Trong tất cả các mối quan hệ của con người thì mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ là mối quan hệ thiêng liêng và gần gũi nhất. Bởi lẽ, tình thương của cha mẹ bắt đầu hình thành từ khi người mẹ biết mình đang mang thai, dù chưa biết thai nhi là trai hay gái. Cha mẹ là người thầy đầu tiên trong cuộc đời chúng ta, dạy dỗ chúng ta từ khi còn nằm trong bào thai của mẹ đến khi chúng ta khôn lớn. Sự hình thành nhân cách con người cũng bắt đầu từ sự giáo dục của cha mẹ. Cha mẹ là người dõi theo suốt cuộc đời con để chăm sóc, lo lắng, hướng dẫn, điều chỉnh những hành vi và nhân cách con mình. Người con có ý thức tốt là phải luôn nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ, tìm mọi phương cách tốt nhất để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục ấy. Ba việc căn bản của người con sống trong gia đình truyền thống, là: đối xử tốt với cha mẹ khi còn sống; tổ chức tang lễ, thờ cúng trang nghiêm chu đáo khi cha mẹ qua đời; và noi theo chí hướng của tổ tiên. Đây là nền tảng văn hóa của người Việt Nam xưa nay được ảnh hưởng từ tư tưởng Nho giáo và Phật giáo. Nó thể hiện hành vi đạo đức, giá trị xã hội, tín ngưỡng tâm linh muôn đời của người Việt. Dù điều kiện vật chất của xã hội toàn cầu có tiến xa hơn nữa thì giá trị đạo đức của lòng hiếu kính cha mẹ vẫn không bao giờ lỗi thời và mục nát.
Bên cạnh những người duy trì các giá trị đạo đức hiếu kính cha mẹ, xã hội Việt Nam xưa nay cũng tồn tại không ít những người con bất hiếu. Do ảnh hưởng chủ nghĩa vị kỷ, tâm lý hẹp hòi, ích kỷ nên những người này quên ơn cha mẹ, không biết lắng nghe, coi thường sự dạy bảo của song thân, xa lánh gia đình, tùy tiện sống theo sở thích cá nhân, phớt lờ sự khuyên bảo từ người thân và bất chấp dư luận xã hội. Không ít những thanh thiếu niên ngày nay thiếu suy nghĩ tích cực, đánh mất niềm tin bản thân, sa ngã vào các tệ nạn xã hội như ma túy, bài bạc, mại dâm, trộm cắp, rượu chè, giết người, cướp của. Thậm chí có nhiều trường hợp con cái bạo hành, đánh chửi cha mẹ, cháu chắt đánh giết ông bà, v.v. Đó là những thành phần bất hiếu tồn tại trong xã hội đáng bị lên án, dù thành phần ấy sống vào thời xưa hay nay, dù họ chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Đông hay Tây.
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nhiều thế hệ cùng sống trong một gia đình tạo nên sự gắn kết tình cảm, huyết thống, giúp đỡ nhau trong công việc, duy trì giá trị tốt đẹp gia phong. Sự gắn kết ấy hình thành từ quan niệm sống của người Việt lấy nghề nông làm trọng, các thành viên gia đình là sức mạnh cộng hưởng để tồn tại và đảm bảo đời sống kinh tế. Khi chế độ an sinh xã hội chưa đủ khả năng để đảm bảo đời sống vật chất, sức khỏe cho người già thì con cháu là chỗ trông cậy duy nhất trong các gia đình Việt Nam: “Bé cậy cha, già cậy con”. Quan niệm “Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão”98 biểu hiện sự lo xa của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.
Chú thích:
98 Chứa lương thực để đề phòng khi đói kém, nuôi con trẻ để trông đợi lúc tuổi già.
Mặc dù cha mẹ nuôi dạy con cái vất vả đến khi “xương mòn gối mỏi” nhưng cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con cái phải chu cấp cao lương mỹ vị hay quần là áo lượt cho mình. Khi con cái còn nghèo túng, vất vả, cha mẹ luôn cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh sống của từng người con. Song, có nhiều trường hợp con cháu không tôn kính cha mẹ đã đành mà còn có thái độ đối xử vô lễ, xấc xược với cha mẹ. Khi cha mẹ già yếu, không còn khả năng lao động để tự sinh tồn được nữa thì có người còn xem cha mẹ như một gánh nặng của bản thân, dù cung cấp mỗi ngày vài bữa cơm đạm bạc nhưng lòng dạ chẳng được vui. Có chăng, khi chăm lo cơm nước cho cha mẹ thì “mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia”, khiến cha mẹ tủi thân, buồn phiền không sao nuốt nổi:
Không ăn thì ốm thì gầy,
Ăn vào nước mắt đong đầy bát cơm.
Ở không ít những gia đình hiện nay, con cái lao vào việc kiếm tiền, tích lũy riêng cho gia đình nhỏ của mình mà quên đi trách nhiệm phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ. Họ dồn hết trách nhiệm ấy cho người giúp việc hoặc đẩy cha mẹ già cả vào viện dưỡng lão để không nhìn thấy “món nợ” của đời mình. Đó là hạng người bất hiếu đối với cha mẹ và vô trách nhiệm với gia đình, đáng bị xã hội coi thường và lên án.
Những thực trạng đó hầu như xưa nay đều có. Kinh điển Phật giáo đã phân biệt rõ thái độ hiếu kính và bất hiếu để người đời chọn lựa cho hành vi và cách sống của mình. Các nhà Nho và Tăng nhân Trung Quốc từ xưa cũng đúc kết thành những gương hiếu hạnh để người đời noi theo, đồng thời cũng lên án hành vi bất hiếu của con cái đối với cha mẹ. Tất cả đều ghi vào kinh sử để răn dè người đời sau.
01.
Kinh Phật thuyết phụ mẫu ân trọng nan báo nói về công đức sinh thành của cha mẹ rõ nhất.
Một hôm, đức Phật cùng đoàn đệ tử đi về phương Nam thì nhìn thấy một đống xương khô bên vệ đường, đức Phật quỳ xuống lễ bái. Các đệ tử nghi hỏi: “Ngài là bậc thầy của hàng trời, người mà sao lại lạy đống xương khô?” Đức Phật giải thích: “Đống xương này có thể là cha mẹ của ta trong nhiều đời kiếp trước. Xương đàn bà đen nhẹ khác xương đàn ông là vì đàn bà nhiều lần sinh nở, nuôi nấng con cái nên tổn hao khí huyết. Mỗi lần sinh con là máu đặc trong người tuôn ra ba đấu, sữa cho con bú nhiều đến tám thùng bốn đấu”. Nghe đến đây thì tôn giả A-nan rơi lệ, mong đức Phật nói rõ về ân nghĩa cha mẹ và làm thế nào để báo đáp được ân đức cao dày như non biển ấy.
Đầu tiên, đức Phật nói về công đức người mẹ mang thai mười tháng, chịu bao khổ cực, tất cả các cơ quan lục phủ ngũ tạng đều đảo lộn, thai nhi trưởng thành bằng dinh dưỡng do mẹ nạp vào cơ thể mình. Lúc sắp sinh sản, nếu là đứa con hiếu thuận thì xếp tay xuôi hình êm ái mà ra; nếu là đứa ngỗ nghịch thì đạp nhoài, giãy giụa làm cho lòng mẹ đau đớn như hàng ngàn mũi nhọn rạch xé tâm can. Khi sinh được rồi, lòng mẹ vui mừng vô hạn.
Đức Phật nói về ân đức mẹ cha có mười điều sâu nặng mà kẻ làm con phải ghi nhớ và dốc lòng báo đáp. Đó là:
1. Ơn cưu mang nặng nhọc, giữ gìn an toàn cho bào thai;
2. Ơn sinh đẻ đớn đau, chịu ngàn cay đắng;
3. Ơn thương con quên cả thân mình;
4. Ơn mẹ nuốt đắng, nhả ngọt cho con;
5. Ơn bên ướt mẹ nằm, nhường con bên ráo;
6. Ơn bồng ẵm, bú mớm lúc con còn nhỏ;
7. Ơn chịu bao dơ bẩn, tắm rửa giặt giũ cho con;
8. Ơn trông chờ nhớ nhung khi con đi vắng;
9. Ơn vì nuôi nấng con mà mẹ cam lòng tạo bao ác nghiệp;
10. Ơn suốt đời dõi theo hình bóng của con.
Sau khi kể ra mười công ơn sâu nặng của mẹ, đức Phật ngầm trách những chúng sinh trong thế gian tuy may mắn được làm người nhưng do tâm trí mờ tối, không nghĩ đến ân đức cao dày của cha mẹ, không sinh tâm cung kính, mà lại bội ân phản đức, không lòng nhớ nghĩ đến cha mẹ, dù là phút chốc thoáng qua. Mẹ mang thai chín tháng mười ngày, thân thể mệt nhọc như gánh gánh nặng, ăn uống khó khăn chẳng khác nào thân mang bệnh tật. Khi đủ tháng đủ ngày sinh con ra thì mẹ tiếp tục chịu đựng thêm bao đau khổ nữa, máu huyết tuôn chảy dầm dề như giết trâu dê, sợ cả mẹ lẫn con đều gặp nguy khốn khi lâm bồn.
Trong quá trình nuôi con, mẹ còn nuốt đắng nhả ngọt, ẵm bồng nâng niu, giặt rửa dơ dáy, chẳng quản nhọc nhằn, chịu bao nóng lạnh. Mẹ không ngại cay đắng, nhường chỗ ráo cho con, mẹ nằm lăn bên ướt. Trải hơn ba năm, mẹ cho con bú sữa, nhai mớm thức ăn. Khi con bắt đầu biết nói biết đi, mẹ căn dặn những an nguy trong đời, cho cắp sách đến trường vun bồi lễ nghĩa để con không thua kém bạn bè. Cha mẹ lo dựng vợ gả chồng, tạo cho cơ nghiệp mà chẳng nề hà gian khó. Suốt đời cha mẹ vất vả nhưng không bao giờ than thở. Rủi con đau ốm, cha mẹ xót xa, khi con được khỏe mạnh, cha mẹ mới an lòng.
Cha mẹ hy sinh biết bao nhiêu thứ để cho con nên người hữu dụng, nhưng khi con đã lớn khôn thì lại trở nên bất hiếu. Chẳng nể mẹ cha, đôi co cáu kỉnh, nói năng vô lễ, dương mắt trợn ngươi, lườm nguýt cha mẹ, khinh rẻ chú bác, mắng nhiếc cô dì, đánh chửi anh em, điếm nhục dòng họ. Sống không lễ nghĩa, coi nhẹ gia phong, tự ý tự chuyên, chẳng theo giáo huấn. Khi được anh em bà con can ngăn thì tỏ thái độ bất tuân, dùng lời hỗn xược. Đi sớm về khuya không được một lời thưa gửi với mẹ cha. Khi còn thơ bé, nhỡ có thất lễ thì cha mẹ cũng làm ngơ, nhưng khi trưởng thành thì ngày càng ương ngạnh. Cha mẹ quở trách, chú bác dạy bày, mình đã không nghe mà trở lại giận hờn, làm điều bất nghĩa.
Do chiều chuộng cảm xúc riêng tư nên bỏ bạn bè tốt để học theo băng đảng hoang đàng, tập tành tính xấu, bị người phỉnh dụ, sa ngã chốn mê, làm điều bất chính. Có người trở thành phường trộm cướp, hoặc theo phe nhóm gây gổ đánh nhau, hoặc vào quân trận, phản bội mẹ cha, lần lữa tháng năm, đam mê tửu sắc. Khi lỡ bước sa chân, bị tù đày giam giữ, đói rét ốm đau, không nơi nương tựa, vất vưởng lang thang bị người đời khinh ghét. Rồi có ngày chết đường chết chợ, chẳng ai mai táng, thân thể ương sình thối rữa, thịt xương rã rời, thây phơi xứ lạ. Khi cha mẹ biết được tin buồn, do thương xót con mà than khóc thảm thương, hao mòn thân xác, vàng võ héo hon đến nỗi mất mạng.
Có người bỏ chuyện học hành, không có chí làm ăn, chăm lo sự nghiệp mà theo thói dị đoan, làm những điều vô ích, không những uổng phí đời mình mà còn liên lụy đến xã hội. Cha mẹ ở nhà già yếu, đói rét nhưng con không hỏi han sớm tối, sống như khách ở trọ, tình thâm như nước lã, bỏ mặc mẹ cha ngày đêm buồn tủi.
Có kẻ khi dọn cơm bưng nước cho cha mẹ thì e dè xấu hổ, sợ người bên ngoài chê cười nên không tỏ thái độ cung kính. Trong khi đó, đối với người tình, vợ con thì vui vẻ, sáng đưa tối đón, cung cấp tài vật đầy đủ nhưng không thấy xấu hổ.
Đối với con gái, một khi lấy chồng rồi thì ít lần tới lui thăm viếng, dành trọn thời gian chăm sóc bên chồng. Cha mẹ trách nhẹ thì trở nên hờn tủi, trong khi phục vụ cho nhà chồng thì cam lòng chịu đựng. Khác họ khác hàng mà mặn nồng thân ái, tình thâm cốt nhục thì trở thành người xa.
Những kẻ bất hiếu như vậy, sống thì bị người khinh bỉ, xã hội lánh xa; sau khi chết thì rơi vào chốn đau khổ, tâm thức lang thang, không nơi nương tựa.
02.
Pháp sư Đạo Thế (? - 683) đã trích dẫn nhiều gương hiếu thảo và tình trạng bất hiếu để viết thành hai chương Trung hiếu và Bất hiếu trong Pháp uyển châu lâm truyện, quyển 49. Ở phần mở đầu, tác giả nêu ra một câu mang tính gợi mở về hai nhân vật đối nghịch nhau là Đổng Ảm và Vương Ký: “Trộm nghe rằng, người có đức hiếu, thành, trung, kính thì thanh cao vượt hơn đức hạnh của Đổng Ảm; ngược lại, kẻ khinh mạn cha mẹ tôn quý thì tội lớn hơn tâm ác độc của Vương Ký”.
Đổng Ảm, tự Thúc Đạt, người làng Thạch Đài, huyện Cú Chương sống thời Đông Hán (25 - 220). Thuở nhỏ mồ côi cha, gia cảnh nghèo túng, hằng ngày bổ củi kiếm tiền nuôi mẹ. Mẹ ông nhiễm bệnh, muốn uống nước tại nguồn nơi làng quê mình sinh ra. Thuận chiều theo ý mẹ, ông hằng ngày phải quay về quê lấy nước cho mẹ. Mỗi lần về quê ngoại lấy nước ở hồ Vĩnh Xương, tại đầu nguồn khe Đại Ẩn phải mất 20 dặm. Vì giữ cho nước trong sạch, không vẩn đục để về dâng mẹ nên suốt đoạn đường trở về nhà, Ảm nâng thùng trước ngực, tuyệt đối không chuyển gánh qua vai kia.
Thế nhưng, khe Đại Ẩn nằm ở phía Tây, cách thành quá xa, mỗi ngày đều đi lấy nước sẽ không tiện. Vì đáp ứng nhu cầu của mẹ, Đổng Ảm bèn dựng túp lều tranh bên cạnh khe và rước mẹ đến đó ở, hằng ngày lấy nước khe cho mẹ uống. Mấy năm sau, không những mẹ ông dần dần khỏi bệnh mà thân thể khỏe mạnh, da dẻ óng ả hồng hào.
Gần nhà phía Đông của Đổng Ảm có thanh niên tên Vương Ký, nhà giàu nhưng bất hiếu. Một lần nọ, mẹ Ký hỏi mẹ Ảm rằng: “Nhà tôi khá giả hơn nhà bà, nhưng tại sao sức khỏe tôi chẳng bằng bà vậy?” Mẹ Ảm trả lời: “Mặc dù nhà tôi nghèo nhưng con trai tôi rất có hiếu, phụng dưỡng tôi chu đáo, tâm lý vui vẻ thoải mái thì sức khỏe tôi tự nhiên tốt lên thôi!”
Nghe xong, mẹ Vương Ký thường đem hành vi hiếu thảo của Đổng Ảm nuôi mẹ để ngầm ý trách con nên Ký sinh tâm thù ghét. Một ngày nọ, nhân lúc Đổng Ảm không có nhà, Ký xông thẳng vào nhà sỉ nhục mẹ Ảm, và lôi bà ra đánh trọng thương. Mẹ Ảm ôm hận vô cùng, không lâu sau đó thì mất.
Đổng Ảm ngày càng căm giận khôn nguôi, muốn lập tức sang báo thù, nhưng nghĩ đến mẹ Ký chỉ có một mình y là con trai, nếu bây giờ giết y thì cuộc sống của mẹ y không được bảo toàn, nên trong lòng không nỡ, phải từ từ đợi cơ hội khác vậy. Những lúc nằm canh mộ mẹ, Đổng Ảm lúc nào cũng không quên việc báo thù cho mẹ nên mỗi khi ngủ đều đặt chiếc rìu dưới gối.
Đợi đến khi mẹ Vương Ký qua đời, Ảm đến tận nhà chặt lấy đầu Ký để dâng cúng vong hồn mẹ mình, rồi sau đó tự trói thân cho người mang đến quan phủ tự thú. Quan phủ hiểu động cơ giết người của Ảm là để báo thù cho mẹ, nhưng theo hình luật bấy giờ, ai phạm tội giết người đều đáng chết, quan phủ đành phải bẩm báo lên triều đình. Lúc ấy, Hán Hòa đế biết được hiếu tâm của Đổng Ảm, không những miễn tội cố sát cho ông mà còn ban ông chức Lang trung, hưởng bổng lộc triều đình. Cuối đời ông mất trong rừng, thọ 80 tuổi. Người làng quê ngoại ông cảm mến hiếu hạnh ông nên gọi khe Đại Ẩn thành Từ Khê (Suối Tình thương). Hiếu hạnh của Đổng Ảm được ghi vào Hiếu tử truyện của Trung Quốc để lưu hành rộng rãi.
Mặc dù câu chuyện trên có tình tiết “chặt đầu” để báo thù hơi dã man, không thể hiện được tâm buông xả theo tinh thần nhà Phật, nhưng nhìn theo tâm lý xã hội “ơn đền oán trả” của dân tộc Hán lúc bấy giờ thì việc báo thù cho mẹ như vậy là điều chấp nhận được đối với đạo làm con. Phật giáo khuyên người đời trừ bỏ tâm oán thù mà thay vào đó bằng tình thương và hạnh nhẫn nhục, “lấy oán báo oán, oán kia chất chồng; lấy ân báo oán, oán kia tiêu diệt”.
03.
Trong kinh Phật thuyết Thiểm tử99 cũng ca ngợi hiếu hạnh của người con tên Thiểm chịu khó nuôi dưỡng cha mẹ mù trong rừng sâu.
Chú thích:
99 Kinh Phật thuyết Thiểm tử, sa-môn Thánh Kiên vâng chiếu dịch thời Tây Tấn, Đại Chính tạng, tập 03, số hiệu 175, tr.438, b7. Trong kinh Lục độ tập, kinh số 43, cũng ghi lại câu chuyện này - Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.678 - 682.
Vào thuở quá khứ vô số kiếp không thể nghĩ lường, có Bồ-tát tên Từ Tuệ, cứu tế quần sinh, thường thực hành bốn tâm vô lượng: Từ - bi - hỷ - xả, độ đời nguy ách, thương nuôi người nghèo khổ. Bấy giờ, ngài trú tại cung trời Đâu-suất (tuṣita), dạy dỗ trời người.
Đối với những ai hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ Tam bảo, vâng hầu sư trưởng, tu các công đức thì ngài đều để mắt đến.
Lúc ấy, tại nước Ca-di có hai vợ chồng trưởng giả đều mù nhưng không con, sống cô độc, muốn vào núi cầu tuệ vô thượng, tu chí thanh tịnh, tin ưa vắng lặng. Bồ-tát nghĩ rằng: “Người này phát khởi ý muốn học đạo nhiệm mầu, nhưng hai mắt mù không còn thấy được. Nếu vào núi rừng mà chẳng may rơi vào hang sâu, gặp loài trùng độc thì rất hiểm nguy. Nếu giờ đây tuổi thọ ta hết, ta sẽ đầu thai làm con của hai người để cung dưỡng họ đến trọn cuộc đời”. Bồ-tát liền vãng sinh, thác thai làm con trai vợ chồng người mù. Cha mẹ yêu con rất mực.
Trước đây, hai người đã phát nguyện vào núi tu đạo, nhưng từ ngày sinh con nên còn đam luyến thế gian.
Năm lên 7 tuổi, cha mẹ đặt con tên Thiểm. Thiểm chí hiếu, nhân từ, phụng hành mười điều lành: Không giết hại, không trộm cắp, không dâm dật, không lừa dối, không uống rượu, không vọng ngữ, không đố kỵ, tin đạo không nghi, ngày đêm tinh tấn, phụng hầu cha mẹ như người hầu trời; lời nói thường vui vẻ, không tổn thương lòng người, hành động luôn đúng pháp, không tà vạy nên cha mẹ Thiểm rất lấy làm hoan hỷ, chẳng chút lo buồn.
Đến năm 10 tuổi, Thiểm quỳ thưa cha mẹ: “Cha mẹ vốn phát nguyện vào núi sâu để cầu đạo vắng lặng vô thượng, há vì con mà bỏ đi lời nguyện ấy sao? Người sống ở đời, vô thường trăm đổi, mạng sống chẳng phải là vàng đá, chẳng biết tan biến lúc nào, cha mẹ nên giữ nguyện cũ, con sẽ đi theo vào núi để hầu cận phụng dưỡng cha mẹ không trái thời tiết”. Cha mẹ Thiểm đồng ý vào núi tu đạo. Thiểm đem tất cả của cải trong nhà bố thí cho những người bần cùng, rồi theo cha mẹ vào núi sâu.
Một ngày nọ, cha mẹ khát nước, Thiểm khoác áo da hươu cầm bình đi lấy nước ở suối. Hươu nai, chim chóc, muông thú cũng đến uống nước, người vật chẳng hề sợ nhau. Bấy giờ, vua nước Ca-di vào núi săn bắn. Nhìn thấy bầy hươu bên suối, vua giương cung bắn, mũi tên bay lạc trúng vào ngực Thiểm. Bị trúng tên độc, toàn thân đau nhức, gào khóc lớn tiếng: “Ai bắn một mũi tên mà giết chết cả ba đạo nhân?” Vua nghe tiếng người, bèn xuống ngựa đến trước mặt Thiểm. Thiểm tâu vua rằng: “Voi vì ngà mà chết, tê giác vì sừng mà chết, chim trả vì lông mà chết, hươu nai vì da thịt mà chết; còn tôi đây không sừng, không ngà, không lông, không da thịt, nay có tội gì mà bị bắn giết?”
Vua hỏi: “Khanh là người nào? Sao lại khoác áo da hươu giống với cầm thú như thế?”
Thiểm thưa: “Tôi là người trong nước của quốc vương, cùng cha mẹ mù vào đây học đạo đã hơn 20 năm, chưa từng bị loài cọp sói trùng độc làm hại, nhưng nay lại bị vua bắn chết”.
Bấy giờ, gió bão đùng đùng nổi lên thổi gãy cây cối, trăm loài chim muông buồn kêu thảm thiết, bầy thú rừng gầm rú vang dội cả khu rừng. Mặt trời không chiếu, suối nguồn ngưng chảy, trăm hoa héo úa, sấm sét rền vang. Lúc ấy ở khu rừng sâu, cha mẹ Thiểm hoảng sợ nghĩ rằng: “Cớ gì mà có sự thay đổi lạ thường đến thế! Thiểm đi lấy nước đã lâu chưa về, chẳng lẽ bị trùng độc làm hại sao?”
Vua lấy làm hối hận và tự trách: “Ta vốn muốn bắn đàn hươu nhưng bắn nhầm đạo nhân, tội này rất nặng, vì tham chút thịt mà chịu tai ương này, giờ muốn đem trân báu để cứu mạng ngươi”.
Thiểm thưa: “Chẳng phải là lỗi của vua! Tội nghiệp của chính tôi trong kiếp trước đã đến lúc phải đón nhận, tôi không tiếc thân này, chỉ nghĩ đến cha mẹ tôi ở nhà mà thôi. Tuổi đã già suy lại thêm hai mắt bị mù, một ngày không có tôi chắc cha mẹ cũng sẽ chết mất, vì không ai chăm sóc. Do đó, tôi cảm thấy đau xót mà thôi!”
Bấy giờ, hết thảy chư thiên, rồng, thần đều cung kính cảm động. Vua thầm nguyện: “Ta thà vào địa ngục để chịu tội này, miễn sao giúp thân mạng Thiểm được sống”. Rồi quỳ trước mặt Thiểm hối lỗi: “Nếu khanh mệnh chung, ta sẽ không quay về triều đình nữa mà ở lại núi rừng để cung dưỡng cha mẹ mù của khanh. Khanh chớ lấy làm lo buồn, vì chư thiên, rồng, thần đều đang chứng tri, ta sẽ không phụ lời thề hứa”.
Vua nói tiếp: “Khanh nên chỉ chỗ ở của cha mẹ để ta đến đó!”
Thiểm thưa: “Từ con đường mòn này mà đi, cách đây không xa, sẽ thấy túp lều cỏ, cha mẹ tôi đang ở đó. Vua từ từ mà đến, kẻo khiến song thân giật mình hoảng sợ. Ngài hãy dùng phương tiện để giãi bày ý tôi. Ngài nên vì tôi mà thưa với song thân rằng, giờ đây vô thường đã đến, sẽ gặp nhau ở kiếp sau. Tôi không tiếc thân mạng, chỉ thương nhớ cha mẹ già suy, không có tôi để nương tựa. Tôi chết là do nghiệp kiếp trước gây ra, không thể trốn thoát nên bây giờ tự sám hối. Từ vô số kiếp mang thân người đến nay, các điều xấu ác đã lỡ tạo, xin cho tội chướng tiêu diệt, nguyện đời đời được gặp cha mẹ, sẽ không cách xa nhau. Xin cho cha mẹ suốt đời bình an, chớ có lo buồn, trời rồng quỷ thần thường theo hộ trợ, tai nạn tiêu trừ, muốn gì được nấy, vô vi tự nhiên!”
Khi đến nơi, vua thưa rằng: “Ta là vua nước Ca-di, nghe đạo nhân mù học đạo ở núi này nên ta đến cúng dường”.
Song thân Thiểm thưa: “Cúi tạ đại vương đến đây thăm hỏi, từ xa băng đồng cỏ hoang quá vất vả, thế long thể có được an ổn chăng? Phu nhân, thái tử, quan thuộc ở trong cung đều an ổn, tốt lành cả chứ? Mưa gió có điều hòa, lúa thóc có được mùa chăng? Nhân dân các nước lân cận không xâm hại nhau chăng?”
Vua đáp: “Đội ơn đạo sĩ, tất cả đều bình yên!”
Cha mẹ Thiểm thưa: “Đội ơn đại vương! Tôi có người con hiếu thảo tên là Thiểm. Hằng ngày thường hái quả ngọt, múc nước suối về đầy đủ, nhà chỉ có chiếu cỏ mời vua có thể ngồi nghỉ ngơi một chút. Thiểm đi lấy nước, chắc đang trở về”.
Vua nghe hai đạo sĩ mù nói, lại quá thương tâm mà rơi lệ thưa rằng: “Tội trẫm thật nặng, khi vào núi săn bắn, từ xa nhìn thấy bầy hươu bên suối đang uống nước nên giương cung bắn, nhưng không ngờ mũi tên bay trúng nhầm người Thiểm. Đạo nhân Thiểm đã bị tên độc, đau đớn tột độ, vì vậy mà trẫm đến đây nói thật cho đạo nhân biết!”
Cha mẹ Thiểm nghe xong, toàn thân như bị đánh, rung động như Thái Sơn đang vỡ từng mảng, ngẩng lên trời cao than khóc, tự bộc bạch rằng: “Thiểm con tôi là người chí hiếu trong thiên hạ, chẳng gây lỗi lầm, đạp đất cũng sợ đất đau, có tội tình gì mà bắn giết nó?”
Người mẹ khóc than, không thiết sống nữa. Cha Thiểm bèn nói: “Thôi thì, người sống trên đời, chẳng ai mà không chết. Vô thường đến rồi thì có chạy trốn cũng chẳng đặng!”
Cha Thiểm hỏi vua: “Thiểm bị bắn lúc nào? Nay còn sống hay chết?”
Vua đem lời nhắn gửi của Thiểm để thưa với song thân. Cha mẹ Thiểm nghe xong, hết sức cảm động: “Một mai không có con, chúng tôi cũng sẽ chết. Thưa đại vương! Bây giờ ngài có thể dẫn hai thân già này đến bên thi thể con tôi được không?”
Vua liền dẫn cha mẹ Thiểm đến bên xác con, cha ôm đầu Thiểm, mẹ ôm hai chân rồi hôn lên gối Thiểm. Cả hai lấy tay sờ trên vết mũi tên, rồi ngửa mặt lên trời than vãn: “Hỡi chư thiên, long thần, thần núi, thần cây! Con tôi tên Thiểm, chí hiếu trong đời, thiên long quỷ thần đều rõ. Tôi tuổi đã già, mắt nhìn chẳng thấy, thà đem thân này chết thay cho Thiểm, miễn sao Thiểm sống lại tôi cũng không lấy làm tiếc!”
Bấy giờ, trời Đế Thích và Tứ Thiên vương trông xuống, thấy hai đạo sĩ mù lòa ôm thi thể con than khóc, liền đến chỗ Thiểm lấy thần dược linh diệu đổ vào miệng Thiểm, tự nhiên tên độc bật ra, Thiểm lập tức sống lại. Cha mẹ thấy Thiểm sống lại, mừng quá và hai mắt mở to, sáng lại như xưa. Chim bay, thú chạy đều ca tiếng hoan hỷ, gió ngưng mây tạnh, mặt trời sáng soi, nước suối phun lên mùi vị trong mát.
Bấy giờ, quốc vương hoan hỷ tột cùng, đảnh lễ trời Đế Thích, bái lễ cha mẹ Thiểm và nói: “Xin đem tất cả tài sản trong nước dâng cho đạo nhân tùy nghi bố thí, hòng giúp ta tội chướng tiêu diệt, mãi mãi không còn!”
Thiểm thưa vua rằng: “Muốn khởi lòng làm phúc, vua nên quay về nước mình để an ủi nhân dân và dạy họ giữ giới. Vua chớ ham săn bắn nữa, nếu giết càn kẻ vô tội thì bản thân vua chẳng yên ổn, sau khi chết sẽ vào địa ngục không thể cứu được. Người sống ở nhân gian, ân ái tạm thời, nhưng biệt ly lâu dài, chẳng ai sống mãi. Vua đã vun bồi phúc đức từ kiếp trước, nay mới được làm quốc vương, chớ khởi lòng kiêu hãnh buông lung. Do tính buông lung nên dễ tạo nhiều nghiệp ác, sau vào nẻo ác, hối hận cũng chẳng ích gì!”
Vua đáp: “Trẫm vâng theo lời chỉ giáo!” Đoàn tùy tùng theo vua săn bắn, thấy Thiểm chết rồi mà uống thần dược cõi trời sống lại, cha mẹ Thiểm mù lòa mà hai mắt được sáng như xưa, họ đều phát nguyện giữ gìn năm giới, tu hành mười điều lành, sau khi chết được sinh lên cõi trời, không đọa nẻo ác.
Phật bảo A-nan: “Hỡi những người đến pháp hội này! Người tên Thiểm thuở xưa là thân ta; người cha mù là vua Tịnh Phạn; người mẹ mù nay là phu nhân Ma-da; quốc vương Ca-di nay là A-nan; trời Đế Thích nay là Di- lặc vậy”.
Phật lại bảo A-nan: “Ta kiếp trước làm người con nhân hiếu, được vua thương yêu nuôi nấng, được nhân dân tôn kính, tự dốc chí tu tập để thành đấng tôn quý trong ba cõi”.
04.
Do lòng tham và vô minh nên thái tử A-xà-thế âm mưu lật đổ ngai vàng rồi bắt giam vua cha Tần-bà-sa-la vào ngục. Việc này xảy ra vào thời đức Phật còn tại thế. Câu chuyện được ghi lại trong kinh Phật nói về Vị Sinh Oán thể hiện sự bất hiếu tận cùng của con đối với cha mẹ100.
Đề-bà-đạt-đa101 thấy dân chúng đều đến cúi đầu đảnh lễ, cung kính cúng dường đức Phật nên ganh tị vô cùng, rồi đến nói với thái tử A-xà-thế: “Cha ngươi chở nhiều vật báu của đất nước dâng cho Phật và các sa-môn, kho tàng của quốc gia cạn kiệt, nên ngươi sớm tìm kế lên ngôi, ta sẽ khởi binh đánh Phật. Thái tử làm vua, ta sẽ làm Phật, cả hai đều đạt được địa vị của mình, há không tốt hay sao?”
Chú thích:
100 Kinh Phật thuyết Vị Sinh Oán 佛說未生冤, Đại Chính tạng, tập 14, số hiệu 507, tr.774, b23.
101 Đề-bà-đạt-đa 提婆達多 (Skt. Devadatta): Là một vị ác tỷ-kheo thời đức Phật phạm năm nghịch tội, phá hoại Tăng đoàn, chống phá đức Phật. Ông là con của vua Hộc Phạn (Droṇodana), tức em con chú bác của đức Phật. Thuở nhỏ thường học tập các môn kỹ nghệ với thái tử Tất-đạt-đa, A-nan.
Ông tỏ ra là đứa trẻ tinh ranh khác thường, luôn cạnh tranh với Tất-đạt-đa. Sau khi đức Phật thành đạo, ông theo Phật xuất gia, tinh tấn tu tập ròng rã trong 12 năm nhưng không đạt được thánh quả nên thoái tâm, dần dần sinh ác ý, muốn học thần thông để được lợi dưỡng nhưng đức Phật ngăn cấm. Ông bèn đến tu học với Thập Lực Ca-diếp, chứng được thần thông, nhận sự cúng dường của thái tử A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà. Từ đó, ông sinh tâm kiêu mạn, muốn thay Phật để lãnh đạo giáo đoàn nhưng không được đức Phật cho phép. Ông rủ 500 đồ chúng tách khỏi giáo đoàn, tự xưng là đại sư, chế phép tắc sinh hoạt riêng.
A-xà-thế nghe theo, sai vị đại thần có sức mạnh đoạt lấy ấn tín, giam phụ vương vào ngục. Lòng vua điềm nhiên xem như oan nghiệp tiền kiếp, nên không lo sợ, càng tin lời Phật dạy: “Trời đất, nhật nguyệt, núi Tu-di và biển cả có thành ắt có hoại, có thịnh ắt có suy, có hợp ắt có tan, có sinh ắt có tử, lưu chuyển vô cùng. Thân thể này còn chưa giữ được, huống gì là gìn giữ quốc gia!”
Vua nói với thái tử A-xà-thế: “Thuở nhỏ, mỗi khi con bị bệnh, lòng ta bứt rứt, muốn đem thân này chịu nguy thay con. Nói về ân nghĩa và tình thương của cha mẹ thì chỉ có trời mới cao hơn mà thôi. Tâm con muốn gì mà nhẫn tâm làm việc ác nghịch như vậy? Phàm kẻ nào giết hại cha mẹ, chết sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu những cực hình không bao giờ dừng nghỉ. Ta là cha con, con hiếu kính, tôn trọng còn sợ không xứng đáng, huống gì là giết ta. Ta muốn đem quốc gia giao cho con, rồi đến chỗ Phật cầu xin xuất gia làm sa-môn vậy”.
Thái tử nói: “Ông chớ nhiều lời! Tôi giờ đã đạt được ước nguyện xưa, đâu có thể buông tha ông được!”
Vì muốn để vua chết đói nên thái tử ra lệnh cho người giữ ngục không được mang thức ăn đến cho vua. Ở trong ngục tối, vua Tần-bà-sa-la vọng hướng về nơi Phật trú ngụ cúi đầu đảnh lễ, thưa: “Thái tử có ác tâm ngút trời, mà lòng con không một mảy may phẫn hận”.
Hoàng hậu thấy vậy bèn nói với thái tử: “Đại vương bị xiềng xích chân tay, đau đớn trong lao ngục, ngồi nằm phải nhờ người, khổ đau khó nói. Từ khi sinh con ra đến nay, tình thương tha thiết của cha trao hết cho con, khi ăn uống ngủ nghỉ cũng luôn nhớ nghĩ đến con. Khi thân con đau ốm, cha vừa kê đầu xuống gối là nhớ đến con nên nước mắt tuôn trào, tâm cháy thân khô, muốn đem thân mạng chết thay cho con. Con nên duy trì cái đức dưỡng dục của trời người, chớ làm điều ác nghịch như vậy! Phật dạy: ‘Cùng cực của điều thiện không gì lớn bằng hiếu, điều ác lớn nhất là giết hại cha mẹ’. Lớn nhỏ kính nhường nhau thì trời sẽ giúp cho, huống gì là bậc cha mẹ. Con theo kẻ bạo ngược, gây tội ác nặng nề này nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục chịu sự đau khổ. Nếu thỏa ý với việc làm ấy thì sau này chắc chắn con sẽ hối hận không kịp!”
Mặc dù hoàng hậu thành ý can gián nhưng thái tử không nghe. Hoàng hậu bèn xin thái tử vào lao ngục thăm vua. Mỗi lần chuẩn bị đi, hoàng hậu tắm rửa thân thể sạch sẽ, lấy mật trộn với bột bôi lên mình, vào thăm vua để vua lột lớp bột trộn với mật ong ra ăn cho đỡ đói.
Thấy giam ở ngục đã lâu mà vua cha chưa chết, thái tử hỏi duyên do thì được biết hoàng hậu lén cung ứng thức ăn cho vua hằng ngày. Từ đó, thái tử cấm tuyệt hoàng hậu vào thăm. Mỗi lần bụng đói cồn cào, vua đều hướng vọng về chỗ Phật cư ngụ để đảnh lễ thì liền cảm thấy hết đói. Đêm đến, có ánh hào quang của Phật chiếu đến khe cửa, thái tử biết tin, bèn ra lệnh đóng bít hết cửa sổ, chặt bàn chân vua để khỏi đứng dậy nhìn ánh hào quang của Phật.
Đức Phật từ xa nói kinh cho vua: “Phàm làm thiện thì được phúc, tạo ác thì chuốc họa, phải thật cẩn thận!”
Vua thưa: “Nếu cắt chân tay ra từng đoạn, chặt chém thân này, con cũng không bao giờ nghĩ điều ác”.
Đức Phật đem thân phận mình để an ủi vua Tần-ba-sa-la: “Ta thành Phật, mặt trời, mặt trăng, rồng, quỷ thần trong tam thiên đại thiên thế giới đều kính lễ, nhưng vẫn còn quả báo sót lại của đời trước, nay cũng không tránh khỏi, huống gì là hạng phàm phu!”
Vua nghẹn ngào nức nở rồi băng hà. Thần dân cả nước ai cũng đều tiếc nuối, thương cảm.
Trong vòm trời này, người hiếu kính cha mẹ khá nhiều mà kẻ bất hiếu cũng không ít. Sự xóa nhòa ranh giới về đời sống văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia, khu vực giúp mỗi người giao lưu học hỏi để tự hoàn thiện bản thân và có cái nhìn thông thoáng hơn. Tuy nhiên, một khi tiếp nhận lối sống tự do của phương Tây thái quá mà không biết cách chọn lọc, chạy theo lối sống ưa chuộng vật chất, đề cao vai trò cá nhân, buông tuồng theo ham muốn để thỏa mãn các cảm xúc, người ta dễ đánh mất những giá trị truyền thống cao đẹp từ gia đình và bản sắc văn hóa dân tộc. Không ít thanh thiếu niên hiện nay coi thường người già cả, khinh họ lạc hậu, cổ hủ, chậm tiến, nhưng đâu biết rằng kinh nghiệm sống của thế hệ cha ông là những bài học vô cùng bổ ích cho thế hệ trẻ chúng ta.