Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi, mẹ dắt con đi,
Con thi trường học, mẹ thi trường đời.
Tổ chức xã hội của người Việt Nam
được xây dựng trên nền tảng gia đình, tông tộc, rồi
mở rộng đến làng xã, quốc gia. Trong
sự tương tác của mọi người trong mối quan hệ huyết thống, đạo hiếu
là một trong những nền tảng căn bản để đánh giá phẩm
chất tốt đẹp của con người. Vì một người con có hiếu kính cha mẹ thì người ấy mới có trách nhiệm với
bản thân, xử sự tốt với mọi người, ý thức cộng đồng
và tôn trọng
pháp luật. Gia đình có hạnh phúc an vui thì xã
hội mới bình yên, ổn định. Một người không biết thương yêu cha mẹ mình thì khó
lòng thương mến người khác, dẫu có chăng cũng chỉ là thứ tình cảm đặt trên điều kiện tự tư và mục đích chiếm hữu. Vẻ đẹp trinh nguyên ấy của người Việt Nam không phải tự nhiên mà có, mà đó là sự kết tinh bởi những ảnh hưởng của nền văn hóa lấy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín làm đầu của Nho gia; lấy tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật để xứng hợp với nhân tính vốn có của đồng loại. Đặc biệt, tinh thần “lợi tha” của Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành vi của người Việt Nam.
Nhờ chức năng giáo dục bởi truyền thống văn hóa ấy mà từ đời này qua đời khác, người Việt duy trì được tinh hoa hiếu đạo trong gia tộc. Từ khi có lịch sử đến ngày nay, dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ngày nay, người Việt vẫn đang hoàn thiện bản sắc văn hóa của mình nhờ không ngừng tiếp biến, dung hợp các nền văn hóa Đông - Tây. Trong tất cả mọi ảnh hưởng của các nguồn tư tưởng, tôn giáo, học thuyết ấy thì tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách và lối sống của người Việt Nam chúng ta hiện nay.
Trong những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Nho học, Việt Nam là một nước tiếp nhận tư tưởng Nho học từ đầu kỷ nguyên trước Tây lịch. Năm 111 tr.Tl, Dương Bộc nhà Hán đem 9000 tinh binh sang vây hãm Tầm Hiệp, phá Thạch Môn, lấy đất chia làm chín quận. Từ đó, đặt ra chức Thứ sử, Thái thú để cai trị nước ta102. Năm 110 tr.Tl, nhà Hán sai Tích Quang làm Thái thú ở Giao Chỉ, lấy lễ nghĩa dạy dân; sai Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân, dạy dân khai khẩn ruộng đất, hằng năm cày trồng. Phong tục văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai Thái thú ấy103.
Chú thích:
102 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.153 - 154.
103 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.155.
Người Việt Nam thời Hùng Vương (2879 tr.Tl - 258 tr.Tl) là dân tự do, chưa khép mình vào phong tục lễ giáo Trung Hoa. Thậm chí, vào năm 196 tr.Tl, khi nhà Hán sai Lục Giả sang nước Việt trao ấn thao cho Triệu Đà làm Nam Việt vương, Đà đón tiếp sứ giả thiên triều mà quên mất cả lễ nghĩa, quen với phong tục nước Nam nên “ngồi xổm” tiếp Lục Giả. Ngồi xổm là cách ngồi dân dã, tự nhiên của dân tộc Việt chưa ảnh hưởng bởi lễ giáo Trung Hoa, nên Triệu Đà bị nhà Hán chê trách là người quên mất gốc gác, lễ nghi thiên triều.
Năm 135 tr.Tl, Mân Việt vương Sính xâm lấn biên ấp nước ta, Hoài Nam vương Lưu An dâng thư can rằng: “Việt là đất ở ngoài cõi. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được. Từ thời Tam đại thịnh trị, người Hồ, người Việt đã không nhận chính sóc, không phải là vì mạnh mà không hàng phục được, uy không chế ngự được, mà vì đất ấy không thể ở được, dân ấy không thể chăn được, không bõ làm phiền đến Trung Quốc vậy”104.
Người Việt Nam cổ đại có quan niệm và sinh hoạt trái ngược với lễ giáo người Trung Quốc: “Đất Việt (…) nay là Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, đều là phần của Việt… xăm mình cắt tóc để tránh hại của giao long”105. Tục cắt tóc xăm mình của người Việt xuất hiện từ rất sớm mà người Trung Quốc đã biết đến trước Tây lịch. Vì Tiền Hán thư do Ban Cố (32 - 92) ghi chép vào đầu thế kỷ I, chứng tỏ phong tục này của người Việt đã được duy trì từ lâu. Một khi tục cắt tóc, xăm mình đã phổ biến như vậy thì lời khuyên dạy trong Hiếu kinh: “Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương” của Nho gia khó được người Việt chấp nhận lúc bấy giờ. Quan niệm về hiếu đạo như thế ngay từ khi Nho giáo mới truyền vào Việt Nam đã bị người dân Việt Nam phản ứng mạnh mẽ, vì nó không phù hợp với tâm lý của người Việt thích tự do phóng khoáng.
Chú thích:
104 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.147.
105 Tiền Hán thư, 28 hạ, tờ 31a5-12.
Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 1, kỷ Hồng Bàng thị có ghi: “Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói: ‘Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại’. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không dám hại nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy”106.
Chú thích:
106 Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.133.
Tại sao người Việt từ thời Hùng Vương sống phóng khoáng mà Nho gia Trung Quốc lại chủ trương đạo hiếu theo nghĩa vụ áp đặt như vậy? Bởi vì, mục đích xây dựng nên mối quan hệ tòng thuộc của Nho gia không những duy trì sự thống nhất chế độ gia tộc phức tạp, giữ vững an ninh trật tự xã hội, mà trong đó còn bao hàm nhiều nhân tố chính trị.
Nhờ các quan Thái thú hết lòng phát triển Nho học ở phương Nam nên tư tưởng Nho học dần dần được đứng vững trong tầng lớp người có học. “Sau khi Linh đế băng (189), thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là vùng tạm yên. Dị nhân phương Bắc kéo nhau đến ở, phần nhiều thực hành thuật thần tiên tịch cốc trường sinh. Người bấy giờ có nhiều học giả”107. Từ đó, đạo lý tam cương, ngũ thường, vô vi cũng được mở rộng đến đời sống dân chúng. Trong một ngàn năm Bắc thuộc (111 tr.Tl đến 938 s.Tl), người Việt đều học tập theo Nho giáo, Phật giáo. Sang thời kỳ tự chủ, nền giáo dục Việt Nam đều theo lối học của nhà Đường.
Cả Nho học, Phật học và Lão học đều thịnh hành, nhất là Phật học đã ảnh hưởng sâu rộng từ triều đình đến thôn dã. Người có học lúc bấy giờ, đặc biệt là thành phần cố vấn chính trị cho triều đình, sáng tác văn thơ, bang giao nước ngoài đều là sư Tăng Phật giáo108.
Chú thích:
107 Hoằng minh tập, quyển 1, mục Mâu tử Lý hoặc luận 弘明集卷第一, 牟子理惑論, Đại Chính tạng, tập 52, số hiệu 2102, tr.1, b3.
108 Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.723.
Dưới sự ảnh hưởng sâu rộng của hai nguồn tư tưởng chủ đạo Nho, Phật, tâm lý người Việt Nam ta đến nay vẫn còn đọng lại những cốt cách và phẩm chất cao thượng. Trong vô số những phẩm tính ấy thì đạo hiếu người Việt Nam ta không những không bị mai một, mà còn tiếp tục duy trì và phát triển. Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, đại đa số đều biết ơn và đền ơn cha mẹ. Dường như đức hiếu kính này đã trở thành cảm thức chung của người dân, và sự đóng góp của đạo Phật không hề nhỏ trong dòng chảy của nền văn hóa truyền thống dân tộc.
Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái là một trong bốn ơn nặng mà đạo Phật chủ trương. Đối với Phật giáo Đại thừa, ơn cha mẹ được đặt lên hàng đầu, sau đó là ơn chúng sinh, ơn quốc vương và ơn Tam bảo. Người mẹ có mười đức lớn:
1. Đại địa, vì thai mẹ là chỗ nương tựa của con;
2. Năng sinh, vì mẹ trải qua muôn điều khổ nhọc mới sinh ra ta;
3. Năng chính, vì mẹ thường dùng tay mình để điều chỉnh năm cơ quan cảm giác của ta;
4. Dưỡng dục, vì mẹ tùy theo bốn mùa mà nuôi nấng ta phù hợp;
5. Bậc trí, mẹ dùng các phương tiện để giúp ta phát sinh trí tuệ;
6. Trang nghiêm, mẹ dùng chuỗi ngọc để tô điểm thân ta;
7. An ổn, nhờ mẹ ẵm bồng mà ta được yên giấc;
8. Dạy dỗ, vì mẹ dùng phương tiện khéo léo để dẫn dắt con cái;
9. Khuyên răn, vì mẹ dùng ngôn từ khéo léo để khuyên ta từ bỏ các điều xấu ác;
10. Cho cơ nghiệp, mẹ thường giao cho con cái cơ nghiệp gia đình109.
Chú thích:
109 Kinh Đại thừa Bản sinh tâm địa quán, quyển 2, phẩm Báo ân 大乘本生心地觀經卷第二報恩品, Đại Chính tạng, tập 03, số hiệu 159, tr.297, b23.
Mười đức lớn của người mẹ ở kinh Phật vẫn thấp thoáng đâu đó trong lời ca tiếng hát của dân gian Việt Nam nêu bật tình mẫu tử bao la:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi, mẹ dắt con đi,
Con thi trường học, mẹ thi trường đời.
Sự vật hiện tượng tồn tại được là nhờ mối quan hệ tương quan tương duyên, như thuyết Nhân duyên của đạo Phật đã nói: “Do cái này có mặt nên cái kia hiện hữu, do cái này sinh nên cái kia sinh; do cái này không có mặt nên cái kia không hiện hữu, do cái này diệt nên cái kia diệt” trong phẩm Bồ-đề, kinh Phật tự thuyết110. Con người tồn tại được cũng nhờ mối tương quan tương duyên ấy. Nhờ tinh cha, trứng mẹ và tâm thức mà một sinh linh được hình thành. Thiếu một trong ba thứ, con người chúng ta sẽ không có mặt. Những câu kinh Phật thấm đượm công ơn sâu nặng của cha mẹ được ghi lại trong kinh Đại thừa Bản sinh tâm địa quán: “Ở đời, mẹ hiền thương nhớ con không có gì sánh được. Ân ấy đến với con lúc chưa tượng hình hài. Bắt đầu từ khi thụ thai, suốt mười tháng trường, đi, đứng, ngồi, nằm, mẹ đều chịu mọi khổ não, không thể thốt ra được bằng lời. Mặc dù có những thứ ham muốn như ăn uống, áo quần, nhưng mẹ vẫn không sinh tâm ưa thích, mà lòng mẹ luôn lo nghĩ đến con, không phút giây quên lãng. Trông mong đến ngày sinh nở, mẹ hiền âm thầm chịu đựng mọi khổ lụy, ngày đêm sầu não. Đến lúc lâm bồn, sự đau đớn xác thân quá đỗi, như trăm nghìn mũi nhọn bâu vào cắt xé, thực không thể nào kể xiết, thậm chí có khi chẳng may mẹ hiền băng huyết tử vong”111.
Chú thích:
110 Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, (1999), Kinh Tiểu bộ, tập I, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.115 - 118.
111 Kinh Đại thừa Bản sinh tâm địa quán, quyển 2, phẩm Báo ân 大乘本生心地觀經卷第二報恩品, Đại Chính tạng, tập 03, số hiệu 159, tr.297, a24.
Có lẽ tư tưởng này đã thấm sâu trong từng tế bào của người dân thôn quê Việt Nam, để khi nghĩ về ơn cha mẹ, người Việt đã hát lên câu ca:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Những ai còn cha mẹ đang hiện hữu trên cuộc đời này thì nên tự hào mình đang sở hữu kho tàng vô giá. Mất của cải hoặc những người quen thân khác, người ta có thể tìm lại được, nhưng một khi cha mẹ khuất núi thì chúng ta suốt đời không thể tìm thấy được. Tình thương yêu của mẹ già thấm đượm hương vị ngọt ngào, thơm tho như những món ăn dân dã của người thôn quê nuôi dưỡng thân tâm ta trưởng thành từng ngày một.
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Có người ý thức được sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ nên lúc nào cũng đau đáu trong lòng tìm cơ hội đền đáp. Trong cảnh nghèo túng vất vả, nhưng con hiếu dâu hiền vẫn nhịn ăn để nhường phần cơm cho cha mẹ già yếu:
Đói lòng ăn đọt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Nhưng có người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ nên cho rằng: “Cha mẹ chẳng có ơn gì với chúng ta cả, chẳng qua vì thỏa mãn những dục tình của hai người nên bất đắc dĩ ta lại có mặt trên đời này mà thôi! Và, cha mẹ nuôi ta khôn lớn, đó là bổn phận và trách nhiệm cần phải hoàn thành vì những sản phẩm do họ đã tạo ra vậy!”
Con người đang sống trong cõi Dục112 nên việc chọn lựa lập gia đình, sinh con đẻ cái là điều đương nhiên. Nhưng một khi cha mẹ sinh con ra, không một đấng cha mẹ nào cam tâm bỏ bê hoặc ngược đãi con cái mình. Thiên tính của tình yêu này không những chỉ có mặt ở loài người mà chúng ta từng chứng kiến loài vật cũng hết lòng thương yêu con của chúng. Sau khi đẻ trứng, gà mẹ không buồn tìm kiếm thức ăn để nuôi thân mà phải nằm ổ ấp trứng, chờ đến ngày con mình chuẩn bị ra đời thì gà mẹ mổ vỏ trứng để gà con chui ra. Khi toàn bộ số trứng nở hết, gà mẹ liền dẫn đàn con đi khắp nơi tìm kiếm thức ăn. Khi bới gặp được bất cứ loài côn trùng, thảo mộc nào, gà mẹ đều nhường hết cho đàn gà con. Gặp loài diều quạ uy hiếp, gà mẹ luôn cảnh giác và ra hiệu cho gà con quần tụ lại một chỗ, rồi dang rộng đôi cánh che chở cho con mình, bất chấp sự nguy hiểm đang rình rập trút xuống bản thân.
Chú thích:
112 Vũ trụ quan Phật giáo chia thế giới thành ba cõi: cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Cõi Dục (Skt. kāma-dhātu) là chỗ của loài hữu tình tồn tại, gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người, và sáu tầng trời cõi dục: trời Tứ đại thiên vương, trời Đao- lợi, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa tự tại, trời Tha hóa tự tại. Các loài hữu tình ở thế giới này nặng về ham ăn uống, ham dâm dật, ham ngủ nghỉ.
Loài chim bay, thú chạy mà còn hy sinh thân mình cho sự sống còn và trưởng thành của đàn con, huống chi là con người. Tình thương yêu vĩ đại và thiêng liêng của người làm cha mẹ đã hy sinh cho con cái nhiều hơn thế nữa. Trong lịch sử nhân loại, những bậc cha mẹ chịu đói khát, hy sinh thân mạng vì con cái thì nhiều nhưng con cái chịu chết thay cha mẹ thì rất hiếm thấy. Sự ví von ấy cũng được dân gian đúc kết bằng những câu ca thâm thúy.
Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Mái chùa là chốn thiêng liêng dành cho những người có tâm hồn hướng thượng và hướng thiện. Một ngôi chùa được xây lên để dân chúng lui tới tu tâm tích thiện thì nhiều nhà lao sẽ giảm thiểu. Tiếng chuông chùa sớm tối vang vọng trầm hùng nhắn nhủ khách mộng buông bỏ mọi tục lụy phiền não trần gian. Hình tượng đức Phật hiền từ trong các ngôi chùa quê ẩn khuất dưới tán cây cổ thụ là hình ảnh gần gũi với tâm thức của người Việt Nam. Người hâm mộ giá trị đạo đức xuất trần cũng muốn rũ bỏ mọi phiền muộn cuộc đời để bước chân vào cửa Phật, mong được khoan khoái nhẹ nhàng thân tâm. Nhưng ngặt nỗi, cha mẹ già yếu ở nhà chưa đền đáp được công ơn trong muôn một nên người con dù có ham muốn tu tập cũng khó lòng dứt áo ra đi. Thế là, tâm lý giằng co giữa hai lựa chọn vừa tìm đường thoát tục vừa cận kề cha mẹ lúc tuổi xế chiều xuất hiện trong tâm trí người con. Và cuối cùng việc phải làm trước mắt của người con hiếu thảo là phụng dưỡng cha mẹ:
Đến chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ đi tu chưa đành.
Cha mẹ còn ở đời chẳng khác nào đức Phật đang hiện hữu. “Cha mẹ hiện tiền như Phật còn tại thế”. Trong tâm thức của người Việt Nam, hiếu kính cha mẹ là sự tu dưỡng thân tâm chân chính của con người. Người biết thờ cha kính mẹ là người tu hành đúng đạo lý:
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu.
Câu ca dao trên chắc chắn là tiếng nói bình dân được ảnh hưởng từ kinh điển Phật giáo: “Gặp đời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (kinh Đại tập); “Thờ trời đất quỷ thần không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh” (kinh Tứ thập nhị chương).
Rất nhiều câu chuyện thần thoại, cổ tích, tục ngữ, ca dao Việt Nam nói về đạo lý nhân quả, tình mẫu tử chịu ảnh hưởng kinh điển Phật giáo ngay từ thời mới du nhập. Theo GS. Lê Mạnh Thát, những câu chuyện truyền thuyết như Sự tích dưa hấu, Sự tích con dã tràng, truyện Hai con cò và rùa đều thấy xuất hiện trong các truyện thứ 1, 15, 60 và 142 của Cựu tạp thí dụ kinh của Phật giáo trong buổi đầu du nhập tại Việt Nam. Cựu tạp thí dụ kinh là một bản kinh được phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hán khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ II sau Tây lịch tại nước ta113.
Chú thích:
113 Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr.112 - 116.
Tình mẫu tử trong câu chuyện Sọ Dừa đã cho thấy bà mẹ Việt Nam luôn thương yêu con mình, cho dù đứa con sinh ra bị quái thai dị dạng. Ban đầu, bà mẹ Sọ Dừa rất sợ hãi, định chôn sống cục thịt tròn long lóc như cái sọ mà bà vừa sinh hạ, nhưng khi nghe khúc ruột của mình van xin, bà không nỡ vứt con đi, mà dang hai tay ôm chầm lấy cục thịt vào lòng và nâng niu cho bú. Nuôi nấng một đứa con dị dạng, nhiều lúc người mẹ cũng tủi thân than vãn, nhưng cuối cùng sự trưởng thành và lột xác của Sọ Dừa đã mang lại kết quả vượt xa sự mong đợi của người mẹ. Sọ Dừa biết mẹ cơ cực nên nhận công việc chăn dê cho phú ông để đỡ đần mẹ. Rồi lớn lên lột xác thành chàng trai khôi ngô tuấn tú tài ba, đỗ trạng nguyên, cưới được vợ đẹp con phú ông, tạo dựng nhà cửa khang trang để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ.
Ngày nay, trong cuộc sống đời thường có rất nhiều trường hợp mẹ vất vả nuôi con tật nguyền tương tự với tình mẫu tử trong câu chuyện cổ tích kia. Có những người mẹ trong thời kỳ mang thai, đến cơ sở y tế siêu âm để kiểm tra sức khỏe thai nhi thì được bác sĩ chẩn đoán bào thai bị dị dạng, nhưng nhiều bà mẹ không nỡ từ bỏ sinh linh có duyên với mình đã nhiều tháng cưu mang. Điều này cho thấy, tình yêu thương của bà mẹ Việt Nam vô bờ vô bến. Họ đã nuôi dưỡng con mình từ khi chưa tượng thành hình người trong bụng, kiêng kỵ đủ các thứ hiểm nguy trên đời. Khi mang thai, người mẹ thường kiêng ăn những thức ăn quá cay, quá đắng, quá mặn, v.v. đi đứng nhẹ nhàng, nói năng cẩn thận, lánh xa những nơi ồn ào náo nhiệt, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của bào thai. Có khi, trong kỳ mang thai, người mẹ cũng lười thoa son điểm phấn, vì nỗi vui mừng khi dưỡng nuôi sinh linh bé bỏng trong bụng còn lớn hơn nhan sắc của bản thân. Dù chẳng may sinh ra những đứa con tật nguyền, thiểu năng, dị dạng, người mẹ không bao giờ chối bỏ đứa con mình, mà còn chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Thậm chí, người mẹ còn dành tình thương và mọi điều kiện tốt đẹp hơn cho đứa con không được may mắn ấy, vì nghĩ rằng nó chịu nhiều thiệt thòi hơn những đứa khác.
Tình thương của mẹ đối với con sâu dày không sao tả xiết, thì tình nghĩa của người cha dành cho con cũng không kém phần xúc động. Theo truyền thuyết, vào thời Hùng Vương thứ 18, Chử Đồng Tử sống cùng cha ở làng Chử Xá, phủ Khoái Châu (nay là tỉnh Hưng Yên). Năm Đồng Tử 13 tuổi, mẹ mất, nhà lại gặp hỏa hoạn nên của cải tiêu tan, chỉ còn một chiếc khố vải, khi có việc ra ngoài cha con thay nhau mặc. Chẳng bao lâu cha bệnh nặng, lúc hấp hối dặn dò con rằng: “Cha chết đi, con giữ lại chiếc khố mà che thân, để thiên hạ khỏi chê cười. Con cứ để cha trần truồng mà chôn cũng được”. Nhưng khi cha mất, Chử Đồng Tử không nỡ để cha chết trần, bèn lấy khố khâm liệm cho cha. Từ đó, Đồng Tử không có gì che thân, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày lựa lúc vắng người ra sông trầm mình dưới nước mò cua, để người đời khỏi nhìn thấy tấm thân lõa thể. Nhưng về sau, tấm lòng hiếu đạo ấy cũng được đền đáp xứng đáng khi chàng gặp công chúa Tiên Dung. Người gấm lụa, kẻ thân trần nhưng nhờ cảm được lòng hiếu thảo và sự hy sinh cao cả của Đồng Tử nên Tiên Dung quyết định kết hôn cùng chàng. Vợ chồng tạo dựng của cải vật chất sung túc bên sông, được dân chúng ngưỡng mộ. Từ đó, Chử Đồng Tử trở thành một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng người Việt Nam.
Nhiều tác phẩm văn chương bác học cũng phản ánh được tình thương cha mẹ dành cho con cái và lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ. Truyện Kiều là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Dù là tác phẩm văn chương nhưng tình tiết trong truyện vẫn mang đậm dấu ấn sinh hoạt và tinh thần cao đẹp của người Việt Nam, đặc biệt là tinh thần hiếu kính.
Vì chữ hiếu mà Thúy Kiều phải “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” để bán mình chuộc cha khỏi nanh vuốt tên quan tham họ Chung, kẻ đã sai thuộc hạ đầu trâu mặt ngựa đến vơ vét gia sản nhà Kiều và bắt Vương ông giam cầm trong ngục. Hỏi ra mới biết nguyên nhân gia cảnh nhà Kiều “gặp cơn vạ gió tai bay” này là do “thằng bán tơ” vu khống. Ban đầu, Kiều cũng đắn đo cân nhắc giữa “Duyên hội ngộ, đức cù lao/ Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?” nhưng cuối cùng Kiều quyết định “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Mặc dù trong lòng đang vấn vương mối tình Kim Trọng vừa mới hội ngộ hôm nào “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, nhưng Kiều nghĩ không có ơn nghĩa nào cao hơn ơn nghĩa cha mẹ, nên việc bán mình chuộc cha của nàng phù hợp với đạo hiếu ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Cái tài của Nguyễn Du nằm ở chỗ này, tức lúc khó phân xử nhất của cuộc đời người con gái đang bước vào tuổi yêu đương thề non hẹn biển, thì ông quyết định cho nhân vật trong tác phẩm của mình “Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” làm hài lòng biết bao độc giả. Chữ hiếu của Kiều cũng chính là phẩm tính cao đẹp của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam khi “ngộ biến” thì phải “tòng quyền”, đặt ân đức của cha mẹ lên trên tình cảm cá nhân.
Người Việt Nam không những hiếu kính cha mẹ khi còn sống mà đến lúc cha mẹ qua đời, con cái lo tổ chức lễ tang tươm tất, cúng tế trang trọng. Mỗi gia đình truyền thống của người Việt luôn luôn đặt bàn thờ gia tiên vào gian giữa của ngôi nhà. Mỗi lần bước qua bàn thờ ông bà, cha mẹ thì mọi người đều phải khom lưng, cúi đầu để tỏ bày tấm lòng cung kính như anh linh người quá cố “bàng bạc miên man như ở trên đầu, như ở hai bên trái phải”, mặc dù cố gắng “nhìn mà chẳng thấy, lắng mà chẳng nghe” nhưng anh linh cha mẹ, ông bà luôn luôn hiện hữu đâu đó quanh ta114.
Chú thích:
114 Ý dẫn từ câu trong sách Trung dung: “子曰: 鬼 神之爲德, 其盛矣乎! 視之而弗見, 聽之而弗聞, 體物而不可遺. 使天下之人齋明盛服以丞祭祀, 洋洋乎如在其上, 如在其左右”. Khổng Tử nói: Công đức của quỷ thần, thật to lớn xiết bao! Nhìn mà không thấy, lắng cũng không nghe, nhưng thể hiện ra ở mọi vật mà không bỏ sót thứ gì. Khiến mọi người trong thiên hạ đều trai giới, ăn mặc chỉnh tề mà tế tự. Linh khí quỷ thần bàng bạc dường như đều có khắp nơi, như ở trên đầu mọi người, lại như ở bên trái bên phải mọi người”.
Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, đến ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm, không ai bảo ai nhưng trên bàn thờ gia tiên luôn có mâm cơm thịnh soạn để dâng cúng tổ tiên. Sau mùa gặt, người nông dân cũng chọn mẻ gạo, mẻ nếp đầu tiên để nấu cơm, đồ xôi dâng lên bàn thờ ông bà để tỏ lòng tri ân các bậc tiền bối trong gia tộc sau ba tháng gieo trồng. Mọi người thường gửi họ tên những người đã khuất trong gia tộc lên chùa để ghi sớ cầu siêu. Sinh hoạt làng xã Bắc bộ trước đây, tối thiểu trong làng đều có một ngôi đền thờ Thánh, một ngôi đình thờ Thành hoàng và một ngôi chùa thờ Phật. Người dân trong thôn xóm vừa chăm lo đời sống vật chất từ những luống cà, rãnh khoai, thửa ruộng, nương ngô để đảm bảo miếng ăn cho gia đình, nhưng bên cạnh đó họ cũng luôn nuôi dưỡng đời sống tinh thần cho mình. “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Họ nghĩ đến những bậc tiền hiền, hậu hiền khai khẩn và duy trì làng xã, thôn ấp, nghĩ đến Phật tổ thiêng liêng phù trợ cho họ sức khỏe bình yên trong cuộc sống hiện tại, tiếp dẫn linh hồn ông bà tổ tiên về thế giới an lành hạnh phúc. Ngày Rằm tháng 7 được gọi là ngày Xá tội vong nhân, là ngày lính ngục thả những linh hồn mà trước đây, khi còn sống ở nhân gian, họ vô tình hay cố ý đã gây khổ đau cho mình và người, sau khi chết bị đọa lạc trong chốn tối tăm đau khổ. Mỗi năm đến ngày Rằm tháng 7, nương nhờ uy lực của chư Phật, công đức tu tập của chư Tăng cầu nguyện mà những linh hồn gây ác nghiệp này có cơ hội thoát khỏi địa ngục khổ đau, vãng sinh về cảnh giới an lành. Ngoài việc cúng quảy cho ông bà cha mẹ trong thân tộc, người Việt còn thương tưởng đến những oan hồn vất vưởng không người cúng đơm, chẳng nơi nương tựa.
Cha già là Phật Thích-ca,
Mẹ già như thể Phật bà Quán Âm.
Nhớ ngày xá tội vong nhân,
Lên chùa lạy Phật đền ân sinh thành.
Ngày xá tội vong nhân trong dân gian đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của tín ngưỡng Phật giáo. Nó bắt nguồn từ kinh Phật thuyết Vu lan bồn của Phật giáo Trung Quốc, do Tam tạng Trúc Pháp Hộ phiên dịch thời Tây Tấn. Kinh này được gọi là Hiếu kinh của Phật giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt của người Trung Quốc và Việt Nam xưa nay. Tín ngưỡng ấy bắt nguồn từ câu chuyện: Bà mẹ tôn giả Mục-kiền-liên tên Thanh Đề, khi còn sinh tiền, gây nhiều nghiệp xấu, không biết tôn trọng Tam bảo, khinh thường chư Tăng nên sau khi chết, do tích lũy ác nghiệp ấy mà tâm thức rơi vào địa ngục chịu nhiều đau khổ. Mục-kiền-liên nhập định, quán thấy thân mẫu chịu bao nhục hình, đói khát nên vận dụng thần thông vào địa ngục cứu mẹ. Tinh thần hiếu đạo này rất thích hợp với thị hiếu của người dân Trung Quốc khi Phật giáo mới du nhập vào đất nước mà tư tưởng Nho và Lão đã ăn sâu vào tâm thức của người bản địa từ rất lâu. Từ bản kinh này, nhiều sách chú giải hình thành, trong đó nổi tiếng nhất là bản Vu lan bồn kinh sớ, 2 quyển, của sa-môn Tông Mật (780 - 841) thời Đường. Bản sớ giải này trình bày những nét hài hòa và sai khác về hiếu đạo giữa Phật giáo và tín ngưỡng sùng bái tổ tiên của người Trung Quốc.
Từ xưa, tín đồ Phật giáo Việt Nam dựa vào kinh Vu lan bồn để bạt cứu song thân và cửu huyền thất tổ nên hằng năm đều tổ chức lễ hội Vu lan. Đây là một trong những ngày lễ cao đẹp nhất trong năm của Phật giáo, và cũng là pháp hội phổ biến được mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội hân hoan đón nhận. Ngày Rằm tháng bảy sắm sửa hội Vu lan bồn, cúng Phật trai Tăng, không chỉ siêu độ cho cha mẹ bảy đời quá vãng thoát ly khổ não trong ba cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, được sinh lên cảnh giới an vui cõi nhân thiên mà còn giúp cho cha mẹ và quyến thuộc hiện tồn được thọ mạng dài lâu, tránh mọi bệnh tật, và tiêu trừ tất cả khổ não. Ngoài giá trị tâm linh, lễ Vu lan còn mang giá trị giáo dục rất thiết thực. Nó nhắc nhở những ai còn cha mẹ ở đời thì nên thường biết ơn và tranh thủ đền ơn.
Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tại Việt Nam bắt đầu tổ chức lễ Cài bông hồng để tri ân và tưởng nhớ về mẹ. Những ai còn mẹ sẽ được cài trên ngực áo bông hoa màu hồng, và những ai mất mẹ sẽ được cài bông hoa màu trắng, để nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình mẫu tử thiêng liêng.
Ban đầu (năm 1962), thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về mẹ qua đoản văn Bông hồng cài áo, để thể hiện tình thương của người con đối với mẹ như là một “vấn đề hưởng thụ”. Trong đó có đoạn: “Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương”115.
Chú thích:
115 Thích Nhất Hạnh, Bông hồng cài áo, NXB Hồng Đức, 2016, tr33.
Khoảng thời gian 1964 - 1965, Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý trong đoản văn trên để sáng tác nên bản nhạc cùng tên. Trong ấy có đoạn: “Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối. Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời”. Bông hồng cài áo là một trong những ca khúc cảm động, chân thành nhất về mẹ được rất nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện thành công từ trước năm 1975 đến nay. Nó không những luôn được hát lên trong mỗi mùa lễ Vu Lan báo hiếu tại các tự viện mà còn được thể hiện trong những buổi nhạc hội hoành tráng được tổ chức cho quần chúng thưởng thức trong và ngoài nước.
Hiếu thảo được xem như là chất liệu cần thiết trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, trong tâm thức của dân tộc Việt Nam, ai cũng đặt sự hiếu kính cha mẹ lên trên tất cả các biểu hiện khác trong hành vi con người. Khi gặp tình huống khổ đau hoạn nạn, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ mở miệng kêu lên hai tiếng “Mẹ ơi!” chân thật hồn nhiên từ đáy lòng để cầu cứu, đây là thiên tính vốn có của loài người. Bất kỳ người mẹ nào trên đời này cũng biết thương yêu và bảo hộ đứa con mình sinh ra, lỡ đứa con mình gặp phải cảnh khổ đau hoạn nạn thì người mẹ liền quên thân mình để ra tay cứu viện. Có thể nói tình thương của mẹ hiền cao đẹp không gì so sánh được là bản tính thiêng liêng kỳ diệu của người phụ nữ Việt Nam. Ý niệm ràng buộc lẫn nhau trong tình thương bao la giữa bản năng người mẹ và những đứa con cao đẹp như thế không chỉ đối với con người lúc còn trẻ thơ mà ngay cả khi trưởng thành cũng vậy. Trong chiến tranh chết chóc, loài người đối mặt với nguy cơ giữa lúc máu thịt chia lìa trong mưa bom bão đạn thì âm thanh cuối cùng trong miệng phát ra là tiếng gọi: “Mẹ ơi!”. Đây là sự thật không ai phủ nhận được.
Tình thương người mẹ không dừng lại trong cuộc sống đời thường mà nó còn mở rộng phạm vi đến các tôn giáo Đông - Tây. Hình ảnh đức mẹ Maria cũng là người đã ôm xác đức Giê-su lúc hạ từ thập giá xuống sau khi ngài chịu đóng đinh. Hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm trong Phật giáo là cội nguồn sức mạnh bất diệt, là pháp thân bất hoại vĩnh hằng, là thiên tính tự nhiên của loài người. Lòng từ bi của đức Phật được quyền hóa thành giọt nước nhành dương của Bồ-tát Quán Thế Âm sẵn sàng dập tắt mọi ngọn lửa sân hận trong tâm thức chúng sinh khởi lên. Hạnh nguyện cứu độ chúng sinh của Bồ-tát khi lắng nghe âm thanh khổ đau của cuộc đời này chẳng khác nào tình cảm người mẹ luôn hoài niệm về những đứa con thơ của mình những lúc bơ vơ trong dòng đời gió bụi.