M
ón quà chữa lành nằm trong tất cả mọi người. Nó không phải là một đặc ân dành cho một vài người nhất định. Cả tôi, cả bạn đều đã được trao tặng món quà này ngay từ lúc chào đời. Ai cũng có thể tiếp nhận sự chữa lành và ai cũng có thể học cách chữa lành. Tất cả chúng ta đều có thể tự chữa lành cho mình và cho người khác.
Có thể bạn không nhận ra, nhưng sự thật là bạn vẫn đang thường xuyên tự chữa lành. Khi bạn sơ ý tự làm mình đau, hành động đầu tiên của bạn là gì? Thường thì bạn sẽ chạm vào chỗ đau đó. Thậm chí bạn còn nắm chặt vùng bị thương để ngắt cơn đau. Bản năng vật lý này cũng truyền năng lượng chữa lành tới khu vực bị tổn thương. Nếu bạn thư giãn và giữ tay ở trên vùng bị thương lâu hơn bình thường, bạn sẽ thấy một sự chữa lành thậm chí còn sâu sắc hơn những gì đang diễn ra. Bà mẹ nào cũng sẽ xoa, ôm, hôn hoặc âu yếm những đứa con của mình khi chúng bị đau. Họ cũng dành sự chăm sóc tương tự cho những người thân khác. Nếu bạn chú ý đến những phản ứng đơn giản này và tiến hành tìm hiểu chúng, bạn sẽ thấy hiệu ứng xảy ra khi bạn chạm vào người thân sẽ mạnh hơn so với khi bạn chạm vào người lạ. Nhiều khả năng bạn đã trao cho sự đụng chạm của mình một tinh hoa đặc biệt – tinh hoa của tình thương mà bạn dành cho người bạn chạm vào. Bạn thấy đấy, bạn đã biết về sự chữa lành nhưng chưa nhận ra nó mà thôi.
Khi bạn hân hoan, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng hoặc có bất cứ một cảm giác mang đến tâm trạng tích cực nào, người khác sẽ cảm thấy sự đụng chạm của bạn dễ chịu hơn so với khi bạn mang tâm trạng tiêu cực. Sự đụng chạm trong tâm trạng rầu rĩ mang năng lượng khác hẳn so với sự đụng chạm trong tâm trạng vui vẻ. Tình trạng của bạn tại mọi thời khắc đều được thể hiện thông qua năng lượng của bạn. Khi biết cách điều chỉnh tâm trạng và nhờ đó điều chỉnh bản chất của năng lượng và dòng chảy năng lượng của bản thân, bạn sẽ sớm dùng năng lượng ấy cho việc chữa lành. Đó cũng là những gì các chuyên gia chữa lành làm. Đơn giản là họ học cách nhận biết và điều chỉnh năng lượng của bản thân để dùng nó cho việc chữa lành.
Những trải nghiệm thường nhật mang tính cá nhân này, thứ mà tôi dám chắc là đã xuất hiện từ thuở hồng hoang, đã phát triển thành nền tảng căn bản của phương pháp chữa lành bằng đặt tay. Chúng xuất hiện ngay từ khi những con người đầu tiên xuất hiện. Người xưa cũng đã ý thức về sức mạnh chữa lành từ đôi bàn tay. Mỗi nền văn hóa khám phá và khai thác sức mạnh này trong khuôn khổ vốn tri thức và truyền thống riêng của mình. Trong cuốn Future Science (tạm dịch: Khoa học tương lai) của John White, ông liệt kê chín mươi bảy nền văn hóa khác nhau trên khắp bề mặt quả địa cầu, trong đó mỗi nền văn hóa dùng một tên riêng để chỉ sự chữa lành hoặc các trường năng lượng sống. Người Ấn Độ và người Trung Quốc đã biết đến các trường năng lượng sống này từ hơn năm ngàn năm trước.
Tôi gọi năng lượng sống bao bọc và xuyên suốt vạn vật là trường năng lượng phổ quát, hay UEF (Universal Energy Field), và năng lượng sống có liên hệ với loài người là trường năng lượng con người, hay HEF (Human Energy Field). Trường năng lượng con người được biết đến nhiều hơn với cái tên là hào quang con người.
Nhận biết và điều chỉnh trường năng lượng con người
Nhiều người có thể nhận biết trường năng lượng con người một cách tự nhiên, và tất cả mọi người có thể học cách nhận biết nó. Thực ra, chúng ta đã cảm nhận được trường năng lượng con người nhưng có thể chưa ý thức về nó, hoặc coi nhẹ nó, hoặc gọi nó bằng tên khác. Ví dụ, khi bạn biết có ai đó đang nhìn chằm chằm vào bạn dù không tận mắt nhìn thấy vì bạn cảm nhận được điều đó; hoặc ngay sau màn làm quen, bạn đã lập tức thích một người và biết rằng hai người sẽ hòa hợp; hoặc đôi khi bạn mơ hồ cảm thấy sắp xảy ra một điều tốt lành, và quả nhiên linh cảm ấy ứng nghiệm. Trong những ví dụ này, bạn đã cảm nhận được trường năng lượng con người bằng cách sử dụng cái mà tôi gọi là sự nhạy cảm (Higher Sense Perception). Sự nhạy cảm đơn giản vẫn là các giác quan của chúng ta nhưng được mở rộng vượt qua những ngưỡng quen thuộc thông thường. Đôi khi nó còn được gọi là giác quan thứ sáu. Năng lực này còn được gọi bằng nhiều cái tên khác: “thấu thị”, tức khả năng nhìn được những điều giàu ý nghĩa mà người khác không nhìn thấy; “thấu thính”, tức là khả năng nghe được những điều mà người khác không nghe thấy; và “thấu tri”, tức là khả năng cảm được những điều mà người khác không cảm thấy.
Tôi đã phát triển, nghiên cứu và sử dụng Tri giác Cao cấp trong nhiều năm đồng thời cũng tìm được thêm nhiều phương cách cụ thể để phân biệt giữa các dạng Tri giác Cao cấp. Tri giác Cao cấp bao gồm tất cả năm giác quan thông thường của chúng ta – thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác – cùng một số giác quan phi ngũ quan, chẳng hạn như trực cảm. Nó là một cảm giác mơ hồ rằng mình biết một điều gì đó, như biết một điều tốt lành sắp đến nhưng không rõ cụ thể điều đó là gì. Hoặc bạn biết có ai đó sắp gọi điện cho mình – thậm chí có thể còn biết họ là ai – nhưng không rõ đích xác nội dung cuộc đàm thoại.
Giác quan phi ngũ quan thứ hai, tôi gọi nó là trực tri, tức là sự nhận biết trực tiếp. Giác quan này cung cấp cho chúng ta những thông tin cụ thể và hoàn chỉnh. Chẳng hạn, trong ví dụ vừa rồi, ta biết đích xác ai là người sẽ gọi điện, vào lúc nào và sẽ nói về điều gì. Hoặc ai đó hỏi ta một vấn đề mà ta nghĩ mình hoàn toàn không biết nhưng thực ra ta lại biết cả khái niệm tổng quát lẫn các chi tiết cụ thể của vấn đề đó. Thường thì với trực tri, ta biết thông tin nhưng không rõ mình biết bằng cách nào.
Giác quan cao cấp thứ ba là tri giác cảm xúc, tức là năng lực cảm nhận cảm xúc của bản thân và của người khác. Không cần giao tiếp bằng lời, ta vẫn biết họ đang cảm thấy thế nào. Đơn giản bằng cách đón bắt năng lượng từ cảm xúc của họ.
Tôi phân tách rõ ràng giữa cảm giác về cảm xúc và cảm giác về tình thương. Như vậy, giác quan cao cấp thứ tư là tri giác tình thương, tức là năng lực cảm nhận tình thương. Muốn cảm nhận tình thương, ta phải kết nối với người mình giao tiếp ở mức độ sâu hơn nhiều so với khi cảm nhận các cảm xúc khác. Tri giác tình thương là giác quan cao cấp nhất.
Như vậy, ngoài năm giác quan thông thường là thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác, chúng ta còn có trực cảm, trực tri, tri giác cảm xúc và tri giác tình thương. Khi tất cả các giác quan này hoạt động đồng thời, ta có thể nhận thức đầy đủ về sự hiện diện của mình ở đây, vào ngay lúc này.
Các giác quan đem lại nhận thức, và nhận thức đặt ta vào hiện tại. Hiện diện ở hiện tại là một trải nghiệm mà nhiều người có thể đạt được thông qua thiền định. Trạng thái này là cửa ngõ đưa ta vượt qua những giới hạn của thời gian và không gian đang vây hãm xung quanh. Thiền định lắng yên và khai quang tâm trí, giúp tâm trí trở nên nhạy bén.
Tri giác Cao cấp nằm trong ngưỡng thông tin vô cùng vi tế mà bộ não của ta thường lọc bỏ vì xem là không quan trọng. Hiện tượng này tương tự như khi ta nghe nhạc. Ở mức âm lượng lớn, thật khó có thể nghe thấy những nốt trầm, dịu của bản nhạc. Nếu hạ âm lượng, ta sẽ nhận ra những nốt dịu và những sắc thái tinh tế. Bạn có thể nghe thấy nhịp điệu lồng trong nhịp điệu. Với Tri giác Cao cấp và trường năng lượng con người, mọi chuyện cũng hệt như vậy. Bạn có thể học cách hạ nhỏ tiếng ồn trong đầu mình và chú tâm vào những nhịp điệu êm dịu cùng những sắc thái tinh tế hơn của cuộc sống. Sau một thời gian dài tự rèn luyện, bạn sẽ thấy những nhịp điệu vi tế này là nền tảng cho những trải nghiệm từng khắc của bạn về bản thân sự sống. Chúng được kết nối với năng lượng sống mạnh mẽ mà tất cả chúng ta đều cần để vận hành cuộc sống.
Lần tới, nếu con bạn bị đau đầu gối, bạn hãy đặt tay lên đó nhé. Hãy để bản thân bạn cảm nhận tình yêu mà bạn dành cho con. Bàn tay bạn sẽ nóng lên. Tại sao? Bởi vì năng lượng chữa lành từ trường năng lượng của bạn đang tuôn chảy qua bàn tay bạn, giúp chữa lành đầu gối của bé. Nó tạo cảm giác nóng, xung động hoặc châm chích như điện giật. Dạng nhận thức này được gọi là giác quan vận động, hay xúc giác. Bạn đang nhận biết trường năng lượng con người bằng xúc giác, tức là thông qua sự đụng chạm.
Một khi đã nhận biết được trường năng lượng con người, bạn có thể học cách tương tác với nó và điều chỉnh nó theo ý bạn. Hãy thử đổi hướng dòng năng lượng qua cơ thể bạn theo các chỉ dẫn sau. Bạn có thể áp dụng kỹ thuật này mỗi khi cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng.
Nằm xuống, tưởng tượng trong đám rối dương (ở vùng bụng) của bạn đang có một vầng mặt trời ấm áp, dễ chịu. Rất nhanh thôi, bạn sẽ cảm thấy khoan khoái hơn nhiều, cùng với đó là cảm giác ấm lên ở vùng bụng. Thậm chí có thể hơi thở của bạn sẽ chậm lại vì bạn bắt đầu thư giãn sâu hơn. Nếu muốn mở rộng trạng thái thư giãn này từ thân sang tâm, bạn hãy hồi tưởng lại một trải nghiệm tôn giáo hoặc tâm linh tuyệt vời mà bạn đã từng có, có thể là trải nghiệm từ thuở nhỏ. Hãy nhớ lại khoảng thời gian tuyệt diệu đặc biệt đó, khi bạn biết trên đời này có Thượng đế (theo cách hiểu riêng của bạn) và sống là một trải nghiệm tự nhiên và thiêng liêng nhất – tự nhiên đến nỗi bạn chẳng cần bận tâm về nó. Lúc đó bạn sẽ không mảy may nghi ngờ sự hiện diện của Thượng đế. Bạn hãy để mình nhẹ trôi vào trải nghiệm đó, để mình được ôm ấp, an yên trong vòng tay của đấng sáng tạo. Bằng cách này, bạn đã thay đổi dòng năng lượng của mình. Bạn đã tự đặt mình vào một trạng thái chữa lành mạnh mẽ. Giờ thì hãy cảm nhận nguồn năng lượng trong bạn. Bạn thích nó chứ?
Trạng thái chữa lành thư thái bạn cảm nhận được tương ứng với trường năng lượng của bạn khi nó trở nên mạch lạc hơn cũng như việc làm chậm sóng não của bạn có thể được đo bằng kỹ thuật điện não đồ hay EEG. Theo đó, não của bạn có thể ở nhịp alpha, tức khoảng 8Hz hoặc 8 chu trình/giây, giá trị này biểu thị một trạng thái chữa lành. Hoặc một thiết bị dò từ trường sẽ hiển thị trường năng lượng của bạn đang xung động ở giá trị 7,8-8Hz. Đây là một trạng thái năng lượng hết sức tự nhiên với tất cả mọi người.
Khả năng lớn là khi còn nhỏ, bạn từng buông xuôi trọn vẹn theo bất kỳ điều gì đang xảy ra trước mắt một cách hết sức tự nhiên và vô thức. Giờ đây, bạn vẫn thực hiện điều đó, trong những khoảnh khắc tuyệt diệu của sự từ bỏ đầy sáng tạo khi bạn đã hoàn toàn buông mình theo dòng năng lượng sống đang tuôn chảy ra bên ngoài từ một nguồn năng lượng nội tại. Bạn sẽ thấy các màu sắc trở nên tươi sáng hơn, các hương vị trở nên ngọt ngào hơn, không gian thơm hơn và những thanh âm xung quanh hợp thành một bản hòa tấu. Bạn không phải là một ngoại lệ; tất cả mọi người đều có những trải nghiệm này.
Có lẽ những ý tưởng xuất sắc nhất sẽ nảy ra khi bạn thậm chí không hề nghĩ về một giải pháp cho một vấn đề. Bạn đang dạo bước trong rừng hoặc ngắm nhìn cảnh hoàng hôn huy hoàng, và đột nhiên chúng xuất hiện. Chúng hiển lộ từ sâu thẳm trong bạn. Hoặc khi bạn nhìn thấy điều kỳ diệu trong đôi mắt của một hài nhi, và trong bạn cũng tràn ngập những điều diệu kỳ của bí ẩn cuộc sống. Một lần nữa, những cảm xúc đó cũng hiển lộ từ sâu thẳm trong bạn. Chúng đến từ một suối nguồn ẩn sâu bên trong mà tôi gọi là cốt lõi trung tâm của sự sống. Chính từ nguồn sâu thẳm bên trong này mà ánh sáng của bạn hiện hình. Đó là tia sáng nội tâm thiêng liêng của bạn.
Khai thác các năng lượng chữa lành sáng tạo
Ai cũng có thể học cách khai thác nguồn năng lượng ẩn sâu trong mình. Muốn tùy ý giải phóng được năng lượng sáng tạo, bạn phải trải qua một quá trình luyện tập. Quá trình này không chú trọng vào việc khơi gợi các năng lượng sáng tạo mà tập trung loại bỏ các chướng ngại vật trong tâm bạn khỏi đường đi của dòng chảy năng lượng. Một khi các khối tắc nghẽn đã biến mất, sự sáng tạo từ sâu trong bạn tự khắc sẽ phun trào như một mạch ngầm được phát lộ. Bất kỳ một họa sĩ hay nhà văn nào cũng đều thấm thía nỗi gian nan khi phải vượt qua điểm bế tắc trong quá trình sáng tạo. Và một khi điểm tắc được khơi thông, ý tưởng cứ thế tuôn ra nơi đầu cọ hoặc dưới ngòi bút của họ. Các nhà khoa học cũng gặp thử thách tương tự khi phải cố gắng giải quyết các vấn đề chuyên môn của mình. Lý trí của họ đã được nạp mọi dữ liệu cần thiết, nó chật vật đi tìm câu trả lời nhưng vô vọng. Thế rồi sau một giấc ngủ ngon, vài giấc mơ, một vài hoạt động của não phải thì câu trả lời tự nhiên xuất hiện. Lực sáng tạo trong họ đã được giải phóng nhờ một quy trình nội tại: buông bỏ, nhường lối và để cho năng lượng tuôn chảy.
Lực sáng tạo cũng được giải phóng trong những giai đoạn khủng hoảng. Đó chính là lúc chúng ta trở thành anh hùng. Hẳn ai cũng từng nghe về những kỳ tích đến trong nguy biến, như một người đàn ông nhấc được cả chiếc xe hơi để cứu người thân thoát nạn; hoặc một bà mẹ bỗng quay về nhà vì đột nhiên thấy nóng ruột, nhờ đó đã kịp thời cứu con khỏi nguy hiểm.
Sự giải phóng lực sáng tạo này giúp chúng ta làm chủ mọi tình huống trong cuộc sống. Quá trình chữa lành là quá trình giải phóng lực sáng tạo để làm chủ sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Trên thực tế, theo quan điểm của tôi và như chúng ta sẽ thấy trong cuốn sách này, phần nhiều bệnh tật là hậu quả của việc dòng chảy tự nhiên của các năng lượng sáng tạo bị chặn lại.
Vì sao chúng ta chặn năng lượng sáng tạo của mình lại
Khi chúng ta có những trải nghiệm đau đớn trong cuộc sống, tự khắc chúng ta sẽ cố tìm cách né tránh cảm nhận những nỗi đau ấy. Phản ứng này xảy ra từ thuở nhỏ. Ta ngắt cơn đau thể xác bằng cách rút ý thức khỏi phần cơ thể đang chịu đau. Ta ngắt cảm giác đau đớn trong tâm bằng cách căng cơ và nén nó vào vùng vô thức của mình. Để ngăn không cho nó trỗi dậy từ vùng vô thức (hoặc đôi khi để dìm nó xuống dưới ngưỡng nhận thức có ý thức), ta tìm mọi cách đánh lạc hướng tâm trí, không cho nó nghĩ đến cảm giác đau đớn ấy. Chẳng hạn, ta nghĩ ra đủ việc để làm, rồi dần dà trở thành người nghiện công việc; hoặc ngược lại, nằm ì một chỗ và xem ti-vi cả ngày. Rất nhiều người cứ như thế mà trở nên nghiện ma túy, thuốc lá, sô-cô-la hoặc rượu. Rất nhiều người trong số chúng ta khao khát được trở nên hoàn hảo, trở thành người tốt nhất hay tồi tệ nhất. Chúng ta đem phóng chiếu các vấn đề của mình lên người khác rồi lo lắng cho họ thay vì cố gắng giải quyết các vấn đề của bản thân. Ta đẩy chệch hoặc đè nén những khối năng lượng lớn để khỏi phải cảm nhận nỗi đau, bao gồm cả việc chúng ta là ai và đang cảm thấy gì tại thời điểm này. Ta cho rằng cách này sẽ hiệu quả: ta có thể trốn chạy mà không cần cảm nhận hoặc sống đúng với bản chất hiện tại của mình. Nhưng nó không hiệu quả. Cái giá phải trả là rất lớn, nhưng ta thậm chí không chịu thừa nhận là mình đã phải trả giá. Ta sẽ phải đánh đổi bằng cuộc sống của ta.
Ta cho rằng cách duy nhất để ngưng lại toàn bộ nỗi đau này là chặn đứng dòng năng lượng chứa nó. Có một số dòng năng lượng chứa nỗi đau thể xác, cảm xúc và tinh thần. Thật không may, dòng năng lượng này còn chứa đựng tất cả mọi thứ khác. Nỗi đau chỉ là một phần trong đó. Khi chúng ta ngắt trải nghiệm tiêu cực về nỗi đau, cơn giận hoặc cảm giác sợ hãi đối với bất kỳ tình huống tiêu cực nào, ta cũng ngắt luôn cả trải nghiệm tích cực, bao gồm các khía cạnh thể xác, cảm xúc và tinh thần của trải nghiệm đó.
Có thể ta thậm chí còn không ý thức được về quá trình này, vì đến lúc ta biết suy nghĩ bằng lý trí thì nó đã trở thành thói quen của ta mất rồi. Ta rào chặt những vết thương lòng nhưng cũng vì thế mà tự khiến mình không thể kết nối với trung tâm hoặc cốt lõi ở sâu bên trong. Vì quá trình sáng tạo khởi nguồn từ cốt lõi sáng tạo bên trong mỗi con người nên ta cũng rào chặt cả quá trình sáng tạo của mình. Đúng nghĩa là ta đã rào chặt phần con người sâu thẳm trong mình, không cho nó tiếp xúc với nhận thức có ý thức và cuộc sống bên ngoài của chúng ta.
Các khối thời gian – tinh thần đông cứng
Chúng ta đè nén nỗi đau từ khi còn rất nhỏ, thậm chí là từ trước cả khi được sinh ra, khi còn trong bụng mẹ. Kể từ đó, mỗi lần ta ngắt dòng năng lượng trong một sự kiện đau đớn là ta đã đóng băng sự kiện này cả về năng lượng và thời gian. Chúng ta gọi đó là một khối tắc nghẽn trong trường hào quang. Vì trường hào quang được cấu thành từ ý thức – năng lượng, nên một khối tắc nghẽn là ý thức – năng lượng bị đông cứng. Phần tinh thần liên kết với sự kiện đó cũng bị đông cứng đúng lúc ta ngưng nỗi đau của mình. Nó sẽ mãi đóng băng như vậy cho đến khi ta rã đông nó chứ không lớn lên theo tuổi của ta. Nếu sự kiện đó xảy ra lúc ta một tuổi thì mảnh tinh thần kia vẫn mãi một tuổi. Nó sẽ cứ mãi một tuổi và sẽ hành động như đứa trẻ một tuổi bị chạm đến. Nó sẽ không lớn lên cho đến khi được chữa lành – bằng cách đưa đủ năng lượng vào khối tắc nghẽn để rã đông và khởi động quá trình trưởng thành.
Chúng ta có rất nhiều những khối tắc nghẽn về thời gian và ý thức – năng lượng như vậy. Trong một ngày bất kỳ, một con người xử sự bằng phần bản thể trưởng thành của anh ta được bao lâu? Chẳng mấy hồi. Chúng ta liên tục tương tác với nhau từ những khối tắc nghẽn thời gian – tinh thần đông cứng khác nhau. Trong một tương tác căng thẳng, ở phút này, hai người đang trải nghiệm thực tại bằng phần trưởng thành của họ, nhưng sang phút sau, một trong hai hoặc cả hai có thể đã vụt trở lại là đứa trẻ bị tổn thương ngày nào. Sự dịch chuyển qua lại liên tục giữa các khía cạnh của ý thức nội tâm này chính là yếu tố cản trở giao tiếp.
Những khối tắc nghẽn thời gian – tinh thần đông cứng như vậy gây hại ở chỗ các khối tắc nghẽn có năng lượng giống nhau sẽ đông kết với nhau, tạo thành một khối thời gian – tinh thần đông cứng. Chẳng hạn chúng có thể cùng mang năng lượng bị bỏ rơi. Hãy xem xét ví dụ về một người đàn ông trung niên tên là Joe. (Đây kỳ thực là một nhân vật hư cấu, nhưng câu chuyện của anh minh họa cho nhiều cảnh đời mà tôi từng gặp trong quá trình chữa trị. Vì thế, xuyên suốt chương này, tôi sẽ dùng Joe để giúp bạn hiểu một biến cố xảy đến lúc người ta vừa mới được sinh ra có thể tiếp tục tích tụ suốt đời họ ra sao. Joe có thể là bất kỳ ai trong số chúng ta).
Từ những khi chào đời, Joe đã bị tách khỏi mẹ vì bà sinh khó và phải gây mê. Đến năm một tuổi, một lần nữa, anh lại bị tách khỏi mẹ, lần này vì bà phải đến bệnh viện để sinh đứa con thứ hai. Từ hai trải nghiệm sống này, đứa trẻ vốn yêu mẹ tha thiết cho rằng người nó yêu thương nhất sẽ luôn bỏ rơi nó. Suốt quãng đời sau đó, mỗi khi Joe bị bỏ rơi, dù ở mức độ nào thì anh vẫn trải qua cùng một cảm giác khổ sở hệt như lần đầu tiên.
Từ những tổn thương sâu sắc kiểu này, chúng ta hình thành một ý niệm đúc kết. Ý niệm đúc kết được dựa trên trải nghiệm – trong trường hợp này là trải nghiệm bị bỏ rơi. Nó dựa trên tư duy của một đứa trẻ, rằng: “Khi tôi yêu ai đó, tôi sẽ bị họ bỏ rơi.” Về sau, ý niệm đúc kết này sẽ tô màu cho tất cả các tình huống tương tự. Hẳn nhiên, cậu bé “Joe một tuổi” không hề có ý thức về ý niệm này. Thay vào đó, nó được lưu giữ một cách vô thức trong hệ thống niềm tin của Joe và được anh mang theo suốt cuộc đời. Xét về mặt tinh thần, hai sự kiện đầu đời có quan hệ trực tiếp với một sự kiện sau này, trong một lần mẹ Joe đi nghỉ mát xa nhà năm cậu lên mười. Mỗi khi cuộc sống của Joe có bất kỳ sự kiện nào tương tự, anh đều sẽ nhìn nhận nó bằng ý niệm đúc kết thay vì từ tình huống thực tế, do đó sẽ có đủ các kiểu phản ứng cảm xúc thái quá hơn mức bình thường trong tình huống ấy.
Như chúng ta sẽ thấy trong các chương tiếp theo, ý niệm đúc kết là tiền đề cho cách hành xử của cá nhân ta, do đó sẽ có xu hướng tái tạo lại các tổn thương tương tự như tổn thương ban đầu. Vì vậy, Joe sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm tình huống đau đớn, chẳng hạn như bị vợ hoặc bạn gái bỏ rơi. Cách hành xử dựa trên những kỳ vọng tiêu cực vô thức của anh đã góp phần thiết lập nên tình huống đó. Vì luôn vô thức cho rằng mình sẽ bị bỏ rơi nên anh đối xử với vợ hoặc bạn gái như thể họ đương nhiên sẽ rời bỏ anh. Chẳng hạn, anh ấy liên tục đòi họ phải chứng minh tình yêu dành cho mình, hoặc thậm chí buộc tội họ đang ngấm ngầm lên kế hoạch từ bỏ mình. Hành động vô thức này khiến vợ/bạn gái anh bị kích động và sẽ thực sự góp phần đẩy họ ra khỏi cuộc đời anh. Vấn đề thực sự và sâu xa hơn nằm ở chỗ, khi anh ấy đối xử với bản thân như thể anh ấy đáng bị bỏ rơi thì kỳ thực anh đã tự bỏ rơi chính mình.
Như chúng ta sẽ thấy, ta không bao giờ nên coi thường sức mạnh của ý niệm đúc kết. Việc tìm ra những ý niệm của bản thân sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa sức khỏe và hạnh phúc. Đầy ắp trong ta là những ý niệm kiểu như vậy, những ý niệm tiêu cực vốn bị giam hãm bởi các khối thời gian – tinh thần đông cứng. Ai ai trong chúng ta cũng có rất nhiều ý niệm như vậy, và chúng cần được thanh lọc.
Các khối tắc nghẽn thời gian – tinh thần đông cứng tụ lại xung quanh năng lượng giống chúng, từ đó tạo nên một ý niệm. Vì vậy, sẽ thật sai lầm nếu bạn nghĩ rằng những trải nghiệm này tách bạch nhau về mặt thời gian thì cũng tách bạch nhau về mặt cảm xúc. Sự thể không diễn ra như vậy. Mỗi phân mảnh nhỏ của khối thời gian – tinh thần đông cứng được cấu thành từ ý thức – năng lượng bị đóng băng trong một trải nghiệm nhất định ở quá khứ. Nhưng những trải nghiệm giống nhau sẽ được kết nối trực tiếp với nhau, cho dù quãng thời gian diễn ra trải nghiệm có dài bao nhiêu chăng nữa.
Thông qua quá trình chữa lành, một trong số các khối tắc nghẽn thời gian – tinh thần đông cứng nhỏ sẽ được giải phóng. Năng lượng của nó sau khi được giải phóng vào trường hào quang sẽ tự động kích hoạt quá trình giải phóng các phân mảnh nhỏ khác của khối thời gian – tinh thần đông cứng vì chúng mang năng lượng giống nhau. Trở lại với câu chuyện của Joe, mỗi lần một khối tắc nghẽn thời gian được giải phóng, anh đều trải nghiệm nó như thể nó đang xảy ra với anh ngay trong hiện tại. Vì thế, anh sẽ trải nghiệm nỗi đau khi anh ba mươi tuổi, rồi ngay sau khi nỗi đau ấy được giải phóng, anh bất ngờ thấy mình quay lại tuổi lên mười. Và chỉ trong phút chốc, cậu bé mười tuổi ấy trở thành đứa trẻ lên một.
Sau khi những mảnh tinh thần con người chưa lớn lên cùng phần còn lại của nhân cách này đã được giải phóng, chúng sẽ bắt đầu trưởng thành cực nhanh. Toàn bộ quá trình có thể mất từ vài phút tới vài năm, tùy thuộc vào việc ý thức – năng lượng bị đóng băng thâm nhập sâu, mạnh và rộng đến đâu.
Khi những năng lượng này lan đều vào khắp trường năng lượng con người và được giải phóng ngược trở lại vào quá trình sáng tạo của cuộc sống, toàn bộ cuộc đời cá nhân đó sẽ thay đổi. Cuộc sống của Joe bắt đầu tự tái cấu trúc dựa trên một ý thức mới hiện tham gia vào quá trình sáng tạo. Anh sẽ không tự bỏ rơi mình để tìm kiếm yêu thương trong vô thức nữa mà sẽ chấp nhận bản thân, bởi vì giờ đây anh tin rằng mình xứng đáng được hưởng tình thân và có thể kiến tạo nó. Sau khi đã xây dựng được mối quan hệ mới với bản thân mình như vậy, anh sẽ thu hút một người bạn gái mới không mang năng lượng bỏ rơi. Như thế, mối quan hệ mới của anh sẽ bền vững nếu xét ở khía cạnh này. Tất nhiên, anh còn phải luyện tập nhiều trước khi “người phụ nữ lý tưởng” xuất hiện.
Nỗi đau từ tiền kiếp
Người ta đã nghiên cứu rất nhiều về “tiền kiếp”, cả bằng việc tìm kiếm tài liệu lẫn liệu pháp thôi miên hồi quy. Kiểu nghiên cứu này truy vết nguồn gốc của những nỗi đau tâm lý mãn tính bằng cách lần ngược lại các trải nghiệm tiền kiếp. Đã có một lý giải khá toàn diện xuất hiện trong cuốn Other Lives, Other Selves (tạm dịch: Những kiếp khác, những bản thể khác) của Roger Woolger. Bằng cách áp dụng liệu pháp hồi quy tiền kiếp, tiến sĩ Woolger nhận thấy sau khi người bệnh đã sống lại nỗi đau từ một trải nghiệm tiền kiếp và xóa bỏ nó, họ có thể xóa bỏ những cảnh huống tương tự trong kiếp sống hiện tại, những cảnh huống mà các liệu pháp khác không thể chạm tới.
Các tiền kiếp cũng bị lưu giữ trong các khối thời gian – tinh thần đông cứng. Chúng cũng thu hút và kết nối với nhau bởi sự tương đồng về năng lượng. Chúng không bị chia tách bởi thời gian và vì vậy được kết nối trực tiếp với những sự kiện ở kiếp này cũng như ở nhiều kiếp khác. Cần nhiều năng lượng hơn để phá vỡ một sự kiện bị đông cứng từ kiếp trước vì nó tồn tại lâu hơn và bị bao bọc bởi nhiều mảnh vụn hơn, nhưng việc này có thể được giải quyết trong các phiên chữa lành. Nó tự động xảy đến khi người bệnh đã sẵn sàng.
Theo quan sát của tôi về trường năng lượng con người trong các phiên chữa lành, ẩn dưới các vấn đề nhức nhối hiện tại luôn là các tổn thương từ tiền kiếp. Khi các tổn thương ở kiếp sống hiện tại được hóa giải tới một mức độ nhất định thông qua phép đặt tay, chấn thương tiền kiếp bị vùi lấp bên dưới mới nổi lên bề mặt để được xóa bỏ. Kiểu chữa trị này giúp cải biến đáng kể cả đời sống tinh thần lẫn tình trạng thể chất của người bệnh. Họ luôn trải nghiệm những thay đổi to lớn sau khi tổn thương tiền kiếp được giải phóng thông qua liệu pháp chữa lành bằng đặt tay. Trong quá trình chữa trị, người bệnh phải luôn ghi nhớ một điều quan trọng: họ phải liên hệ rõ ràng những vấn đề từ tiền kiếp với các tình huống của đời sống hiện tại để toàn bộ khối đông cứng được giải phóng và do đó không bị sử dụng để né tránh các vấn đề hiện thời.
Khởi nguồn của nỗi đau – tổn thương nguyên thủy
Theo quan điểm của tôi, nỗi đau bắt nguồn từ một thứ gì đó thậm chí còn sâu xa hơn nguồn năng lượng tắc nghẽn trong những đau đớn cá nhân hoặc các hiện tượng được gọi là tiền kiếp. Nó xuất phát từ niềm tin rằng mỗi chúng ta đều là một bản thể độc lập; tách biệt khỏi tất cả mọi người và tách biệt khỏi Thượng đế. Hậu quả là chúng ta tự tách mình khỏi mọi thứ – gia đình, bạn bè, các hội nhóm, các quốc gia và Trái đất. Niềm tin vào sự phân tách này được trải nghiệm dưới dạng nỗi sợ, và nỗi sợ ấy làm dấy lên tất cả các cảm xúc tiêu cực khác. Khi đã tạo ra những cảm xúc tiêu cực này, ta sẽ tự tách mình khỏi chúng. Quá trình phân tách này tiếp tục sinh thêm nhiều đau đớn và ảo tưởng cho đến khi vòng lặp phản hồi tiêu cực bị phá vỡ hoặc đảo ngược trong quá trình điều chỉnh cá nhân. Cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn phương thức đảo ngược vòng luẩn quẩn ấy nhằm tạo ra thêm thật nhiều niềm vui và sự minh mẫn trong cuộc sống. Chìa khóa ở đây là yêu thương và kết nối với tất cả những gì đang hiện hữu.
Yêu thương là trải nghiệm được kết nối với Thượng đế và với vạn vật. Thượng đế hiện diện khắp chốn và trong vạn vật. Người ở trên, ở dưới, ở xung quanh và ở bên trong ta. Tia sáng thiêng liêng của Thượng đế là duy nhất trong mỗi chúng ta. Chúng ta trải nghiệm nó như suối nguồn của tâm hồn hay như cốt lõi của sự sống. Càng kết nối nhiều với Thượng đế bên ngoài, ta càng có cơ hội kết nối sâu sắc hơn với Thượng đế bên trong để làm rực rỡ hơn tia sáng thiêng liêng mà ngài đã thắp lên trong mỗi chúng ta. Khi đồng thời kết nối với cả Thượng đế phổ quát bên ngoài lẫn Thượng đế cá biệt bên trong, ta sẽ an yên và tự do trọn vẹn.
Tạo ra bản thể trá hình để che giấu nỗi đau nguyên thủy
Lúc chào đời, chúng ta vẫn được kết nối chặt chẽ với trí tuệ và sức mạnh tâm linh vĩ đại thông qua cốt lõi của mình. Sự kết nối với cốt lõi và do đó với trí tuệ và sức mạnh tâm linh này cho ta cảm giác kỳ diệu và an toàn trọn vẹn. Dần dần, khi ta lớn lên, sự kết nối này cũng dần phai nhạt. Thay vào đó là tiếng nói của cha mẹ nhằm bảo vệ và bao bọc ta. Họ nói về cái đúng – sai, điều hay – dở; họ dạy ta cách ra quyết định, cách hành động hoặc phản ứng trong từng tình huống. Khi mối liên hệ với cốt lõi ngày một mờ nhạt, phần linh hồn trẻ thơ trong ta bèn cố sức thay thế trí tuệ bẩm sinh nguyên thủy bằng bản ngã hiện thời. Đáng tiếc thay, tiếng nói của cha mẹ dù đã bao trùm hoặc ăn sâu vào tiềm thức song không bao giờ thay thế được trí tuệ bẩm sinh. Thay vào đó, nó làm nảy sinh một bản thể trá hình.
Bản thể trá hình là nỗ lực tự uốn nắn đầu tiên của ta. Cùng với nó, ta gắng thể hiện con người mình một cách tích cực, cách được chấp nhận trong thế giới mà ta muốn hòa nhập. Để được chấp nhận và để cảm thấy an toàn, ta trưng bản thể trá hình ra với thế giới tùy theo niềm tin của ta về hệ giá trị của thế giới ấy. Bản thể trá hình gắng sức kết nối với những người khác vì điều ấy được coi là “đúng đắn”. Nhưng nó không thể kết nối sâu sắc vì nó phủ nhận bản chất đích thực của nhân cách. Nó phủ nhận nỗi sợ và những cảm xúc tiêu cực của ta.
Ta dốc sức tạo ra lớp vỏ ngụy trang này nhưng không thu được kết quả như ý. Bản thể trá hình không bao giờ đem lại cảm giác an yên từ bên trong mà ta đã gắng sức tạo ra. Kỳ thực, nó khiến ta cảm thấy mình thật trí trá, vì ta luôn cố sức chứng tỏ mình tốt đẹp nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Ta cho rằng mình chỉ là đồ nhái và càng thêm sợ hãi. Vì thế, ta càng ra sức cố gắng chứng minh mình tốt đẹp (tất nhiên là theo quan niệm được tiếp thu từ cha mẹ), nhưng càng chứng minh lại càng sợ hơn – nhất là vì ta không thể duy trì điều đó liên tục, càng thấy mình giả dối, để rồi càng khiếp sợ hơn nữa. Những cảm xúc này cứ thế tích tụ thành một vòng luẩn quẩn.
Chủ định của vỏ bọc trá hình là nhằm bảo vệ ta khỏi một thế giới thù địch giả định bằng cách chứng minh rằng ta tốt đẹp. Nó hướng đến sự vờ vịt và phủ nhận. Nó phủ nhận việc nó có ý đồ che giấu những nỗi đau và cảm giác giận dữ, vì nó không thừa nhận rằng những cảm xúc này tồn tại bên trong nhân cách. Chủ định của vỏ bọc trá hình là bảo vệ bản thể bằng cách không chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành động, ý nghĩ hoặc việc làm tiêu cực nào.
Quan điểm của nó là nỗi đau và cảm giác giận dữ chỉ tồn tại bên ngoài nhân cách, còn chúng ta không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Mọi vấn đề tiêu cực xảy ra chắc chắn đều bắt nguồn từ sai lầm của người khác. Ta đổ lỗi cho họ. Tức là người giận dữ hoặc chịu đau đớn nhất định không phải là ta.
Cách duy nhất để kéo dài trò bịp này là ta luôn cố gắng khẳng định mình là người tốt. Nhưng trong thâm tâm, ta oán giận thứ áp lực thường trực mà ta tự chuốc lấy khi làm như vậy. Ta cố gắng tuân thủ mọi quy tắc. Hoặc khi có vấn đề phát sinh, ta sẽ ra sức chứng minh mình đúng, người khác sai.
Ta oán giận khi phải sống theo quy tắc của người khác. Đó là một gánh nặng lớn. Ta chỉ muốn nghe theo cảm giác của mình, do đó ta trở nên mệt mỏi, giận dữ, bất cần, hay cằn nhằn và kết tội tiêu cực. Ta khiến mọi người bị tổn thương. Năng lượng mà ta giữ trong mình cùng với vỏ bọc trá hình vặn, xô, rò rỉ ra ngoài và tấn công những người xung quanh. Và tất nhiên ta sẽ phủ nhận cả điều đó bởi vì chủ định của ta là duy trì cảm giác an toàn bằng cách chứng minh mình tốt đẹp.
Sâu trong thâm tâm, ta khoái trá với đòn tấn công đó. Việc xả năng lượng làm ta nhẹ nhõm, kể cả khi ta không lập tức cảm nhận được điều đó, kể cả khi nó khiến ta hành động thiếu trách nhiệm. Một phần trong ta cảm thấy hả hê khi trút được những tiêu cực của mình lên người khác. Đây được gọi là khoái cảm tiêu cực, và nó khởi nguồn từ bản thể cấp thấp của ta.
Khoái cảm tiêu cực và bản thể cấp thấp
Hẳn bạn vẫn nhớ cảm giác dễ chịu của bản thân khi thực hiện một hành động tiêu cực nào đó. Bất kỳ sự chuyển dịch năng lượng nào, dù tiêu cực hay tích cực, cũng đều đem lại cảm giác dễ chịu. Sở dĩ những hành động tiêu cực mang theo khoái cảm là vì chúng là sự giải phóng năng lượng bị tích tụ bên trong. Dù có thấy đau đớn khi năng lượng bắt đầu dịch chuyển thì rất nhanh sau đó, chắc chắn bạn sẽ thấy khoan khoái, bởi vì khi giải phóng đau đớn, bạn cũng giải phóng cả lực sáng tạo, và việc này luôn mang lại cảm giác dễ chịu.
Khoái cảm tiêu cực nảy sinh từ bản thể cấp thấp của ta. Bản thể cấp thấp là phần bản thể đã quên mất con người đích thực của ta. Nó là phần tinh thần trong ta vốn tin vào một thế giới tiêu cực, tách bạch và hành động theo niềm tin ấy. Bản thể cấp thấp không phủ nhận mà tận hưởng sự tiêu cực. Nó cố tình hưởng thụ khoái cảm tiêu cực. Vì không phủ nhận sự tiêu cực như vỏ bọc trá hình nên bản thể cấp thấp trung thực hơn bản thể trá hình. Nó thành thật về chủ định tiêu cực của mình chứ không giả vờ tốt đẹp. Nó không tốt đẹp. Nó luôn đặt mình lên trên tất cả và không hề giấu giếm điều đó. Nó tuyên bố: “Tôi chăm lo cho mình chứ không chăm lo cho người khác.” Vì mang thế giới quan phân tách nên nó không thể chăm lo cho cả hai. Nó thích thú tận hưởng khoái cảm tiêu cực và khao khát được hưởng nhiều thêm nữa. Nó biết về nỗi đau bên trong nhân cách và không hề có ý định cảm nhận nỗi đau ấy một chút nào.
Chủ định của bản thể cấp thấp là duy trì sự phân tách, làm bất kỳ điều gì nó muốn và không cảm nhận đau đớn.
Bản thể cao cả
Tất nhiên, trong thời kỳ trưởng thành, không phải toàn bộ tâm hồn ta đều bị tách khỏi cốt lõi. Một phần trong ta vẫn sáng suốt và nhân ái mà không hề tính toán. Phần bản thể ấy được kết nối trực tiếp với sự thiêng liêng cá biệt trong ta. Nó thông thái, giàu lòng nhân ái và quả cảm. Nó kết nối với lực sáng tạo vĩ đại. Chính nó thúc đẩy sự hình thành của tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống của ta. Nó là phần bản thể chưa lãng quên con người đích thực của ta.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bình an, hoan hỷ và mãn nguyện thì đó là lúc bản thể cao cả của bạn đã tự hiển lộ thông qua nguyên lý sáng tạo. Nếu thấy băn khoăn về “con người đích thực” hay “bản thể đích thực” của mình, bạn hãy nhìn vào những khía cạnh đời sống này. Chúng chính là hiện thân của bản thể đích thực của bạn.
Đừng bao giờ xem một khía cạnh tiêu cực nào đó trong cuộc sống là hiện thân của bản thể đích thực. Chúng là biểu hiện của phần không thuộc về con người bạn; là minh chứng cho thấy bạn đã ngăn không cho bản thể đích thực của mình hiển lộ ra sao.
Chủ định của bản thể cao cả là phụng sự sự thật, lòng cảm thông , sự tôn trọng , tính cá biệt, nhận biết sáng suốt về bản thân và sự hợp nhất với đấng sáng tạo.
Tầm quan trọng của chủ định
Sự khác biệt chính yếu giữa bản thể cao cả, bản thể cấp thấp và bản thể trá hình nằm ở nền tảng của chủ định ẩn bên dưới, vốn là chân đế của mỗi bản thể, và ở chất lượng của năng lượng hiện diện trong một tương tác bất kỳ sinh ra từ chủ định ấy.
Rất nhiều tương tác giữa con người với con người trở nên khó hiểu là do những ý định ẩn bên dưới các tương tác khiến chúng trở nên khác nhau. Lời nói của ta có thể xuất phát từ một trong ba nguồn chủ định – bản thể cao cả, bản thể cấp thấp hoặc bản thể trá hình. Bản thân lời nói có thể mang ý nghĩa khác với vẻ bề ngoài của chúng. Chẳng hạn khi bản thể cao cả nói: “Chúng ta là bạn”, nó thực lòng nghĩ vậy; nhưng bản thể trá hình thì nghĩ: “Chúng ta là bạn chừng nào tôi còn tốt đẹp, nhưng anh không bao giờ được thách thức ảo ảnh đó của tôi”; còn bản thể cấp thấp tuyên bố: “Tình bạn của chúng ta chỉ dừng ở chừng mực tôi cho phép. Anh mà vượt qua ngưỡng đó thì coi chừng! Chớ lại quá gần tôi, vì tôi sẽ dùng anh làm phương tiện để đoạt lấy thứ tôi muốn và tránh né nỗi đau. Nếu anh tiến lại quá gần tôi hoặc nỗi đau của tôi, hoặc cố ngăn tôi có thứ tôi muốn thì tôi sẽ rũ bỏ anh”. (Trong trường hợp này, rũ bỏ có nghĩa là thực hiện bất cứ điều gì để ngăn một người lại, như đơn giản là tỏ ra lạnh nhạt, hoặc áp đảo họ lúc tranh luận, hay ganh đua, hoặc xa hơn nữa là đoạn tuyệt với họ hoàn toàn).
Việc che chắn hoặc phủ nhận tổn thương nguyên thủy của bạn đều sinh thêm đau đớn
Những hành động khởi phát từ cốt lõi của ta càng bị vỏ bọc trá hình bóp méo, ta càng phải tìm cách đổ lỗi để bao biện cho chúng. Càng phủ nhận sự tồn tại của bản thể cấp thấp, ta càng tự triệt hạ sức mạnh của mình. Thái độ phủ nhận kìm hãm sức mạnh của nguồn sáng tạo trong ta, khiến vòng quẩn đau đớn – tuyệt vọng ngày càng mở rộng. Vòng luẩn quẩn này càng lớn lên bao nhiêu, nỗi đau hoặc tổn thương nguyên thủy càng có vẻ dữ dội hơn bấy nhiêu. Dần dà, nó bị che phủ bởi nỗi đau hão huyền. Nỗi đau hão huyền gây ảo giác nhức nhối đến mức cuối cùng ta khiếp hãi nó một cách vô thức và dùng mọi cách để tránh phải trải nghiệm nó. Trong tưởng tượng của ta, nó đã hoàn toàn biến thành đòn tra tấn và hủy diệt. Ta càng tìm cớ để tránh xa và bỏ mặc nó, tổn thương nguyên thủy càng bị vùi sâu chôn chặt và càng khác xa suy nghĩ của ta về nó.
Kinh nghiệm chữa trị và giảng dạy đã đưa tôi đến một kết luận: Những đau đớn và bệnh tật mà chúng ta tạo ra trong đời sống và thân thể mình khi né tránh tổn thương nguyên thủy thông qua các mô hình phòng vệ theo thói quen nặng nề hơn hẳn so với những đau đớn và bệnh tật do tổn thương nguyên thủy khởi sinh lúc ban đầu.
Hệ phòng vệ theo thói quen
Theo kinh nghiệm của tôi, việc ta liên tục bóp méo trường năng lượng thành hệ phòng vệ theo thói quen làm nảy sinh trong ta nhiều đau đớn và bệnh tật hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác.
Trong phần mô tả trường năng lượng con người ở đoạn sau, chúng ta sẽ thấy sự né tránh này sinh ra các rối loạn trong trường năng lượng và từ đó làm nảy sinh bệnh tật trong cơ thể như thế nào. Có thể xem các mô hình phòng vệ theo thói quen trong trường năng lượng như một hệ phòng vệ năng lượng. Hệ phòng vệ năng lượng là một kiểu biến dạng theo thói quen của chúng ta trong trường năng lượng, nơi mà ta có thể ẩn náu hết lần này đến lần khác. Nó tương quan với bản thể trá hình.
Ta càng chôn chặt cảm giác đau đớn và giận dữ thông qua hệ phòng vệ này giỏi bao nhiêu, những cảm xúc tích cực của ta càng bị ghìm sâu bấy nhiêu. Ta trở nên trì độn. Cuộc sống của ta sẽ không như mong đợi – nó trở nên trần tục và tẻ nhạt. Bản năng sống chết đi. Ta bị cuốn vào những vòng luẩn quẩn cố hữu và không thể sáng tạo thứ ta khao khát trong đời. Cơ thể ta cũng vì thế mà chịu tổn hại. Ta bắt đầu mất niềm tin vào cuộc sống.
Thông qua quá trình phong tỏa nỗi đau theo thói quen đó, ta đồng thời hình thành thói quen phong tỏa cốt lõi sâu xa của mình. Ta đã quên mất cảm giác về nó, đã quên mất cốt lõi của mình, quên mất mình là ai. Ta mất kết nối với các năng lượng thiết yếu vốn giúp ta tạo ra cuộc sống của mình. Như thể ta mong mỏi được tạo ra cuộc sống theo ý mình nhưng lại không xác định được “mình” ở đây là ai.
Con đường trở về với tổn thương nguyên thủy
Cách duy nhất để nhớ ta là ai, để tạo ra một cuộc sống theo ý mình, để có cơ thể khỏe mạnh và cảm thấy an toàn là tái kết nối trọn vẹn với cốt lõi của ta. Chỉ có một con đường duy nhất để thực hiện điều này. Ta phải tìm và quan sát các ý niệm của mình rồi giải phóng các khối thời gian – tinh thần đông cứng gắn liền với chúng tiếp cận với khởi nguồn của tất cả các ý niệm tổn thương nguyên thủy của ta. Ta phải khám phá tổn thương nguyên thủy, tức phải rà soát hệ phòng vệ và xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực cùng tất cả các lớp của nỗi đau tưởng tượng vây quanh tổn thương nguyên thủy. Một khi đã chạm tới tổn thương nguyên thủy, tất cả những gì thuộc về cuộc sống của ta sẽ đổi khác, ta sẽ chữa lành cả bản thân mình lẫn cuộc sống của mình. Đây là quá trình cải biến.
Có nhiều kỹ thuật để tìm ra tổn thương nguyên thủy. Hồi quy bằng tự ám thị và hồi quy bằng điệu bộ cơ thể là hai trong số đó. Cả hai kỹ thuật này đều được giảng dạy trong chương trình đào tạo của Trường Chữa lành Barbara Brennan. Nhờ hồi quy bằng tự ám thị và điệu bộ cơ thể, chúng tôi có thể giúp các học viên đồng loạt chạm đến tổn thương nguyên thủy của họ.
Trong một giờ luyện tập theo nhóm nọ, các học viên đã cùng buông bỏ hệ phòng vệ bằng cách chọn một tư thế mà họ cho là biểu đạt tổn thương của họ. Muốn tìm ra tư thế tượng trưng này, họ chỉ cần tập trung nghĩ đến các vấn đề cảm xúc và nỗi đau trọng yếu trong cuộc sống hiện tại rồi để cơ thể phản ứng với chúng. Sở dĩ kỹ thuật này mang lại hiệu quả là vì nỗi đau được kết nối bằng năng lượng tương đồng trong khối thời gian – tinh thần đông cứng.
Khi các học viên đẩy mạnh phản ứng của cơ thể và tập trung vào nội tâm, nỗi đau của họ càng lúc càng hiện rõ. Kết quả là, lần nào cũng vậy, cả lớp học toàn những con người yếu ớt và đau đớn. Dáng điệu vặn vẹo và méo mó của họ là minh chứng rõ rệt cho nỗi đau trong tâm. Có người chỉ đứng bằng một chân, chân còn lại cùng hai cánh tay vặn lên trên, hướng ra phía trước. Nhiều người gập đầu xuống, số khác nằm cuộn tròn trên sàn nhà như hài nhi.
Trong bài tập này, có thể thấy rõ là những đau đớn vây quanh các vấn đề của đời sống hiện tại kỳ thực giống hệt những đau đớn mà học viên từng trải nghiệm thuở nhỏ. Khi nỗi đau hiện tại hiển lộ, nó cũng giải phóng cả nỗi đau trước đó. Để làm được việc này, học viên tiếp tục vừa tìm tư thế tượng trưng vừa duy trì chủ định liên tục hướng tâm trí vào bên trong và ngược dòng thời gian để tìm đến tổn thương nguyên thủy.
Họ sẽ tự động ngược về quá khứ, đi qua hết lớp này đến lớp khác, xuyên qua nỗi đau gắn liền với ý niệm vây quanh tổn thương. Dù nỗi đau này mãnh liệt và đáng sợ nhưng về cơ bản nó chỉ là ảo tưởng vì được dựa trên ảo ảnh bị lưu giữ trong ý niệm. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về nỗi đau ảo tưởng, chúng ta hãy cùng quay lại với câu chuyện về Joe hồi lên mười, lúc cậu đang đau khổ vì bà mẹ đi nghỉ mát xa nhà một tuần. Cậu tưởng mình đau khổ vì điều đó nhưng nó lại không phải là nguyên nhân thực sự.
Bằng cách tiếp tục xuyên qua nỗi đau ảo tưởng đông kết quanh tổn thương nguyên thủy, cuối cùng, các học viên cũng tiến được vào bên trong nó. Khi đến gần tổn thương nguyên thủy, họ kinh ngạc nhận ra đau đớn trong mình đang dịu bớt.
Khi họ đã vào đến bên trong tổn thương nguyên thủy, chúng tôi đề nghị họ giữ nguyên tư thế của nó, đồng thời dịch chuyển lại gần một học viên khác để tiếp xúc với một con người bị tổn thương khác. Và lần nào cũng vậy, khắp lớp học là một bầu không khí tôn nghiêm. Ai ai cũng như nhau. Ai cũng chịu tổn thương. Sự tiếp xúc này khiến lớp học bỗng ngập tràn yêu thương.
Kết thúc bài tập, các học viên cùng chia sẻ những trải nghiệm và những khám phá thú vị. Họ thường ngạc nhiên khi nhận ra tổn thương của họ không hề giống như họ tưởng. Họ hiểu ra rằng phần lớn nỗi đau của họ không xuất phát từ bản thân tổn thương nguyên thủy mà bắt nguồn từ việc họ bảo vệ nó. Từ lúc còn rất nhỏ, dựa trên ý niệm đúc kết ban đầu của mình, họ đã bắt đầu chống lại thứ mà họ kỳ vọng từ cuộc sống. Mỗi lần họ kháng cự ý niệm đúc kết đó là một lần họ bổ sung năng lượng vào khối thời gian – tinh thần đông cứng. Sau mỗi lần như vậy, ảo ảnh về nỗi đau lại lớn thêm lên cho đến khi họ mất hẳn ý niệm về bản chất thực sự của nỗi đau ấy. Chỉ còn lại một nỗi đau xa lạ, hãi hùng, quá sức chịu đựng.
Theo đánh giá của các học viên thì điểm sâu sắc nhất của bài tập này là giúp họ hiểu ra rằng chúng ta đã lãng phí nhiều thời gian và năng lượng vào việc bảo vệ tổn thương nguyên thủy tới mức nào trong suốt cuộc đời. Nỗi đau sâu sắc nhất là nỗi đau của việc tự phản bội. Sau khi thực hành bài tập này, học viên có thể cảm nhận được thuở bé họ đã chọn không hành xử dựa trên sự thật về con người họ, không thừa nhận và sống đúng với bản chất vốn có của họ như thế nào. Họ sẽ nhận thấy họ đã đưa ra quyết định như vậy hết lần này đến lần khác trong suốt cuộc đời, cho đến khi lựa chọn ấy trở thành một thói quen vô thức. Đó là một phần thường trực trong hệ phòng vệ của họ.
Trải nghiệm này giúp họ được giải phóng và có một cái nhìn khác hẳn về cuộc sống. Cuộc sống trở thành một thử thách liên tục để sống với sự thật và không phản bội cái tôi của bản thân. Thách thức lớn nhất trong cuộc sống là duy trì kết nối với cốt lõi sự sống của ta và biểu lộ nó, bất chấp mọi hoàn cảnh.
Nỗi đau này không chỉ hiện diện trong một bộ phận thiểu số – nó tồn tại trong toàn nhân loại ở nhiều mức độ khác nhau. Một số người nhận thức về nó rõ rệt hơn so với những người khác.
Điều kiện tạo nên con người: sống trong nhị nguyên
Mỗi ngày, chúng ta biểu lộ cốt lõi của mình ở một mức độ nhất định. Mức độ biểu lộ tỷ lệ thuận với mức độ chúng ta kết nối và cho phép bản chất cốt lõi của chúng ta được bộc lộ ra ngoài một cách chắc chắn và rõ ràng. Trong cuộc sống của ta, những khía cạnh diễn ra suôn sẻ, trơn tru, thỏa đáng là những khía cạnh mà ở đó, ta được kết nối trực tiếp với cốt lõi của mình. Những năng lượng được tự do thoát ra trực tiếp từ cốt lõi sẽ giúp con người sáng tạo nhiều thành tựu to lớn và có một cuộc sống dễ chịu cùng sức khỏe dồi dào. Chúng là biểu hiện của bản thể cao cả, là phần gắn liền với ta từ lúc chào đời và sẽ không bao giờ lìa khỏi cốt lõi.
Chúng ta thường khá e dè về phần bản thể này của mình. Thường thì ta không biểu lộ hết tâm tư, cảm xúc và nguyện vọng của bản thân. Ta che đậy nó, gọi nó bằng một cái tên khác, cố ghìm nó ở một mức độ biểu đạt “hợp lý” (theo quan điểm tiếp thu từ cha mẹ) và cam chịu như vậy. Ta cho đó là lối hành xử “phù hợp”.
Đôi lúc, vì mất cảnh giác mà ta buông lơi phần bản thể này, và thế là lực sáng tạo xuất hiện! Một hành động từ tâm, một cử chỉ yêu thương bộc phát vô thức chính là biểu hiện của bản chất cốt lõi, từ đó làm nên một khoảnh khắc kết nối mật thiết và tình yêu được giải phóng.
Rồi sau đó, vì không thể dung nạp nổi ánh sáng và tình yêu thương ấy mà ta trở nên e dè và thoái lui. Chỉ sau vài giây, ta đã nhận ra sự bối rối của mình và thoáng khép lòng lại. Một nỗi sợ bỗng như trỗi dậy từ hư vô, nó mách bảo: “Ồ, hình như mình vừa hành động không đúng.” Đó chính là tiếng nói của cha mẹ ta, thay thế cho phần cốt lõi trong ta. Ẩn bên dưới nó là sự phòng vệ. Ngụ ý của nó thật ra là: “Nếu con không chặn dòng năng lượng này lại, có thể con sẽ cảm nhận được mọi thứ, cả nỗi đau mà chúng ta đang giúp con chôn vùi.” Vậy là ta liền chặn đứng dòng chảy của lực sáng tạo trong mình, vây hãm nó và làm suy yếu nó. Ta tự đưa mình trở lại cấp độ “an toàn thông thường”, không khuấy động bất cứ thứ gì lên nữa – ít nhất là những thứ vốn đang tồn tại trong ta.
Đây chính là điều kiện tạo nên con người, hay điều kiện con người. Dù ở trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng đều sống trong nhị nguyên của sự lựa chọn. Mỗi khoảnh khắc ta chọn chấp thuận trạng thái không phòng vệ an toàn, cân bằng, mạnh mẽ, giúp ta trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống; hoặc ta chọn nói không. Khi nói không, chúng ta phòng vệ để chống lại những trải nghiệm sống cân bằng đích thực và khóa chặt sức sống của mình.
Đa phần chúng ta thường lựa chọn kết liễu một phần sức sống của mình. Tại sao? Vì ta vô thức biết rằng việc buông trôi dòng chảy lực sống sẽ giải phóng nỗi đau cũ và chúng ta e sợ điều đó. Vì không biết phải xử trí ra sao, ta đành rút lui khỏi sự phòng vệ rồi quay trở lại với bản thể trá hình cũ, tưởng như tương xứng của mình. Tiếng nói của cha mẹ đã ăn sâu trong tiềm thức sẽ phát ra từ vỏ bọc trá hình rồi mạnh dần lên, khiến ta càng lùi sâu hơn: “Mình nghĩ mình là ai chứ? Thượng đế chăng?”, “Mình thực sự nghĩ mình có thể xoay chuyển được mọi sự sao?”, “Thôi nào, hãy thực tế chút đi! Con người ta không thay đổi được đâu. Cứ an phận với cuộc sống hiện nay đi”, “Mình thật tham lam”, “Mình không bao giờ trân trọng thứ mình có”; hoặc: “Giá như ngày trước cha mẹ đối xử với mình tốt hơn...”, “Giá như chồng mình đừng cư xử như thế”, “Giá ông trời cho mình thêm tí nhan sắc”... Vỏ bọc trá hình có thể dùng trăm phương ngàn kế để giữ bạn ở nguyên trạng thái hiện tại. Ở một mức độ nhất định, nó tránh cho bạn khỏi phải cảm nhận nỗi đau. Nhưng về lâu dài, nó sẽ sinh thêm đau đớn và cuối cùng là bệnh tật.
Bệnh tật xuất phát từ việc che khuất và ngắt rời một phần con người ta khỏi cốt lõi. Khi tự ngắt rời như vậy, ta quên mất con người thực sự của mình và sống theo sự lãng quên đó – tức là sống theo vỏ bọc trá hình, bản thể cấp thấp và hệ phòng vệ. Việc chữa lành giúp ta nhớ lại con người đích thực của ta, tái kết nối với cốt lõi của ta ở những khía cạnh tâm linh mà ta đã ngắt rời khỏi nó và sống thuận theo đó.
Mức độ đè nén năng lượng tích cực của một người tỷ lệ thuận với mức độ kìm giữ tính sáng tạo, kìm giữ năng lực duy trì một đời sống khỏe mạnh hoặc năng lực tự chữa lành của chính người đó.
Mỗi chúng ta phải nỗ lực tái kết nối với cốt lõi của mình và tự chữa lành.
Mục đích tâm linh của tổn thương nguyên thủy
Chúng ta có thể hỏi: động cơ hay mục đích của tổn thương nguyên thủy là gì? Tổn thương nguyên thủy sinh ra do sự phai nhạt kết nối giữa hài nhi và trí tuệ tâm linh sâu xa trong cốt lõi của nó. Vậy, nếu xét từ quan điểm tiến hóa của nhân loại thì vì sao lại xảy ra hiện tượng này? Câu trả lời nằm ở sự khác biệt giữa sự kết nối với cốt lõi thuở lọt lòng và sự kết nối có được thông qua trải nghiệm sống. Sự kết nối đầu đời với cốt lõi là vô thức. Những kết nối với cốt lõi được thực hiện trong suốt quá trình sống là có ý thức. Người trưởng thành thông qua trải nghiệm sống mà kết nối với cốt lõi, từ đó nảy sinh ý thức về phần thiêng liêng bên trong. Họ dần hiểu họ là một tia sáng thiêng liêng trong vũ trụ. Họ là đấng thiêng liêng đã được định vị. Quá trình tiến hóa này tạo ra nhận thức có ý thức hơn ở loài người chúng ta. Chúng ta đang hiểu ra rằng chúng ta cùng sáng tạo nên vũ trụ. Mục đích của hóa thân là giúp ta nhận biết bản thân là người đồng sáng tạo ra vũ trụ.
Thuận theo khát vọng sẽ đưa ta đến nhiệm vụ cuộc đời
Mỗi chúng ta đều khao khát được là chính mình, khao khát thấu hiểu và biểu đạt bản thân. Khao khát này là ánh sáng nội tâm soi đường cho ta trên suốt hành trình tiến hóa. Xét ở cấp độ cá nhân, điều này nghĩa là mỗi chúng ta khi sinh ra đều mang một nhiệm vụ cuộc đời là tái kết nối với cốt lõi. Muốn vậy, ta phải loại bỏ các tắc nghẽn chặn giữa nhận thức có ý thức và cốt lõi của ta. Đây chính là nhiệm vụ cuộc đời của cá nhân mỗi người. Khi nhiệm vụ này đã hoàn tất, các năng lượng sáng tạo trong ta sẽ được giải phóng, từ đó đem đến những món quà từ cốt lõi. Thoạt tiên, ta tiếp nhận chúng rồi sau đó đem chia sẻ chúng với thế giới. Khi ta san sẻ những quà tặng ấy, nhiệm vụ cuộc đời ta trong cõi nhân gian đã hoàn thành. Nhiệm vụ của ta với thế giới chỉ mở ra khi ta giải phóng năng lượng sáng tạo từ cốt lõi của mình. Do đó, chỉ khi ta tham gia vào quá trình chuyển đổi của cá nhân thì ta mới có thể hoàn thành nguyện vọng của mình trong cõi nhân gian này.
Ai ai cũng là nhà chữa lành mang vết thương lòng
Tất cả chúng ta đều là những nhà chữa lành mang thương tổn. Tất cả chúng ta đều hết sức miễn cưỡng khi phải cởi lớp áo phòng vệ, phơi bày bản thân, hé lộ nội tâm của ta, dù đó là một việc tích cực hay tiêu cực. Ta lưỡng lự khi phải phơi bày nỗi đau hoặc tổn thương mà ta đang mang theo cách riêng của mình. Ta xấu hổ che giấu nó, cho rằng chỉ mình ta phải chịu nỗi đau ấy, hoặc mặc định là nó thấp kém hơn nỗi đau của thiên hạ. Việc phơi bày nỗi đau quả thật quá khó khăn, trừ khi ta cảm thấy thật an toàn. Đây chính là điều kiện tạo nên con người1 ta. Chúng ta ai cũng phải mất một thời gian và rất nhiều tình yêu thương thực sự mới có thể bước ra bên ngoài. Tất cả chúng ta hãy cùng cho nhau thật nhiều không gian, thời gian và trao nhau thật nhiều tình thương. Chính qua những tổn thương sẽ dạy ta cách yêu thương. Tổn thương nội tâm trong mỗi con người chính là người thầy vĩ đại nhất. Cùng nhau, chúng ta hãy nhận biết con người đích thực trong mình. Ta và bản chất cốt lõi đẹp đẽ trong ta là một, dù nó bị khuất lấp sau lớp lớp đau đớn và giận dữ. Mỗi chúng ta đều là một cá thể duy nhất và điều đó thật tuyệt vời. Dù mang vết thương lòng nhưng chúng ta hãy cùng trở thành những nhà chữa lành, hãy giúp đỡ nhau chia sẻ sự thật về con người bên trong mỗi chúng ta.
1 Từ đây gọi là “điều kiện con người”.
Ta sẽ thấy mình được sống trong một vũ trụ ôn hòa, trù phú và thiện lành vô cùng thiêng liêng. Ta được ôm ấp trong vòng tay của vũ trụ; được bao bọc bởi một trường sức khỏe phổ quát củng cố và duy trì sự sống. Ta có thể vươn ra và kết nối với nó. Ta có thể và kỳ thực vẫn luôn được nó nuôi dưỡng. Ta thuộc về nó, nó thuộc về ta. Bí ẩn thiêng liêng của sự sống nằm trong ta và ở khắp xung quanh ta.
Bạn là nhà chữa lành của chính mình
Chính bạn và chỉ có bạn mới chữa lành được cho bạn. Bạn hoàn toàn đủ khả năng làm việc đó. Quá trình chữa lành bệnh tật cho một cá nhân kỳ thực là hành động trao quyền cho cá nhân đó. Đó là một hành trình cá nhân, một nghi thức chuyển giao do chính bạn lập nên như một trong những công cụ học hỏi tuyệt vời nhất bạn từng tiếp cận. Tất nhiên, trong hành trình chữa lành ấy, bạn sẽ phải xem xét và vận dụng tất cả những phương tiện tốt nhất, khả dĩ từ y học hiện đại lẫn giới chữa lành toàn diện.
Xét từ góc nhìn sâu xa hơn, bệnh tật nảy sinh do những khát vọng dang dở. Khát vọng cháy bỏng bao nhiêu, bệnh tình nghiêm trọng bấy nhiêu. Nó nhắn nhủ rằng theo một cách nào đó, ở một nơi nào đó, bạn đã quên mất mình là ai và mục đích của mình là gì. Bạn đã lãng quên và lìa bỏ mục đích của năng lượng sáng tạo từ cốt lõi trong bạn. Sự đau ốm là biểu hiện bên ngoài: căn bệnh hiện thân cho khát vọng dang dở của bạn. Vì vậy, trên tất cả, bạn hãy dùng bệnh tật làm phương tiện để tự giải phóng, đáp ứng nguyện vọng bấy lâu của bản thân, hiển hiện và biểu lộ con người bên trong từ thực tại sâu, rộng và cao nhất của bạn.
Nếu quả thực bạn phát hiện mình bị ốm, hãy sẵn sàng để thay đổi, hãy trông đợi khát vọng thầm kín nhất phát lộ và được thỏa nguyện. Hãy sẵn sàng để ngừng trốn chạy, quay đầu lại và đối mặt với con mãnh thú nội tâm theo cách hiểu riêng của bạn. Theo tôi, để tìm hiểu ý nghĩa bệnh tật của bạn, cách tốt nhất là hãy tự đặt câu hỏi:
“Trước nay tôi vẫn khát khao điều gì mà chưa đạt được?”
Tôi cho rằng rốt cuộc bạn sẽ tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa khát vọng dang dở này và căn bệnh của mình.
Chính trong bức tranh sức khỏe và chữa lành căn bản này mà bạn sẽ phục hồi sức khỏe. Ở đây, tôi không chỉ đề cập đến sức khỏe thể chất, vì thật ra nó là thứ yếu, mà còn nói đến sức khỏe tinh thần, hay sự lành mạnh của linh hồn bạn. Chính trong khuôn khổ hoặc phép ẩn dụ của thực tại này, ta có thể hóa giải mọi vấn đề về sức khỏe và cuộc sống. Bởi vì sống trong thân thể vật lý tức là sống trong yêu thương, phát triển những phẩm chất cao đẹp của ta và hợp nhất với đấng thiêng liêng. Dù hoàn cảnh hiện tại của bạn có thế nào thì sự sống cũng vẫn chỉ xoay quanh những điều ấy. Bất kể nỗi đau, vấn đề, hoặc bệnh tật của bạn là gì, nó vẫn là một người thầy. Nó dạy bạn yêu thương, nó nhắc bạn nhớ bạn là một đấng thiêng liêng. Nó là quá trình Hiện hình ánh sáng của bạn.