M
ột nhà cách mạng là người thuộc về thế giới chính trị; cách tiếp cận của anh ta là thông qua chính trị.
Theo hiểu biết của anh ta, thay đổi cấu trúc xã hội là đủ để thay đổi con người.
Một người nổi loạn - theo như cách tôi sử dụng từ này - là một hiện tượng tinh thần. Cách tiếp cận của anh ta hoàn toàn mang tính cá nhân. Theo tầm nhìn của anh ta, nếu muốn thay đổi xã hội, chúng ta phải thay đổi từng cá nhân. Bản thân xã hội không tồn tại; nó chỉ là một từ, giống như từ “đám đông” - nếu đi tìm, bạn sẽ không tìm thấy nó ở bất cứ đâu. Khi gặp ai đó ở bất cứ nơi nào, bạn sẽ gặp một cá nhân. “Xã hội” chỉ là một tên gọi chung - chỉ là một cái tên, không phải một thực tế - không có thực chất.
Cá nhân có linh hồn, có khả năng tiến hóa, thay đổi, chuyển hóa. Do đó, sự khác biệt là vô cùng to lớn.
Một người nổi loạn là bản chất cốt lõi của tôn giáo. Anh ta mang đến cho thế giới một sự thay đổi về ý thức - và nếu ý thức thay đổi, cấu trúc của xã hội chắc chắn sẽ thay đổi. Nhưng không có trường hợp ngược lại, và điều đó đã được chứng minh qua các cuộc cách mạng, bởi vì tất cả các cuộc cách mạng đều thất bại.
Chưa có cuộc cách mạng nào thành công trong việc thay đổi con người; nhưng dường như chúng ta không nhận thức được sự thật đó. Chúng ta vẫn tiếp tục nghĩ về cách mạng, về việc thay đổi xã hội, thay đổi chính phủ, thay đổi bộ máy hành chính, thay đổi luật pháp, thay đổi hệ thống chính trị. Chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít - tất cả đều từng trải qua công cuộc cách mạng theo cách riêng của mình. Tất cả đều thất bại, và thất bại triệt để, bởi vì con người vẫn không thay đổi.
Phật Thích Ca Mâu Ni, Zarathustra, Jesus là những con người nổi loạn. Họ tin vào cá nhân. Họ cũng không thành công, nhưng thất bại của họ hoàn toàn khác với thất bại của một nhà cách mạng. Các nhà cách mạng đã thử áp dụng các phương pháp của họ tại nhiều quốc gia, theo nhiều cách, và đã thất bại. Nhưng cách tiếp cận của Phật Thích Ca Mâu Ni không thành công bởi vì cách đó chưa được thử. Jesus không thành công bởi vì người Do Thái đã đóng đinh ông ấy và các tín đồ Cơ Đốc giáo đã chôn ông ấy. Ông ấy chưa được thử - ông ấy thậm chí còn không có cơ hội để thử. Kẻ nổi loạn vẫn là một chiều không gian chưa được khám phá.
Chúng ta phải là những kẻ nổi loạn chứ không phải nhà cách mạng. Nhà cách mạng thuộc về một phạm vi rất trần tục; kẻ nổi loạn và tính nổi loạn của anh ta là thứ thiêng liêng. Nhà cách mạng không thể hoạt động độc lập; anh ta cần một đám đông, một đảng phái chính trị, một chính phủ. Anh ta cần quyền lực - và quyền lực sẽ tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ tha hóa tuyệt đối.
Tất cả những nhà cách mạng đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực đều bị tha hóa bởi chính quyền lực đó. Họ đã không thể thay đổi bản chất của quyền lực và các thể chế của nó; quyền lực đã thay đổi họ cùng với tâm trí của họ và khiến họ bị tha hóa. Xã hội của họ vẫn vậy, chỉ khác ở tên gọi.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua và ý thức con người vẫn chưa phát triển. Chỉ thỉnh thoảng mới có một người bung nở - nhưng sự bung nở của một người trong hàng triệu người không phải là quy luật, nó là ngoại lệ. Vì chỉ có một mình nên người đó không được đám đông chấp nhận. Sự tồn tại của anh ta làm cho bạn bẽ mặt; sự hiện diện của anh ta khiến bạn cảm thấy bị xúc phạm bởi vì anh ta mở rộng tầm mắt của bạn, khiến bạn nhận thức được tiềm năng và tương lai của mình. Nó khiến cái tôi của bạn bị tổn thương bởi bạn chưa làm gì để trưởng thành, để có ý thức hơn, yêu thương hơn, xuất thần hơn, sáng tạo hơn, tĩnh lặng hơn - để tạo ra một thế giới tươi đẹp quanh mình. Bạn chưa đóng góp gì cho thế giới; sự tồn tại của bạn không phải là phúc lành mà chỉ là một lời nguyền. Bạn mang đến thế giới này cơn giận của bạn, sự thô bạo của bạn, tính đố kỵ của bạn, máu hơn thua của bạn, ham muốn quyền lực của bạn. Bạn biến thế giới thành một chiến trường; bạn khát máu và bạn khiến người khác trở nên khát máu. Bạn tước mất nhân tính của con người. Bạn khiến con người rớt xuống dưới mức loài người, đôi khi còn thấp hơn cả động vật.
Do đó, một Phật Thích Ca Mâu Ni hay một Trang Tử sẽ khiến bạn tổn thương bởi vì bông hoa trí tuệ của họ đã nở rực rỡ còn bạn chỉ đứng đó. Mùa xuân đến và đi và không có gì bung nở trong bạn. Không có chú chim nào đến làm tổ gần bạn và cất tiếng hót quanh bạn. Tốt hơn hết là đóng đinh Jesus và đầu độc Socrates - đơn giản là loại bỏ họ để bạn không cần cảm thấy mình thua kém về mặt tinh thần theo bất kỳ cách nào.
Thế giới chỉ biết đến một vài kẻ nổi loạn. Nhưng giờ là lúc hành động: nếu nhân loại không có khả năng tạo ra một số lượng lớn những con người nổi loạn, một tinh thần nổi loạn, vậy thì thời gian còn lại của chúng ta trên trái đất này sẽ được tính bằng ngày. Như vậy, có thể những thập niên sắp tới sẽ là mồ chôn của tất cả chúng ta. Chúng ta đang tiến tới rất gần thời điểm đó.
Chúng ta phải thay đổi ý thức của mình, tạo ra nhiều năng lượng thiền hơn, tạo ra nhiều tình yêu thương hơn trên thế giới này. Chúng ta phải phá bỏ cái cũ - sự xấu xa của nó, những hệ tư tưởng mục nát của nó, những kiểu kỳ thị ngu ngốc cũng như mê tín dị đoan của nó - và tạo ra một nhân loại mới với những quan điểm và giá trị mới. Ngắt kết nối với quá khứ - đó là ý nghĩa của sự nổi loạn.
Đây là ba từ sẽ giúp bạn hiểu: cải cách, cách mạng và nổi loạn.
Cải cách có nghĩa là sửa đổi. Cái cũ vẫn còn đó và bạn tạo ra cho nó một hình thức mới, một hình dạng mới - giống như tân trang một tòa nhà cũ. Cấu trúc ban đầu vẫn được giữ nguyên; bạn tẩy trắng nó, bạn làm sạch nó, bạn trổ thêm một vài cửa sổ, một vài cửa lớn.
Cách mạng đi sâu hơn cải cách. Cái cũ vẫn còn đó nhưng được thay đổi nhiều hơn, thậm chí thay đổi cả trong cấu trúc cơ bản. Bạn không chỉ thay đổi màu sắc và trổ thêm vài cánh cửa, mà có lẽ còn xây thêm nhiều tầng mới, làm cho tòa nhà vươn cao hơn lên trời. Nhưng cái cũ không bị phá hủy, nó vẫn ẩn đằng sau cái mới; trên thực tế, nó vẫn là nền móng của cái mới. Cách mạng là sự tiếp nối cái cũ.
Nổi loạn là một sự ngắt kết nối. Nó không phải cải cách, không phải cách mạng; nó chỉ đơn giản là ngắt kết nối với tất cả những gì cũ kỹ. Những tôn giáo cũ, những hệ tư tưởng chính trị cũ, con người cũ - tất cả những gì cũ kỹ, bạn ngắt kết nối bản thân với nó. Bạn bắt đầu một cuộc sống mới, lại từ đầu.
Nhà cách mạng cố gắng thay đổi cái cũ; kẻ nổi loạn chỉ đơn giản là thoát khỏi cái cũ, giống như rắn lột xác và không bao giờ nhìn lại.
Nếu chúng ta không thể tạo ra những con người nổi loạn như vậy khắp trái đất này, loài người sẽ không có tương lai. Loài người cũ đã đưa chúng ta đến cái chết cuối cùng của mình. Chính tâm trí cũ, các hệ tư tưởng cũ, các tôn giáo cũ đã kết hợp với nhau để gây ra tình trạng tự sát toàn cầu này. Chỉ có loài người mới mới có thể cứu được nhân loại cùng với hành tinh này và cuộc sống tươi đẹp nơi đây.
Tôi dạy về sự nổi loạn, không phải cách mạng. Đối với tôi, nổi loạn là phẩm chất thiết yếu của một người có đạo. Đó chính là tâm linh ở trạng thái thuần khiết nhất.
Đã qua rồi cái thời của những cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng Pháp thất bại, cuộc cách mạng Nga thất bại, cuộc cách mạng Trung Quốc thất bại. Tại Ấn Độ, ngay cả cuộc cách mạng Gandhi cũng thất bại, và chuyện đó diễn ra ngay trước mắt của Gandhi. Cả cuộc đời mình, ông ấy dạy về sự phi bạo lực, và đất nước bị chia cắt ngay trước mắt ông ấy; hàng triệu người bị giết, bị thiêu sống; hàng triệu phụ nữ bị cưỡng hiếp. Bản thân Gandhi cũng bị bắn chết. Đó là một kết thúc kỳ lạ cho một vị thánh phi bạo lực.
Và trong quá trình đó, chính ông ấy đã quên hết những lời dạy của mình. Trước khi vị thế của cuộc cách mạng Gandhi được củng cố, Louis Fischer, một ký giả nổi tiếng người Mỹ, đã hỏi Gandhi: “Ông sẽ làm gì với tất cả các súng ống, quân đội và đủ loại vũ khí này khi Ấn Độ giành được độc lập?”.
Gandhi đáp: “Tôi sẽ ném vũ khí xuống biển, giao cho binh lính các công việc đồng áng và làm vườn”.
Louis Fischer lại hỏi: “Nhưng ông có nghĩ rằng ai đó có thể xâm lược đất nước của ông không?”.
Gandhi đáp: “Chúng tôi sẽ chào đón họ. Nếu có người xâm lược, chúng tôi sẽ chào đón anh ta như một vị khách và nói với anh ta ‘Anh cũng có thể sống ở đây, như cách chúng tôi đang sống. Không cần phải tranh giành’”.
Nhưng Gandhi đã hoàn toàn quên hết triết lý của mình - cuộc cách mạng đã thất bại theo cách như vậy. Thật tuyệt khi nói về những điều này, nhưng khi đã nắm quyền lực trong tay thì… Thứ nhất, Mahatma Gandhi không đảm trách bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ. Đó là vì sợ hãi, bởi vì làm sao ông ấy có thể trả lời nếu cả thế giới hỏi ông ấy về việc ném vũ khí xuống biển? Về việc giao cho binh lính làm công việc đồng áng? Gandhi trốn tránh trách nhiệm với thứ mà ông ấy đã dành cả đời để tranh đấu, bởi vì ông ấy nhận thấy nó sẽ gây rắc rối lớn cho mình. Nếu đảm trách bất kỳ vị trí nào trong chính phủ, ông ấy sẽ mâu thuẫn với triết lý của mình.
Nhưng chính phủ đó được dựng lên bởi các đồ đệ của Gandhi - những người do chính ông lựa chọn. Ông ấy đã không yêu cầu họ giải tán các lực lượng vũ trang; khi Pakistan tấn công Ấn Độ, ông ấy không nói với chính phủ Ấn Độ: “Hãy đến biên giới và chào đón những người xâm lược kia như những vị khách”. Thay vào đó, ông ấy chúc phúc cho ba chiếc máy bay đầu tiên đi đánh bom Pakistan. Những chiếc máy bay này đã bay qua căn biệt thự nơi ông ấy đang sống tại New Delhi, và ông ấy đã bước ra vườn để chúc phúc cho chúng. Với lời chúc phúc của Gandhi, những chiếc máy bay đó đã thẳng tiến đến Pakistan để tiêu diệt chính đồng bào của ông ấy, những người mà chỉ mới vài ngày trước đó vẫn còn là “những anh chị em của chúng ta”. Không thấy mâu thuẫn gì trong hành động của mình, thật vô liêm sỉ.
Cuộc cách mạng Nga thất bại ngay trước mắt Lenin. Ông ấy giảng dạy theo tư tưởng Karl Marx, rằng “Khi cuộc cách mạng bùng nổ, chúng ta sẽ xóa bỏ hôn nhân, bởi vì hôn nhân là một phần của tài sản cá nhân. Khi tài sản cá nhân biến mất, hôn nhân cũng sẽ biến mất. Mọi người có thể là người yêu của nhau, có thể chung sống với nhau; trẻ em sẽ được xã hội chăm lo”. Nhưng khi quyền lực rơi vào tay Đảng Cộng sản và Lenin nắm quyền lãnh đạo, mọi thứ đã thay đổi. Một khi có quyền lực trong tay, mọi người bắt đầu nghĩ khác. Giờ đây, Lenin nghĩ rằng thật nguy hiểm khi mọi người không còn bị ràng buộc với trách nhiệm - họ có thể quá cá nhân chủ nghĩa. Vậy nên hãy cứ để họ bị ràng buộc với trách nhiệm gia đình - ông ấy quên hết về việc xóa bỏ hôn nhân.
Các cuộc cách mạng thất bại theo cách kỳ lạ, thất bại ngay trong tay những nhà cách mạng, bởi vì một khi nắm giữ quyền lực, họ bắt đầu suy nghĩ khác. Khi đó, họ trở nên quá gắn bó với quyền lực trong tay mình. Khi đó, toàn bộ nỗ lực của họ tập trung vào cách nắm giữ quyền lực mãi mãi và vào cách kiểm soát mọi người.
Tương lai không cần thêm cuộc cách mạng nào nữa. Tương lai cần một thử nghiệm mới, một thử nghiệm chưa từng được diễn ra. Mặc dù những kẻ nổi loạn đã xuất hiện suốt hàng ngàn năm, nhưng họ vẫn đơn độc - những người cá biệt. Có lẽ khi đó chưa phải là thời điểm chín muồi đối với họ. Nhưng giờ đây, thời điểm không chỉ chín muồi… nếu bạn không nhanh lên, thời điểm sẽ qua. Trong những thập niên sắp tới, hoặc loài người sẽ biến mất, hoặc một chủng người mới với một tầm nhìn mới sẽ xuất hiện. Chủng người mới đó sẽ là những người nổi loạn.