Hiếu kính là giá trị đạo đức cao đẹp, là hành động mang tính nhân văn được lưu truyền từ hàng ngàn năm nay. Hiếu kính là bổn phận của con người. Bởi lẽ, cha mẹ đã hy sinh nhiều tâm sức để nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người. Ân tình đó cao như non Thái, rộng tựa biển Đông, cho dù chúng ta có hy sinh bao nhiêu đi nữa cũng khó lòng báo đáp.
Công ơn của cha mẹ sâu rộng như vậy, chúng ta làm gì để báo đáp trong muôn một? Nho gia chú trọng đến việc nuôi dưỡng cha mẹ bằng vật chất, tạo mọi điều kiện tốt đẹp nhất khiến cha mẹ vui khi còn sinh tiền, lo tang lễ chu đáo, cúng tế trang nghiêm khi song thân khuất bóng, không làm cha mẹ buồn lòng vì sự ươn lười, bạo ngược của bản thân. Phật gia ngoài việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất còn chú trọng đến việc dẫn dắt cha mẹ hướng đến niềm tin chân chính, khuyên cha mẹ làm lành lánh dữ, xa lìa phiền não khổ đau, đời này an vui, đời sau giải thoát sinh tử luân hồi. Xa hơn nữa, Phật giáo còn nhìn nhận tất cả chúng sinh là bà con quyến thuộc của ta từ vô lượng kiếp trước, nên thương yêu chúng sinh tức là thương yêu cha mẹ mình. Đây là giá trị phổ quát bao trùm lên tất cả mọi quan niệm, thái độ và hành vi về hiếu kính của thế gian. Vì vậy, để thể hiện hiếu đạo thuần nhất và cao quý của bổn phận làm con, chúng ta cần lưu ý bốn điểm:
Thứ nhất, chúng ta phải thường xuyên thể hiện lòng hiếu kính đối với cha mẹ chứ không phải một vài lần trong đời theo kiểu “ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới”. Vì cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình, chịu mọi vất vả đắng cay giúp ta trưởng thành, khôn lớn. Mặc dù chúng ta không thể suốt đời làm hài lòng cha mẹ nhưng cũng phải thường xuyên cung dưỡng tài vật, đừng để cha mẹ thiếu thốn, đói khát.
Thứ hai, phải thể hiện sự hiếu thuận chân thành, không màu mè chiếu lệ. Hiếu thuận với cha mẹ là nhằm giải quyết những nhu yếu thực tế của cha mẹ hiện tại, không những chăm lo chu đáo việc ăn mặc, phương tiện sống mà còn khiến cha mẹ vui vẻ, bình an về mặt tinh thần.
Thứ ba, thể hiện hiếu thuận với cha mẹ cần phải vẹn toàn. Bản thân chúng ta phải tự thể hiện bằng hành động và thái độ chân thật đối với cha mẹ chứ không phải giao việc phụng dưỡng cha mẹ cho người giúp việc chăm lo. Phải yêu thương cha mẹ mình trước rồi sau đó trải rộng tình thương đến cha mẹ của người, đến mọi người trong xã hội và vô lượng vô biên chúng sinh theo tinh thần bình đẳng “mình và người không khác biệt”.
Thứ tư, hướng cha mẹ vào lòng tin chân chính, không mê tín, dị đoan. Khuyến khích cha mẹ xa lìa những nghiệp bất thiện, thực hiện những điều lành. Bởi vì, cha mẹ biết tích lũy nghiệp lành cho mình thì không những đời này trở thành người tốt cho xã hội mà còn làm hành trang để chuẩn bị cho đời sống kiếp sau, tránh rơi vào cảnh giới đau khổ.
Chữ hiếu ngày nay có nội dung không khác với chữ hiếu ngày xưa. Đó là tấm lòng biết ơn và đền ơn đối với cha mẹ. Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh xã hội xưa và nay khác nhau, nên hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ ngày nay cũng có nhiều điểm khác biệt so với ngày xưa. Hạnh hiếu kính cha mẹ là bài học truyền đời cho con cháu, như nước trên mái tôn theo rãnh nhỏ giọt xuống đất, giọt nước trước rơi xuống chỗ nào thì giọt nước sau rơi đúng chỗ ấy. Ta có đối xử tốt với cha mẹ thì con cái mới đối xử tốt với ta. Thể hiện lòng hiếu thuận với song thân không những là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người mà còn là tinh thần giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ kế thừa trong tương lai.
Để mỗi gia đình hạnh phúc, bình yên và xã hội ổn định, phát triển, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức nói chung và lòng hiếu kính nói riêng cho mọi người trong cộng đồng, trước hết cho lứa tuổi học sinh, tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay. Nếu người người đều hiếu thuận đối với cha mẹ, và thực hiện được tinh thần đại hiếu, chí hiếu mà Phật giáo hướng dẫn thì công dân hiền hòa, gia đình hạnh phúc, nước mạnh dân giàu và thế giới an lạc trong một tương lai không xa.