Phật giáo bắt đầu truyền nhập Trung Quốc vào thời đại nhà Hán. Bấy giờ, phong trào học thuật Nho gia và thuật tu luyện phép tịch cốc trường sinh của phái Thần tiên đang thịnh hành tại đây. Trong giai đoạn xã hội thịnh hành tư tưởng Lão Trang và Chu Khổng ấy, những Nho sĩ tìm mọi cách để phê bình mối quan hệ nhân luân trong sinh hoạt của người xuất gia theo Phật giáo để tranh thủ sự ảnh hưởng của mình. Các nhà Nho luôn có quan điểm bảo thủ, tự tôn dân tộc, “lấy Hạ để cải biến Di” chứ không bao giờ chấp nhận “lấy Di để cải biến Hạ”, vì họ cho rằng tư tưởng Phật giáo là thuật của mọi rợ phương Tây không đáng học tập, chỉ có tư tưởng của Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng mới là lời vàng thước ngọc đáng theo mà thôi 32.
Mở đầu Hiếu kinh, Khổng tử đề cập hành vi thực thi hiếu kính đến ba cấp độ. Đó là thờ kính cha mẹ, thờ kính vua và cuối cùng là lập thân: “Phàm, hiếu bắt đầu ở việc thờ kính cha mẹ, kế đến là thờ vua và cuối cùng là lập thân”. Vin vào lời dạy của Khổng tử, các nhà Nho sau này thường chỉ trích thái độ không quỳ lạy cha mẹ và vua của các Tăng nhân Phật giáo. Để trả lời các vấn nạn của tầng lớp Nho sĩ đối với Phật giáo lúc bấy giờ, Mâu tử tạo Lý hoặc luận vào khoảng năm 198 tại Giao Chỉ33. Dù ông viết bộ luận này tại Việt Nam hay tại Trung Quốc thì Giao Chỉ lúc bấy giờ là thuộc địa của nhà Hán. Mục đích soạn luận của Mâu tử là nhằm bảo vệ tư tưởng nhân luân của Phật giáo khi “bọn thế tục phần nhiều cho rằng ông bỏ năm kinh mà theo đạo khác” như trong phần tự truyện do ông viết.
Chú thích:
32 Người Trung Quốc luôn tự tôn dân tộc mình là người Hoa Hạ có truyền thống văn hóa lâu đời, còn các dân tộc khác chỉ là bọn man di mọi rợ. Họ tự gọi nước họ là Trung Quốc (nước đứng giữa trời đất), văn hóa của họ là Trung Hoa, Trung Nguyên, Hoa Hạ; xem các dân tộc ở bốn phía là mọi rợ, phương Đông là rợ Di, phương Tây là rợ Nhung, phương Nam là rợ Man, phương Bắc là rợ Địch.
33 Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.172.
Nội dung bộ luận gồm 37 điều, trình bày khái quát về Phật giáo; về quan hệ luân lý hiếu đạo giữa Phật giáo và Nho giáo; về việc phê phán Đạo giáo.
Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu về luân lý hiếu đạo của Phật giáo thông qua những câu hỏi và trả lời khá chi tiết của Mâu tử.
- Hỏi: Quan niệm luân lý truyền thống của Trung Quốc là làm con phải giữ gìn thân thể, không được hủy bỏ, như những lời ghi trong Hiếu kinh: “Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám hủy thương”. Nay sa-môn34 cắt tóc sẽ trái với lời dạy của thánh nhân, không hợp với đạo hiếu của người làm con.
Chú thích:
34 Sa-môn (Skt. śramaṇa; Pl. samaṇa): Ý dịch là Cần lao, Công lao, Cần khẩn, Tĩnh chí, Tu đạo, Bần đạo, v.v. là tên gọi chung những người xuất gia, dùng chung cho cả nội đạo và ngoại đạo. Cũng chỉ cho những người xuất gia tu đạo cạo bỏ râu tóc, dứt các điều ác, khéo điều phục thân tâm, siêng tu các hạnh lành, hướng đến niết-bàn tịch tĩnh.
- Trả lời: Việc hiếu kính đối với cha mẹ không nên chấp thủ cứng nhắc. Mặc dù tóc da là một phần thân thể do cha mẹ tác thành nhưng không phải là thứ quá quan trọng đối với con người. Xưa người nước Tề đi thuyền qua sông, người cha ngã xuống nước, người con xách tay, chốc đầu chỏng ngược để nước trong miệng chảy ra mà mạng cha được cứu sống. Theo luân thường của Nho gia, việc người con chốc ngược đầu cha sẽ là hành động bất hiếu không gì bằng. Trong tình thế cứu người, nếu người con khư khư cố chấp rồi khoanh tay đứng nhìn để giữ tròn đạo hiếu thì người cha sẽ chết đuối mất.
Khổng tử cũng từng nói: “Có hạng người có thể cùng giữ vững được chính đạo, nhưng chưa thể cùng cân nhắc sự quyền biến”35. Đó là tùy thời mà làm. Thái Bá36 nhà Chu cắt tóc, vẽ mình để theo phong tục của người Ngô Việt, nhường thiên hạ cho em để sang phương Nam ở mà Khổng tử khen ngợi là bậc chí đức. Mặc dù Khổng tử không cho cắt tóc, nhưng phàm làm người, nếu có đức lớn thì không câu nệ vào tiểu tiết. Vậy thì, sa-môn vứt gia sản, bỏ vợ con, không nghe đàn, không nhìn sắc cũng có thể gọi là sự hy sinh tột cùng. Hành vi ấy có chỗ nào đi ngược lại lời dạy của thánh nhân đâu, mà bảo là bất hiếu?
Thời Chiến Quốc, Dự Nhượng37 vì báo thù cho chủ mà phải nuốt than nóng, sơn thân mình. Lại có Nhiếp Chính38 vì phục thù cho chủ mà lột mặt để che giấu tung tích. Bá Cơ39 là con gái của Lỗ Tuyên công vì giữ lễ tiết mà giẫm lửa. Quả phụ Cao Hạnh40 cắt mũi xẻ thân để khỏi làm thiếp những kẻ giàu sang. Những người như vậy được Nho gia khen là dũng và chết vì nghĩa mà không ai bị chê là kẻ tự hủy chết. Dẫu sa-môn cạo bỏ râu tóc cũng không có gì quá đáng so với bốn người hủy hoại thân thể nói trên. Huống chi, mục đích xuất gia là để cứu độ chúng sinh và cha mẹ, thì việc cạo bỏ râu tóc cũng là việc làm mang ý nghĩa đại hiếu.
Chú thích:
35 “Khả dữ lập, vị khả dữ quyền 可與立未可與權”, Luận ngữ, thiên Tử hãn, 29.
36 Thái Bá 泰伯: Là con trưởng của Thái Vương nhà Chu. Thái Vương có ba người con là Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Trong đời ấy, đạo của nhà Thương (1600 tr.Tl - 1046 tr.Tl) suy dần, nhà Chu ngày thêm lớn mạnh. Quý Lịch lại sinh con là Xương có thánh đức. Thái Vương có ý diệt nhà Thương, nhưng Thái Bá không theo. Thái Vương muốn truyền ngôi cho Quý Lịch để về sau truyền lại cho ông Xương. Thái Bá biết ý bèn cùng với Trọng Ung bỏ trốn sang đất Kinh Man.
37 Dự Nhượng 預讓: Người nước Tấn, trước thờ Phạm Trung Hàn nhưng không ai biết đến. Dự Nhượng bỏ theo Trí Bá, được Trí Bá yêu quý và tôn trọng. Khi Trí Bá bị Triệu Tôn Tử giết, Dự Nhượng trốn vào núi quyết báo thù cho chủ. Ông đổi tên họ, sơn mình làm người hủi, nuốt than làm người câm khiến không ai nhận ra hình dạng, kể cả vợ con và bạn bè.
38 Nhiếp Chính 攝政: Sách Sử ký, quyển 86, Thích khách liệt truyện, 26 có viết, Nhiếp Chính là một dũng sĩ nổi tiếng người nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bấy giờ, đại thần nước Hàn là Nghiêm Toại (tự là Trung Tử) có mâu thuẫn với tướng quân Hàn Khổi (tự là Hiệp Lũy). Nghiêm Toại dùng rất nhiều vàng bạc mua chuộc Nhiếp Chính giúp mình đi hành thích Hiệp Lũy. Nhiếp Chính do còn mẹ già nên hết lần này đến lần khác cự tuyệt lễ vật của Nghiêm Toại. Sau đó mẹ Nhiếp Chính mất. Nhiếp Chính an táng mẫu thân xong, rồi đến gặp Nghiêm Toại nói rằng mình vốn dĩ là một đồ tể ở chợ Tỉnh còn Nghiêm Toại là địa vị công hầu khanh tướng lại không quản ngại vạn dặm lấy nghìn vàng cầu thỉnh, ơn đó Nhiếp Chính nhất định cần phải báo đáp, vì thế ông lấy cái chết để báo đáp. Nhiếp Chính nhận lời Nghiêm Toại đi ám sát Hiệp Lũy. Sau khi giết được Hiệp Lũy, Nhiếp Chính tự mình rạch mặt, khoét mắt, mổ bụng. Ông làm vậy với mục đích là tránh không để cho ai nhận ra mình sau khi chết mà liên lụy đến Nghiêm Toại. Sau khi Nhiếp Chính chết thây bị phơi ngoài phố nhưng không ai nhận ra ông. Quốc quân nước Hàn treo thưởng cả trăm lạng vàng cho ai nói được tung tích của tên thích khách.
39 Trong Liệt nữ truyện ghi, Bá Cơ là con gái Lỗ Tuyên công, đem gả cho Tống Cung công. Vào ban đêm, gian phòng bà ở bị hỏa hoạn, người bên cạnh khuyên bà nên rời đi, nhưng bà nói: Theo quy củ, khi chưa có Bảo phó và Bảo mẫu đến thì phụ nữ không được ra khỏi nhà vào ban đêm”. Nhưng đợi mãi, Bảo phó và Bảo mẫu đều không đến, Bá Cơ thà chết chứ không chịu phá vỡ quy phạm của người phụ nữ, nên bị chết cháy trong phòng.
40 Cao Hạnh, người phụ nữ nước Ngụy thời Chiến Quốc, dung nhan xinh đẹp. Các quan lại, quý nhân tranh nhau muốn cưới nàng làm vợ nhưng nàng không đồng ý. Sau đó, Ngụy vương đến dạm hỏi, Cao Hạnh tự cắt mũi mình để hủy hoại nhan sắc. Do “giữ nghĩa lớn, thủ nết cao” nên Ngụy vương khen ngợi nàng là Cao Hạnh.
- Hỏi: Hạnh phúc của đời người nằm ở chỗ có con có cháu nối dõi đời sau. Thế nhưng, sa-môn bỏ vợ con, vứt của cải, có người suốt đời không lấy vợ. Như vậy sẽ trái với hiếu đạo và hạnh phúc nhân sinh.
- Trả lời: Vợ con, tài sản chính là vật thừa ở thế gian, thân sạch vô vi là huyền diệu của đạo. Nếu trước mặt có châu ngọc vàng bạc, nhưng sau lưng có con hổ đang gầm thì người ta dù có thấy vàng bạc cũng phải bỏ chạy mà chẳng dám lấy. Vì sao? Vì mạng sống quan trọng hơn của cải. Hứa Do ẩn dật, Sào Phủ làm tổ ở trên cây41; Di Tề chết đói ở Thủ Dương42 mà vua Thuấn, Khổng tử khen ngợi là bậc hiền. Còn nói: “Cầu đạo nhân được đạo nhân vậy” mà chưa từng nghe thấy chê là kẻ không nối dòng, không có của cải. Sa-môn tu đạo đức để đổi lấy niềm vui của đời phù du, quay về với đức thục hiền để thay cho niềm vui sướng của vợ con. Sa-môn làm được như vậy thì có gì đâu mà khác lạ!
Chú thích:
41 Hứa Do là tên một ẩn sĩ danh tiếng vào đời vua Nghiêu trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người tài đức vẹn toàn, không phải là kẻ hám danh lợi nên không ra làm quan mà chỉ thích du sơn ngoạn thủy hoặc câu cá hoặc ẩn dật trong túp lều tranh với bầu rượu túi thơ. Bấy giờ, vua Nghiêu làm thiên tử đã ngót 100 năm nên muốn nhường ngôi lại cho Hứa Do. Do nghe xong từ chối ba lần, ra sông rửa tai để khỏi bẩn tai khi nghe đến chức tước. Tại đây, ông gặp Sào Phủ cũng là ẩn sĩ trứ danh thời đó đang dắt trâu xuống sông uống nước. Sào Phủ nghe xong câu chuyện của Hứa Do liền dắt trâu đi chỗ khác vì không muốn cho trâu uống phải thứ nước đã ô nhiễm. Điển tích trên đã trở thành mẫu mực về sự không màng danh lợi trong các tác phẩm văn học đời sau.
42 Bá Di, Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc, quốc gia chư hầu nhà Thương. Cơ Xương vừa mất, con là Cơ Phát mang quân đánh vua Trụ tàn bạo. Bá Di cùng em đến trước ngựa của Cơ Phát can rằng: “Cha chết không chôn lại gây việc can qua có thể gọi là hiếu không? Là bầy tôi giết vua có thể gọi là nhân không?” Cơ Phát không nghe, định giết anh em Bá Di nhưng Khương Tử Nha ngăn lại và đỡ anh em ông dậy và cho đi nơi khác. Cơ Phát mang đại quân cùng các chư hầu đánh vua Trụ, lập ra nhà Chu, tức là Chu Vũ vương. Các chư hầu đều tôn thờ nhà Chu. Riêng Bá Di và Thúc Tề bèn bỏ lên núi Thủ Dương hái rau vi ăn qua bữa, thề không ăn thóc nhà Chu. Về sau chết đói tại núi này.
- Hỏi: Xiêm áo phục sức là truyền thống kế thừa từ Hoàng Đế, biểu hiện nghi thức lễ nghĩa được các bậc tiên vương, tiên hiền gìn giữ. Thế nhưng, nay sa-môn đầu cắt tóc, mặc vải đỏ ca-sa, thấy người thì không có lễ nghi quỳ đứng, không biết niềm nở săn đón. Như vậy sẽ trái với lễ nghi phục sức cân đai và chế độ ăn mặc dáng vẻ của Nho giáo.
- Trả lời: Đời Tam hoàng43 ăn thịt sống, mặc áo da, sống nơi hang hốc ruộng đồng, xem việc đơn giản phác thực là tôn quý, không có lễ phục rườm rà như các đời sau nhưng được mọi người xưng tụng là có đức, đôn hậu và đáng tin. Hạnh tu của sa-môn cũng chuộng phẩm chất phác thực, điều này cũng phù hợp với các bậc hiền thánh xưa, đâu có gì sai trái.
- Hỏi: Lấy của cha mẹ cho người đi đường thì không thể gọi là thi hành ân huệ; cha mẹ còn sống mà tự chết thay người thì không thể gọi là thi hành đức nhân. Trong kinh Phật nói thái tử Tu-đại-noa đem của cải của vua cha bố thí cho người xa, đem voi báu của đất nước dâng cho kẻ thù, đem vợ con bố thí cho người khác. Không kính trọng cha mẹ mình mà kính trọng người khác thì gọi là trái lễ, không yêu mến cha mẹ mà yêu mến người khác thì gọi là trái đức. Tu-đại-noa bất nhân, bất hiếu mà Phật gia tôn sùng ông, há chẳng phải là lạ sao!44
- Trả lời: Theo lễ thì trai gái không được trực tiếp trao và nhận nhau. Thế nhưng, trong sách Mạnh tử có ghi lại tình tiết thấy chị dâu sẩy chân chết đuối thì em chồng chìa tay kéo lên, vì đó là chuyện cứu người khẩn cấp nên quyền biến. Khi thấy việc lớn, không câu chấp điều nhỏ, cho nên bậc đại nhân không bao giờ câu nệ vào điều thường tình. Tu-đại-noa thấy đời vô thường, tài sản không phải là của báu riêng mình, tự đem bố thí để thực hiện đạo lớn. Làm được việc đó thì đất nước vua cha được phúc lớn, các nước lân cận càng kính trọng thêm, giặc thù không vào xâm chiếm được. Đến việc tu hành thành Phật thì cha mẹ, anh em đều được độ khỏi thế gian. Nếu mang lại lợi ích cho cha mẹ cùng chúng sinh đời này và đời sau như vậy mà gọi là bất nhân, bất hiếu thì trên đời này còn ai có nhân, có hiếu nữa!
Chú thích:
43 Tam hoàng: Ba bậc đế vương thời viễn cổ trong truyền thuyết Trung Quốc. Có nhiều thuyết bất nhất, sách Sử ký, mục Bổ Tam hoàng bản kỷ ghi là Thiên hoàng, Địa hoàng và Nhân hoàng; sách Phong tục thông nghĩa, mục Hoàng bá ghi là Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông.
44 Xem hạnh bố thí không phân biệt của thái tử Tu-đại-noa, tiền thân của đức Phật ở kiếp quá khứ trong Lục độ tập kinh, quyển 2, kinh 14, kinh Tu-đại-noa 六度集經卷第二須大拏經, Đại Chính tạng, tập 3, số hiệu 152, tr.7 c27.
Những thứ được cho là “bất hiếu” mà Nho gia dùng để công kích các sa-môn Phật giáo như: cắt tóc hủy hoại thân thể do cha mẹ ban cho, xuất gia từ bỏ vợ con, không sinh con trai nối dõi tổ tông, bỏ việc cúng tế gia tiên, không biết phục sức, không cúi đầu quỳ lạy quân vương, cha mẹ, coi nhẹ lễ nghĩa, người xuất gia không lao động, chùa chiền được xây cất ở những nơi cao đẹp, v.v. Những vấn đề này được các nhà Nho nêu ra để công kích Phật giáo đều có ở Trung Hoa và Việt Nam từ xưa đến nay. Ở Trung Quốc có Dữu Băng (296 - 334), Hoàn Huyền (369 - 404) thời Đông Tấn; Hàn Dũ (768 - 824) thời Đường. Ở Việt Nam có Đàm Dĩ Mông (? - ?) thời Lý; Trương Hán Siêu (? - 1354), Lê Văn Hưu (1230 - 1322), Lê Quát (1319 -1386) thời Trần; Ngô Sĩ Liên (1400 - 1499) thời Hậu Lê là những nhà Nho công kích Phật giáo kịch liệt45. Đa số các chỉ trích này đều nhắm vào những bất cập trong sinh hoạt Tăng nhân hoặc chưa hiểu hết về đời sống người xuất gia chứ không có ý phê phán kinh điển Phật giáo, vì họ không tìm thấy sự vô lý trong kinh Phật. Mặc dù nhà Nho các triều đại công kích Phật giáo nhưng trái lại, thái độ các Tăng nhân Phật giáo không bao giờ chỉ trích nhà Nho. Họ chỉ khéo léo lập luận để bảo vệ lý tưởng xuất gia tu hành và can đảm dâng biểu tấu lên triều đình nhằm phản đối những áp đặt của vua đối với người xuất gia đứng ngoài vòng danh lợi, địa vị, bổng lộc và thọ ân mưa móc của triều đình mà thôi.
Chú thích:
45 Những công kích Phật giáo của các nhà Nho Việt Nam được tìm thấy trong Đại Việt sử ký toàn thư và Thơ văn Lý Trần rất nhiều, nhưng ở đây do hạn chế của đề tài nên chúng tôi không thể kể chi tiết.
Để giải quyết những vấn nạn và chỉ trích của các nhà Nho, Mâu tử trả lời rõ ràng từng vấn đề trong tác phẩm Lý hoặc luận để giải nghi và bảo hộ cho Phật giáo, bằng cách ông trưng dẫn lời dạy của các tiên thánh Trung Hoa và gương hy sinh của vô số nhân vật lịch sử Trung Hoa theo Nho gia. Qua đó, để những ai ảnh hưởng bởi cái học Khổng - Mạnh mang đầu óc bảo thủ còn ngờ vực về sự nghiệp tu hành của Tăng nhân thì nhận thức rõ được những giá trị lợi tha mà người xuất gia dấn thân. Vì trước khi nghiên cứu và tu hành theo Phật giáo, Mâu tử là một người “đã học tập kinh truyện, chư tử, sách không kể lớn nhỏ, không gì là không thích. Dẫu không ưa binh pháp, nhưng vẫn đọc chúng. Tuy đọc sách thần tiên bất tử nhưng dẹp đi không tin, cho là dối trá”46. Điểm ưu việt trong sách Lý hoặc luận là sự đối đáp rành rẽ của một nhà Nho đã từng trải nơi “cửa Khổng”, nhưng khi tu tập theo đạo giải thoát, ông dùng mọi kiến thức và kinh nghiệm tu tập của mình để bảo vệ Phật giáo.
Chú thích:
46 Mâu tử Lý hoặc luận 牟子理惑論, Đại Chính tạng, tập 52, số hiệu 2102, tr.1, b1.
Lời biện đáp của Mâu tử hầu như khiến những kẻ công kích có thể hiểu được luận chỉ, nhưng không thể kiềm hãm được những mâu thuẫn của các nhà Nho về sau. Trải qua các thời Lục Triều, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh cho đến thời cận đại, vấn đề chỉ trích Phật giáo của các nhà Nho vẫn xảy ra. Vì họ nhìn vấn đề ở mặt hiện tượng chứ không tìm hiểu kỹ về mặt bản chất của chúng nên phát sinh những nhận thức sai lầm là điều dễ hiểu.
Sau tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu tử trong việc bảo vệ Phật pháp từ những luận nạn của Nho gia thì Dụ đạo luận của Tôn Xước (314 - 371) là một tác phẩm quan trọng giải đáp về đạo hiếu của Phật giáo. Tác phẩm này cũng được biên soạn theo hình thức vấn đáp liên quan đến những vấn đề khác biệt giữa Nho gia và Phật gia. Trong đó có một đoạn vấn đáp về đạo hiếu chúng ta nên xem qua.
Có người đem quan niệm hiếu đạo của Nho gia để hỏi rằng: “Giáo nghĩa của Chu công, Khổng tử là lấy hiếu làm đầu. Điều tột cùng của đức hiếu là gốc của trăm hạnh. Gốc có đứng vững thì đạo mới sinh ra, như vậy sẽ thông với thần minh. Cho nên, con cái kính phụng cha mẹ là khi cha mẹ sống thì phải hết lòng phụng dưỡng, khi cha mẹ mất thì phải thờ cúng. Trong ba ngàn tội, không tội gì lớn bằng không có con nối dõi. Thân thể do cha mẹ sinh, không dám hủy hoại. Cho nên Nhạc Chính bị thương nơi chân mà suốt đời hổ thẹn. Nhưng đạo của sa-môn vọng lìa chỗ sinh ra, bỏ người thân mà theo kẻ xa, cạo bỏ râu tóc, tàn hoại tướng mạo trời cho. Sống thì bỏ dưỡng nuôi, chết thì không cúng tế. Xem người thân máu mủ như kẻ qua đường, trái lý tổn tình, không gì hơn đây. Thế mà bảo là mở rộng đạo, trải lòng nhân để rộng cứu quần sinh sao? Vậy thì đâu khác gì chặt gốc rễ, đốn cành lá mà nói là không mất đi sự xanh tốt? Chưa nghe nói da đã không còn mà lông sẽ mọc được! Rất trái với thế giáo, ông sẽ làm gì để trừ dẹp đây?”
Tôn Xước trả lời: “Đây quả thực là chỗ mê mờ quá lớn của bọn cùng tục, là cái biết sai lầm của kẻ có cái nhìn ngược đời, nên tôi sẽ luận bàn mà không thể im lặng được! Cha con một thể, sinh mệnh đồng nhau. Cho nên mẹ cắn ngón tay thì tim con co thắt47, vì cùng khí chất mà cảm ứng nhau, do sinh mệnh đồng nhau nên không chia cách. Cho nên, có thể làm cha mẹ vui lòng là chỗ tận cùng của hiếu. Cha có thịnh đức thì sinh con quý hiển, con có quý hiển thì cha mới được tôn vinh, cho nên hiếu chính là chỗ quý hiển. Quý hiển mới có thể lập thân, hành đạo, làm rạng rỡ mẹ cha muôn đời. Chỉ khúm núm ôm tay áo hằng ngày hiến dâng tam sinh48 mà không thể khiến vạn vật tôn quý mình. Suốt đời ta dựa vào đó để nuôi dưỡng mẹ cha, thì niềm vinh hiển ấy quá thiển cận vậy. Dựa vào chỗ đốc thực làm thước đo, giữ nhu hòa làm lẽ thường, hình sắc lẫn danh thơm đều dứt tuyệt, ta và người thân cùng quên. Đó là đạo phụng dưỡng cha mẹ vậy...”
Chú thích:
47 Tăng Sâm ở ấp Vũ Thành thuộc nước Lỗ, sinh vào thời Xuân Thu (771 tr.Tl - 476 tr.Tl), là một trong những học trò giỏi nhất của Khổng tử. Ông thờ cha mẹ rất hiếu thảo. Một hôm ông vắng nhà để vào rừng kiếm củi, có người khách đến chơi, mẹ ông muốn cho ông về ngay nhưng không biết phải làm cách nào, liền cắn vào đầu ngón tay để động lòng con mình. Quả nhiên đang ở trong rừng ông cảm thấy tim mình quặn đau, vội vã gánh củi về nhà.
48 Tam sinh: Ngày xưa dùng ba loại súc vật trâu, dê, heo để cúng tế trời đất.
“Xưa khi đức Phật còn làm thái tử, bỏ nước học đạo, muốn toàn vẹn thân hình mà lánh ẩn, sợ rằng không tránh khỏi trói buộc, cho nên cạo bỏ râu tóc, thay đổi áo hoa. Bề ngoài tỏ vẻ chẳng giống ai nhưng bên trong tu giản dị. Vì vậy, ngài bỏ cung điện hoa lệ để tiến thẳng vào rừng hoang, cởi bỏ long bào mà khoác da hươu, bèn níu cành làm mái che, mượn cỏ làm nệm trải, bỏ lược gương vất vả, ngưng nước tắm nhọc nhằn, ghìm dây cương rong ruổi, đóng cánh cửa ham thèm. Mắt thôi nhìn sắc đẹp, tai tuyệt tiếng dâm ô, miệng quên vị ngọt đắng, ý buông bỏ âu lo. Tâm lìa phiền lụy, lòng ôm chuyên nhất, đong đầy nơi khí phách, trong quán niệm hơi thở, v.v. đoan tọa sáu năm, thành tựu đạo quả, người xưng là Phật, v.v. Bấy giờ, ngài dạo khắp ba cõi, tự do giáo hóa khắp nơi, xoay trời chuyển đất, núi chạy sông dừng, chợt còn chợt mất, thần biến liên hồi. Phóng ý nơi nào thảy đều thông suốt, uốn nắn bọn tà về đường chân chính. Đạo nhỏ chúng ma thảy đều tuân phục. Bấy giờ, trời trong đất thấm, vạn vật hanh thông; đời sống côn trùng, nước thiêng rưới thấm; cỏ cây khô héo, trở lại tốt tươi.
Ngài quay về quê cũ, bày rộng pháp âm, phụ vương cảm ngộ, cũng đến đạo tràng. Lấy những thành tựu này để vinh hiển song thân, thì có hiếu đạo nào bằng được? Bấy giờ, đàn em hậu tiến quy phục bởi lời giáo huấn rộng sâu, suy nghĩ cùng ở khuôn phép cao xa, thảy đều nhờ cha mẹ có chung sở thích, đón lấy niềm vui rồi sau mới lắng nghe giáo pháp. Nếu có hàng con em thân thích, thì giáo dưỡng chẳng bỏ bê, đã tu rộng nghiệp lớn mà ân nặng chẳng suy. Lại còn khiến người mất được phúc báo để sinh về cõi trời, không cần phải lo cúng tế nơi trần thế. Đây há chẳng phải là đạo hiếu thông suốt kiêm thiện hay sao?”49
Chú thích:
49 Xem Hoằng minh tập, quyển 3, Dụ đạo luận của Tôn Xước, Đại Chính tạng, tập 52, số hiệu 2102, tr. 16, b07.
Tôn Xước nhấn mạnh đạo hiếu thực chất cao thượng không nằm ở chỗ cơm dâng nước rót, quạt nồng ấp lạnh mà nằm ở chỗ sinh ra người con quý hiển, con có quý hiển thì cha mới được tôn vinh. Đứa con quý hiển mới báo hiếu được vẹn toàn, vì họ có khả năng lập thân hành đạo, làm rạng danh cho cha mẹ muôn đời. Dụ đạo luận đã dẫn ra những ý bản lề như vậy để nói về công đức tận hiếu của những người xuất gia làm sa-môn. Đặc biệt, tác phẩm dẫn dụng cuộc đời của thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ mọi thú vui cuộc đời, dừng các thỏa mãn cảm xúc để học đạo, tu đạo và thành đạo. Từ đó, mang uy đức và lý tưởng giải thoát để giúp những người trong dòng tộc hiểu đạo, thuyết pháp cho phụ vương giác ngộ tông nghĩa trước khi lìa đời. Ngài còn lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp ba tháng cho mẫu hậu của ngài được chứng quả thánh. Như vậy, người xuất gia tu đạo chẳng phải là kẻ bất hiếu như nhiều nhà Nho nghĩ, mà là những người thể hiện đạo hiếu cao hơn rất nhiều so với đạo hiếu của thế gian, vì họ giúp cha mẹ và chúng sinh trong cuộc đời này lìa được cái khổ của sinh tử.
Năm 340, thời Đông Tấn (316 - 420), quan phụ chính Dữu Băng đã từng thay mặt Tấn Thành đế hạ chiếu ra lệnh các sa-môn phải chí kính đối với vua. Song, do gặp phải sự phản đối kịch liệt của Thượng thư lệnh Hà Sung (292 - 346) và các đại thần khác, nên lời đề nghị ấy bị đình lại, không thực hiện được. Hơn sáu mươi năm sau, tức năm 402 triều vua Tấn An đế, Hoàn Huyền tự phong Thái úy, chuyên đoán triều chính, hạ lệnh sa thải những phần tử tiêu cực trong hàng ngũ Tăng ni. Đi đôi với lệnh sa thải này, Hoàn Huyền cũng buộc các sa-môn phải kính bái vua chúa như tất cả các quan dân khác trong nước. Vì chế độ vương quyền của các vua chúa Trung Hoa nói chung và Hoàn Huyền nói riêng đều chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Chu Khổng lấy mối quan hệ tôn ti làm nòng cốt trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Ở gia đình, cha mẹ là đấng cao cả; ở xã hội, vua chúa là bậc quyền năng. Họ cho rằng, vương hầu là đấng quyền năng ban cho dân sự sống, khai thông vận mệnh cho toàn dân, thay trời hành đạo, sắp xếp trật tự của vạn vật đâu vào đó thì việc kính là tôn kính cái thần khí của vua, lễ là lễ lạy chỗ to lớn của trời đất. Người xuất gia tồn tại dưới vòm trời này cũng nhờ đặc ân của quân vương sắp xếp vận mệnh. Cho nên thọ dụng ân đức của vua mà không biết lễ kính vua thì vừa ngược với lý vừa trái với tình.
Đứng trước sức ép này, Tổ sư Tuệ Viễn (334 - 416) soạn luận Sa-môn bất kính vương giả, nêu lên quan điểm của mình về việc Tăng ni đứng ngoài sự chi phối chính trị, nên không cần lễ bái quân vương theo lễ của Nho gia. Trong luận, tổ Tuệ Viễn nêu lên lý do vì sao người xuất gia không lễ bái vua chúa: “Phật giáo chủ yếu có sự khác nhau giữa xuất gia và tại gia. Xuất gia và tại gia gồm có bốn hạng50, họ hoằng dương Phật giáo, thông tỏ lý của vạn vật, công đức ấy ngang tầm đế vương. Việc giáo hóa của họ có tác dụng trị lý xã hội. Còn đối với tình trạng cảm hóa thế tục, thức tỉnh người đời thì thời nào cũng có, chỉ là mỗi thời kỳ có chỗ hành tàng khác nhau, cho nên tác dụng giáo hóa của đạo Phật tùy theo sự hưng phế của thời cuộc mà có sự ẩn hiển mà thôi... Tăng nhân xuất gia tu đạo là khách ở ngoài thế gian này, hành tích thoát tục không còn bám dính vào đâu. Giáo nghĩa tu theo của họ nằm ở chỗ: việc vướng họa hoạn, dính duyên trần là bởi có thân này, khi thân không còn thì họa hoạn liền dứt. Biết rằng, sinh sinh ra mãi là do bẩm thụ nơi trời đất hóa dục, cho nên không thuận theo sự hóa dục ấy để tìm cầu tông yếu giải thoát. Tìm cầu tông yếu giải thoát không thể đạt được từ chỗ thuận sự hóa dục ấy, cho nên người xuất gia không coi trọng tiền tài của cải cho đời sống. Dứt trừ được họa hoạn không thể nhờ bám chấp vào tấm thân này, cho nên người xuất gia không coi trọng những lợi ích giúp no đủ cho mạng sống. Lẽ này trái với hình thức thường thấy, vì tư tưởng hành vi người tu đạo và người thế tục trái nhau. Những người như vậy, tự phát lời thề xuất gia bắt đầu ở việc cạo tóc, lập chí hướng giải thoát nên hình thức thay đổi phục sức. Vì vậy, phàm là người xuất gia đều lánh đời ẩn cư để theo đuổi chí hướng của mình, thay đổi tập tục để thành tựu đạo giải thoát. Thay đổi tập tục thì phục sức không thể tuân theo điển lễ giống như thế tục; lánh đời ẩn cư thì phải giữ gìn hành tích thanh cao của mình. Nếu được như vậy thì mới có khả năng cứu vớt những kẻ đang chìm đắm trong dòng sông tục lụy, nhổ sạch rễ ăn sâu trong vô lượng kiếp luân hồi, giúp họ tiến xa hơn ở bến giác tam thừa51, mở rộng cửa hướng đến đường nhân thiên. Nếu có thể giúp một người thành tựu vẹn toàn được công đức này thì lục thân52 của họ sẽ được thấm nhuần đạo vị, ân trạch lưu bố khắp thiên hạ. Mặc dù thân không ở ngôi vị vương hầu nhưng cũng đã trợ giúp đế vương để trị hóa sinh dân. Do đó, bên trong gia tộc tuy trái với việc coi trọng tình cha mẹ theo lẽ thường nhưng không trái với hiếu đạo; bên ngoài xã hội tuy không tuân phụng việc quỳ lạy đế vương nhưng không mất đi lòng cung kính. Từ đây mà xét thì đủ biết: vượt qua chuẩn mực Nho gia để tìm cầu tông yếu giải thoát thì đạo lý sẽ sâu sắc mà ý nghĩa lại chân thật. Nếu chỉ xét theo sự hóa dục của tự nhiên mà giáo hóa bằng nhân nghĩa thì công đức nhỏ mà hiệu quả ít. Nếu cứ cố chấp như vậy thì khác nào sắp nhìn thấy đỉnh Minh sơn rồi mà quay gót, người ta còn lấy làm hổ thẹn, huống gì người xuất gia rập khuôn người đời thuận theo hóa dục tự nhiên và tầng lớp quan lại hưởng bổng lộc nhà vua mà hiếu kính giống như họ sao?”53
Chú thích:
50 Bốn hạng: Chỉ bốn chúng đệ tử của đức Phật, đó là: 1. Đệ tử xuất gia gồm: tỷ-kheo (bhikṣu, khất sĩ nam), tỷ-kheo ni (bhikṣunī, khất sĩ nữ); 2. Đệ tử tại gia gồm: ưu-bà-tắc (upāsaka, cận sự nam), ưu-bà-di (upāsikā, cận sự nữ).
51 Tam thừa 三乘 (Skt. trīṇi yānāni): Tức ba phương tiện giao thông, tỷ dụ cho ba pháp môn chuyên chở chúng sinh vượt biển sinh tử đến bờ niết-bàn an vui, gồm Thanh văn thừa (śrāvaka-yāna), Duyên giác thừa (pratyeka-buddha-yāna) và Bồ-tát thừa (bodhisattva-yāna).
52 Lục thân 六親: Sáu hàng thân thuộc của mình, gồm: cha, mẹ, anh, em, vợ, con.
53 Luận Sa-môn bất kính vương giả 沙門不敬王 者論, Đại Chính tạng, tập 52, số hiệu 2102, tr.29, c19.
Theo chủ trương của Tuệ Viễn, người xuất gia nằm ngoài quy định của lễ nghi Nho gia, vì họ hy sinh mọi tham muốn ở đời, lo vun bồi đạo đức làm khuôn phép cho lục thân quyến thuộc, ơn thấm nhuần cả thiên hạ, nhìn bề ngoài thì thấy trái lễ do Nho gia đề xướng nhưng xét về lợi ích đại cục thì không hề trái với đạo hiếu.
Các đế vương đầu đời Đường, một mặt vận dụng chính sách ôn hòa đối với Phật giáo như xây dựng chùa viện, dựa vào Phật giáo để tổ chức pháp hội truy điệu các tướng sĩ trận vong; nhưng mặt khác, triều đình vẫn không ngừng quản lý kiểm soát chặt chẽ các chùa viện Phật giáo, và có ý đồ làm suy yếu thế lực Phật giáo. Bên cạnh sự ưu ái, kính mộ Tam bảo của các triều đại vua quan và dân chúng thì một số quan lại Nho sĩ cũng đả kích chư Tăng, như Trì Kính Đức, Lưu Văn Tĩnh, Phó Địch, Hàn Dũ, v.v.
Việc luận tranh sa-môn có nên quỳ lạy quân vương hay không đã đạt đến cao trào trong triều đại Đường Cao tông. Niên hiệu Vũ Đức thứ 4 (621), có Thái sử lệnh Phó Địch, trước đó tin theo phái Khăn vàng54, rất thù ghét Tăng nhân, thấy vua dân trong nước đều kính trọng chư Tăng nên sinh tâm đố kỵ, bèn dâng biểu về việc truất phế Phật pháp, gồm 11 điều. Trong đó nêu rõ: "Kinh Phật xằng bậy, hoang đường, lời tà sự ẩn, tổn nước hại nhà, chưa nghe có ích cho đời. Mời tà giáo của Phật xứ Hồ kia lui về Thiên Trúc, hãy thả tất cả bọn sa-môn quay về quê cũ thì nước nhà mới hưng thịnh, giáo nghĩa họ Lý họ Khổng mới có cơ hội lưu hành được”.
Chú thích:
54 Khăn vàng: Tên chữ Hán là Hoàng Cân 黃巾, là một giáo phái của Đạo giáo thời Đông Hán do Trương Giác (? - 184) sáng lập.
Vua Đường Cao tổ Lý Uyên bèn xuống chiếu hỏi các Tăng nhân rằng: “Vứt râu tóc của cha mẹ trao cho, bỏ áo hoa của vua tôi ban tặng. Vậy thì đối với tình trong gia tộc có lợi gì? Đối với tình ngoài thiên hạ có ích gì?”
Bấy giờ có sa-môn Thích Pháp Lâm chùa Tế Pháp nhân lời hỏi ấy mới tâu rằng: “Lâm này nghe nói chỗ chí đạo tuyệt lời thì làm sao cửu lưu55 có thể biện luận được? Pháp thân chẳng hình vết, chẳng phải là thứ mà thập dực56 có thể giải thích được? Nhưng bốn nẻo57 mang mang, đắm chìm biển dục; ba cõi58 lúc nhúc, rớt thảm núi tà. Chư tử mê mờ nên tự thiêu mình, phàm phu yếu đuối nên không ra khỏi. Cho nên, bậc chí nhân mới hiển linh, đại thánh vì họ mà xuất hiện, bèn mở cửa giải thoát, bày đường an ổn. Chính vì thế mà có người thuộc dòng vua chúa Thiên Trúc, khước từ ân ái để xuất gia; vương công quý tộc miền Đông Hạ, chán vinh hoa mà nhập đạo.
Chú thích:
55 Cửu lưu 九流: Chỉ chín trường phái học thuật chủ yếu thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, gồm: 1. Nho gia; 2. Đạo gia; 3. Âm dương gia; 4. Pháp gia; 5. Danh gia; 6. Mặc gia; 7. Tung hoành gia; 8. Tạp gia và 9. Nông gia.
56 Thập dực 十翼: Là mười thiên truyện của kinh Dịch, tương truyền do Khổng tử làm ra, gồm: 1. Thoán thượng truyện; 2. Thoán hạ truyện; 3. Tượng thượng truyện; 4. Tượng hạ truyện; 5. Hệ từ thượng truyện; 6. Hạ từ hạ truyện; 7. Văn ngôn truyện; 8. Thuyết quái truyện; 9. Tự quái truyện; 10. Tạp quái truyện.
57 Bốn nẻo 四趣: Địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, súc sinh.
58 Ba cõi 三有: Cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc.
Thề ra khỏi dòng sinh tử, chí cầu diệu quả niết-bàn, mở rộng đường lành để báo đáp bốn ân, vun bồi công đức để cứu độ ba cõi. Đây chính là lợi ích. Vì muốn hủy bỏ thân hình để hoàn thành chí nguyện ấy, nên cạo bỏ râu tóc chẳng màng nhan sắc; vì muốn thay đổi thói tục để khế hợp đạo mầu, nên vứt áo hoa do vua tôi ban tặng. Mặc dù về hình thức thiếu việc phụng dưỡng mẹ cha, nhưng trong lòng luôn ôm niềm hiếu kính; mặc dù lễ nghi trái ngược với việc phục dịch vương chủ, nhưng trong tâm vẫn vâng giữ ân sâu. Đức bao trùm kẻ oán người thân để thành đại thuận, phúc thấm nhuần cõi hiển nẻo u, thì đâu có phải câu nệ chỗ trái nghịch nhỏ bé! Người thượng trí, nương lời Phật nên khen là ích; hạng hạ phàm, phụ ý thánh nên chê là hại. Trừng phạt cái ác thì kẻ mắc lỗi sửa mình; khuyến khích điều lành thì người thông minh cảm hóa”59.
Trong Trinh Quán chính yếu, quyển 7, thiên Lễ nhạc đệ nhị thập cửu ghi: “Trinh Quán năm thứ 5, Thái tông bảo các thị thần rằng: ‘Phật, Đạo thiết lập giáo nghĩa, vốn là để thực hành việc lành, há để bọn Tăng ni, Đạo sĩ tự tôn sùng trái khoáy, ngồi nhận lễ bái của cha mẹ, làm tổn hoại phong tục, bội loạn lễ kinh? Nên cấm đoán ngay, hãy lệnh cho bọn họ bái lễ cha mẹ”60.
Chú thích:
59 Quảng hoằng minh tập, mục Vấn xuất gia tổn ích chiếu tịnh đáp 問出家損益詔并答, Đại Chính tạng, tập 52, số hiệu 2103, tr.283, a10.
60 Ngô Căng, Trinh Quán chính yếu, thiên Lễ nhạc, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 2009, tr.194 - 吴兢. 贞观政要.礼乐. 北京: 中华书局, 2009, 頁194.
Năm Trinh Quán thứ 5 (631), Đường Thái tông hạ sắc Tăng ni, đạo sĩ kính bái cha mẹ, nhưng gặp sự phản đối của Tăng nhân Phật giáo, nên đến năm Trinh Quán thứ 7 (633) thì sắc lệnh này bị thủ tiêu.
Năm Long Sóc thứ 2 (662), Đường Cao tông hạ sắc lệnh yêu cầu sa-môn quỳ bái vua chúa và cha mẹ. Vì vua và cha mẹ là nghĩa nặng nhất trong tam cương, đạo kính ái là nết đầu tiên trong trăm nết. Mặc dù giáo nghĩa của Thích, Lão thì siêu tuyệt lẽ thường nhưng chỗ cung kính, hiếu thuận thì không khác với Nho đạo. Ở vùng đất của đế vương Trung Hoa, lễ nghi quỳ bái của các sa-môn từ lâu đến nay bị bế tắc, không thi hành nên bấy giờ Đường Cao tông mới thừa bẩm thiên kinh để nâng cao đức hiếu, dựa vào địa nghĩa để tuyên rộng lễ nghi, dùng Nho giáo phủ trùm đạo tục, ra lệnh cho Đạo sĩ, Nữ quan, Tăng ni phải quỳ bái vua, hoàng hậu và hoàng thái tử cùng cha mẹ của họ.
Sau khi Hứa Kính Tông tuyên cáo bản chiếu sắc này, tầng lớp Tăng nhân lấy làm hoang mang. Bấy giờ, người tham dự cuộc tranh luận “Sa-môn có nên quỳ lạy người thế tục hay không” này gồm hơn 300 Tăng nhân, tầng lớp quan văn, quan võ từ cửu phẩm trở lên và quan lại các châu huyện lên đến hơn 1000 người. Khai Nguyên thích giáo lục, quyển 8, có ghi lại Tập sa-môn bất ưng bái tục đẳng sự như sau: “Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Long Sóc thứ 2, có chiếu hạ lệnh [người xuất gia] quỳ lạy trước vua và cha mẹ, vì sợ tổn thương phong hóa của đất nước, nên sai trăm quan hãy bàn luận công khai. Bấy giờ, các sa-môn như Đạo Tuyên, v.v. cùng dâng tờ biểu lên triều đình. Mọi người luận bàn khác nhau, quan viên nhập cuộc, hoàng thượng giám sát, hạ sắc bãi bỏ. Ngạn Tông sợ rằng đời sau không còn nghe thấy, nên biên soạn việc này và các câu chuyện đời trước, cùng lời đối đáp của các bậc tiên hiền, gọi là Tập sa-môn bất bái tục nghị, truyền lại đời sau, để làm khuôn phép”61.
Sắc lệnh Đường Cao tông ban ra không những bị tầng lớp Tăng nhân phản đối mà ngay cả nội bộ quan viên triều đình cũng bất đồng quan điểm. “Bấy giờ, 539 vị quan lại đứng đầu trong triều đình thỉnh nguyện đừng để sa-môn quỳ lạy; 354 người thỉnh nguyện cho sa-môn quỳ lạy”62. Nhiều vị danh Tăng can đảm dâng tấu kháng lại sắc lệnh vua ban để bảo vệ chính pháp, khẳng định giá trị của người xuất gia, như ngài Uy Tú chùa Đại Trang Nghiêm, ngài Đạo Tuyên (596 - 667) chùa Tây Minh, v.v. Dưới sự phản kháng kịch liệt của giới Phật giáo đồ nên cuối cùng sắc lệnh này bị hủy bỏ.
Chú thích:
61 Khai Nguyên thích giáo lục, quyển 8 開元釋教 錄卷第八, Đại Chính tạng, tập 55, số hiệu 2154, tr.563, a3.
62 Tống cao Tăng truyện, quyển 17 宋高僧傳卷第 十七, Đại Chính tạng, tập 50, số hiệu 2061, tr.812, b21.
Trong lời khải tấu của mình, Uy Tú trưng dẫn rất nhiều sử sách, nhiều triều đại có thái độ đối với Phật pháp lúc trọng lúc khinh, và đặc biệt ngài chỉ ra những kế sách không ổn định “sáng ban chiều đổi” của lịch đại vương hầu. Ngôn từ mà Uy Tú sử dụng tuy nhẹ nhàng nhưng trong đó chứa đựng quan điểm kiên định rằng, người xuất gia không lạy người thế tục.
Bên cạnh các sắc lệnh triều đình ban bố thì các nhà Nho cũng soạn biểu tấu bài xích Phật giáo. Trong Nguyên đạo, Hàn Dũ nỗ lực xây dựng tiêu chuẩn đạo đức cho thiên hạ thông qua tư tưởng nhân nghĩa của Nho gia, vì ông cho rằng nguồn gốc của đạo chính là “đạo đức nhân nghĩa”. Ông xem việc kế thừa, khôi phục Nho đạo là trách nhiệm của mình nên ra sức công kích Phật giáo, bài xích Lão giáo. Ông xếp Lão và Phật thành hai trong sáu thành phần xã hội lúc bấy giờ, gồm: sĩ, nông, công, thương, Lão, Phật. Ngoài việc xem Nho đạo là phương thức giáo hóa xã hội thì Lão giáo và Phật giáo cũng là trường phái thi hành việc giáo hóa cho dân. Song, thành phần làm ruộng chỉ có một mà thành phần hưởng thụ lương thực có đến sáu; thành phần làm thợ thủ công chỉ có một mà thành phần sử dụng đồ đạc có đến sáu; thành phần buôn bán chỉ có một mà thành phần đòi hỏi cung ứng thương phẩm có đến sáu. Tình trạng này sẽ khiến dân chúng nghèo khốn và nạn trộm cắp hoành hành. Ông phê phán luận điểm: “Vứt mối quan hệ vua tôi của Nho gia; bỏ luôn sự phân chia thân tình giữa cha con của Nho gia; chặn đường lối cai trị của quân chủ đối với thần dân và sự phục tùng nuôi cấp của thần dân đối với quân chủ, để tìm cầu thế giới bên kia thanh tĩnh vắng lặng” của Phật giáo, nhằm đề cao vai trò thống trị chuyên chế của vua chúa và trách nhiệm phục dịch vô điều kiện của dân chúng.
Hàn Dũ dùng những lời lẽ nặng nề để công kích Lão giáo và Phật giáo mang hàm ý cạnh tranh sự ảnh hưởng cho Nho gia. Cuối bài viết, ông thể hiện rõ sự bất lực của việc truyền bá đạo Nho trước sức hấp dẫn của tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo đối với quần chúng: “Nếu không ngăn chặn đạo Phật, đạo Lão thì đạo Nho không thể lưu truyền; nếu không cấm đoán đạo Phật, đạo Lão thì đạo Nho không thể phát triển. Hãy cho bọn Tăng nhân, Đạo sĩ hoàn tục làm dân thường; đem kinh Phật, sách Đạo thiêu hủy hết; đổi cơ sở chùa Phật, quán Đạo thành nhà dân; làm sáng tỏ đạo của Tiên vương để dạy dắt dân chúng”63.
Chú thích:
63 Chu Học Cần (chủ biên), Cổ văn quan chỉ, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 2006, tr.367 - 372. 朱學勤主編《古文觀止》, 上海辭書出版本社.
Có thể nói, chủ trương không quỳ lạy vua và cha mẹ diễn ra từ thời kỳ ngài Tôn Xước, Tuệ Viễn thời Đông Tấn đến ngài Đạo Tuyên thời Đường được các Tăng nhân kiên trì tranh đấu. Người xuất gia không quỳ lạy vua và cha mẹ là nhằm giữ tròn hạnh xuất ly của mình chứ hoàn toàn không phải chống đối triều đình hoặc thể hiện sự bất trung bất hiếu. Các Tăng nhân bấy giờ luôn khẳng định và thể hiện lòng hiếu kính trong tâm quan trọng hơn so với hình thức quỳ lễ, chú trọng đến lợi ích cho số đông nhiều hơn là lợi ích cho gia đình thân tộc. Từ đời Tống về sau, do tồn tại trong chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối, Phật giáo phải chịu khuất phục dưới quyền lực này nên còn nhiều vấn đề mà Phật giáo không thể tự quyết định được, nên bắt buộc Phật giáo phải thỏa hiệp và ứng xử nhu hòa với Nho giáo.
Cư sĩ Trương Thương Anh (1043 - 1121) có cùng quan điểm với ngài Tuệ Viễn nhằm bảo vệ Tăng nhân khi họ bị Nho gia công kích. Ông dẫn lại lời người xưa: “Một người con xuất gia, cha mẹ chín đời được sinh lên cõi trời”64. Người xuất gia không những giúp cha mẹ hiện tiền tin sâu nhân quả, tôn kính Tam bảo, làm lành lánh dữ mà còn giúp cha mẹ trong chín đời quá vãng được sinh thiên. Cho nên việc xuất gia cũng là sự thể hiện đại hiếu. Trong Hiếu luận của sa-môn Khế Tung (1007 - 1072) thời Tống khẳng định: “Hiếu gọi là giới. Có nghĩa, xem hiếu là đầu mối của giới. Người giữ giới mà muốn bỏ hiếu thì chẳng phải là giới. Hiếu là chỗ đầu tiên của đại giới; giới là chỗ sinh ra các điều lành. Làm điều lành mà không tu giới thì điều lành sao sinh ra được? Tu giới mà không hiếu kính thì giới làm sao tự hoàn thiện được? Cho nên kinh dạy: ‘Điều giúp ta mau thành đạo chân chính vô thượng là do đức hiếu vậy'”65.
Chú thích:
64 Hộ pháp luận 護法論, Đại Chính tạng, tập 52, số hiệu 2114, tr.639, a23.
65 Hiếu luận 孝論, Đại Chính tạng, tập 52, số hiệu 2115, tr.660, b16.
Tóm lại, sở dĩ có sự bất đồng trong quan niệm hiếu kính giữa Nho gia và Phật gia là vì Nho gia đứng trên góc độ của “Lễ” để nhìn nhận, còn Phật gia đứng trên góc độ “Lợi tha” và “Giải thoát” để nhìn nhận. Lễ được xem là phạm trù quan trọng xuyên suốt trong học thuyết tư tưởng của Khổng tử. Lễ là quy phạm của mọi hành vi xã hội đã xuất hiện từ rất sớm trong đời sống người Trung Hoa. Hành xử theo lễ là tuân thủ theo những chuẩn mực của tiên vương được biểu hiện bằng các nghi thức, cho nên mọi người dân trong nước, ai ai cũng phải thực hiện quy phạm hành vi này một cách tuyệt đối. Nó phù hợp với một xã hội quân chủ chuyên chế, tất cả mọi quyền lực tối cao đều thuộc về một người quyết định, đó là vua chúa. Họ cho rằng, những người xuất gia tu Phật cũng là thành phần tồn tại trong vòm trời này nên phải chịu sự chi phối bởi quy phạm ấy.
Ngược lại, các Tăng nhân Phật giáo tự xem mình là người khách đứng ngoài vòng danh lợi thế gian. Việc xuất gia tu học là muốn bước lên một chân trời cao rộng, nơi đó hình tướng và tâm thái phải khác với lối cư xử thường tình của thế tục. Mục đích của việc xuất gia là để cứu độ ba cõi trầm luân và báo đáp bốn ơn nặng của cuộc đời này, đó là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn quốc gia, ơn Tam bảo. Tăng nhân lấy việc lợi tha làm trọng, nên không bị gò bó trong bất kỳ khuôn mẫu nào cố định, nếu có bị ràng buộc thì sự ràng buộc trong các giáo điều nào đó cũng vì mục đích cao thượng của chí hướng xuất trần của kẻ sĩ chứ không phải lệ thuộc vào bổng lộc, chức tước của triều đình hay thế gian ban thưởng. Thành tựu được việc tự giác và giác tha, đó là đường đi của các Tăng nhân Phật giáo.