Bằng việc thay đổi cách ăn uống, thế giới sẽ thay đổi.
Có lúc tôi nghĩ rằng, “nghiêm túc” chẳng phải chính là “quản lý” hay sao?
Thiền sư gọi tọa thiền nghiêm túc là “Chỉ quản đả tọa”. “Chỉ là ngồi và nghiêm túc quản lý bản thân,” nếu bạn thử thay đổi cách đọc như vậy thì sẽ rất thú vị đúng không? Đó chỉ là cách tưởng tượng của riêng tôi thôi nhưng hãy “quản lý cách suy nghĩ,” nếu có thể sắp xếp được sự “quản lý bản thân” trong việc dùng bữa, tất cả mọi người sẽ trở nên khỏe mạnh, cùng sống vui vẻ và hòa thuận bên nhau.
Nhà sinh vật học nổi tiếng của thế kỷ XX, bà Shigeo Miki đã nghiên cứu về quá trình lặp đi lặp lại của trứng được thụ tinh và phương thức phân chia tế bào của con người. Theo nghiên cứu của bà, trứng sau khi gặp tinh trùng, thứ đầu tiên hình thành là phôi, sau đó là “ống thần kinh” và “nội tạng” (trong tiếng Nhật, từ “ống thần kinh” và “quản” trong “quản lý” là cùng một chữ Hán).
Những bộ phận như chân, tay, mắt, não bộ mà chúng ta vẫn thường nghĩ là quan trọng cho hoạt động của con người lại hình thành sau. Khi biết được điều đó, tôi đã cảm thấy rất thú vị.
Nội tạng tuyệt đối có sức ảnh hưởng tới sức khỏe. Sự thật là, dù năng lực trong công việc hay vị trí trong xã hội là gì đi nữa, nếu nội tạng có vấn đề, có thể người bệnh sẽ chết. Việc này, cho dù có cách sống như thế nào đi nữa, thì tất cả mọi người đều giống nhau, không có ngoại lệ. Sắp xếp và chuẩn bị việc dùng bữa, sắp xếp việc quản lý bản thân, sắp xếp và khởi động cơ thể, chắc chắn các vị sư thầy tại thiền viện biết được rằng đó là phương pháp sống hiệu quả nhất.
Nếu thử ngắm nhìn thế giới từ quan điểm của quản lý, chắc chắn bạn sẽ có thể quyết định rõ ràng việc bản thân nên làm là gì. Trước khi biết đến nghi thức dùng bữa tại thiền viện Eihei, tôi đã nghĩ rằng bản thân có thể kiểm soát toàn bộ cơ thể. Thế nhưng, khi có thể dùng cái tâm tĩnh lặng hướng đến việc dùng bữa, suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Trái tim, huyết quản, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn… trên thực tế là những bộ phận này hoạt động mà không cần đến ý chí của con người, chúng chăm chỉ tiếp nhận và gửi đi những thứ mà chúng nhận được.
Những hành động và suy nghĩ mà bản thân tôi vẫn tin tưởng cho đến trước khi biết đến nghi thức dùng bữa, nếu đem so sánh với những hành động để duy trì sinh mệnh của cơ thể được thực hiện trong vô thức, quả thực chỉ là những việc vô cùng nhỏ nhặt, giống như là tôi chưa từng làm gì cả. Khi con người có chuyện gì lo lắng thì lông mày sẽ nhăn tít, trán đanh lại, co vai, cố gắng dồn sức vào lưng. Chống cự lại cách suy nghĩ của bản thân làm trì trệ hô hấp và lưu thông máu.
Lý do khiến tôi – người vốn dở tệ trong việc thực hiện những quy tắc hay nghi thức – trở nên yêu thích nghi thức dùng bữa của phái Thiền chính là do sự đơn giản trong việc sắp xếp quản lý bản thân. Đừng làm trì trệ dòng nước đang chảy, giặt rửa dựa theo quy tắc của trọng lực, đó chắc chắn là cách làm vô cùng giản đơn và hợp lý. Tôi chưa từng nghe thấy câu chuyện nào như là vì màu sắc của ruột khác nhau nên bị phân biệt đối xử cả. Sự khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc, tư tưởng cũng chẳng liên quan gì đến cách quản lý bản thân. Tất cả mọi người đều giống nhau.
Nhờ nghi thức dùng bữa, tôi có thể trải nghiệm cảm giác bản thân cũng là một ống thần kinh giống như chú hải sâm. Tôi đã cảm nhận được rằng, sự khác biệt về năng lực giữa từng cá nhân cũng giống như sự khác biệt giữa trùng roi hay địa tiền (một loại rêu).
Cho đến trước khi biết tới nghi thức dùng bữa, cho dù có phạm phải lỗi gì, dù cố gắng thế nào đi nữa, tôi cũng không thể nhận lỗi. Thế nhưng, tại thời điểm này, tôi có thể vừa tiếp nhận lỗi lầm và xin lỗi một cách chân thành. Lý do là bởi vì tôi đã có thể nghĩ rằng chẳng cần phải lo sợ trước sự chênh lệch về năng lực được biểu hiện ra bên ngoài. “Việc không thể làm được là không thể làm được, không thực hiện được việc đó không có nghĩa là phủ định hoàn toàn giá trị tồn tại của bản thân”.
Tất cả những ống thần kinh tồn tại trong cơ thể tôi đã không bị đình trệ như trước, chúng trở nên mềm dẻo và trơn tru, hoạt động rất hiệu quả. Bằng việc thay đổi cách dùng bữa và tư thế, cả thế giới sẽ thay đổi. Việc thay đổi đó chắc chắn sẽ xảy ra.
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác bản thân đã tin tưởng vô cùng mạnh mẽ như vậy.
Khi có thể sắp xếp và quản lý bản thân, cả thân thể và trái tim cũng trở nên khỏe mạnh. Làm được như vậy, hành động thông thường sẽ thay đổi, trong tâm hồn cũng sẽ xuất hiện những biến hóa tích cực. Khi có thể thực hiện việc đó thật nghiêm túc và triệt để, chắc chắn bạn sẽ không đi nhầm đường, rẽ nhầm phương. Những người có thể sắp xếp và quản lý bản thân tới mức như vậy, chắc chắn trái tim và tâm hồn họ sẽ luôn trong trạng thái tích cực, vượt qua mọi logic thông thường. Dù cho không có tiền, cũng chẳng có danh tiếng, xung quanh những người như vậy tự nhiên sẽ có người đồng hành tới bên, vận may dồn dập tới. Thực tế, trong thiền viện đã từng có rất nhiều tăng lữ như vậy.
Tất cả những thông tin về phái Thiền có lẽ sẽ chẳng thể tồn tại ở Nhật Bản nếu như thời xa xưa thiền sư Dogen không quản ngại khổ cực, vượt khó khăn tới tận Trung Hoa. Tuy nhiên, hiện nay chính là thời đại mà khi một phát ngôn được đưa ra, nó sẽ có thể truyền đi khắp thế giới chỉ trong khoảnh khắc. Chính vì thế, tôi sẽ không giải thích, không thuyết phục bằng lời nói. Bằng hành động của mình, tôi vẫn sẽ tiếp tục truyền đạt nghi thức tới mọi người xung quanh. Nếu như từ việc làm đó, con người có thể cùng gắn kết với nhau từ tận sâu trong trái tim, tôi tin tưởng nhất định một ngày nào đó, tất cả mọi người trên thế giới sẽ cùng sở hữu cách sống không sai lệch với gốc rễ của loài người và chúng ta có thể thực hiện cách sống đúng đắn đó như một lẽ đương nhiên.
Mọi hành động thông thường mà ai cũng sở hữu như ăn, uống, bài tiết, nếu tất cả mọi người có thể cùng thông hiểu, thì cho dù có tranh cãi, rồi mọi người sẽ cảm thấy sự đủ đầy ngập tràn trong tâm hồn, sống một cuộc đời khỏe mạnh. Có thể ở thời đại của chúng ta, việc thực hiện triệt để vẫn còn vướng phải những khó khăn, nhưng chắc chắn năm mươi năm sau, hay một trăm năm sau, thế hệ sau của chúng ta, chắc chắn có thể thực hiện được.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi và lối sinh hoạt tại thiền viện Eihei giống như câu tục ngữ “Nhất kỳ nhất hội,” có những lần gặp gỡ là định mệnh, là duy nhất, chính bởi thế phải trân trọng cơ hội ấy.
Vẫn chỉ là những ngày tháng bắt chước nghi thức dùng bữa nhưng sau đó, cũng có người (đôi khi cả bản thân tôi) cảm thấy ngạc nhiên vì “tôi vẫn có thể tiếp tục”. Nếu như là thiền sư Dogen, tôi nghĩ rằng, có thể thầy sẽ nói với tôi: “Trông kìa, cậu đã cảm thấy rất yên tâm với cách sinh tồn đó, đúng không?” Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi có người cảm thấy hứng thú với cách sống và sinh hoạt như vậy, tôi biết ơn vì mọi người đã cho tôi cơ hội viết nên cuốn sách này.
Nghi thức dùng bữa mà tôi gửi gắm tới bạn chính là sợi dây gắn kết tất cả những sinh mạng tồn tại trên hành tinh này. Việc tôi có thể thực hiện được chẳng phải là do công sức của tôi. Chính bởi thế, kể từ bây giờ, tôi sẽ gửi gắm nghi thức này tới những người mà ông trời sắp đặt mối lương duyên của tôi với họ, để truyền lại cho thế hệ sau này, sẵn sàng ăn chay mỗi ngày.
Hãy sắp xếp và khởi động cơ thể bằng nghi thức dùng bữa nhé.
Dù là nhận được bát cơm niêu giống như bao người khác, nhưng vẫn vô cùng trân trọng giống như một người bạn đồng hành, nếu làm được như vậy, tất cả mọi cá thể trên thế giới này sẽ gắn kết với nhau, chắc chắn mọi vấn đề sẽ được giải quyết.
Mặc dù không phải là “lời răn” hay cái gì to lớn đến thế, nhưng chính vì bạn đã đọc tới những dòng cuối cùng của cuốn sách, tôi tin bạn sẽ trân trọng những nội dung được trình bày trong cuốn sách này, và gửi gắm nó tới những người xung quanh.
Kỳ chư duyên cát tường phúc thọ vô lượng.
Cầu chúc vô lượng nhân duyên, vô lượng cát tường, vô lượng phúc thọ.
Ngày lành, tháng 5 năm Bình Thành thứ 27 (năm 2015)
Chín lạy,
Seigaku