Hiếu kính phụ mẫu trở thành nghĩa cử cao đẹp của các tầng lớp xã hội Trung Hoa từ hoàng tộc đến thứ dân, nên nhiều gương hiếu thảo được biên soạn trong sách giáo khoa, hoặc được phổ cập trong quy định pháp luật Nhà nước, hoặc thể hiện qua thơ ca, hội họa. Phật giáo Việt Nam đã ảnh hưởng sâu đậm bởi hệ thống kinh điển Hán truyền nên cách nhìn nhận về hiếu đạo cũng không có gì khác so với Phật giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, qua sự tiếp biến văn hóa Trung Hoa, ở từng giai đoạn lịch sử, quan niệm về hiếu đạo của Việt Nam có sự khúc xạ khá rõ nét. Chế độ phong kiến Trung Hoa quan niệm “trung với vua, hiếu với cha mẹ”, nhưng ở Việt Nam thì thay đổi thành một quan niệm mới “trung với nước, hiếu với dân” trong thời đại Nguyễn Trãi và thời đại Chủ nghĩa xã hội.
Phật giáo ra đời tại xã hội Ấn Độ mang đậm phong cách của nền triết học thiền định, thiên về phương pháp quán chiếu tự thân, chuộng giá trị thực tế, nhìn cuộc đời là vô thường, khổ, vô ngã, chú trọng con đường giải thoát khổ đau từ mọi ràng buộc của đời sống nhân gian để hướng đến mục tiêu niết-bàn tịnh lạc. Còn cảm thức người Trung Quốc từ rất lâu luôn đề cao nhân luân theo quan hệ tôn ti trật tự khép kín “quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu”. Phật giáo gọi đây là pháp hữu vi, không mang tính cố định, vì nó dịch chuyển theo các điều kiện thời gian, địa hạt, tư tưởng, dân tộc, v.v. Nó quy định bổn phận và trách nhiệm chặt chẽ trong tông tộc theo khuôn mẫu của lễ giáo Nho gia, mà không mang giá trị phổ quát, không xuyên suốt lợi ích không gian và thời gian. Sau khi truyền nhập Trung Quốc, Phật giáo tìm mọi cách để hòa điệu dễ dàng với tư duy và hành vi thực tiễn thể hiện hiếu đạo của người Trung Quốc trong môi trường xã hội vốn tồn tại một nền văn hóa hiếu kính được xây dựng trên luân thường đạo lý của Nho gia. Công việc hòa nhập và lan tỏa văn hóa Phật giáo này là nhiệm vụ của các Tăng nhân hoằng pháp người Ấn Độ, Tây Vực trong buổi đầu Phật giáo du nhập và các thiền sư Trung Hoa trong những triều đại kế tiếp về sau.
Giao lưu và tiếp biến văn hóa không thể diễn ra một sớm một chiều, hoặc theo kiểu tự nhiên dân tộc này thấm nhuần nét văn hóa của dân tộc khác, mà nó được tiếp biến bởi sức hấp dẫn tự nó của nền văn hóa mới và khả năng truyền thụ của những nhà truyền bá văn hóa. Hay nói đúng hơn, văn hóa Phật giáo muốn thâm nhập vào xã hội Trung Hoa phải nhờ sức cuốn hút của bản thân giáo lý đạo Phật và khả năng truyền bá khéo léo của các nhà truyền giáo Ấn - Trung qua quá trình lâu dài. Nếu vẫn bảo thủ khư khư những quan niệm và hành hoạt nguyên thủy tại xã hội Ấn Độ, chắc chắn rằng sự ảnh hưởng trên con đường hòa nhập và giáo hóa của Phật gia sẽ gặp nhiều chướng ngại, thậm chí còn khó khăn để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong một xã hội đặt nặng mối quan hệ tông tộc và nhập thế.
Để tìm hướng đi cho Phật giáo nhằm tạo ảnh hưởng sâu rộng trong một xã hội mang nặng tinh thần nhập thế và mối quan hệ tông tộc, các nhà sư Phật giáo buộc phải uyển chuyển tùy duyên trong phương thức truyền bá Phật pháp. Vấn đề đầu tiên là họ cần phải chọn lựa những ngôn từ, khái niệm, tư tưởng mang cảm thức gần gũi với chế độ tông tộc Trung Quốc để phiên dịch và biên soạn kinh điển. Từ lý do này, các Tăng nhân bắt đầu phiên dịch, biên soạn và lưu hành những kinh điển cần thiết và thực tế nhất. Trong đó, kinh điển nói về luân lý hiếu kính được phiên dịch và biên soạn để đáp ứng nhu cầu cho mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội.
Theo những nhà nghiên cứu Phật học uy tín, trong ý niệm của văn hóa Ấn Độ cổ đại người ta không sử dụng chữ “hiếu” như xã hội Trung Hoa và Việt Nam. “Cần nhớ là chữ hiếu trong tiếng Phạn không có một từ tương đương với chữ hiếu của tiếng Hán”66. Mặc dù không có chữ “hiếu” mang hàm nghĩa tương đương nhưng điều đó không có nghĩa là người Ấn Độ không hiếu kính cha mẹ. Điều này được thể hiện trong kinh Đà-nhiên thuộc kinh Trung bộ. Khi Xá-lợi-phất du hành tại thành Vương Xá, nghe các tỷ-kheo khác nói về vị thanh niên Bà-la-môn tên là Đà-nhiên (Dhānañjāni) sống cuộc đời phóng dật67, ỷ thế nhà vua, coi thường các Bà-la-môn cư sĩ; lại ỷ thế Bà-la-môn cư sĩ, coi thường nhà vua.
Chú thích:
66 Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.54.
67 Phóng dật (Skt. pramāda): Tên một loại tâm sở, tức là trạng thái tinh thần buông lung dục vọng mà không siêng năng tu tập các pháp lành.
Sau khi nghe xong, tôn giả Xá-lợi-phất tìm đến tận nơi để xem thật giả thế nào. Khi gặp Đà-nhiên đang vắt sữa bò, cả hai chào hỏi nhau và Xá-lợi-phất hỏi Đà-nhiên có sống phóng dật như lời các tỷ-kheo đã nói vừa rồi không. Đà- nhiên trả lời: “Thưa tôn giả Xá-lợi-phất! Chúng tôi còn phải phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, nuôi dưỡng nô bộc; phải làm tròn bổn phận đối với bạn bè; phải làm tròn bổn phận đối với thân tộc, huyết thống; phải làm tròn bổn phận đối với tân khách; phải làm tròn bổn phận đối với tiên tổ, v.v. thì làm sao chúng tôi có thể không phóng dật được!”68
Chú thích:
68 Kinh Trung bộ, 97, kinh Đà-nhiên 中部經典第 九七陀然經, Đại Chính tạng, tập 11, số hiệu 05, trang 199, a14.
Lý do thanh niên Bà-la-môn này không chịu khép mình trong các phẩm chất đạo đức xã hội bấy giờ là vì điều kiện mưu sinh, trong phụng dưỡng cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với những thành viên trong thân tộc, thờ cúng tiên tổ, ngoài ra còn phải giao tế với bạn bè, khách khứa. Điều đó chứng tỏ rằng, tầng lớp đứng đầu trong xã hội Ấn Độ cổ đại - giai cấp Bà-la-môn - vẫn coi trọng lòng hiếu kính đối với song thân và tổ tiên sinh trưởng ra mình.
Trong kinh Phật thuyết Tịnh Phạn vương ban-niết-bàn ghi lại câu chuyện cảm động của đức Phật về thăm lại hoàng cung khi phụ vương sắp lìa đời. Vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, các thái y hết lòng điều trị nhưng bệnh mỗi ngày nặng thêm vì thân tứ đại đã rệu rã dần qua năm tháng. Song, vua còn đau đáu một nỗi niềm khi sắp lìa đời, đó là chưa thể gặp lại những người thân thuộc huyết thống trong hoàng cung đã xuất gia và hành đạo phương xa như: con trai Tất-đạt-đa và Nan-đà, người cháu gọi bằng chú là A-nan-đà và cháu nội là La-hầu-la.
Bấy giờ, đức Phật ngự tại núi Linh Thứu, dùng thiên nhãn thanh tịnh nhìn thấy phụ vương hấp hối với những trăn trở chưa giải tỏa được, bèn nói sự tình này với Nan-đà, A-nan-đà và La-hầu-la. Cả bốn người đồng ý cùng về thăm quốc vương lần cuối. Hay tin từ xa, vua Tịnh Phạn tinh thần phấn chấn, xả tâm ưu sầu, bỗng nhiên ngồi dậy, cũng vừa đúng lúc đức Thế Tôn tiến vào hoàng cung. Nhìn thấy Thế Tôn, phụ vương đưa hai tay ra ôm chân Thế Tôn và nói: “Duy nguyện Như Lai, hãy dùng bàn tay chạm vào thân ta để ta được an ổn. Ta bị bệnh vây, như ép dầu vừng, đau khó chịu đựng. Mạng ta sắp mất, khó phục hồi được. Nay lần cuối cùng, được thấy Thế Tôn, đau nhớ liền dứt”.
Phật thưa: “Kính xin phụ vương chớ có ưu sầu, vì đạo đức của phụ vương trong sáng hoàn hảo, chẳng chút khiếm khuyết”. Từ trong tấm áo ca-sa, đức Phật đưa cánh tay sắc vàng, dùng lòng bàn tay như hoa sen đặt trên trán phụ vương, rồi an ủi: “Phụ vương là người giữ giới hạnh thanh tịnh, tâm cấu nhiễm đã xa lìa, bây giờ đây phải hoan hỷ, không nên phiền não. Phụ vương nên nhớ nghĩ ý nghĩa các kinh pháp đã dạy, mọi thứ đều không chắc chắn, phải giữ tâm chí kiên cố để gieo căn lành. Vì vậy, phụ vương hãy hoan hỷ, dù mạng sống có kết thúc nhưng tự mình tâm ý phải thư thái”.
Vua Tịnh Phạn vô cùng hoan hỷ khi nghe những lời an ủi và bài giảng pháp về vô thường của đức Thế Tôn vào cuối đời. Vua nắm lấy bàn tay Thế Tôn đặt lên trái tim mình, rồi chắp hai tay tỏ lòng cảm tạ. Vô thường chợt đến, vua nhẹ nhàng rũ bỏ tấm thân già nua lắm bệnh như trút bỏ chiếc áo cũ rách đã mặc lâu ngày.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nghĩ vào đời sau những kẻ bất hiếu, tính tình hung bạo sẽ không biết báo đáp ân đức dưỡng dục của cha mẹ, hủy bỏ lễ giáo phép tắc nên đích thân ngài kề vai khiêng quan tài của phụ vương đến mộ địa69. Hành động ấy là bài học về gương hiếu hạnh của bậc xuất trần thượng sĩ. Dù đã xuất gia thành Phật, làm thầy của trời người nhưng ngài vẫn nhớ ơn và đền ơn đấng sinh thành dưỡng dục với bổn phận và trách nhiệm của một người con hiếu kính.
Chú thích:
69 Kinh Phật thuyết Tịnh Phạn vương ban-niết-bàn 佛說淨飯王般涅槃經, Đại Chính tạng, tập 14, số hiệu 512, tr.781, a23.
Những kinh điển gần nhất với lời Phật dạy về đức hiếu kính cha mẹ của Phật giáo được đề cập trong A-hàm. Các kinh được liệt kê sau tuy mang cùng một nội dung về hiếu kính của con cái đối với cha mẹ nhưng được nhiều dịch giả phiên dịch theo thời gian khác nhau:
Kinh Thi-ca-la-việt lục phương lễ, 1 quyển, do Tam tạng An Thế Cao nước An Tức dịch, thời Hậu Hán (25 - 220);
Kinh Phật thuyết Thiện Sinh tử, 1 quyển, do Chi Pháp Độ dịch, thời Tây Tấn (266 - 316);
Trung A-hàm, kinh số 135, kinh Thiện Sinh, số 19, do Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà (Saṃghadeva) nước Kế-tân dịch, thời Đông Tấn (317 - 420);
Thiện Sinh kinh do Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm dịch, niên hiệu Hoằng Thủy (399 - 416) thời Hậu Tần.
Nội dung các bản dịch của kinh này đại khái như sau:
Một thuở nọ, đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kỳ cùng với 1250 vị đại chúng tỷ-kheo. Lúc ấy, đức Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành khất thực thì thấy con trai của một trưởng giả tên là Thiện Sinh hướng đến sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới để lễ lạy theo di nguyện của người cha, nhằm mang lại những điều lợi ích cho tự thân với tâm cung kính.
Đức Phật nhìn thấy, rồi khẳng định với Thiện Sinh rằng, có tên các phương đó, nhưng ngài hướng mục đích lễ lạy sang một giá trị thực tế hơn: Trong pháp của các bậc hiền thánh chân chính, điều kiện để có được an lạc và thịnh vượng thì phải biết tránh bốn sự ô nhiễm của nghiệp (sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ), không làm ác theo bốn trường hợp (tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si) và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản (đam mê rượu chè, cờ bạc, phóng đãng, đam mê kỹ nhạc, giao du bạn xấu, lười biếng). Sau đó, đức Phật nói rõ ý nghĩa tượng trưng về sáu phương cho Thiện Sinh hiểu. Phương Đông là cha mẹ; phương Nam là sư trưởng; phương Tây là thê thiếp; phương Bắc là bạn bè thân thích; phương Trên là các bậc trưởng thượng, sa-môn, Bà-la-môn; phương Dưới là tôi tớ.
Phương Đông đại diện cho cha mẹ. Xoay mặt về phương Đông bái lễ, theo pháp hiền thánh của đức Phật là sự biểu hiện mối tương quan mật thiết giữa lòng hiếu kính của con cái đối với cha mẹ và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái.
Kinh Thi-ca-la-việt lục phương lễ nói về năm việc hiếu kính cha mẹ: “Phật dạy, lễ bái hướng Đông, nghĩa là con phụng sự cha mẹ, phải có năm việc: một là phải nhớ nghĩ đến việc chăm lo đời sống cho cha mẹ; hai là dậy sớm sai nô tì lo cơm nước cho cha mẹ đúng thời; ba là không để cha mẹ sầu lo; bốn là phải nhớ ơn cha mẹ; năm là khi cha mẹ tật bệnh phải lo lắng tìm thầy thuốc chữa trị”70.
Kinh Phật thuyết Thiện Sinh tử cũng nói: “Lại nữa, này cư sĩ tử! Việc hướng mặt về phương Đông, như con diện kiến cha mẹ vậy. Vì thế, con phải lấy năm việc để kính trọng, cấp dưỡng, an lòng cha mẹ. Thế nào là năm? Nghĩ nhớ làm lụng việc nhà; phải làm tròn trách nhiệm; phải nghe lời cha mẹ khuyên dạy; phải thuận tòng cung dưỡng cha mẹ; phải làm cho cha mẹ hoan hỷ”71.
Trung A-hàm, kinh số 135, kinh Thiện Sinh, ghi: “Này cư sĩ tử! Nói về phương Đông, như vậy người con xem là cha mẹ. Con cái phải lấy năm việc để phụng kính cung dưỡng cha mẹ. Thế nào là năm? Một là cung cấp thêm nhiều tài vật; hai là làm đầy đủ các việc; ba là cha mẹ muốn gì phải cung phụng đủ; bốn là hòa nhã chẳng trái ý; năm là tất cả vật riêng đều đem dâng hiến cha mẹ”72.
Chú thích:
70 Kinh Phật thuyết Thi-ca-la-việt lục phương lễ 佛說尸迦羅越六方禮經, Đại Chính tạng, tập 01, số hiệu 16, trang 250, c11.
71 Kinh Phật thuyết Thiện Sinh tử 佛說善生子經, Đại Chính tạng, tập 01, số hiệu 17, tr.254, a9.
72 Trung A-hàm, kinh Đại phẩm Thiện Sinh 中阿含 大品善生經, Đại Chính tạng, tập 01, số hiệu 26, tr.640, c29.
Kinh Thiện Sinh dạy: “Này Thiện Sinh! Phàm là người con, nên lấy năm việc để kính thuận cha mẹ. Thế nào là năm? Một là thường cung phụng khiến cha mẹ không thiếu thốn; hai là phàm làm điều gì trước hết phải thưa cha mẹ; ba là cung kính thuận tòng những điều cha mẹ làm; bốn là không dám trái nghịch mệnh lệnh đúng đắn của cha mẹ dạy; năm là không làm đoạn tuyệt chính nghiệp mà cha mẹ làm”73.
Chú thích:
73 Phật thuyết Trường A-hàm, phần 2, kinh Thiện Sinh 佛說長阿含第二分善生經, Đại Chính tạng, tập 01, số hiệu 01, tr.70, a19.
Khảo sát nội dung ba bản kinh trên, chúng ta thấy có nhiều chỗ bất đồng về cách phiên âm và dịch nghĩa tên riêng, nhưng nói về bổn phận và trách nhiệm của người con hiếu đối với cha mẹ trong ý nghĩa lễ bái sáu phương, chúng ta thấy có nhiều chi tiết giống nhau. Sở dĩ có chỗ bất đồng này là do lúc phiên dịch, các dịch giả chọn lựa ngôn từ và sắp xếp câu cú để người Trung Hoa hiểu được tư tưởng hiếu kính của Phật giáo Ấn Độ, miễn sao nội dung các hành vi không đi quá xa với đạo hiếu.
Cũng trong kinh Tạp A-hàm, đức Phật dạy về công đức nuôi nấng của cha mẹ trong vô lượng kiếp trước không sao kể hết. Sữa mẹ mà chúng ta đã uống nhiều hơn nước biển đại dương, do chúng sinh trôi nổi trong vòng luân hồi, không hiểu biết con đường thoát ly đau khổ nên cứ đầu thai hết kiếp này đến kiếp khác. Cứ mỗi lần thoát thai, ta nhận công ơn dưỡng dục từ cha mẹ một đời, và cứ như thế, cha mẹ trong vô lượng kiếp quá khứ của ta không sao kể hết. Kinh dạy rằng:
“Một thuở nọ, đức Thế Tôn ngụ trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các tỷ-kheo: 'Chúng sinh từ vô thủy sinh tử, bị vô minh che lấp, ân ái trói cổ mình, luân chuyển mãi trong đêm dài, chẳng biết cội gốc của khổ'. Phật bảo các tỷ-kheo: 'Ý các ông nghĩ sao? Nước sông Hằng và nước trong bốn biển lớn là nhiều hay sữa mẹ mà các ông đã uống lúc còn luân chuyển trong đêm dài sinh tử là nhiều?' Các tỷ-kheo bạch Phật: 'Như chúng con hiểu ý nghĩa lời Phật nói, sữa mẹ mà chúng con đã uống trong vòng sinh tử còn nhiều hơn nước sông Hằng và nước bốn biển lớn'. Phật bảo các tỷ-kheo: 'Lành thay! Lành thay! Sữa mẹ mà các ông đã uống trong vòng sinh tử còn nhiều hơn nước sông Hằng và nước bốn biển lớn. Vì sao? Các ông đã từng sinh trong loài voi, uống sữa mẹ vô lượng, vô số; hoặc sinh trong các loài cầm thú như lạc đà, ngựa, trâu, lừa, v.v. uống sữa mẹ của mình cũng vô lượng, vô số. Các ông đã từng bỏ thân nơi gò mả, máu mủ tuôn chảy cũng vô lượng; hoặc đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, máu tủy tuôn chảy cũng như vậy'”74.
Chú thích:
74 Kinh Tạp A-hàm, quyển 33, kinh số 939 雜阿含 經卷第三十三, Đại Chính tạng, tập 02, số hiệu 99, tr.241, a18.
Trong vòng sinh tử luân hồi, chúng sinh trôi nổi trong sáu nẻo trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đã uống biết bao nhiêu sữa của mẹ mình. Đức Phật đem hình ảnh nước trong bốn biển đại dương để so sánh với nguồn sữa mẹ mà chúng sinh đã uống. Cho thấy, mỗi chúng ta hiện hữu làm thân người, đã từng vào sinh ra tử, thọ nhận ơn mang nặng đẻ đau, nuôi nấng của mẹ cha từ vô lượng kiếp trước.
Trong kinh Tăng-chi bộ, phẩm Thiên sứ cũng nói về phúc đức những gia đình có con cái biết kính trọng cha mẹ: “Này các tỷ-kheo! Những gia đình nào mà cha mẹ được con cái kính trọng, thì gia đình ấy có Phạm Thiên đang ở. Này các tỷ-kheo! Những gia đình nào mà cha mẹ được con cái kính trọng, thì gia đình ấy có bậc thầy mô phạm đang ở. Này các tỷ-kheo! Những gia đình nào mà cha mẹ được con cái kính trọng, thì gia đình ấy có đấng đáng cúng dường đang ở. Này các tỷ-kheo! Phạm Thiên tức là cha mẹ. Này các tỷ-kheo! Bậc thầy mô phạm tức là cha mẹ. Này các tỷ-kheo! Đấng đáng cúng dường tức là cha mẹ. Vì cớ sao? Này các tỷ-kheo! Vì cha mẹ ban ân lớn cho con cái, bảo hộ con cái, nuôi dưỡng con cái, và giúp con cái thấy mọi thứ ở cuộc đời này”75.
Đức Phật dạy ở đời có hai người không thể trả ơn được. Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu con cái siêng năng xoa thân, thoa bóp, tắm rửa, bấm huyệt, chăm sóc cha mẹ, cho dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình thì điều đó cũng chưa thể trả ơn đủ cho cha mẹ. Hơn nữa, dẫu có đặt cha mẹ vào vương vị ở một đất nước có đầy đủ kho tàng bảy báu76 để mặc sức cha mẹ tiêu xài, thì điều đó cũng chưa thể trả ơn đủ cho cha mẹ. Vì sao chúng ta khó trả được ơn nặng đối với hai đấng sinh thành của mình? Vì rằng, cha mẹ đã hy sinh nhiều thứ cho con cái, như nuôi nấng, vỗ về, bú mớm, dạy dỗ và giúp con mình hiểu biết mọi lẽ trên đời này77.
Chú thích:
75 Phẩm Thiên sứ, thứ 31 天使品三十一, Đại Chính tạng, tập 19, số hiệu 07, tr.192, a7.
76 Bảy báu (Skt. sapta ratnāni) có hai loại: (1) Chỉ bảy loại ngọc báu trân quý của thế gian, gồm: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, ngọc đỏ tía, ngọc xanh lục (theo kinh Phật thuyết A-di-đà và luận Đại trí độ, quyển 10). (2) Gọi chung bảy loại báu mà một vị Chuyển luân thánh vương sở hữu, gồm: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, cư sĩ báu (chủ kho báu) và chủ binh thần báu (tướng quân giỏi) (theo kinh Trường A-hàm, quyển 3 và kinh Cựu hoa nghiêm, quyển 43).
77 Kinh Tăng-chi bộ, phẩm Đẳng tâm 增支部經 典等心品, Đại Chính tạng, tập 19, số hiệu 07, tr.83, a12.
Tương tự với kinh Phật thuyết ân trọng nan báo, trong kinh Phật thuyết hiếu tử, đức Phật nói đến công ơn cha mẹ sinh dưỡng con cái. “Mười tháng mang thai, thân như trọng bệnh, đến ngày sinh sản, mẹ nguy cha sợ, cảnh ấy khó nói. Sau khi sinh rồi, nhường con chỗ ráo, mẹ nằm chỗ ướt, lòng thuần cao tột, máu hóa thành sữa. Lau chùi tắm gội, áo cơm dạy bảo, lễ biếu thầy bạn, dâng cống quân trưởng. Mặt con vui tươi, cha mẹ vui mừng. Nếu con buồn rầu, lòng cha mẹ héo. Ra cửa nhớ thương, vào nhà yên dạ, lòng thường lo lắng, sợ con chẳng lành. Ơn cha mẹ vậy, lấy gì báo đáp?”78
Chú thích:
78 Kinh Phật thuyết hiếu tử 佛說孝子經, Đại Chính tạng, tập 16, số hiệu 687, trang 780, b6.
Sau khi đức Phật nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ như vậy, các vị sa-môn bạch hỏi đức Phật làm thế nào để báo đền công ơn ấy được trọn vẹn? Đức Phật dạy rằng, dù con cái cấp dưỡng cho cha mẹ hàng trăm món ăn ngon vật lạ để thỏa mãn miệng người, cho nghe trăm thứ thiên nhạc để thích thú tai người, sắm áo hoa tốt đẹp để trang sức thân người, hai vai cõng cha mẹ đi khắp bốn biển đến hết cuộc đời mình cũng không thể nào trả nổi ân đức cha mẹ.
Muốn báo ơn cha mẹ, người con hiếu không những lo chăm sóc cơm nước, thuốc thang, quạt nồng ấp lạnh cho cha mẹ khi còn sống, thờ cúng tươm tất trang nghiêm khi cha mẹ khuất bóng, mà cần phải chăm lo đời sống tinh thần cho cha mẹ. Chăm lo đời sống tinh thần là giúp cha mẹ vui hòa trong cuộc sống hiện tại, ngăn ngừa nghiệp xấu và hướng đến những phẩm tính cao quý bằng con đường thực hành các pháp lành. Có như vậy, cha mẹ mới có cơ hội gieo trồng nhân lành và không gây nghiệp bất thiện trong kiếp này, và nhờ nhân lành ấy mà kiếp sau được thác sinh vào cảnh giới an vui.
Đức Phật dạy: “Lại nữa, này các tỷ-kheo! Nếu cha mẹ không có lòng tin nhân quả, Tam bảo, thì khuyên cha mẹ phát khởi lòng tin, hướng dẫn cha mẹ bước vào và an trú trong niềm tin. Nếu cha mẹ phá giới, thì khuyên răn nhằm giúp cha mẹ giữ giới, hướng dẫn cha mẹ bước vào và an trú trong giới. Nếu cha mẹ dè sẻn, keo kiệt, thì khuyên răn nhằm giúp cha mẹ thực hành hạnh bố thí, buông xả, hướng dẫn cha mẹ bước vào và an trú trong bố thí, buông xả. Nếu cha mẹ theo ác tuệ, thì khuyên răn nhằm giúp cha mẹ theo chính tuệ, hướng dẫn cha mẹ bước vào và an trú trong chính tuệ. Này các tỷ-kheo! Hãy thực hành hết thảy những điều này để phụng sự cha mẹ, thì đây mới là người báo ơn cha mẹ trọn vẹn”79.
Chú thích:
79 Kinh Tăng-chi bộ, phẩm Đẳng tâm 增支部 經典等心品, Đại Chính tạng, tập 19, số hiệu 07, tr.84, a5.
Theo truyền thống Ấn Độ cổ đại, người con, đặc biệt là con cái giai cấp Bà-la-môn, luôn luôn biết chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, đầy tớ, lao công; có trách nhiệm với bạn bè thân hữu, bà con huyết thống; có trách nhiệm với tổ tiên, chư thiên và vua chúa. Trong kinh Trung bộ, tôn giả Xá-lợi-phất sau khi đắp y cầm bát đi vào thành Vương Xá khất thực, gặp thanh niên Bà-la-môn tên là Đà-nhiên (Dhanañjāni) đang vắt sữa bò ngoài thành. Sau khi mời tôn giả uống sữa, thanh niên Đà-nhiên đến ngồi bên cạnh, tôn giả Xá-lợi-phất đã giải thích cho anh ta về việc phụng dưỡng cha mẹ, vợ con, tôi tớ, tổ tiên là trách nhiệm nhưng người ấy phải kiếm tiền bằng công việc chính đáng, không buông tuồng theo hành vi bất thiện:
“- Này Đà-nhiên! Ông nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ mà làm các điều phi pháp, làm các hạnh bất chính và một người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các hạnh chân chính, ai tốt đẹp hơn?
- Thưa tôn giả Xá-lợi-phất! Người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các hạnh bất chính, người ấy không tốt đẹp hơn. Thưa tôn giả Xá-lợi-phất! Người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các hạnh chân chính, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa tôn giả Xá-lợi- phất! Người hành trì đúng pháp, làm những hạnh chân chính sẽ tốt đẹp hơn người hành trì phi pháp, làm những việc bất chính.
- Này Đà-nhiên! Đối với cha mẹ phải chăm sóc nuôi dưỡng mà không làm các nghiệp ác, những hành động khác có nhân bất thiện, nên làm những hạnh phúc thiện, những nghiệp đúng pháp”80.
Chú thích:
80 Kinh Trung bộ, số 97, kinh Đà-nhiên 中部 經典第九七陀然經 Đại Chính tạng, tập 11, số hiệu 05, tr.202, a2.
Mục đích tối hậu trong các lời dạy của đức Phật nhằm thức tỉnh cho người đời thấy được hành vi đúng sai mà chọn lựa, giải thoát mọi ràng buộc, phiền não, khổ đau cho chúng sinh. Đức Phật dạy rằng, người con chí thành chí hiếu là phải tìm cách cứu độ cha mẹ thoát khỏi những nỗi khổ niềm đau mang tính cội rễ của đời người. Ngài thấy mọi sự vật hiện tượng vô thường biến hoại, không bền vững, không có thứ gì tồn tại mãi mãi. Dù người con thể hiện hiếu kính với cha mẹ bằng cách tạo dựng đời sống vật chất cho cha mẹ no đủ thì cũng chưa trả được công đức trọn vẹn. Điều đó chỉ giúp cha mẹ thỏa mãn những cảm xúc giác quan mà không giúp được cha mẹ thay đổi hành vi bất thiện thành hành vi phúc thiện. Cho nên đức Phật đặt nặng phương pháp thực hành hiếu hạnh bằng cách khuyên mọi người hãy chăm lo đời sống tinh thần cho cha mẹ. Nghĩa là, làm con phải gây dựng đức tin chân chính cho cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ bỏ ác làm lành, khuyên cha mẹ bố thí để diệt trừ xan tham, khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ chân thật để loại trừ vô minh, mê tín. Phật bảo các sa-môn: “Thường khiến cha mẹ bỏ ác làm lành, phụng trì năm giới, giữ ba tự quy, buổi sáng vâng giữ trọn vẹn cho đến chiều tối, như vậy mới báo đáp được ơn nặng đối với ân huệ vô lượng mà cha mẹ đã cho bú mớm, nuôi dưỡng ta. Nếu ai không thể đem ba thứ tôn kính tột cùng81 để khai hóa cho cha mẹ, tuy là hiếu dưỡng thì cũng giống như bất hiếu”82.
Chú thích:
81 Ba thứ tôn kính tột cùng: Bản Hán ghi “Tam tôn chi chí 三尊之至”, tức chỗ tột cùng của ba thứ tôn quý: Phật, Pháp, Tăng. Trong Phật Quang đại từ điển giải thích: “Tam bảo, tiếng Phạn là tri- ratna hoặc ratna-traya, tiếng Pali là tiatana hoặc ratanattaya, là ba ngôi báu: Phật báu, Pháp báu, Tăng báu được các tín đồ Phật giáo tôn kính cúng dường, còn gọi là Tam tôn (三寶...又作三尊 Tam bảo... hựu tác Tam tôn).
82 Kinh Phật thuyết hiếu tử 佛說孝子經, Đại Chính tạng, tập 16, số hiệu 687, tr.780, c7.
Trong vòng sinh tử luân hồi, trôi lăn trong vô lượng kiếp, mọi loài chúng sinh đã từng làm cha mẹ, bà con thân thích của ta. Đức Phật từng dạy, sữa mẹ mà chúng ta đã uống nhiều hơn nước bốn biển đại dương. Người con chí hiếu là phải biết chuyển hóa được trọng nghiệp của cha mẹ để khỏi đọa lạc trong chốn đau khổ vô minh, khuyên cha mẹ không nên tạo nghiệp ác hoặc đừng bao giờ vì cha mẹ mà mình tạo nghiệp ác. Đạo Phật luôn chú trọng đến hai đức tính cao quý của lòng hiếu kính là giác ngộ và giải thoát cho cha mẹ khi còn sống cũng như khi khuất núi. Đối với cha mẹ, người con phải hướng dẫn cho cha mẹ sớm biết rõ nẻo chính đường tà, không tạo nghiệp xấu. Còn đối với bản thân, người con chí hiếu là người luôn thực hành chính mạng83, không làm những điều sai trái luân thường đạo lý, hoặc phạm pháp luật quốc gia khiến cha mẹ buồn lo, làm ảnh hưởng tiêu cực đến gia phong, lễ giáo của gia tộc.
Chú thích:
83 Chính mạng 正命 (Skt. samyag-ājīva; Pl. sammā- ājīva): Là một trong bát chính đạo, tức sinh sống bằng nghề nghiệp chân chính. Đệ tử Phật nương vào chính pháp để thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý nên xa lìa các phương thức mưu sinh không lành mạnh, trái với luật pháp cho phép, trái với thuần phong mỹ tục, trái với quan niệm đạo đức xã hội, tổn hại môi trường, gây đau khổ cho mình và người, v.v.
Quan niệm về chữ hiếu của đạo Phật không còn giới hạn trong mối quan hệ bà con thân tộc mà mở rộng khắp các mối quan hệ xã hội, đến các loài chúng sinh. Người Phật tử giữ gìn hiếu đạo là dừng lại tất cả mọi nghiệp xấu gây bất lợi cho mình và người, như không sát sinh, không trộm cắp, không quan hệ nam nữ bất chính, không nói dối, không sử dụng những chất kích thích gây hại cho sức khỏe, không tàn phá môi trường sinh thái, không gây sợ hãi cho mọi người mọi loài đang tồn tại quanh mình. Bởi vì người Phật tử luôn phá trừ mọi khoảng cách giữa mình và người, giữa Phật và chúng sinh để thể nhập vào bản thể chung nhất của muôn sự vật, đó là tình thương yêu đồng thể84. Người Phật tử không những xóa nhòa ranh giới giữa mọi thành phần xã hội trong thế giới này mà còn nhìn mọi sự vật, mọi chúng sinh từ hữu hình đến vô hình trong vũ trụ mênh mông này đều là bà con quyến thuộc của mình. Trong không gian vô cùng của vũ trụ và thời gian vô tận của sinh mệnh chúng sinh, chúng ta đã từng là bà con quyến thuộc của nhau trong cuộc luân hồi sinh tử. Bởi trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chết đi sống lại, ta mang một thân phận khác, chủng tộc khác, màu da khác, địa vị khác, kẻ đầu thai trước, người tái sinh sau, quên mất tung tích quá khứ nên mới sinh tâm phân biệt ta khác với người. Từ tâm phân biệt này, con người sống ích kỷ, tham lam, chiếm đoạt và xâm hại lẫn nhau, gây đau khổ cho mình và người, khiến xã hội bất an triền miên, thậm chí gây nên chiến tranh tương tàn giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa ý thức hệ này với ý thức hệ khác.
Chú thích:
84 Tình thương yêu đồng thể: Tức đồng thể đại bi, hoặc đồng thể từ bi, tức quán tưởng tất cả chúng sinh với mình là cùng một thể tính mà sinh khởi tâm từ bi bình đẳng để cứu khổ ban vui. Bậc Bồ-tát lấy nỗi khổ của chúng sinh làm nỗi khổ của chính mình mà sinh tâm thương xót.
Mối quan hệ cha mẹ - con cái là mối quan hệ tương y tương thành theo duyên khởi “cái này có mặt nên cái kia có mặt, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không có mặt nên cái kia không có mặt, cái này diệt nên cái kia diệt”. Phật giáo duy trì mối quan hệ này theo cái nhìn phổ quát từ mối liên hệ nhân duyên ba đời, cho nên con cái hiếu kính với cha mẹ cũng như cha mẹ có trách nhiệm với con cái là mối quan hệ tương hỗ, nó không giống với nghĩa vụ mang tính mệnh lệnh một chiều trong mối quan hệ tôn ti của Nho gia. Quan điểm của Nho gia là con cái phụng sự cha mẹ vô điều kiện, có thể làm bất cứ việc gì để cha mẹ vui lòng. Nhân vật Lão Lai tử (599 tr.Tl -479 tr.Tl) được xem là một trong 24 gương hiếu thảo của người Trung Quốc. Ngoài việc phụng dưỡng món ngon vật lạ cho song thân hằng ngày, ông còn tìm cách làm cho cha mẹ hài lòng bằng đủ các trò chơi vui nhộn. Lúc ông 70 tuổi rồi mà cha mẹ vẫn còn sống, sợ cha mẹ buồn trong lúc tuổi xế chiều, nên ông mặc áo hoa năm màu sặc sỡ, cố ý đóng vai một đứa trẻ để nô đùa, múa may quay cuồng trước mặt cha mẹ. Có lần ông gánh hai thùng nước lên nhà, rồi giả vờ trượt chân ngã trên đất, nằm khóc oa oa như trẻ con lên ba, để cha mẹ vui cười trước trò ngộ nghĩnh của mình.
Người Phật tử khi thực hiện hành vi báo hiếu cha mẹ cần phải có tình thương và trí tuệ đi kèm. Dù phụng dưỡng cha mẹ nhưng người Phật tử không làm những điều xấu ác, phải khuyên ngăn cha mẹ tránh xa nghiệp bất thiện, hướng dẫn cha mẹ quay về với chính hạnh. Trong khi quan điểm hiếu thảo của Nho gia là “Thờ cha mẹ, khuyên can bằng cách nhẹ nhàng; thấy ý cha mẹ không theo, vẫn kính trọng mà không trái nghịch; chịu khó nhọc mà không oán giận”85, thì người con Phật lại dám nói lên sự thật, khuyên bảo cha mẹ làm lành lánh dữ, không để cha mẹ gây những lỗi lầm.
Để giữ mối quan hệ gia đình bền vững và hạnh phúc, đức Phật cũng dạy về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Trách nhiệm ấy được biểu hiện qua năm việc: “Người làm cha mẹ phải lấy năm điều đối xử với con cái: một là ngăn con đừng để làm ác; hai là chỉ bày những điều hay lẽ phải; ba là thương yêu đến tận xương tủy; bốn là chọn nơi hôn phối tốt đẹp; năm là tùy thời cung cấp nhu yếu”86.
Nho gia luôn phân chia phẩm tính con người trong xã hội thành hai phần tử đối lập về phẩm chất, đạo đức và học thức, đó là quân tử và tiểu nhân: “Quân tử thì làm nên cái tốt đẹp cho người mà không làm nên cái xấu ác cho người, tiểu nhân thì trái lại”87; hay quân tử và dã nhân: “Không có quân tử thì chẳng có ai trị kẻ quê mùa; không có kẻ quê mùa thì chẳng ai nuôi dưỡng bậc quân tử”88, hoặc “Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa với mọi người”89.
Nho gia nhìn nhận con người theo đẳng cấp thượng đạt và hạ đạt: “Quân tử đạt về cái lý cao minh, còn tiểu nhân đạt về cái lý hèn hạ”90; phân chia phẩm giá con người cao thấp dựa vào chức phận và nghề nghiệp xã hội: “Người lao tâm (lao động trí óc) thì trị người, kẻ lao lực (lao động tay chân) thì bị người cai trị; kẻ bị người cai trị thì nuôi người, kẻ cai trị người thì được người nuôi. Ấy là nghĩa thông suốt trong thiên hạ”91. Vì quân tử suy nghĩ và hành động theo thiên lý, nên ngày càng sáng tỏ; còn tiểu nhân thì suy nghĩ và hành động theo nhân dục nên ngày càng lụn bại.
Chú thích:
85 “Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán 事父母幾諫, 見志不從, 又 敬不違, 勞而不怨”, Luận ngữ, thiên Lý nhân, 18.
86 Phật thuyết Trường A-hàm, phần 2, kinh Thiện Sinh 佛說長阿含第二分善生經, Đại Chính tạng, tập 01, số hiệu 01, tr.71, c13.
87 “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị 君子成人之美, 不成人之 惡. 小人反是”, Luận ngữ, thiên Nhan Uyên.
88 “Vô quân tử mạc trị dã nhân, vô dã nhân mạc dưỡng quân tử 無君子莫治野人, 無野人莫養君 子” Mạnh tử, thiên Đằng Văn công.
89 “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa 君子和而不同, 小人同而不和”, Luận ngữ, thiên Tử Lộ,13.
90 “Tử viết: Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt 子 曰: 君子上達, 小人下達”, Luận ngữ, thiên Hiến vấn.
91 “Lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân; trị ư nhân giả tự nhân, trị nhân giả tự ư nhân, thiên hạ chi thông nghĩa dã 勞心者治人, 勞力者治於人; 治於 人者食人, 治人者食於人, 天下之通義也”. Mạnh tử, thiênĐằng Văn công.
Vậy thì trong xã hội Trung Quốc, quan niệm hiếu ân bình đẳng trong các kinh điển của Phật giáo làm sao có thể dung hòa được với đạo hiếu trong cục diện phân tầng theo tôn ti của Nho giáo? Cách thức ứng xử của Phật gia trong từng mối quan hệ luân lý giữa cha con, thầy trò, chồng vợ, bạn bè, thân thuộc, chủ tớ, đạo tục không giống với sự phục tùng vô điều kiện như Hiếu kinh của Nho gia đã nói. Giữa mối quan hệ cha con, anh em, thầy trò, chồng vợ, chủ tớ, v.v. thể hiện tính tự do bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau theo phương thức tương trợ tương thành; con cái hiếu kính cha mẹ nhưng cha mẹ phải sống có trách nhiệm với con cái; đầy tớ phục dịch hết lòng cho người chủ nhưng người chủ phải có trách nhiệm bảo hộ và nuôi dưỡng đầy tớ; đây chính là nét đặc trưng của luân lý Phật giáo. Tư tưởng “Nhất như bình đẳng” của Phật giáo xuất phát từ quan điểm “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” và cũng chính là tư tưởng được sinh ra từ ý nghĩa “Tự tha bất nhị” (mình và người không hai), nên mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội ứng xử hài hòa mà không phân chia theo đẳng cấp khinh - trọng.
Kinh Thi-ca-la-việt lục phương lễ nói đến mối quan hệ chủ nhà đối đãi với đày tớ: “Đại phu đối với nô tì cũng có năm việc: 1. Phải chu cấp thức ăn và y phục theo thời; 2. Gặp bệnh tật phải gọi thầy thuốc đến chữa trị; 3. Không được tùy ý đánh mắng; 4. Chủ không được cưỡng đoạt tài vật riêng của nô tì; 5. Chia phát tài vật công bằng”92. Nếu xét theo chế độ gia tộc truyền thống Trung Quốc mà bắt buộc chủ nhân tôn trọng nô tì theo quan điểm bình đẳng như Phật giáo thì điều đó rất khó được chấp nhận. Chính vì quan niệm bình đẳng này mà đạo hiếu trong Phật giáo có sự khác biệt rất lớn so với tư tưởng Nho gia. Song, trong kinh điển nguyên thủy của Phật giáo có đề cập đến chữ “hiếu” hay không?
Chú thích:
92 Đại Chính tạng, tập 01, số 16, trang 251, b29.
Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Trung Thôn Nguyên93, khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, vì đề phòng các học giả Nho gia luận nạn nên kinh điển Hán dịch mới dùng đến chữ “hiếu”. Đối chiếu với các bản kinh Phạn ngữ thì tuyệt nhiên không hề đề cập đến chữ hiếu, nhưng dịch giả Hán tạng bằng phương tiện thiện xảo và kỹ năng phiên dịch của mình mới sử dụng chữ “hiếu” để phù hợp với tì vị người Trung Hoa94. Phương pháp “râu ông cắm cằm bà” như vậy sẽ không tránh khỏi việc xa rời nguyên tác và sẽ phát sinh vô số kinh điển được biên soạn ở các giai đoạn về sau, như kinh Phật thuyết Vu lan bồn (Tam tạng Trúc Pháp Hộ nước Nguyệt Chi dịch thời Tây Tấn), kinh Phật thuyết phụ mẫu ân trọng (khuyết danh dịch giả), kinh Phật thuyết hiếu tử (khuyết danh dịch giả, thu vào Tây Tấn lục), kinh Đại phương tiện Phật báo ân (khuyết danh dịch giả, thu vào Hậu Hán lục), v.v. Kinh điển chính truyền trong năm bộ Nikāya và bốn bộ A-hàm sẽ có giá trị văn bản học hơn so với kinh điển được biên soạn ở các giai đoạn về sau, nhưng xét về phương diện giáo hóa thì các kinh điển nói về đạo hiếu được các dịch giả Trung Hoa biên soạn đã tác động sâu sắc đến đời sống thực tế của người dân. Đây chính là giá trị giáo dục nhân tính trong kinh điển Đại thừa của Phật giáo.
Chú thích:
93 Trung Thôn Nguyên 中村元 (1912 - 1999): Học giả Phật giáo người Nhật Bản, sinh tại thành phố Tùng Giang, huyện Đảo Căn. Tốt nghiệp khoa tiếng Phạn chuyên ngành Triết học Ấn Độ thuộc trường Đại học Đông Kinh đế quốc. Đảm nhiệm các chức vụ Giáo sư đại học, Viện trưởng học viện Đông phương, Hội trưởng học hội Tư tưởng so sánh. Ông biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị như Phật giáo triết học sử, Lịch sử thế giới, Tư tưởng Hoa nghiêm, Nhập môn văn pháp tiếng Tây Tạng, Lịch sử Phật giáo Á châu, v.v. Theo Phật Quang đại từ điển, tr.1019.
94 Xem Tuệ Thiên, Hình thái luân lý Phật giáo trong xã hội Trung Quốc, trong Phật giáo, tư tưởng và xã hội Trung Quốc, Trương Mạn Đào (chủ biên), Đại thừa văn hóa xuất bản xã, tr.213.
Xét về cấp độ tu chứng giải thoát, đệ tử Phật ngoài bốn quả vị tu chứng của bậc thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật), còn có con đường tu tập đạt đến cảnh giới hưởng phúc lợi của cõi trời và cõi người nên đạo hiếu của Phật giáo không hề đi ngược lại tinh thần đạo hiếu theo lễ giáo Nho gia. Người xuất gia, mặc dù đi ngược lại con đường sinh tử của thế tục nhưng không quay lưng lại với đạo lý nhân gian. Về phương diện giải thoát thì Phật giáo muốn siêu việt nhân luân, nhưng ở phương diện giáo hóa thì Phật giáo chủ trương nhập thế bằng phương tiện “tùy duyên bất biến”, “hòa quang đồng trần”95. Chính tinh thần nhập thế này mà luân lý Phật giáo dần dần hòa hợp, bao hàm và đi đến sự thống nhất với luân lý của Nho gia, trong đó có quan điểm hiếu kính cha mẹ.
Chú thích:
95 Hòa quang đồng trần 和光同塵: Hòa ánh sáng cùng với bụi bặm. Thành ngữ này có xuất xứ từ câu nói của Lão tử: “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần”, nghĩa là hòa hợp cùng với trần tục mà không tự lập dị. Trong Phật giáo, thành ngữ này được dùng để chỉ cho việc Phật, Bồ-tát vì cứu độ chúng sinh phải ẩn giấu ánh sáng trí tuệ, dùng thân Ứng hóa tạm thời phương tiện sinh trong cõi trần đầy rẫy phiền não, kết duyên với chúng sinh để rồi lần lượt dẫn dắt họ vào Phật pháp.
Hiếu của Nho gia mang tính thế gian, hiếu của Phật gia mang tính xuất thế gian. Thiền sư Tông Di đời Tống soạn Khuyến hiếu văn gồm 120 thiên. Trong đó, 100 thiên đầu bàn về việc phụng dưỡng cha mẹ bằng cơm dâng nước rót là đạo hiếu thế gian; 20 thiên sau bàn đến việc khuyến khích cha mẹ tu Tịnh độ là đạo hiếu xuất thế gian. “Đại khái, đạo hiếu thế gian chỉ có giá trị trong một đời mà thôi. Đạo hiếu xuất thế gian có giá trị không thời hạn, có thể giúp cha mẹ sinh về Tịnh độ, là đạo hiếu không gì lớn bằng. Nếu không khuyên cha mẹ hiện tại cố gắng tu tập, mà ngày sau khi cha mẹ mất chỉ thể hiện lòng đau buồn và sắm sửa lễ cúng thịnh soạn thì có ích lợi gì đâu!”96 Sở dĩ các thiền sư Trung Hoa từ đời Tống về sau nêu lên quan điểm hài hòa giữa đạo hiếu thế gian và đạo hiếu xuất thế gian là nhằm dung hòa giữa hai tư tưởng Nho và Phật, phân biệt giá trị và nhiệm vụ giữa hai phương diện hiếu kính khác nhau nhưng không đối lập nhau. Càng về sau thì tư tưởng hiếu đạo của Phật giáo thiên về tư tưởng Tịnh độ tông nên các sách vở nói về hiếu kính đều liên quan đến việc khuyến khích cha mẹ tu tập để cầu sinh về Tịnh độ.
Chú thích:
96 Long Thư tăng quảng Tịnh độ văn, quyển 6, mục Khuyến hiếu tử 龍舒增廣淨土文卷第六勸孝子, Đại Chính tạng, tập 47, số hiệu 1970, tr.271, a22.
Trong Trúc song tùy bút của Đại sư Liên Trì (1532 - 1612) thời Minh có tổng kết ngắn gọn về đạo hiếu của thế gian và xuất thế gian. “Hiếu của thế gian có ba, còn hiếu của xuất thế gian chỉ có một. Hiếu của thế gian: Một là chiều chuộng hầu hạ, cung phụng món ngon vật ngọt để nuôi dưỡng cha mẹ; hai là học hành thi cử đỗ đạt làm quan, thọ nhận tước lộc để làm rạng rỡ cha mẹ; ba là tu đức sửa nết, thành thánh thành hiền để làm vinh quang cha mẹ. Làm được ba điều này thì đây là cách báo hiếu của thế gian. Hiếu của xuất thế gian là khuyên cha mẹ ăn chay giữ giới, phụng thờ Tam bảo, nhất tâm niệm Phật để cầu nguyện vãng sinh thế giới Cực Lạc, thoát khỏi bốn loài sinh bằng trứng, sinh bằng thai, sinh do ẩm ướt, sinh do biến hóa, xa rời sáu nẻo trời, người, a-tu-la, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, hóa sinh trong hoa sen, thân cận Di-đà, được quả vị không thoái chuyển. Kẻ làm con phải báo đáp công ơn cha mẹ, ai dốc lòng làm được như vậy mới gọi là đại hiếu”97.
Chú thích:
97 Vân Thê Tịnh độ vựng ngữ, mục Xuất thế gian đại hiếu 雲棲淨土彙語, 出世間大孝, Tục tạng, tập 62, số hiệu 1170, tr.19, b06.
Điểm qua những nét sơ lược về đạo hiếu trong một vài kinh điển Hán tạng Phật giáo cùng tứ thư, ngũ kinh của Nho gia, chúng ta thấy rằng, luân lý đạo hiếu của Phật giáo không những dung nhiếp mà còn siêu việt luôn cả truyền thống tư tưởng xã hội Trung Quốc. Một mặt, Phật giáo không phủ nhận các giá trị nhân luân mà tư tưởng Nho gia đã thiết lập; mặt khác, Phật giáo mong muốn mọi người tìm cầu cuộc sống hạnh phúc an lạc ở mức độ cao hơn cuộc sống đời thường này. Bởi lẽ, đạo hiếu Phật giáo luôn nhấn mạnh con đường xuất thế, ngoài việc báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ về vật chất trong đời này, người Phật tử cần phải biết trau dồi đức hạnh cho bản thân mình, khuyên bảo cha mẹ tin hiểu luật nhân quả, định hướng cho cha mẹ sống chân chính, vun bồi cội đức nhằm tìm về con đường liễu sinh thoát tử cho kiếp sau.