Hiếu kính là đức tính cao đẹp của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tất cả chúng ta, từ thánh hiền đến phàm phu hiện hữu trên cuộc đời này, ai ai cũng từng thoát thai từ lòng mẹ. Từ khi còn trong bào thai tới lúc trưởng thành khôn lớn, chúng ta đã nhận được sự hy sinh cao cả mà không ngôn từ nào có thể diễn tả được của cha mẹ. Cho nên, dẫu lắng đọng tâm tư để cảm niệm về ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta cũng chưa thể thấy trọn vẹn những hy sinh cao quý mà họ đã và đang dành cho ta. Hiếu kính cha mẹ là nền tảng căn bản của đạo đức con người. Người không biết thương kính cha mẹ mình thì khó có thể kính mến bậc trưởng thượng và thương yêu đồng loại. Và chúng ta ngẫm xem, nếu thế giới này thiếu tình thương thì loài người sẽ sống ra sao!
Hơn một ngàn năm Bắc thuộc và mười thế kỷ trong giai đoạn độc lập tự chủ, Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi lễ giáo Trung Hoa rất sâu đậm, trong đó có lòng hiếu kính. Hiếu kính là quy tắc ứng xử mang giá trị phổ quát được công nhận trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam xưa nay. Hiếu kính nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, là thái độ sống khiêm nhường, kính trọng, nhẫn nại, hoan hỷ của người con đối với cha mẹ. Nhờ đức tính này mà các thành viên trong gia đình sống trật tự, hòa thuận, giúp xã hội có kỷ cương, tôn trọng luật pháp. Hiếu kính, một mặt mang tính hệ thống hóa tinh thần tự giác của con người, nhưng mặt khác nó cũng biểu hiện được tính liên đới giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội. Ở nghĩa rộng, con người như một cá thể đang tồn tại, nên đời sống của họ có liên quan đến tất cả các lĩnh vực tự nhiên và xã hội, bị chi phối bởi các yếu tố không gian, thời gian, lịch sử, văn hóa, phong thổ, pháp luật, kinh tế, v.v. Việc tốt hay xấu của chúng ta được đánh giá qua thái độ, hành vi ứng xử giữa con người với con người, con người với xã hội và con người với môi trường tự nhiên. Nhờ các mối quan hệ này mà xã hội được ổn định, trong đó, hiếu kính là luân lý đạo đức không thể coi nhẹ.
Bàn đến đạo hiếu tức là đề cập đến lối sống đạo đức của một cá nhân trong quan hệ gia tộc, quan hệ xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Đây không những là tiền đề để xây dựng nếp sống gia phong mà còn là phương châm giáo dục để chúng ta nhận thức rõ truyền thống văn hóa dân tộc và thực hiện nếp sống đạo đức trong xã hội hiện tại. Vậy, truyền thống văn hóa ấy bắt nguồn từ đâu? Nó tác động đến lối sống, lối ứng xử của người Việt Nam như thế nào?
Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi nêu ra nền tảng luân lý hiếu kính của Nho gia, Phật gia; những dung hòa và xung đột giữa quan điểm đạo hiếu Nho và Phật; tư tưởng Nho - Phật đã ảnh hưởng đến đạo hiếu của người Việt Nam chúng ta trong đời sống văn hóa dân tộc như thế nào.