HÃY VIẾT RA VÀ KIỂM TRA THÓI QUEN SỬ DỤNG TIỀN CỦA BẠN. NGHĨ XEM MỖI THÓI QUEN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN BẠN NHƯ THẾ NÀO TRONG TƯƠNG LAI. ĐỐI VỚI MỖI THÓI QUEN KHÔNG KHÔN NGOAN MÀ BẠN ĐÃ LIỆT KÊ, HÃY VIẾT RA MỘT THÓI QUEN HỢP LÝ ĐỂ THAY THẾ.
TÀI CHÍNH CÁ NHÂN LÀ GÌ?
Tài chính cá nhân được hiểu đơn giản là tất cả những gì liên quan đến tiền trong cuộc sống của bạn. Các hoạt động tài chính cá nhân chủ yếu tác động đến dòng tiền vào (thu nhập) và dòng tiền ra (chi tiêu).
Cũng giống như doanh nghiệp, các cá nhân hay gia đình (tập hợp của một số cá nhân) luôn có các hoạt động về tài chính. Xét về cơ bản, các hoạt động này xoay quanh 3 vấn đề chính yếu nhất, đó là:
- TẠO RA THU NHẬP
- CHI TIÊU ĐỂ TÁI TẠO THU NHẬP, TÍCH LŨY TỪ PHẦN THU NHẬP THẶNG DƯ
- BẢO VỆ TÀI SẢN ĐƯỢC TẠO RA TỪ QUÁ TRÌNH TÍCH LŨY THU NHẬP THEO THỜI GIAN
Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp có cả một hệ thống sổ sách kế toán, phần mềm quản lý và nhân viên có chuyên môn bài bản để quản lý tiền bạc của tổ chức thì các cá nhân hoặc gia đình nhỏ lại không có nền tảng ban đầu để kiểm soát tài chính cho hợp lý. Dù cho quy mô tài sản của gia đình thường nhỏ hơn và tính chất công việc quản lý tài chính trong gia đình ít phức tạp hơn so với doanh nghiệp thì cũng không thể vì thế mà có thể xem nhẹ việc này.
Nếu gõ các từ khóa như là “Xây dựng tài chính cá nhân” hay “Phương pháp quản lý tài chính cá nhân” trên Internet, chúng ta có thể nhanh chóng tìm thấy một loạt bài viết về các bí quyết để cải thiện tài chính cá nhân như: hãy tiết kiệm, hãy cắt giảm chi tiêu, hãy đầu tư sớm và nhiều nhất có thể, hãy trả bớt nợ và hạn chế nợ nần,…
NHỮNG BÍ QUYẾT NÀY CÓ THỂ ĐÚNG NHƯNG LỜI KHUYÊN CHUNG CHUNG NHƯ THẾ THÌ SẼ RẤT KHÓ ĐỂ ÁP DỤNG VÀO CÂU CHUYỆN RIÊNG BIỆT CỦA MỖI NGƯỜI VÌ CHÚNG TA KHÔNG BIẾT NÊN BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO.
Nhiều người ban đầu nhiệt tình soạn ngay một loạt các kế hoạch về tài chính cho bản thân nhưng rồi để chúng chìm dần vào quên lãng vì không có kỷ luật để duy trì việc đánh giá biến chuyển và điều chỉnh kế hoạch liên tục cho phù hợp với thực tế. Ta không thể đưa ra các hành động cụ thể nếu không biết tình trạng tài chính hiện thời của mình như thế nào:
1. Thu nhập hằng tháng của mình bao nhiêu và từ những nguồn nào? Tổng cộng các khoản đầu tư hiện đang nắm giữ là bao nhiêu, đang lãi hay lỗ?
2. Số tiền đã chi tiêu hằng tháng ra sao, so với thu nhập là nhiều hay ít?
3. Đã có các khoản dự phòng hay đã mua bảo hiểm để có tiền hỗ trợ trong các tình huống ốm đau, tai nạn hay chưa?
Do đó, trước khi bắt đầu có những kế hoạch tài chính cho riêng mình, bạn cần phải nắm vững một số nguyên tắc căn bản để thiết lập hệ thống ghi chép, thống kê các hoạt động tài chính của bản thân nhằm phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định. Nó không cần quá chi tiết và phức tạp như sổ sách kế toán của doanh nghiệp nhưng cần sự chính xác, rõ ràng và quan trọng là chúng ta cần liên tục thực hiện việc này, không nhất thiết phải là hằng ngày mà cần phải định kỳ hằng tháng, hằng quý hay ít nhất mỗi nửa năm một lần.
Trong các chương sắp tới, chúng ta sẽ cùng Tuấn và Mai tìm hiểu về Tài chính cá nhân – Tín dụng tiêu dùng: cách sử dụng hiệu quả tối đa số tiền mình kiếm được để tránh tình trạng căng thẳng tài chính và nhận được nhiều hơn những gì ta muốn; cách đưa ra các quyết định vay, cách tổ chức và quản lý các hạng mục tài chính như tạo thu nhập, lên ngân sách trả nợ vay, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo vệ các nguồn tiền theo thời gian và các sự kiện trong tương lai.
QUÁ TRÌNH NÀY CHÍNH LÀ HOẠT ĐỘNG
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN.
KẾ HOẠCH QUẢN LÝ TIỀN
Nếu bạn tổ chức một chuyến đi chơi với gia đình, liệu bạn có tính toán và chuẩn bị tất cả vào phút cuối không? Dĩ nhiên là không! Đầu tiên, bạn phải nhận được sự đồng ý từ các thành viên trong gia đình. Sau đó, bạn cần quyết định sẽ đi đâu, trong thời gian bao lâu, cần xin nghỉ phép ở chỗ làm bao nhiêu ngày, và tổng chi phí trong khoảng bao nhiêu. Bạn cũng sẽ phải xác định những nơi bạn sẽ đi, theo tour hay tự túc, đi bằng phương tiện nào và nếu có đông người thì cần phải đảm bảo an toàn như thế nào. Nói cách khác, bạn sẽ quyết định mục tiêu – một chuyến đi tuyệt vời – và đi từng bước ngược lại để tìm ra mọi thứ bạn cần làm để biến chuyến đi tuyệt vời ấy thành hiện thực.
Bạn nên làm điều tương tự với tiền bạc của mình. Nhiều người mua sắm, ăn uống và rồi vào lúc phải thanh toán các hóa đơn lại xanh mặt vì phát hiện không đủ tiền, hay những lần tự hỏi vì sao không bao giờ có tiền cho những thứ họ thực sự muốn.
"NẾU ĐẶT MỤC TIÊU RÕ RÀNG, LẬP KẾ HOẠCH ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC CHÚNG VÀ TRUNG THÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHƯ KHI THEO DÕI IDOL CỦA MÌNH, HỌ SẼ BỚT CĂNG THẲNG VÀ HẠNH PHÚC HƠN NHIỀU."
Trong phần giới thiệu về Tuấn và Mai, chúng ta đã nắm được cơ bản về tình hình tài chính và mục tiêu ngắn hạn của hai nhân vật. Vậy họ cần làm gì để hiện thực hóa các nguyện vọng của mình? Liệu Tuấn sẽ cứ ra cửa hàng xe máy để chọn một chiếc xe máy ưng ý nhưng vượt quá khả năng chi trả, còn Mai sẽ lấy hết tiền tiêu vặt, ăn uống, học tập trong 3 tháng tới của mình để dành tiền mua ngay một chiếc laptop? Để đạt được các mục tiêu đó mà không tạo ra những áp lực tài chính tiêu cực, Tuấn và Mai cần có một kế hoạch tài chính cụ thể. Kế hoạch tài chính là kim chỉ nam giúp chúng ta có thể tự tin đưa ra quyết định tài chính cũng như kế hoạch hành động đúng đắn.
Trong quá trình lập kế hoạch tài chính cá nhân nói riêng, bước quan trọng đầu tiên là tìm ra được mục tiêu của bản thân, tìm ra điều gì bạn thực sự khao khát. Quyển sách sẽ hướng dẫn bạn cách xác định mục tiêu và lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Nhưng trước hết, bạn cần biết tình hình sức khỏe tài chính của mình.
“KHÁM SỨC KHỎE” TÀI CHÍNH CỦA BẠN
Để biết được hầu bao của mình đang khỏe mạnh như thế nào, bạn phải nắm được dòng tiền vào (thu nhập) và dòng tiền ra (chi tiêu). Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng đánh giá thu nhập của mình.
CÁC NGUỒN THU NHẬP
Hãy coi số tiền bạn thu về được, hay còn gọi là Thu nhập, như một bên của cán cân. Thu nhập bao gồm bất kỳ khoản nào sau đây:
Tiền lương, tiền công
Phụ cấp từ công việc (ngoài lương cơ bản)
Tiền ngoài giờ, tiền thưởng
Tiền được cho tặng: thẻ quà tặng, voucher mua sắm hoặc tiền mặt cho ngày sinh nhật của bạn, .v.v.
An sinh xã hội, trợ cấp khuyết tật hoặc thất nghiệp.
Học bổng
Tiền bồi thường
Tiền thu được từ hoạt động thanh lý đồ đạc Tiền lãi kiếm được từ tài khoản tiết kiệm Tiền trả cho các công việc làm thêm, công việc tay trái,...
Các khoản thu nhập từ đầu tư, kinh doanh
Như đã liệt kê phía trên, thu nhập của chúng ta có thể đến từ nhiều nguồn và nhiều hình thức khác nhau. Nhưng trừ các nguồn tiền không liên quan đến năng lực cá nhân và cũng là những khoản thu nhập không thường xuyên (ví dụ như trúng thưởng, thừa kế), về cơ bản, chúng ta sẽ có hai cách để tạo ra thu nhập. Hai cách này dựa theo mô hình Cashflow Quadrant (Kim Tứ Đồ) của tỷ phú người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaky.
THU NHẬP CHỦ ĐỘNG
Chúng ta dùng trực tiếp nguồn lực của bản thân (kiến thức, kỹ năng, thời gian và sức khỏe) để kiếm tiền thông qua việc đóng góp và tạo nên một giá trị nhất định cho người khác (chủ của công ty mà chúng ta đi làm thuê) hoặc cho chính mình (tự kinh doanh riêng và doanh thu của công việc này gắn liền với sự có mặt và làm việc của bạn, như mở quán cơm tự nấu, tự mua đồ về và bán hàng trên các kênh online,…)
THU NHẬP BỊ ĐỘNG
Nói đơn giản là chúng ta không trực tiếp đánh đổi sức lao động và thời gian mà vẫn tạo ra thu nhập cho bản thân. Có hai loại hình tạo thu nhập bị động.
Để hệ thống làm việc cho mình (mở công ty riêng, có người điều hành và quản lý thay): Không cần sự có mặt và tham gia của bản thân nhưng hệ thống vẫn hoạt động và tạo ra lợi nhuận.
Tiền tạo ra tiền: Hay còn gọi là đầu tư, hình thức này có thể là gửi tiền tiết kiệm theo kỳ hạn ở ngân hàng (phần lãi là thu nhập tăng thêm bên cạnh số tiền gốc ban đầu. Vì nếu chúng ta để tiền ở ống heo trong nhà hoặc để yên trong tài khoản ngân hàng của mình thì không bao giờ có thêm phần thặng dư này), mua bất động sản (nhà đất), mua cổ phiếu,…
THU NHẬP CHỦ ĐỘNG Đánh đổi thời gian, kiến thức để lấy tiền. Hết làm là hết “ăn” |
THU NHẬP BỊ ĐỘNG Sử dụng thời gian làm việc, kiến thức của người khác hoặc TIỀN để kiếm tiền cho bản thân Bản thân không làm việc thì TIỀN và hệ thống vẫn làm ra thu nhập TỰ DO TÀI CHÍNH |
Đi làm thêm |
Đầu tư vốn vào công ty, có đội ngũ làm việc cho bạn |
Tự kinh doanh riêng (làm một mình) |
Tiền tự làm việc |
XÁC ĐỊNH CÁC KHOẢN THU NHẬP
Nếu bạn không có việc làm, thu nhập của bạn có thể không ổn định ở thời điểm hiện tại. Ngay cả khi bạn đang có một công việc cố định, tiền lương của bạn có thể thay đổi nếu số giờ làm việc của bạn thay đổi. Điều đó làm cho việc dự đoán thu nhập của bạn khó hơn, nhưng không phải là không thể dự đoán được.
Thu nhập của Mai và Tuấn trong năm qua được liệt kê trong bảng sau.
* Tính theo thu nhập ròng (tức là thu nhập sau khi trừ thuế và các khoản khấu trừ bắt buộc khác)
** Bao gồm thưởng và phụ cấp. Không tính tiền được cho / tặng– được nhận một hoặc hai lần mỗi năm
Như bạn có thể thấy, Tuấn có mức thu nhập thường xuyên (bao gồm lương và thưởng) là 20,000,000 VND/tháng và có phần phụ cấp thêm khoảng 5,000,000 VND/tháng (1,200,000 VND/tuần). Mai có thu nhập khoảng 7,000,000 VND/tháng từ những công việc thời vụ của mình và khoảng 6,000,000 VND/năm cho các khoản được cho/ tặng.
"CŨNG NHƯ MÁU BƠM NĂNG LƯỢNG CHO CƠ THỂ HOẠT ĐỘNG, DÒNG TIỀN VÀO LÀ NỀN TẢNG ĐÁNH GIÁ SỨC KHỎE TÀI CHÍNH CỦA CHÚNG TA."
Tương tự Tuấn và Mai, bạn hãy điền vào bảng liệt kê dưới đây để kiểm tra sức khỏe dòng tiền của bạn nào!
NGUYÊN TẮC TẠO THU NHẬP
1. BẮT ĐẦU SỚM: Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu kiếm tiền
Nhưng bạn cần biết cân bằng giữa việc kiếm tiền và các mục tiêu cũng như niềm vui khác trong cuộc sống. Tuấn và Mai đã có những trải nghiệm về kiếm tiền và chi tiêu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc bắt đầu sớm giúp cho hai bạn có những trải nghiệm xã hội cần thiết và quý trọng hơn giá trị của đồng tiền. Tuy nhiên, Tuấn và Mai vẫn chưa có mục tiêu tài chính cụ thể nên chủ yếu việc kiếm tiền nhằm phục vụ cho nhu cầu chi tiêu và mua sắm cá nhân.
2. ĐA DẠNG HÓA: Có nhiều hơn một nguồn thu nhập
CHỈ CÓ MỘT NGUỒN THU NHẬP THÔI THÌ SẼ KHÔNG ĐỦ BẢO ĐẢM CHO CUỘC SỐNG KINH TẾ CỦA BẠN.
Hãy cứ nhìn vào thực trạng giá cả leo thang, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, kinh tế biến động, nhu cầu sống tăng cao,… Tuấn và Mai có nguồn thu nhập tương đối phù hợp với nhu cầu của cá nhân trong hiện tại, nhưng hai bạn đều xác định phải tạo thêm những nguồn thu nhập khác để không lệ thuộc vào lương cố định. Nguồn thu nhập thêm đó có thể là khoản thưởng nếu đạt doanh số, hoặc thu nhập từ việc làm thêm một công việc không đòi hỏi nhiều thời gian vào cuối tuần.
3. ƯU TIÊN các nguồn thu nhập có tăng trưởng bền vững
Dù Tuấn và Mai chọn làm thêm để có nhiều hơn một nguồn thu nhập, cả hai vẫn xác định rằng mục tiêu đi làm thêm là để giúp hai bạn giỏi chuyên môn hơn. Các công việc phụ vẫn có sự liên quan đến công việc chính, để Tuấn và Mai có thể tận dụng năng lực, kinh nghiệm và mối quan hệ của mình. Việc trở thành chuyên gia giúp hai bạn tự tin tạo ra thu nhập có sự tăng trưởng bền vững.
4.TĂNG TRƯỞNG tối thiểu 20% thu nhập mỗi năm
Việc đa dạng hóa thu nhập giúp số lượng nguồn thu nhập của Tuấn và Mai tăng lên, nhưng hai bạn cũng xác định rằng đó là nguồn thu nhập tăng trưởng. Bên cạnh làm thêm để giỏi chuyên môn hơn, Tuấn và Mai xác định phải có bước tiến trong thu nhập. Con số tối thiểu 20% một năm sẽ tạo động lực giúp hai bạn không làm nhiều việc hơn mà làm việc hiệu quả hơn. Từ đó được công ty sẽ trả lương hậu hĩnh hơn.
5. TẠO RA GIÁ TRỊ: Thu nhập sẽ tăng khi bạn tạo ra giá trị đích thực
Một yếu tố giúp Tuấn có một vị trí cao trong công ty từ rất sớm chính là nhờ anh không ngừng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Giá trị anh tạo ra cho doanh nghiệp luôn cao hơn nhiều lần giá trị doanh nghiệp chi trả cho Tuấn. Để giữ chân một nhân viên xuất sắc như Tuấn, công ty liên tục đánh giá hiệu suất và tăng thu nhập cho Tuấn dựa trên những giá trị thực tế mà anh đã mang lại cho công ty. Chăm chỉ, vững tin và luôn nâng cao giá trị bản thân là điều kiện tiên quyết để đạt mục tiêu tăng trưởng thu nhập.
6. KIÊN TRÌ: Bạn sẽ không thể trở thành tỷ phú sau một đêm. Hãy kiên trì, bền bỉ và lao động nghiêm túc
Tuấn không có được mức thu nhập 25 triệu đồng ngay khi anh vừa ra trường. Mức lương xuất phát điểm của Tuấn chỉ ngang mức tối thiểu vùng. Công việc của một Trưởng phòng Kinh doanh công ty bất động sản như Tuấn vốn áp lực cao. Để đạt được mức lương này, anh đã cố gắng không ngừng nghỉ trong suốt bốn năm, có nhiều giai đoạn khó khăn nhưng anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc.
CHI TIÊU
"THU NHẬP VÀ CHI TIÊU LUÔN ĐI SONG HÀNH CÙNG NHAU, VÀ SỐ TIỀN THU NHẬP SAU KHI TRỪ ĐI CHI TIÊU CHÍNH LÀ KHOẢN TÍCH LŨY CỦA BẠN."
Hãy cùng tìm hiểu dòng tiền ra – những hoạt động có dính dáng đến tiền trong cuộc sống hằng ngày của bạn.
Tương tự như thu nhập, chúng ta cũng cần lập bảng chi tiêu để đánh giá xem lượng tiền vào có đủ (hay còn gọi là “cân đối”) cho các khoản tiền phải chi ra hay không.
Hãy cố gắng nhớ lại và viết ra một cách chi tiết nhất những gì bạn đã chi cho tháng trước, sau đó chia các khoản chi phí của bạn thành các danh mục. Tiếp theo, tính toán phần trăm tổng chi tiêu của bạn được sử dụng cho mỗi danh mục là bao nhiêu.
Ví dụ, Tuấn và Mai ước tính tỷ lệ các danh mục chi tiêu của mình như sau:
DANH MỤC CHI TIÊU CỦA TUẤN
DANH MỤC CHI TIÊU CỦA MAI
PHÂN LOẠI CHI PHÍ
Chi phí có thể chia làm 3 loại chính như sau:
1. Chi phí cố định: Là mức tiền phải chi ra như nhau trong mọi thời điểm – thường là những khoản thanh toán hằng tháng, ví dụ như tiền thuê nhà. Đây là những chi phí có thể lên kế hoạch dễ dàng bởi vì bạn biết cần chính xác phải chi trả bao nhiêu và vào thời điểm nào. Nhược điểm là số tiền này thường do người khác quy định cố định, vì vậy bạn không thể điều chỉnh thanh toán (hoãn, chi ít lại,…) nếu thiếu tiền.
2. Chi phí biến đổi: Là những chi phí thông thường mà số tiền chi tiêu mỗi lần là khác nhau, chẳng hạn như trả tiền mua hàng tạp hóa hoặc đi ăn uống bên ngoài. Bạn có quyền kiểm soát mức độ chi tiêu cho khoản này. Ví dụ, bạn có thể thay đổi tần suất ăn ngoài và đi những đâu. Vì vậy, nếu bạn thực sự eo hẹp về tiền bạc, bạn chỉ có thể ngừng ăn ngoài và tiết kiệm chi phí đó bằng cách tự nấu ăn.
Một nhược điểm thường hay xảy ra là bạn có thể tiêu xài cho mục chi phí biến đổi quá nhiều và thâm hụt sang ngân sách chi phí cố định. Bằng cách sử dụng nhật ký chi tiêu, bạn có thể ước tính số tiền trong kế hoạch chi tiêu của mình.
3. Chi phí không thường xuyên: Là các chi phí phát sinh một vài lần trong một năm, thường ít hơn một lần một tháng. Ví dụ như học phí hay chi phí du lịch. Tin tốt là bạn không phải đối phó với nó hằng tháng. Tin xấu là khi chi tiền cho những hạng mục này, nó hoàn toàn có thể thổi bay ngân sách của bạn.
Sau khi tìm hiểu cách phân loại chi phí, Tuấn và Mai đã liệt kê các khoản chi tiêu điển hình hằng tháng từ nhật ký chi tiêu của họ trong bảng sau:
SO SÁNH CÁC CHI PHÍ TIÊU BIỂU VỚI KHOẢN THU NHẬP ƯỚC TÍNH CỦA HỌ. HỌ ĐANG CHI TIÊU NHƯ THẾ NÀO? LIỆU HỌ CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU TIẾT KIỆM VÀ CHI TRẢ CÁC KHOẢN CHI TIÊU HẰNG THÁNG CỦA MÌNH KHÔNG?
THÓI QUEN CHI TIÊU
Bạn có các thói quen chi tiêu nào? Liệt kê các thói quen chi tiền của bạn. Đánh dấu chúng là hợp lý (+), không hợp lý (-) hoặc trung tính bình tính (N). Chúng ta sẽ quay lại để hoàn thành cột bên phải trong bảng này sau.
Hiện tại, thói quen chi tiêu có thể không phải là vấn đề quan trọng đối với bạn. Nhưng thói quen chi tiêu sẽ đi theo bạn suốt cả cuộc đời, và đó là một trong những nhân tố cốt lõi ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bạn. Những thói quen tốt giúp bạn kiểm soát bản thân để đạt được mục tiêu. Còn những thói quen xấu có thể dẫn bạn đến tình trạng tài chính không mong muốn. Càng tiến gần đến việc tự lập, bạn càng cần phải kiểm soát hành vi dùng tiền của bản thân.
VÌ LÝ DO ĐÓ, THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT ĐỂ BẮT ĐẦU THỰC HIỆN NHỮNG THÓI QUEN SỬ DỤNG TIỀN KHÔN NGOAN CHÍNH LÀ NGAY BÂY GIỜ.
Bằng cách đó, bạn sẽ dễ dàng có được những thứ mình thực sự muốn ngay hôm nay!
Để bắt đầu quá trình quản lý tiền bạc có kế hoạch, Tuấn và Mai lập một danh sách những gì họ coi là thói quen chi tiêu tốt và xấu của riêng mình như sau:
CÓ THÓI QUEN NÀO CỦA HỌ LÀM BẠN CẢM THẤY QUEN THUỘC KHÔNG?
Những thói quen không khôn ngoan tác động ngắn hạn lẫn dài hạn tới cuộc sống của chúng ta. Giả sử bạn là Tuấn và bạn chi 30,000 VND cho một ly cà phê mỗi sáng khi đi làm. Giả sử bạn không uống cà phê vào cuối tuần thì mỗi tuần bạn chi 150,000 VND cho thức uống này. Không quá kinh khủng, đúng không? Nhưng nếu cộng lại trong một tháng, số tiền sẽ là bao nhiêu? Trong một năm, số tiền sẽ là bao nhiêu? Số tiền đó cho thấy điều gì? Với số tiền đó bạn có thể mua được điện thoại mới hoặc thậm chí một chiếc laptop!
Không phải cứ tiêu tiền vào cà phê hay đồ ăn nhanh là không tốt. Có sở thích là điều bình thường. Câu hỏi đặt ra là, bạn có thể tận hưởng phần chi tiêu nhất định đó ít thường xuyên hơn để đủ tiền mua nhiều thứ khác mà bạn thích trong cuộc sống không?
HÃY VIẾT RA VÀ KIỂM TRA THÓI QUEN SỬ DỤNG TIỀN CỦA BẠN. NGHĨ XEM MỖI THÓI QUEN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN BẠN NHƯ THẾ NÀO TRONG TƯƠNG LAI. ĐỐI VỚI MỖI THÓI QUEN KHÔNG KHÔN NGOAN MÀ BẠN ĐÃ LIỆT KÊ, HÃY VIẾT RA MỘT THÓI QUEN HỢP LÝ ĐỂ THAY THẾ.
CHI TIÊU THIẾU KIỂM SOÁT
HƯỚNG DẪN LẬP BẢNG LIỆT KÊ CÁC KHOẢN CHI TIÊU HẰNG THÁNG/ HẰNG NĂM
Hoạt động Lập bảng liệt kê các chi tiêu của bạn.
Gợi ý:
3 Mua sắm cá nhân theo nhu cầu cơ bản: bao gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, nước hoa, phụ kiện cơ bản,... Phần chi phí này chỉ nên tương đương từ 2 - 3% tổng thu nhập thực lãnh của bạn trong một tháng.
4 Linh tinh trong mục Tiêu vặt: ví dụ tiền mua sắm ngoài nhu cầu.
5 Ăn uống ngoài khoản Chi phí cho ăn uống cố định hằng tháng.
6 Khác trong mục Tiêu vặt: ví dụ chi phí làm tóc, spa,…
7 Gồm các bữa ăn với chi phí cao hơn từ 50% trở lên so với bữa ăn tiêu chuẩn thường ngày của bạn (theo tiêu chuẩn thu nhập).
8 Phần giá trị vượt trội so với nhu cầu cơ bản.
BẢNG CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Đã bao giờ bạn mở ví tiền của mình để thanh toán cho một thứ gì đó và nhận ra đây là những đồng cuối cùng của mình? Trong khi tay bạn loay hoay cố gắng tìm ra một cách khác để thanh toán, bộ não của bạn có lẽ cũng chạy đua để giải đáp câu hỏi: “Số tiền còn lại biến mất đâu rồi?”. Tin tốt là bạn sẽ rất dễ bắt được “tên trộm” này. Chỉ cần nhìn vào gương! Và từ đó tự nhắc nhở bản thân rằng các khoản chi phí dù nhỏ nhưng khi cộng dồn lên sẽ nhiều như thế nào.
"TẤT NHIÊN, CÁCH DUY NHẤT ĐỂ CHẮC CHẮN TIỀN CỦA BẠN ĐÃ ĐI VỀ ĐÂU LÀ THEO DÕI LỊCH SỬ CHI TIÊU CỦA BẠN."
Vì vậy, hãy bắt đầu ghi chép nhật ký chi tiêu. Trong đó, bạn sẽ ghi lại tổng số tiền bạn thu vào và số tiền bạn chi tiêu mỗi ngày. Khi bạn xem lại nhật ký chi tiêu, chắc chắn bạn sẽ phát hiện nhiều điều đáng ngạc nhiên đấy!
TÀI SẢN
Hoạt động Lập bảng kiểm kê tài sản
9 Các tài sản tài chính là những tài sản có tính thanh khoản và chỉ nằm trên giấy tờ như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu và chứng khoán.(Theo FSB)
NỢ
Hoạt động Lập bảng tổng hợp các khoản nợ của bạn
Bạn có sử dụng thẻ tín dụng? ☐ Có /☐ Không
Bạn có thanh toán đầy đủ dư nợ đến hạn của thẻ tín dụng? ☐ Có /☐ Không
Bạn có từng để xảy ra tình trạng nợ quá hạn? ☐ Có /☐ Không
TÀI SẢN RÒNG
Mục đích của việc lập Bảng cân đối tài sản cá nhân là để thấy được toàn cảnh bức tranh về tình hình tài sản cá nhân một cách rõ ràng và chính xác nhất. Con số tài sản ròng ở đây chính là số tiền chênh lệch giữa Tài sản và Nợ. Nói một cách dễ hiểu, giá trị ròng là sự khác biệt giữa những gì bạn sở hữu và những gì bạn nợ. Nếu tài sản của bạn vượt quá nợ phả trả, bạn có giá trị ròng dương. Ngược lại, nếu nợ phải trả của bạn lớn hơn tài sản của bạn, bạn có giá trị ròng âm.
Lưu ý rằng giá trị tài sản ròng của bạn sẽ dao động (dù không phải hằng ngày) và xu hướng tổng thể phải tăng lên về dài hạn. Tính toán giá trị ròng có thể mang đến một lời cảnh tỉnh nếu bạn hoàn toàn đi chệch hướng hoặc lời xác nhận “công việc hoàn thành tốt” nếu bạn đang làm tốt.
Khi biết mình đang đứng ở đâu về mặt tài chính, bạn sẽ quan tâm hơn đến chi tiêu của mình, chuẩn bị tốt hơn để đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn và có nhiều khả năng đạt được các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn.