T
ôi đề xuất một tôn giáo mới. Nó sẽ không phải là Cơ Đốc giáo, không phải Do Thái giáo và cũng không phải Hindu giáo; tôn giáo này sẽ không có bất kỳ tính từ nào trong đó. Nó sẽ chỉ đơn giản là một phẩm chất của sự hiện hữu trọn vẹn.
Tôn giáo đã thất bại. Khoa học đã thất bại. Phương Đông đã thất bại và phương Tây đã thất bại. Chúng ta cần một sự tổng hợp nào đó cao hơn, nơi phương Đông và phương Tây có thể hội tụ, nơi tôn giáo và khoa học có thể giao thoa.
Giống như cây cối, con người có cội rễ trong đất và có khả năng ra hoa. Tôn giáo đã thất bại bởi vì nó chỉ nói về những bông hoa - và những bông hoa này vẫn mang tính triết học, trừu tượng; chúng không bao giờ trở thành hiện thực. Chúng không thể trở thành hiện thực bởi vì chúng không được đất hỗ trợ. Và khoa học thất bại bởi vì nó chỉ quan tâm đến gốc rễ. Phần gốc rễ đó xấu xí và có vẻ không có khả năng ra hoa. Tôn giáo thất bại bởi vì nó tập trung vào thế giới bên kia và bỏ bê thế giới bên này. Và bạn không thể bỏ bê thế giới này - bỏ bê thế giới này đồng nghĩa với bỏ bê nguồn cội của chính mình. Khoa học thất bại vì nó bỏ bê thế giới bên kia, thế giới nội tâm, và bạn không thể bỏ bê những bông hoa. Một khi bạn bỏ bê những bông hoa, phần cốt lõi nhất trong bản thể của bạn, cuộc sống sẽ mất đi toàn bộ ý nghĩa của nó.
Giống như cây cần có rễ, con người cũng cần có nguồn cội - và nguồn cội đó chỉ tồn tại trong đất. Cây cần một bầu trời rộng mở để phát triển, để mọc ra những tán lá sum suê và nở hàng ngàn bông hoa. Chỉ khi đó cây mới hoàn thiện; chỉ khi đó cây mới cảm thấy quan trọng và có ý nghĩa, và sống một cuộc sống đúng nghĩa.
Phương Tây đang khổ sở vì quá nhiều khoa học, còn phương Đông thì đau khổ vì quá nhiều tôn giáo. Giờ đây, chúng ta cần một nhân loại mới nơi tôn giáo và khoa học trở thành hai phương diện trong một con người. Và một khi chúng ta tạo ra chủng người mới này, lần đầu tiên trái đất có thể trở thành một nơi đúng như nó được định để trở thành. Nó có thể trở thành một thiên đường: có Phật trong chính thân thể này, có thiên đường trên chính mặt đất này.
Zorba Phật: Cuộc gặp gỡ giữa đất và trời
Khái niệm của tôi về một chủng người mới là người có sự kết hợp giữa Zorba “tay chơi Hy Lạp” và Phật Thích Ca Mâu Ni: chủng người mới này sẽ là “Zorba Phật” - niềm vui trần thế và phúc lạc tâm linh. Niềm vui thể xác, hoàn toàn thuộc về thể chất - trong cơ thể, trong các giác quan, tận hưởng cơ thể và tất cả những gì cơ thể có thể mang lại - trong khi vẫn có được ý thức tuyệt vời, sự chứng kiến tuyệt vời. Zorba Phật - điều chưa từng xảy ra trước đây.
Đó chính là những gì tôi muốn nói khi nhắc đến sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, giữa chủ nghĩa duy vật và duy linh. Đó là ý nghĩ của tôi về Zorba Phật: sự hợp nhất giữa thiên đường và hạ giới.
Điều tôi muốn là không có chứng phân liệt, không có sự phân chia giữa vật chất và tinh thần, giữa trần tục và thiêng liêng, giữa thế giới bên này và thế giới bên kia. Tôi không muốn bất kỳ sự chia rẽ nào, bởi vì mọi sự chia rẽ đều là sự chia rẽ trong chính bạn. Bất kỳ cá nhân nào, bất kỳ con người nào bị chia rẽ bên trong chính mình đều trở nên điên loạn và mất trí. Chúng ta đang sống trong một thế giới điên loạn và mất trí. Nó chỉ có thể trở nên tỉnh táo nếu tình trạng chia rẽ này chấm dứt.
Nhân loại đã sống trong hai trạng thái, hoặc tin linh hồn là có thật và vật chất chỉ là phù phiếm, hoặc tin vật chất mới là thật còn linh hồn chỉ là hư ảo. Bạn có thể phân chia con người cũ thành những người theo chủ nghĩa tinh thần và những người theo chủ nghĩa vật chất. Nhưng không ai buồn quan tâm đến thực tại của con người. Chúng ta là cả hai. Chúng ta không chỉ thuộc tinh thần - không chỉ có ý thức - cũng không chỉ thuộc vật chất. Chúng ta là bản hòa ca tuyệt vời giữa vật chất và ý thức. Hoặc có lẽ vật chất và ý thức không phải là hai thứ mà chỉ là hai khía cạnh của cùng một thực tại: vật chất là thứ nằm bên ngoài ý thức và ý thức là thứ nằm bên trong vật chất. Nhưng trước đây chưa từng có một triết gia, một nhà hiền triết hay một nhà thần bí mộ đạo nào tuyên bố về sự thống nhất này; tất cả đều ủng hộ việc chia rẽ con người, gọi một bên là thực và một bên là ảo. Điều này đã tạo ra tình trạng phân liệt chung trên khắp trái đất.
Bạn không thể chỉ sống như một cơ thể. Đó là ý của Jesus khi nói “Con người không thể chỉ sống bằng bánh mì” - nhưng đây chỉ là một nửa sự thật. Bạn cần ý thức, bạn không thể chỉ sống bằng bánh mì, đúng vậy - nhưng bạn cũng không thể sống thiếu bánh mì. Bạn có cả hai chiều không gian trong bản thể của mình, và cả hai chiều không gian đó phải được hoàn thiện, được trao cho cơ hội phát triển như nhau. Nhưng con người trong quá khứ hoặc ủng hộ cái này và chống lại cái kia, hoặc ủng hộ cái kia và chống lại cái này. Con người như một tổng thể toàn vẹn vẫn chưa được chấp nhận.
Điều này gây sự đau đớn, nỗi thống khổ và một bóng tối bao trùm; đêm tối kéo dài suốt hàng ngàn năm và dường như không bao giờ dứt. Nếu chỉ lắng nghe cơ thể, bạn đang tự hạ bản thân xuống thành một sự tồn tại vô nghĩa. Nếu không lắng nghe cơ thể, bạn sẽ phải chịu đau khổ - nghèo, đói, khát. Nếu chỉ lắng nghe ý thức, bạn sẽ phát triển lệch về một phía. Ý thức của bạn sẽ phát triển nhưng cơ thể sẽ co rút lại và bạn bị mất cân bằng. Và trong sự cân bằng đó là sức khỏe của bạn, trong sự cân bằng đó là tính trọn vẹn của bạn, trong sự cân bằng đó là niềm vui của bạn, ca khúc của bạn, vũ điệu của bạn.
Người theo chủ nghĩa duy vật chọn lắng nghe cơ thể và hoàn toàn lờ đi những gì liên quan đến thực tại của ý thức. Kết quả cuối cùng là nền khoa học phát triển, công nghệ tân tiến - một xã hội thịnh vượng, sung túc với đầy những thứ trần tục của thế giới này. Và giữa sự sung túc đó là những con người tội nghiệp vô hồn, hoàn toàn lạc lối - không biết mình là ai, không biết tại sao mình lại có mặt ở đây mà chỉ cảm thấy sự tồn tại của mình gần giống như một tai nạn hoặc một phút bốc đồng của tạo hóa.
Nếu ý thức con người không phát triển cùng với sự phong phú của thế giới vật chất, cơ thể sẽ trở nên quá nặng và linh hồn sẽ trở nên quá yếu. Bạn bị đè nặng bởi những phát minh của chính mình, những khám phá của chính mình. Thay vì tạo ra một cuộc đời tươi đẹp cho bạn, chúng tạo ra một cuộc sống mà theo cảm nhận của những người thông minh là không đáng sống.
Trong quá khứ, phương Đông đã chọn ý thức và khinh thường vật chất cũng như mọi thứ thuộc về vật chất, bao gồm cả cơ thể, như những thứ trần tục. Họ gọi nó là ảo tưởng, một ảo ảnh trên sa mạc, thứ có vẻ tồn tại nhưng không có thực. Phương Đông đã tạo ra Phật Thích Ca Mâu Ni, Mahavira, Patanjali, Kabir, Farid, Raidas - một danh sách dài gồm những con người có ý thức tuyệt vời, có nhận thức tuyệt vời. Nhưng nó cũng tạo ra hàng triệu người nghèo khổ, đói khát, chết trong đau đớn và tủi nhục - trong cảnh không đủ thức ăn, không có nước uống, không đủ quần áo, không chốn nương thân.
Có một tình huống thật kỳ lạ… Tại các quốc gia phát triển, cứ mỗi sáu tháng, người ta phải đổ bỏ một lượng thực phẩm trị giá hàng triệu đô-la xuống biển vì đó là thực phẩm dư thừa. Họ không muốn nhà kho bị quá tải, không muốn bán hạ giá sản phẩm và làm hỏng cơ cấu kinh tế. Tại Ethiopia, cả ngàn người chết đói mỗi ngày, trong khi Thị trường chung châu Âu tiêu hủy nhiều thực phẩm đến mức chi phí tiêu hủy lên đến hàng triệu đô-la. Đó không phải là chi phí của thực phẩm bị tiêu hủy; đó là chi phí để vận chuyển và đổ chúng xuống biển. Ai chịu trách nhiệm cho tình cảnh này?
Người đàn ông giàu có nhất phương Tây đang tìm kiếm linh hồn của mình và thấy nó trống rỗng - không có tình yêu, chỉ có lòng ham muốn; không có lời cầu nguyện, chỉ có những lời lặp đi lặp lại như vẹt mà ông ta được dạy vào mỗi Chủ Nhật. Ông ta không có ý thức về tâm linh, không có cảm xúc với những người khác, không có sự tôn kính đối với cuộc sống, chim chóc, cây cối, động vật. Hủy diệt là việc thật quá dễ dàng - thảm họa Hiroshima và Nagasaki lẽ ra đã không xảy ra nếu con người không bị xem như đồ vật. Vũ khí hạt nhân đã không chất đống như vậy nếu con người được xem như một vị thần ẩn giấu, một sự huy hoàng ẩn giấu - không phải để tiêu diệt mà để khám phá, không bị thủ tiêu mà phải được mang ra ánh sáng, với cơ thể là ngôi đền của linh hồn thiêng liêng. Nhưng nếu con người chỉ là vật chất - chỉ là hóa học, vật lý, một bộ xương bọc da - vậy thì khi cái chết đến, mọi thứ đều chết, không còn lại gì. Đó là lý do tại sao Adolf Hitler có thể giết sáu triệu người - nếu con người chỉ là vật chất thì đâu có gì phải đắn đo.
Khi theo đuổi sự sung túc vật chất, phương Tây đã đánh mất linh hồn của nó, nội tâm của nó. Khi xung quanh toàn là sự vô nghĩa, buồn chán và đau khổ, phương Tây không thể tìm thấy bản chất con người của mình. Tất cả các thành tựu khoa học đều không phát huy được bất kỳ tác dụng gì - bởi vì ngôi nhà chứa đầy đồ nhưng lại vắng chủ nhà. Ở phương Đông, hệ quả cuối cùng của hàng bao thế kỷ xem vật chất là ảo ảnh và chỉ có ý thức mới có thật là chủ nhà còn sống nhưng ngôi nhà trống rỗng. Thật khó tận hưởng cuộc sống với chiếc bụng đói, thân thể đau ốm và cái chết bủa vây; thiền định trở thành việc bất khả thi. Vì vậy, cả phương Tây lẫn phương Đông đều đã thất bại một cách đáng tiếc.
Tất cả các vị thánh và những nhà triết học - cả duy linh lẫn duy vật - đều phải chịu trách nhiệm cho tội ác nghiêm trọng chống lại loài người này.
Zorba Phật là câu trả lời. Đó là sự tổng hòa giữa vật chất và linh hồn. Đó là lời khẳng định rằng không có xung đột giữa vật chất và ý thức, rằng chúng ta có thể giàu có trên cả hai phương diện. Chúng ta có thể có mọi thứ mà thế giới này có thể mang lại, mọi thứ mà khoa học và công nghệ có thể tạo ra, đồng thời chúng ta vẫn có thể có được mọi thứ mà Phật, Kabir, Nanak tìm thấy bên trong bản thể của họ - những bông hoa của trạng thái xuất thần, hương thơm của sự thần thánh thiêng liêng, đôi cánh của tự do tối thượng.
Zorba Phật là một chủng người mới, người nổi loạn. Sự nổi loạn đó bao gồm việc tiêu diệt chứng phân liệt của nhân loại, phá vỡ sự chia rẽ - loại bỏ tư tưởng tinh thần chống lại vật chất và vật chất chống lại tinh thần. Đó là bản tuyên ngôn về sự đồng hành của cơ thể và linh hồn. Sự hiện hữu chứa đầy những giá trị tinh thần - ngay cả những ngọn núi cũng sống động, ngay cả cây cối cũng nhạy cảm. Đó là lời khẳng định rằng sự hiện hữu là vật chất và cũng là tinh thần - hoặc có lẽ đó là một nguồn năng lượng đang tự thể hiện theo hai cách, như vật chất và như ý thức. Khi thuần khiết, năng lượng tự bộc lộ dưới dạng ý thức; khi thô sơ, đặc quánh, chưa tinh lọc, năng lượng xuất hiện dưới dạng vật chất. Nhưng toàn bộ sự hiện hữu chẳng qua chỉ là một trường năng lượng. Đây là trải nghiệm của tôi, không phải triết lý của tôi. Và nó được củng cố bởi vật lý học hiện đại cũng như các nghiên cứu trong lĩnh vực này: sự hiện hữu là năng lượng.
Chúng ta có thể cho phép bản thân có được cả hai thế giới. Chúng ta không cần phải từ bỏ thế giới này để có được thế giới kia; chúng ta cũng không cần phải từ bỏ thế giới kia để tận hưởng thế giới này. Trên thực tế, thật đáng tiếc khi bạn chỉ có được một thế giới trong khi có khả năng chọn cả hai.
Zorba Phật là lựa chọn tối ưu. Chúng ta sẽ sống trọn vẹn nhất với bản chất tự nhiên của mình và chúng ta sẽ ca những bài ca của trái đất này. Chúng ta sẽ không phản bội trái đất, và chúng ta cũng sẽ không phản bội bầu trời. Chúng ta sẽ có được tất cả những gì trái đất có - mọi bông hoa, mọi lạc thú - và chúng ta cũng sẽ có được tất cả những vì sao trên trời. Chúng ta sẽ có được toàn bộ sự hiện hữu như nhà của mình.
Tất cả những gì chứa đựng bên trong sự hiện hữu đều dành cho chúng ta, và chúng ta phải sử dụng chúng theo mọi cách có thể - không mặc cảm tội lỗi, không xung đột, không chọn lựa. Hãy tận hưởng tất cả những gì vật chất có thể đem tới và nắm giữ tất cả những gì ý thức có thể mang lại.
Có một câu chuyện như sau…
Có hai người ăn xin sống trong một khu rừng ở rìa thành phố. Tất nhiên, họ là đối thủ của nhau, cũng giống như những người hành nghề trong các lĩnh vực khác - hai bác sĩ, hai giáo sư, hai thánh nhân. Một người ăn xin bị mù, còn người kia bị cụt chân, và cả hai đều rất hay ganh đua; họ cạnh tranh với nhau suốt cả ngày khi ở trong thành phố.
Nhưng một đêm nọ, khu rừng bị cháy và lửa lan tới hai căn lều của họ. Người ăn xin mù có thể chạy nhưng anh ta không thấy đường. Anh ta không thấy được nơi nào chưa bị cháy. Người ăn xin cụt chân có thể nhìn thấy đường thoát thân nhưng anh ta không chạy được. Đám cháy đang lan nhanh, người cụt chân chỉ có thể nhìn thấy cái chết cận kề.
Khi đó, hai người nhận ra rằng họ cần hỗ trợ nhau. Người cụt chân bỗng nhận ra: “Gã mù có thể chạy, còn mình có thể nhìn thấy”. Họ không còn nhớ tới ganh đua nữa. Trong tình huống khẩn cấp đó, khi đối mặt với cái chết, cả hai cần phải quên hết chuyện thù hằn ngu ngốc. Cả hai người đã phối hợp với nhau một cách tuyệt vời; họ nhất trí rằng người mù sẽ cõng người cụt chân và họ sẽ hoạt động như một người - người cụt chân có thể nhìn, còn người mù có thể chạy, và bằng cách phối hợp với nhau như vậy, họ đã thoát chết. Không những vậy, vì đã cứu mạng nhau nên họ trở thành bạn; lần đầu tiên trong đời, họ không còn đối đầu với nhau nữa.
Zorba là người mù - ông ta không thể nhìn thấy, nhưng ông ta biết nhảy múa, biết ca hát, biết tận hưởng cuộc sống. Phật có thể nhìn thấy, nhưng ông ấy chỉ có thể nhìn. Ông ấy là đôi mắt thuần khiết, chỉ có sự sáng tỏ và nhận thức - nhưng ông ấy không biết nhảy múa. Ông ấy bị tàn phế, ông ấy không biết hát, ông ấy không thể tận hưởng cuộc sống.
Đã đến lúc. Thế giới đang chìm trong lửa đỏ và cuộc sống của mọi người đang bị đe dọa. Cuộc gặp gỡ giữa Zorba và Phật có thể cứu rỗi toàn nhân loại. Cuộc gặp gỡ đó là tia hy vọng duy nhất. Phật có thể mang đến ý thức, sự thấu tỏ, một đôi mắt nhìn thấy xa hơn, một đôi mắt nhìn thấy những thứ gần như vô hình. Zorba có thể hết mình với những gì nằm trong tầm nhìn của Phật - và sự góp mặt của Zorba sẽ đảm bảo đó không phải là một viễn cảnh khô khan mà là một cuộc sống đầy nhịp điệu, hân hoan và ngây ngất.
Có thật là Zorba và Phật có thể gặp nhau hay không? Nếu có, tại sao các nhà lãnh đạo tôn giáo khác lại chưa từng nghĩ đến?
Đầu tiên, bạn cần hiểu tôi không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo. Một nhà lãnh đạo tôn giáo không thể nghĩ theo cách tôi nghĩ, không thể nhìn thấy mọi việc như cách tôi nhìn thấy, vì một lý do đơn giản là người đó đầu tư rất nhiều vào tôn giáo; tôi thì không.
Các tôn giáo đều cần phải chia rẽ con người, tạo ra tính hai mặt trong tâm trí con người. Đó là cách tôn giáo lợi dụng bạn. Nếu bạn trọn vẹn, bạn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ. Nếu bạn bị phân mảnh, khi đó, toàn bộ sức mạnh của bạn bị phá hủy, toàn bộ năng lực, phẩm giá của bạn đều tiêu tan. Khi đó, bạn có thể là một tín đồ Cơ Đốc giáo, Hindu giáo, Mohammed giáo. Nếu được sống đúng với con người mà bạn được sinh ra - tự nhiên, không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ những người được gọi là nhà lãnh đạo tôn giáo - bạn sẽ được tự do, độc lập, toàn vẹn. Không ai có thể nô dịch bạn. Và tất cả các tôn giáo cũ đều đang không mang lại gì ngoài việc biến bạn thành nô lệ.
Để nô dịch bạn, họ phải tạo ra một sự mâu thuẫn bên trong bạn để bạn bắt đầu chiến đấu với chính mình. Khi bạn xung đột với chính mình, có hai việc chắc chắn xảy ra. Thứ nhất, bạn sẽ đau khổ, bởi vì không phần nào trong bạn có thể giành chiến thắng, bạn sẽ luôn bị đánh bại. Thứ hai, bạn sẽ có cảm giác tội lỗi rằng mình không xứng đáng được gọi là một con người đích thực. Đây chính là mong muốn của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Chính vì trong thâm tâm bạn cảm thấy bản thân mình không xứng đáng nên họ mới có thể trở thành các nhà lãnh đạo. Bạn không thể dựa vào bản thân bởi vì bạn biết mình không thể làm được gì. Bạn không thể làm những việc mà bản chất tự nhiên của bạn muốn làm, bởi vì tôn giáo của bạn không cho phép; bạn không thể làm những gì tôn giáo của bạn mong muốn, bởi vì bản chất tự nhiên của bạn sẽ phản đối. Bạn thấy mình rơi vào một tình huống mà bản thân không thể làm được gì; cần có ai đó đứng ra gánh vác trách nhiệm cho bạn.
Tuổi sinh lý của bạn ngày càng tăng, nhưng tuổi tinh thần của bạn vẫn chậm phát triển, vẫn chỉ đâu đó mười ba. Những người chậm phát triển như vậy rất cần có ai đó định hướng cho họ, dẫn dắt họ hướng tới mục tiêu của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống. Họ không có khả năng tự làm điều đó. Các nhà lãnh đạo tôn giáo không thể nghĩ đến cuộc gặp gỡ giữa Zorba và Phật, bởi đó sẽ là dấu chấm hết cho vai trò lãnh đạo của họ cùng với những thứ được gọi là tôn giáo.
Zorba Phật là dấu chấm hết của mọi tôn giáo. Nó là sự khởi đầu của một tinh thần tôn giáo mới không cần đến tên gọi - không Cơ Đốc giáo, không Do Thái giáo, không Phật giáo. Con người chỉ đơn giản tận hưởng bản thân, tận hưởng vũ trụ bao la, nhảy múa với cây cối, vui đùa với sóng biển, thu nhặt vỏ sò không vì mục đích nào khác ngoài niềm vui thuần túy. Làn gió mằn mặn hương vị biển cả, bãi cát mát mịn, ánh bình minh đang ló dạng, một cuộc chạy bộ thoải mái - bạn còn muốn gì hơn nữa? Với tôi, đây là tôn giáo - tận hưởng khí trời, tận hưởng biển cả, tận hưởng bãi cát, tận hưởng mặt trời - bởi vì không có Thượng đế nào khác ngoài chính sự hiện hữu.
Một mặt, Zorba Phật là sự kết thúc của loài người cũ - tôn giáo, chính trị, sự phân biệt chủng tộc và đủ mọi kiểu ngu ngốc cũ. Mặt khác, Zorba Phật là sự khởi đầu của một chủng người mới - hoàn toàn tự do được làm chính mình, để cho bản chất tự nhiên của mình được bung nở.
Trên thực tế, không có xung đột nào giữa Zorba và Phật. Cái gọi là tôn giáo đã tạo ra sự xung đột giữa Zorba và Phật. Có xung đột nào giữa cơ thể và linh hồn của bạn không? Có mâu thuẫn nào giữa cuộc sống và ý thức của bạn không? Có xung đột nào giữa tay phải và tay trái của bạn không? Chúng là một thể trong một tổ chức thống nhất.
Cơ thể không phải là thứ để lên án mà là thứ để biết ơn, bởi nó là sự tồn tại vĩ đại nhất, kỳ diệu nhất; cơ chế vận hành của nó nằm ngoài sức tưởng tượng. Tất cả các bộ phận trong cơ thể của bạn hoạt động như một dàn nhạc. Hai mắt, hai tay, hai chân của bạn có một mối liên hệ mật thiết nào đó với nhau. Sẽ không có tình huống mắt bạn muốn nhìn hướng đông nhưng chân bạn đi hướng tây, bụng bạn đói nhưng miệng của bạn từ chối ăn. Cái miệng không đình công và nói “Bụng đói thì liên quan gì đến miệng?”. Cơ thể của bạn không có xung đột. Nó vận hành theo một cơ chế đồng bộ từ bên trong, luôn chuyển động cùng nhau. Và linh hồn của bạn không phải là thứ đối lập với cơ thể. Nếu cơ thể của bạn là nhà thì linh hồn là khách, và chủ nhà với khách không cần phải liên tục đánh nhau. Nhưng các tôn giáo cũ không thể tồn tại nếu bạn không chiến đấu với chính mình.
Về cơ bản, tôi nhấn mạnh vào việc bạn là một chỉnh thể thống nhất - nên sự chú trọng vật chất của bạn không còn đối lập với tinh thần - là để loại bỏ toàn bộ những tôn giáo có tổ chức này ra khỏi trái đất. Một khi cơ thể và linh hồn bắt đầu đồng hành với nhau, cùng nhảy múa với nhau, bạn đã trở thành Zorba Phật. Khi đó, bạn có thể tận hưởng mọi thứ thuộc về cuộc sống này, mọi thứ bên ngoài bạn, và bạn cũng có thể tận hưởng mọi thứ bên trong bạn.
Trên thực tế, cái bên trong và cái bên ngoài hoạt động theo các chiều hướng hoàn toàn khác nhau; chúng không bao giờ xung đột với nhau. Nhưng lối tư duy được củng cố suốt hàng ngàn năm - rằng nếu muốn cái bên trong, bạn phải từ bỏ cái bên ngoài - đã cắm rễ thật sâu trong bạn. Nếu không, bạn sẽ nhận ra đó là một ý nghĩ phi lý… Bạn được phép tận hưởng cái bên trong - vậy có vấn đề gì khi tận hưởng cái bên ngoài? Quá trình tận hưởng đó là như nhau; nó là sợi dây gắn kết cái bên trong với cái bên ngoài.
Lắng nghe những giai điệu du dương, ngắm một bức tranh đẹp, hay thưởng thức màn trình diễn của một vũ công như nghệ sĩ ba-lê thiên tài Nijinsky - tất cả đều ở bên ngoài bạn, nhưng nó không thể ngăn cản niềm vui bên trong của bạn. Ngược lại, nó vô cùng hữu ích. Vũ điệu của Nijinsky có thể khơi dậy phần tâm hồn đang say ngủ trong bạn để nó cũng có thể nhảy múa. Âm nhạc của Ravi Shankar có thể chạm đến những rung cảm sâu sắc nhất trong trái tim bạn. Cái bên trong và cái bên ngoài không bị chia rẽ. Nó là một nguồn năng lượng, hai khía cạnh của cùng một sự hiện hữu.
Zorba có thể dễ dàng trở thành Phật hơn bất kỳ vị giáo hoàng nào. Không có khả năng để một giáo hoàng, hay những người được gọi là thánh nhân, trở thành nhà lãnh đạo tinh thần đích thực. Họ thậm chí còn không biết được niềm vui của cơ thể - sao bạn lại nghĩ họ có thể thưởng thức niềm vui tinh tế của linh hồn? Cơ thể là trường học, nơi bạn học bơi ở vùng nước cạn. Và một khi bạn đã biết bơi, mức độ nông sâu của nước không còn quan trọng nữa. Khi đó, bạn có thể bơi ở nơi có mực nước sâu nhất trong hồ; đối với bạn, mọi độ sâu đều như nhau.
Bạn cần phải nhớ về cuộc đời của Phật. Cho đến năm hai mươi chín tuổi, ông ấy chính là một Zorba đích thực. Ông ấy có hàng tá thiếu nữ xinh đẹp nhất trong vương quốc của mình. Cung điện của ông ấy tràn ngập âm nhạc và những buổi đàn ca nhảy múa. Ông ấy thưởng thức những món ăn ngon nhất, khoác lên mình những bộ trang phục đẹp nhất, sống trong những cung điện nguy nga, những khu vườn tuyệt đẹp. Ông ấy đã tận hưởng cuộc sống hơn nhiều so với một tay chơi Zorba nghèo khó của Hy Lạp.
Zorba chỉ có một bạn gái - một phụ nữ lớn tuổi với nhan sắc tàn phai, một gái điếm hết thời. Cô ta dùng răng giả, tóc giả - và Zorba là khách hàng duy nhất của cô bởi ông không đủ tiền trả cho bất kỳ cô gái nào khác. Bạn gọi ông ta là kẻ theo đuổi chủ nghĩa vật chất, con người của khoái lạc và bạn hoàn toàn quên mất Đức Phật đã sống một cuộc đời phong phú hơn nhiều suốt hai mươi chín năm đầu đời. Ngày qua ngày, vị hoàng tử Siddhartha này chỉ sống trong nhung lụa xa hoa, sở hữu tất cả những gì mà ông ấy có thể hình dung được. Ông ấy đã sống trong một mảnh đất thần tiên. Chính những trải nghiệm ấy đã biến ông thành Phật.
Người ta thường không nhìn nhận theo cách này. Không ai bận tâm đến phần đời đầu tiên của Đức Phật - phần đời đó mới chính là nền móng. Ông ấy đã chán ngấy cuộc sống đó. Ông ấy đã nếm trải mọi niềm vui của thế giới bên ngoài; giờ đây, ông ấy muốn thứ gì đó nhiều hơn, sâu sắc hơn, thứ không có ở thế giới bên ngoài. Để có thứ gì đó sâu sắc hơn, bạn phải nhảy vào bên trong. Ở tuổi hai mươi chín, ông ấy rời khỏi cung điện vào nửa đêm để bắt đầu hành trình tìm kiếm cái bên trong. Ông ấy là một Zorba đang đi tìm Phật.
Tay chơi Zorba của Hy Lạp không thể nào trở thành Phật bởi lý do đơn giản là trạng thái Zorba của ông ta chưa hoàn thiện. Đó là một con người đẹp đẽ, đầy nhiệt huyết nhưng nghèo. Ông ấy muốn sống một cuộc đời trọn vẹn với những cảm xúc mãnh liệt của nó, nhưng ông không có cơ hội để sống như vậy. Ông ấy khiêu vũ, ông ấy ca hát, nhưng ông ấy không biết được những sắc thái cao hơn của âm nhạc. Ông ta không biết đến điệu nhảy mà ở đó, người khiêu vũ biến mất.
Zorba Phật biết được đỉnh cao nhất và vực sâu nhất của thế giới bên ngoài. Khi đã biết được tất cả những điều đó, ông ấy đã sẵn sàng để bắt đầu hành trình tìm kiếm cái bên trong. Thế giới bên ngoài tốt đẹp nhưng chưa đủ tốt đẹp; cần có điều gì đó nhiều hơn nữa. Thế giới ấy mang lại những cái nhìn thoáng qua ngắn ngủi, và Phật muốn thứ gì đó vĩnh cửu. Tất cả những niềm vui trần thế sẽ chấm dứt khi cuộc sống này chấm dứt, và ông ấy muốn biết về thứ gì đó còn lại sau cái chết.
Nếu viết về cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni, tôi sẽ bắt đầu từ Zorba. Khi đã hoàn toàn quen thuộc với thế giới bên ngoài cũng như những gì nó có thể mang lại, và vẫn chưa tìm thấy ý nghĩa, ông ấy đi vào thế giới bên trong để tìm - bởi vì đó là hướng duy nhất mà ông ấy chưa khám phá. Ông ấy không luyến tiếc thế giới bên ngoài - không có lý do gì để luyến tiếc, ông ấy đã nếm trải đủ! Ông ấy không phải là một “người tìm kiếm sự khai sáng” chưa biết gì về thế giới bên ngoài. Ông ấy là một Zorba - và ông ấy đi vào thế giới bên trong với cùng một bầu nhiệt huyết, cùng một sức mạnh, cùng một quyền lực như lúc trải nghiệm thế giới bên ngoài. Và hiển nhiên là ông ấy tìm thấy trong bản thể sâu thẳm nhất của mình sự mãn nguyện, sự tròn vẹn, ý nghĩa và phúc lành mà bản thân hằng tìm kiếm.
Có thể bạn là một Zorba và dừng lại ở đó. Có thể bạn không phải là một Zorba và bắt đầu tìm kiếm Phật - bạn sẽ không tìm thấy. Chỉ có Zorba mới có thể tìm thấy Phật; nếu không phải là Zorba, bạn không có đủ sức mạnh: bạn chưa sống hết mình ở thế giới bên ngoài, bạn đã né tránh nó. Bạn là một kẻ trốn tránh.
Đối với tôi, trở thành Zorba là khởi đầu của hành trình, và trở thành Phật là đạt được mục tiêu của hành trình đó. Và chuyện này có thể xảy ra trong cùng một cá nhân - nó chỉ có thể xảy ra trong cùng một người. Đó là lý do tôi luôn nhấn mạnh: đừng tạo ra bất kỳ sự chia tách nào trong cuộc đời bạn, đừng lên án bất cứ thứ gì của cơ thể bạn. Hãy sống cuộc đời đó - không phải với thái độ miễn cưỡng - hãy sống trọn vẹn, sống hết mình với nó. Chính cách sống đó sẽ giúp bạn có khả năng thực hiện một cuộc tìm kiếm khác. Bạn không cần phải sống khổ hạnh, bạn không cần phải từ bỏ vợ, chồng, con cái của mình. Tất cả những điều vô nghĩa đó đã được truyền dạy suốt hàng bao thế kỷ, và có bao nhiêu người - trong số hàng triệu tăng ni - bao nhiêu người trong số đó đã chạm đến sự phát triển rực rỡ? Không một ai.
Hãy sống một cuộc sống không chia tách. Và đầu tiên là cơ thể, đầu tiên là thế giới bên ngoài. Vào khoảnh khắc đứa trẻ được sinh ra, nó mở mắt và thứ đầu tiên nó nhìn thấy là toàn cảnh thế giới xung quanh nó. Nó nhìn thấy mọi thứ ngoại trừ chính mình - nhìn thấy chính mình là trải nghiệm dành cho những người từng trải hơn. Trải nghiệm đó dành cho những người đã thấy hết mọi thứ của thế giới bên ngoài, đã sống và đã tự do thoát khỏi nó.
Trốn chạy không giúp bạn tự do thoát khỏi thế giới bên ngoài. Bạn chỉ có thể tự do thoát khỏi thế giới bên ngoài khi đã sống hết mình với nó, và khi đó, bạn không còn nơi nào khác để đi. Chỉ còn lại một chiều không gian duy nhất, và tất nhiên bạn sẽ muốn tìm kiếm trong chiều không gian còn lại đó. Và ở đó có phật tính của bạn, có sự giác ngộ của bạn.
Bạn hỏi: “Có thật Zorba và Phật có thể gặp nhau hay không?”. Đó là khả năng duy nhất. Không có Zorba thì sẽ không có Phật. Tất nhiên, Zorba không phải là cứu cánh. Zorba là quá trình chuẩn bị cho Phật. Zorba là gốc rễ; Phật là bông hoa nở rực rỡ. Đừng phá hủy gốc rễ; nếu không sẽ không có bất kỳ bông hoa nào bung nở. Bộ rễ đó không ngừng cung cấp dưỡng chất cho hoa. Toàn bộ màu sắc của hoa đều bắt nguồn từ rễ, và toàn bộ hương thơm của hoa đều bắt nguồn từ rễ. Tất cả những vũ điệu của hoa trong gió đều bắt nguồn từ rễ.
Đừng chia tách. Rễ và hoa là hai thái cực của một hiện tượng.
Có vẻ thật khó kết hợp hai khía cạnh này của cuộc sống lại với nhau, bởi điều đó đi ngược lại toàn bộ những gì chúng ta được dạy từ bao đời. Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Hãy làm mọi việc bằng cả trái tim của bạn, với tinh thần nhiệt huyết cao nhất có thể.
Những thứ nửa vời không bao giờ mang lại niềm vui trong cuộc sống. Chúng chỉ khiến bạn đau khổ, lo lắng, dằn vặt và căng thẳng, bởi vì mỗi khi làm việc gì đó một cách nửa vời, bạn đang chia tách bản thân thành hai phần, và đó là một trong những thảm họa tồi tệ nhất từng xảy ra với con người - tất cả đều bị chia tách. Những đau khổ trên thế giới này không xuất hiện một cách bất ngờ; chúng là hậu quả tất yếu của lối sống nửa vời, làm mọi thứ chỉ với một nửa bản thể trong khi nửa còn lại chống đối, kháng cự, tranh đấu.
Và bất cứ việc gì bạn làm chỉ với một nửa bản thể của mình đều sẽ khiến bạn hối hận, đau khổ và cảm giác có lẽ nửa bản thể còn lại đã đúng khi không tham gia - bởi vì khi làm theo nửa này, bạn chẳng nhận được gì ngoài khổ đau. Nhưng tôi nói cho bạn biết điều này: nếu bạn làm theo nửa kia, kết quả cũng tương tự. Vấn đề không phải là bạn làm theo nửa nào, vấn đề là bạn có toàn tâm toàn ý dấn thân vào lựa chọn đó hay không. Sự toàn tâm toàn ý trong hành động sẽ mang lại niềm vui. Ngay cả một hành động nhỏ nhặt, bình thường nhưng được thực hiện với nhiệt huyết trọn vẹn cũng sẽ mang lại ánh sáng rực rỡ cho bản thể của bạn, mang lại niềm vui trọn vẹn, sự đủ đầy, sự mãn nguyện sâu sắc. Và bất cứ việc gì được làm một cách nửa vời, cho dù tốt đẹp đến nhường nào, cũng sẽ mang lại đau khổ.
Nỗi đau khổ không đến từ hành động của bạn, niềm vui cũng không đến từ hành động của bạn. Niềm vui xuất hiện khi bạn trọn vẹn. Bất kể bạn đang tham gia vào hành động nào, sự đau khổ là hậu quả của việc bạn thực hiện hành động đó một cách nửa vời. Và sống một cuộc sống nửa vời nghĩa là bạn đang tự tạo ra địa ngục cho chính mình trong từng phút giây - địa ngục này sẽ ngày càng lớn dần lên.
Người ta hay hỏi liệu có địa ngục hay thiên đường ở đâu đó không, bởi vì mọi tôn giáo đều nói về địa ngục và thiên đường như thể chúng là một phần của bản đồ địa lý toàn cầu. Thiên đường và địa ngục không phải là hiện tượng địa lý, chúng thuộc về tâm lý của bạn.
Khi tâm trí của bạn, trái tim của bạn, bản thể của bạn bị kéo về hai hướng cùng một lúc, bạn đang tạo ra địa ngục. Và khi bạn trọn vẹn, là một thể, một hệ thống thống nhất… trong chính thể thống nhất đó, những bông hoa của thiên đường bắt đầu nở rộ trong bạn.
Con người vẫn quan tâm đến hành vi của mình: Hành vi nào là đúng và hành vi nào là sai? Điều gì là tốt và điều gì là xấu? Theo tôi hiểu, đó không phải là câu hỏi về một hành vi cụ thể nào. Đó là câu hỏi về tâm lý của bạn.
Khi bạn trọn vẹn, điều đó tốt; và khi bạn bị chia tách, điều đó xấu. Nếu bị chia tách, bạn sẽ đau khổ; khi hợp nhất, bạn sẽ nhảy múa, ca hát, chúc tụng.
Ngài có thể nói thêm về nghệ thuật cân bằng những mặt đối lập này không? Trong cuộc đời mình, tôi thường trải nghiệm các thái cực, và dường như thật khó để giữ mình ở vị trí trung dung dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn hay dài.
Cuộc sống chứa đựng các thái cực. Cuộc sống là sự giằng co giữa các điểm đối lập. Việc cứ nằm mãi ở giữa có nghĩa là bạn đã chết rồi. Điểm giữa chỉ là một khả năng về mặt lý thuyết; chỉ thỉnh thoảng bạn mới ở ngay chính giữa, như một giai đoạn chuyển tiếp. Việc này giống như đi trên dây; bạn không bao giờ có thể ở ngay chính giữa trong bất kỳ khoảng thời gian nào. Bạn sẽ ngã nếu cố gắng làm vậy.
Ở giữa không phải là một trạng thái tĩnh, nó là một hiện tượng động. Cân bằng không phải là danh từ, nó là một động từ; nó là giữ thăng bằng. Người đi trên dây liên tục di chuyển từ trái sang phải, từ phải sang trái. Khi cảm thấy mình quá nghiêng về một phía và có nguy cơ ngã xuống, anh ta lập tức nghiêng sang phía đối diện để giữ thăng bằng. Đúng là trong quá trình di chuyển từ trái sang phải, có một khoảnh khắc người đi trên dây đứng ngay chính giữa. Và một lần nữa, khi đã di chuyển quá nhiều sang phải và sợ bị ngã, anh ta bị mất thăng bằng, thế nên anh ta bắt đầu nghiêng sang trái và trong một khoảnh khắc, anh ta lại đi qua điểm giữa.
Đây là ý của tôi khi nói cân bằng không phải là danh từ mà là động từ - nó là giữ thăng bằng, là một quá trình động. Bạn không thể chỉ ở chính giữa. Bạn có thể tiếp tục di chuyển từ trái sang phải và từ phải sang trái; đây là cách duy nhất để giữ thăng bằng ở giữa.
Đừng né tránh các thái cực và đừng chọn bất kỳ một thái cực nào. Hãy luôn sẵn sàng cho cả hai cực - đó là nghệ thuật, là bí quyết giữ cân bằng. Đúng vậy, hãy có những lúc cực vui và hãy có những lúc cực buồn - cả hai đều chứa đựng những vẻ đẹp riêng.
Tâm trí luôn lựa chọn; do đó mới nảy sinh vấn đề. Hãy duy trì trạng thái không chọn lựa. Bất cứ chuyện gì xảy ra, và cho dù bạn đang ở đâu - bên trái hay bên phải, ở giữa hay không ở giữa - hãy tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đó. Khi vui, hãy nhảy múa, đàn hát - hãy vui vẻ! Và khi buồn - điều chắc chắn sẽ xảy ra, phải xảy ra, không thể tránh khỏi, bạn không thể né tránh nó… Nếu tìm cách né tránh nỗi buồn, bạn sẽ phải phá hủy khả năng được hạnh phúc. Ngày không thể tồn tại nếu không có đêm, và mùa hè không thể tồn tại nếu không có mùa đông. Không thể có sự sống nếu không có cái chết. Hãy để tính phân cực này khắc sâu vào bản thể của bạn - không có cách nào né tránh nó. Cách duy nhất để tránh sự phân cực là chết; chỉ có người chết mới tồn tại trong trạng thái tĩnh ở giữa. Người sống sẽ không ngừng chuyển động - từ giận dữ đến trắc ẩn, từ trắc ẩn đến giận dữ - và chấp nhận cả hai, không đồng nhất bản thân với cái nào, tách rời nhưng vẫn tham gia, luôn giữ khoảng cách nhưng vẫn cam kết. Người sống biết tận hưởng nhưng vẫn giữ mình như một đóa sen - vẫn ở trong nước nhưng nước không thể chạm vào nó.
Chính nỗ lực giữ mình ở giữa và luôn giữ mãi vị trí ở giữa đó của bạn đang tạo ra nỗi bất an không cần thiết cho bạn. Trên thực tế, khát khao được ở mãi vị trí chính giữa là một kiểu thái cực khác - thái cực tồi tệ nhất, bởi vì nó không thể xảy ra. Nó là một thái cực không thể được đáp ứng. Hãy lấy ví dụ về chiếc đồng hồ quả lắc: nếu bạn giữ con lắc ở ngay chính giữa, đồng hồ sẽ ngưng hoạt động. Đồng hồ đó hoạt động nhờ con lắc di chuyển từ trái qua phải, từ phải qua trái. Đúng là trong mỗi lần di chuyển, con lắc đi qua điểm giữa, và sự ở-giữa đó có tồn tại trong một khoảnh khắc, nhưng chỉ một khoảnh khắc thôi.
Và khoảnh khắc đó thật đẹp! Khi bạn chuyển từ vui sang buồn, từ buồn sang vui, có một khoảnh khắc hoàn toàn im lặng, ngay ở giữa - hãy tận hưởng cả điều đó nữa.
Chúng ta phải sống cuộc sống này bằng cách trải nghiệm tất cả các chiều không gian của nó, chỉ khi đó, cuộc sống mới phong phú. Người chỉ sống bên trái sẽ nghèo nàn, người chỉ sống bên phải cũng nghèo nàn, còn người chỉ sống ở chính giữa là người chết! Khi sống, bạn không chỉ ở bên trái, bên phải hay ở giữa - bạn chuyển động không ngừng, bạn là một dòng chảy.
Nhưng tại sao chúng ta lại muốn ở giữa? Chúng ta sợ mặt tối của cuộc sống; chúng ta không muốn buồn, chúng ta không muốn rơi vào trạng thái đau khổ. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu bạn cũng sẵn sàng từ bỏ khả năng tận hưởng trạng thái hạnh phúc ngất ngây. Có vài người đã chọn sống như vậy - đó là cách sống của tu sĩ. Đó vẫn luôn là cách sống của tu sĩ suốt bao thế kỷ, sẵn sàng hy sinh mọi khả năng đạt đến trạng thái cực kỳ hạnh phúc chỉ để né tránh đau khổ. Anh ta sẵn sàng hủy hoại mọi đóa hồng chỉ để tránh gai nhọn. Nhưng khi đó, cuộc đời của anh ta chỉ còn sự tẻ nhạt - một sự buồn chán, nhạt nhẽo, trì trệ kéo dài. Anh ta không thật sự sống. Anh ta sợ phải sống.
Cuộc sống chứa đựng cả hai; nó mang lại nhiều nỗi đau tột cùng và nó cũng mang lại nhiều niềm vui đỉnh điểm. Nỗi đau và niềm vui là hai mặt của một đồng xu. Nếu loại bỏ mặt này, bạn cũng phải loại bỏ mặt kia. Có một sự hiểu lầm cơ bản đã tồn tại suốt hàng bao đời nay, đó là ý nghĩ bạn có thể loại bỏ đau đớn và giữ lại niềm vui, bạn có thể né tránh địa ngục và chọn thiên đường, bạn có thể loại bỏ những thứ tiêu cực và chỉ giữ lại những điều tích cực. Đây là một lập luận vô cùng sai lầm. Điều này không thể xảy ra trong bản chất tự nhiên của vạn vật. Mặt tiêu cực và tích cực ở cùng nhau, một cách tất yếu, không thể tách rời. Chúng là hai khía cạnh của cùng một năng lượng. Chúng ta phải chấp nhận cả hai.
Hãy ôm trọn tất cả, hãy là tất cả. Khi bạn đang ở bên trái, đừng bỏ lỡ bất cứ điều gì - hãy tận hưởng quá trình đó! Bên trái có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà bạn sẽ không tìm thấy khi ở bên phải. Nó sẽ là một khung cảnh khác. Và đúng vậy, ở giữa có một sự tĩnh lặng, một sự bình yên mà bạn sẽ không tìm thấy ở bất kỳ thái cực nào. Vì vậy, hãy tận hưởng tất cả. Hãy tiếp tục làm phong phú cuộc sống của bạn.
Bạn không nhìn thấy vẻ đẹp nào trong nỗi buồn ư? Hãy thiền về nó. Lần tới khi bạn buồn, đừng chiến đấu với nỗi buồn. Đừng lãng phí thời gian kháng cự nỗi buồn - hãy chấp nhận nó, chào đón nó, hãy để nó trở thành một vị khách được chào đón. Hãy nhìn sâu vào nỗi buồn bằng tình yêu thương, sự quan tâm… hãy là một người chủ nhà đích thực! Và bạn sẽ ngạc nhiên - bạn sẽ ngạc nhiên vượt ra ngoài khả năng hiểu biết của mình - nỗi buồn có một vài vẻ đẹp mà niềm vui không thể nào có được. Nỗi buồn có chiều sâu, còn niềm vui thì cạn. Nỗi buồn có nước mắt, và nước mắt ngấm sâu hơn bất kỳ tiếng cười nào. Nỗi buồn có sự tĩnh lặng của riêng nó, một giai điệu mà niềm vui không thể nào có được. Niềm vui cũng có ca khúc riêng của nó, nhưng huyên náo hơn chứ không thật tĩnh lặng như vậy.
Tôi không nói hãy chọn nỗi buồn. Tôi chỉ nói hãy tận hưởng cả nỗi buồn. Khi bạn vui, hãy tận hưởng niềm vui. Hãy bơi trên mặt nước và thỉnh thoảng lặn sâu xuống lòng sông. Đó là cùng một con sông! Trên mặt nước là cuộc dạo chơi của những con sóng và những gợn sóng, của nắng và gió - nó có vẻ đẹp riêng. Việc lặn sâu xuống lòng sông có những phẩm chất riêng, cuộc phiêu lưu riêng và những nguy hiểm riêng.
Và đừng dính mắc vào bất kỳ điều gì. Có những người đã trở nên quá dính mắc vào nỗi buồn - các nhà tâm lý học biết về những người này, họ gọi đó là những người thích tự hành hạ bản thân. Những người này tiếp tục tạo ra những tình huống mà trong đó họ có thể mãi mãi đau khổ. Đau khổ là thứ duy nhất họ tận hưởng, họ sợ hạnh phúc. Họ quen với đau khổ. Nhiều người thích tự hành hạ trở thành người có đạo, bởi tôn giáo trao cho tâm trí nghiện đau khổ của họ một lớp bảo vệ vững chắc. Tôn giáo giúp hợp lý hóa một cách đẹp đẽ việc trở thành người thích tự hành hạ.
Nếu chỉ là một kẻ thích tự đày đọa không có đạo, bạn sẽ cảm thấy bị lên án và cảm thấy mình có bệnh, cảm thấy xấu hổ, và bạn sẽ biết rằng mình không bình thường. Bạn sẽ mang mặc cảm tội lỗi về những gì bạn đang làm với cuộc đời mình, và bạn sẽ tìm cách che giấu nó. Nhưng nếu một người thích tự đày đọa có đạo, anh ta có thể thể hiện khuynh hướng thích chịu khổ của mình một cách đầy tự hào, bởi vì giờ đây, nó không còn là tự đày đọa - nó là sự khổ hạnh. Nó là “tinh thần tự kỷ luật bản thân”, không phải tra tấn. Chỉ có tên gọi là thay đổi - giờ thì không ai có thể gọi anh ta là người không bình thường, anh ta là một thánh nhân! Không ai có thể gọi anh ta là kẻ bệnh hoạn; anh ta là người ngoan đạo, thánh thiện.
Những kẻ tự hành hạ bản thân luôn hướng tới tôn giáo, tôn giáo có sức hút lớn đối với họ. Trên thực tế, suốt hàng bao đời đã có quá nhiều kẻ như vậy hướng tới tôn giáo - và đó là khuynh hướng tự nhiên - đến mức cuối cùng, tôn giáo đã bị thống trị bởi những kẻ thích làm khổ mình. Đó là lý do tại sao rất nhiều tôn giáo cứ nhấn mạnh vào sự tiêu cực, vào sự hủy hoại cuộc sống. Những tôn giáo đó không ủng hộ cuộc sống, không ủng hộ tình yêu, không ủng hộ niềm vui - nó tiếp tục nhấn mạnh rằng cuộc sống là đau khổ. Bằng cách nói rằng cuộc sống là đau khổ, nó hợp lý hóa sự bám víu của chính nó vào đau khổ.
Tôi có nghe một câu chuyện hay - tôi không biết mức độ chính xác đến đâu, tôi không thể đảm bảo điều đó.
Vào một buổi chiều trên thiên đường, tại nhà hàng nổi tiếng nhất ở đây, Lão Tử, Khổng Tử và Đức Phật đang ngồi trò chuyện. Người phục vụ bưng ra một chiếc khay có ba ly thức uống tên “Cuộc sống”. Đức Phật lập tức nhắm mắt và từ chối; ông ấy nói: “Cuộc sống là đau khổ”.
Vốn là người theo đạo trung dung, từng giảng dạy về nguyên tắc vàng của trung đạo, Khổng Tử khép hờ đôi mắt và yêu cầu người phục vụ đưa ly nước cho mình. Ông ấy muốn nhấp một ngụm - nhưng chỉ một ngụm nhỏ thôi, bởi vì nếu không nếm thử, làm sao bạn biết cuộc sống có đau khổ hay không? Khổng Tử là người có tư duy khoa học; ông ấy không hẳn là một nhà thần bí, ông ấy có một tâm trí rất thực tế. Khổng Tử là nhà giáo dục hành vi đầu tiên mà thế giới từng biết, ông ấy rất logic. Và điều đó có vẻ hoàn toàn đúng - ông ấy nói: “Đầu tiên, tôi sẽ nhấp một ngụm nhỏ, sau đó tôi mới nói ra suy nghĩ của mình”. Ông ấy nhấp một ngụm nhỏ và nói: “Phật nói đúng - cuộc sống là đau khổ”.
Lão Tử nhận cả ba ly nước và nói: “Nếu không uống hết, sao ta có thể nói được gì?”. Ông ấy uống cả ba ly nước và bắt đầu nhảy múa!
Đức Phật và Khổng Tử hỏi: “Ông không định nói gì sao?”. Lão Tử đáp: “Đây là điều tôi muốn nói - vũ điệu của tôi và bài hát của tôi đang nói thay tôi”. Nếu không nếm hết, bạn không thể nói gì được. Và khi đã nếm đủ tất cả, bạn vẫn không thể nói được bởi không có từ ngữ nào thích hợp để diễn tả những điều bạn biết.
Đức Phật ở một thái cực, Khổng Tử ở giữa. Lão Tử đã uống hết cả ba ly nước - ly dành cho Đức Phật, ly dành cho Khổng Tử và ly dành cho chính mình. Ông ấy đã uống cả ba; ông ấy đã sống cuộc sống trong cả ba chiều không gian của nó.
Cách tiếp cận của tôi chính là cách của Lão Tử. Sống cuộc đời theo mọi cách có thể; đừng chọn cái này bỏ cái kia, và đừng tìm cách ở giữa. Đừng tìm cách cân bằng bản thân - cân bằng không phải là thứ mà bạn nỗ lực trau dồi là có. Cân bằng đến từ việc trải nghiệm tất cả các chiều không gian của cuộc sống. Cân bằng là thứ gì đó xảy ra; nó không phải là thứ bạn có thể có được bằng nỗ lực. Nếu được tạo ra bằng nỗ lực, nó là giả, là thứ bị ép buộc. Và bạn sẽ vẫn căng thẳng, bạn sẽ không được thư giãn, bởi vì làm sao một người luôn tìm cách giữ thăng bằng ở giữa có thể thư giãn được? Bạn sẽ luôn lo sợ rằng nếu thư giãn, bạn có thể bắt đầu xê dịch sang trái hoặc sang phải. Bạn cứ luôn phải bồn chồn lo lắng, và khi lo lắng, bạn sẽ bỏ lỡ toàn bộ cơ hội, toàn bộ món quà của cuộc sống.
Đừng căng thẳng. Đừng sống theo các nguyên tắc. Hãy sống thật trọn vẹn, hãy uống trọn cuộc sống! Đúng là đôi khi nó có vị đắng - vậy thì đã sao? Vị đắng đó sẽ giúp bạn có thể nếm được vị ngọt của cuộc sống. Bạn chỉ có thể trân trọng vị ngọt sau khi đã nếm trải vị đắng. Người không biết khóc cũng sẽ chẳng biết cười. Một người không thể tận hưởng tràng cười sảng khoái, cười đến đau cả bụng thì khi khóc, người đó sẽ chỉ nhỏ nước mắt cá sấu. Những giọt nước mắt đó không thể chân thành, chúng không thể là thật.
Tôi không dạy bạn trung đạo, tôi dạy bạn con đường toàn vẹn. Khi đó, sự cân bằng sẽ tự xuất hiện, và khi đó, sự cân bằng ấy chứa đựng vẻ đẹp và nét duyên dáng phi thường. Bạn không ép buộc nó, nó chỉ đơn giản là xuất hiện. Bằng cách khéo léo di chuyển sang trái, sang phải, ở giữa, bạn sẽ thấy sự cân bằng đang từ từ tìm đến bạn bởi bạn vẫn không bị đồng nhất. Khi nỗi buồn đến, bạn biết nó sẽ qua, và khi niềm vui đến, bạn biết nó cũng sẽ qua. Không có gì ở lại mãi; mọi thứ đều trôi qua. Thứ duy nhất luôn ở lại là sự chứng kiến của bạn. Sự chứng kiến đó mang lại cân bằng. Sự chứng kiến đó chính là cân bằng.
Thể xác và linh hồn: Lược sử tôn giáo
Tôn giáo đã trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là tôn giáo ma thuật, và nó vẫn chưa mất đi. Nhiều bộ lạc trên khắp thế giới vẫn đang sống trong giai đoạn đầu này của tôn giáo, khi mà các hoạt động chủ yếu dựa vào nghi lễ cúng tế cho các vị thần. Đó là một kiểu hối lộ để thần linh giúp đỡ bạn, bảo vệ bạn. Bạn dâng cho các vị thần mọi thứ mà bạn nghĩ là có giá trị - thức ăn, quần áo, đồ trang trí, bất cứ thứ gì. Tất nhiên, không có vị thần nào nhận những món đồ này; thầy tư tế là người nhận - ông ta là người trung gian, ông ta hưởng lợi từ đó. Và điều lạ lùng nhất là loại hình tôn giáo nghi lễ ma thuật này đã chiếm giữ tâm trí con người trong ít nhất là mười ngàn năm.
Có quá nhiều thất bại - 99% nỗ lực cúng tế đều thất bại. Ví dụ, khi trời không mưa đúng lúc; tôn giáo ma thuật sẽ thực hiện lễ cúng tế và tin rằng điều đó làm vui lòng các vị thần và trời sẽ mưa. Thỉnh thoảng trời thật sự đổ mưa - nhưng cơn mưa đó cũng dành cho những người không ca tụng thần linh và không thực hiện lễ cúng tế. Thậm chí trận mưa đó cũng dành cho kẻ thù của những người cầu mưa.
Những cơn mưa đó không liên quan gì đến các nghi lễ, nhưng mưa trở thành bằng chứng cho thấy nghi lễ đã thành công. Trong một trăm lần cầu mưa thì có hết chín mươi chín lần thất bại; nó chắc chắn phải thất bại bởi nó chẳng liên quan gì đến thời tiết. Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối quan hệ nhân-quả giữa các nghi lễ - lễ đốt lửa, nghi thức niệm thần chú - với các đám mây và những cơn mưa.
Thầy tư tế hẳn là ranh mãnh hơn những người mà ông ta đang lợi dụng. Ông ta hoàn toàn biết rõ chuyện gì đang thật sự diễn ra. Hãy nhớ là các thầy tư tế không bao giờ tin vào thánh thần, họ không tin, nhưng họ giả vờ tin hơn bất kỳ ai khác. Họ phải như vậy, đó là nghề của họ. Đức tin của họ càng mạnh mẽ thì họ càng thu hút nhiều đám đông hơn, cho nên họ giả vờ. Nhưng tôi chưa từng gặp một thầy tư tế nào tin có Thượng đế tồn tại. Làm sao ông ta có thể tin được? Ngày nào ông ta cũng nhìn thấy chuyện hiếm lắm mới có một nghi lễ hay một lời cầu nguyện tình cờ mang lại kết quả, còn hầu hết đều thất bại. Nhưng đây là cách ông ta giải thích với những con người tội nghiệp: “Nghi lễ của ngươi đã không được thực hiện đúng cách. Ngươi đã không giữ tâm trí của mình hoàn toàn trong sáng khi làm lễ”.
Thế nhưng tâm trí ai chỉ có toàn những ý nghĩ trong sáng? Và thế nào là một ý nghĩ trong sáng? Ví dụ, Kỳ Na giáo có một nghi lễ mà trong đó mọi người phải nhịn ăn. Nhưng trong lúc thực hiện nghi lễ nhịn ăn đó, họ đang nghĩ đến thức ăn - đó là một ý nghĩ không trong sáng. Bây giờ, một người đói nghĩ đến thức ăn… tôi không thấy ý nghĩ đó có gì không trong sáng, đó hoàn toàn là một ý nghĩ đúng đắn. Trên thực tế, tại khoảnh khắc đó, người đói bụng này đang làm sai khi cố tiếp tục nghi lễ nhịn ăn; anh ta nên chạy ngay đến một quán ăn!
Nhưng thầy tư tế có một lời giải thích rất đơn giản về lý do lễ tế của bạn thất bại. Thượng đế không bao giờ bỏ rơi bạn, ngài luôn sẵn sàng bảo vệ bạn - ngài là người chăm lo, đấng sáng tạo, người gìn giữ; ngài sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng. Nhưng bạn đã làm Thượng đế thất vọng. Trong lúc cầu nguyện hoặc làm lễ, bạn chỉ toàn có những ý nghĩ không trong sáng. Và mọi người đều biết thầy tư tế nói đúng - lúc làm lễ, mọi người đều đang nghĩ đến thức ăn, hoặc một phụ nữ xinh đẹp đi ngang qua và ý nghĩ cô ta thật xinh đẹp nảy sinh trong đầu họ, cùng với nó là nỗi khao khát có được cô ta. Họ cố xua đuổi những ý nghĩ đó nhưng đã quá muộn; chúng đã nảy sinh rồi. Mọi người đều biết những suy nghĩ của mình là không trong sáng.
Giờ thì tôi không thấy có gì không trong sáng trong những ý nghĩ đó. Nếu một phụ nữ xinh đẹp đi ngang qua một tấm gương, tấm gương cũng sẽ phản chiếu cô ấy - vậy tấm gương cũng “không trong sáng” ư? Tâm trí là một tấm gương, nó chỉ phản chiếu mà thôi. Và tâm trí của bạn ý thức về mọi thứ đang xảy ra quanh bạn. Nó bình luận, nó không ngừng đưa ra các bình luận. Nếu quan sát, bạn sẽ ngạc nhiên - bạn không thể tìm được một bình luận viên nào giỏi hơn. Tâm trí nói người phụ nữ đó xinh đẹp - và nếu bạn cảm thấy khao khát cái đẹp, tôi không thấy chuyện đó có gì sai. Nếu bạn khao khát sự xấu xí, khi đó mới sai; khi đó bạn mới bị bệnh. Cái đẹp phải được trân trọng. Khi nhìn thấy một bức tranh đẹp, bạn sẽ muốn sở hữu nó. Khi bạn nhìn thấy thứ gì đó xinh đẹp, một ý nghĩ sẽ xuất hiện ngay sau đó như chiếc bóng: “Giá như thứ đẹp đẽ này là của mình…”. Đây đều là những ý nghĩ tự nhiên. Nhưng thầy tư tế sẽ nói “Trời không mưa là vì những ý nghĩ không trong sáng của ngươi” - và bạn hoàn toàn không thể phản bác. Bạn biết điều đó, bạn thấy xấu hổ về bản thân. Thượng đế luôn đúng.
Nhưng khi trời thật sự đổ mưa, những ý nghĩ đó cũng lướt qua tâm trí bạn; bạn vẫn là cùng một người. Nếu đói, bạn nghĩ đến thức ăn; nếu khát, bạn nghĩ đến nước. Những ý nghĩ này nảy sinh trong đầu bạn khi trời mưa, nhưng khi đó, chẳng ai bận tâm đến những ý nghĩ xấu. Thầy tư tế bắt đầu khen ngợi bạn, khen ngợi sự khổ hạnh của bạn, lời cầu nguyện thành kính của bạn: “Thượng đế đã đáp lại lời nguyện cầu của ngươi”. Và cái tôi của bạn cảm thấy hài lòng đến mức bạn không hỏi lại: “Vậy còn những ý nghĩ không trong sáng thì sao?”. Ai muốn nhắc đến những ý nghĩ không trong sáng khi bạn đã thành công và Thượng đế đã nghe thấy bạn?
Thường thì không ai nghe thấy bạn, bầu trời vẫn không một gợn mây và chẳng có lời hồi đáp nào xuất hiện. Nhưng tôn giáo ma thuật vẫn cứ tiếp diễn.
Tôn giáo ma thuật là tôn giáo nguyên thủy nhất, nhưng những nhánh của nó vẫn tiếp tục tồn tại trong giai đoạn hai; không có sự phân chia ranh giới rõ ràng nào. Giai đoạn hai là tôn giáo giả hiệu - và có cả thảy hơn ba trăm “giáo”. Những tôn giáo giả hiệu tiến xa hơn một chút so với tôn giáo ma thuật.
Tôn giáo ma thuật chỉ đơn giản là mang tính nghi thức. Đó là nỗ lực thuyết phục Thượng đế giúp đỡ bạn. Kẻ thù xâm lăng, trời không mưa, hoặc trời mưa quá nhiều khiến lũ tràn bờ đê và tàn phá mùa màng - bất cứ khi nào gặp phải những khó khăn này, bạn xin Thượng đế giúp đỡ. Nhưng tôn giáo ma thuật không phải là một quy chuẩn được đặt ra cho bạn. Do đó, nó không có tính đàn áp. Nó chưa quan tâm tới sự biến đổi của bạn, tới việc thay đổi bạn.
Các tôn giáo giả hiệu chuyển sự chú ý từ Thượng đế sang bạn. Thượng đế vẫn tồn tại trong đó, nhưng ở một khoảng cách xa xôi hơn. Đối với người theo tôn giáo ma thuật, Thượng đế ở rất gần; anh ta có thể trò chuyện với ngài, anh ta có thể thuyết phục ngài. Các tôn giáo giả hiệu vẫn giữ khái niệm Thượng đế, nhưng lúc này, Thượng đế ở cách xa - rất xa. Giờ đây, cách duy nhất để chạm tới ngài không phải là thông qua các nghi lễ, mà thông qua một sự thay đổi đáng kể trong lối sống của bạn. Các tôn giáo giả hiệu bắt đầu nhào nặn và thay đổi bạn.
Các tôn giáo ma thuật để cho con người được sống đúng như bản chất vốn có của họ - vì vậy những tín đồ của tôn giáo này sống tự nhiên hơn, không giả tạo mà thay vào đó là nguyên sơ hơn, thuần phác hơn, thô kệch hơn. Những tín đồ của tôn giáo giả hiệu tinh vi hơn, có văn hóa hơn, có học thức hơn. Đối với họ, tôn giáo không chỉ là nghi lễ, mà còn là triết lý của cả đời họ.
Sự kìm nén được sử dụng ở đây, trong giai đoạn thứ hai này của lịch sử tôn giáo. Tại sao tất cả các tôn giáo đều sử dụng sự kìm nén như một chiến lược cơ bản, vì mục đích gì? Việc hiểu được hiện tượng kìm nén này là vô cùng quan trọng, bởi vì tất cả các tôn giáo đều khác nhau theo cách này hay cách khác, đều chống lại nhau theo cách này hay cách khác. Không có hai tôn giáo nào nhất trí với nhau về bất kỳ điều gì ngoại trừ sự kìm nén. Vì vậy, kìm nén dường như là công cụ hiệu quả nhất trong tay họ. Họ đang làm gì với công cụ đó?
Sự kìm nén là một cơ chế để nô dịch bạn, để đặt nhân loại vào trạng thái nô lệ tâm lý và tinh thần. Rất lâu trước khi Sigmund Freud phát hiện ra hiện tượng kìm nén, các tôn giáo đã sử dụng hình thức này suốt năm ngàn năm, và sử dụng một cách thành công. Cơ chế của nó rất đơn giản - đó là khiến bạn chống lại chính mình. Nhưng cơ chế đó cực kỳ hiệu quả. Một khi bạn chống lại chính mình, có nhiều chuyện chắc chắn sẽ xảy ra. Thứ nhất, bạn sẽ bị suy yếu. Bạn sẽ không còn là người mạnh mẽ như trước. Trước đây, bạn là một; giờ đây, bạn bị chia không chỉ thành hai mà còn thành nhiều phần. Trước đây, bạn là một thể thống nhất, trọn vẹn; giờ bạn là một đám đông. Tiếng của cha bạn vang lên từ một mảnh, những lời của mẹ bạn vang lên từ một mảnh khác, và ngay bên trong bạn, họ vẫn đang đánh nhau - mặc dù có thể họ không còn trên thế gian này nữa. Tất cả các giáo viên của bạn đều có một gian riêng bên trong bạn, và tất cả các mục sư bạn từng gặp, tất cả các tu sĩ, nhà cải cách, nhà đạo đức - đều chiếm một chỗ bên trong bạn, dựng nên những pháo đài của riêng họ. Bất kỳ người nào mà bạn có ấn tượng đều trở thành một phần bên trong bạn. Bây giờ, bạn là nhiều người - người chết, người sống, những nhân vật hư cấu từ những quyển sách bạn từng đọc, từ kinh sách, những thứ chỉ là tôn giáo giả tưởng, giống như khoa học giả tưởng. Nếu nhìn vào bên trong chính mình, bạn sẽ thấy bản thân bị lạc trong đám đông to lớn đó. Bạn không thể nhận ra mình là ai giữa đám đông này, khuôn mặt nào là khuôn mặt nguyên thủy của bạn. Tất cả đều giả làm bạn, họ đều có khuôn mặt giống bạn. Họ nói ngôn ngữ của bạn và họ đều đang cãi nhau. Bạn đã trở thành một chiến trường.
Sức mạnh của một cá nhân đơn lẻ đã mất đi. Ngôi nhà của bạn bị chia năm xẻ bảy và bạn không thể làm gì trong sự trọn vẹn. Một số phần trong bạn sẽ chống lại việc làm đó, một số khác sẽ ủng hộ nó, và một số khác nữa sẽ hoàn toàn thờ ơ. Nếu bạn làm một việc gì đó, những phần phản đối sẽ không ngừng nói với bạn rằng bạn đã sai; chúng sẽ khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Những phần thờ ơ sẽ ra vẻ thánh thiện, nói với bạn rằng bạn chỉ là kẻ tầm thường khi lắng nghe những người không hiểu chuyện. Vì vậy, cho dù làm hay không làm gì, bạn đều bị lên án trong cả hai trường hợp.
Bạn luôn ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bất kể di chuyển về phía nào, bạn cũng bị đánh bại, và phần lớn đám đông trong bản thể của bạn sẽ chống lại bạn. Bạn luôn làm việc với sự ủng hộ của thiểu số. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là phần đa số sẽ muốn trả thù - và nó sẽ trả thù. Nó sẽ nói với bạn: “Nếu không làm việc này, hẳn ngươi đã có thể làm được việc kia. Nếu không chọn cái này, hẳn ngươi đã có thể chọn cái kia. Nhưng ngươi là đồ ngu xuẩn, ngươi không nghe lời. Giờ thì đau khổ đi, giờ thì sám hối đi”.
Nhưng vấn đề là bạn không thể làm được gì với sự trọn vẹn sao cho sau này không còn bị ai lên án, không còn ai nói với bạn rằng bạn ngu ngốc, kém thông minh.
Vì vậy, điều đầu tiên là các tôn giáo giả hiệu đã hủy hoại sự toàn vẹn, sự trọn vẹn, sức mạnh của con người. Đó là việc làm cần thiết nếu bạn muốn nô dịch mọi người - bạn không thể nô dịch những người mạnh mẽ. Và đây là một dạng nô dịch rất tinh vi, nô dịch tâm lý và tinh thần. Bạn không cần xiềng xích, không cần xà lim, hoàn toàn không - các tôn giáo giả hiệu đã có những sự dàn xếp khôn khéo hơn nhiều. Và những dàn xếp này bắt đầu hoạt động từ lúc bạn được sinh ra; chúng không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào.
Các tôn giáo đã lên án tình dục, lên án sự yêu thích thức ăn - lên án mọi thứ mà bạn có thể tận hưởng - âm nhạc, nghệ thuật, hoạt động ca hát, nhảy múa. Nếu nhìn khắp thế giới và thu thập tất cả những lời buộc tội từ tất cả các tôn giáo, bạn sẽ thấy: các tôn giáo đã cùng nhau lên án toàn bộ con người. Không có chỗ nào mà họ không chỉ trích.
Đúng vậy, mỗi tôn giáo chỉ thực hiện phần việc của nó - bởi vì nếu bạn triệt để lên án một người, có thể anh ta sẽ hoảng sợ. Bạn phải cân đối tỷ lệ sao cho anh ta bị lên án và cảm thấy tội lỗi, sau đó muốn thoát khỏi mặc cảm tội lỗi và sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của bạn. Bạn không nên chỉ trích anh ta nhiều tới mức anh ta phải chạy trốn hoặc nhảy xuống biển tự sát. Đó sẽ không phải là một phi vụ có lợi.
Chuyện này cũng giống như cách những nô lệ thời xưa bị đối xử. Họ được cung cấp thức ăn - không đủ nhiều để họ có thể khỏe mạnh và nổi dậy, cũng không quá ít tới nỗi họ bị chết đói; nếu không, bạn sẽ lỗ vốn. Bạn cho họ một lượng thức ăn vừa đủ để họ lay lắt giữa sự sống và cái chết, để họ có thể tiếp tục sống và làm việc cho bạn. Họ chỉ được nhận chừng đó thức ăn, không hơn; nếu không, họ sẽ có năng lượng dư thừa sau khi làm việc và năng lượng đó có thể biến thành một cuộc cách mạng. Họ có thể bắt đầu hợp sức với nhau bởi họ có thể nhận thấy chuyện gì đang xảy ra với mình.
Các tôn giáo cũng làm điều tương tự. Mỗi tôn giáo chiếm một phần khác nhau của con người và lên án nó, và qua đó khiến con người cảm thấy tội lỗi.
Một khi mặc cảm tội lỗi được hình thành trong bạn, bạn sẽ rơi vào nanh vuốt của mục sư. Giờ thì bạn không thể thoát ra được, bởi vì ông ta là người duy nhất có thể tẩy sạch những phần vấy bẩn của bạn, người có thể giúp bạn không phải hổ thẹn khi đứng trước mặt Thượng đế. Ông ta tạo ra một Thượng đế hư cấu. Ông ta tạo ra tội lỗi hư cấu. Ông ta hư cấu nên viễn cảnh một ngày nào đó, bạn sẽ phải đứng trước mặt Thượng đế, vì vậy bạn phải sạch sẽ, thuần khiết và ở trong trạng thái có thể đứng trước ngài mà không chút sợ hãi, không chút hổ thẹn.
Toàn bộ chuyện này đều là hư cấu. Nhưng bạn hãy nhớ: nó đúng với các tôn giáo giả hiệu. Và bất cứ khi nào tôi nói “tất cả các tôn giáo”, ý tôi là các tôn giáo giả hiệu; “các tôn giáo” là biểu thị cho cái giả.
Khi bắt đầu mang tính khoa học, tôn giáo sẽ không còn là “các tôn giáo”, mà khi đó, nó sẽ chỉ đơn giản là tôn giáo, và chức năng của nó sẽ ngược lại với các tôn giáo giả hiệu. Chức năng của nó là giúp bạn tự do thoát khỏi Thượng đế, thoát khỏi thiên đường và địa ngục, thoát khỏi khái niệm tội nguyên tổ, thoát khỏi chính ý nghĩ rằng bạn tách rời khỏi tự nhiên - giúp bạn tự do thoát khỏi mọi kiểu kìm nén.
Với tất cả sự tự do này, bạn sẽ học được cách bộc lộ bản thể tự nhiên của mình, bất kể nó là gì. Bạn không cần phải cảm thấy hổ thẹn. Vũ trụ muốn bạn như vậy, đó là lý do bạn được sinh ra như vậy. Vũ trụ cần bạn theo cách này, nếu không, hẳn vũ trụ đã tạo ra một người khác chứ không phải bạn. Vì vậy, tôi cho rằng không được làm chính mình là thứ duy nhất phi tôn giáo.
Hãy là chính mình mà không có điều kiện, không có ràng buộc nào kèm theo - chỉ cần là chính mình và bạn là người có tôn giáo, bởi vì bạn khỏe mạnh, bạn trọn vẹn. Bạn không cần mục sư, bạn không cần nhà phân tâm học, bạn không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai bởi bạn không đau ốm, không què quặt, không tê liệt. Toàn bộ sự tàn tật và tê liệt đó đều biến mất khi bạn tìm thấy tự do.
Tôn giáo có thể được cô đọng trong một cụm từ: hoàn toàn tự do được là chính mình.
Hãy thể hiện bản thân theo mọi cách có thể mà không sợ hãi. Không có gì phải sợ, sẽ không có ai trừng phạt hay khen thưởng bạn. Nếu bộc lộ bản thể chân thật nhất của mình, trong dòng chảy tự nhiên của nó, bạn sẽ được tưởng thưởng ngay lập tức - không phải ngày mai mà là hôm nay, ở đây và ngay lúc này.
Bạn chỉ bị phạt khi đi ngược lại bản chất tự nhiên của mình. Nhưng sự trừng phạt đó là một cách giúp đỡ, nó chỉ đơn giản nhắc nhở rằng bạn đã rời xa bản chất tự nhiên, rằng bạn hơi chệch khỏi lộ trình một chút - hãy quay trở lại. Sự trừng phạt không phải là báo thù, hoàn toàn không phải. Sự trừng phạt đó chỉ là một nỗ lực để cảnh tỉnh bạn: “Người đang làm gì vậy?”. Có gì đó sai, có gì đó đi ngược lại chính bạn. Đó là lý do tại sao có nỗi đau, có sự bất an, có khổ não.
Và khi bạn tự nhiên, bộc lộ bản thân như cây cối và chim chóc - những loài may mắn hơn, bởi không có loài chim nào cố gắng trở thành mục sư và không có loài cây nào mang ý nghĩ trở thành nhà phân tâm học - thì cũng giống như cây cối, chim chóc và những đám mây, bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong sự hiện hữu.
Và cảm thấy thoải mái như ở nhà chính là toàn bộ mục đích của tôn giáo.
Người giàu, người nghèo: Nguồn gốc của nghèo đói và lòng tham
Chỉ bằng cách nói “Phúc cho những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ”, bạn không thay đổi được cảnh nghèo đói. Nếu không, trong hai ngàn năm qua, hẳn Cơ Đốc giáo đã xóa sổ nạn nghèo đói. Tình trạng nghèo đói tiếp tục gia tăng, số người được ban phước lành tiếp tục gia tăng. Trên thực tế, sẽ có quá nhiều người được ban phước đến mức họ sẽ lại trở thành những người nghèo đói trong vương quốc của Đức Chúa Trời, nơi họ cùng sống với nhau. Mỗi người không nhận được bao nhiêu trong đó. Và tất cả những “cổ đông của Nước Thiên Chúa” này sẽ khiến Đức Chúa Trời cũng trở nên nghèo khó. Đó là một tổ chức của những cổ đông nghèo khó.
Một luật sư tìm đến khu khai quật, nhìn xuống một nhóm người đang làm việc bên dưới và gọi tên Timothy O’Toole.
“Ai tìm tôi đó?”, một giọng nói nặng nề vang lên.
Luật sư hỏi: “Anh O’Toole, có phải anh đến từ Castlebar, Hạt Mayo không?”.
“Đúng vậy.”
“Mẹ anh là Bridget và cha anh là Michael?” “Đúng vậy.”
“Vậy thì tôi có nghĩa vụ thông báo với anh rằng dì Mary của anh đã qua đời tại Iowa, để lại cho anh một khối tài sản trị giá 150.000 đô-la.”
Có một khoảng lặng ngắn dưới khu khai quật và sau đó là những tiếng reo vui sống động.
“Anh sẽ lên đây chứ, anh O’Toole?”, vị luật sư hỏi vọng xuống.
“Lên ngay đây”, tiếng trả lời vọng lên. “Tôi phải cho tay quản đốc một bài học trước khi đi đã.”
Chỉ sau sáu tháng sống trong sự phóng túng tột cùng, O’Toole đã tiêu hết số tiền 150.000 đô-la. Mục tiêu chính của anh ta là thỏa mãn nỗi khao khát to lớn từ trước tới giờ của mình. Sau đó, anh ta quay lại với công việc ở khu khai quật. Lúc này, vị luật sư lại đến đó tìm anh.
“Anh O’Toole, lần này là chú Patrick của anh”, luật sư giải thích. “Ông ấy qua đời tại Texas và để lại cho anh 80.000 đô-la.”
O’Toole tựa hẳn người vào cán cuốc và lắc đầu ngao ngán.
“Tôi không nghĩ mình có thể nhận khoản thừa kế này”, anh ta thú nhận. “Tôi không còn khỏe mạnh như trước, và tôi không chắc mình có thể tiêu hết số tiền đó mà vẫn còn sống.”
Đó là những gì đã xảy ra ở phương Tây. Người phương Tây đã đạt được sự sung túc mà toàn nhân loại khao khát suốt hàng bao đời. Phương Tây đã trở nên giàu có về của cải vật chất, và giờ đây, nó đang mệt mỏi. Hành trình đó đã lấy hết toàn bộ linh hồn của nó. Nó có mọi thứ ở bên ngoài, nhưng mối kết nối với bên trong đã mất. Giờ đây, mọi thứ con người cần đều ở đó, nhưng con người không còn nữa. Của cải đều có ở đó nhưng chủ nhà đã biến mất. Tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng đã xảy ra. Sự giàu có ở đó, nhưng con người không hề cảm thấy giàu có, phong phú; ngược lại, họ đang cảm thấy rất bần cùng, rất nghèo khổ.
Hãy nghĩ về nghịch lý này: chỉ khi đã giàu có ở bên ngoài, bạn mới nhận thức được sự nghèo khó bên trong của mình, có sự tương phản. Khi nghèo khó bên ngoài, bạn không bao giờ nhận thức được sự nghèo khó bên trong bởi không có sự tương phản. Bạn dùng phấn trắng để viết lên bảng đen, không phải bảng trắng. Tại sao ư? Bởi vì chỉ trên bảng đen, những nét chữ trắng mới hiện rõ. Chúng cần có sự tương phản.
Khi giàu có ở bề ngoài, bạn bỗng nhận thức được “Ở bên trong mình thật nghèo, ở bên trong mình là một tên ăn mày”. Và giờ đây, nỗi tuyệt vọng cũng xuất hiện như một cái bóng: “Chúng ta đã đạt được tất cả những thứ mà chúng ta nghĩ là mình muốn - mọi khát khao và mơ ước đều trở thành sự thật - vậy mà không có gì xảy ra, không mãn nguyện, không hạnh phúc”. Mọi người trở nên hoang mang, và từ chính sự hoang mang này, một khao khát mãnh liệt nảy sinh: làm thế nào để kết nối lại với chính mình?
Thiền là quá trình giúp bạn tái kết nối với thế giới bên trong, với nội tâm của bạn. Do đó, người phương Tây bắt đầu quan tâm tới thiền và các truyền thống thiền của phương Đông.
Phương Đông cũng quan tâm đến thiền khi phương Đông giàu có; bạn phải hiểu điều này. Đó là lý do tôi không chống lại sự giàu có, và tôi không nghĩ có bất kỳ giá trị tinh thần nào trong cuộc sống nghèo đói. Tôi hoàn toàn chống lại nghèo đói bởi vì bất cứ khi nào một quốc gia trở nên nghèo đói, nó mất kết nối với tất cả các hình thức thiền, với mọi nỗ lực tinh thần. Bất cứ khi nào một quốc gia trở nên nghèo đói bên ngoài, nó trở nên không nhận thức được sự nghèo đói bên trong.
Đó là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy giữa những người nghèo ở Ấn Độ một sự mãn nguyện mà bạn không thể tìm thấy ở phương Tây. Đó không phải là sự mãn nguyện thật sự; đó chỉ là chưa nhận biết được cái nghèo bên trong. Tôi đã quan sát hàng ngàn người nghèo ở phương Đông - họ không thật sự mãn nguyện, nhưng có một điều chắc chắn đúng: họ không nhận thức được sự bất mãn của mình, bởi vì để nhận thức được sự bất mãn đó, bạn cần phải giàu có ở bên ngoài.
Nếu không giàu có ở bên ngoài, không ai nhận thức được sự bất mãn bên trong. Và có đủ bằng chứng xác thực chuyện này. Tất cả các nhà thần bí, tất cả các vị thần giáng thế của Hindu giáo, đều là vua hoặc hoàng tử. Tất cả các bậc thầy của Kỳ Na giáo đều xuất thân từ gia đình hoàng tộc; và Đức Phật cũng vậy. Cả ba tín ngưỡng lâu đời này của Ấn Độ đều cung cấp những bằng chứng thuyết phục. Tại sao Đức Phật lại cảm thấy không hài lòng? Tại sao ông ấy bắt đầu hành trình tìm đến thiền? Bởi vì ông ấy giàu. Ông ấy đã sống trong sự giàu sang; ông ấy đã nếm trải mọi sự sung túc về vật chất. Sau đó, ông ấy bỗng nhận thức được - ông ấy chỉ mới hai mươi chín tuổi khi nhận thức được có một hố đen bên trong mình. Khi có ánh sáng bên ngoài, bóng tối bên trong bạn sẽ hiện rõ. Chỉ một vết bẩn nhỏ dính trên chiếc áo trắng và nó hiện ra thật rõ. Đó là những gì đã xảy ra. Ông ấy đã trốn khỏi hoàng cung. Chuyện tương tự cũng xảy ra với Mahavira; ông ấy cũng rời bỏ cung điện. Chuyện này không xảy ra với những người ăn xin. Thời của Đức Phật cũng có người ăn xin, nhưng họ không từ bỏ bất cứ thứ gì để đi tìm chân lý. Họ chẳng có gì để từ bỏ; họ đã mãn nguyện. Đức Phật không cảm thấy mãn nguyện.
Hồi Ấn Độ còn giàu có, ở đó có nhiều người quan tâm đến thiền hơn; thật ra là ai cũng quan tâm đến thiền. Sau đó, cả dân tộc trở nên nghèo khó, nghèo đến mức không có sự tương phản nào giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài. Bên trong nghèo và bên ngoài cũng nghèo. Bên trong và bên ngoài có sự hòa hợp tuyệt đối với nhau - cả hai đều nghèo.
Nhưng mọi người đã quen với ý nghĩ sự nghèo đói có chứa đựng giá trị tinh thần nào đó. Tôi không ủng hộ bất kỳ kiểu nghèo đói nào. Nghèo đói không có giá trị tinh thần, nó khiến cho đời sống tinh thần biến mất.
Tôi muốn cả thế giới trở nên sung túc nhất có thể. Càng giàu có, người ta sẽ càng quan tâm đến giá trị tinh thần. Họ sẽ phải như vậy; họ không thể né tránh nó. Chỉ khi đó, sự mãn nguyện thật sự mới xuất hiện. Khi sự sung túc bên ngoài giao thoa với sự giàu có bên trong, một kiểu hòa hợp mới sẽ nảy sinh - khi đó mới có sự mãn nguyện thật sự. Khi sự nghèo đói bên ngoài gặp sự nghèo đói bên trong, khi đó có một sự bằng lòng giả tạo. Sự hòa hợp có thể xuất hiện theo hai cách như vậy. Khi thế giới bên ngoài và thế giới bên trong hòa hợp, người ta cảm thấy thỏa mãn. Người nghèo ở Ấn Độ trông có vẻ mãn nguyện bởi vì có sự nghèo đói trong cả hai thế giới. Có sự hòa hợp hoàn hảo, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong đồng điệu với nhau - nhưng đây là sự mãn nguyện xấu xí, nó thật sự vô hồn, thiếu sức sống.
Tôi hoàn toàn ủng hộ một thế giới nơi phương Tây có thể đáp ứng mọi nhu cầu của phương Đông và phương Đông có thể đáp ứng mọi nhu cầu của phương Tây. Phương Đông và phương Tây đã xa cách nhau quá lâu; tình trạng này không cần kéo dài thêm nữa. Chúng ta đã đến được một thời khắc quan trọng, khi mà toàn bộ trái đất có thể trở thành một thể thống nhất - nó nên như vậy - bởi vì nó chỉ có thể tồn tại khi trở thành một thể thống nhất.
Thời của những quốc gia riêng lẻ không còn nữa, thời của sự phân chia không còn nữa, thời của các chính trị gia sẽ không còn nữa. Chúng ta đang bước sang một thế giới hoàn toàn mới, một giai đoạn mới của nhân loại, và đó là giai đoạn chỉ có thể có một thế giới, một nhân loại. Khi đó, các nguồn năng lượng sáng tạo sẽ được giải phóng trên quy mô rộng lớn.
Phương Đông có điểm mạnh về công nghệ tinh thần, và phương Tây có ưu thế về công nghệ khoa học. Nếu cả hai có thể bắt tay với nhau, thế giới này có thể trở thành một thiên đường. Giờ đây, chúng ta không cần phải hỏi xin một thế giới khác ở thiên đường; lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có khả năng tạo ra thiên đường ngay trên mặt đất này. Và nếu chúng ta không tạo ra nó thì không ai phải chịu trách nhiệm cho chuyện này ngoài chính chúng ta.
Tôi ủng hộ một thế giới, một nhân loại và cuối cùng là một nền khoa học có thể chăm lo cho cả hai - một sự giao thoa giữa tôn giáo và khoa học - một nền khoa học sẽ chăm lo cho cả cái bên trong và cái bên ngoài.
Chẳng phải khuynh hướng tích lũy và tích trữ mọi thứ của con người chính là thứ cản trở cuộc gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây mà ngài hình dung? Có lẽ một hệ thống như chủ nghĩa cộng sản sẽ giúp phân bổ của cải một cách đồng đều hơn trên khắp thế giới?
Người giàu và người nghèo phụ thuộc lẫn nhau; người giàu không thể tồn tại nếu thiếu người nghèo. Giờ đây, khi chúng ta có đủ công nghệ, việc tạo ra nhiều của cải để không ai phải nghèo đói là một hành động đơn giản và đầy tính nhân văn. Nhưng chúng ta lại đang làm điều hoàn toàn ngược lại.
Ba mươi triệu người tại Mỹ, quốc gia giàu có nhất thế giới, đang bị suy dinh dưỡng. Và bạn sẽ ngạc nhiên khi biết điều này: ba mươi triệu người tại Mỹ đang thừa dinh dưỡng. Họ đang ăn kiêng và cố gắng giảm cân. Nước Mỹ có những người thừa cân nhất thế giới. Đó là một phép tính đơn giản: ba mươi triệu người thừa cân này đang tiêu thụ thức ăn của ba mươi triệu người suy dinh dưỡng!
Chúng ta có thể sản xuất đủ, nhiều hơn mức cần thiết, để mọi người không cần phải tích trữ gì nữa. Bạn không tích trữ không khí. Tất nhiên, bạn sẽ làm điều này khi ở trên mặt trăng; bạn sẽ cần mang theo bên mình một bình dưỡng khí, bởi vì trên mặt trăng không có ô-xy. Khi ở giữa sa mạc, bạn sẽ cần tích trữ nước. Những người sống trên sa mạc sẽ tranh nhau một ốc đảo nhỏ, thậm chí giết nhau để giành nguồn nước. Bên ngoài sa mạc, bạn không đánh nhau để giành nguồn nước; có đủ nước cho mọi người.
Tôi có một quan điểm về xã hội rất khác so với cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản. Xã hội cần một hệ thống siêu tư bản, và nó sẽ tự động trở thành cộng sản. Không cần đến bất kỳ cuộc cách mạng nào. Thứ cần có là sự tiến hóa, không phải cách mạng. Cách mạng không bao giờ làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Chính sự tiến hóa, sự phát triển mới làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Nếu có nhiều người nghèo và chỉ có vài người giàu, điều đó có nghĩa là không có đủ của cải. Mọi nỗ lực cần được tập trung vào việc tạo ra nhiều của cải hơn - và việc này là có thể thực hiện được; không có lý do gì không thực hiện được. Và khi của cải có sẵn và có nhiều hơn mức cần thiết, ai còn bận tâm đến việc tích trữ?
Một vài thứ sẽ tự biến mất, những thứ mà bạn vẫn luôn không thể trục xuất khỏi xã hội được. Người nghèo sẽ biến mất, trộm cắp sẽ biến mất. Có lẽ không còn cần đến cảnh sát nữa, thẩm phán có thể được sử dụng vào mục đích tốt hơn. Hàng ngàn luật sư chỉ đang làm lãng phí thời gian và tiền bạc của mọi người; chúng ta không cần đến họ nữa.
Chúng ta không nhìn thấy mọi việc; chúng ta chỉ đơn giản loại bỏ các triệu chứng và chúng sẽ quay trở lại. Chúng ta phải nhìn vào nguyên nhân cốt lõi. Có quá nhiều tội ác ở Mỹ - tại sao lại như vậy? Ắt hẳn phải có những cám dỗ khiến người ta phạm tội. Những cám dỗ này có thể được loại bỏ một cách rất dễ dàng.
Hãy nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay của tôi. Bạn có bị cám dỗ không? Bạn sẽ bị cám dỗ bởi bạn không biết nó chỉ được làm từ đá, không phải kim cương. Nó không có giá trị. Khi những viên đá có thể mang lại hiệu quả như những viên kim cương, chỉ có kẻ ngốc mới chạy theo kim cương. Bạn có nhận thấy sự khác biệt không? Nếu được làm từ kim cương, chiếc đồng hồ y hệt như thế này sẽ có trị giá một phần tư triệu đô-la. Bạn tôi đã làm ra chiếc đồng hồ này chỉ từ những viên đá. Nó hoạt động chính xác như bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác - chỉ chênh lệch một giây mỗi năm - bởi vì ngày nay, người ta dễ dàng tạo ra độ chính xác như vậy. Dù bạn mua một chiếc đồng hồ có giá triệu đô hay chỉ mười đô-la, chúng đều sử dụng cùng một loại pin. Pin điện tử đã làm thay đổi toàn bộ ý tưởng về đồng hồ.
Nhưng nếu những viên đá - những viên đá thật - có thể mang lại hiệu quả như những viên kim cương, tại sao chúng ta phải tạo ra những cám dỗ không cần thiết? Hãy sản xuất thêm nhiều đồng hồ và trang sức với những viên đá xinh đẹp, và sự cám dỗ đối với kim cương sẽ biến mất. Giá của kim cương sẽ giảm. Trên thực tế, kim cương cũng chỉ là đá. Chúng ta tạo ra nhiều cám dỗ dẫn đến tội ác, và rồi kẻ thủ ác bị trừng phạt chứ không phải người tạo ra cám dỗ. Cả hai đều phải bị trừng phạt!
Nhưng người ta chỉ thấy triệu chứng chứ không chỉ ra được nguyên nhân. Và những nguyên nhân đó sẽ gây ra các triệu chứng khác. Điều này thật phản khoa học! Thay vì tạo thêm nhiều của cải, các quốc gia lại đang sản xuất thêm nhiều vũ khí - tên lửa, rốc-két, vũ khí hạt nhân - và tích trữ chúng. Để làm gì? Bạn muốn thực hiện một cuộc tự sát toàn cầu ư? Nếu không, sao phải lãng phí tiền bạc và thời gian như vậy? Nếu loài người quyết định tự sát, có nhiều cách đơn giản hơn.
Chúng ta đang đổ 75% năng lượng trên khắp trái đất này vào các hoạt động chiến tranh. Chúng ta là những kẻ phục vụ cho cái chết và sự hủy diệt hay sao? 75% năng lượng này có thể được rót vào cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống - và sẽ có tiếng cười, và con người sẽ khỏe mạnh hơn, có nhiều của cải, nhiều thức ăn hơn. Sẽ không có nghèo đói.
Sự nghèo đói không cần phải tồn tại vì bất kỳ lý do gì.
Ngài chỉ trích các tôn giáo, nhưng chẳng phải các tôn giáo đó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết sự nghèo đói hay sao? Có rất nhiều tổ chức tôn giáo tồn tại để giúp đỡ người nghèo một cách không vị kỷ.
Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều dạy chúng ta phục vụ người khác, không vị kỷ. Nhưng đối với tôi, vị kỷ là một hiện tượng tự nhiên. Không vị kỷ là thứ bị áp đặt; vị kỷ là một phần của bản chất con người. Bạn không thể thật sự không vị kỷ, trừ khi bạn đạt đến cảnh giới mà ở đó, “cái tôi” của bạn tan biến vào vũ trụ. Bạn có thể giả vờ, nhưng bạn sẽ chỉ là một kẻ đạo đức giả, và tôi không muốn mọi người trở thành những kẻ đạo đức giả. Vậy nên chuyện này hơi phức tạp một chút, nhưng có thể hiểu được.
Thứ nhất, vị kỷ là một phần trong bản chất tự nhiên của bạn. Bạn phải chấp nhận nó. Và nếu là một phần trong bản chất tự nhiên của bạn, nó phải phục vụ cho điều gì đó thiết yếu, nếu không, hẳn nó đã không có mặt ở đó. Chính nhờ sự vị kỷ mà bạn mới tồn tại, bạn mới chăm sóc bản thân; nếu không, loài người đã biến mất từ lâu.
Hãy nghĩ về một đứa trẻ không vị kỷ, bẩm sinh đã không vị kỷ. Nó sẽ không thể sống sót, nó sẽ chết - bởi vì ngay cả thở cũng là vị kỷ, ăn cũng là vị kỷ trong khi có hàng triệu người đang đói. Bạn có đang ăn không? Khi hàng triệu người đang đau ốm, bệnh tật, sắp chết, còn bạn thì đang khỏe mạnh ư? Nếu đứa trẻ được sinh ra mà không vị kỷ bẩm sinh, nó sẽ không thể sống sót. Nếu một con rắn bò đến gần bạn, cần gì phải tránh nó? Cứ để nó cắn. Chính sự vị kỷ của bạn sẽ tìm cách bảo vệ bạn; nếu không, bạn chỉ đang chắn đường của con rắn. Nếu một con sư tử vồ lấy bạn và giết chết bạn, hãy để nó giết! Đó là không vị kỷ. Con sư tử đang đói, bạn sẽ là thức ăn của nó - bạn là ai mà can thiệp vào chuyện này? Bạn không nên tự vệ, bạn không nên chống trả. Bạn chỉ đơn giản nộp mình làm mồi cho sư tử - đó sẽ là không vị kỷ. Tất cả những tôn giáo này đang dạy những điều không tự nhiên. Đây là một khía cạnh của nó.
Tôi dạy về bản chất tự nhiên. Tôi dạy bạn trở nên tự nhiên, hoàn toàn tự nhiên, tự nhiên một cách không hổ thẹn. Đúng vậy, tôi dạy về sự vị kỷ. Trước tôi, chưa từng có ai nói điều đó; họ không có gan để nói. Và tất cả họ đều vị kỷ; đây là phần tuyệt vời của toàn bộ câu chuyện. Tại sao một tu sĩ Kỳ Na giáo lại tự hành hạ bản thân? Có một động cơ ở đây. Ông ấy muốn đạt được sự tự do tối thượng và toàn bộ niềm vui của nó. Ông ấy không hy sinh gì cả, ông ấy chỉ đang mặc cả. Ông ấy là một doanh nhân. Kinh sách của ông ấy có nói: “Bạn sẽ nhận về gấp ngàn lần”. Và cuộc đời này thật sự rất nhỏ bé - bảy mươi, tám mươi năm không là bao. Nếu bạn hy sinh niềm vui của bảy mươi năm để đổi lấy hạnh phúc vĩnh hằng, đó là một thương vụ hời! Tôi không cho rằng đó là hành động không vị kỷ.
Và tại sao những tôn giáo này lại dạy bạn phải phụng sự loài người? Động cơ là gì, mục đích là gì? Bạn sẽ có được gì từ việc đó? Bạn có thể không bao giờ đặt ra câu hỏi như vậy. Đó không phải là phụng sự.
Tôi rất thích câu chuyện cổ sau đây của Trung Quốc:
Một người đàn ông ngã xuống giếng. Hôm đó là một ngày hội lớn, một dịp lễ có rất đông người tụ họp, có rất nhiều âm thanh ồn ào náo nhiệt và mọi người đang nhảy múa, ca hát, tận hưởng đủ mọi hoạt động đang diễn ra, vì vậy, không ai nghe thấy tiếng người đàn ông rơi xuống giếng. Vào thời đó tại Trung Quốc, người ta không xây bờ tường bảo vệ quanh giếng như ngày nay. Những cái giếng thời đó luôn được để mở, không có gì che chắn. Trong đêm tối, bạn có thể sa chân té xuống giếng vì không biết nó có ở đó.
Người đàn ông bắt đầu hét lên: “Cứu tôi với!”.
Một tu sĩ Phật giáo đi ngang qua. Tất nhiên, tu sĩ Phật giáo không quan tâm đến lễ hội, hoặc được cho là không quan tâm - tôi không biết ông ấy đang làm gì ở đó. Ngay cả việc chỉ có mặt ở đó cũng cho thấy trong vô thức, có một sự thôi thúc muốn nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra, muốn biết mọi người đang tận hưởng như thế nào: “Tất cả những người này sẽ xuống địa ngục, và ta là người duy nhất ở đây được lên thiên đường”.
Vị tu sĩ đó đi ngang qua giếng và nghe tiếng người đàn ông. Ông ấy nhìn xuống giếng. Người đàn ông nói: “Thật mừng khi ông nghe thấy. Mọi người đều đang bận vui chơi và xung quanh quá ồn ào, tôi đã sợ là mình sẽ chết”.
Tu sĩ nói: “Anh vẫn sẽ chết, bởi vì chuyện này xảy ra là do một hành động xấu xa nào đó trong kiếp trước. Giờ đây anh đang nhận hình phạt cho hành động đó, vì vậy, hãy chấp nhận nó và chịu trừng phạt! Đây là chuyện tốt; anh sẽ bắt đầu kiếp sống mới trong tình trạng sạch tội và sẽ không phải bị rơi xuống giếng nữa”.
Người đàn ông nói: “Tôi không cần giảng đạo lý gì vào lúc này…”. Nhưng tu sĩ đã rời đi.
Sau đó, một Đạo sĩ đi ngang qua. Ông ấy khát nước và nhìn xuống giếng. Người đàn ông vẫn đang kêu cứu. Đạo sĩ nói: “Thật chẳng ra làm sao cả. Người ta nên chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình - đó là lời dạy của Lão Tử vĩ đại. Vì vậy, hãy chấp nhận nó! Tận hưởng nó! Anh đang kêu khóc như đàn bà. Hãy hành xử như một người đàn ông!”.
Người đàn ông đáp: “Tôi sẵn sàng bị gọi là đàn bà, nhưng trước hết, xin hãy cứu tôi! Tôi không hành xử giống đàn ông, xin hãy kéo tôi ra khỏi đây trước đi, sau đó ngài muốn nói sao cũng được!”.
Nhưng Đạo sĩ nói: “Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào việc của người khác. Chúng tôi tin vào cá nhân và tự do của cá nhân. Ngã xuống giếng là tự do của anh, chết dưới giếng là tự do của anh. Tất cả những gì tôi có thể làm là đưa ra đề xuất: anh có thể chết trong nước mắt - chuyện đó thật ngu xuẩn - hoặc anh có thể chết như một nhà thông thái. Hãy chấp nhận, tận hưởng, hát một bài hát rồi ra đi. Dù sao thì ai rồi cũng chết, vậy tại sao phải cứu anh? Tôi cũng sẽ chết, mọi người đều sẽ chết - có lẽ ngày mai, có lẽ ngày mốt - vậy sao phải bận tâm đến việc cứu anh?”. Nói xong, Đạo sĩ rời đi.
Một Nho sĩ bước tới, và người đàn ông thấy một tia hy vọng bởi các Nho sĩ thường “trần tục” hơn, thực tế hơn. Người đàn ông nói: “Thật may cho tôi khi ngài xuất hiện, một học giả Nho giáo. Tôi biết ngài, tôi đã nghe danh của ngài. Giờ thì hãy làm gì đó giúp tôi đi, bởi vì Khổng Tử nói ‘Hãy giúp người khác’”.
Rút kinh nghiệm từ cách phản ứng của tu sĩ Phật giáo và Đạo sĩ ban nãy, người đàn ông thầm nghĩ: “Nếu muốn thuyết phục được mấy người này ra tay cứu giúp thì tốt hơn hết là mình nên nói chuyện triết học”. Anh ta nói: “Khổng Tử nói ‘Hãy giúp người khác’”.
Nho sĩ bèn đáp: “Anh nói đúng. Và tôi sẽ giúp. Tôi sẽ đi từ thành phố này đến thành phố khác, và tôi sẽ kháng nghị để buộc chính phủ xây tường chắn quanh từng miệng giếng trên khắp đất nước này. Đừng sợ”.
Người đàn ông nói: “Nhưng đến khi người ta xây xong tường chắn và cuộc cách mạng của ngài thành công thì tôi đã chết rồi”.
Nho sĩ lại nói: “Anh không quan trọng, tôi không quan trọng, các cá nhân không quan trọng - xã hội mới quan trọng. Anh đã nêu lên một vấn đề rất quan trọng qua việc ngã xuống giếng. Bây giờ, chúng tôi sẽ chiến đấu vì điều đó. Anh chỉ cần bình tĩnh lại. Chúng tôi sẽ đảm bảo mọi cái giếng đều có tường chắn để không ai bị rơi xuống nữa. Nhưng chỉ bằng cách cứu anh thì sẽ cứu được gì? Cả nước có hàng triệu cái giếng và hàng triệu người có thể ngã xuống giếng. Vậy nên đừng quá quan tâm đến bản thân, hãy vượt lên trên thái độ vị kỷ đó. Tôi sẽ phụng sự nhân loại. Anh đã có một đóng góp to lớn khi ngã xuống giếng. Tôi sẽ phục vụ bằng cách thúc ép chính quyền xây tường bảo vệ quanh miệng giếng”. Và sau đó, Nho sĩ rời đi.
Nhưng Nho sĩ đã nêu ra một ý quan trọng: “Bạn đang vị kỷ. Bạn chỉ muốn được cứu và lãng phí khoảng thời gian mà tôi có thể dùng để giúp toàn nhân loại”.
Bạn có thấy những thứ giống như “nhân loại” và “xã hội” tồn tại ở đâu không? Chúng chỉ là lời nói. Chỉ có các cá nhân tồn tại.
Người thứ tư là một nhà truyền giáo Cơ Đốc giáo đang đeo một chiếc túi bên mình. Ông ấy lập tức mở túi lấy ra một sợi dây thừng và ném xuống giếng; trước khi người đàn ông kịp nói gì thì nhà truyền giáo đã ném sợi dây xuống giếng. Người đàn ông ngạc nhiên thốt lên: “Tôn giáo của ngài có vẻ là tôn giáo chân chính nhất”.
Nhà truyền giáo đáp: “Tất nhiên. Chúng tôi sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp. Vì biết có thể sẽ có người rơi xuống giếng nên tôi mang theo sợi dây này để cứu họ - bởi vì chỉ bằng cách cứu họ, tôi mới cứu được chính mình. Nhưng tôi lo lắng - tôi đã nghe những lời Nho sĩ nói - người ta không nên xây tường bảo vệ quanh miệng giếng; nếu người ta xây tường chắn như vậy, làm sao chúng tôi có thể phụng sự nhân loại? Làm sao chúng tôi kéo được những người bị ngã xuống giếng lên? Họ phải ngã xuống đó rồi chúng tôi mới kéo họ lên được chứ. Chúng tôi tồn tại là để phụng sự, nhưng phải có cơ hội thì mới được. Không có cơ hội, làm sao chúng tôi có thể phụng sự?”.
Tất cả những tôn giáo đang nói về “phụng sự” này chắc chắn hứng thú với việc nhân loại vẫn nghèo, con người vẫn cần phục vụ, vẫn còn có trẻ mồ côi, góa phụ, người già không ai chăm sóc, vẫn có người ăn xin. Họ cần có những người này, rất cần. Nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra với những người đầy tớ vĩ đại của những người đó? Chuyện gì sẽ xảy ra với những tôn giáo này và lời dạy của họ, và con người phải làm sao để được phép bước vào Nước Thiên Chúa? Những người nghèo và khốn khổ này bị sử dụng như một chiếc thang. Bạn gọi đó là sự không vị kỷ? Nhà truyền giáo này không vị kỷ? Ông ấy cứu người đàn ông này không phải vì lợi ích của anh ta; ông ấy cứu người đàn ông này vì lợi ích của chính mình. Tận sâu bên trong đó vẫn là sự vị kỷ, nhưng giờ đây nó được che đậy bằng những mỹ từ: sự không vị kỷ, phụng sự.
Nhưng tại sao lại cần có phụng sự? Tại sao lại có nhu cầu cho việc này? Chúng ta không thể hủy bỏ các cơ hội phụng sự được sao? Chúng ta có thể, nhưng các tôn giáo sẽ rất giận dữ. Cơ sở hoạt động của họ sẽ mất đi nếu không có người nghèo, không có người đói, không có người đau khổ, không có người đau ốm. Đây là toàn bộ công việc làm ăn của họ.
Khoa học có thể làm được điều này. Ngày nay, việc đó hoàn toàn trong tầm tay của chúng ta. Hẳn nó đã xảy ra từ lâu nếu những tôn giáo này không ra sức ngăn chặn tất cả những người đang đóng góp những kiến thức có thể hủy bỏ tất cả các cơ hội phụng sự. Nhưng những tôn giáo này đã chống lại mọi tiến bộ khoa học - họ cần đến các vấn đề. Nhu cầu của họ là cực kỳ ích kỷ, nó có động cơ. Có một mục tiêu cần đạt được.
Phụng sự là một từ mang tính xúc phạm. Đừng bao giờ sử dụng nó. Đúng, bạn có thể chia sẻ, nhưng đừng bao giờ sỉ nhục người khác bằng cách “phụng sự” họ. Đó là một hình thức miệt thị. Khi phụng sự ai đó và bạn cảm thấy hài lòng, bạn đã hạ người đó xuống hàng giun dế, dưới mức con người. Bạn ưu việt tới mức hy sinh cả lợi ích của mình và bạn “đang phụng sự người nghèo” - bạn chỉ đang xem thường họ.
Nếu có điều gì đó mang lại cho bạn niềm vui, sự bình yên, cảm giác ngây ngất, hãy chia sẻ nó. Và nhớ rằng khi bạn chia sẻ, không có bất kỳ động cơ nào đằng sau. Tôi không nói là bằng việc chia sẻ, bạn sẽ được lên thiên đường, tôi không trao cho bạn bất kỳ mục tiêu nào. Tôi nói là bằng việc chia sẻ, bạn sẽ vô cùng mãn nguyện. Trong chính hành động chia sẻ đó là sự mãn nguyện, không có mục tiêu nào vượt lên trên nó. Nó không hướng tới một mục tiêu nào, nó chính là mục tiêu. Bạn sẽ cảm kích người sẵn sàng chia sẻ với mình. Bạn sẽ không cảm thấy người đó phải mang ơn bạn - bạn không “phụng sự”.
Chỉ những người tin vào sự chia sẻ thay vì phụng sự mới có khả năng phá bỏ tất cả cơ hội phụng sự xấu xí đang bủa vây trái đất này. Mọi tôn giáo đều đang lợi dụng những cơ hội này, nhưng họ gán những cái tên mỹ miều cho việc mình làm - trải qua hàng ngàn năm, họ đã rất thành thạo trong việc gọi những việc xấu xa bằng mỹ từ. Và khi bạn bắt đầu dán cái nhãn tốt đẹp cho một thứ xấu xí, có khả năng chính bạn cũng quên mất nó chỉ là vỏ bọc. Bên trong vỏ bọc đó, thực tế vẫn như cũ.
Tất cả những vấn đề này đều có thể được giải quyết. Không cần đến nhân viên công vụ, nhà truyền giáo và những người giống như họ. Chúng ta cần hiểu biết hơn về từng vấn đề và về cách giải quyết nó. Vì vậy, tôi dạy bạn sự vị kỷ. Tôi muốn bạn phải để cho đóa hoa của mình nở trước tiên. Đúng vậy, chuyện này có vẻ thật ích kỷ; tôi không phản đối nhận định đó; tôi thấy nó ổn. Nhưng khi cây bông hồng nở hoa, nó có ích kỷ không? Hoa sen có ích kỷ không khi nó bung nở? Mặt trời có ích kỷ không khi nó tỏa sáng? Tại sao bạn phải lo lắng về sự vị kỷ?
Bạn được sinh ra - sự chào đời chỉ là một cơ hội, chỉ là sự khởi đầu, không phải mục đích cuối cùng. Bạn phải để cho đóa hoa của mình bung nở. Đừng lãng phí nó cho bất kỳ kiểu phụng sự ngu ngốc nào. Trách nhiệm đầu tiên và trước nhất của bạn là phát huy tối đa tiềm năng của mình, là trở nên hoàn toàn có ý thức, nhận thức, tỉnh thức; và trong chính ý thức đó, bạn sẽ có thể nhận ra những gì mình có thể chia sẻ, nhận ra cách giải quyết các vấn đề.
Khoảng 99% vấn đề của thế giới đều có thể được giải quyết. Có lẽ 1% vấn đề còn lại là không thể. Khi đó, bạn có thể chia sẻ với những người này bất cứ thứ gì mình có thể chia sẻ - nhưng trước hết, bạn phải có gì đó để chia sẻ.
Tôi bắt đầu nhận ra lòng tham ảnh hưởng nhiều tới cuộc đời mình như thế nào và những đau khổ mà nó mang lại. Ngài có thể giúp làm sáng tỏ hơn về thứ được gọi là lòng tham này không? Nó là gì, nó đến từ đâu và tôi có thể sử dụng những công cụ gì để vượt qua nó?
Chỉ cần hiểu được bản chất của lòng tham là đủ. Bạn không cần làm gì khác để thoát khỏi nó; chính sự hiểu biết về bản chất của lòng tham sẽ làm sáng tỏ đống lộn xộn này.
Bạn trọn vẹn khi đồng điệu với vũ trụ; nếu không đồng điệu với vũ trụ, bạn trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng. Và từ sự trống rỗng đó sẽ xuất hiện lòng tham - lòng tham là mong muốn lấp đầy chỗ trống bằng tiền bạc, nhà cửa, đồ đạc, bạn bè, người yêu, mọi thứ, bởi vì người ta không thể sống trong sự trống rỗng. Cuộc sống đó thật kinh hoàng, sống mà như đã chết. Nếu bạn trống rỗng và không có gì bên trong, bạn không thể sống được.
Chỉ có hai cách để bạn cảm thấy mình có nhiều thứ bên trong. Bạn có thể đồng điệu với vũ trụ - khi đó bạn được lấp đầy bởi sự trọn vẹn, với tất cả bông hoa và tất cả tinh tú. Chúng ở bên trong bạn hệt như cách chúng ở bên ngoài bạn. Đó là sự mãn nguyện thật sự. Nhưng nếu bạn không làm như vậy - và có hàng triệu người không làm như vậy - khi đó, cách đơn giản nhất là lấp đầy khoảng trống bên trong bằng đủ thứ rác rưởi.
Tôi từng sống chung nhà với một người đàn ông. Ông ấy giàu có, sở hữu một ngôi nhà đẹp, và bằng cách nào đó, ông ấy lại quan tâm đến các ý tưởng của tôi. Ông ấy lắng nghe một vài buổi diễn thuyết của tôi và mời tôi đến sống tại nhà của ông ấy: “Sao phải sống xa tận ngoại ô như vậy? Tôi có một ngôi nhà đẹp trong thành phố, nó rộng lắm; anh có thể sử dụng một nửa. Tôi sẽ không lấy tiền thuê nhà, tôi chỉ muốn anh hiện diện trong nhà của tôi”.
Lúc đó, tôi đang sống ở vùng núi ngoại ô, việc đi lại khó khăn, còn nhà của ông ấy thì rất gần trường. Ông ấy có một khu vườn xinh đẹp và ngôi nhà nằm ở khu dân cư tốt nhất thành phố, vì vậy, tôi đã nhận lời mời của ông ấy. Nhưng tôi đã không thể tin vào mắt mình khi bước vào ngôi nhà đó; ông ấy có quá nhiều đồ linh tinh chất đống nhiều đến nỗi không có chỗ nào để ở. Ngôi nhà rất lớn, nhưng đống đồ của ông ấy còn lớn hơn - và đó là một bộ sưu tập toàn những thứ vớ vẩn. Ông ấy mua bất cứ thứ gì nhìn thấy ngoài chợ. Tôi hỏi: “Ông định làm gì với những thứ này?”.
Ông ấy nói: “Ai mà biết được, một ngày nào đó biết đâu ta lại cần đến”.
“Nhưng chúng ta phải sống ở đâu trong ngôi nhà này?”, tôi hỏi tiếp. Có quá nhiều đồ nội thất thuộc đủ mọi thời kỳ… Khi người châu Âu rời khỏi Ấn Độ, họ phải bán hết đồ đạc của họ. Người đàn ông này không bao giờ thấy đủ; ông ấy mua mọi thứ, những thứ ông ấy không cần. Có một chiếc xe hơi chỉ nằm suốt trong ga-ra bởi vì nó đã cũ và hỏng hóc. Tôi hỏi: “Sao ông không vứt nó đi? Ít ra việc đó sẽ giúp dọn sạch không gian này…”.
Ông ấy đáp: “Nó trông đẹp khi được để trong ga-ra”. Cả bốn bánh xe đều xẹp lép, không còn sử dụng được. Mỗi khi muốn di chuyển chiếc xe từ nơi này sang nơi khác, bạn phải đẩy. Nó chỉ nằm mục ruỗng ở đó. Ông ấy lại nói: “Tôi mua được nó với một mức giá rất hời. Nó từng thuộc về một nữ y tá lớn tuổi”.
Tôi nói: “Nếu thích mua xe, ít ra ông nên mua một chiếc chạy được!”.
Ông ấy đáp: “Tôi không quan tâm đến việc lái xe hơi, chiếc xe đạp của tôi vẫn chạy tốt”. Chiếc xe đạp của ông ấy cũng là một thứ kỳ diệu. Bạn có thể biết ông ấy đang đến từ cách đó gần cả cây số, bởi vì chiếc xe đạp của ông ấy tạo ra rất nhiều tiếng ồn. Nó không có tấm chắn bùn, cũng không có tấm chắn xích; hẳn nó phải là chiếc xe đạp xưa nhất từng được sản xuất. Nó không có chuông. Ông ấy phân trần: “Không cần phải có chuông. Nó ồn ào đến mức những người ở cách nó vài trăm mét đã phải tránh đường. Và như vậy thật tốt, nó sẽ không bị mất trộm vì không ai có thể dùng nó được. Nó từng bị trộm hai lần, và tên trộm đã bị phát hiện ngay lập tức - bởi vì nó quá ồn và mọi người đều biết đó là xe của tôi. Tôi có thể dựng nó ở mọi nơi. Tôi đi xem phim và không cần gửi nó trong bãi xe, vì nếu gửi thì phải trả phí. Tôi có thể dựng nó ở bất kỳ nơi nào và nó luôn còn đó khi tôi quay lại. Mọi người đều biết đó là chiếc xe có quá nhiều vấn đề nên không ai muốn dây vào”. Ông ấy chốt hạ: “Nó là một chiếc xe đạp hiếm có”.
Ông ấy có đủ thứ đồ trong nhà… những chiếc radio hỏng, bởi vì ông ấy có thể mua chúng với giá rẻ. Ông ấy là một tín đồ Kỳ Na giáo và trong nhà ông ấy có một bức tượng Jesus trên thập giá bị vỡ. Tôi thắc mắc: “Ông mua bức tượng này để làm gì?”.
Ông ấy trả lời: “Tôi được tặng khi mua chiếc xe hơi - nó là quà tặng của người bán xe. Tôi không tin vào Chúa Jesus hay thập giá gì hết, nhưng tôi không thể từ chối một tác phẩm nghệ thuật”.
Tôi nói với ông ấy: “Nếu tôi ở trong ngôi nhà này, chỗ của tôi phải trống không”. Và ông ấy rất vui vẻ dọn mọi thứ đi. Ngôi nhà đã chật ních đồ đạc tới mức không còn lối đi, nhưng ông ấy vẫn chuyển hết đồ sang phía của mình. Ông ấy có quá nhiều đồ nội thất đến nỗi phải chất đống chúng trên ghế sofa, và không còn chỗ ngồi trên chiếc ghế đó. Tôi hỏi: “Tại sao ông phải làm vậy?”.
Ông ấy nói: “Anh không hiểu đâu - tôi mua được tất cả những thứ này với giá rất rẻ! Và một ngày nào đó, tôi có thể sẽ kết hôn, sẽ có con và các con của tôi có thể cần đến chúng. Đừng lo, mọi thứ sẽ có ích vào một lúc nào đó”.
Ngay cả khi đi trên đường, nếu nhìn thấy bất cứ thứ gì bị ai đó vứt bên vệ đường, ông ấy sẽ nhặt về. Một ngày nọ, khi đang cùng tôi đi bộ từ vườn về nhà, ông ấy nhìn thấy một chiếc ghi-đông xe đạp và nhặt lên. Tôi hỏi: “Ông sẽ làm gì với cái ghi-đông đó?”.
Ông ấy đáp: “Tôi sẽ cho anh thấy”. Tôi đi theo ông ấy, và ở trong phòng tắm, ông ấy có một chiếc xe đạp gần hoàn chỉnh - chỉ thiếu một vài phụ kiện. Ông ấy giải thích: “Tôi nhặt những món này trên đường và tôi sẽ ráp chúng lại với nhau. Giờ chỉ còn thiếu một vài phụ kiện nữa thôi. Còn thiếu dây xích và yên xe, nhưng tôi sẽ sớm tìm được thôi. Ai đó sẽ vứt những món này vào một ngày nào đó. Tôi còn cả đời, và chuyện này đâu có hại gì đâu? Chiếc xe trông hoàn toàn hợp với phòng tắm”.
Lòng tham chỉ đơn giản là bạn cảm thấy có một sự trống rỗng sâu hoắm và bạn muốn lấp đầy nó bằng mọi thứ có thể - bất kể những thứ đó là gì. Một khi hiểu được điều này, bạn không cần làm gì với lòng tham. Bạn phải làm gì đó để giao hòa với cái toàn thể để sự trống rỗng bên trong biến mất. Khi đó, toàn bộ lòng tham sẽ biến mất.
Điều đó không có nghĩa là bạn bắt đầu sống cảnh không có gì trong tay; nó chỉ có nghĩa là bạn không sống chỉ để thu thập mọi thứ. Nhưng khắp nơi trên thế giới này đều có những người điên, và họ đang thu nhặt mọi thứ. Ai đó đang thu thập tiền dù anh ta không bao giờ sử dụng đến. Chuyện này thật kỳ lạ - đồ vật phải được sử dụng; nếu bạn không cần dùng tới nó thì bạn cũng không cần có nó. Nhưng tình trạng này vẫn diễn ra theo mọi chiều hướng: người ta đang ăn; họ không thấy đói nhưng vẫn tiếp tục nuốt thức ăn. Họ biết làm vậy họ sẽ khổ, họ sẽ bệnh, họ sẽ bị thừa cân, nhưng họ không thể tự ngăn mình. Kiểu ăn uống này cũng là một quá trình lấp đầy. Vì vậy, có thể có nhiều cách để lấp đầy sự trống rỗng, mặc dù nó không bao giờ đầy - nó vẫn trống rỗng, và bạn vẫn đau khổ bởi bạn không bao giờ thấy đủ. Bạn sẽ cần có nhiều hơn, và cái “nhiều hơn” đó cùng với nhu cầu có được nhiều hơn sẽ kéo dài đến vô tận.
Tôi không xem lòng tham như một ham muốn - nó là một căn bệnh hiện sinh. Bạn không đồng điệu với cái toàn thể. Và chỉ khi đồng điệu với cái toàn thể, bạn mới khỏe mạnh được; sự đồng điệu này có thể khiến bạn trở nên thần thánh. Thật thú vị khi từ sức khỏe (health) và thần thánh (holy) trong tiếng Anh đều có cùng nguồn gốc với “sự trọn vẹn” (wholeness). Khi bạn hòa làm một với cái toàn thể, toàn bộ lòng tham biến mất. Nếu không thì các tôn giáo đã và đang làm gì? Họ hiểu lầm lòng tham là ham muốn, vậy nên họ cố kìm nén nó: “Đừng tham lam”. Vì vậy, người ta chuyển sang một thái cực khác, đó là từ bỏ. Người có lòng tham lam thì tích lũy, còn người muốn tiêu diệt lòng tham thì bắt đầu từ bỏ. Và chuyện này cũng không có hồi kết.
Mahavira, tổ sư của Kỳ Na giáo, không bao giờ công nhận Phật Thích Ca Mâu Ni là người giác ngộ, lý do đơn giản là vì Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn mang theo ba bộ quần áo - chỉ ba bộ quần áo, những thứ hoàn toàn cần thiết. Một bộ đang được ông ấy mặc trên người, một bộ cần giặt và một bộ cho tình huống khẩn cấp - chẳng hạn như một ngày nào đó, một bộ có thể bị mất trong lúc giặt giũ hoặc không kịp khô vì trời mưa cả ngày. Vì vậy, ba bộ quần áo có vẻ là con số tối thiểu - chỉ cần một tình huống bất ngờ xảy ra thôi là phải dùng đến bộ thứ ba. Mahavira rất mực phản đối sự tham lam, và ông ấy phản đối tới mức cực đoan - ông ấy sống trần truồng. Đức Phật mang theo một chiếc bình bát để khất thực. Mahavira không chấp nhận điều đó bởi vì ngay cả một chiếc bình bát khất thực cũng là của cải, và theo Mahavira, một người giác ngộ không nên sở hữu bất cứ thứ gì. Một chiếc bình bát khất thực… một chiếc bình bát được làm bằng gáo dừa. Bạn bổ đôi trái dừa, nạo hết cơm dừa ra và bạn có hai chiếc bát từ gáo dừa. Đó là thứ rẻ tiền nhất bởi vì đằng nào thì gáo dừa cũng bị vứt đi; bạn không thể ăn gáo dừa. Thật không đúng khi gọi việc có một chiếc bình bát khất thực như vậy là “sở hữu của cải”.
Nhưng khi bạn xem lòng tham giống như ham muốn và bạn khăng khăng chống lại nó, mọi thứ đều trở thành vật sở hữu. Mahavira sống trần truồng, và thay vì sử dụng bình bát khất thực, ông dùng hai bàn tay. Việc đó rất bất tiện. Lúc này, hai bàn tay của ông ấy chứa đầy thức ăn và ông ấy phải ăn giống như động vật vì không thể sử dụng đôi tay - ông ấy phải dùng miệng để trực tiếp lấy thức ăn được đựng trong lòng bàn tay.
Mọi người đều ngồi xuống ăn, nhưng Mahavira cho rằng khi ngồi, bạn sẽ ăn nhiều hơn. Vì vậy, ông ấy dạy các đồ đệ nên ăn trong tư thế đứng - đứng và đựng thức ăn trong lòng bàn tay. Và một bữa ăn sẽ bao gồm tất cả những thứ có thể được đựng vừa trên hai bàn tay trong một lần. Bạn phải ăn trong tư thế đứng và phải ăn mọi thứ cùng nhau - mặn, ngọt, tất cả đều trộn lẫn vào nhau. Ý tưởng của Mahavira là khiến cho thức ăn vô vị, bởi vì tận hưởng thức ăn là tận hưởng cơ thể, là tận hưởng thế giới vật chất.
Với tôi, lòng tham không phải là ham muốn. Vì vậy, bạn không cần phải làm gì với lòng tham. Bạn phải hiểu được sự trống rỗng mà mình đang tìm cách lấp đầy và tự hỏi “Tại sao mình trống rỗng? Toàn bộ sự hiện hữu thật tràn đầy, tại sao mình lại trống rỗng? Có lẽ, mình đã lạc lối - mình không còn di chuyển theo cùng một hướng, mình không còn tồn tại. Đó là nguyên nhân gây ra sự trống rỗng của mình”.
Vì vậy, hãy hiện hữu.
Hãy buông bỏ, và hãy đến gần hơn với sự hiện hữu trong bình yên và tĩnh lặng, trong thiền định. Và một ngày nào đó, bạn sẽ thấy mình đong đầy - tràn đầy, tuôn chảy - niềm vui, hạnh phúc, phước lành. Bạn đủ đầy đến mức có thể chia sẻ với cả thế giới mà vẫn không cạn. Khi đó, lần đầu tiên trong đời, bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ sự tham lam nào - đối với tiền bạc, thức ăn, mọi thứ, bất kỳ thứ gì. Bạn sẽ sống, không phải với một lòng tham không bao giờ có thể khỏa lấp, một vết thương không bao giờ có thể chữa lành. Bạn sẽ sống tự nhiên, và khi cần bất cứ điều gì, bạn sẽ tìm được nó.