu vầng thứ sáu của bạn yếu và không có nhiều năng lượng, bạn sẽ không có nhiều trải nghiệm tâm linh hoặc trải nghiệm giàu cảm hứng. Thậm chí bạn còn không hiểu nổi khi nghe về những trải nghiệm như vậy. Khi vầng thứ sáu không khỏe và thiếu năng lượng, ta hầu như không thể trải nghiệm bất kỳ điều gì ở cấp độ này. Bạn chỉ mơ hồ cảm thấy sự hiện diện mờ nhạt của Thượng đế hoặc với bạn, Thượng đế/thiên đàng/tâm linh dường như không tồn tại. Vì thế, bạn nghi ngờ những người mang trải nghiệm như vậy có lẽ đang tưởng tượng hoặc tự huyễn hoặc một cách lạc quan thái quá.
Khi vầng thứ sáu không khỏe, nó sẫm, mỏng, thiếu năng lượng và các chùm sáng chùng xuống. Đây thường là hệ quả của một đời sống tâm linh nghèo nàn do nhiều nguyên nhân: môi trường nuôi dạy không có yếu tố tâm linh nên không hề có ý niệm về tâm linh; từng bị sang chấn liên quan đến tôn giáo nên cự tuyệt cả những gì liên quan đến tôn giáo đó lẫn phần tâm linh thường gắn liền với nó; từng gặp một loại sang chấn cá nhân khác nên chối bỏ Thượng đế và tôn giáo. Trong trường hợp thứ nhất, vầng thứ sáu chỉ đơn giản là không được nạp đủ, cá nhân đó không biết họ cần được bồi đắp về tâm linh. Trong hai trường hợp sau, vầng thứ sáu không chỉ thiếu năng lượng mà còn bị tách rời khỏi các vầng hào quang khác. Giữa các vầng có một khoảng cách rõ rệt và các kênh truyền thông thông thường giữa chúng bị đóng lại.
Nếu vầng thứ sáu của bạn mạnh hơn hẳn tất cả các vầng khác, có thể bạn sẽ dùng trải nghiệm tâm linh của mình để né tránh cuộc sống trong thế giới vật lý. Bạn dễ hình thành một nhân sinh quan trẻ thơ và trông đợi cuộc sống sẽ chăm lo cho bạn như thể bạn chỉ sống trong thế giới tâm linh. Bạn sẽ vin vào những trải nghiệm này để biến mình thành người đặc biệt, để chứng minh bạn giỏi hơn mọi người vì đã trải qua những chuyện đó. Đây chỉ là một phản ứng phòng vệ trước nỗi sợ phải sống trong thế giới vật lý. Tuy nhiên nó chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, chẳng mấy chốc bạn sẽ đột ngột thức tỉnh và mọi ảo tưởng sẽ tan vỡ. Trong trường hợp này, ảo tưởng tan vỡ là một trải nghiệm tốt vì nó sẽ đưa bạn trở về đời sống hiện tại trong thế giới vật lý. Bạn sẽ nhận ra thế giới vật lý không nằm ngoài mà tồn tại bên trong thế giới tâm linh.
Muốn trải nghiệm thế giới tâm linh, điểm then chốt là phải nạp đủ năng lượng cho vầng hào quang thứ sáu. Bạn có thể thực hiện điều này thông qua những phép thiền vô cùng đơn giản như ngồi yên trong năm đến mười phút và tập trung vào một đối tượng nhất định, như bông hoa, ánh nến hoặc hoàng hôn kỳ ảo hai lần mỗi ngày. Hoặc một cách khác là nhẩm đi nhẩm lại một câu niệm chú, một thanh âm hoặc một hợp âm mơ hồ nào đó.
Cấp độ thứ bảy của trường năng lượng con người
Khi vầng thứ bảy của trường năng lượng con người khỏe mạnh, nó được cấu thành từ các đường năng lượng vàng kim lấp lánh tuyệt đẹp. Chúng cực mạnh và phát sáng ở tần số cực cao. Các đường năng lượng này bện kết với nhau để tạo thành tất cả các bộ phận trong cơ thể vật lý của bạn. Chúng vươn khỏi cơ thể bạn khoảng hơn 1m. Ở khoảng cách này, vầng thứ bảy làm thành một quả trứng vàng bao bọc và che chở cho mọi thứ ở trong nó. Vùng rìa ngoài của quả trứng dày và chắc hơn, giống như vỏ trứng gà. Dưới sự điều tiết của nó, một dòng năng lượng tuôn ra từ toàn thể trường hào quang, đi vào không gian bên trên. Nó ngăn năng lượng trong trường hào quang rò rỉ ra ngoài và ngăn năng lượng thiếu lành mạnh ở bên ngoài xâm nhập vào trường. Vầng thứ bảy giữ cho tất cả các bộ phận của trường hào quang gắn với nhau thành một thể thống nhất. Sức mạnh khổng lồ của nó luôn khiến tôi kinh ngạc.
Các sợi ánh sáng vàng kim của vầng thứ bảy cũng tồn tại xuyên suốt và vây bọc quanh vạn vật. Chúng đan kết vạn vật với nhau, dù đó là các tế bào của một cơ quan, một thân thể, một nhóm người hay toàn thể thế giới.
Cấp độ thứ bảy là cấp độ của tâm trí thiêng liêng. Khi vầng này khỏe mạnh và ta hướng ý thức của mình tới đây, ta sẽ trải nghiệm thấy tâm trí thiêng liêng ở trong mình và tiến vào thế giới của trường tâm trí thiêng liêng phổ quát. Tại đây, ta hiểu và biết mình là một phần của mẫu hình vĩ đại của sự sống và nhận biết sự hoàn hảo trong những khiếm khuyết của mình. Được trải nghiệm chân lý này của vũ trụ, ta cảm thấy vô cùng an yên.
Ở vầng thứ bảy này, bằng Tri giác Cao cấp, ta có thể nhìn thấy hệ lưới chân lý màu vàng kim đang tự đan bện vào nhau xuyên suốt vũ trụ. Cũng ở đây, bằng Tri giác Cao cấp, cuối cùng chúng ta sẽ học được cách giao tiếp từ tâm trí đến tâm trí. Trong tương lai không xa, Tri giác Cao cấp sẽ là điều hết sức bình thường. Hiện nay, thi thoảng chúng ta có thể truy cập vào tâm trí phổ quát của vũ trụ để thâu nạp những thông tin vượt xa so với thông tin thu nhận qua cái gọi là các giác quan thông thường.
Nếu vầng thứ bảy được nạp đủ năng lượng, khỏe khoắn và lành mạnh, bạn sẽ có hai năng lực chủ chốt là nảy sinh các ý tưởng sáng tạo và hiểu rõ các khái niệm rộng và tổng thể về sự tồn tại, về thế giới và bản chất của nó. Bạn sẽ sáng tạo nhiều ý tưởng mới, sẽ biết nó ăn khớp với mẫu hình ý tưởng phổ quát vĩ đại ở điểm nào. Bạn cũng biết cách tìm chỗ đứng cho mình trong mẫu hình này. Bạn thấu triệt về Thượng đế. Bạn có thể trở thành nhà thần học, nhà khoa học hoặc nhà phát minh. Nhờ năng lực nhận biết thấu suốt và đồng bộ, bạn cũng có thể giảng dạy các môn học phức hợp, quy mô rộng.
Nếu vầng thứ bảy không được phát triển mạnh, bạn sẽ không tìm tòi nhiều ý tưởng sáng tạo mới, cũng không cảm nhận được rõ rệt mẫu hình vĩ đại của sự sống. Bạn sẽ không biết cách tìm ra vị trí của mình trong đó, vì bạn không biết trên đời tồn tại một thứ như vậy. Có lẽ trong trải nghiệm của bạn chẳng có thứ gì gắn kết với nhau và bản chất của vũ trụ là ngẫu nhiên và hỗn loạn.
Nếu vầng thứ bảy của trường hào quang không khỏe, các đường màu vàng sẽ mờ nhạt và yếu. Chúng không giữ được hình dạng và đôi chỗ bị mỏng đi. Thậm chí, chúng còn có thể bị rách toạc khiến năng lượng thất thoát khỏi hệ thống. Nếu vầng thứ bảy không khỏe, chúng ta sẽ không thể trải nghiệm tâm trí thiêng liêng hoặc trạng thái được kết nối của sự thật lưu giữ trong trường tâm trí phổ quát. Ta sẽ không hiểu ý niệm về sự hoàn hảo trong những khiếm khuyết của mình và vì thế khó có thể dung nạp nổi những khiếm khuyết đó. Trên thực tế, có thể ta sẽ phủ nhận chúng, sẽ đòi hỏi hoặc gắng đạt đến một sự hoàn hảo bất khả thi trong điều kiện con người. Ta sẽ không thâm nhập được vào trường tâm trí thiêng liêng phổ quát. Dường như tâm trí ta hoạt động đơn độc và không mấy liên quan đến sự sáng tạo.
Nếu vầng thứ bảy của bạn mạnh hơn tất cả các vầng còn lại, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc khiến cho tất cả ý tưởng sáng tạo của bạn phù hợp với thực tế.
Cách tốt nhất để kiện toàn vầng hào quang thứ bảy là miệt mài truy tìm sự thật cao cả trong đời sống của bạn và lấy đó làm lẽ sống. Theo đánh giá của tôi, cách thiền giúp củng cố vầng thứ bảy tốt nhất là niệm liên tục: “Hãy lắng yên và hiểu rằng tôi là Thượng đế.” Bài thiền này đem đến năng lượng cho vầng thứ bảy và dần dà sẽ đưa người hành thiền tới trải nghiệm biết mình là tâm trí thiêng liêng, biết mình là Thượng đế.
Muốn cho các ý tưởng sáng tạo của bạn được biểu hiện ở cấp độ vật lý, tất cả các cơ thể của bạn phải hoạt động trơn tru. Sức khỏe cũng là một phần trong đó. Để có một thân thể khỏe mạnh và một đời sống trọn vẹn, bạn cần thanh lọc, nạp đủ năng lượng và cân bằng tất cả các cơ thể của mình, nhờ đó mà thanh lọc, nạp đủ năng lượng và cân bằng tất cả các khía cạnh của trải nghiệm con người. Do đó, bất kỳ quá trình chữa lành nào cũng đều phải quan tâm săn sóc tất cả bảy vầng của trường hào quang.
Các luân xa
Các luân xa (chakra) là các cấu hình trong cấu trúc của trường năng lượng mà nhà chữa lành sẽ tác động trong quá trình chữa trị. Trong tiếng Phạn, chakracó nghĩa là “bánh xe”. Theo Tri giác Cao cấp của tôi, luân xa lại trông như các cuộn xoáy hoặc phễu năng lượng. Chúng tồn tại trên từng vầng hào quang, các luân xa từ hai đến sáu xuất hiện ở cả mặt trước và mặt sau cơ thể. Luân xa được gọi tên theo số và chữ cái: chữ A cho luân xa ở mặt trước và chữ B cho luân xa ở mặt sau cơ thể (xem Hình 2-5).
Luân xa hoạt động như các cơ quan tiếp thu năng lượng từ trường năng lượng sống phổ quát (hoặc có thể gọi là trường sức khỏe phổ quát) ở quanh ta vào cơ thể. Năng lượng đưa vào và chuyển hóa qua mỗi luân xa được dẫn tới các bộ phận cơ thể nằm trong vùng đám rối thần kinh trọng yếu gần chúng nhất. Năng lượng này vô cùng quan trọng đối với sự hoạt động trơn tru của trường hào quang và cơ thể vật lý. Trong truyền thống phương Đông, nó được gọi làprana, hoặc sinh khí. Nếu một luân xa gặp trục trặc, việc tiếp nhận năng lượng sẽ bị xáo trộn. Tức là các cơ quan thuộc vùng hoạt động của luân xa đó sẽ không được cấp đủ năng lượng cần thiết. Nếu trục trặc này không được điều chỉnh, hoạt động của các cơ quan và nhiều bộ phận khác trong vùng này sẽ bị gián đoạn. Khu vực đó cùng với các phòng vệ miễn dịch của nó sẽ suy yếu và rốt cục bệnh tật sẽ xuất hiện tại đây.
Có bảy luân xa chính. Phần miệng phễu của luân xa có đường kính khoảng 6 inch, nằm bên ngoài, cách cơ thể khoảng 1 inch. Cuống phễu nằm trong cơ thể, gần cột sống. Dòng năng lượng thẳng đứng chạy xuyên suốt đường tâm cơ thể. Nó là một kênh năng lượng lớn, nơi tất cả các luân xa giải phóng năng lượng mà chúng tiếp nhận từ trường sống hay trường sức khỏe phổ quát xung quanh cơ thể. Năng lượng từ toàn bộ bảy luân xa bện kết với nhau trên suốt dòng năng lượng thẳng đứng. Từng màu bện kết vào nhau, trông như một dải thừng ánh sáng đa sắc nhấp nháy tuyệt đẹp. Ở hầu hết mọi người, dòng năng lượng thẳng đứng rộng khoảng 1 inch. Tuy nhiên, ở các nhà chữa lành, do trạng thái của ý thức đã được nâng cấp để phục vụ cho việc chữa bệnh nên dòng năng lượng thẳng đứng có thể phình to với đường kính lên đến 6 inch.
Hình 2-5: Vị trí của bảy luân xa
Bảy luân xa chính khu trú gần bảy đám rối thần kinh trọng yếu của cơ thể. Luân xa thứ nhất nằm giữa hai chân. Đỉnh của nó nằm ngay trong khớp nối giữa xương cùng và xương cụt. Luân xa này gắn liền với cảm giác về tư thế cơ thể, cảm giác về cử động cơ thể và xúc giác. Nó có quan hệ với ý chí sống của chúng ta và cung cấp sinh lực vật lý cho cơ thể. Nó cung cấp năng lượng cho cột sống, tuyến thượng thận và thận.
Luân xa thứ hai nằm ngay trên xương mu ở mặt trước và mặt sau cơ thể. Đỉnh của nó đặt trực tiếp trong vùng trung tâm xương cùng, thông qua đó mà chúng ta cảm nhận các cảm xúc. Luân xa này liên quan đến dục vọng của ta. Nó cung cấp rất nhiều năng lượng cho các cơ quan sinh dục và hệ miễn dịch.
Luân xa thứ ba nằm trong vùng đám rối dương ở mặt trước và mặt sau cơ thể. Đỉnh của nó nằm trực tiếp trong bản lề cơ hoành, giữa đốt sống ngực thứ mười hai (T-12) và đốt sống thắt lưng thứ nhất (L-I). Nó cung cấp năng lượng cho các cơ quan thuộc khu vực này của cơ thể, gồm dạ dày, gan, túi mật, tụy, tỳ và hệ thần kinh. Nó gắn liền với trực cảm của ta. Nó có quan hệ với con người ta ở trong vũ trụ, cách ta kết nối với những người xung quanh và cách ta tự chăm lo cho mình.
Luân xa thứ tư, nằm ở vùng tim, có quan hệ với tình thương và ý chí. Thông qua nó, chúng ta cảm nhận được yêu thương. Phần phía trước gắn với tình thương, phần phía sau gắn với ý chí. Muốn luân xa này hoạt động tốt, chúng ta phải cân bằng giữa tình cảm và ý chí trong cuộc sống. Đỉnh của luân xa thứ tư nằm trong đốt sống T-5. Nó cung cấp năng lượng cho tim, hệ tuần hoàn, tuyến ức, dây thần kinh phế vị và phần lưng trên.
Luân xa thứ năm nằm ở phía trước và phía sau cổ họng. Nó gắn liền với thính giác, vị giác và khứu giác. Đỉnh của nó nằm trong đốt sống cổ thứ ba (C-3). Nó cung cấp năng lượng cho tuyến giáp, phế quản, phổi và ống tiêu hóa. Nó gắn với sự trao, nhận và việc nói lên sự thật.
Luân xa thứ sáu nằm trên trán và vùng sau đầu. Đỉnh của nó nằm trong trung tâm đầu. Nó cung cấp năng lượng cho tuyến yên, vùng não dưới, mắt trái, tai, mũi và hệ thần kinh. Nó gắn liền với thị giác. Phần trước của luân xa thứ sáu liên quan đến sự nhận biết các khái niệm. Phần phía sau liên quan đến việc đưa ý tưởng vào một quá trình thực thi từng bước để hiện thực hóa.
Luân xa thứ bảy nằm ở đỉnh đầu. Đỉnh của nó nằm trong chính giữa đỉnh đầu. Nó cung cấp năng lượng cho vùng não trên và mắt phải. Nó gắn liền với trải nghiệm trực tri và liên quan đến việc hòa nhập nhân cách và tâm linh.
Nhìn chung, phần phía trước của các luân xa tương quan với hoạt động cảm xúc, phần phía sau tương quan với hoạt động ý chí còn các luân xa ở vùng đầu tương quan với hoạt động lý trí. Muốn duy trì sức khỏe, hoạt động lý trí, ý chí và cảm xúc phải cân bằng. Lượng năng lượng chảy qua một luân xa biểu thị mức độ huy động luân xa đó và do đó cũng biểu thị mức độ huy động các khía cạnh lý trí, ý chí hoặc cảm xúc gắn liền với nó. Muốn cân bằng lý trí, ý chí và cảm xúc trong cuộc sống, chúng ta phải cân bằng, phân bổ đều năng lượng và đồng bộ hóa các luân xa.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ mô tả cách nhà chữa lành thao tác với trường năng lượng con người trong các phiên chữa lành và hướng dẫn bạn cách tự thao tác với trường năng lượng của mình để tự chữa lành. Kế đó, chúng ta sẽ liên hệ quá trình chữa lành cá nhân với mỗi trong số bảy cấp độ trải nghiệm sống cá nhân hiện diện trong từng vầng hào quang. Mỗi người có thể tự chữa lành bằng cách đáp ứng các nhu cầu cá nhân gắn liền với từng dạng trải nghiệm sống trên mỗi cấp độ. (Nếu bạn muốn tìm hiểu cụ thể hơn về trường hào quang và các luân xa, mời bạn đọc Phần II và III cuốn Bàn tay ánh sáng).
Vầng chủ định thể: cấp độ của chủ định, mục đích
Từ vầng hào quang, tiến thêm một bước nhảy lượng tử và một chiều kích hướng vào trong bản chất của mình, bạn sẽ gặp vầng chủ định thể. Vầng chủ định thể là nền tảng chân đế của vầng hào quang. Tôi gọi nó là vầng chủ định thể vì đây là nơi bạn thiết lập và lưu giữ chủ định thể (hara). Theo định nghĩa của người Nhật, hara là một trung tâm năng lượng nằm trong bụng dưới. Nếu vầng hào quang liên quan đến nhân cách của bạn thì vầng chủ định thể liên quan đến các chủ định của bạn. Nó tương ứng với nhiệm vụ cuộc đời hoặc mục đích tâm linh sâu xa của bạn. Đây là vầng của mục đích hóa thân vĩ đại cũng như những mục đích cá nhân của bạn trong từng khoảnh khắc.
Vầng chủ định thể mang cấu trúc đơn giản hơn hẳn cấu trúc của vầng hào quang (xem Hình 2-1). Nó gồm ba điểm nằm dọc theo một đường như tia laser trên đường tâm cơ thể bạn. Đường này rộng khoảng ⅓ inch, kéo dài từ một điểm cách đầu bạn khoảng 3,5 inch và đi sâu vào lõi Trái đất. Điểm đầu tiên phía trên đỉnh đầu trông như một chiếc phễu ngược. Phần miệng phễu chỉ rộng khoảng ⅓ inch. Vầng chủ định thể đại diện cho sự cá biệt hóa đầu tiên của chúng ta từ Thượng đế, khi ta lần đầu tiên tách khỏi Thượng đế thành một cá thể để hóa thân. Vầng chủ định thể còn mang chức năng của lý trí. Nó mang lý do hóa thân của ta. Chính tại vị trí này mà ta kết nối với thực tại tâm linh cao cấp của mình. Tôi gọi điểm này là điểm cá biệt hóa hay điểm định danh.
Lần theo đường laser xuống đến vùng ngực trên, ta sẽ tìm thấy điểm thứ hai của đường chủ định. Nó là một ánh sáng khuếch tán tuyệt đẹp ứng với cảm xúc của ta. Tại đây, ta lưu giữ ước vọng tâm linh, ước vọng thiêng liêng dẫn dắt ta suốt cuộc đời. Nó cho ta nhiệt huyết để thực hiện những điều lớn lao trong cuộc sống. Ước vọng này chỉ giới hạn trong nhiệm vụ cuộc đời ta. Ta khao khát hoàn thành nó. Nó là thứ ta muốn thực hiện hơn hết thảy trong đời. Vì nó mà ta đến cõi đời này. Nó là niềm khao khát mà mỗi chúng ta mang trong mình, nhờ nó ta mới cảm nhận được lý do mình hiện diện ở đây. Tôi gọi điểm này là điểm quy tụ khát vọng tâm hồn hay trọng điểm tâm hồn.
Điểm tiếp theo trên đường laser là đan điền (phiên âm từ tên Trung Quốc là tan tien). Đây là trung tâm khởi phát mọi chuyển động của các võ sĩ khi họ biểu diễn võ thuật. Chính từ trung tâm này, họ rút năng lượng để đập vỡ bê tông. Đan điền trông như một quả bóng năng lượng hay trung tâm sự sống, với đường kính khoảng 1,5 inch, nằm dưới rốn khoảng 2,5 inch. Với lớp màng chắc chắn bao quanh, trông nó hơi giống một trái bóng cao su. Đan điền có thể mang màu vàng kim. Đây là một trung tâm ý chí, là ý chí sống trong cơ thể vật lý của bạn. Nó chứa đựng nốt đơn giúp duy trì cơ thể vật lý ở trong sự hiện hình vật lý.
Cùng với ý chí của mình và với nốt đơn này, bạn đã rút một cơ thể vật lý lên từ cơ thể của mẹ Trái đất. Chính từ trung tâm này mà các nhà chữa lành có thể kết nối với một lượng năng lượng lớn để tái tạo cơ thể, với điều kiện họ phải gắn đường chủ định vào sâu trong phần lõi Trái đất nóng chảy. Khi đường chủ định đã kéo sâu xuống lõi Trái đất, nhà chữa lành có thể quy tụ một năng lượng mạnh. Khi đan điền được huy động vào việc chữa trị, nó có thể chuyển thành màu đỏ rực và nóng bỏng. Đó là điều sẽ xảy ra khi neo vào vầng chủ định thể. Khi ấy, đan điền chuyển màu đỏ và nhà chữa lành sẽ cảm thấy hơi nóng mãnh liệt bao trùm khắp cơ thể.
Khi bạn đã thiết lập một chủ định rõ ràng trên vầng chủ định thể, các hành động của bạn trên vầng hào quang và các vầng vật lý sẽ cho bạn khoái cảm. Xuyên suốt cuốn sách này, chúng ta sẽ phân tích mối quan hệ giữa những rối loạn trong vầng chủ định thể (tức chủ định và nhiệm vụ cuộc đời) với sức khỏe con người. Chẳng hạn, những chủ định mập mờ, hỗn độn, mâu thuẫn và sự thiếu kết nối với nhiệm vụ cuộc đời có thể sinh bệnh tật. Nhiều người, nhất là người ở khu vực công nghiệp hóa hiện đại hóa của thế giới, lang thang vô định với nỗi đau nhức nhối trong tâm vì họ không biết mình có một mục đích sống. Họ không hiểu vì sao mình đau đớn như vậy. Họ không biết rằng nỗi đau tâm linh kiểu này có thể được hóa giải. Sự mất kết nối với mục đích sống sâu xa của họ hiển hiện trong vầng chủ định thể và có thể được hàn gắn từ cấp độ này.
Vầng ngôi sao bản thể: cấp độ của bản chất thiêng liêng – khởi nguồn của năng lượng sáng tạo
Từ vầng chủ định thể, tiến thêm một bước nhảy lượng tử hướng về bản chất của mình, bạn sẽ gặp vầng ngôi sao bản thể – cấp độ liên quan đến bản chất thiêng liêng của bạn. Tri giác Cao cấp cho thấy trên vầng ngôi sao bản thể, ai ai trông cũng giống như một vì sao tuyệt đẹp. Không vì sao nào giống vì sao nào. Mỗi vì sao là cội nguồn của sự sống bên trong. Ở nơi sâu thẳm này, chúng ta là trung tâm của vũ trụ. Đây là nơi phần cá thể thiêng liêng trú ngụ trong mỗi chúng ta. Nó nằm trên rốn 1,5 inch, trên đường tâm cơ thể (xem Hình 2-1). Nếu khai mở hình dung trên cấp độ ngôi sao bản thể rồi quan sát một nhóm người, mỗi người trông sẽ giống một ngôi sao tuyệt đẹp, rực rỡ vô chừng và ánh sáng của nó thấm đẫm tất cả các ngôi sao khác.
Bản thể là bản chất cốt lõi nhất của sự sống của ta và là duy nhất một cách trọn vẹn đối với mỗi cá nhân. Nó ở đó trong mỗi chúng ta từ ngàn xưa. Trên thực tế, nó vượt xa các giới hạn về thời gian, không gian và niềm tin. Nó là khía cạnh cá biệt của đấng thiêng liêng. Từ nơi sâu thẳm này của linh hồn, mỗi chúng ta sống và mang sinh mệnh của mình. Ta dễ dàng thừa nhận nó là thứ mà ta vẫn luôn biết mình sẽ trở thành kể từ lúc chào đời. Ở nơi này, ta sáng suốt, từ bi và quả cảm vô chừng.
Cốt lõi bên trong này chưa thực sự thay đổi theo thời gian, chưa từng thực sự bị làm cho biến chất bởi một trải nghiệm tiêu cực nào. Phản ứng của ta với các trải nghiệm tiêu cực quả là có thể che khuất nó nhưng chưa bao giờ thực sự biến đổi nó. Nó là bản chất căn bản nhất của ta; là phần tốt đẹp sâu xa trong mỗi chúng ta; là con người đích thực của ta. Chính từ chốn bên trong này mà tất cả các năng lượng sáng tạo của ta khởi lên. Chính từ suối nguồn vĩnh hằng bên trong mỗi con người này mà tất cả các tạo tác có được từ khả năng sáng tạo của ta hiển lộ.
Quá trình sáng tạo và sức khỏe
Trọng điểm của cuốn sách này là giúp bạn hiểu rằng quá trình sáng tạo khởi nguồn từ trong cốt lõi của bạn và giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của nó, nhất là trong vấn đề sức khỏe và chữa lành. Quá trình sáng tạo khởi phát từ cốt lõi này luôn bắt đầu từ hai chất liệu: chủ định tích cực hay chủ định thiêng liêng và khoái cảm tích cực.
Mọi hành động bạn từng làm trong cuộc sống của mình không chỉ bắt nguồn từ mục đích tốt đẹp mà còn luôn bắt nguồn từ khoái cảm.
Mọi hành động sáng tạo của bạn từ trước đến nay đều khởi phát từ bên trong ý thức cốt lõi của bạn, đi lên qua các cấp độ sâu hơn của bản thể cho đến khi chạm tới thế giới vật lý: đầu tiên chúng biểu hiện thành ý thức trong cốt lõi, rồi thành chủ định trong vầng chủ định thể, kế đó thành các năng lượng sống trong vầng hào quang để rồi cuối cùng đi lên, vào vũ trụ vật lý.
Khi các năng lượng này chảy trực tiếp từ cốt lõi, qua vầng chủ định thể – vầng mang nhiệm vụ cuộc đời, qua vầng hào quang – vầng mang nhân cách, rồi qua cơ thể vật lý, ta sẽ sáng tạo nên sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống. Quá trình sáng tạo ấy cũng là cơ sở cho cuốn sách này. Chính bằng sự “hiện hình ánh sáng” từ cốt lõi mà chúng ta sáng tạo nên trải nghiệm sống trên tất cả các cấp độ tồn tại của mình.
Khi ta chặn không cho năng lượng sáng tạo khởi lên từ ngôi sao bản thể, rốt cục ta sẽ tạo ra đau đớn trong cuộc sống. Nhiệm vụ trước mắt là ta phải phát lộ cốt lõi của mình để ánh sáng và các tạo tác có thể hiển lộ trong hoan hỷ và hạnh phúc. Bằng cách đó, ta có thể sáng tạo nên một thế giới hài hòa, bình an và đồng cảm.