Đời sống xã hội Trung Quốc được hình thành dựa trên mối quan hệ huyết thống thân tộc, địa vực hương thôn với chế độ phụ hệ gia trưởng. Chúng được phân định theo mối quan hệ tôn ti nghiêm túc. Xã hội Trung Quốc không đề cao cá nhân mà lấy thiên hạ làm lý tưởng cho một xã hội đại đồng1, trong đó gia tộc là đơn vị không thể tách rời con đường tiến bộ trong phương thức mở rộng trật tự xã hội từ “tu thân, tề gia” đến “trị quốc, bình thiên hạ”. Duy trì một tổ chức mang tính gia tộc chính là nền tảng luân lý của đạo hiếu. Đạo hiếu Nho gia không những mang quyền uy tuyệt đối mà còn xem hiếu là “gốc của mọi đức”. Các quy phạm đạo đức xã hội cũng từ thái độ hiếu kính với cha mẹ mà ra. Đã là đấng quân tử đứng trong trời đất, mang ảnh hưởng của mình đến với số đông không gì hơn là thể hiện hiếu đạo: “Quân tử dạy mọi người bằng đức hiếu”2, cho nên luân lý đạo hiếu không những biểu hiện ở mối quan hệ gia tộc mà còn biểu hiện ở mối quan hệ xã hội, quốc gia. Đạo hiếu Nho gia là hạt nhân giúp cho gia đình hòa thuận, xã hội an ninh, đất nước phồn vinh và văn hóa dân tộc được duy trì. Vì thế, nếu không biết được luân lý đạo hiếu của Nho gia thì sẽ không hiểu rốt ráo được xã hội và văn hóa Trung Quốc. Đạo hiếu là quy phạm của muôn dân, là mệnh lệnh tối cao và cũng là quyền uy tuyệt đối đã từng tồn tại rất lâu trong thể chế quân chủ chuyên chế lấy tư tưởng Nho gia làm trọng.
Chú thích:
1 Xã hội đại đồng: Là một xã hội lý tưởng do học phái Nho gia đề xuất từ cuối thời Chiến Quốc đến đầu thời Hán, đối lại với xã hội đại đồng là xã hội tiểu khang. Trong sách Lễ ký, thiên Lễ vận có ghi: “Đại đạo mà thi hành thì thiên hạ là của chung, tuyển chọn người tài, trao trách nhiệm cho người giỏi, giảng điều tín thực, sửa điều hòa mục, nên người ta không thân riêng với người thân mình, không yêu riêng con cái mình, khiến cho người già có chỗ nương tựa, người trẻ có việc làm để thi thố, người bé có sự dẫn dắt để lớn lên; hạng quan phu, quả phụ, côi cút, đơn chiếc và tàn tật đều được nuôi dưỡng; con trai có phận, con gái có nơi chốn để nương về; đối với tài hóa, ghét rằng rơi vãi ở đất, không cần cất chứa cho riêng mình; đối với sức lực, ghét rằng không ra từ mình, không cần phải làm vì mình. Cho nên mưu mô đều dẹp tắt mà không dấy lên, trộm cắp giặc cướp không nổi dậy; cổng ngoài không phải đóng, thế gọi là đại đồng”. 《禮記. 禮 運》:“大道之行也, 天下為公, 選賢與能, 講信 脩睦, 故人不獨親其親, 不獨子其子, 使老有所 終, 壯有所用, 幼有所長, 矜寡孤獨廢疾者皆有所 養, 男有分, 女有歸, 貨惡其棄於地也, 不必藏於 己, 力惡其不出於身也, 不必為己, 是故謀閉而不 與, 盜竊亂賊而不作, 故外戶而不閉, 是謂大同”.
2 “Quân tử chi giáo dĩ hiếu 君子之教以孝”, Hiếu kinh, chương Quảng chí đức.
Từ thời thượng cổ, khi các kinh điển Nho gia chưa được san định, trong từng lời ca tiếng hát của người dân Trung Quốc nơi thôn dã đã chú ý đến công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cha mẹ là đấng thiêng liêng tạo ra hình hài và giáo dục ta trưởng thành. Muốn báo đáp ân đức ấy nhưng người con khó có thể làm được. “Cha sinh ra ta; mẹ nuôi nấng ta; vỗ về ta, dưỡng dục ta; nuôi ta lớn lên; trông chừng ta, trở về với ta, ra vào bồng bế ta; muốn báo ơn sâu, ơn đức của cha mẹ mênh mông như bầu trời không sao trả hết”3.
Chú thích:
3 “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã súc ngã, trưởng ngã dục ngã, cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực 父兮生我, 母兮鞠我, 拊我畜我, 長我育我, 顧我復我, 出入腹我. 欲報之德, 昊天罔極”, Thi kinh, thiên Tiểu nhã.
Sau khi Chu Vũ vương (1046 tr.Tl) tiêu diệt triều đại Ân Thương (1600 tr.Tl - 1046 tr.Tl), mở ra triều đại phong kiến Trung Hoa, tầng lớp thống trị đầu thời nhà Chu vẫn duy trì những hoạt động nông tang và buôn bán của những người bị chinh phục - nhà Ân trước đây. Các sản phẩm nông nghiệp và lợi tức thu được từ việc buôn bán nơi phương xa đều được sử dụng để nuôi dưỡng cha mẹ và những bậc tôn trưởng. “Những thần dân ở đất Muội, tiếp tục là tay chân của ngươi, ngươi hãy để họ ra sức lao động, trồng trọt các giống lúa nếp, và cần cù chăm chỉ phụng thờ những bậc cha mẹ và tôn trưởng của họ. Sau khi xong việc nông tang, họ có thể cho bò kéo xe chở đến những vùng xa xôi để buôn bán, dùng để hiếu dưỡng cha mẹ của họ”4.
Các điển tịch chủ yếu của Nho gia như Luận ngữ, Trung dung, Lễ ký, Mạnh tử đều đề cập đến đạo hiếu. Có thể nói Hiếu kinh là một cuốn sách tuy không dày nhưng đặc biệt nói đến đạo hiếu xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Chú thích:
4 “Muội thổ, tự nhĩ cổ quăng, thuần kỳ nghệ thử tắc, bôn tẩu sự quyết khảo quyết trưởng, triệu khiên xa ngưu viễn phục cổ, dụng hiếu dưỡng quyết phụ mẫu 妹土, 嗣爾股肱, 純其藝黍稷, 奔走事厥考 厥長, 肇牽車牛遠服賈, 用孝養厥父母”, Thượng thư, thiên Tửu cáo.
Tư tưởng chính của Nho gia là đức nhân. Đức nhân tức là sự biểu hiện của lòng hiếu kính, nên Luận ngữ nói: “Nết hiếu, nết đễ có lẽ là gốc của đạo nhân chăng!”5 Do đó có thể thấy, hiếu là hạnh lành căn bản của Nho gia, là động lực chính để thực hiện luân lý rốt ráo và cũng là căn nguyên của tất cả mọi hành vi con người.
Song, ý nghĩa cụ thể của đạo hiếu là gì? Nho gia quan niệm: “Thân thể da tóc, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh hậu thế, để vinh hiển cho cha mẹ, là kết cục của hiếu. Phàm, hiếu bắt đầu ở việc thờ kính cha mẹ, kế đến là thờ vua và cuối cùng là lập thân”6. Trong gia đình, người con hiếu kính cha mẹ vẹn toàn thì mới có đức ái kính đến người quản lý điều hành đất nước. Và muốn lập thân hành đạo ở đời thì mọi chuẩn mực đều được bắt nguồn từ lòng hiếu kính cha mẹ.
Chú thích:
5 “Hiếu đễ giả dã, kỳ vi nhân chi bản dư 孝弟也者, 其為仁之本與!”, Luận ngữ, thiên Học nhi, 2.
6 “Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã. Phù hiếu thủy ư sự thân, trung ư sự quân, chung ư lập thân 身體髮膚受之父母, 不敢毀傷, 孝之始 也. 立身行道, 揚名於後世, 以顯父母, 孝之終也. 夫孝始於事親, 中於事君, 終於立身”, Hiếu kinh, chương 1.
Chương Hiếu hạnh thứ 13 cũng nói: “Người con hiếu là phụng dưỡng cha mẹ, khi sống chung với cha mẹ phải hết lòng kính trọng, lúc nuôi dưỡng cha mẹ phải một lòng vui vẻ, gặp khi cha mẹ yếu đau phải hết lòng lo lắng thuốc thang, chẳng may cha mẹ qua đời phải hết lòng thương tiếc, thờ cúng cha mẹ phải hết mực trang nghiêm”7. Từ những trách nhiệm và thái độ được nói trong Hiếu kinh này, chúng ta đã biết được đại khái về nội dung đạo hiếu của Nho gia. Căn bản đạo hiếu hầu như tập trung ở ý niệm nuôi dưỡng và phụng thờ cha mẹ. Phụng dưỡng cha mẹ có nghĩa là phải tỏ lòng kính trọng, vui vẻ khi cha mẹ khỏe mạnh; lo lắng, xót thương mỗi khi trái nắng trở trời cha mẹ bệnh tật, ốm đau; và phải trang nghiêm thành kính trong việc thờ cúng sau khi cha mẹ khuất bóng. Đạo hiếu không những mang lại ích lợi trong môi trường giáo dục của gia tộc mà còn ảnh hưởng lớn đến con đường trị lý của các bậc đế vương: “Cẩn thận lúc cha mẹ mất, tưởng nhớ đến tổ tiên xưa, thì dân chúng cảm đức mà quay về”8. Trong hoạt động chính trị, các bậc vua chúa xưa đều chủ trương lấy đạo đức giáo hóa làm nguyên tắc trị nước. Người lãnh đạo có đạo đức thì sẽ được người thuộc cấp tôn kính và nương tựa, được dân chúng quay về thuần phục đông hơn, mà muốn vun bồi đạo đức thì không gì hơn là sống có hiếu với cha mẹ. “Làm chính trị bằng đạo đức, thí như sao Bắc đẩu ở một phương mà các sao khác đều chầu về”9.
Bổn phận làm con phải biết tôn trọng chính bản thân mình, không được hủy hoại thân thể, vì đó là hình hài do cha mẹ tạo tác nuôi dưỡng, lớn lên phải có sự nghiệp để lập thân với đời, làm rạng rỡ danh phận và làm vui lòng cha mẹ. Đạo hiếu của Nho gia lại mang tính chuyên chế tuyệt đối, vì con đối với cha mẹ phải phục tùng vô điều kiện, “vua bảo bề tôi chết, nếu bề tôi không chết là bất trung; cha bảo con chết, nếu con không chết là bất hiếu”10.
Chú thích:
7 “Hiếu tử chi sự thân dã. Cư tắc trí kỳ kính; dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm 孝子之事親也. 居則致其敬, 養則致其樂, 病則致其憂, 喪則致其哀,祭則致 其嚴”.
8 “Tăng tử viết: Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hỹ 曾子曰: “慎終追遠, 民德歸後矣!”, Luận ngữ, thiên Học nhi, 9.
9 “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi 為政以德, 譬如北辰居其所 而眾星共之”, Luận ngữ, thiên Vi chính, 1.
10 Câu này không tìm thấy trong các kinh điển Nho gia, nhưng xuất hiện sớm nhất trong các tiểu thuyết thời Minh - Thanh, như Hỗn Đường hậu truyện của Chung Tỉnh, Phong thần diễn nghĩa của Trần Trọng Lâm, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Vô thanh hý của Lý Ngư, Tái sinh duyên của Trần Thụy Sinh, Nữ tiên ngoại sử của Lã Hùng, Song phụng kỳ duyên của Tuyết Tiều chủ nhân, v.v. Có khả năng câu “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” là câu tục ngữ của xã hội đương thời, khi mà quyền lực chuyên chế của nhà vua đã được nâng lên thành đỉnh cao tuyệt đối trong xã hội quân chủ chuyên chế giữa hai triều đại Minh - Thanh ở Trung Quốc.
Quy định nghiêm ngặt trong mối quan hệ cha con như thế, chứng tỏ Nho gia muốn áp đặt những người trong gia tộc tuân thủ chế độ phục tùng vô điều kiện giữa người chi phối cấp trên và người bị chi phối cấp dưới. Có thể nói trong tư tưởng Nho gia, đạo hiếu đã tạo nên quyền uy tuyệt đối, cha mẹ là thiên tử đối với con cái, cho nên con người thể hiện đức hiếu là phục tùng người nắm quyền lực ở thế hệ trên mình.
Hiếu kinh, chương Hiếu trị thứ 9 ghi: “Bậc minh vương lấy hiếu trị thiên hạ,… Cho nên, thiên hạ hòa bình, tai họa không sinh, ác loạn không dấy”. Vì luân lý này có ảnh hưởng xa rộng đến nền chính trị mà những thiên tử các triều đại đều coi trọng đạo hiếu, lấy hiếu trị thiên hạ, nhất là vào thời Hán độc tôn Nho thuật nên tên các vị vua sau khi băng hà đều có chữ “Hiếu” đứng đầu thụy hiệu, như Hiếu Văn hoàng đế (203 tr.Tl - 157 tr.Tl), Hiếu Vũ hoàng đế (156 tr.Tl - 87 tr.Tl), v.v. Đạo Phật Ấn Độ truyền vào Trung Quốc vào thời Đông Hán nên đạo hiếu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến việc phiên dịch kinh điển Phật giáo11.
Chữ hiếu được phổ biến rộng trong nền chính trị Trung Quốc bằng hàng loạt điều luật, sắc lệnh của quân vương thời Đường, như Đường Huyền tông có chú sớ Hiếu kinh và ra sắc lệnh cho mỗi nhà phải có một quyển Hiếu kinh để học tập và thực hành12.
Chú thích:
11 Năm Vĩnh Bình thứ 7 đời Hán Minh đế (năm 65), vua mộng thấy một người thân sắc vàng, cao 1 trượng 6, cổ đeo nhật luân, hào quang phóng ra bốn phía màu vàng chói sáng, phi thân đến cung điện. Vua tỉnh mộng thấy lạ, sáng hôm sau hỏi Thái sử Phụ Nghị: “Ấy là điềm gì?” Nghị tâu: “Phương Tây có vị thần, thường gọi thần này là Phật, người trong giấc mộng của bệ hạ chính là đức Phật đấy!” Bấy giờ, vua sai 18 người như Sái Âm, v.v. sang phương Tây dò xem. Khi đến nước Đại Nguyệt Thị, họ gặp hai vị thánh Tăng là Nhiếp-ma-đằng và Trúc-pháp- lan đang vác tượng Phật, xá-lợi, kinh điển sang phương Đông. Họ mời đến kinh đô Lạc Dương. Vua lấy làm hoan hỷ, xây dựng chùa Bạch Mã làm đạo tràng dịch kinh cho hai vị thánh Tăng này. Phật pháp bắt đầu truyền bá tại Trung Quốc từ đây.
12 “Tháng 6 năm thứ 10 niên hiệu Khai Nguyên (722), hoàng thượng chú sớ Hiếu kinh, ban cho thiên hạ và con em của công khanh đại phu trong nước học tập. Tháng 2 năm thứ 2 niên hiệu Thiên Bảo (743), hoàng thượng lại chú sớ một lần nữa, cũng ban cho thiên hạ [học tập] 開元十年六月, 上注《孝經》, 頒天下及國子學. 天寶二年二月, 上重注, 亦頒天 下”. Theo Đường hội yếu 《唐會要》.
Hiếu là căn bản của chủ nghĩa gia tộc và định chế pháp luật. Hiếu kinh, chương Ngũ hình thứ 11 ghi: “Tội phạm có đến ba ngàn thứ và hình phạt chia ra năm loại, mà chẳng tội gì lớn bằng tội bất hiếu”. Đường luật sớ nghị, quyển 1, cũng liệt tội bất hiếu và mưu phản làm nghịch thành một trong mười điều ác, thậm chí đối với kẻ bất hiếu cũng chịu hình phạt nặng nề nhất. Nhưng thế nào là bất hiếu? Đường luật sớ nghị, quyển 1, chú giải thái độ “bất hiếu” có chín điều: 1. Vu khống ông bà và cha mẹ; 2. Chửi mắng cha mẹ; 3. Cha mẹ còn sống mà anh em ở riêng; 4. Không cung dưỡng đầy đủ; 5. Lấy vợ lấy chồng trong lúc cư tang; 6. Tấu nhạc trong khi cư tang; 7. Không mặc tang phục; 8. Giấu tang; 9. Trá tang13.
Trên đây là những đối tượng bất hiếu phải chịu hình phạt. Trái lại, “Khéo phụng thờ cha mẹ gọi là hiếu, còn nếu ai vi phạm điều này gọi là bất hiếu”14. Không phụng dưỡng cha mẹ chu đáo là hành vi bất hiếu, đối với hình phạt này, Đường luật sớ nghị, thiên Đấu tụng quy định: “Kẻ nào mắng chửi ông bà cha mẹ thì bị tội treo cổ, kẻ nào dùng gậy gộc đánh đập ông bà cha mẹ thì bị chém đầu, kẻ nào mắc tội sát thương cha mẹ thì bị lưu đày ba ngàn dặm, kẻ nào làm cha mẹ bị thương thì bị giam cầm ba năm”15. Bất luận lý do gì, kẻ bất hiếu mắng chửi cha mẹ, đánh đập cha mẹ đều bị ghép vào tội chết. Bên cạnh đó, điều luật nhà Đường còn quy định rõ, người nào cưới vợ trong khi cư tang cha mẹ thì bị xử tội với hình phạt lưu đày ba năm, trong khi cư tang mà sinh con thì bị hình phạt lưu đày một năm. So với xã hội tự do ngày nay thì hình phạt thời Đường thật hà khắc đối với kẻ bất hiếu.
Chú thích:
13 “Bất hiếu, vị cáo ngôn, trớ lị tổ phụ mẫu, phụ mẫu, cập tổ phụ mẫu, phụ mẫu tại, biệt tịch, dị tài, nhược cung dưỡng hữu khuyết; cư phụ mẫu tang, thân tự giá thú, nhược tác nhạc, thích phục tòng cát; văn tổ phụ mẫu phụ mẫu tang, nặc bất cử ai, trá xưng tổ phụ mẫu phụ mẫu tử 不孝謂告言, 詛 詈祖父母父母, 及祖父母父母在, 別籍, 異財, 若 供養有闕; 居父母喪, 身自嫁娶, 若作樂, 釋服從 吉; 聞祖父母父母喪, 匿不舉哀, 詐稱祖父母父 母死”. Theo Đường luật sớ nghị, quyển 1《唐律 疏議》卷一.
14 “Thiện sự phụ mẫu viết hiếu, ký hữu vi phạm, thị danh bất hiếu 善事父母曰孝, 既有違犯, 是名 不孝”. Theo Đường luật sớ nghị, quyển 1 《唐律 疏議》卷一.
15 “Chư lị tổ phụ mẫu, phụ mẫu giả, giảo; hủy giả, trảm; quá thất hủy thương giả, lưu tam thiên lý; thương giả, đồ tam niên 諸詈祖父母, 父母者, 絞; 毆者, 斬; 過失殺傷者, 流三千里; 傷者, 徒三年”. Theo Đường luật sớ nghị, thiên Đấu tụng 《唐律疏議》, 〈鬥訟〉.
Người nào hiếu kính cha mẹ thì được biểu dương và tôn vinh hết mực, đồng thời đối với kẻ bất hiếu cũng chịu những hình phạt nặng nề bằng quyền uy tuyệt đối của pháp luật quốc gia nên mọi người đều nỗ lực thi hành đạo hiếu. Thấy được lợi ích thiết thực của tinh thần hiếu kính do thể chế chính trị quy định nên người dân khắp nơi hoan nghênh và tuân thủ, cho dù nền chính trị dùng những hình phạt khắt khe nặng nề đối với những ai mang tội bất hiếu.
Hiếu thảo đối với bậc song thân sinh thành, dưỡng dục chúng ta nên người là trách nhiệm và bổn phận, nhưng hiếu thảo với người không sinh thành ra ta cũng được mọi người tán đồng, mặc dù điều này khó thực hiện hơn. Đó là trường hợp của Mẫn Tử Khiên được ghi lại trong sách Luận ngữ.
Mẫn Tử Khiên, người nước Lỗ thời Xuân Thu (770 tr.Tl - 476 tr.Tl), là học trò của Khổng tử, rất nổi tiếng vì ông có đức hạnh hơn người. Khổng tử từng khen ngợi Mẫn Tử Khiên là người biết hiếu kính: “Hiếu vậy thay trò Mẫn Tử Khiên! Người ta không nói gì khác với lời cha mẹ, anh em đã khen”16. Nghĩa là cha mẹ anh em khen thầy Mẫn Tử Khiên là người hiếu kính, mọi người ai cũng tin như vậy, chẳng ai nói lời nào khác để phủ nhận lời khen của những người trong gia đình Tử Khiên. Câu chuyện này được ghi lại trong sách Nhị thập tứ hiếu để dạy học sinh tiểu học ở Trung Quốc và Việt Nam xưa.
Chú thích:
16 Lê Phục Thiện dịch, Luận ngữ, Nxb. Văn học, 2002, tr.393.
Mẹ Mẫn Tử Khiên chẳng may chết sớm. Cha tục huyền và sinh thêm được hai người em trai. Tử Khiên kính trọng và phụng dưỡng cha cùng người mẹ kế, nhưng mẹ kế không những không thương yêu Tử Khiên mà còn thường xuyên ngược đãi. Mùa đông rét mướt, mẹ kế cho hai con trai mình mặc áo bông dày ấm áp, còn Tử Khiên chỉ được mặc mỗi chiếc áo khoác mỏng độn bông lau không cách nào giữ ấm được. Một ngày mùa đông, cha có việc đi ra ngoài, sai Tử Khiên kéo xe. Trên thân khoác chiếc áo độn bông lau mỏng, gặp cơn gió mạnh thổi đến, Tử Khiên vừa kéo xe vừa run cầm cập, nhỡ tay dây cương ngựa bị tuột rơi, chiếc xe lắc lư làm cha ông ngồi sau chao đảo. Sẵn cây roi trên tay, người cha tức giận bèn quất Tử Khiên một roi, ngay tức khắc tấm áo mỏng bị rách và bông lau độn bên trong rơi lả tả ra đất.
Phụ thân thấy vậy bỗng sa sầm nét mặt, mắt ứa lệ khi nhận thấy chiếc áo trên thân của Tử Khiên toàn là bông lau độn bên trong. Ông cảm thấy bản thân đã không làm tròn trách nhiệm một người cha. Liền nghĩ đến người vợ chung gối chung chăn với mình lại xấu ác đối với con chồng như thế này, cha Tử Khiên quay về quyết định đuổi vợ ra khỏi nhà. Tử Khiên chứng kiến, liền quỳ sụp xuống, nước mắt ròng ròng ôm chân cha nói: “Mẹ còn ở thì chỉ một mình con bị lạnh, nếu mẹ bị đuổi đi thì cả ba anh em con đều chết rét, mong cha nghĩ lại!” Câu nói này của Tử Khiên khiến phụ thân vô cùng xúc động, thế là mẹ kế không bị đuổi đi. Thấy Mẫn Tử Khiên đối với mình không có chút oán hận nào, mẹ kế cũng cảm động, rất hối hận về hành vi của mình, từ đó bà thương yêu và chăm sóc Tử Khiên như con đẻ.
Tấm lòng hiếu kính của Tử Khiên đã được lưu truyền trong sử sách, làm gương cho những người đời sau học hỏi và vận dụng. Câu chuyện của Tử Khiên dạy chúng ta đức tính nhẫn nại, hồn hậu thiện lương, hy sinh bản thân cho lợi ích người khác. Dù sống trong nghịch cảnh gia đình nhưng ông vẫn giữ tấm lòng hồn hậu trong sạch, không than van, không oán trách. Ông luôn dụng tâm, sống chịu đựng, hiếu kính cha mẹ, dẫu cho mẹ kế đã đối xử tệ bạc với mình. Do phát xuất từ nội tâm biết nhường nhịn những điều kiện tốt nhất cho hai đứa em mình, lo nghĩ đến tương lai tốt đẹp cho cả các thành viên gia đình nên thái độ và cách cư xử của Tử Khiên khiến mẹ kế xấu ác được chuyển hóa tâm tính, quay đầu hành thiện.
Tư tưởng hiếu kính trong xã hội Trung Quốc không phân chia giai tầng cao thấp, địa vị sang hèn. Trên đến thiên tử, dưới đến thứ dân, thậm chí những gia đình lao động nghèo khổ vất vả cũng đều thấm nhuần và thực thi đạo hiếu. Trị lý xã hội bằng con đường đạo hiếu, dù mang tính cưỡng chế đi chăng nữa thì điều đó cũng thể hiện được phương pháp quản lý khéo léo của những nhà chính trị Trung Hoa. Nhờ phổ cập đạo hiếu từ triều đình đến dân dã nên các nhà hoạch định chính trị coi hiếu kính là nền tảng căn bản để tổ chức quốc gia thành một xã hội ổn định và bền vững. Khổng tử luôn dạy học trò: “Người trẻ tuổi, khi vào thì hiếu thảo với cha mẹ, khi ra thì kính nhường bậc huynh trưởng, cẩn thận mà tín thật, yêu khắp mọi người mà thân với người có đức nhân”17.
Chú thích:
17 “Tử viết: Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân 子曰: “弟子入則 孝, 出則弟, 謹而信, 泛愛眾, 而親仁”, Luận ngữ, thiên Thuật nhi, 6.
Về phương diện giáo dục, tư tưởng của Khổng tử chú trọng đến việc phát triển nhân cách của người học trò từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng. Ở gia đình thì biết vâng lời, lễ phép, hiếu kính cha mẹ; khi ra ngoài xã hội thì phải biết kính nhường người lớn tuổi, luôn cẩn thận trong lời nói và hành động, tạo niềm tin cho cộng đồng, thương yêu mọi người không phân biệt, đặc biệt là phải chọn những người có lòng nhân để giao lưu thân cận.
Trong sách Trung dung cũng ghi rõ: “Kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, phụng thờ cha mẹ lúc chết cũng như lúc sống, phụng thờ cha mẹ khi mất cũng như khi còn, ấy là sự cao tột của đức hiếu”18. Do sống theo chủ nghĩa tông tộc nên tư tưởng hiếu đạo của Nho gia luôn luôn lấy gia đình làm gốc. Con cái phải theo gương cha mẹ, thậm chí phải nối tiếp sự nghiệp của người cha khi còn sống cũng như sau khi cha mất thì mới được gọi là con có hiếu. “Khi cha còn sống thì xem chí hướng của người con; khi cha mất thì xem việc làm của người con. Nếu trong ba năm sau khi cha mất, người con không thay đổi đạo của người cha, mới có thể gọi là người con có hiếu”19. Trong lúc cha còn sống thì người con không thể tự chuyên, nhưng cũng có thể tỏ rõ chí hướng của mình. Sau khi cha mất, xem mọi hành vi thiện ác của người con để thấy rõ người ấy cư xử thế nào. Nếu trong lúc cư tang ba năm mà người con không thay đổi khuôn phép tốt đẹp của người cha thì người con ấy được gọi là con hiếu. Chúng ta nên hiểu tư cách “người cha” trong quan niệm của Nho gia là người cha tốt, luôn làm gương cho con theo chuẩn mực “cha làm trọn đạo của cha”20 chứ không phải là con người bất thiện.
Ở sách Lễ ký, thiên Tế nghĩa thuật lại lời của Tăng tử: “Hiếu kính có ba điều: thứ nhất là tôn kính cha mẹ, thứ hai là không làm điếm nhục cha mẹ; thứ ba là thường xuyên nuôi dưỡng cha mẹ”21. Tuy nhiên, việc hiếu kính cha mẹ không chỉ dừng lại ở hành vi chăm sóc tấm thân cha mẹ như dâng cơm rót nước, quạt nồng ấp lạnh mà còn thể hiện ở việc quan tâm đến cảm xúc tâm lý, tâm trạng vui buồn của cha mẹ. Nếu chỉ dừng lại ở việc nuôi nấng tấm thân cha mẹ mà không tỏ lòng kính trọng thì chẳng khác nào nuôi chó ngựa trong nhà. Một lần học trò Tử Do hỏi thầy Khổng tử về đạo hiếu, Khổng tử không trả lời thẳng hiếu là phải như thế nào, mà ông dùng câu phản vấn để trả lời Tử Do: “Người con hiếu ngày nay, nói rằng họ có thể nuôi được cha mẹ. Đến như chó ngựa, người ta còn nuôi được. Nếu chẳng kính cha mẹ, có khác gì kiểu nuôi chó ngựa!”22
Chú thích:
18 “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã 敬其所尊, 愛 其所親, 事死如事生, 事亡如事存, 孝之至也”, Trung dung, chương 19.
19 “Phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hành, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ 父在, 觀 其志; 父沒, 觀其行; 三年無改於父之道, 可謂孝 矣”, Luận ngữ, thiên Học nhi, 11.
20 Vua Cảnh công nước Tề hỏi Khổng tử về việc chính trị, Khổng tử trả lời: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử 君君, 臣臣, 父父, 子子”. Nghĩa là “Vua làm trọn đạo của vua, bầy tôi làm trọn đạo của bầy tôi, cha làm trọn đạo của cha, con làm trọn đạo của con”, Luận ngữ, thiên Nhan Uyên, 11.
21 “Tăng tử viết: Hiếu hữu tam, đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng 曾子曰: 孝有三, 大孝尊養, 其次弗辱, 其下能養”.
22 “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ? 今之孝者, 是謂能養, 至於犬馬, 皆能有 養. 不敬, 何以別乎?”, Luận ngữ, thiên Vi chính, 7.
Trong Luận ngữ, chúng ta thấy Khổng tử trả lời các học trò mình về thái độ hiếu kính cha mẹ khác nhau, tùy theo đức hạnh, học thức và hoàn cảnh của từng người. Đối với quan đại phu nước Lỗ, Khổng tử dạy về đạo hiếu: “Cha mẹ sống, phụng sự cho hợp lễ. Cha mẹ mất, tống táng cho hợp lễ, cúng tế cho hợp lễ”23. Mạnh Vũ Bá là con nhà giàu sang, ham chơi bời, thường đau ốm nên Khổng tử trả lời Mạnh Vũ Bá về chữ hiếu: “Đối với cha mẹ, chỉ có một nỗi lo về bệnh tật của con mình”24. Còn khi Tử Hạ hỏi về hiếu, Khổng tử trả lời: “Khi thờ cha mẹ, duy nhất có sắc mặt hòa vui là khó”25. Đối với tư tưởng Nho gia, người nào có thể nuôi dưỡng cha mẹ và làm những việc khó nhọc vì cha mẹ, đó là người con có hiếu. Song, trong khi thực hiện những việc nói trên mà giữ nét mặt hòa nhã, không mặt nặng mày nhẹ, không tỏ vẻ oán hờn, không đá thúng đụng nia thì người con ấy sẽ được thiên hạ tôn trọng và thán phục hơn.
Chú thích:
23 “Sinh sự chi dĩ lễ, tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ 生, 事之以禮; 死,葬之以禮, 祭之以禮”,Luận ngữ, thiên Vi chính, 5.
24 “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu 父母唯其疾之憂”, Luận ngữ, thiên Vi chính, 6.
25 “Sắc nan 色難”, Luận ngữ, thiên Vi chính, 8.
Xa hơn việc phụng dưỡng với sắc diện vui hòa đối với cha mẹ, người con hiếu là người biết can gián khi cha mẹ mắc những hành vi sai lầm, dù cha mẹ có giận trách thì mình cũng không oán giận: “Thờ cha mẹ, khuyên can bằng cách nhẹ nhàng; thấy ý cha mẹ không theo, vẫn kính trọng mà không trái nghịch; chịu khó nhọc mà không oán giận”26. Và ở sách Lễ ký cũng khuyên dạy: “Nếu cha mẹ có lỗi lầm, phải ôn hòa, vui vẻ, nhỏ nhẹ để khuyên ngăn. Nếu khuyên ngăn mà cha mẹ không nghe, thì cũng phải tỏ lòng hiếu kính, đợi đến lúc cha mẹ vui vẻ mình lại khuyên ngăn tiếp”27. Từ đó có thể thấy, đạo hiếu của Nho gia xem hành vi hiếu kính là quan trọng nhất. So với việc nuôi dưỡng bằng vật thực thì thái độ kính trọng cha mẹ được Nho gia đề cao hơn.
Đời sau, Mạnh tử (372 tr.Tl - 289 tr.Tl) cũng nhấn mạnh đến lòng hiếu kính: “Chỗ tột cùng của người con hiếu thảo, không có gì lớn hơn là tôn kính bậc song thân”28. Và ở sách Mạnh tử, thiên Ly Lâu thượng, ông nói đến ba điều bất hiếu, nhưng chỉ nêu ra một điều “vô hậu”: “Bất hiếu có ba điều, vô hậu là lớn nhất”29, hai điều còn lại chưa biết đó là điều gì. Về vấn đề này, người chú sớ kinh điển đời Hán là Triệu Kỳ (108 - 201) đã giải thích theo tư ý của mình trong Thập tam kinh chú sớ: “Đối với lễ, có ba việc của người bất hiếu, đó là: Hùa theo những điều tà vạy để cha mẹ rơi vào việc làm bất nghĩa, là bất hiếu thứ nhất. Nhà nghèo cha mẹ già mà không ra làm quan để kiếm bổng lộc, là bất hiếu thứ hai. Không cưới vợ, không sinh con trai, tuyệt dứt việc thờ cúng tiên tổ, là bất hiếu thứ ba. Trong ba thứ bất hiếu này, không có con trai nối dõi là [bất hiếu] lớn nhất”30. Thật ra, “vô hậu” mà Mạnh tử muốn nói đến là “không có trách nhiệm với đời sau” chứ không phải “không có con trai nối dõi”.
Chú thích:
26 “Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán 事父母幾諫, 見志不從, 又 敬不違, 勞而不怨”, Luận ngữ, thiên Lý nhân, 18.
27 “Phụ mẫu quá, hạ khí di sắc, nhu thanh dĩ gián; gián nhược bất nhập, khởi kính khởi hiếu, duyệt tắc phục gián 父母有過, 下氣怡色, 柔聲以諫; 諫若 不入, 起敬起孝, 悅則複諫”, Lễ ký, thiên Nội tắc.
28 “Hiếu tử chi chí, mạc đại hồ tôn thân 孝子之至, 莫大乎尊親”, Mạnh tử, thiên Vạn Chương thượng.
29 “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại 不孝有三, 無後 為大”, Mạnh tử, thiên Ly Lâu thượng.
30 “Ư lễ hữu bất hiếu giả tam sự, vị a ý khúc tùng, hãm thân bất nghĩa, nhất bất hiếu dã. Gia cùng thân lão, bất vi lộc sĩ, nhị bất hiếu dã. Bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự, tam bất hiếu dã. Tam giả chi trung, vô hậu vi đại 於禮有不孝者三事, 謂阿意曲從, 陷 親不義, 一不孝也; 家窮親老, 不為祿仕, 二不孝 也; 不娶無子, 絕先祖祀, 三不孝也. 三者之中, 無 後為大”.
Người đời sau dựa vào lời chú sớ này của Triệu Kỳ mà cho rằng Mạnh tử đặt nặng vấn đề nối tiếp tông tộc theo di truyền sinh học. Từ “vô hậu” mà Mạnh tử nói đến có nghĩa là làm người con hiếu thuận thì phải có trách nhiệm đối với xã hội đời sau, phải nối tiếp được nền học vấn và nhân cách để người đời sau noi gương, chứ không phải “không có con trai nối dõi” như Triệu Kỳ chú thích. Vì ở thiên Ly Lâu hạ, Mạnh tử tiếp tục giải thích rõ năm điều bất hiếu mà người đời thường phạm phải, nhưng không hề có điều nào nói đến “không có con trai nối dõi”. Nội dung chính trong những điều bất hiếu của Mạnh tử như sau: “Ở đời cái được cho là bất hiếu có năm: Lười biếng tứ chi, không lo làm ăn nuôi dưỡng cha mẹ, là bất hiếu thứ nhất. Đam mê cờ bạc, uống rượu, không quan tâm nuôi dưỡng cha mẹ, là bất hiếu thứ hai. Đam mê tiền bạc buôn bán, chăm lo riêng vợ con, không quan tâm nuôi dưỡng cha mẹ, là bất hiếu thứ ba. Phóng túng theo ham muốn thanh sắc, khiến cha mẹ nhục nhã, là bất hiếu thứ tư. Thích đánh nhau hơn thua, gây nguy hiểm cho cha mẹ, là bất hiếu thứ năm”31.
Chú thích:
31 “Thế tục sở vị bất hiếu giả ngũ: nọa kỳ tứ chi, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, nhất bất hiếu dã. Bác dịch, hiếu ẩm tửu, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, nhị bất hiếu dã. Hiếu hóa tài, tư thê tử, bất cố phụ mẫu chi dưỡng, tam bất hiếu dã. Tòng nhĩ mục chi dục, dĩ vi phụ mẫu lục, tứ bất hiếu dã. Hiếu dũng đấu ngận, dĩ nguy phụ mẫu, ngũ bất hiếu dã. 世俗所謂不孝 者五: 惰其四支, 不顧父母之養, 一不孝也; 博弈 好飲酒, 不顧父母之養, 二不孝也; 好貨財, 私妻 子, 不顧父母之養, 三不孝也; 從耳目之欲, 以為 父母戮, 四不孝也; 好勇鬧狠, 以危父母, 五不孝 也”, Mạnh tử, thiên Ly Lâu hạ.
Tóm lại, văn hóa truyền thống Trung Quốc nói chung và tư tưởng Nho gia nói riêng rất đề cao chữ hiếu. Vì hiếu là tiêu chuẩn căn bản trong việc tiếp nhân ứng vật. Theo Nho gia, hiếu thảo có nghĩa là con cái đối xử tốt với cha mẹ mình, chăm sóc cha mẹ, thuận tòng cha mẹ bằng những hành vi và thái độ hòa nhã, vui vẻ, lễ độ. Những ai có hiếu với cha mẹ mình trong gia đình thì mới có khả năng nhân rộng tình thương đến với cộng đồng xã hội. Nhất là người lãnh đạo quốc gia, đặc biệt là vua, phải trang bị đức hiếu kính cho mình mới có khả năng cảm hóa được dân chúng. Đó là luân lý đạo đức tiệm tiến từ mối quan hệ hẹp đến mối quan hệ rộng theo lý tưởng “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà Nho gia hướng đến.